Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG. ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 08.12.2020


TÒA TỔNG GIÁM MỤC SAIGON: THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2020


TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 03 tháng 12 năm 2020

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2020


Kính gởi: quí cha, quí tu sĩ, chủng sinh và anh chị em tín hữu trong gia đình Tổng giáo phận

Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô,

1. Chúng ta đã bước vào Mùa Vọng chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Mùa Giáng sinh không chỉ là mùa vui chơi mua sắm, trang trí đèn sao, nhưng trước hết là mùa vui mừng đón Con Thiên Chúa làm người và ở giữa nhân loại. Thiên Chúa yêu thương nhân loại quá sức đến độ ban tặng Người Con yêu dấu để nhân loại nhờ Ngài mà được hạnh phúc. Đón nhận Ngài là nhận được Ánh Sáng, Tình Yêu, Sự Thật và Sự Sống. Từ chối Ngài là ở lại trong bóng tối, hận thù, lầm lạc và sự chết.

Vậy mà Con Thiên Chúa đến trong nhà của Ngài mà người nhà đã không nhận biết để đón rước. Ngài đã đi qua cuộc đời nhưng nhiều người đã hụt mất Ngài. Chính vì thế, sứ điệp của Mùa Vọng là tiếng nói cảnh báo: “Hãy tỉnh thức”. Hãy tỉnh thức kẻo hụt mất Chúa, hãy cảnh giác kẻo mất nguồn sống, ánh sáng và tình yêu trong cuộc đời.

 2. Năm 2020 là thời gian đau thương đối với toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành khắp nơi: cho đến nay hơn 64 triệu người bị nhiễm, gần một triệu rưỡi tử vong, đời sống kinh tế xã hội bị khủng hoảng trầm trọng. Nhờ ý thức trách nhiệm cộng đồng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp, Việt Nam đã có 4 tháng bình an. Tuy nhiên, trong những ngày này tại thành phố chúng ta đã xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Điều này nhắc nhở tất cả mọi người phải luôn đề cao cảnh giác để đại dịch không tái phát trên đất nước.

Chúng ta đang nói tới tình trạng “bình thường mới”. So với năm 2019, tình trạng của thế giới là không bình thường ; tuy nhiên vì chưa thể đẩy lui được nạn dịch, nên phải chấp nhận nó như là chuyện bình thường để mà sống, chẳng lẽ cứ cách ly bất động mãi. Bình thường nhưng lại phải luôn đề phòng, chứ không như thể chẳng có chuyện gì quan trọng. Hãy tỉnh thức và cảnh giác.

 3. Ngoài đại dịch Covid-19, người dân miền Trung còn liên tiếp gánh chịu những cơn bão và lũ lụt với hậu quả là trên 200 người chết và mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập, gần 240.000 căn bị hư hỏng, thiệt hại vật chất rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay.
 
Đại dịch Covid-19 cũng như lũ lụt làm cho cuộc sống của tất cả mọi người bị khủng hoảng, thiếu thốn, nhưng những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn luôn là người nghèo và di dân. Trong thời gian qua, được thúc đẩy bởi tình liên đới nhân loại và đức bác ái Kitô giáo, anh chị em đã quảng đại chia sẻ vật chất để giúp nhau vượt qua thử thách. Chúng ta hãy tiếp tục biểu lộ lòng nhân ái để gánh vác nhau đi tiếp những chặng đường tương lai. Năm chiếc bánh và hai con cá của từng người chúng ta sẽ được Chúa cho nhân lên gấp bội để cứu giúp nhau trên bước đường đời.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đi qua các nẻo đường cuộc sống để xin chúng ta cho ăn, cho uống, cho mặc… Hãy tỉnh thức kẻo sau này không có người nghèo nào đón rước chúng ta vào nơi vĩnh cửu (x. Lc 16, 9).
 
