Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 27.11

27 Tháng Mười Một
Tiếng Vọng Rừng Sâu

Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ, giận mẹ nhưng không thể xúc phạm một cách trực tiếp, cậu chạy đến một thung lũng cạnh một khu rừng rậm. Cậu lấy hết sức mình và thét lên: "Tôi ghét người". Cậu ngạc nhiên vô cùng vì từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét người". Cậu hoảng hốt quay về với mẹ và khóc nức nở. Cậu không thể hiểu được từ trong rừng đã có người thù ghét cậu.

Người mẹ nắm tay đưa cậu trở lại khu rừng và bảo cậu hãy hét lên: "Tôi yêu người". Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì cũng có người nói vọng lại: "Tôi yêu người". Lúc đó người mẹ mới giải thích cho cậu như sau: "Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì người đó gặt bão. Nếu con thù ghét người, thì người cũng sẽ thù ghét con. Nếu con yêu thương người, thì người cũng sẽ yêu thương con".

Hận thù lúc nào cũng kéo theo hận thù, bạo động lúc nào cũng sinh ra bạo động. Chỉ có tình yêu mới làm phát sinh tình yêu. Bạo động và hận thù không thể là phương thế để cải tạo xã hội. Chỉ có tình yêu đích thực mới cải đổi được lòng người. Bạn hãy sống cao thượng. Bạn hãy lấy tình yêu để đáp trả lại hận thù. Tiếng vọng cao đẹp nhất của một nghĩa cử yêu thương lúc nào cũng là tiếng vọng của bình an tự trong đáy tâm hồn chúng ta.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 26.11

26 Tháng Mười Một
Vui Với Người Vui, Khóc Với Kẻ Khóc

Cha Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những kỷ niện mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về, ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như sau:" Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì". Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.

Ba tôi đang đau liệt trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào? Lúc đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:" Con không biết rằng con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?"

Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì tính xấu xa của tôi.

Tôi không bao giờ quên được câu chuyện trên đây? Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.

Ba nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá trị của việc làm và sự đóng góp của mình.

Nguyên tắc thứ hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.

Nguyên tắc thứ ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.

Có lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con không bằng lòng khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?".

Nguyên tắc trên đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài: "Vui với người vui, khóc với kẻ khóc".

Dù sống trong địa vị nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn, mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là:" Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính mình".


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 25.11

25 Tháng Mười Một
Không Qúa Muộn Ðể Nên Thánh

Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:

Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.

Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.

Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.

Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.

Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.

Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:

"Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".

Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.

Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai. Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng. Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:

"Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?"

Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.

Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 24.11

24 Tháng Mười Một
Ðây Bài Ca Nghìn Trùng

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, từ dạo Ðức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá, cuộc sống và cái chết của Ngài đã trở nên một bài ca nghìn trùng, một bản tình ca muôn thuở nói lên mối tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, được thể hiện qua cái chết tự ý thực tình của Ngài để sống trọn từng chữ lời mình tuyên bố:

"Không có Tình Yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng, bài ca muôn thuở của một cuộc đời sống cho tình yêu và một cái chết, chết cho cuộc tình. Vì thế, cuộc sống khó nghèo, khiêm tốn, lam lũ để dấn thân rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế của Ðức Giêsu phải kết thúc bằng cái chết tang thương, tất tưởi, cái chết đầy đau đớn, tủi nhục trên thập giá, để ngàn đời hai bàn tay bị đinh đâm thâu qua không thể nào nắm lại được nữa, nhưng muôn thuở một bàn tay luôn xòe ra như muốn nói: "Vâng, Con hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha", và bàn tay kia luôn mở rộng như muốn nói: "Vâng, Ta chọn tình thương yêu và sẵn sàng phục vụ mọi người cho đến khi đổ giọt máu cuối cùng".

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng của cuộc sống dấn thân phục vụ được kết thúc trên thập giá để từ dạo ấy thập giá là biểu tượng cho một quy luật muôn thuở của Tin Mừng do Ðức Giêsu rao giảng: "Nếu hạt lúa gieo xuống đất không mục nát đi, nó cứ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi, nó sinh ra được nhiều hạt khác".

