Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVIII TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm A.
Cha Chánh Xứ Dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát lễ.


Hữu Toàn

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN A (Mt 22, 1-14)

 

MẶC LẤY CHÚA KITÔ

Trong một trăm người đang sống trên lục địa Á châu, chỉ có hai người được diễm phúc gia nhập Hội Thánh Chúa. Trong số một trăm người đang sống trên giải đất Việt Nam, chỉ có bảy người có cơ may tham dự tiệc cưới vua trời, tức được gia nhập vào Gia Đình Thiên Chúa. Chúng ta cũng được may mắn thuộc về thiểu số nầy. Đây quả là một hồng phúc lớn lao.

Để xứng hợp với tư cách của vị khách được Thiên Chúa ưu ái mời vào dự tiệc Nước Trời, Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải vứt bỏ tấm áo dơ bẩn đang mặc để khoác vào mình y phục xứng đáng.

Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng nặng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến Đức Vua mà còn mặc nguyên bộ đồ ngủ thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào đời quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.
 
Hội Thánh của Chúa luôn mở rộng cửa để tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp muôn phương bất kể sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin Mừng.

Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo Hội trở nên khó thương trước mặt người khác.

Vì thế, một khi đã gia nhập Hội Thánh mà cách ăn thói ở không phù hợp thì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin Mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó.
 
"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

Là người được Thiên Chúa mời gọi gia nhập Hội Thánh Chúa, chúng ta phải điều chỉnh cách ăn thói ở của chúng ta sao cho thích đáng.

Xưa kia, Augustinô ban đầu theo đuổi phù du ảo ảnh của thế gian, nhưng đến năm 33 tuổi, Anh được diễm phúc tiếp cận với Lời Chúa qua những dòng sau đây trong thư Rô-ma: "Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Kitô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt." (Rm 13, 13-14)
 
Nhờ ơn Thánh Linh tác động, Augustinô bừng tỉnh trước Lời Chúa. Anh cảm thấy như thể Chúa gửi trực tiếp những lời nầy cho Anh. Thế là từ đây, Augustinô từ bỏ quãng đời tội lỗi, từ bỏ những đam mê xác thịt, rũ bỏ bộ áo bẩn thỉu hôi hám để mặc áo mới, mặc lấy Đức Giêsu Kitô. Anh được lãnh bí tích rửa tội vào năm 33 tuổi, hiến mình cho Chúa để trở thành một linh mục thánh thiện, về sau được cất nhắc lên giám mục và trở thành vị thánh chói ngời đồng thời cũng là thầy dạy trong Giáo Hội với tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh.

Trong ngày chúng ta lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, ngày chính thức gia nhập Hội Thánh, linh mục chủ sự thay mặt Hội Thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: "Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời".

Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Hãy dứt khoát cởi bỏ nó để quyết tâm mặc lấy áo mới, mặc lấy Đức Kitô, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa Giêsu, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Giêsu, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa Giêsu… Nhờ đó, chúng ta sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
(thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 08.10


08 Tháng Mười
Bức Tượng Người Mù

Cũng như tại bất cứ một trung tâm hành hương nào, tại Lộ Ðức, du khách và khách hành hương có thể đọc được không biết bao nhiêu lời cảm tạ dâng lên Ðức Mẹ cũng như không biết bao nhiêu kỷ vật khác mà những người thọ ơn muốn cho thiết lập để ghi nhớ ơn Mẹ... Trong muôn nghìn kỷ vật tạ ơn ấy, người ta thấy có một bức tượng diễn tả một người mù vừa được chữa lành. Dĩ nhiên, được sáng mắt là một trong những phép lạ đầu tiên được ghi trong sách những phép lạ tại Lộ Ðức. Nhưng bức tượng người mù sáng mắt ở đây lại tượng trưng cho một biến cố khác, một phép lạ theo đúng nghĩa bởi vì đó là phép lạ của một người tìm lại được ánh sáng Ðức Tin.

