Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 13.01.2021


SẮC LỆNH CÁC ÂN XÁ ĐẶC BIỆT TRONG NĂM KÍNH THÁNH GIUSE

Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự - Hội đồng Giám mục Việt Nam

WHĐ (11.1.2021)Để cổ vũ toàn thể Hội Thánh luôn tín thác vào sự bảo trợ thần thế của Thánh Giuse – Bổn mạng Hội Thánh, ngày 8/12/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” - Trái tim người cha, công bố Năm đặc biệt về thánh Giuse. Cùng ngày, Đức Hồng Y Maurus Piacenza – Chánh án Tòa Ân giải Tối cao, cũng đã ký sắc lệnh ban các Ân xá nhân dịp Năm đặc biệt này. Sau đây là bản dịch Việt ngữ chính thức của Ủy ban Phụng tự - Hội đồng Giám mục Việt Nam.

TOÀ ÂN GIẢI TỐI CAO
SẮC LỆNH


Các Ân xá đặc biệt
trong Năm kính Thánh Giuse do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập
kỷ niệm 150 năm
Thánh Giuse được tôn vinh là Bổn mạng Hội Thánh hoàn vũ


Hôm nay kỷ niệm 150 năm ngày Chân phước Giáo hoàng Piô IX, trong nỗi lo âu giữa thời điểm đầy thử thách và đau buồn của Hội Thánh đang gặp những chống đối thù nghịch, ban hành Sắc lệnh Quemadmodum Deus, công bố Thánh Giuse là Bổn mạng Hội Thánh Công giáo.

Để cổ vũ toàn thể Hội Thánh luôn tín thác vào sự bảo trợ thần thế của Đấng Gìn giữ Hài nhi Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định từ hôm nay cho đến ngày 8 tháng 12 năm 2021, ngày kỷ niệm Sắc lệnh nói trên đồng thời cũng là ngày kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm nguyên tội và là Bạn thanh sạch của Thánh Giuse, Hội Thánh cử hành một Năm đặc biệt kính Thánh Giuse, để tất cả các tín hữu, nhờ noi gương Thánh Cả, được kiên vững trong cuộc sống đức tin hằng ngày và luôn biết chu toàn thánh ý Thiên Chúa.

Nhờ ơn phù trợ của Thánh Giuse, người đã chăm sóc giữ gìn Thánh Gia Nazareth, tất cả các Kitô hữu sẽ nỗ lực cầu nguyện và thực thi các việc lành phúc đức, để có thể giúp đỡ và xoa dịu những nỗi đau thương khốn khổ đang đè nặng trên nhân loại trong thời đại ngày nay.

Lòng yêu kính Đấng Gìn giữ Chúa Cứu Thế ngày càng gia tăng theo dòng lịch sử Hội Thánh, không chỉ dành cho vị Thánh Cả sự tôn sùng đặc biệt, tuy không sánh bằng việc tôn sùng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Hiền Thê của thánh nhân, mà còn nhận ngài là Đấng Bảo trợ trong nhiều lĩnh vực.

Huấn quyền Hội Thánh vẫn còn tìm đến Thánh Giuse như đến với một kho tàng chứa đựng những điều đã được nhận thấy từ lâu cũng như những điều thật mới mẻ, giống như người biết “tận dụng những thứ mới và cũ trong kho tàng của mình” (Mt 13, 52).

Để có thể trợ giúp nhiều hơn cho các tín hữu đạt được mục đích tốt lành đó, Toà Ân Giải Tối cao ban hành Sắc lệnh này theo ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẵn lòng rộng ban các Ân xá trong Năm kính Thánh Giuse.

Các Kitô hữu được lãnh Ơn Toàn xá với các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng), phải quyết tâm tránh xa tội lỗi, thực thi việc cử hành Năm kính Thánh Giuse cho những trường hợp và theo cách thức do Toà Ân Giải Tối cao ấn định.

a. Thánh Giuse, con người thực sự đầy lòng tin, mời gọi chúng ta tái khám phá mối tương quan phụ tử với Chúa Cha, trung thành trong việc cầu nguyện, chú tâm lắng nghe và phân định sâu sắc để đáp lại thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, ơn Toàn xá được ban cho những ai suy niệm kinh Lạy Cha trong khoảng thời gian ít là 30 phút, hoặc tham dự ít là một ngày tĩnh tâm dành cho việc suy niệm về Thánh Giuse.