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, đây bài ca tình thương muôn thuở được sướng lên để chờ đợi những câu đáp trả. Ngày hôm nay, nhân ngày lễ mừng thánh Andrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa cuộc sống và cái chết vì đức tin, vì tình yêu của các bậc đàn anh, đàn chị, của chúng ta như những câu đáp lại điệp khúc bản tình ca của Chúa Giêsu: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".

Một điểm son nổi bật nhất trong những thành tích vẻ vang chứng tỏ niềm tin sắt đá được các thánh tử đạo Việt Nam ghi vào những trang sử của Giáo Hội là: Lòng tôn kính thập giá.

Không hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam thời đó đã dùng thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là "Quá khóa" để dùng thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết. Nhưng trăm ngàn hình khổ đã không làm cho các vị anh hùng đức tin Việt Nam tự ý bước qua thập giá, dấu hiệu của Ðấng đã rao giảng và đã thực hiện lời mình xác quyết: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".

Không bước qua thập giá để chứng tỏ mình không chối bỏ đạo, không chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, không chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mình dù phải chịu tan xương nát thịt, dù phải chịu kìm kẹp, giam cầm, dù phải chịu voi dày ngựa xéo, dù phải chịu đầu rơi máu đổ, các vị tử đạo Việt nam đã nêu gương đáp lại tình yêu của Ðấng chết treo trên thập giá để:

- Nợ máu, các ngài đã trả bằng máu.

- Nợ tình, các ngài đã trả bằng tình.

- Nợ mạng sống, các ngài đã trả bằng những cái đứnng lặng im, không qua khóa, nhưng cái đứng bất động này là những cử chỉ hùng hồn dẫn các ngài đến cái chết vì một niềm tin, chết cho một cuộc tình như Ðức Giêsu đã nêu gương.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

HÌNH ẢNH RƯỚC KIỆU LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN 24-11-2010



Chiều ngày 24-11-2010 vào lúc 17 giờ 30. Trước Thánh Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn Mạng Hội Thánh Việt Nam, Giáo Xứ Thuận Phát đã tổ chức cuộc Rước Ảnh Các Thánh Tử Đạo VN thật long trọng.

HÌNH ẢNH CUỘC RƯỚC.


Hữu Toàn.

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 23.11

23 Tháng Mười Một
Tấm Gương Trong Lâu Ðài Versailles

Lâu đài Versailles ở ngoại ô Paris là một trong những danh lam thu hút nhiều du khách nhất. Trong lâu đài, nơi mà du khách cảm thấy bị giữ chân lâu nhất đó là phòng khánh tiết bằng pha lê, được trang bị bằng hàng ngàn tấm kính từ trên trần nhà đến các vách tường.

Du khách sẽ ngỡ ngàng vì một hiện tượng lạ lùng: Nếu bạn đưa tay ra và chỉ về một phía nào đó, bạn sẽ thấy có hàng trăm ngàn cánh tay và hàng ngàn khuôn mặt đang hướng về bạn như đang ngắm nhìn bạn. Bạn sẽ cảm thấy như mọi người đang chú ý đến bạn. Nhưng nhìn cho kỹ thì tất cả những cánh tay, tất cả những khuôn mặt đó đều là của bạn.

Ðó là hình ảnh của mỗi người trong chúng ta. Ai trong chúng ta cũng cho mình là quan trọng nhất. Tất cả mọi hành động, mọi ý nghĩ, mọi lời nói, đều tập trung vào bản thân chúng ta và trong lòng chúng ta không còn một chỗ trống nào dành cho người khác.

Cái tôi trong chúng ta có thể là một trở ngại cho tương giao giữa chúng ta và người khác cũng như tương giao giữa chúng ta và Chúa. Sự sống của Chúa chỉ có thể lớn mạnh trong chúng ta và sự sống của chúng ta chỉ có thể triển nở là lúc chúng ta thực sự sống cho Chúa. Lời của Ngài phải tiêu diệt cái tôi ích kỷ trong chúng ta để chúng ta có thể lớn lên trong Người. Nói như thánh Gioan Tẩy Giả khi gặp chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Thưa bạn, đó là bí quyết trong cuộc sống của người Kitô chúng ta.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 22.11

22 Tháng Mười Một
Nồi Cháo Tuyệt Vời

Một hôm, có một người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà cho biết trong nhà bà không còn gì để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: "Bà đừng lo, tôi có mang theo một hòn đá có thể biến nước thành một thứ cháo tuyệt vời nhất trần gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn".

