Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

R.I.P GIUSE HOÀNG NGỌC THÀNH

XIN CẦU CHO LINH HỒN
 
GIUSE

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ,
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Phêrô
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Anh GIUSE 
HOÀNG NGỌC THÀNH
Sinh ngày 27.3.1970  tại Saigon

Cư ngụ tại : 51/2 đường Trần Xuân Soạn
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Phêrô - Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 00g08 Thứ Hai ngày 17.3.2014
(Nhằm ngày 17 tháng Hai năm Giáp Ngọ)


Hưởng dương 45 tuổi 




CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

 
Thứ Hai  17.3.2014
  • 08g00 : Nghi Thức Tẩn Liệm - Nhập Quan.
Thứ Ba  18.3.2014
  • 18g30 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
Thứ Tư  19.3.2014
  • 04g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ.
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát.
  Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM.



Thuận Phát, ngày 17 tháng 3 năm 2014

Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Thánh Giuse
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 07-13.3.2014

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO SÁNG 13.3.2014

Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao
Thánh Lễ sáng 13.3.2014

Giáo hội sống Mùa Chay Thánh, đây cũng là dịp Giáo hội kính nhớ Thánh Cả Giuse. Một sắp xếp niên lịch phụng vụ mang nhiều ý nghĩa. Nhiều nhân đức trổi vượt nên Thánh Giuse trở nên mẫu gương sống Mùa Chay cho mọi tín hữu. Đặc biệt là giới Gia trưởng, Thánh Giuse chính là mẫu mực của một người chồng thuỷ chung tận tụy, một người cha khả ái hiền hoà. Hành hương tháng 3 là dịp anh em Gia trưởng tề tựu về bên Mẹ Tàpao.
 
 
Thánh lễ trọng thể kính Thánh Giuse tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao sáng ngày 13/3/2014 do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ sự. Cha Tổng Đại Diện GB Hoàng Văn Khanh và hơn 50 cha trong ngoài giáo phận cùng hiệp dâng thánh lễ. Đông đảo anh em Gia trưởng GP Phan Thiết và gần mười ngàn khách hành hương hiệp thông cầu nguyện.


Đức cha Phaolô giảng lễ, suy niệm Tin Mừng (Mt1,18–24), Truyền Tin cho Thánh Giuse. 



(gpphanthiet.com)


TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO TỐI 12.3.2014

ĐÀNG THÁNH GIÁ MÙA CHAY 2014
TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO

Tại linh địa Tàpao, trong tâm tình Mùa Chay Thánh, hiệp thông cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô, tối 12/03/2014, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Giám mục Gp Phan Thiết suy niệm nghi thức đi Đàng Thánh Giá trọng thể tại quảng trường trung tâm.


Đoàn rước kiệu Đức Mẹ khởi đầu với nghi thức xông hương do cha GB Trần Văn Thuyết, Hạt trưởng Đức tánh, với nến sáng trên tay, Giới Gia Trưởng GP Phan Thiết và quý khách hành hương sốt sắng cung nghinh Đức Mẹ rước lên lễ đài.


Nghi thức đi đàng thánh giá bắt đầu với lời cầu nguyện của Đức cha Phaolô. Cha FX Nguyễn Quang Minh, Quản xứ Tánh linh hướng dẫn. Cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng, quản nhiệm TTTMTP vác thánh giá đi hết 14 chặng, có hai thầy phó tế và hai gia trưởng theo phụ. Mỗi chặng, cộng đoàn quỳ gối tay cầm nến sáng trên tay thinh lặng hiệp thông từng chặng đàng thương khó của Chúa Giêsu. 


Mỗi chặng trong 14 chặng đàng thánh giá được Đức Cha Phaolô suy niệm, gợi cho cộng đoàn những tâm tình cầu nguyện sốt mến.

(gpphanthiet.com)

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A 09-3-2014

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật I mùa Chay năm A 09-3-2014.
Cha phó Giuse dâng Lễ.
Ca đoàn Têrêsa hát lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

TỔNG SỐ HỒNG Y CỬ TRI TÍNH ĐẾN NGÀY 05.3.2014 : 121 VỊ

Đức hồng y Gioan Baotixita
Phạm Minh Mẫn
nhận mũ hồng y từ tay
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II
WHĐ (05.03.2014) – Hôm nay, 05-03-2014, Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp. HCM, tròn 80 tuổi, chính thức không còn trong danh sách Hồng y cử tri.

