Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

TRUYỆN NGẮN VỀ LỄ LÁ: CHIẾC LÁ GÓI ƯỚC MƠ


 CHIẾC LÁ GÓI ƯỚC MƠ

TGPSG -- Có những chiếc lá gói được ước mơ của cả một đời người. Chúng đi vào cuộc sống, làm sống mãi những ước mơ, nối dài những giấc mơ tuyệt vời mà làm nên hạnh phúc cho những ai chạm đến chúng…
 
Chặt lá dừa
Đi theo Ba Mẹ trên những chiếc thuyền vào tận dưới U Minh để chặt lá dừa nước, Thành đã quá quen thuộc với những tàu lá còn trong búp trắng muốt và dài, mà Ba Mẹ để đầy cả một thuyền. Khi thuyền về đến nơi, cả nhà Thành sau đó được chất đầy lá dừa, không chỗ nào mà không có những chiếc lá thật dễ thương ấy.
 
Phơi lá
Bộp… bộp…

Ba đang đập búp lá dừa. Tiếng bộp bộp vang cả một góc sân. Lá bung ra khỏi búp trắng xóa, cả một sân trắng những lá dừa. Mẹ cẩn thận dọc lá rồi xếp lại từng bó. Thành giúp Mẹ ôm những bó lá vào nhà. Sau đó, Mẹ phân loại lá dừa: dài, ngắn, già và trắng hơn…

Công việc của Ba kết thúc ở khâu đập búp dừa và vót tre cho Mẹ. Còn công việc của Mẹ thì thật nhiều và đầy kiên nhẫn. Thành thấy Mẹ mang lá dừa đi hấp rồi đem phơi, nâng niu từng lá rồi xếp cẩn thận lên khuôn nón và chăm chỉ khâu từng mũi kim kết nối những chiếc lá riêng lẻ thành những chiếc nón lá xinh xắn.
 
Nón lá
Nếu chiếc nón lá là vật làm duyên làm dáng cho những cô gái hay là vật che nắng che mưa cho người đi làm thì với Mẹ, chiếc nón lá là một phần của cuộc sống: không chỉ làm nón lá bán cho người ta để có thu nhập, nhưng nghề làm nón còn là nghề gia truyền của Mẹ.

Đã bao đời những chiếc nón lá vẫn được dùng như một nét đặc sắc của quê hương trong ấy gói ghém cái đơn sơ mộc mạc của người miền Nam, cái cao quý của sự khéo léo của đôi tay và tình yêu khi giữ gìn cái di sản quý giá của ngành nghề. Mặc dù Ba Mẹ Thành vất vả làm ruộng, nhưng những chiếc nón lá vẫn đều đặn được bán đi cho những người đặt hàng, cũng vì đó mà gia đình Thành khá hơn trong nghề tay trái này.
 
Lễ Lá & giấc mơ linh mục
Là con trai nên Thành không biết giúp Mẹ thế nào trong công việc làm nón lá, và chỉ được Mẹ sai vặt thu lá dừa giúp Mẹ khi trời mưa thôi. Nhưng với Thành, lá dừa không chỉ để Mẹ làm nón. Nó còn là thứ đồ chơi của Thành nữa như để làm chong chóng nè, hay là lựa một cái lá dừa dài đưa cho Ba kết thành con cào cào, hay con rồng nữa. Nhất là, đến Chúa nhật Lễ Lá, cả xóm đến nhà Thành kết lá dừa cho buổi lễ rước Lá nữa cơ. Hôm ấy, Mẹ sẽ không làm nón nhưng để hết số lá dừa ấy cho mọi người kết lá như một đóng góp nhỏ cho Giáo xứ. Ngày ấy, nhà của Thành vui lắm, người ra, người vào, cắt lá, kết lá, nói cười rôm rả...