Thấy người lạ mặt đề nghị một cách nghiêm chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn nhất và đặt lên bếp. Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng giềng để mời sang chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy ra. Trước đôi mắt mở to của mọi người, người khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa lên miệng nếm, ông vừa hít hà: "Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một ít khoai thì tốt hơn". Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề nghị: "Trong bếp tôi còn một ít khoai". Nói xong, bà đon đả chạy về nhà mang khoai sang. Người khách lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào trong nồi. Một lát sau, ông nếm thử và nói: "Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút thịt thì chắc chắn phải ngon hơn".

Nghe thế, một người đàn bà khác chạy về mang thịt đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên trộn xuống một hồi rồi nếm thử và nói: "Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi cháo của tôi, nhưng nếu có thêm một chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo". Dĩ nhiên, ai cũng muốn nếm thử nồi cháo, cho nên ai cũng hăm hở đi tìm rau. Có người mang đến nguyên một giỏ củ cà rốt và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau vào nồi rồi ra lệnh cho người đàn bà chủ nhà: "Bây giờ tôi cần một ít muối và tiêu nữa là có được một nồi cháo ngon nhất trần gian". Khi nồi cháo đã sẵn sàng, ông hối thúc mọi người đi tìm chén bát đến. Có người mang cả bánh mì và trái cây.

Mọi người vui vẻ ngồi vào một bàn tiệc bất ngờ. Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người khách lạ lẻn đi. Ông vẫn để lại hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm có thể sử dụng để cùng nấu chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.

Một hòn đá, cộng với một ít thực liệu và gia vị sẽ tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh của sự đóng góp vào phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.

Bà góa thành Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực hằng ngày trong suốt mùa hạn hán. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhân bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé...

Với một chút đóng góp từ lòng quảng đại của con người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất cả những công trình bác ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách khiêm tốn: Chúng ta hãy nhìn vào công trình của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của cha Pierre, sáng lập cộng đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ giúp các Giáo Hội đau khổ: một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô danh... Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm của con người.

Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta cơ may để đón nhận phép lạ của Ngài. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của cúng ta. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một chút những gì chúng ta có thì có biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung hưởng phép lạ của Thiên Chúa.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIV TN - ĐỨC GIÊSU KYTÔ VUA VŨ TRỤ



Vào lúc 5 giờ 30 ngày 21-11-2010 Lễ Đức Giêsu Kytô Vua Vũ Trụ. Giáo xứ Thuận Phát đã long trọng tổ chức nghi thức Rước Kiệu Tượng Chúa Giêsu Kytô Vua Vũ Trụ và cũng là Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng của giáo khu 4 ( Giáo khu Kytô Vua ).
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe Thánh Lễ.

Hình ảnh Thánh Lễ.


Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 21.11

21 Tháng Mười Một
Vâng ý Cha Dưới Ðất Cũng Như Trên Trời

William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh "Lạy Cha" như sau: Giữa những câu "chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến" và câu "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.

Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.

Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.

"Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta".

Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: "Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền" và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.

Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: "Xin vâng!".


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 34 TNC CHÚA KITÔ VUA (Lc 23, 35-43)


VUA TÌNH YÊU

Quyền bính là để phục vụ, chứ không phải là để được người ta phục vụ. Quyền bính được ban cho ai thì người đó có bổn phận phục vụ người khác, chứ không phải dùng quyền của mình mà hành hạ người khác. Người có quyền thường thì bao giờ cũng thấy mình lớn. Hơn nữa, quyền bính nó còn làm cho cái tôi của người có quyền càng lớn hơn. Khi họ có quyền trong tay thì họ làm điều gì mà chẳng được. Thích phạt là phạt, thích tha là tha. “Lãnh đạo theo kiểu tình cảm.” Đây là cái lối lãnh đạo mà người ta vẫn thấy xảy ra nơi này nơi kia trên khắp thế giới.