b. Tin Mừng gọi Thánh Giuse là “người công chính” (Mt 1, 19), người đã giữ “điều bí nhiệm thầm kín trong sâu thẳm tâm hồn” [Đức Piô XI, Bài giảng công nhận nhân đức đáng khâm phục của Tôi tớ Chúa Emiliae de Vialar - L’Osservatore Romano, 20-21/3/1935), người được dự phần vào mầu nhiệm của Thiên Chúa nên cũng là Đấng bảo trợ tuyệt hảo cho đời sống nội tâm, Ngài thúc đẩy chúng ta nhận ra sức mạnh của sự thinh lặng, đức khôn ngoan và lòng trung thành trong nỗ lực chu toàn các việc bổn phận. Đức công chính theo gương Thánh Giuse, là nhân đức gắn kết trọn vẹn với luật Chúa, luật của Lòng Thương xót, “vì sống theo lòng Thương xót của Thiên Chúa là chu toàn đức công chính đích thực” [Đức Phanxicô, Tiếp kiến chung (3/2/2016)]. Vì thế, ơn Toàn xá được ban cho những ai noi gương Thánh Giuse, thực thi một hành vi do lòng Thương xót về phần xác hoặc phần hồn.

c. Điểm chính yếu trong ơn gọi của Thánh Giuse là trở nên người chăm sóc bảo vệ Thánh Gia Nazareth, là hôn phu của Đức Trinh Nữ Maria và là người cha của Chúa Giêsu theo pháp lý. Để khích lệ các gia đình Kitô hữu xây dựng mối hiệp thông thân ái, tình yêu và tinh thần cầu nguyện theo mẫu gương trọn hảo của Gia đình thánh, ơn Toàn xá được ban cho các gia đình hay những người đã đính hôn khi họ cùng lần chuỗi Mân Côi chung.

d. Ngày 1 tháng Năm, năm 1955, vị Tôi tớ Chúa là Đức Giáo hoàng Piô XII đã thiết lập lễ kính Thánh Giuse Thợ, “với ý hướng nhắc nhở mọi người nhận ra phẩm giá của lao động, đồng thời để chính phẩm giá ấy khơi dậy nếp sống xã hội và gợi ý để các bộ luật lao động được thiết lập dựa trên nguyên tắc phân phối công bình trong lĩnh vực quản trị cũng như nghiệp vụ” [Đức Piô XII, Bài giảng lễ kính Thánh Giuse Thợ (1/5/1955)]. Vì thế, ơn Toàn xá được ban cho những ai mỗi ngày dâng các việc làm của mình cho sự bảo trợ của Thánh Giuse và cho bất cứ tín hữu nào khẩn nài lời chuyển cầu của Thánh Giuse, người thợ làng Nazareth, để xin cho những kẻ thất nghiệp tìm được việc làm và cho công việc lao động của mọi người ngày càng đáng được tôn trọng hơn.

e. Sự kiện Thánh Gia phải trốn sang Ai cập “cho chúng ta thấy bất cứ nơi nào con người gặp nguy khốn, chịu đau khổ, phải trốn chạy, bị từ chối và bỏ rơi, nơi đó Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện” [Đức Phanxicô, Giờ kinh Truyền Tin (29/12/2013)]. Ơn Toàn xá được ban cho các tín hữu đọc Kinh Cầu Thánh Cả Giuse (theo truyền thống Latinh), hay đọc toàn bộ hoặc một phần Thánh thi dâng kính Thánh Giuse (theo truyền thống Byzantin), hay một lời nguyện dâng lên Thánh Giuse, theo những truyền thống phụng vụ khác, để cầu nguyện cho Giáo Hội ở nơi xa hoặc tại địa phương đang gặp cơn bách hại, và cầu xin ơn nâng đỡ cho các Kitô hữu đang chịu bách hại dưới mọi hình thức.