Thành chú ý đến một cành dừa lớn mà mọi người xúm lại để kết thành hình một trái tim có nhiều bông hoa nữa, lại có thêm Thánh Giá ở giữa. Với đôi mắt tò mò, năm nào Thành cũng thấy mọi người chăm chút cho cành lá dừa ấy rất cẩn thận, nên năm ấy Thành đánh bạo hỏi Mẹ:

- Mẹ ơi, sao mọi người lại phải kết một cành dừa lớn và đẹp như vậy để làm gì, và ai là người cầm cành dừa bự đó, hả Mẹ?

Mẹ mỉm cười:
- À cành dừa ấy là của Cha Cố sẽ cầm trong ngày lễ Lá. Cha Cố cầm đi trước vào nhà thờ, rồi mọi người đi theo sau, tiến vào nhà thờ như dân thành Giêrusalem đi đón Chúa Giêsu.


Chẳng biết Thành có hiểu hết hay không, vì những năm trước, vào Lễ Lá, sợ Thành mệt vì Thánh lễ dài, nên Ba Mẹ không đưa Thành đi lễ chung, mà Ba Mẹ thay nhau đi lễ sáng và chiều để có người ở nhà trông coi Thành.

Nhưng từ Chúa nhật Lễ Lá năm ấy, Thành đã được Mẹ dẫn đi lễ, tham dự rước lá. Năm ấy, Thành lên 5 tuổi, khi thấy Cha Cố, Thành reo lên:

- Cha Cố cầm cành lá dừa bự hôm qua kìa Mẹ!

Mẹ Thành mỉm cười, vui vẻ ngắm nhìn đứa con trai nhỏ của mình đang đong đầy ngạc nhiên trong đôi mắt ngây thơ.

Khi về nhà, Thành nói với Mẹ: “Mai mốt lớn lên con sẽ làm Cha để cầm cành lá dừa đẹp đi đón Chúa Giêsu, vì Chúa bị đóng đinh con thương Chúa lắm”. Câu nói đơn sơ của đứa trẻ lên năm như chứa đựng cả một giấc mơ trong cành lá dừa ấy. 
 
Bánh lá dừa
Lá dừa là thế, với bao nhiêu công dụng như trên, lại còn cho con người có thể dùng nó mà gói bánh nữa. Thành thích nhất là những ngày Tết Nguyên Đán, hay Tết mùng Năm tháng Năm, Mẹ sẽ gói bánh lá dừa biếu ông bà Nội, ông bà Ngoại và cả các cô chú hàng xóm nữa. Bánh lá dừa Mẹ gói là ngon nhất vì mỗi dịp Mẹ gói bánh xong, mọi người ai cũng xuýt xoa: bánh ngon ghê, ăn một cái là ghiền, muốn ăn cái thứ hai!

Và rồi Mẹ cũng hay sai Thành đi biếu bánh lá dừa: bánh dây màu xanh của bác Hai có nhiều đậu xanh, bánh dây màu đỏ nhân chuối biếu cô Mười, bánh dây màu vàng biếu gia đình chú Sáu công an không có đạo… Đặc biệt, bánh dây màu trắng biếu ông bà Nội vì ông bà đều bị cao huyết áp nên bánh nhạt hơn một chút. Bánh biếu ông bà Ngoại là nhân chuối và có thêm hạt đậu đen. Mẹ thuộc khẩu vị của từng người để gói bánh biếu cho thích hợp, chính vì thế mà nhắc đến tên Mẹ, người ta sẽ nhắc đến bánh lá dừa của Mẹ ngay.

Có lần Thành hỏi Mẹ:
- Tại sao Mẹ lại gói bánh lá dừa riêng cho từng người như thế.

Mẹ nói:
- Bánh lá dừa là loại bánh bình thường và rẻ, ai cũng có thể mua. Nhưng Mẹ muốn gói bánh với cả tấm lòng và đặt vào đó tình yêu thương Mẹ dành cho từng người, khi biết một chút về sở thích của họ. Để khi nhận bánh, họ cũng nhận được sự quan tâm của mình.

- Sao Mẹ lại thích gói bánh lá dừa vậy Mẹ?