4. Sống bình thường với ý thức cảnh giác cũng nhắc nhở chúng ta về những virus đang âm thầm phá hoại đời sống tinh thần của Dân Chúa. Trước hết, trong Thư mục vụ tháng 10-2020, Hội đồng Giám mục Việt Nam nói tới những lệch lạc trong đời sống đức tin nơi một vài phong trào đạo đức, có thể do thiếu hiểu biết giáo lý, hoặc do những bất cập trong các hoạt động mục vụ tại một số giáo xứ. Anh chị em hãy học hỏi giáo lý để sống đức tin theo giáo huấn của Phúc Âm và của Hội Thánh, theo sự hướng dẫn của các mục tử, đừng sống đạo theo cảm tính chủ quan của cá nhân. Có những điều ta nghĩ là tốt là hay, nhưng hãy tỉnh thức và cảnh giác để phân định kỹ lưỡng xem điều đó có đúng đường lối của Chúa không, có thực sự là ý Chúa không, có làm sáng danh Chúa và xây dựng Hội Thánh không, hay chúng ta đang bị thúc đẩy bởi các động lực không tốt.
 
Kế đến, anh chị em hãy sử dụng các phương tiện truyền thông để loan truyền chân lý và tình yêu thương hiệp nhất, đừng dùng mạng xã hội để gieo rắc virus sai lầm, chia rẽ, hận thù, nói xấu, lên án nhau. Buổi tối mỗi ngày, anh chị em hãy tự kiểm xem hôm nay mình đã loan truyền được bao nhiêu sự thật và tình thương, và ngược lại, đã gieo rắc bao nhiêu virus độc hại. Hãy luôn tỉnh thức và cảnh giác về biết bao virus đang âm thầm phá hoại đời sống cộng đoàn do sự thiếu khôn ngoan và lòng ghen ghét của mình.
 
5. Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục đã nêu chủ đề của năm 2021 là "Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình". Sự trưởng thành toàn diện mà các bạn trẻ được định hướng trong năm vừa qua, phải bắt đầu từ trong gia đình: 1) cầu nguyện trong gia đình; 2) hiếu thảo với cha mẹ và sống tình nghĩa anh chị em trong gia đình; 3) học tập các đức tính từ trong gia đình: tính trung thực, lòng quảng đại, tinh thần phục vụ và trách nhiệm.

Công việc bận rộn, lòng tham của cải vật chất, lối sống tự do và hưởng thụ…, đang tác động mãnh liệt và gây ra khủng hoảng trong nhiều gia đình. Anh chị em hãy tỉnh thức và cảnh giác để gia đình chúng ta luôn tỏa chiếu “niềm vui của tình yêu” và vượt qua mọi thử thách.

Cách riêng đối với các bạn trẻ, các con hãy nhớ rằng gia đình chính là trường học đầu tiên và căn bản để các con triển nở quân bình và toàn diện. Các con hãy gắn bó với gia đình, học tập gương sáng từ nơi ông bà cha mẹ, lắng nghe lời khuyên của các bậc khôn ngoan. Hãy cảnh giác và tỉnh thức để đừng rơi vào cạm bẫy của tiền bạc, khoái lạc và danh tiếng. Hãy cảnh giác và tỉnh thức để đừng ảo tưởng và sa lưới cám dỗ của ma quỷ hằng rình rập tìm mồi cắn xé mỗi người chúng ta.
 
6. Anh chị em thân mến,

Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người để cứu nhân loại, đã chiến thắng tội lỗi, đau khổ và sự chết. Các Kitô hữu phải là người tỉnh thức để giữ lửa cho thế giới. Đừng mất cảnh giác kẻo sự dữ ngày càng lan rộng và tấn công mạnh mẽ hơn. Đừng để mất niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp do Chúa Giêsu ban tặng.

Kính chúc anh chị em Mùa Vọng và Giáng Sinh đầy tràn niềm hy vọng, bình an, tình yêu và ân sủng của Chúa Giêsu Cứu Thế. Nguyện xin Đức Mẹ là Nữ Vương bình an ban muôn ơn lành cho toàn thế giới. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho chúng tôi.