Quy định “các Hồng y đủ 80 tuổi trước ngày Toà Thánh trống toà sẽ không tham gia Mật tuyển viện bầu giáo hoàng” được ghi trong Tông hiến Romano Pontifici Eligendo do Đức giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 1-10-1975.

Với sự kiện mới nhất này, Hồng y đoàn hiện nay có 218 vị, trong đó có 121 hồng y cử tri.

Vị hồng y cao tuổi nhất trong Hồng y đoàn là Đức hồng y Loris Francesco Capovilla (99 tuổi), nguyên Tổng giám mục Loreto, Italia. Đức hồng y Capovilla, trước đây là thư ký riêng của Đức giáo hoàng Gioan XXIII, mới được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng y trong Công nghị Hồng y ngày 22-02 vừa qua.

Và hồng y trẻ nhất là Đức hồng y Baselios Cleemis Thottunkal (55 tuổi), Tổng giám mục trưởng Trivandrum (nghi lễ Syro-Malankara), Ấn Độ, được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tấn phong Hồng y trong Công nghị Hồng y 24-11-2012.

Đức hồng y Phạm Minh Mẫn được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng y trong Công nghị 21-10-2003. Trước đó, Giáo hội Việt Nam đã có 4 vị hồng y - đều đã qua đời: Đức hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê, nguyên Tổng giám mục Hà Nội (được tấn phong năm 1976, qua đời năm 1978); Đức hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, nguyên Tổng giám mục Hà Nội (được tấn phong năm 1979, qua đời năm 1990); Đức hồng y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, nguyên Tổng giám mục Hà Nội (được tấn phong năm 1994, qua đời năm 2009) và Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình (được tấn phong năm 2001, qua đời năm 2002).

Ngoại trừ Đức hồng y Trịnh Như Khuê do Đức giáo hoàng Phaolô VI tấn phong, các vị còn lại đều nhận mũ hồng y từ tay Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đức hồng y Trịnh Như Khuê đã tham dự hai Mật tuyển viện bầu giáo hoàng: vào tháng 8 năm 1978, bầu Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I; và tháng 10 năm 1978, bầu Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đức hồng y Phạm Minh Mẫn cũng tham dự hai Mật tuyển viện bầu giáo hoàng: năm 2005, bầu Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và năm 2013, bầu Đức giáo hoàng Phanxicô.

(WHĐ)

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

THƯ GỬI SINH VIÊN HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MÙA CHAY 2014 CỦA UỶ BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM


UB Giáo dục Công giáo / HĐGMVN

(WHĐ)

GIỜ LỄ THỨ TƯ LỄ TRO 05.3.2014


GIỜ LỄ THỨ TƯ LỄ TRO
05.3.2014
(KHAI MẠC MÙA CHAY)

GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT

  • 05g00 : Thánh Lễ Sáng - Làm Phép Tro và Xức Tro
  • 17g30 : Thánh Lễ Chiều - Làm Phép Tro và Xức Tro

Thuanphat's blog

THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2014

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


THƯ MỤC TỬ 
MÙA CHAY 2014

Kính gởi: Quý anh em linh mục,
quý tu sĩ nam nữ và giáo dân
trong gia đình giáo phận

Anh chị em thân mến trong Đức Kitô,

Ngay từ đầu mùa Chay, Hội Thánh đã dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần” (Lời nguyện nhập lễ Thứ Tư Lễ Tro). Như vậy, mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng, chống lại ác thần, vượt thắng con người cũ, để trở nên con người mới theo hình ảnh Đức Kitô phục sinh.

1. Để có thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu thiêng liêng này, mỗi người cần phải thấy rõ tình trạng thiêng liêng của mình, và áp dụng những phương thế tập luyện thích hợp để tăng cường sức mạnh thiêng liêng.

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2014, Đức giáo hoàng Phanxicô nói đến ba hình thức cùng khổ trong đời sống con người. Một là sự cùng khổ vật chất, khi phải sống trong những điều kiện không xứng với phẩm giá con người, thiếu những quyền và nhu cầu căn bản như thực phẩm, nước uống, công ăn việc làm. Hai là sự cùng khổ về đạo đức, là sự nô lệ tội lỗi và những thói xấu như nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc, đam mê xác thịt. Ba là sự cùng khổ về mặt thiêng liêng, khi chúng ta sống xa cách Chúa và khước từ tình yêu của Chúa.

