Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật III mùa thường niên năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A (Mt 4, 12-23)


Mời xem videoclip

GIỮA ĐỜI THƯỜNG


Vào cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi nhiều người đi theo Chúa, vì ơn cứu rỗi của họ và của nhiều người khác.


Ông Phêrô và Anrê, ông Giacôbê và Gioan, vốn là những kẻ làm nghề chài lưới, khi được Chúa gọi thì sẵn sàng và dứt khoát bỏ nghề, bỏ ghe bỏ thuyền, bỏ tất cả mà đi theo Chúa. Và khi đã đi theo Chúa, các ông một lòng một dạ trung thành nghe lời Chúa dạy, làm điều Chúa muốn, và thông tin cho người khác về ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

Không chỉ có 4 ông mà Chúa còn gọi nhiều người làm tông đồ cho Chúa. Từ đôi ba năm bảy con người, đến hàng chục, hàng trăm, hàng triệu người và trong số đó có cả bạn cả tôi: Tất cả những con người được kêu gọi đến nhận lãnh bí tích Rửa Tội để mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và trở nên con cái của Thiên Chúa.

Đến hôm nay, vẫn còn nhiều tín hữu Công Giáo chưa nhận ra rằng mình được Chúa Giêsu kêu gọi làm tông đồ cho Chúa. Hoặc nghĩ rằng ơn gọi và công việc tông đồ chỉ dành cho các linh mục, tu sĩ mà thôi. Và càng nhầm lẫn nguy hiểm hơn khi những suy nghĩ ấy là những suy nghĩ của các linh mục tu sĩ.

Vâng, có những người bình thường, còn có khi là tầm thường, được Chúa thương cách lạ, đã gọi và chọn làm linh mục cho Chúa để tế lễ đời mình cùng với của lễ toàn thiêu là Chúa Giêsu mà ban phát muôn ân sủng của Thiên Chúa cho con người.

Ơn gọi đặc biệt ấy dành cho một số người, không có nghĩa là những người khác không có ơn gọi. Thiết tưởng, đừng ai quên rằng, trước khi làm linh mục hay tu sĩ, hay là giáo dân chăng nữa, thì mỗi tín hữu đã được kêu gọi tới lãnh nhận chính Đức Giêsu Kitô và trở nên con cái của Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội.

Mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau trước mặt Chúa qua Bí tích
Rửa Tội qua ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Rồi sau đó, Chúa lại đặt định cho mỗi người một công việc, một hoàn cảnh, và dù công việc gì hay hoàn cảnh nào cũng phải chu toàn chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa Tội.

Trong bài giảng lễ an táng Mẹ tôi, Cha Phêrô Khổng Văn Giám có nói rằng: “Suốt cuộc đời làm nữ hộ sinh, Cụ Bà Anna đã mạnh dạn tuyên xưng mình thuộc dòng dõi của Thiên Chúa, là con cái của Thiên Chúa. Bà cũng đã chu toàn vai trò ngôn sứ là rao giảng Thiên Chúa và Nước Thiên Chúa ngay trong công việc hộ sinh của mình. Hôm nay, bà đã hoàn tất vai trò tư tế của mình trong cuộc đời. Chính bà đã tế lễ và cũng chính bà là lễ tế…”

Xin trích lại lời giảng của Cha Phêrô, một linh mục đã ngoài 80 tuổi, tôi không có ý nói đến các nhân đức của mẹ, nhưng muốn trình bày một nhìn nhận về ơn gọi làm chứng nhân giữa đời thường của tất cả các tín hữu.

Giữa đời thường trong bậc sống hôn nhân gia đình hay độc thân, mỗi tín hữu hẳn phải tự hào là con cái của Thiên Chúa và sống sao cho xứng với dòng dõi của Thiên Chúa. Đời sống chuẩn mực của con cái Thiên Chúa là “ Sám Hối và Tin Vào Tin mừng”. Việc sám hối không dừng lại ở chỗ nhận ra những gì nghịch với Thiên Chúa, nhưng còn phải tiến xa hơn là cởi bỏ con người cũ, nếp sống cũ, để mặc lấy con người mới theo tinh thần của Tin Mừng.

Và dù trong hoàn cảnh nào, nghề nghiệp nào, mỗi tín hữu cũng có thể chu toàn vai trò ngôn sứ của mình. Họ sẽ chia sẻ tinh thần Tin Mừng mà họ đã trải nghiệm trong cuộc sống. Thêm vào đó, những việc đạo đức của Cha sở, bài giảng của Cha sở, lời Chúa hằng tuần, không chỉ nghe rồi thôi, mà còn được chia sẻ, loan truyền trong gia đình, trên rẫy, nơi quán cà phê, nơi phố chợ… Lời Chúa đã trở nên niềm vui, nguồn sống cho mọi người, khi các tín hữu nối dài bài giảng của Cha sở bằng việc sống thánh giữa đời, tuân giữ lề luật Chúa, yêu thương bác ái cụ thể.