Bức tượng này được một người đàn bà quý phái cho dựng lên để ghi nhớ ánh sáng Ðức Tin mà bà đã tìm lại được tại Lộ Ðức. Tuy là người Công Giáo, nhưng kể từ khi chồng qua đời, người đàn bà không còn một chút tin tưởng gì nơi Chúa Mẹ nữa. Và dĩ nhiên, cũng giống như những người khô đạo khác, người đàn bà chỉ tìm kiếm có mỗi một điều: đó là thú vui trong cuộc sống.


Một mùa hè nọ, trên đường đi đến một trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Pháp, người đàn bà phải đi qua Lộ Ðức. Thấy đám đông tấp nập tại trung tâm Thánh Mẫu, bà ta tò mò dừng lại xem. Bà không ngờ rằng chính Chúa đang tìm kiếm và đeo đuổi bà. Từ thái độ bàng quang của một người hiếu kỳ, người đàn bà đã tìm lại ánh sáng Ðức Tin. Ðể tạ ơn Chúa và Ðức Mẹ, bà đã cho dựng lên bức tượng của người mù với hàng chữ như sau: "Tìm lại Ðức Tin là một phép lạ vĩ đại hơn là được sáng mắt".


Trên vạn nẻo đường của chúng ta, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Thật ra, không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đeo đuổi kiếm tìm con người.


Trong mọi biến cố của cuộc sống, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Trong an vui hạnh phúc, hay trong thất bại khổ đau, Ngài luôn ở bên cạnh ta để mời gọi ta tin tưởng ở Tình Yêu của Ngài. Ngay cả khi con người muốn khước từ và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đeo đuổi con người.


Thánh Kinh đã ví Thiên Chúa như một người tình chung thủy, lúc nào cũng chờ đợi, lúc nào cũng nài nỉ, lúc nào cũng vỗ về, lúc nào cũng tha thứ.


Tin ở một sự hiện diện trung thành như thế của Thiên Chúa, thái độ của chúng ta phải là thức tỉnh, chờ đợi và tin tưởng không ngừng. Trong an vui thịnh đạt, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa. Trong thất bại khổ đau, chúng ta cũng hãy tin tưởng phó thác. Và ngay cả những lúc vấp ngã vì yếu đuối, chúng ta cũng hãy tin tưởng ở lòng tha thứ vô bờ của Ngài. Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ mặc con người.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ II-2011 HĐGMVN : THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA

Hội nghị Thường niên Kỳ II-2011 
Hội đồng Giám mục Việt Nam 
Thư gửi Cộng đồng Dân Chúa
 
Chúng tôi đề nghị với tất cả anh chị em chương trình mục vụ kéo dài 3 năm (2012–2014) với những điểm nhấn như sau: Năm 2012: Hiểu biết và sống mầu nhiệm Giáo Hội; năm 2013: Vun trồng và củng cố sự sống hiệp thông trong Giáo Hội; năm 2014: Hiệp thông để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chủ đề của mỗi năm sẽ được khai triển theo ba nhịp chính trong đời sống Giáo Hội: Tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin, sống đức tin. 

(WHĐ)

BIÊN BẢN HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ II-2011 HĐGMVN

Biên bản Hội nghị Thường niên Kỳ II-2001 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

Để áp dụng Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 vào đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, Hội nghị dành nhiều thời gian chia sẻ và đưa ra chương trình mục vụ chung cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam. Hội nghị cũng trao đổi và đóng góp ý kiến trả lời cho các câu hỏi của Bản Đề cương của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Tân Phúc âm hóa. 

Xin mời click vào Biên Bản để xem ở khổ phóng to

(WHĐ)

NHẬT KÝ HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ II HĐGMVN (5)

 Nhật ký Hội Nghị Thường Niên Kỳ II-2011
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
03 - 07.10.2011
(5)

Phiên họp cuối của Hội nghị sáng hôm nay 07/10/2011 rơi vào ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi rất là ý nghĩa. Như khẩu hiệu kết thúc Năm Thánh “Cùng Mẹ ra khơi”, giờ đây Giáo hội Việt Nam, với một kế hoạch mục vụ chung vừa được các Đức Giám mục cùng thảo ra, cùng Mẹ Maria ra đi loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa.