- Lá dừa là loại lá gắn liền với cuộc sống của Mẹ và gia đình mình. Lá dừa không làm mất đi màu sắc của hạt nếp, nhưng đi vào trong hạt nếp, làm cho hạt nếp dẻo và thơm mùi lá dừa, mà vẫn giữ nguyên được màu trắng của hạt nếp. Làm người cũng thế, muốn giúp đỡ người khác biết về Thiên Chúa thì đừng chỉ mong họ thay đổi bên ngoài, nhưng giúp họ nhận biết và thay đổi từ bên trong bằng tình yêu và sự trân trọng, con ạ!

- À - tiếng Thành ngân dài - con biết rồi, qua cái bánh, Mẹ muốn làm cho nhiều người nhận biết Chúa, phải không Mẹ!

- Đúng rồi, vì xóm mình còn nhiều gia đình chưa biết Chúa, mình sống sao cho tốt để làm chứng cho Chúa.

Những điều Thành học được từ gia đình được lưu lại mãi trong ký ức, đặc biệt về chiếc lá dừa, để rồi cũng từ đấy, ơn gọi của Thành được lớn lên trong môi trường gia đình. 
 
Đuông dừa
Cuộc sống của Thành cứ êm ả trôi đi với đồng ruộng, khóm dừa, với những bạn bè dân quê chân chất. Có lần Thành cùng với mấy đứa bạn nghe người ta nói về món đặc sản “Đuông dừa”. Thế là Thành theo chúng bạn xuống rừng dừa gần đó để bắt đuông dừa.

Theo những kinh nghiệm tìm đuông, đám nhóc đốn dừa và tìm cho ra những con đuông dừa mập tròn. Suốt một buổi chiều Thành và đám bạn cũng chặt được một cây dừa rồi chẻ cây dừa tìm đuông, nhưng hỡi ôi đuông dừa đâu dễ tìm và cây dừa thứ hai rồi thứ ba bị chặt cuối cùng chỉ bắt được một vài con đuông dừa, bắt chướcc người lớn dầm mắm ớt ăn đuông.

Thành hí hửng cầm con đuông dừa đang ngọ nguậy chấm nước mắm ớt ăn trước mặt chúng bạn với cái oai phong của một người sành điệu. Nhưng ngay sau đó Thành cảm thấy khó chịu trong người, cả người quay cuồng và mắc ói. Đám bạn nhìn Thành sợ hãi khi thấy Thành ngất xỉu, vội đưa Thành vào bệnh viện cấp cứu được biết Thành bị ngộ độc do ăn nhầm con vật gì đó mà không phải con đuông dừa.

Được cấp cứu kịp thời nên Thành tạm ổn. Ba Mẹ vất vả chăm sóc Thành cả tuần lễ. Về sau, Thành mới kể lại cho Ba Mẹ nghe là: “Thành và đám bạn cả buổi chiều chặt dừa tìm đuông mà không có, nên khi chặt một câu dừa xuống thấy trong bẹ dừa có mấy con màu trắng giống đuông nên bắt luôn tưởng là con Đuông dừa”. 
 
Kể từ đó Thành không xuống rừng dừa nữa, mà ở nhà chăm chỉ học tập; khi được nghỉ học thì phụ giúp ba làm ruộng, giúp Mẹ vót tre làm nón.
 
Một cuộc tình đi qua
Giấc mơ hiến thân cho Chúa, xuất hiện từ Lễ Lá thuở ấu thơ năm nào, kéo dài nhiều năm sau đó, nhưng có lúc tưởng chừng như bị cắt đứt. Những năm lên Sài Gòn học đại học, Thành chơi rất thân và gắn bó với cô bé Vy đến mức ai cũng nghĩ đôi bạn này không thể tách rời nhau được, chắc chắn sẽ nên nghĩa phu thê.