Thật đáng khâm phục những chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô đã can đảm tế lễ mình giữa dòng đời nghiệt ngã. Họ đang dâng lễ khắp nơi trong cuộc đời. Của lễ của cô bán bánh canh, chị bán cháo lòng, của lễ của anh đạp xích lô, em bán vé số, bán bong bóng và của cả người hành khất ven đường… của lễ của người làm thơ, viết nhạc, ngâm thơ, ca sĩ… của lễ của người đốn củi hầm than, làm rẫy, làm rừng… của lễ của những y bác sĩ, giáo viên… là tất cả những của lễ đẹp lòng Chúa, khi mỗi tín hữu ý thức rằng mình đang chu toàn vai trò tư tế với Chúa Giêsu, đã được lãnh nhận trong ơn gọi làm con cái Thiên Chúa.

Nguyện xin Lời Chúa hôm nay đánh động tâm hồn mỗi người chúng con, để một lần nữa, chúng con được vui mừng, vinh dự vì ơn gọi cao quí của mình, và hăng say làm chứng cho Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào.

PM. Cao Huy Hoàng
20-1-2011
(nguồn : thanhlinh.net)



LẼ SỐNG 23.01

23 Tháng Giêng
Chúa Giêsu Ði Xem Bóng Ðá

Một linh mục Ấn Ðộ chuyên về huấn luyện tu đức là cha Anthony de Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa được một lần tham dự một trận túc cầu. Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội Công Giáo. Ðội Công Giáo làm bàn trước một không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin Lành lại làm bàn. Lần này Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.

Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Ông ta lấy tay đập lên vai Ngài rồi hỏi: "Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?". Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: "Tôi hả? Tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi". Người khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Ông quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: "Hắn là một tên vô thần".

Trên đường trở về nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài: "Thưa Chúa, những con người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người thuộc tôn giáo khác".

Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: "Ðó là lý do tại sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người trọng hơn ngày Sabbat. Chúng con nên biết là chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên thập giá".

Câu chuyện tưởng tượng trên đây cho chúng ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại trải qua mọi thời đại: đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến tranh tôn giáo. Con người ai cũng bị cám dỗ nhân danh Thượng Ðế, thần minh và hệ tư tưởng của mình để triệt hạ, để loại trừ, để bách hại người khác. Kỳ thực, có tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung, lòng nhân từ đối với mọi người?

Chúa Giêsu đến để mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Ngài là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ. Ngài yêu thương những kẻ nhận biết và yêu mến Ngài cũng như những kẻ chối bỏ và thù ghét Ngài. Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như anh em cùng một gia đình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là Ðấng mà người ta cũng sẽ chối bỏ nếu người ta khước từ chính anh em đồng loại của mình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải là Ðấng mà người ta cũng sẽ xúc phạm nếu xúc phạm đến con người.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 22.01

22 Tháng Giêng
Người Hành Khất Quảng Ðại

Bangladesh là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Dĩ nhiên, trong một nước nghèo, thì hành khất vẫn là nghề thịnh hành nhât. Một nhà truyền giáo đã thuật lại một trường hợp hành khất lạ lùng như sau:

Sau một ngày làm việc nặng nhọc, một người đàn ông nọ đi về nhà mình không ngoài một phương tiện nào khác hơn là đôi chân. Người đàn ông dừng lại dưới một bóng cây và thiếp ngủ. Dáng vẻ của ông tiều tụy đến độ người qua lại lầm ông với một người hành khất. Không ai bảo ai, kẻ qua người lại đều dừng lại và bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu nhỏ. Không mấy chốc, chiếc mũ cũ kỹ đầy tiền.

Vừa thức giấc, người đàn ông ngạc nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường. Ông đếm từng đồng xu nhỏ: số tiền còn lớn hơn cả một ngày công của ông. Người đàn ông mỉm cười về nghề hành khất bất đắc dĩ của mình. Chợt nhìn thấy xung quanh mình có nhiều người hành khất đui mù tàn tật, người đàn ông lặng lẽ đi đến từng người và chia đều cho họ số tiền ông đã thu được và tiếp tục đoạn đường còn lại.

Adam Smith, kinh tế gia nổi tiếng của Tô Cách Lan vào thế kỷ thứ 18 đã nói một câu mà K.Marx đã lập lại trong một tác phẩm của ông. Câu nói đó là: "Một nước giàu có là một nước trong đó có nhiều người nghèo". Câu định nghĩa về sự phồn thịnh ấy vừa nói lên sự nghèo đói về mặt tinh thần mà những người sống trong một nước giàu có thể cảm nghiệm được, nó cũng nói lên những bất công xã hội mà những người nghèo trong một nước giàu phải gánh chịu.