(WHĐ)

ĐỨC CHA COSMA HOÀNG VĂN ĐẠT GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BẮC NINH THĂM VÀ DÂNG THÁNH LỄ TẠI NHÀ THỜ THUẬN PHÁT






Nhân dịp vào thành phố tham dự Hội nghị Thường niên Kỳ II-2011của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chiều ngày 07-10-2011, sau khi bế mạc hội nghị, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giám Mục Giáo phận Bắc Ninh đã đến thăm và dâng Thánh Lễ tại giáo xứ Thuận Phát. Cha Chánh Xứ sau khi đón Đức Cha tại cổng nhà thờ đã mời Đức Cha tham quan phòng truyền thống giáo xứ. 

17g30 (giờ lễ chiều của giáo xứ) Đức Cha đã long trọng chủ tế Thánh Lễ Mừng Kính Đức Mẹ Mân Côi và cử hành Năm Thánh 50 Năm Thành Lập giáo xứ. Cha Chánh Xứ cùng đồng tế với Đức Cha. 

Trước khi bắt đầu thánh lễ, Cha Chánh Xứ thay mặt cộng đoàn chào mừng Đức Cha đến thăm giáo xứ, chúc mừng Bổn Mạng Đức Cha (Thánh Cosma và Thánh Đamianô Tử Đạo 26-9), mừng kỷ niệm 3 năm Đức Cha được thụ phong Giám Mục và 1 năm đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục VN. Tiếp theo, đại diện cộng đoàn giáo xứ dâng lên Đức Cha bó hoa tươi thắm và món quà mọn mừng Bổn Mạng Đức Cha giữa tiếng vỗ tay vang giòn của cộng đoàn hiện diện.


Trong phần giảng lễ, Đức Cha đã chia sẻ về các Mầu Nhiệm của Chuỗi Mân Côi, sự cần thiết cũng như kinh nghiệm lần hạt Mân Côi và sống các Mầu Nhiệm ấy của chính Đức Cha từ thời niên thiếu cho đến hôm nay, đặc biệt là trong khi thi hành mục vụ của thời gian là Linh mục và nhất là trong chức vụ Giám mục hiện nay. Qua đó, Đức Cha khẳng định cuộc đời mỗi người dù ở đấng bậc nào cũng sẽ trải qua một hành trình gồm đủ các Mầu Nhiệm của Chuỗi Mân Côi theo thứ tự : VUI - SÁNG - THƯƠNG và trong hy vọng sẽ được MỪNG. Kết thúc, Đức Cha mời gọi mỗi người hãy là con ngoan của Đức Mẹ, để Đức Mẹ dẫn đi trên con đường của Chúa qua việc siêng năng lần hạt Mân Côi và ứng dụng vào cuộc sống.

Cuối lễ, Ông Chủ Tịch HĐMVGX phát biểu cảm tưởng và thay mặt cộng đoàn cám ơn Đức Cha đã đến thăm và Dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho giáo xứ. Đức Cha đã ngỏ lời đáp từ cám ơn Cha Chánh xứ và cộng đoàn rồi ban Phép Lành Toàn Xá kết thúc thánh lễ.


Sau đó Đức Cha và Cha Chánh Xứ cùng chụp hình lưu niệm với Quý Soeurs các cộng đoàn nhà dòng, HĐMVGX, ca đoàn Đức Mẹ và cộng đoàn.

Ca đoàn Đức Mẹ hát Lễ.

AUDIO THÁNH LỄ.
MỜI XEM HÌNH THÁNH LỄ

Hữu Toàn.

NHẬT KÝ HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ II HĐGMVN (4)

Nhật ký Hội Nghị Thường Niên Kỳ II-2011
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
03 - 07.10.2011
(4)

Buổi sáng ngày làm việc thứ ba của Hội nghị, Đức cha chủ tịch UB Phụng tự thông tin về Đại hội Thánh Thể Thế giới lần thứ 50 diễn ra vào năm tới (10–17/06/2012) tại Dublin (Ireland) với chủ đề là “Thánh Thể: Hiệp thông với Đức Kitô và với nhau”.