Thánh Têrêsa Avila đã xác quyết Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ cho mọi hoàn cảnh của cuộc sống: “Dường như Thiên Chúa ban ơn cho các vị thánh khác để các ngài trợ giúp khi chúng ta gặp khó khăn này hay khó khăn nọ, trong khi đó tôi cảm nghiệm được là Thánh Cả Giuse bảo trợ cho tất cả mọi tình huống khó khăn” [Têrêsa Avila, Vita, VI, 6]. Gần đây hơn, Thánh Gioan-Phaolô II đã khẳng định Thánh Giuse chính là khuôn mẫu cho “công cuộc canh tân các hoạt động của Hội Thánh trong thời đại ngày nay, hướng đến thiên niên kỷ mới của Kitô giáo” [Thánh Gioan-Phaolô II, Tông Huấn “Redemptoris Custos”, 32 (15/8/1989)].

Để tái xác quyết Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Hội Thánh hoàn vũ, ngoài các trường hợp nói trên, Toà Ân giải Tối cao rộng ban ơn Toàn xá cho những Kitô hữu thực hành một việc đạo đức kính Thánh Giuse, hoặc đọc một bản kinh đã được chuẩn nhận hợp luật, chẳng hạn kinh “Ad te, beate Joseph”,[1] đặc biệt trong các ngày 19 tháng Ba và 1 tháng Năm, ngày lễ kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, ngày Chúa nhật kính Thánh Giuse (theo truyền thống Byzantin), ngày 19 mỗi tháng và ngày thứ Tư mỗi tuần, vẫn được dành để kính Thánh Giuse theo truyền thống Latinh.

Trong hoàn cảnh nguy cấp hiện nay do dịch bệnh, ơn Toàn xá được rộng ban cách đặc biệt cho những người cao tuổi, các bệnh nhân, người đang hấp hối và tất cả những ai không thể ra khỏi nhà vì có lý do chính đáng; những người này, ngay tại nhà riêng hoặc ở nơi buộc phải lưu trú, cần quyết tâm chừa bỏ tội lỗi và có ý định sẽ thực hiện ba điều kiện thông thường ngay khi có thể, đọc những lời kinh nguyện kính Thánh Giuse, Đấng an ủi bệnh nhân và ban ơn chết lành, tin tưởng dâng lên Chúa những đau đớn và khốn khổ trong cuộc sống.

Để việc đón nhận ơn tha thứ qua năng quyền tha tội của Hội Thánh nên dễ dàng hơn nhờ đức ái mục tử, Toà Ân giải tha thiết kêu gọi tất cả các linh mục có năng quyền giải tội, nên sẵn sàng và quảng đại cử hành bí tích Xá giải, đồng thời cũng thường xuyên trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân.

Sắc lệnh này có hiệu lực trong suốt Năm kính Thánh Giuse. Những điều trái nghịch đều vô hiệu.

Ban hành tại Rôma từ Toà Ân giải Tối cao, ngày 8 tháng 12 năm 2020.

Hồng y Maurus Piacenza
Chánh án

Christophorus Nykiel
Chánh Văn phòng

L. + S.
Prot. n. 866/20/I

Download file Sắc lệnh tại đây.
 


[1] Kinh này do Đức Giáo hoàng Lêô XIII soạn; tại Việt Nam, có một số phiên bản tiếng Việt của kinh này vẫn được các tín hữu quen đọc như sau:

– Lạy ơn ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng Người, trong cơn gian nan chúng con mắc phải.

– Lạy ơn ông Thánh Giuse, chúng con khốn khó chạy đến cùng Người.

– Thân lạy ông Thánh Giuse, nay chúng con lâm cơn khốn khó vội chạy đến cùng Người.

– A thân lạy Thánh Cả Giuse, chúng con rày đang cơn khuẩn bức, đều tuôn đến kêu cầu Thánh cả.
 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 13.01.2021


Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

10 SỰ THẬT ĐÁNG NGẠC NHIÊN VỀ SỨC MẠNH CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ

© Antoine Mekary / ALETEIA

 10 SỰ THẬT ĐÁNG NGẠC NHIÊN 
VỀ SỨC MẠNH CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Tác giả: Sr. Theresa Aletheia Noble
Chuyển ngữ: Ngọc Quí
Từ: aleteia.org

WHĐ (9.1.2021) – Đó là “công trình và quà tặng của cả Ba Ngôi Thiên Chúa”.