Bần cùng thường sinh ra đạo tặc. Những nước nghèo là những nước có nhiều tệ đoan xã hội. Tuy nhiên, cũng chính trong cảnh nghèo ấy, người ta thường gặp được nhiều tấm lòng vàng. Cảnh nghèo có thể đưa con người đến chỗ giành giật xâu xé, nhưng cũng có thể khiến cho con người dễ cảm thông với người khác và san sẻ quảng đại hơn. Nhưng dĩ nhiên, chỉ những ai có tinh thần khó nghèo đích thực mới hiểu được giá trị của cảnh nghèo và sự thôi thúc của lòng quảng đại. "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó". Chúa Giêsu để lại cho chúng ta điều khoản cơ bản ấy của Hiến Chương Nước Trời. Có khó nghèo thực sự, con người mới cân lường được sự chóng qua của tiền của vật chất. Có khó nghèo thực sự, con người mới có thể mở mắt để nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh. Có khó nghèo thực sự, con người mới dễ cảm thông và mở rộng quả tim và lòng bàn tay để trao ban.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 21.01

21 Tháng Giêng
Chiếc Khăn Tay Vấy Mực

Ruskin là một nghệ sĩ, phê bình nghệ thuật kiêm xã hội học người Anh sống vào cuối thế kỷ 19.

Một hôm, có một người đàn bà quý phái mang đến cho ông xem một chiếc khăn tay đắt tiền đã bị vấy mực. Bà ta xuýt xoa tiếc rẻ vì chiếc khăn tay đã hoàn toàn mất giá trị của nó.

Ruskin không nói gì, ông chỉ xin cho ông mượn chiếc khăn tay trong một ngày. Ngày hôm sau, ông trao lại chiếc khăn tay cho người đàn bà mà cũng không nói một lời nào. Nhưng khi trải chiếc khăn tay ra, người đàn bà hết sức ngạc nhiên, bởi vì từ một vết mực trong góc của chiếc khăn, nhà nghệ sĩ đã biến thành một bức tranh tuyệt mỹ.

Chiếc khăn tay có vấy mực tưởng đã bị vứt đi, nay đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật để đời.

Những người có niềm tin vào cuộc sống không bao giờ bỏ cuộc trước những thất bại. Họ luôn biết biến những thất bại ấy thành khởi đầu của một thành công vĩ đại hơn.

Người có niềm tin vào Thiên Chúa cũng luôn nhìn vào thất bại, rủi ro, đau khổ trong cuộc sống như cơ may của một ân phúc cao cả và dồi dào hơn.

Dạo tháng 6 năm 1990, mục sư Anh giáo Michael Lapsley, người Zimbabwe bên Phi Châu, vì là mục sư Tuyên úy của tổ chức Quốc đại Châu Phi bao gồm các lực lượng tranh đấu cho quyền lợi của người da đen Nam Phi, đã bị quân khủng bố đặt chất nổ khiến ông bị cụt hai tay, mù một mắt và hỏng lỗ tai. Trong một tuyên ngôn công bố sau đó, ông đã viết như sau: "Họ đã lấy mất đôi tay của tôi. Nhưng tôi không buồn, bởi vì tôi không dùng đến võ khí để cần phải có đôi tay. Họ đã lấy mất một phần đôi mắt của tôi và thính giác của tôi, nhưng tôi vẫn còn có thể dâng hiến lời nói để tiếp tục rao giảng một cách xác tín và mạnh mẽ hơn".

Người ta vẫn thường nói: Yêu là chết trong lòng một ít. Tình yêu đích thực luôn luôn đòi hỏi hy sinh, mất mát. Nhưng chỉ có đôi mắt tình yêu mới nhận ra giá trị của những mất mát ấy.

Qua cái chết trên thập giá như một tiêu hao hoàn toàn, Chúa Giêsu đã bày tỏ Tình Yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, ánh sáng của Tình Yêu đã chiếu sáng qua sự mất mát ấy. Qua những hao mòn trong từng ngày của cuộc sống Mẹ Maria, Tình Yêu của Thiên Chúa cũng được tiếp tục bày tỏ. Có cái chết độc ác, tức tưởi của Chúa Giêsu trên thập giá, thì cũng có cái chết âm thầm từng ngày của Mẹ Maria. Ngày nay, tình Yêu của Thiên Chúa cũng cần có những mất mát, hao mòn khác của người Kitô để được tiếp tục bày tỏ cho con người, bởi vì sứ mệnh của người Kitô chính là bổ túc cho những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ðức Kitô.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 20.01

20 Tháng Giêng
Chuyện Một Khu Rừng

Một câu chuyện có thật đã được kể về nguồn gốc của một khu rừng như sau: Một ông lão người Pháp nọ, sau khi vợ qua đời, đã mang đứa con trai duy nhất của ông đến một vùng đất khô cằn nhất của Miền Trung nước Pháp để lập nghiệp. Thật ra, người đàn ông chỉ muốn quên đi cái quá khứ khó khăn vất vả.

Vùng đất khô cằn nơi ông đặt chân đến chỉ còn vỏn vẹn năm ngôi làng nhỏ với rất ít dân cư sống trong những căn nhà xiêu vẹo đổ nát, đa số đã bỏ lên những thành phố lớn để tìm công ăn việc làm. Ông lão trên 60 tuổi đưa mắt nhìn khung cảnh xung quanh và đi đến kết luận: nếu không có cây cối, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cả vùng này sẽ trở thành sa mạc hoang tàn. Sau khi đã dọn chỗ cho đàn cừu và một số gia súc khác, ông lão bắt đầu đi bộ dọc theo các lối đi và nhặt từng hạt dẻ. Ông chọn những hạt dẻ tốt để riêng và ngâm vào nước. Khi mặt trời vừa lên, ông dùng một thanh sắt nhọn moi những lỗ nhỏ và đặt cứ mỗi lỗ một hạt dẻ.