Thân mến chào anh chị em.

(đã ký)
+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám mục

+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN
Giám mục Phụ tá
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 08.12.2020


Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG (08.12.2020 – THỨ BA – ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI)

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


Suy niệm:

Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, Đức Mẹ lại hiện ra cho Bernadette, một cô bé mười bốn tuổi, nhà nghèo, quê mùa.

Vào lần hiện ra thứ mười sáu, khi cô gặng hỏi tên của Bà đẹp, Bà đã trả lời: Que soy era Immaculada Conception, Ta là sự Thụ thai vô nhiễm. Một câu trả lời khó hiểu và khó nhớ đối với một cô bé ít học.

Dĩ nhiên cô không hề biết rằng bốn năm trước đó, Đức Piô IX đã công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội.

Mừng lễ Đức Maria Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ. Thiên Chúa muốn Con Một của mình làm người trăm phần trăm, nên cần tuyển một phụ nữ để sinh ra người Con ấy.

Maria chính là người được chọn, hoàn toàn như một ân huệ.

Khi chọn Maria, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ mọi sự tốt đẹp nhất có thể, vì ơn gọi quá vĩ đại là làm Mẹ Con Thiên Chúa.

Maria được Thiên Chúa bao bọc và bảo vệ bằng ân sủng tuyệt vời.

Ngài cho Mẹ được hưởng trước công nghiệp của Người Con, nên gìn giữ Mẹ khỏi vết nhơ của nguyên tội.

Mừng lễ Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, đã trọn vẹn và tuyệt đối nằm trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Khi nói Mẹ không nhiễm vết nhơ của nguyên tội là chỉ mới nêu lên một khía cạnh có phần tiêu cực.

Theo Công Đồng Vaticanô II, từ giây phút hiện diện đầu tiên của cuộc sống, Mẹ đã được rạng ngời một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị.

Giáo Hội Đông Phương gọi Mẹ là Đấng toàn thánh (panagia).

Sự thánh thiện của Mẹ đã được sứ thần Gabrien diễn tả qua lời chào : “Mừng vui lên, hỡi Đấng được đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.”

Maria được Thiên Chúa ban đầy tràn ân sủng, nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương, và được đẹp lòng Thiên Chúa, từ trước khi Mẹ nói tiếng Xin Vâng.

Nhưng ân sủng không bóp chết tự do và trách nhiệm.

Mẹ đã đáp lại tình yêu đó với sự mở ra không ai sánh bằng.

Tiếng Xin Vâng trên môi của cô thiếu nữ Maria là cử chỉ đón lấy Đấng Cứu Độ vào đời mình, vào lòng dạ mình.

Maria đã suốt đời trung tín với tiếng Xin Vâng đầu tiên bằng việc nói muôn tiếng Xin Vâng khác cho đến tận thập giá.

Những gì Mẹ Maria được hưởng, chúng ta cũng được chung phần.

Chúng ta cũng được chọn, được tẩy xóa tội nguyên tổ, được ban ơn.

Chúng ta cũng được mời gọi đáp lại bằng những tiếng Xin Vâng nho nhỏ.

Sống Mùa Vọng là để cho Con Thiên Chúa đi vào đời mình.

Như Đức Maria, chúng ta được mời gọi cưu mang Con Thiên Chúa, làm cho Ngài lớn lên mỗi ngày và sinh Ngài ra cho thế giới.

Chúng ta cũng muốn cưu mang Giêsu với trái tim và cuộc đời vô nhiễm.

Xin Chúa cho chúng ta được chia sẻ ơn Vô Nhiễm giữa cuộc đời ô nhơ.

Cầu nguyện:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối. Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền. 
 
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông. Một quả tim trung thành và quảng đại, không quên ơn, không báo oán. Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác. 
 
Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những kẻ vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt.

Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 07.12.2020


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 06.12.2020


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 06.12.2020