Có thể chúng ta may mắn không phải sống trong sự cùng khổ vật chất, nhưng biết đâu lại đang sống trong tình trạng cùng khổ về đạo đức hoặc thiêng liêng, vì thường xuyên ở trong tội lỗi và nô lệ những đam mê xấu. Mỗi người cần phải chân thành khám phá và nhìn nhận tình trạng linh hồn mình trước mặt Chúa. Có thấy rõ mình là bệnh nhân thì mới mong chữa trị, có biết rõ mình yếu đuối mới mong củng cố sức lực.

2. Để giúp chúng ta tập luyện đời sống thiêng liêng, truyền thống lâu đời trong Hội Thánh đã nhấn mạnh ba việc đạo đức: chay tịnh, cầu nguyện, làm việc bác ái.

Chay tịnh không chỉ đơn giản là giữ chay vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng là tập bỏ mình, chế ngự nết xấu, giảm bớt tính kiêu căng, nhờ đó tâm hồn được nâng cao và đến gần Chúa hơn.

Cầu nguyện là nâng lòng lên cùng Chúa để tập nhìn mọi sự trong ánh sáng của Chúa, mang lấy tâm tư của Chúa, nhờ đó được nên giống Chúa hơn và thuộc về Chúa trọn vẹn hơn.

Làm việc bác ái giúp chúng ta ra khỏi bản thân để biết quan tâm đến nhu cầu của người khác, nhạy bén trước nỗi đau của tha nhân và giúp đỡ họ, theo gương Chúa Giêsu là Đấng giàu có, nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khó của Ngài mà chúng ta được nên giàu có (x. 2Cr 8,9).

3. Chúng ta đang sống trong năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, nghĩa là đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần đời sống và mọi sinh hoạt trong gia đình. Do đó, chúng ta được kêu gọi sống tinh thần chay tịnh, cầu nguyện và bác ái ngay trong gia đình mình.

Gia đình sống chay tịnh bằng cách kềm chế những lời nói và cử chỉ nóng nảy, gây bất hoà và chia rẽ. Thay vào đó là những lời lẽ dịu dàng và thân thiện như thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe … Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nẩy giận hờn hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Eph 4,29-32).

Gia đình cầu nguyện bằng cách dành thời giờ mỗi ngày để cùng cầu nguyện chung. Trong giờ cầu nguyện, hãy chúc tụng và tạ ơn Chúa về những ơn lành đã đón nhận. Hãy lắng nghe Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn cách sống của mình. Hãy tha thiết xin Chúa an ủi khi đau khổ, nâng đỡ lúc khó khăn, và ban bình an trong mọi hoàn cảnh. Việc cầu nguyện chung trong gia đình như thế không những liên kết chúng ta với Chúa, mà còn liên kết mọi người trong nhà với nhau, nhờ đó bảo vệ mái ấm gia đình luôn hạnh phúc.

Gia đình Công giáo còn là gia đình làm việc bác ái. Trước hết là bác ái giữa những người sống trong cùng một mái ấm gia đình: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Eph 4,32). Ngoài ra, lòng bác ái còn phải vươn ra bên ngoài khuôn khổ gia đình. Chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu anh chị em đang sống nghèo khổ, thiếu thốn, hoặc đang gặp những thử thách lớn lao. Đối diện với thực tế đó, Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta: “Nơi những người nghèo và cùng khổ, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ người nghèo, chúng ta yêu thương và phục vụ chính Đức Kitô. Chúng ta còn phải nỗ lực để chấm dứt những vi phạm phẩm giá con người, những kỳ thị và lạm dụng trên thế giới, vì đây thường là những nguyên cớ tạo nên sự cùng khổ” (Sứ điệp Mùa Chay 2014).

Anh chị em thân mến,

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn gìn giữ gia đình anh chị em trong tình yêu của Ngài. Ước gì mùa Chay năm nay trở thành cơ hội thuận lợi để tinh thần chay tịnh, cầu nguyện, yêu thương thấm sâu vào đời sống mỗi gia đình. Nhờ đó chúng ta có thể trở nên chứng nhân tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người chung quanh.

Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp HCM
Mùa Chay Thánh 2014
(WGPS)

GIUSE : CON NGƯỜI CỦA MÙA CHAY

Trong niên lịch Phụng vụ hiện hành tháng 3 kính Thánh Giuse thường trùng hợp với thời gian Phụng vụ Mùa Chay, tín hữu được mời gọi để nhìn lên Thánh Giuse như một mẫu gương và đồng thời hướng đến lễ Phục sinh như một chuẩn đích đang đến gần. Sự trùng hợp hợp ấy lặp đi lặp lại khiến tôi có ý nghĩ : Giuse là con người của Mùa Chay.

Gọi như thế không muốn nói ngài đã thực hành việc ăn chay nghiệm ngặt hơn mấy ông Biệt phái; gọi như thế cũng chẳng có ý xa gần ám chỉ đến kiếp chồng chay chồng hờ chả sơ múi gì như kiểu nói vui của mấy vị xồn xồn; nhưng gọi như thế chỉ muốn nêu lên những đức tính nổi bật của ngài, vừa tự nhiên, vừa dễ dàng gần gũi cho mọi người trong hướng sống Mùa Chay, nhất là trong khuôn khổ những ngày tĩnh tâm ở đây.

1. Gọi Giuse là con người của mùa Chay vì lý do thứ nhất là ngài yêu thích sự lặng thầm.

Cuộc đời của Giuse qua Phúc Âm là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh, một cuộc đời có nhiều sóng gió bất ngờ. Thế nhưng, trên nền những sóng gió ấy, người ta gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm, lặng thầm đến độ khó tin. Trong Phúc Âm, Đức Maria vốn thích giữ kín và suy niệm trong lòng, ít ra người ta cũng nghe được nơi Mẹ 7 lời vắn gọn gợi mở suy tư, đằng này, tìm đỏ mắt cũng chẳng gặp một lời nào của Giuse hết, ngay cả một lời vâng vắn gọn, ngay đến một tiếng thở dài. Tuyệt đối không.

Điều này được chứng thực qua những biến cố trong đời của ngài. Sau biến cố truyền tin, thuở Giuse và Maria mới quen nhau, người ta muốn thấy một Giuse nhút nhát không nói được một câu nào. Rồi khi đã đính hôn, Giuse bỗng thấy Maria đã đổi khác nơi vòng số 2, thì thay vì phải làm cho ra lẽ, người ta lại thấy một Giuse băn khoăn, cạy miệng cũng chẳng hé lời. Có người bảo Giuse yếu, có kẻ nói Giuse dại. Mặc kệ. Ồn ào quá dễ, còn biết im lặng trong tình huống căng thẳng như thế không phải ai cũng làm được. Im lặng vốn là quê hương của những tâm hồn lớn mạnh. “Phải can đảm mới bền gan yếu đuối, phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ”.

Nhưng phải đến biến cố tìm lại Chúa Giêsu sau ba ngày lạc mất trong Đền thánh, người ta mới thấy lặng thầm là điều Giuse đã chọn lựa như châm ngôn cuộc đời. Trong biến cố ấy, thay vì trong tư cách trưởng gia đình, có thể trách móc Chúa Giêsu như những người cha khác, người ta thấy Giuse lùi lại đằng sau cho Maria tiến lên, người ta thấy Giuse rút vào im lặng cho Maria cất tiếng mở lời. Rõ ràng, đây không chỉ là một tính cách tự nhiên, mà còn là một chọn lựa thực thi đến độ thuần thục.

Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh. Giuse yêu thích sự im lặng, ngài là con người của Mùa Chay.

Trong dịp hành hương tại Nagiarét quê hương của Guise, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy ngoài đường phố, trong cửa hiệu buôn bán, thậm chí ngay ở quầy tiếp tân của khách sạn, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người phụ nữ. Họ ở đâu, không ai biết rõ, chỉ biết chắc rằng tất cả mọi sinh hoạt công khai ngoài mặt phố đều do đàn ông đảm trách. Tôi thắc mắc, và hướng dẫn viên đã giải thích rằng : đâylà xã hội của đàn ông, đàn bà không có quyền ăn nói, thậm chí không có quyền xất hiện. Trong một nếp sống như thế, lẽ ra Giuse có quyền và có bổn phận phải nói, nhưng một khi ngài đã chọn thinh lặng, ắt hẳn sự thinh lặng ấy phải có một giá trị đặc biệt. Vâng, đó là tĩnh tâm, đó là đi vào sa mạc tâm hồn, đó là đường vào của một tình yêu. Thảo nào cha Philippon, op, đã có lần viết : “Ai yêu mến sự thinh lặng sẽ được Thiên Chúa dẫn tới thinh lặng của mến yêu”.

2. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, vì lý do thứ hai ngài biết lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Cầu nguyện theo định nghĩa đầy đủ gồm nhiều động tác như thờ lạy,tạ ơn, tạ tội, dâng hiến, xin ơn. Nhưng với Giuse, đơn giản thôi, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe và thực thi ý Chúa. Sự lặng thầm của ngài không phải là một thứ ù lì chẳng có gì để nói ra, hay một thứ trống rỗng chẳng thấy chi mà ghi nhận vào. Ngược lại, đó là điều kiện để ngài cầu nguyện. Từ ngữ “giấc mơ” mà Phúc Âm nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không muốn nói tới một điều gì khác ngoài hình ảnh của một tâm hồn bỏ ngỏ cho thánh ý Thiên Chúa tự do tác động. Giống như chiếc ống sáo sẵn đợi đó cho làn hơi Thiên Chúa thổi vào làm phát ra những giai đoạn ngọt ngào đầm ấm.

Trong biến có phải đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria lánh nạn sang Ai Cập, rồi sau đó từ Ai Cập trở về Nagiarét, Giuse đã cho thấy một dáng hình cầu nguyện không thể quên được. Ngài vâng nghe và thực hành lệnh Chúa mau mắn đến độ lạ lùng. Thảo nào, con người ấy phút trước đã có thể đi vào giấc ngủ một cách ngon lành, lại còn mơ một cách vô tư, phút sau đã choàng tỉnh dậy khẩn trương lên đưởng. Thế mới biết người quen lắng nghe và thực thi ý Chúa thì tâm hồn họ bình an chừng nào. Ta gọi đó là tâm tình phó thác. Nghe tưởng dễ, nhưng thực ra từ nghe lời Chúa đến thực hành lời Ngài là cả một khoảng cách không chỉ đo bằng thiện chí, mà còn bẳng nỗ lực không ngừng. Vất vả đường lưu lạc và bơ vơ nơi đất khách, đó là cái giá Giuse phải trả cho đời phó thác tin yêu.

Mùa Chay cũng là mùa cầu nguyện, là mùa bắc những nhịp cầu thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa bằng những kinh nghiệm hằng ngày, nhưng cầu nguyện không chỉ là cầu kinh, nghĩa là đọc những kinh quen thuộc soạn sẵn trong sách toàn niên như thói quen đạo đức vốn được thực hiện trong các giáo đường, mà cầu nguyện còn là lắng đọng tâm hồn nhận ra ý Chúa mà đem ra thực hiện. Bằng một hình ảnh khá gợi ý, có tác giả tu đức bảo rằng : nhiều người chỉ quen chắp tay cầu nguyện mà không biết mở tay ra đón nhận ý Chúa. Trong ý hướng ấy, tinh thần cầu nguyện biết lắng nghe và thực thi ý Chúa của Giuse cũng là tinh thần cầu nguyện Mùa Chay cần có cho đời tín hữu.

Có lần một bạn trẻ tân tòng hỏi tôi phải làm những gì khi cầu nguyện, bởi anh không thuộc kinh như những giáo dân đạo gốc đạo dòng vốn đọc kinh từ khi còn bé, tôi hỏi xem anh đã làm gì khi đến nhà thờ. Anh cho biết : mỗi lần đến nhà thờ anh chỉ biết ngồi đực ra nghe : nghe đọc, nghe giảng, nghe hát. Thế thôi, Anh thích lắm nhưng không làm gì hơn được. Tôi bảo anh : tốt lắm, anh đã bắt đầu cầu nguyện rồi đấy, nhưng mới được một nửa, còn một nửa nữa anh có thể tự làm lấy không cần sách vở kinh kệ gì cả, đó là hãy sống những gì anh tâm đắc khi nghe được nơi giáo đường.Cứ nghe và thực hiện như thế, dần dần anh sẽ biết cách cầu nguyện cho mà xem. Qủa nhiên, sau này mỗi khi gặp lại tôi, anh đều xa gần nhắc lại : cách cầu nguyện như thế đã giúp anh sống đạo rất nhiều, nhất là nó đã giúp anh vượt qua được những nghịch cảnh không thiếu trong cuộc sống hiện tại, khi mà vẫn thấy đó đây cái cảnh dật dờ dắt díu dây dưa, đạo đời điên đảo đá đưa đôi đàng .

3. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, còn vì ngài đã tận tuỵ quên mình phục vụ.

Qua cương vị là “bạn thanh sạch của Đức Maria trọn đời đồng trinh, có lẽ người ta chỉ cảm nhận được một sự hiện diện nhạt nhòa của Giuse cặm cụi làm được mọi việc, trừ mỗi việc làm chồng, thế mà trên vai lại chất chồng không biết bao nhiêu là trách nhiệm. Nhưng chính ở đó đã sáng lên hình ảnh của một con người tận tuỵ hy sinh. Đối với thánh nhân, làm là cách nói hay hơn cả. Không băn khoăn, chẳng dị ứng, ngài hết mình làm việc bổn phận được trao phó và hết tình gắn bó yêu thương để trở nên trụ cột không phải của một mái nhà che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà là cột trụ của một mái ấm gia đình ở đó mọi thành viên đều cảm nhận được hạnh phúc an sinh.

Qua cương vị là “cha nuôi của Đấng Cứu Thế”, có lẽ người ta cũng chỉ thấy sự có mặt của một người đàn ông lủi thủi, phải cưu mang giọt máu chẳng phải của mình. Nhưng đó lại là ơn gọi lớn Giuse đã khẳng định được với tất cả ý thức trách nhiệm cao độ quên mình. Tất nhiên, không có Thánh Giuse vẫn có Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu ấy sẽ khác lắm, không có một gia đình đúng nghĩa, cũng chẳng được pháp luật chở che. Nhưng bởi vì đã có Thánh Giuse, nên Chúa Giêsu đã có nơi an toàn để mà lớn lên trước mặt Thiên Chúa và trước mắt người đời. Chính ở điểm này, hậu thế thích xưng tụng Thánh Giuse là người tận tuỵ canh giữ Đấng Cứu Thế, đúng như tên gọi một Tông huấn về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Thực ra thì Phúc Âm có gọi Thánh Giuse là người công chính, nhưng danh xưng đẹp nhất của thánh nhân chính là danh xưng đặt ngài trong tương quan với Chúa Giêsu và Đức Maria. Thành thủ, qua cương vị ”bạn thanh sạch Đức Maria” và “ Cha nuôi Đấng Cứu Thế”, Thánh Giuse đã xuất hiện nhưmột người tận tuỵ hy sinh quên mình phục vụ. Với tính cách ấy, ngài chính là con người của Mùa Chay, bởi Mùa Chay cũng là mùa phục vụ.

Tuần trước, ở một giáo xứ nhỏ mới tách ra khỏi giáo xứ mẹ được vài tháng, thấy hầu hết những người trong ban đại diện đều là người trẻ độ 30, tôi ngẫu hứng nói đến tính cách trẻ của yếu tố nhân sự trong Giáo hội.Sau đó, một người trẻ chia sẻ lại với tôi rằng; anh góp mặt trong ban hành giáo không nhắm đến một quyền lợi nào trong tôn giáo cả, mà chỉ muốn đóng góp cùng với người khác một chút gì đó gọi là phục vụ. Bởi anh hiểu phục vụ không phải là nói mà là làm ; phục vụ không phải là làm vì mình, mà là làm cho người khác,rồi phục vụ không phải là làm để cho người khác biết,mà là chỉ để một mình Chúa biết thôi. Tôi lưu ý anh: coi chừng, khi nhấn mạnh đến phục vụ như thế là dấu cho biết mình vật lộn để có tinh thần phục vụ ấy.Anh thú nhận rằng đúng, và bảo rằng đó là điều anh phải chọn lại mỗi ngày. Tôi bỗng hiểu ra : quên mình chính là điều kiện tiên quyết cho phục vụ, và phục vụ có ý nghĩa nhất là phục vụ khởi đi từ sự quên mình. Như Thánh Giuse đã quên mình, như Thánh Giuse đã phục vụ Đấng Cứu Thế.