Ngày ngày như thế, trong liên tiếp 3 năm, ông lão đã trồng được 100 ngàn cây dẻ con. Ông hy vọng rằng ít nhất 10 ngàn cây còn sống sót. Ông cũng hy vọng rằng Chúa sẽ cho ông sống được thêm vài năm nữa để làm cho xong công tác trồng cây này.

Ông qua đời năm 1947, hưởng thọ 89 tuổi. Từ những hạt dẻ ông đã cặm cụi moi từng lỗ bỏ vào, nay nước Pháp đã có được một trong những khu rừng đẹp nhất thế giới. Trong ba khóm rừng mỗi khóm dài 11 cây số, những cây dẻ xanh tươi cao lớn đã có mặt để giữ nước mưa, làm cho cây cối xung quanh được xanh tươi và biến khu đồi khô cằn ngày xưa thành những dòng suối róc rách. Chim chóc đã trở lại. Sự sống cũng chớm nở. Dân chúng từ từ trở lại các ngôi làng cũ để xây nhà và làm lại cuộc đời.

Sự sống của thiên nhiên thường giúp con người bớt cô đơn. Ðồng ruộng, cây cỏ xanh tươi, tiếng chim ca hót thường khơi dậy niềm vui sướng trong lòng người. Ðó là lý do khiến cho những người sống ở thôn dã dễ có tâm hồn thanh thản và lạc quan vui sống hơn người thành thị.

Lớn lên ở thôn dã, chứng kiến cảnh gieo trồng của người nông dân, Chúa Giêsu đã mượn những hình ảnh của những sinh hoạt thôn dã ấy để nói về Nước Trời. Người gieo trồng nào cũng có niềm tin và sự lạc quan. Gieo hạt giống vào lòng đất là đặt tất cả niềm tin tưởng phó thác của mình vào thiên nhiên. Có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trong bụi gai. Nhưng kết quả cuối cùng vẫn là vụ mùa tươi tốt. Có những hạt rơi vào đất tốt, có những hạt rơi bên vệ đường, có những hạt rơi vào bụi gai. Có những kết quả trông thấy, có những âm thầm đau khổ, có những bách hại dữ dội, nhưng cuối cùng Giáo Hội của Ðức Kitô vẫn tồn tại và sinh ra được nhiều hoa trái của niềm Hy Vọng
.

Trích sách Lẽ Sống

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
GIUSE


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 6
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :

Ông GIUSE
NGUYỄN VĂN HÀN
Sinh năm 1921 tại Nam Định


Cư ngụ tại : 50 đường 51
P.Bình Thuận, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 6 – Giáo xứ Thuận Phát
Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 20g30 ngày Thứ Ba 18.01.2011
(Nhằm ngày 15 tháng Chạp năm Canh Dần)

Hưởng thọ 90 tuổi



CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Tư 19.01.2011

  • 15g30 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan.
Thứ Sáu 21.01.2011
  • 18g15 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
Thứ Bảy 22.01.2011
  • 04g15 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát
Sau đó di quan đi hoả táng
tại Bình Hưng Hoà, Bình Tân, TpHCM.


Thuận Phát, ngày 19 tháng 01 năm 2011
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 6
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

THÁNH QUAN DON BOSCO

THÁNH QUAN DON BOSCO
ĐẾN VIỆT NAM

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Thành lập Dòng Don Bosco, và 200 năm ngày sinh Thánh Don Bosco, Thánh quan Don Bosco sẽ đi thăm hơn 130 quốc gia. Tại Việt nam, Thánh quan Don Bosco được cung nghinh từ ngày 16-01-2011 đến ngày 01-02-2011.

Vào lúc 12g15 ngày Chúa Nhật 16-01-2011,
Thánh quan Don Bosco đã đến sân bay Tân Sơn Nhất từ Phi Luật Tân. Cha Giám tỉnh Giuse Trần Hòa Hưng và cha Phêrô Phạm Văn Chính, phụ trách Truyền Thông của tỉnh dòng Sa-lê-diêng Việt Nam, đã vào tận sân bay để đón Thánh quan và di chuyển Thánh quan ra khỏi phi trường qua khu vực Kho của cảng sân bay. Thánh quan được di chuyển trên một chiếc chuyên xa được thiết kế đặc biệt cho việc di chuyển này.

Đại diện các thành phần Sa-lê-diêng đã có mặt ại khu vực Kho của cảng sân bay để chào đón Thánh quan.

Đến Việt Nam, Thánh quan Don Bosco sẽ lần lượt viếng thăm các cộng đoàn của Hội dòng Don Bosco tại: Xuân Hiệp (Thủ Đức, Tp. HCM), Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Tam Hà (Thủ Đức), Phước Lộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đức Huy (Gia Kiệm, Đồng Nai), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Ba Thôn (Quận 12 Tp.HCM).