Chúa Giêsu, Ngài là Vua, nhưng là vua không theo kiểu vua chúa ở trần gian. Vua chúa ở trần gian thì dùng quyền lực, dùng vũ khí, dùng mưu mô… để thống trị người khác. Còn Chúa Giêsu, Ngài không dùng những thứ đó, mà Ngài dùng tình yêu để đối xử với con người. Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu, ông có phải là vua không ? thì Chúa Giêsu đã trả lời rằng: ông nói đúng, Tôi là Vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. Ngoài ra, nước Thiên Chúa cũng không có tên trên bản đồ thế giới mà nó ở trong tâm hồn con người. Chúa Giêsu, Ngài là Vua, nhưng vua không có cận vệ, không có vũ khí, không có trụ sở, không có cơ quan này cơ quan nọ, cũng chẳng có ngai… mà cận vệ của Ngài là nhóm 12 tông đồ, là những người nghèo khổ, là những người bệnh tật, là những người tội lỗi bị người ta hắt hủi, cho là những người bị quỉ ám… Quả thất ! Chúa Giêsu, Ngài là Vua, nhưng trụ sở của Ngài không phải là những cung điện, những toà nhà cao trong đó có đủ mọi thứ phương tiện, mà trụ sở của Ngài là vệ đường, rong ruổi khắp xứ Palestine để kiếm tìm thần dân của Mình là người đau khổ, bất hạnh, đói khát, tội lỗi… Còn ngai của Ngài không phải là ngai vàng mà là cây thập giá, nơi đó Ngài cũng không ngồi để xét xử như bao vị vua khác ngồi trên những chiếc ghế sang trọng hay như Philatô ngồi trên toà cao mà xét xử tội nhân. Ngoài ra, vũ khí của Ngài là những lời yêu thương, an ủi, cảm thông, chia sẻ, tha thứ… Quả thế, vũ khí của Ngài là những luật lệ chẳng giống luật lệ trần gian chút nào ! và càng khó hơn nữa khi áp dụng luật của Ngài vào cuộc sống, vì luật của Ngài là luật yêu thương, luật công bằng, luật chân thật, không giả dối, không lươn lẹo… Hơn nữa, sống sự thật thì chẳng dễ dàng chút nào ! vì sự thật thì mất lòng, sự thật làm cho người ta bị thua thiệt, sự thật làm cho người ta bị coi là ngu dại và thậm chí sự thật còn làm cho người ta mất mạng sống như chính Chúa Giêsu khi đến trần gian để làm chứng cho sự thật thì bị người ta ghen ghét và giết chết. Do đó, chỉ những ai luôn biết sống sự thật, tôn trọng sự thật, làm chứng cho sự thất thì những người ấy là những công dân của nước trời, là những người thuộc về nước trời. Vì “Ai hâm mộ thật thì nghe tiếng tôi.”
(Ga 18, 37)

Như vậy, mỗi người Kitô hữu chúng ta, dù sống ở bậc sống gia đình hay tu trì, hãy luôn sống đúng tinh thần của Chúa là yêu thương và tôn trọng nhau trong cuộc sống, vì “Đâu có tình yêu thương thì ở đấy có Đức Chúa Trời.”

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để làm chứng cho sự thật. Xin cho chúng con luôn ý thức được tầm quan trọng của sự thật để chúng con sống là sống cho sự thật, cho dù phải thua thiêt, phải mất mát, phải hy sinh… nhưng đổi lại chúng con có được Chúa, có được hạnh phúc nước trời còn hơn là sống giả dối để rồi “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi.” Amen.


Lm GB Phan Kế Sự

(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 20.11

20 Tháng Mười Một
Con Lừa Của Chúa

Thánh Gioan Maria Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không còn đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến khảo sát Vianney. Vianney đã không trả lời được câu hỏi nào... Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn: "Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?".

Vianney khiêm tốn, bình tĩnh trả lời: "Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng một cái xương hàm của một con lừa để đánh bại được 3 ngàn quân Philitinh. Vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao?".

Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương tình của Người. Người chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta. Người quyền năng đến độ có thể biến sự dốt nát, tầm thường của chúng ta thành những giá trị siêu phàm.