“Bí Tích Thánh Thể đến với chúng ta như là công trình và quà tặng của cả Ba Ngôi.” – Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, OFM

Gần đây, một người bạn đã kể cho tôi rằng cha cô ấy đã từng giúp đỡ mẹ cô trong những việc bếp núc bình dị nhất. Một điều mà ông ấy thích làm là lột vỏ quả óc chó và phân loại chúng vào xô. Sau đó, ông sẽ tặng những túi hạt cho bạn bè và gia đình. Cha của bạn tôi gần đây đã qua đời. Vài tháng sau đó, cô bạn của tôi lại mở tủ lạnh để lấy một ít quả óc chó để làm bánh mì chuối. Khi nhìn vào túi óc chó, cô nhận ra rằng dù cha cô đã qua đời, ông vẫn để lại lương thực cho cuộc hành trình của cô.

Ngay lúc đó, bạn tôi bất chợt hiểu một cách sâu sắc hơn về bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu biết mình sẽ lên trời, nhưng Ngài đã để lại cho những kẻ theo Ngài thứ gì đó để nuôi dưỡng họ, và đó không chỉ là của ăn đời này nhưng là chính Mình và Máu Ngài.

Chúng ta được quan tâm.

Chúng ta được chăm sóc.

Chúng ta có một Người Cha trên trời, Đấng biết mọi nhu cầu của chúng ta và cố gắng ban cho ta những gì ta cần. Hình Bánh mà hằng ngày chúng ta rước lấy không phải là một biểu tượng hay là của ăn đời này; đó là của ăn thiêng liêng thật, Thịt và Máu thật của Đấng Cứu Thế, Chúa chúng ta. Bí Tích Thánh Thể là sự nuôi dưỡng, Bí Tích này vượt lên trên nghi thức và tìm thấy sức mạnh cũng như bản chất của mình trong chính những hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Dưới đây là một số tác động đáng kinh ngạc của Bí Tích Thánh Thể:

1) Hiệp nhất với Chúa Kitô: Việc đón nhận Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể tháp nhập con người chúng ta vào thân thể của Chúa Kitô. Thánh Cyrillô thành Alexandria mô tả nó tương tự như “khi sáp nóng chảy được kết hợp với một loại sáp khác.” Hành trình của người Kitô hữu là một cuộc hành trình để trở nên giống Chúa Kitô, để “ở lại trong Ngài” và Ngài ở trong chúng ta. Bí Tích Thánh Thể là nơi điều ấy xảy ra.

2) Xóa bỏ tội nhẹ: Bí Tích Thánh Thể xóa bỏ tội nhẹ. Xóa bỏ! Vì tội lỗi, lòng nhiệt thành bác ái của chúng ta có thể bị ngăn cản bởi tội nhẹ. Nhưng khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta kết hợp với chính Tình Yêu, là Đấng thiêu đốt những dấu tích tội nhẹ của chúng ta và khiến chúng ta được thanh tẩy và sẵn sàng bắt đầu lại.

3) Giữ gìn khỏi tội trọng: Dù đôi lúc chúng ta không nên rước lễ khi chúng ta nhận thức mình đang ở trong tình trạng tội trọng, chúng ta nên rước Thánh Thể càng nhiều càng tốt khi ta có thể vì nó sẽ giữ gìn chúng ta khỏi tội trọng. Nó giống như thể sức mạnh của Thánh Thể rửa sạch tội nhẹ trong tâm hồn chúng ta và sau đó phủ lên chúng ta một lớp áo bảo vệ giúp ta tránh xa tội trọng.

4) Tương quan cá vị với Chúa Giêsu: Nhiều Kitô hữu nói về sự quan trọng của một tương quan cá vị với Chúa Giêsu, một điều rất thật. Nhưng chính nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có thể thật sự gặp gỡ thân mật với Con Người Giêsu. Đức Bênêđictô XVI đã từng chỉ ra mối liên hệ này:

“Ngày hôm nay cần phải nhìn nhận lại rằng Chúa Giêsu Kitô không chỉ là sự xác tín cá nhân hay một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một người thực, mà việc Người trở nên một phần của lịch sử nhân loại có khả năng đổi mới mọi người. Bởi đó, Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội phải được diễn giải trong một linh đạo, thành đời sống ‘theo Thánh Thần’” (Tông Huấn “Bí tích tình yêuSacramentum Caritatis).