Ngày 1-2 Thánh quan được chuyển về Roma để bảo trì, chấm dứt thời gian viếng thăm vùng Đông Á.

Việc kỷ niệm 150 Năm Thành lập Tu Hội Sa-lê-diêng nhằm chuẩn bị cho việc kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Don Bosco. Việc cử hành này có nghĩa là canh tân lòng trung thành với Don Bosco, với linh đạo và sứ mệnh của ngài. Năm nay sẽ là Năm Thánh “Sa-lê-diêng” của Gia đình Sa-lê-diêng.

Việc hành hương của Thánh quan là dịp cầm lấy Cuốn tiểu sử Don Bosco trong tay như cha Bề trên Cả mong muốn. Chứng từ của đời sống ngài sẽ giúp Gia đình Sa-lê-diêng noi gương đức tin, tình yêu của ngài đối với Chúa và lòng nhiệt thành của ngài đối với anh chị em, cách riêng thanh thiếu niên nghèo khổ nhất. Toàn thể Gia đình Sa-lê-diêng trên thế giới sẽ gặp nhau để cầu nguyện bên Thánh quan Don Bosco, hợp thành một cộng đoàn tín hữu được Chúa Kitô kêu gọi tới sự thánh thiện, muốn thánh hoá mình bằng cách noi theo mẫu gương của Don Bosco. Khi cầu nguyện bên cạnh Thánh quan, người nhỏ và người lớn đặt trong tay ngài biết bao lời cầu nguyện và ý chỉ, vì ngài rất yêu mến Chúa và có thể chuyển cầu cho họ.

(Theo: thanhquan.donboscoviet.org)

LẼ SỐNG 19.01

19 Tháng Giêng
Bàn Chân Năm Ngón

Một người thanh niên tên là Tony Melendez bỗng trở nên quen thuộc với nhiều người kể từ khi Ðức Gioan Phaolô II đến viếng thăm tiểu bang California, Hoa Kỳ dạo mùa hè năm 1987. Nhiều người đã chứng kiến buổi lễ tiếp đón Ðức Thánh Cha hôm đó và khó quên hình ảnh vô cùng cảm động khi vị Giáo Hoàng bước xuống từ một lễ đài cao để ôm hôn một người thanh niên đang hát với tiếng đàn Guitar của mình. Ðiều gì đã làm cho khung cảnh ấy trở nên khác lạ và giây phút ấy đã trở nên luyến nhớ cho nhiều người?

Tony là hiện thân của niềm Hy Vọng. Tony đã chào đời không có hai cánh tay. Nhưng Tony đã vận dụng những ngón chân của mình để học đàn guitar. Không những thế, anh còn dùng chân trong nhiều công việc khác như xếp quần áo, vắt một ly nước chanh.

Anh đã biết biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành một khả năng thuần thục. Ngạc nhiên trước khả năng lạ lùng ấy của anh, nhiều người đã hỏi anh: "Bí quyết nào đã giúp anh chẳng những chấp nhận chính mình để sống bình thường mà còn sử dụng guitar một cách tuyệt diệu như thế?". Anh đã trả lời như sau: "Tôi đã cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo thánh ý Chúa. Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động và Chúa đã nhậm lời tôi".

Không ai trong chúng ta chọn lựa được sinh ra hay không sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn lựa làm đàn ông hay đàn bà. Không ai trong chúng ta chọn lựa được làm người xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu đần, khỏe mạnh hay bệnh tật, giàu sang hay nghèo hèn. Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần gian này với cả một định mệnh. Người ta vẫn nói: có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người kém may mắn.

Nhưng trong ánh mắt Tình Yêu của Thiên Chúa, thì số phận nào cũng là một hồng ân cao cả. Trong chương trình Quan Phòng của Ngài, mỗi người, dù nhỏ bé hèn mọn, dù tàn tật bất hạnh đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng. Do những bất trắc của thiên nhiên, hay do hậu quả của tội lỗi, nhiều người phải sinh ra với tất cả một gánh nặng của bất hạnh. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc vì những hư hỏng ấy, Ngài luôn có một chương trình cho mỗi người. Lắm khi chúng ta thấy được những kỳ diệu của Thiên Chúa được thể hiện qua những bất hạnh, mất mát của con người.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 18.01

18 Tháng Giêng
Tấm Gương Sự Thật

Theo câu chuyện cổ tích của người Tây Phương về Cô Bạch Tuyết và bảy chú lùn thì Sự Thật chiếu sáng và nói qua một tấm gương. Khi hoàng hậu, người kế mẫu của Bạch Tuyết nhìn vào tấm gương sự thật ấy để hỏi về mình, bà được trả lời như sau: "Thưa hoàng hậu, hoàng hậu là người đẹp nhất hiện nay". Mà quả thật, so sánh với những người đàn bà đương thời, bà ta là người đẹp nhất.