Ðiều quan trọng chính là sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Người. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Ngài, ngay cả bằng chính sự dốt nát, vô dụng của mình.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 19.11

19 Tháng Mười Một
Một Lỗ Nhỏ Trên Vách Tường

Tại một trung tâm bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.

Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến. Ðó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong trung tâm bài phung đó đã giải thích cho vị nữ tu như sau:

"Người đàn bà ấy chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy tôi. Mỗi ngày, nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn... Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này.

Nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi. Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hỏng của vách tường và mỉm cười với tôi. Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống...".

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu đã làm cho người vợ không nhìn người chồng xấu số như một con người đáng xa lánh. Tình yêu của người vợ đã đem lại sức mạnh và niềm vui sống cho người chồng... Nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêu. Bất cứ ai cũng cần đến tình yêu và muốn thể hiện tình yêu... Bạn có biết rằng có bao người đang cần một nghĩa cử, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông của bạn không?

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 18.11

18 Tháng Mười Một
Tôi Ðã Gặp Ngài

André Frossard, một ký giả người Pháp đã cho xuất bản cuộc phỏng vấn Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cách đây vài năm, là con của một người theo chủ nghĩa Marxit. Chính ông đã từng là một người cộng sản đầy xác tín...

Ngày nọ, ông phải đưa một người bạn đến một tu viện. Trong lúc chờ đợi người bạn, ông tò mò bước vào một nhà nguyện có đặt Mình Thánh Chúa. Ông không bao giờ nghĩ rằng Chúa đang chờ ông. Trong một phút chốc, ông bỗng nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong tâm hồn. Bừng dậy sau một cơn mê tăm tối, ông bước ra khỏi nhà nguyện chạy tức tốc đến người bạn và hô lớn: "Thiên Chúa hiện hữu. Ðó là một chân lý".

Ông đã ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng ấy trong một quyển sách với tựa đề: "Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Người". Quyển sách đã được liệt kê vào danh sách của những tác phẩm bán chạy nhất...

Dù cho ta có chối bỏ Thiên Chúa, Người vẫn luôn luôn chờ đợi ta. Tại một góc đường nào đó, trước một ánh nến lung linh nào đó, trong một biến cố đau thương nào đó, Người đang chờ ta. Phải, Thiên Chúa như một người tình chung thủy lúc nào cũng chờ đợi ta... Chỉ có sự thất vọng, chán nản mới có thể hủy bỏ mọi hẹn hò của Thiên Chúa. Bao lâu ta còn tìm kiếm, bao lâu ta còn phấn đấu, bao lâu ta còn hy vọng, thì bấy lâu Thiên Chúa vẫn còn chờ đợi ta...


Trích sách Lẽ Sống

LINH HỒN MỒ CÔI

Hỏi: nhân tháng cầu cho các linh hồn (tháng 11) xin cha giải thích rõ về những linh hồn mà người ta quen gọi là “mồ côi” và “khốn nạn” trong nơi Luyện hình.

Trả lời:

I- Trước hết về những linh hồn gọi là “mồ côi”

Giáo dân Việt-Nam thường có thói quen xin lễ cầu cho những linh hồn “mồ côi” vì cho rằng những linh hồn này không có thân nhân, bạn hữu còn sống để cầu nguyện cho.

Điều này không đúng theo giáo lý của Giáo Hội vì những lý do sau đây:

1- Các linh hồn mà Giáo Hội cầu nguyện cho là AI?

Họ là những tín hữu đã ly trần “trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, mặc dù được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời, nhưng vẫn phải chịu một sự thanh luyện cần thiết sau khi chết hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui Thiên đàng.”
(SGLGHCG, số 1030).

Nói khác đi, những ai đã chết trong tình trạng đang hiệp thông với Chúa nghĩa là không có tội trọng (mortal sin) hoặc có nhưng đã ăn năn kịp thời và được tha qua bí tích hoà giải, thì được bảo đảm về ơn cứu rỗi đời đời, nhưng vẫn phải trải qua một thời gian ở nơi gọi là “Luyện tội=Purgatory” để được thanh tẩy khỏi mọi hình phạt hữu hạn (temporal punishment) của tội đã được tha, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì “sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau.”
(Mt 12:32). Xin nhắc lại tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người.