Một hôm, Vy gợi ý: Chúng mình kết hôn đi, em sẽ xin Bố Mẹ em bảo lãnh anh qua Mỹ vì Bố Mẹ em bên đó cả, hết năm nay em sẽ sang định cư với Bố Mẹ.


Thành rất phân vân về để nghị này, vì anh và Vy còn quá trẻ để kết hôn. Anh cũng không muốn sang Mỹ vì Ba Mẹ anh còn sống ở quê. Nhưng nếu kết hôn với Vy thì một tương lai tươi sáng hơn có vẻ sẽ đến với Thành. Cứ ngập ngừng đắn đo hoài như thế, cuối cùng cũng đến ngày Thành tiễn Vy sang Mỹ trong nỗi buồn thầm kín đấy tiếc nuối về người bạn gái ấy. 

Ngã ba đường
Thành tốt nghiệp đại học. Với tấm bằng kỹ sư Tin học, Thành đứng trước một nghề nghiệp xem ra có thể hái ra tiền mà chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính, khi nhận được lời mời của một công ty nổi tiếng.

Cùng lúc đó, cuộc thi vào Chủng viện lại sắp diễn ra, khiến Thành như một người đứng trước ngã ba đường, không biết phải đi tiếp thế nào.

Thành trở về quê để suy nghĩ cho những lựa chọn kế tiếp. Trở về với ngôi nhà thân thương, nơi Ba vẫn đang dọc lá dừa ngoài sân, Mẹ vẫn đang chăm chỉ khâu từng mũi kim trên chiếc nói mới. Những công việc thường ngày của Ba Mẹ như nhắc Thành về sự trung tín của Thiên Chúa, ngày và đêm nối tiếp nhau không sai trật, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Ba Mẹ vẫn ngày qua ngày làm việc chăm chỉ, dệt đời mình trong thời gian Chúa ban. 
 
Cha Cố cầm cành lá dừa
Đang ngủ trưa, Thành uể oải thức giấc trong tiếng cười nói của những người kết lá dừa trong nhà Ba Mẹ Thành, chuẩn bị cho Lễ Lá ngày mai. Quan sát mọi người kết lá và chú ý đến một cành dừa lớn, Thành chợt cảm thấy tim mình nhói lên khi nghe thấy một tiếng người nói nho nhỏ: “Cha Cố năm nay yếu quá rồi, làm cành dừa nhẹ thôi để Cha Cố đỡ mệt. Lễ Lá dài, sợ Cha Cố chịu không nổi…” 
 
Giấc mơ làm Cha Cố cầm cành lá dừa của Thành như bừng sáng lên trong Thánh Lễ Lá hôm ấy. Hình ảnh Cha Cố cầm cành lá dừa tiến vào nhà thờ chợt dội lại một lời hứa nào đó của thuở xa xưa. Sau Thánh lễ, Thành trở về nhà, lòng bỗng thấy bình an vô cùng như vừa tìm được câu trả lời cho tương lai bất định của mình. 
 
Chủng viện
Thành thi đậu vào Chủng viện. Cuộc sống của Thành đã rẽ đúng hướng với ơn gọi Linh mục trong suốt những năm tu học. Thành nhận ra giấc mơ thuở nào của mình đã như một hạt giống, được Thiên Chúa yêu thương cho mọc lên và lớn dần trong nhà Chúa.
 
Cha cố Lá Dừa
Nhiều năm trôi qua, cứ gần đến Tuần Thánh, người ta lại trông thấy một linh mục loay hoay tự kết cho mình một cành dừa để sử dụng trong Lễ Lá của xóm đạo nghèo nơi vùng quê hẻo lánh. Nông dân trong vùng ấy có 'nghề tay trái' là làm nón và gói bánh lá dừa. Và vị linh mục của xóm đạo ấy được người ta thân thương gọi là Cha cố Lá Dừa…

Hồng Hà (TGPSG - NSTM)
 (WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 28.3.2021


Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2021

 