Nhưng công chúa Bạch Tuyết mỗi ngày một lớn và trở nên xinh đẹp. Trắng như tuyết, đỏ như máu, đen như mun: ba màu sắc ấy kết hợp một cách hài hòa để mỗi ngày một gia tăng vẻ đẹp cho cô bé, dù chỉ mới lên 7 tuổi. Ai cũng nhận thấy rằng cô đã vượt xa người kế mẫu về sắc đẹp.

Một hôm, hoàng hậu kế mẫu hỏi ý kiến của chiếc gương Sự Thật một lần nữa. Lần này, tấm gương đã trả lời: "Thưa hoàng hậu, quả thực hoàng hậu là người xinh đẹp ít ai sánh bằng. Nhưng hiện nay, công chúa Bạch Tuyết đã đẹp hơn hoàng hậu bội phần. Ðây là điều mà không ai chối cãi được, 7 chú lùn đã xác định điều đó".

Người kế mẫu không muốn chấp nhận Sự Thật ấy. Bà không thể nào chấp nhận một đứa con riêng của chồng được quyền đẹp hơn Bà. Sự ganh ghét đã bắt đầu gặm nhấm tâm hồn bà để rồi bà chỉ còn có mỗi một ý nghĩ trong đầu: đó là loại bỏ người đối thủ tí hon của bà. Bà sai người cho thuốc độc vào một trái táo rồi mang đến cho Bạch Tuyết. Cô bé bị ngộ độc và đã đi vào cõi chết, nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp trên gương mặt. Một hoàng tử đã say mê nhìn khuôn mặt bất động ấy. Chàng đã đặt trên môi Bạch Tuyết một chiếc hôn. Trái táo độc rớt khỏi môi và Bạch Tuyết đã được hồi sinh. Người hoàng hậu kế mẫu nghe điều đó. Sự oán hận và ganh tức đã dồn lên khiến cho người đàn bà chết tốt.

Tấm gương Sự Thật của chúng ta chính là Ðức Kitô.

Philatô đã có lần hỏi Chúa Giêsu: Sự Thật là gì? Chúa Giêsu đã không trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng hẳn những người môn đệ đã có lần nghe Chúa Giêsu tuyên bố: "Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống" đều có thể trả lời cho câu hỏi ấy.

Chúa Giêsu không chỉ là Sự Thật một cách trừu tượng, một cách trống rỗng, mà là Sự Thật của con người, đối với con người. Cũng chính Philatô, sau khi đã ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu, đã đưa Ngài ra trước dân chúng và tuyên bố: "Này là Người". Này là người, này là con người, hay đúng hơn là sự thật về con người. Chúa Giêsu đã để lộ tất cả con người của ngài qua những vết thương trên người. Phải chăng con người chỉ để lộ nhân tính và tất cả những nét cao quý nhất của mình qua những lằn roi, qua những vết thương đau vì yêu thương, vì phục vụ?

Chúa Giêsu là tấm gương Sự Thật của con người. Chỉ qua Ðức Kitô, chúng ta mới có thể nhận diện được con người đích thực của chúng ta. Nhìn vào Ðức Kitô, tội lỗi và những bất toàn của chúng ta sẽ hiện ra, nhưng hình ảnh cao quý được Thiên Chúa in trên mỗi người chúng ta cũng tỏ lộ.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 17.01

17 Tháng Giêng
Cứ Ðể Yên Như Thế

Trong một tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", một tác giả người Italia là ông Mario Pomilio có tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Sau thời kỳ bách hại tại Roma, các tín hữu bắt đầu xây cất nhà thờ. Ðâu đâu người ta cũng thấy mọc lên nhà thờ. Tên của Ðức Mẹ và các Thánh được đặt cho các nhà thờ. Nhưng người ta vẫn chưa thấy có nhà thờ nào mang tên của Ngôi Lời. Thấy thế thánh Gioan mới đến báo cáo với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bèn ra lệnh cho thánh Phêrô khởi công xây cất một nhà thờ dâng kính cho Ngôi Lời.

Con người đã có một thời được mệnh danh là người xây dựng vĩ đại của Giáo Hội mới đi rảo khắp nơi để thu thập vật tư. Thánh Matthêu đã cung cấp đá. Thánh Marcô mang vôi đến. Thánh Luca tặng những cây trụ lớn. Còn Thánh Gioan thì cúng đá cẩm thạch để làm bàn thờ và vàng để làm nhà tạm..

Với tất cả những vật liệu cần thiết, Thánh Phêrô hớn hở bắt tay vào việc xây cất. Nhưng thời gian trôi qua, công sức đã tiêu hao quá nhiều mà người thợ xây Phêrô mới chỉ hoàn tất được việc đặt nền móng cho ngôi nhà thờ. Thấm mệt, vị thủ lãnh các tông đồ mới cầu xin Chúa: "Lạy Chúa, xin ban thêm cho con đủ sức để hoàn thành ngôi Nhà Thờ".

Chúa Giêsu mới trả lời: "Cứ để yên như thế. Ngươi hãy nhớ rằng cứ mỗi người đi ngang qua công trình này đều có thể mang đến một viên gạch, một ít vôi để xây tường và thế hệ này qua thế hệ khác, những cột trụ Ðền Thờ sẽ được dựng lên".