(WHĐ) 

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

LẼ SỐNG 06.10

06 Tháng Mười
Chờ Ðợi

Theo tâm lý thông thường, ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường biến cuộc đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên...

Cả tuần lễ, ai cũng mong được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến, chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm này đến, chúng ta lại chờ năm sau...


Lên xe, chúng ta mong đến đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng, nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm như thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ, dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.


Với sự nóng lòng chờ đợi giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi hết cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.


Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.


Ơn cứu rỗi không là một biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với hai tiếng "Thưa, xin vâng!", Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.


Cùng với Mẹ sống lại mầu nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này đây với tất cả tin tưởng phó thác.


Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận hưởng như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 05.10

05 Tháng Mười
Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật

Hằng năm tổ chức có tên là "Tự nguyện chịu đau khổ" hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:

Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.


Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.


Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.


Như lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: "Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".


Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".


Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: "Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp".


Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại".


Ðã có khoảng 6.000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa thực hiện.


Nhìn lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 04.10

04 Tháng Mười
Bí Quyết Trẻ Trung

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Phanxicô Assisi.

Sống cách chúng ta trên 7 thế kỷ, thánh Phanxicô Assisi vẫn mãi mãi để lại một hình ảnh trẻ trung. Chưa có vị thánh nào trong Giáo Hội được nhắc nhở, yêu mến như thánh nhân. Chưa có vị thánh nào đã gợi lên nhiều cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật cho bằng thánh nhân. Chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị, các nhà cách mạng ca tụng cho bằng thánh nhân.


Sứ điệp của thánh nhân siêu việt thời gian, bởi vì con người của thánh nhân là hiện thân của tuổi trẻ. Thật thế, suốt cả cuộc đời của mình, thánh Phanxicô Assisi luôn biết giữ một tâm hồn tươi trẻ. "Tuổi tác không phải là điều kiện thể lý cho bằng bầu khí của tâm hồn". Có lẽ thánh nhân không phải là người đã nói lên châm ngôn ấy, nhưng hẳn ngài đã sống theo châm ngôn ấy.


Ngài biết giữ mãi cho tâm hồn tươi trẻ bằng cách hạn chế tối đa các nhu cầu, bằng cách chống cự lại các ước muốn. Ngài đón nhận mọi sự. Không thắc mắc, không lo lắng, không buồn giận.


Những khám phá của khoa học tâm lý ngày nay, thánh Phanxicô Assisi đã từng biết và sống một cách trọn vẹn. Thật thế, để có một thể xác lành mạnh, một tâm hồn tươi trẻ, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta như sau:

  • Hãy tập yêu thích những gì không quá đắt giá.
  • Hãy tập yêu thích việc đọc sách, chuyện vãn, nghe nhạc
  • Hãy tập yêu thích những thức ăn thanh đạm.
  • Hãy tập yêu thích tiếng chim hót, sự hiện diện của thú vật, tiếng cười đùa rộn rã của trẻ em.
  • Hãy tập yêu thích trồng trọt, làm việc tay chân.
  • Hãy tập yêu thích ánh bình minh cũng như hoàng hôn, tiếng mưa rơi trên mái nhà cũng như cảnh tuyết rơi.
  • Hãy tập yêu thích những nhu cầu đơn giản nhất.
  • Hãy tập yêu thích công việc và cảm nhận được niềm vui khi làm tốt một công việc.
  • Hãy tập yêu người, dù người không giống ta.
Không khí, ánh sáng, mặt trời, niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống, con người: đó là những yếu tố cần thiết để tạo cho bầu không khí tươi trẻ trong tâm hồn. Phải chăng đó không là những yếu tố mà người ta cũng bắt gặp trong bài ca vạn vật của thánh Phanxicô Assisi?

Một tâm hồn luôn luôn tươi trẻ: đó không chỉ là một bí quyết để được hạnh phúc trên đời này, nhưng còn là một đòi hỏi đối với người Kitô. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những ai giống chúng. Ta nói thật với các con: nếu các con không đón nhận nước Trời như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".