5) Trao ban sự sống: Theo Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bí Tích Thánh Thể “bảo toàn, phát triển và canh tân đời sống ân sủng đã nhận được trong Bí Tích Rửa Tội” (GLHTCG, số 1392). Nói cách khác, việc đón nhận Thánh Thể làm gia tăng đời sống ân sủng đã hiện diện trong ta. Nghe còn tuyệt hơn một chuyến đi spa!

6) Kết hiệp với Thân Mình Chúa Kitô: Vì chúng ta càng được kết hiệp gần hơn với Chúa Kitô thông qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta càng được kết hợp chặt chẽ hơn với tất cả những người khác, những người cùng lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể! Nói cách khác, Bí Tích Thánh Thể giống như chất keo kết nối chúng ta với Chúa Giêsu và với mọi anh chị em khác trong Giáo Hội

7) Dấn thân cho người nghèo: Những lời của thánh Gioan Kim Khẩu làm xấu hổ nhiều người trong chúng ta, những người rời bàn tiệc Thánh Thể mà không quan tâm đến Chúa Kitô nơi những người nghèo:

“Bạn đã rước Máu của Chúa, nhưng bạn không nhận ra người anh em của mình, … Bạn xúc phạm bàn tiệc này khi bạn xem ai đó không xứng đáng chia sẽ thức ăn của bạn dù người đó được xem là xứng đáng tham dự bữa ăn này… Thiên Chúa đã giải phóng bạn khỏi mọi tội lỗi và mời gọi bạn đến đây, nhưng bạn đã không trở nên nhân từ hơn.”

8) Niềm an ủi thiêng liêng: Việc Rước Lễ là việc nếm trước hạnh phúc thiên đàng đến nỗi nó có thể tạo ra niềm hạnh phúc trong chúng ta như chúng ta cảm nghiệm sự kết hiệp đích thật với Thiên Chúa. Nếu chúng ta cảm thấy bị đánh gục bởi những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta có thể chạy đến với Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch của hạnh phúc và xin Chúa đỗ tràn trên chúng ta niềm an ủi và bình an của Ngài.

9) Sự giao hòa: Trong Thượng Hội Đồng về Bí Tích Thánh Thể năm 2005, các giám mục đã thảo luận về cách mà việc đón nhận Thánh Thể ở những vùng bị chiến tranh tàn phá đã biến đổi dân Chúa và cho họ động lực để tìm kiếm hòa bình:

“Nhờ vào việc cử hành Thánh Thể, các dân tộc đang xung đột có thể tụ họp quanh Lời Chúa, nghe sứ điệp có tính tiên tri của Người về sự hòa giải qua sự tha thứ vô điều kiện, và nhận được Ơn hoán cải cho phép họ chia sẻ cùng một bánh và chén.” (Tông Huấn “Bí tích tình yêuSacramentum Caritatis, Propositio 49)

10) Cho chúng ta một điểm quy chiếu trong cuộc sống: Nếu chúng ta thật sự hiểu bản chất sâu xa của Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sẽ bắt đầu tập trung cuộc sống của chúng ta quanh việc cử hành Thánh Thể. Không có gì trong cuộc sống của chúng ta quan trọng hơn việc cử hành Thánh Thể, dù là bóng đá, việc hội họp hay dã ngoại. Không có gì quan trọng hơn cuộc hẹn hàng tuần của chúng ta để nhận được phương dược từ Chúa Giêsu, vị bác sĩ tâm hồn.

Tất cả những tác động đáng ngạc nhiên này và nhiều điều khác nữa có thể là của bạn vào Chúa Nhật này! Hoặc tốt hơn nữa, hãy thử tham dự những thánh lễ hằng ngày gần nơi bạn sống.

Nhưng hãy nhớ rằng nội tâm của bạn khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể có thể quyết định bạn mở ra thế nào cho những tác động mạnh mẻ ấy. Vì vậy, hãy tôn kính, chú tâm và cầu xin Chúa ban cho bạn, qua sức mạnh của Bí Tích Thánh Thể, mọi ơn lành mà bạn cần trong cuộc sống lúc này.

Như Người Cha nhân lành, Ngài sẽ lắng nghe bạn.
 
(WHĐ)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 10.01.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật ngày 10.01.2021