Có hai sự kiện xem ra tương phản nhau: tại Tây Phương, nhiều nhà thờ bị đóng cửa hoặc đem ra bán đấu giá, vì giáo dân không đủ cấp số hoặc không còn người lui tới nhà thờ. Trong khi đó thì tại Việt Nam, nhu cầu sửa chữa hoặc xây nhà thờ mới mỗi ngày một gia tăng.

Có thể có hai quan niệm sống đạo đằng sau hai sự kiện ấy. Nhiều người Tây Phương cho rằng sống đạo là sống Công Bình và Bác Ái, chứ không nhất thiết phải đến nhà thờ. Trong khi đó thì có người lại trách cứ rằng nhiều người Việt Nam chỉ giữ đạo hình thức, họ thích biểu dương tôn giáo, họ thích rước sách, họ đọc kinh làu làu, họ siêng năng đến nhà thờ, nhưng họ xem thường những đòi hỏi của Công Bình và Bác
Ái.

Kỳ thực, giữ đạo trong nhà thờ mà không sống đạo bên ngoài nhà thờ là một thiếu sót, nếu không muốn nói là một thái độ giả hình mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gao. Nhưng sống Công Bình và Bác
Ái mà không múc lấy sức sống từ việc gặp gỡ Chúa nơi nhà thờ cũng là một thiếu sót. Người Kitô đích thực múc lấy sức sống từ Ðức Kitô và diễn đạt sức sống ấy qua cuộc sống thường ngày. Có nhà thờ để cầu nguyện nhưng cũng có chợ đời để gặp gỡ Chúa. Người Kitô hướng về Trời cao, nhưng vẫn còn bám lấy cõi Ðất. Người Kitô đến nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc sống. Và cuộc sống cũng sẽ trở nên cằn cỗi, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng lương thực Thần Linh.

"Hãy trở nên những viên đá sống động". Ðó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Hãy trở thành những viên đá sống động không chỉ để xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng là để xây ngôi Ðền Thờ của cuộc sống. Cuộc sống có trở thành Ðền Thờ để gặp gỡ Chúa qua những gặp gỡ với tha nhân, qua những xây dựng Hòa Bình và yêu Thương, thì Ðền Thờ gỗ đá mới sống động.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II mùa thường niên năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bầm VÀO ĐÂY để nghe.


Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 16.01

16 Tháng Giêng
Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Ái chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:

"Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: "Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ".

Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: "Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng".

Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.

Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.

Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: "Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng".

Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN A (Ga 1, 29-34)


Biết Chúa Phải Tìm Kiếm Chúa

Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: 'Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần'. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa".
(Ga 1, 29-34).

Ngay cả Thánh Gioan cũng nói: “về phần tôi, tôi đã không biết Ngài”. Thế thì con người tầm thường như chúng ta muốn được biết Ngài chúng ta phải làm sao?. Và Thánh Gioan đã nói thêm: “Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: 'Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần'. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa". Thánh Gioan là con người thật đặc biệt do Thiên Chúa Cha đặt trong cung lòng của người đàn bà son sẻ có tên là Isave, chị họ của Đức Maria. Ngài có trọng trách đi trước là để báo cho toàn nhân loại được biết Có một Đấng đến sau tôi, tôi không đáng cởi dây giầy cho Ngài vì chính Ngài là Con Thiên Chúa. Đúng thời điểm thì ngài tự vào sa mạc mà ở, ăn châu chấu, và uống mật ong, mặc áo da lông cừu, và kêu gọi mọi người thống hối ăn năn. Ngài rửa tội cho rất nhiều người để họ nhận biết Thiên Chúa và ăn năn hối cải.

Người đời dân ngoại khi họ chưa được biết Chúa, họ vẫn sống dửng dưng theo đạo ông bà để lại, nhất là đạo làm người. Khi có trí khôn con người ai cũng biết sự việc của mình làm là đúng hay sai. Trí khôn càng tăng trưởng theo số tuổi của mình, biết thế nào là sướng hay khổ. Và qua cái khổ sẽ dậy con người biết đi tìm cái gì để giúp con người ta qua được cái khổ ải của cuộc đời ấy!. Có người đã bỏ miếng đất cha ông của mình mà đi tìm vàng. Có người thì rủ nhau qua bên Lào buôn bán làm ăn. Có người lên núi để tìm tổ yến và buôn bán yến. Có người bỏ quê hương qua xứ người để tìm kiếm những gì mà quê hương mình không có để sống được có tự do, cơ hội, và làm giầu. Đó là tất cả những gì con người mong được tìm kiếm cho ấm cái thân của mình. Điều đó cũng là tất cả những gì thật tầm thường mà hằng ngày con người ta vẫn tiếp tục tìm kiếm. Tìm thấy rồi thì vì lòng tham vẫn tiếp tục tìm và làm cho đến mãn đời của người ta; và thường khi tuổi đời xế bóng nhìn lại những gì mình cây cất, tích lũy, làm ra với những mánh mung của mình thì ra chiều khoái trá và thỏa mãn lắm!. Cho đó là thành công trên đường đời của mình. Nhưng khi về già lâm bệnh nằm đó! Đi cũng không đi được, ngồi cũng không, tất tất cần phải có người giúp đỡ; ngay cả chuyện vệ sinh của mình. Thưa lúc bấy giờ những con người thành công trên đường đời họ sợ gì nhất? Sợ đến độ họ không ngủ hay chợp mắt được? Họ sợ họ không biết đi về đâu sau cuộc sống này? Họ sợ tất cả những gì tội ác của họ đã gây ra trong quá khứ? Họ sợ tất cả!!!!.