Trích sách Lẽ Sống

NHẬT KÝ HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ II HĐGMVN (3)


Nhật ký Hội Nghị Thường Niên Kỳ II-2011
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

03 - 07.10.2011

(3)

Đầu ngày thứ hai Hội nghị, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dành riêng một giờ để nghe linh mục Raymond L. O’Toole, thư ký thường trực của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (LHĐGMAC [FABC]) giới thiệu về lịch sử của tổ chức này.

Mời xem chi tiết >>

(WHĐ)

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

LẼ SỐNG 03.10

03 Tháng Mười
Báu Vật Cuối Cùng

Ngày 10 tháng 3 năm 1615, tại Glasgow bên Tô Cách Lan, một vị thừa sai lừng danh là cha Ogilvie bước lên máy chém vì tội rao giảng Phúc Âm.

Trong giây phút cuối đời, đứng trên đoạn đầu đài thấy hàng ngàn người đứng coi, muốn để lại cho họ một kỷ niệm và một bảo đảm đức tin, vị tử đạo lấy ra vật cuối cùng còn lại trong mình: đó là một cỗ tràng hạt... Ngài cố sức ném tràng chuỗi vào giữa biển người. Tràng chuỗi đã rơi xuống trúng một ông hoàng xứ Hungary đang trên đường chu du học hỏi, tình cờ ghé qua Glasgow.


Chuỗi tràng hạt này đã bám riết ông khắp nơi, mãi đến ngày ông quyết định rời bỏ giáo phái Calvin để quay trở lại với Công Giáo.


Những mẩu chuyện trên đây không phải là ít trong lịch sử Giáo Hội. Việc sám hối luôn gắn liền với Kinh Mân Côi. Ðó là mệnh lệnh mà Mẹ Maria đã ban bố tại Fatima năm 1917: "Hãy năng lần hạt Mân Côi".


Thánh Grêgoriô thành Nysse thường dùng thí dụ sau đây để nói về ảnh hưởng của kinh Mân Côi trong đời sống Kitô của chúng ta: "Mỗi người chúng ta được ví như một họa sĩ, linh hồn chúng ta là một khung vải còn nguyên vẹn, màu sắc được dùng là các nhân đức Kitô Giáo, hình ảnh phải họa theo là chính Chúa Giêsu Kitô, hình ảnh sống động của Chúa Cha. Họa sĩ nào càng muốn hình ảnh họa lại được giống hình mẫu, càng phải năng ngắm nhìn mẫu khi đặt bút vẽ".


Mẹ Maria là mẫu gương của đời sống Kitô. Qua kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhờ ôn đi, đọc lại nhiều lần, các biến cố đó sẽ thấm nhập tâm hồn chúng ta để dần dần biến chúng ta theo khuôn mẫu của các Ngài.


Kinh Mân Côi không những là hình thức đạo đức có tính cách cá nhân, nhưng còn là chất keo nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau. Còn hình ảnh nào được ghi đậm trong tâm khảm chúng ta cho bằng những giờ kinh Mân Côi đọc chung trong gia đình... Gần đây, người ta phát động việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình với khẩu hiệu: "Một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững".


"Nơi nào có hai hay ba người ngồi lại với nhau vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ". Mà nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó cũng sẽ có Tình Yêu. Vì Tình Yêu là chất men liên kết mọi người trong gia đình lại với nhau.


Việc cầu nguyện trong gia đình, nhất là với Kinh Mân Côi, là yếu tố bảo đảm sự bền vững của hôn nhân và khơi dậy ơn gọi trong gia đình.


Trong tông huấn về việc tôn kính Mẹ Maria, Ðức Phaolô VI đã nhắn nhủ chúng ta như sau: "Những điều kiện sinh sống đổi thay của ngày nay khiến việc hội họp gia đình không được dễ dàng và dù khi sum họp được thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho cuộc họp mặt khó biến thành một dịp nguyện cầu. Các gia đình muốn sống trọn vẹn ơn gọi và tinh thần của gia đình Công Giáo phải tận lực lướt thắng những áp lực cản trở gia đình không thể hội họp và cầu nguyện chung".