Giáo Hội chỉ dạy cầu cho các linh hồn còn đang được thanh luyện trong Luyện tội mà thôi, chứ không cầu cho những linh hồn ở nơi gọi là “Hoả ngục=Hell” được vì không còn sự hiệp thông nào giữa nơi này với Thiên đàng và Giáo Hội lữ hành trên trần thế. Nghĩa là những linh hồn ở đây “đã vinh viễn xa lìa Thiên Chúa và các thánh trên trời”
(x. Sđd, số 1033).

Tuy nhiên, chúng ta không biết được những ai đang bị phat trong hoả ngục. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là Cha quá nhân từ, nên “Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải”
(2Pr 3: 9) để được cứu rỗi. Và chỉ một mình Ngài biết số phận đời đời của những ai đã ly trần mà thôi. Giáo Hội không biết được nên chỉ dạy cầu cho các linh hồn đã ly trần, chứ chưa hề tuyên bố ai đã sa hoả ngục rồi nên khỏi cầu xin nữa. Tuy nhiên, Giáo Hội có quyền phong thánh (canonization) cho một số tín hữu đã qua đời để long trọng tuyên bố rằng “những tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh hùng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa…” (x. Sđd, số 828) như thánh Maria Goretti, Têrêsa Giêsu Hài Đồng, Thánh Phanxicô Xaviê, và 117 anh hùng tử đạo Việt-Nam (ngày 19-6-1988) .v.v… Dĩ nhiên, muốn được phong thánh, phải hội đủ những điều kiện theo luật của Giáo Hội đòi hỏi.

2- Có linh hồn nào gọi là “mồ côi” không?

Đối với tất cả các tín hữu đã ly trần, hàng ngày, khi cử hành Thánh lễ Tạ Ơn (The Eucharist), Giáo Hội cầu nguyện cách chung cho tất cả như sau:

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.”
(Kinh nguyện Tạ Ơn II)

Các Kinh Nguyện Thánh Thể
(Tạ Ơn) I, III và IV đều có những lời cầu xin tương tự như vậy cho các linh hồn đã ly trần, nghĩa là không có chỗ nào phân biệt linh hồn có thân nhân còn sống đang xin lễ cầu nguyện cho hay những linh hồn không có thân nhân còn sống để cầu nguyện cho nữa.

Người có thân nhân còn sống xin lễ cầu nguyện cho ai đã ly trần thì Giáo Hội đọc thêm lời cầu sau đây:

“Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là…(tên thánh) mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa thì cũng được sống lại như Người”.

Như vậy, nếu có ai xin lễ cầu cho một hay vài linh hồn nào, thì Giáo Hội đọc thêm lời cầu trên đây, nhưng vẫn không quên cầu cho tất cả các tín hữu đã ly trần không phân biệt người còn thân nhân hay “mồ côi” vì không có ai xin lễ cầu nguyện cho.

Nói linh hồn “mồ côi” là nói theo suy nghĩ của con người mà thôi; và điều này không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội, vì Giáo Hội không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân còn sống như người ta quen nghĩ mà chỉ cầu chung cho tất cả các tín hữu đã ly trần ngay cả trong những thánh lễ có người xin cầu riêng cho những linh hồn thân nhân của họ đã qua đời.

Như vậy, không có vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và thực hành của Giáo Hội.

Cũng xin được nói lại ở đây một lần nữa là những linh hồn đang được thanh luyện trong chốn Luyện hình đã là những linh hồn thánh (Holy souls) nhưng họ chưa thánh thiện đủ để vào Thiên Đàng hưởng nhan thánh Chúa cùng các thánh nam nữ khác. Vì thế, họ cần được “tạm trú” ở đây một thời gian dài ngắn tuỳ theo lượng khoan dung và công bằng của Chúa. Họ cần sự giúp đỡ của những tín hữu còn sống trong Giáo Hội lữ hành trên trần thế và các Thánh ở trên Thiên Đàng nguyện giúp cầu thay cho họ sớm được tha hình phạt hữu hạn để vào Thiên Quốc.

II- Có linh hồn nào bị coi là “khốn nạn” trong nơi luyện tội hay không?