Vâng, thưa tất cả con người chúng ta chỉ biết làm những gì rất là tầm thường để trước nhất nuôi cái bao tử, kế là có được chiếc xe để đi làm và đến được những nơi chúng ta cần đến để giải sầu!?. Rồi thì nơi ăn chốn ở, v.v… Mọi thứ cần trên đây thì thật là nhu cầu hằng ngày của con người. Khi chúng ta đại khái yên nơi yên chỗ mới kiếm tìm những gì cao siêu hơn nữa?. Nhất là nhìn thấy anh chị em Công Giáo cuối tuần thì đi Lễ. Hội nhóm nhau đi Ủy Lạo bà con những nơi có sự cố. Vui nhất là những ngày Lễ Hội của Công Giáo rất là đông, náo nhiệt, và rất vui. Tạo cho con người thêm niềm tin vào Thiên Chúa. Nhờ vào những anh chị em có tràn đầy lòng nhiệt huyết này!. Họ không nề hà những giờ rảnh rỗi để đi ủy lạo và động viên tinh thần những ai đói nghèo, cần được chia sẻ và ủi an.

Những con người có tràn đầy nhiệt huyết và có tấm lòng là tất cả mọi thành phần trong xã hội của chúng ta đây! Lý do họ đã bỏ thời giờ, công sức, để đóng góp cho một xã hội tươi tốt hơn; tất cả đều là tông đồ của Chúa; tất cả là Gioan của Chúa. Nhờ những Gioan và tông đồ, biết có Chúa, tìm đến Chúa, và sau cùng là nhận biết Chúa. Họ đã bỏ tất cả mà sống cho Chúa cho đến cùng. Vì họ hiểu được rằng chỉ có Chúa mới đem được cho họ kho tàng sống muôn đời. Không là những gì thế gian có thể ban tặng. Khi chúng ta biết có Chúa nhưng chưa nhận biết Chúa xin hãy đến với những con người đạo hạnh như Gioan và tông đồ của Chúa; để họ sẽ giẫn dắt chúng ta đi trên cùng con đường của Chúa. Sự tìm kiếm Chúa thật không luống công đâu thưa anh chị em. Vì Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian. Theo Ngài chúng ta sẽ được giống như đàn chiên, ngày ngày được Vị Mục Tử nhân lành chăn dắt. Cuộc sống thật an bình và nhàn hạ. Ngài nghe biết tiếng kêu riêng của chúng ta và ngược lại. Ngài dắt chúng ta đến đồng cỏ xanh tươi với cỏ non và nước trong lành của suối mát. Ngài trông nom và gìn giữ chúng ta khỏi sự dữ; được ôm ấp vỗ về. Chúng ta không sợ và lo lắng chi. Cuộc sống an lành ngày ngày được cùng với ngài sống thật trọn vẹn; thì còn gì hơn phải không thưa anh chị em!. Muốn có được cuộc sống Thiên Đàng trên trần gian như thế thì chần chờ gì mà chúng ta không đi tìm kiếm Ngài?. Ngài là Kho Tàng chẳng bao giờ mất. Ngài là Sự Sống muôn đời và là Nơi Nương Tựa cũng không ai lấy cắp được nơi chúng ta; vì lấy sao được khi Chúa cấy ban cho chúng ta Kho Tàng ấy cất giấu thật sâu trong tâm hồn và trong trái tim của chúng ta.

Cảm tạ Thiên Chúa đã trao ban cho chúng con những Gioan có tràn đầy nhiệt huyết, có tấm lòng, và trái tim thật lớn, thật sống động trong xã hội của ngày hôm nay. Những Gioan này đã làm gương sáng trong mọi thời đại và thật đặc biệt đã không hổ thẹn với danh xưng của ngài là “Tiếng Kêu Trong Hoang Địa” Giới Thiệu cho mọi người đến để nhận biết Chiên Thiên Chúa, là Đấng muôn đời đầy quyền năng và hằng hữu. Ngài đến thế gian giảng dậy, hy sinh, và chết để Cứu Chuộc toàn thể nhân loại tội lỗi. Amen.

Y Tá Của Chúa,
Tuyết Mai
(nguồn : thanhlinh.net)


LẼ SỐNG 15.01

15 Tháng Giêng
Bình An Cho Các Con

Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: "Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an".

Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: "Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con".

Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.

Trước Chúa Kitô 600 năm tại Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa Bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại. Thời đại nào thế giới cũng mong đợi hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành.

Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.

Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.

Trích sách Lẽ Sống