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
 
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2021
 
Các con thân mến,
Chúng ta đang sống những ngày cuối Mùa Chay và chuẩn bị mừng lễ Chúa Kitô, Chúa chúng ta phục sinh. Phụng vụ Giáo Hội nhấn mạnh Tam Nhật Vượt Qua sẽ là những ngày thật đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội Công giáo. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, dựa theo trình thuật của Phúc âm, giới thiệu một nhân vật đặc biệt, là niềm hy vọng, Vị Cứu tinh duy nhất, giải thoát loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi: Chúa Kitô. Thế nhưng, với một phiên tòa ngắn ngủi và đơn giản, Chúa Kitô đã trở thành một người đại bại, thua cuộc hoàn toàn: Chúa Kitô bị kết án và chết trên Thánh giá. Trong lúc mọi sự đã như một dấu chấm hết trong ngôi mộ buồn bã và lạnh lẽo kia, thì vào rạng sáng một ngày sau đó, những tia nắng đầu tiên của ngày mới báo hiệu một tin mừng chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Chúa Kitô phục sinh (Mt 28, 1-10). Đó là niềm tin của chúng ta, và đó cũng là điều mà tất cả chúng ta có bổn phận phải loan báo và làm chứng cho anh em mình (x. Lc 24, 48). Bởi thế, trong Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm nay, cùng với lời chào thân ái, cha muốn chia sẻ với các con đôi nét về mầu nhiệm lớn lao này.
 
1. Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô
Mặc dù chết và sống là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn, nhưng trong mầu nhiệm Phục Sinh, hai điều này luôn được gắn kết với nhau và bổ túc cho nhau, vì sẽ chẳng bao giờ có phục sinh nếu không có tử nạn. Cuộc tử nạn của Chúa Kitô trên Thánh giá được mô tả cách chi tiết trong bài Thương Khó (Ga 18, 1 – 19, 42). Ở đây, ta có thể đọc thêm một vài chi tiết nữa nơi Phúc âm Nhất Lãm, để cho thấy Chúa Kitô, Chúa chúng ta đã thật sự đi vào cõi chết (x. Mt 27, 50; Mc 15, 37; Lc 23, 46). Người đã được mai táng trong mồ theo phong tục của người Do Thái (x. Mt 27, 59 – 60; Mc 15, 46; Lc 23, 53). Hơn thế nữa, quyết định dường như chưa từng có tiền lệ của Tổng trấn Philatô ngày hôm ấy, không phải để vinh danh, mà là để vĩnh viễn xóa sổ một con người. Thế là cửa mộ Đức Giêsu đã được niêm phong và có lính canh cẩn thận (Mt 27, 66). Ngôi mộ ấy cũng đã chôn vùi theo bao nhiêu niềm hy vọng của những ai đã tin tưởng theo Người (x. Lc 24, 21). Nhưng qua cái chết, Chúa Kitô, Chúa chúng ta đã sự sống lại trong những ngày sau đó.
 
2. Chúa Kitô đã phục sinh vinh hiển
Từ cổ chí kim, cả đến những nghiên cứu hiện đại, chưa ghi nhận một trường hợp nào con người đã chết thật mà được sống lại. Với chúng ta hôm nay, nếu cái chết của Chúa Kitô trên Thánh giá đã là một dữ kiện trong lịch sử, thì sự sống lại của Người sẽ luôn là một chân lý của đức tin. Chân lý này được xây dựng trên những chứng từ của Thánh Kinh. Từ trong Cựu ước, người tôi tớ của Giavê, hình ảnh của Chúa Kitô, được giới thiệu cách trổi vượt, dù phải đối diện với mọi nỗi nhọc nhằn, nhưng không bị bất kỳ một đau khổ nào thống trị. (x. Bài đọc thứ Sáu Tuần Thánh (Is 52,13-53,12). Với các môn đệ của mình, Chúa Kitô đã nói thật rõ ràng: Người sẽ chết và sau ba ngày sẽ sống lại (x. Mc 8, 31). Những lời báo trước về sự phục sinh ấy, được trở nên hiện thực hơn bởi sự kiện “Ngôi mộ trống” mà cả bốn Thánh sử đều ghi lại. Lại một dữ kiện khác khiến chúng ta phải chú ý: Các thượng tế và kỳ mục trong dân, là những người đã nắm rõ toàn bộ diễn tiến của cuộc khổ nạn Chúa Kitô, kể cả những điềm lạ kèm theo, lại có những cử chỉ lạ lùng; Nếu Chúa Kitô đã không thật sự chỗi dậy cách oai hùng trước sự canh gác cẩn thận, thì sẽ không thể có một cuộc thương lượng bằng tiền bạc với quân lính, nhằm che đậy một sự thật hiển nhiên trước mặt họ (x. Mt 28, 13 – 15).
 