Tóm lại, im lặng, nghe và thực thi Lời Chúa, đồng thời quên mình để phục vụ. Đó là 3 đức tính làm nên một Giuse, con người của Mùa Chay.

Trong một thành phố lớn khá ồn ào như Sài Gòn đây, có là lạc điệu không khi nói đến sự tĩnh lặng. Trong một nhịp sống kinh tế nhốn nháo thời hội nhập có đầy đủ gió đông gió tây ùa vào, vàng thau lẫn lộn, như một mời mọc giới trẻ, có là lỗi điệu không khi đề cao việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Và cuối cùng, trong một bầu khí cạnh tranh thi thố khả năng, qua đó người tài mới được tuyển dụng, còn phó thường dân nam bộ chỉ biết cặm cụi ngày 2 buổi đến xưởng đến trường, có là đơn điệu không khi nhà thờ lại cứ thích kêu gọi sống tinh thần phục vụ.

Những câu hỏi ấy và những câu tương tự có thể do người khác hay do tự ta đặt ra với mình, luôn luôn là những trăn trở gợi mở suy tư và gọi mời chọn lựa. Không có câu trả lời soạn sẵn, như những người thi vào quốc tịch Mỹ, chỉ cần nhấn nút cuốn Kim Tự Điển là gặp thấy đáp án, rồi rang học thuộc lòng là xong, Vâng, không có giải pháp làm sẵn, nhưng bù vào đó vẫn có những mẫu gương, những kinh nghiệm, và Thánh Giuse chính là một trong số những mẫu gương gần gũi bình dị ấy.

Thật vậy, đặt ngài trong tương quan với tiếng gọi Mùa Chay, người ta sẽ thấy Giuse như một mẫu gương đời thường khiến ta sẵn sang noi theo soi bóng, như một kẻ đồng hành dầy dạn kinh nghiệm sẵn sàng chỉ bảo cho ta phương cách hữu hiệu để sửa chữa đổi đời, và còn hơn thế nữa, như một Vị bổn mạng đầy thế lực sẵn sang chuyển cầu cho ta trong những tình huống khó khăn gay cấn nhất của sức khoẻ linh hồn.

Xin nhờ kinh nghiệm của ngài ngày xưa đã thành công trong trách vụ anh giữ Đấng Cứu Thế, ngày nay cũng nâng đỡ phù trợ mọi người trong nhiệm vụ gìn giữ Đấng Cứu Thế trong chính cuộc đời ta và cuộc đời những người lân cận, có thể không bằng cánh tay ở phía trước, nhưng rất thường là bàn tay âm thầm phía saucho ta được nâng đỡ thôi thúc vững vàng đi lên

Xin Thánh Giuse cầu cho chúng con biết sống Mùa Chay trọn vẹn như ngài. Amen

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

(gpphanthiet.com)

THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG CHỦNG VIỆN PHÚ CƯỜNG

Giáo Phận Phú Cường
Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Dựng Cơ Sở Đào Tạo Chủng Sinh

Mọi sự tốt lành là ở nơi Chúa.
Mọi sự thánh thiện là ở nơi Chúa.
Nên con xa Ngài sẽ là lầm sai.
Nên con xa Ngài là đau thương thôi.



Lời bài hát: “Nhờ Chúa” được cộng đoàn hát vang, mở đầu cho Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dưng cơ sở Đào Tạo Chủng Sinh ngày 1-3-2014, tại Nhà Chung giáo phận Phú Cường. Địa chỉ: số 104 Lạc Long Quân Tp. Thủ Dầu Một- Bình Dương.

9 giờ 30 rước đoàn đồng tế. Đi đầu là bình hương lửa (Sốt mến), tiếp theo là Thánh Giá nến cao (Sự hiện diện của Thiên Chúa), kế đến là phiến bia đá với hàng chữ: Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây dựng Cơ Sở Đào Tạo Chủng Sinh Do Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Tấn Tước Giám Mục Giáo Phận- Ngày 1- 3 - 2014. Tiếp theo sau là khoảng 160 linh mục, trong đó có quý cha khách, quý cha quản hạt, cha giám đốc nhà chung Jb. Phạm Quý Trọng, cha tổng đại diện Micae Lê Văn Khâm, sau cùng là hai Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ và Giuse.Nguyễn Tấn Tước.

Thánh lễ có rất đông quý tu sĩ nam nữ của các hội dòng, quý khách phương xa và khoảng 2000 giáo dân của các giáo xứ.
 
 
Trước lễ Đức Cha Giuse làm phép bia đá. Hai Đức Cha cùng đặt bia đá vào bệ đỡ, tượng trưng cho việc bắt đầu công việc xây dựng. Đức Cha Giuse nói:

Anh chị em thân mến.

Công việc mà chúng ta khởi sự hôm nay phải thúc đẩy chúng ta bày tỏ tâm tình đức tin và lòng biết ơn.

Chúng ta đã nghe thánh vịnh: “Nếu Chúa chẳng xây nhà, mọi người thợ chỉ làm việc uổng công”.

Theo một phương diện nào đó, chúng ta là những cộng tác viên của Thiên Chúa, khi chúng ta dùng việc làm của mình mà củng cố anh chị em hay phụng vụ công đoàn.

Vậy chúng ta hãy dùng việc cử hành này mà kêu cầu sự phù giúp của Chúa. Xin Chúa cho công việc xây cất được kết thúc tốt đẹp, xin Ngài che chở các công nhân và gìn giữ họ khỏi mọi điều tai ác.

Hôm nay là ngày đầu tháng 3, mừng kính Thánh Giuse quan thầy Nhà Chung. Lời nguyện giáo dân, chúng ta hãy nguyện xin:

Lạy Chúa, là Thiên Chúa của các tổ phụ và tiên tri. Nơi Thánh Giuse, Chúa đã tỏ cho chúng con thấy tình cha yêu thương con cái, xin Chúa thương nhận ban ý nguyện cầu của Hội Thánh, ban cho chúng con đang hân hoan họp nhau để khởi công xây dựng ngôi nhà này, có thể hoàn tất thật tốt đẹp như ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Bài giảng. Đức Cha Giuse chia sẻ: Thánh Giuse là tấm gương nhân đức cho chúng ta noi theo. Thánh Giuse khiêm nhừng, Thánh Giuse đạo đức, Thánh Giuse siêng năng.vv. Thánh Giuse là thợ mộc đã làm nên ngôi nhà thánh thiện, ngôi nhà yêu thương. Chúng ta nguyện noi gương Thánh Nhân và xin Thánh Nhân cầu bầu cho chúng ta, để sau này chúng ta cùng được hưởng phúc Thiên Đàng với Thánh Nhân.
 
 
Nhà Chung giáo phận Phú Cường được xây dựng cùng với năm thành lập. (Năm 1965. Đức Giáo Hoàng Phaolo IV đã ký quyết định thành lập giáo phận và Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên là giám mục tiên khởi). Từ đó đến nay đã trải qua nhiều năm mưa nắng. Cùng với việc phát triển của Giáo phận, cơ sở nhà chung như là nhỏ bé. Thế nên để có một cơ sở đào tạo thích hợp quả là chính đáng.

Năm 2006 toàn giáo phận có 67 giáo xứ ( Theo bản tin Công Giáo VN ngày 14/1/2006).

Năm 2014 toàn giáo phận có 98 giáo xứ ( Theo lịch giáo phận năm 2014).

Như vậy cùng phát triển giáo xứ là phát triển chủng sinh là điều đương nhiên.

Hôm nay cũng là ngày mừng sinh nhật thứ 78 của Đức Cha Phêrô. Đức Cha Giuse thay mặt cộng đoàn có lời chúc mừng đến Đức Cha Phêrô. Xin Thiên Chúa ban cho Đức Cha thêm tuổi thêm nhân đức đề dẫn đưa gia đình giáo phận ngày một tiến bước trên con đường thánh thiện.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, cha giám đốc nhà chung có lời cám ơn đến quý Đức Cha, quý cha cùng toàn thể cộng đoàn, xin cộng đoàn cầu nguyện và chung tay xây dựng để cho công việc này được tốt đẹp, nhanh chóng hoàn thành.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 30, mọi người chung vui với nhau qua bữa cơm trưa. Đây cũng là dịp để các giáo xứ giao lưu với nhau.
Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
(VietCatholic.net)