Tinh thần đạo đức của các phần tử trong gia đình được thể hiện và tăng triển trong những giờ cầu nguyện chung, gồm cả việc đọc kinh hay đọc sách Thánh, chia sẻ lời Chúa, nhưng thuận lợi hơn cả đối với các gia đình Việt Nam đó là việc đọc Kinh Mân Côi. Cũng chính Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI khuyên nhủ chúng ta: "Sau việc đọc kinh Nhật Tụng thì việc đọc Kinh Mân Côi được coi như một trong những kinh cầu nguyện chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công Giáo được khuyến khích đọc".


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 02.10

02 Tháng Mười
Những Lá Thư Của Người Mẹ

Trong trận đệ nhị thế chiến, có một văn sĩ Hungari gốc Do Thái bị Ðức Quốc Xã bắt làm tù binh, trong khi tham gia trong quân đội Pháp. Qua những tác phẩm chống Ðức Quốc Xã, văn sĩ gốc Do Thái này khó mà che dấu được tung tích của mình. Một người lính Pháp cùng bị bắt làm tù binh đã đề nghị là hai người nên sử dụng chung một tên và lý lịch, bởi vì họ sẽ bị thuyên chuyển đến các trại khác nhau. Quân Ðức Quốc Xã khó mà nhận ra sự kiện hai người cùng đồng tên và có chung một lý lịch. Người lính Pháp đã trao cho văn sĩ gốc Do Thái thẻ bài cũng như một số thư của mẹ anh. Anh dặn dò văn sĩ gốc Do Thái như sau: "Nếu có ai điều tra anh về lý lịch, anh hãy cho họ xem những lá thư này".

Sau này, người văn sĩ gốc Do Thái có dịp đọc những lá thư của người mẹ lính Pháp. Nhìn những tờ giấy viết thư nhàu nát, dòng chữ yếu ớt, ông đoán được rằng người mẹ này có lẽ là một người đàn bà nhà quê già yếu, nhưng thương con với tất cả sự đậm đà của tình mẫu tử. Chung quy những lá thư ấy đều có dặn dò giống nhau như: "Con hãy giữ gìn sức khỏe... Cố gắng đắp chăn cho thật ấm nghe con... Xin Chúa chúc lành cho con và chóng đưa con về đến nhà bình an".

Mang lấy tên tuổi và lý lịch của người lính Pháp, người văn sĩ gốc Do Thái đọc lên những lời dặn dò trên đây như chính người mẹ ruột thịt của mình. Cũng chính những dòng chữ nguệch ngoạc nhưng dạt dào tình mẹ ấy đã trở thành một bảo chứng cứu thoát ông.

Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta. Ngài đã cho chúng ta mang lấy tên tuổi và lý lịch của Ngài. Người cũng trao ban cho chúng ta chính người Mẹ của Ngài. Tâm tình của một người Mẹ đã cưu mang, đã cho bú mớm, đã dõi theo từng bước chân của con, đã câm lặng bên thập giá, đã đón lấy tấm thân không hồn của người con: tâm tình ấy của Mẹ Maria, Chúa Giêsu cũng muốn trao cho chúng ta. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là người mẹ trọn vẹn của mỗi người trong chúng ta.

"Hỡi Bà, đây là con Bà!". Trao ban thánh Gioan cho Mẹ, Chúa Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, khỏe mạnh hay bệnh tật: mỗi người chúng ta đều được Mẹ đón nhận như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ dành cho tất cả tâm tình mà Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu.

Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy tin tưởng điều đó... Người lính trận đã luôn mang những lời dặn dò của mẹ anh như một báu vật, như một hành trang giữa những nguy ngập của cuộc chiến. Chúng ta cũng hãy mang lấy tâm tình của Mẹ. Hãy luôn chạy đến với Mẹ. Hãy luôn ôn lại những lời dặn dò của Mẹ, nhất là mỗi khi chúng ta gặp thử thách, u buồn trong cuộc sống.

Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 01.10

01 Tháng Mười  
Chợ Hoa

Trong những thập niên vừa qua, đã có rất nhiều hội chợ hoa được tổ chức khắp nơi. Nhưng vĩ đại nhất có lẽ là hội chợ hoa Osaka, Nhật Bản, khai mạc dạo đầu tháng Tư và kết thúc ngày cuối tháng Chín năm 1990 vừa qua.

Hội chợ hoa này được tổ chức tại thị xã Tsurumi, một vùng đất đang phát triển theo kế hoạch xây dựng cho thế kỷ 21. Trên một khoảng đất rộng 140 mẫu tây, 3 triệu loại hoa và thảo mộc khác nhau trên khắp thế giới đã tề tựu về để khoe sắc tranh hương chào đón du khách.


Vừa bước vào trung tâm hội chợ, một bức tường lớn đan bằng đủ loại hoa, màu sắc rực rỡ đập ngay vào mắt du khách. Khuôn viên phía tây dành cho các loại hoa cần chăm sóc trong nhà kiếng, cùng với các loại hoa điện tử nhân tạo. Khách được xem các loại hoa lớn nhất thế giới từ Nam Dương đưa sang. Du khách cũng có thể say mê với những loại hoa nhân tạo mà hình dạng và màu sắc biến đổi không ngừng, tạo nên hình ảnh của thế giới thần tiên.


Vắng người hơn, ở phía đông, là khuôn viên dành cho các loại hoa: tất cả các loại hoa đều được trồng giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.


Giữa hai khuôn viên là một con sông nhỏ, dưới lòng sông có thiết kế những vòi phun nước. Nước lên mạnh yếu tùy thuộc theo điệu nhạc phát ra từ dàn âm thanh nổi tuyệt hảo ở hai bờ sông. Cứ nửa tiếng đồng hồ, có một câu chuyện thần thoại được dòng sông kể lại bằng hệ thống phun nước, hòa với tiếng nhạc và ánh đèn màu về đêm, tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và thanh bình.


Hoàng đế Nã Phá Luân của nước Pháp đã có lần phát biểu như sau: "Nơi nào hoa tàn, nơi đó con người không thể sống...". Ai trong chúng ta cũng yêu hoa, ai trong chúng ta cũng thích sống với sự hiện diện của hoa. Vui, chúng ta thích ngắm hoa, buồn, chúng ta cũng thích nhìn hoa. Hoa dường như gần gũi và thông cảm với con người... Nhìn hoa sen, chúng ta tưởng tượng ra cảnh gió mát trên bờ hồ. Ngắm hoa mai, chúng ta như muốn đi vào mùa Xuân bất tận. Nhìn hoa hồng, chúng ta như thấy dậy lên những tình cảm thanh cao. Ngắm hoa huệ giữa đồng, chúng ta chợt nghĩ đến cảnh đời sớm nở tối tàn...


Tháng Mười hằng năm, cùng với những cánh hoa dâng lên Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Mẹ. Mẹ là đóa hoa đẹp nhất của vũ trụ. Nhìn lên Mẹ, chúng ta hưởng nếm được tất cả mọi hương sắc của thánh thiện...


Mẹ là đóa hoa luôn gần gũi và cảm thông với chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể nở nụ cười của khích lệ, cổ vũ cho chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể hướng ánh mắt cảm thông, tha thứ về phía chúng ta...


Chạy đến với Mẹ, chiêm ngắm hương thơm thánh thiện của Mẹ, chúng ta hãy xin Mẹ biến chúng ta thành những cánh hoa để giúp cho đời thêm tươi thắm... Giữa sa mạc khô cằn tình người, xin Mẹ luôn làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của yêu thương, bác ái, cảm thông, tha thứ, phục vụ... Giữa sa mạc khô cằn niềm tin và hy vọng, xin Mẹ làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của tin tưởng, phó thác, cậy trông...


Trích sách Lẽ Sống