Trong một kinh đọc trước thánh lễ ở một vài cộng đoàn Việt-Nam, người ta nghe thấy có những câu đại ý như sau: “Xin Chúa ban những ân xá nào có thể chỉ được cho các linh hồn, nhất là những linh hồn khốn nạn trong luyện ngục…”

Tôi không nhớ rỏ từng chữ trong kinh này nhưng chắc chắn có nghe cụm từ “những linh hồn khốn nạn trong luyện hình.”

Vậy Ai là những linh hồn “khốn nạn” trong luyện hình? Mà “khốn nạn” theo nghĩa nào?

Chắc chắn đây chỉ là tưởng tượng của ai đã đặt ra kinh “quái dị” nói trên để giáo hữu một số nơi cứ đọc mà không ai chịu sửa chữa cho phù hợp với giáo lý, tín lý của Giáo Hội.

Như đã giải thích ở phần trên, các linh hồn, dù đau khổ trong nơi luyện tội, đã là các linh hồn thánh (Holy Souls) rồi và có thể chuyển cầu đắc lực cho các tín hữu trên trần thế, nhưng không thể tự giúp mình được vì thời gian đả mãn, không cho phép họ làm việc lành thêm hoặc phạm tội thêm được nữa. Họ là những người có hy vọng chắc chắn được cứu rỗi, và chỉ còn chờ thời gian sớm hay muộn mà thôi. Vậy làm sao họ có thể bị coi là “khốn nạn” được? Có chăng chỉ có những linh hồn đã phải lìa xa Chúa đời đời trong nơi gọi là “hoả ngục” thì mới “khốn nạn” mà thôi, vì phải lìa xa Chúa vĩnh viễn. Và chúng ta cũng không thể làm gì để cứu họ được, vì không có sự hiệp thông nào giữa những ai ở hoả ngục với các thánh ở trên trời và các tín hữu còn trong Giáo Hội lữ hành trên trần gian.
(x. SGLGHCG số 1033)

Vậy dứt khoát không có vấn đề cầu cho những linh hồn “khốn nạn” trong luyện hình vì từ ngữ này không đúng để mô tả tình trạng của các linh hồn ở nơi đó.

Họ có đau khổ bao lâu chưa được hưởng Nhan Thánh Chúa, là nguồn mọi vinh phúc, hoan lạc của các thánh và các thiên thần, nhưng họ được bảo đảm ơn cứu độ muôn đời, vì đã ra đi trong ơn nghĩa của Chúa, nghĩa là sẽ có ngày họ được hưởng Nhan Thánh Ngài. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vì chưa được thánh thiện hoàn toàn để vào ngay Thiên Đàng nên họ phải chịu thanh tẩy ở nơi thanh lọc cuối cùng này trong một thời gian dài ngắn tuỳ theo lượng khoan dung và công bình của Chúa đòi hỏi. (
x Sđd, số 1030-1031)

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

(nguồn : vietcatholic.net)


Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 17.11

17 Tháng Mười Một
Trong Mọi Sự, Hãy Nghĩ Ðến Cùng Ðích

Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: "Ở đây có bán sự khôn ngoan".

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng... Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ... Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: "Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích".

Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy...

"Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích".

Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo Hội muốn ngỏ với mọi người chúng ta trong những ngày tháng cuối cùng của năm Phụng Vụ này. Mỗi năm qua đi: đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này.

"Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích". Người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học sinh nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài... Ðiểm đến thúc đẩy con người hăng say làm việc.

Thời Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo khi ông cho đóng tàu để phòng nạn Hồng Thủy. Ðối với họ, chuẩn bị để đương đầu với tai nạn, chuẩn bị để làm một cuộc hành trình dài là một chuyện viển vông, là điều ngu xuẩn...

Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người sẽ không bao giờ chết: đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sống như thế là sống không định hướng, sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô đã gọi những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của mình... Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả mọi hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thể chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng, thất vọng...

Nhưng dĩ nhiên, không phải từ sức mình, chúng ta có thể xây dựng cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban nhưng không của Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp trả tích cực mà thôi... Ước gì từng suy nghĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời mời gọi vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này...


Trích sách Lẽ Sống