3. Niềm vui gặp gỡ Chúa Phục Sinh
Các con có nhớ rằng: sau khi hát kinh Vinh danh của chiều thứ Năm Tuần Thánh, tất cả các Nhà thờ ngưng hẳn những hồi chuông quen thuộc hàng ngày. Đó không phải là thói quen tự phát, mà là luật Phụng vụ của Giáo Hội trong Tam Nhật Vượt Qua (x. Sách lễ Rôma – Nghi thức Tuần Thánh). Những “tiếng mõ” khô khan trong các cử hành Phụng vụ như muốn diễn tả sự hiệp thông với Chúa Kitô đang nằm im trong ngôi mộ mà người ta dành cho mình. Trong suy nghĩ của cha, những tiếng vang trầm lắng ấy dường như làm cho tiếng chuông của Đêm Vọng Phục Sinh càng trở nên rộn ràng và uy nghiêm, để chào đón Chúa Phục Sinh. Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, Người không còn chết nữa, “cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6, 9). Với chúng ta ngày nay, sự kiện này được củng cố bởi những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh dành cho một số người (x. Mt 28, 9-10); cho hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13 – 35), và sau cùng cho tất cả các môn đệ (x. Cv 1, 6 – 11).
 
4. Sống niềm vui Chúa Phục Sinh
 
Các con thân mến,
Chúa Kitô đã phục sinh, như cha đã nói ở trên, đó là niềm tin và cũng là những điều mà chúng ta có bổn phận làm chứng cho người khác. Nếu chúng ta đã kiên nhẫn đi với Chúa Kitô suốt hành trình sa mạc của Mùa Chay, thì giờ đây đừng sợ, cùng với những nhân chứng phục sinh, các con hãy can đảm làm cho niềm vui Chúa Phục Sinh được lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày của các con. Các con hãy luôn nhớ rằng: nếu Chúa Kitô chỉ phục sinh vinh hiển từ ngôi mộ của hai mươi thế kỷ về trước, mà không sống lại trong chính đời sống hàng ngày của tôi, thì cũng chẳng có ích lợi gì cho tôi. Cùng với cha nữa, chúng ta hãy tin tưởng để cho Người chiếm hữu và trở nên phương thuốc chữa trị cho các bệnh tật tâm hồn chúng ta. Hãy cùng với Chúa Phục Sinh, chúng ta làm sống lại con người mới nơi cuộc sống của mình: con người của hòa đồng và tương trợ, con người của hiếu thảo và biết ơn, con người của niềm vui và hy vọng. Nhờ đó, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên một lời chứng về Chúa Phục Sinh cho thân nhân và bạn bè của mình.
Với tất cả niềm vui của ngày Chúa chúng ta sống lại, cha cầu chúc các con luôn vui khỏe và bình an. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với các con mọi nơi mọi lúc. Xin Người tiếp tục che chở và dẫn dắt quê hương chúng ta và thế giới sớm thoát khỏi đại dịch Covid – 19 nguy hiểm này.
 
Chúc Mừng Chúa Phục Sinh. Alleluia.
 
Vĩnh Long, ngày 25 tháng 3 năm 2021.
 
(Đã ký)
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo