Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

TRONG CƠN ĐẠI DỊCH: ĐỨC TIN CẦN "TỎA SÁNG"

TRONG CƠN ĐẠI DỊCH: ĐỨC TIN CẦN "TỎA SÁNG"

Chiều Chúa nhật hôm qua, tình cờ đi qua ngôi thánh đường giáo xứ, tôi bắt gặp một hình ảnh rất đẹp: Một anh bạn trẻ đi ngang qua nhà thờ đã dừng lại phía ngoài tường rào để cầu nguyện. Có lẽ anh nhớ hôm nay là Chúa nhật nên dừng xe lại cầu nguyện đôi chút. Tôi không dám nói chuyện với anh vì đang giãn cách xã hội để phòng tránh bệnh dịch. Nhưng hình ảnh của anh đã khơi gợi trong tôi ngọn lửa của niềm tin giữa cơn đại dịch đang bùng phát mạnh mẽ nơi thành phố Sài Gòn.


Chắc hẳn, trong những ngày vừa qua, nhiều người Sài Gòn cũng như tôi đã nhận được những lời hỏi thăm của bà con họ hàng quen biết khắp nơi. Có một vị linh mục thân quen thuộc giáo phận khác đã gọi điện cho tôi, sau khi thăm hỏi tình hình và biết những nỗi lo lắng của tôi trước cơn dịch bệnh quá nguy hiểm, ngài đã chia sẻ rất thân tình: “Anh bạn ơi, lúc khó khăn thử thách, ta mới cần đến niềm tin, cần lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Hãy noi theo gương đức tin của ông Abraham nhé!”.

Thật vậy, trong suốt tuần lễ qua, các bài đọc 1 của Phụng vụ Lời Chúa tuần XIII Thường niên trích từ Sáng Thế cung cấp cho chúng ta niềm tin tuyệt vời của tổ phụ Abraham. Ông xứng đáng là cha của những kẻ tin. Ông Abraham luôn tin tưởng vào Thiên Chúa một cách tuyệt đối nên vì lời mời gọi của Chúa mà ông sẵn sàng rời bỏ quê hương, “phiêu lưu” đến vùng Đất Hứa. Ông chỉ có một đứa con của lời hứa và ông cũng sẵn lòng dâng chính người con ấy làm lễ vật cho Thiên Chúa. Nhưng chính khi ông tính sát hại đứa con lại là lúc Thiên Chúa đã ra tay cứu giúp. Đức tin của ông Abraham bị thử thách khủng khiếp, thế mà ông vẫn vững tin. Còn chúng ta, nhiều khi gặp thử thách đau khổ, chúng ta dễ bị cám dỗ nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa.

Cụ thể là trong thời gian này, nhiều khi chúng ta có cảm tưởng là mình đang “chết tới nơi rồi” mà sao Thiên Chúa không đẩy lùi dịch bệnh? Ngài bỏ rơi con người rồi sao? Thành phố mỗi ngày số ca nhiễm càng tăng nhanh, nhất là những ngày đầu tháng 7 khi thành phố vẫn tiếp tục thực hiện chỉ thị 10, nhưng số ca nhiễm không hề giảm xuống. Đi đâu cũng thấy phong tỏa, cách ly, chỗ này chỗ kia có người bị dương tính Covid, rồi F1, F2…

Mẫu gương đức tin của ông Abraham là câu trả lời cho chúng ta. Thiên Chúa vẫn đang làm việc và ra tay cứu giúp từng người trong chúng ta. Dù chúng ta có gặp sự gì tồi tệ, thê thảm nhất, chúng ta cũng hãy nhớ rằng, Thiên Chúa là Đấng tốt lành và hay thương xót, Ngài vẫn đang yêu thương và dành cho chúng ta sự tốt lành của Ngài. Chúng ta hãy đứng vững trong niềm tin ngay trong cơn dịch bệnh dữ dội.

Thánh Phaolô cũng dạy cho chúng ta kinh nghiệm đức tin của ông Abraham như sau: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. 19 Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết. 20 Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, 21 vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. 22 Bởi thế, ông được kể là người công chính” (Rm 4, 18-22).

Vậy làm thế nào để sống đức tin như tổ phụ Abraham trong cơn đại dịch này? Gần đây trên mạng xã hội, người Công Giáo chúng ta nhắc nhở nhau ngoài việc tuân thủ 5k của bộ y tế là: khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế còn phải chú trọng đến K thứ sáu là Kiên nhẫn cầu nguyện. Thật vậy, cầu nguyện chính là giải pháp tối ưu của người Kitô hữu trong bối cảnh xã hội hiện nay. Chúng ta sẽ thấy bản thân mình buông xuôi thất vọng nếu chúng ta không có đời sống cầu nguyện.


Vào sáng Chúa nhật 4-7-2021, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cũng đã chia sẻ tâm tình với bà con Công Giáo tại thành phố Sài Gòn về những điều rất cụ thể, được tóm ý như sau: Kiên nhẫn cầu nguyện, bình tĩnh đón nhận tất cả và có nhiều sáng kiến chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Điều mà người tín hữu Kitô có thể mang đến cho thế giới bất ổn sự bình an chính là cầu nguyện. Chỉ cần cầu nguyện hằng ngày, tham dự thánh lễ trực tuyến, đức tin của chúng ta sẽ được nuôi dưỡng... Không bình tĩnh chúng ta sẽ làm cho gia đình mình trở nên xào xáo, đừng để cho những lo lắng buồn phiền xâm chiếm cuộc sống của mỗi cá nhân và gia đình chúng ta. Đây là lúc cần đến niềm tin tưởng vào Chúa hơn bao giờ hết, cần phải gia tăng cầu nguyện hơn nữa và cầu nguyện liên lỉ. Đây không phải là lúc chúng ta ngồi nguyền rủa bóng đêm của đau khổ, nhưng hãy thắp lên ngọn lửa của niềm tin yêu và hy vọng, để trong mọi sự, chúng ta luôn giữ được niềm trông cậy vào Thiên Chúa.

Lạy Chúa, giữa tình cảnh khổ đau và thất vọng, xin củng cố đức tin cho chúng con, để chúng con sẵn sàng giúp đỡ nhau vượt qua thử thách của dịch bệnh. Vì dịch bệnh, chúng con không được đến nhà thờ để gặp gỡ Chúa, nhưng xin đừng để chúng con xa Chúa và niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa. Xin Chúa nâng đỡ chúng con trong cơn thử thách này.


Martinô Lê Hoàng Vũ
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 14 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 06.7.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 05.7.2021


"TRAO GỞI BÌNH AN GIỮA CUỘC ĐỜI"

"TRAO GỞI BÌNH AN GIỮA CUỘC ĐỜI"

“Một thoáng ưu tư lẫn muộn phiền
Tìm đâu nhộn nhịp giữa an nhiên
Sài Gòn vẫn đó đầy hoa lệ
Chợt khoác lên mình nét lặng yên

Thương lắm ngoài kia bao phận người
Mưu sinh tần tảo chẳng khi ngơi
Đẹp thay những tấm lòng nhân hậu
Trao gởi bình an giữa cuộc đời”


Thành phố Sài Gòn hơn 1 tháng qua thật vắng vẻ. Những con đường trước đây vẫn tấp nập xe cộ, hôm nay bỗng không còn nhộn nhịp nữa, vì bất cứ ai có việc riêng hoặc phải đi làm thì cũng tranh thủ đi vội vã lúc vắng người nhất. Để phòng tránh lây lan dịch bệnh, sau khi giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của chính phủ, người dân lại tiếp tục thực hiện giãn cách theo chỉ thị 10 của chính quyền thành phố.

Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh vô tình đã làm cho những người lao động tại thành phố gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp, khốn đốn. Dù là người bán vé số, lượm ve chai, bán hàng rong hay tài xế xe cũng đều phải đối diện với một cuộc sống bất an, thiếu thốn, thậm chí là tuyệt vọng.


Dẫu vậy, giữa lúc dịch bệnh đang phủ bóng đen của sự lo lắng thì Sài Gòn lại được thắp sáng bởi những "địa chỉ của tình thương". Thật trân trọng biết bao những bàn tay biết san sẻ với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để giúp đỡ những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn có được bữa ăn thiết yếu hằng ngày. “Ai cần xin cứ lấy, ai có hãy cho thêm”, giữa thời điểm khó khăn này còn gì đẹp hơn những nghĩa cử chân thành ấy!

Dịch bệnh buộc chúng ta phải giãn cách về không gian, nhưng những tấm lòng bác ái vẫn luôn sống động, gần gũi và kết nối tất cả mọi người lại với nhau. Trong một bài giảng, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng có đề cập tới cuộc sống của con người trước đại dịch với vô số những vấn nạn như chiến tranh, nạo phá thai, tham nhũng, lừa đảo, bạo lực,… Và ngài đặt câu hỏi: chúng ta được thấy gì khi đại dịch xảy ra?

Câu trả lời là: Chúng ta thấy rất nhiều bữa ăn 0 đồng cho người nghèo, những ATM gạo không ngừng hoạt động để người nghèo không phải đói, những ống lướt thức ăn, những “đạo quân” bác ái luôn sẵn vận chuyển nhu yếu phẩm đến cho người đang cần. Tất cả những điều đó đã diễn ra và vẫn đang tiếp tục diễn ra giữa lòng thành phố thân thương này.


Trong cái khó ló tình thương. Khó khăn mà dịch bệnh mang lại đã làm cho người ta lo lắng bất an suốt hơn 1 tháng qua, nhưng sự tương thân thương ái và tình người ấm áp đã không ngừng xoa dịu những nỗi lo lắng ấy và thắp lên trong tâm hồn mỗi người niềm hy vọng sống động về Thiên Chúa tình yêu. Có Thiên Chúa tình yêu hiện diện thì dịch bệnh không thể đánh gục bất kỳ ai trong mỗi người chúng ta.
Quang Nam
Ảnh: Matino Hoàng Vũ
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 14 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 05.7.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 04.7.2021


Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 14 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Hai, ngày 05.7.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

NHỮNG CHIẾN SĨ THẦM LẶNG

 NHỮNG CHIẾN SĨ THẦM LẶNG

TGPSG -- Họ như những chiến sĩ lao mình ra mặt trận, bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, bất chấp những nguy cơ đe dọa tính mạng của mình.

Hơn một tháng nay, Thành phố Hồ Chí Minh bị dịch bệnh hoành hành, làm cho đời sống của người dân nơi này cũng như một số nơi trong đất nước và trên thế giới gặp phải nhiều khó khăn. Những ngày gần đây, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, mặc dù Thành phố cũng đã áp dụng những biện pháp cần thiết trong hơn một tháng qua.


Trong những ngày này, đội ngũ cán bộ y tế đã làm việc hết mình để phục vụ sức khỏe cho cộng đồng. Ngành y tế Thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng thay phiên nhau lấy mẫu xét nghiệm Covid cho người dân, tôi cũng được cử tham gia chiến dịch này.


Khi mới nghe mình được phân công đi lấy mẫu xét nghiệm, tôi hơi do dự ngại ngùng vì khi tham gia trực tiếp như vậy tôi rất có nguy cơ tiếp xúc với F0 và có thể bị lây nhiễm… Trong tôi như có hai con người đối lập: một bên thì muốn ở nhà để tránh những rủi ro nguy hiểm, một bên thì muốn tham gia cùng với đồng nghiệp phục vụ cộng đồng. Cuối cùng, sau một hồi suy nghĩ, nếu như ai cũng đặt lợi ích cá nhân lên trên thì chẳng có ai dám dấn thân vì lợi ích chung, tôi quyết định tham gia.


Sau hai ngày tập huấn, tôi tự tin hơn về mặt kỹ thuật cũng như có thêm động lực tinh thần. Tôi nhận thấy những đồng nghiệp ai cũng nhiệt tình, không hề sợ sệt hay do dự. Sự nhiệt tình của họ làm tôi thêm hăng hái. Tôi cảm nhận đây như là một phép lạ mà Chúa đang làm nơi những đồng nghiệp của tôi. Điều này làm tôi nhớ tới lời cầu nguyện trong cơn dịch bệnh mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã biên soạn: “Xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân.”

Tôi tin chắc chắn một điều: phải có ơn Chúa Thánh Thần tác động nơi những con người mỏng dòn yếu đuối như vậy, mới khiến họ can đảm từ bỏ những gì là dễ dãi an toàn, để lao mình vào những khó khăn nguy hiểm vì lợi ích chung của cộng đồng.

Tôi có phỏng vấn một số đồng nghiệp về cảm nhận của họ khi tham gia chiến dịch này, tất cả đều nói lên niềm vui và sự hãnh diện khi được đóng góp chút công sức trong việc phục vụ sức khỏe cho mọi người. Tôi nhận thấy họ như những chiến sĩ lao mình ra mặt trận, bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, bất chấp những nguy cơ đe dọa tính mạng của mình.

 
Trong mấy ngày lấy mẫu, dưới thời tiết nóng nực, không máy lạnh, không quạt máy, phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, nhiều khi khát nước cũng không dám uống. Lúc đầu chưa quen với trang phục ấy, ai cũng như muốn ngộp thở, có người đã ngất xỉu vì không chịu được. Nhưng mặc riết rồi tôi và các đồng nghiệp cũng quen dần.

Bên cạnh những đồng nghiệp cùng làm việc với tôi còn có biết bao người ngày đêm vẫn âm thầm hy sinh. Các tài xế chở những bệnh nhân đi cách ly, những người phục vụ trong khu điều trị, các y bác sĩ, những nhân viên lao công, họ phải làm việc liện tục với bộ đồ bảo hộ như vậy. Thấy họ hăng hái vui vẻ, làm tôi cảm nhận thế giới này, xã hội này còn nhiều người tốt lắm.

 

Mấy ngày tham gia lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn quận Tân Bình, tôi thấy tinh thần ý thức của người dân rất tốt, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy hay tranh giành. Bên cạnh những người trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, còn có các bạn thanh niên tình nguyện hỗ trợ cách đắc lực trong việc nhập liệu, ghi lại cẩn thận danh sách những người tham gia test Covid-19, để công việc được tiến hành tốt đẹp hơn. Chính trong lúc hoạn nạn, tình người được thể hiện, mọi người quan tâm tới nhau hơn, hy sinh cho nhau hơn.

Hình ảnh những chiến sĩ thầm lặng này đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của cuộc sống, trái ngược lại những hình ảnh tiêu cực thường thấy đầy dẫy trên mạng xã hội. Trong thế giới, mặt tốt và mặt chưa tốt luôn tồn tại, ngay trong bản thân mỗi người. Cách duy nhất để đẩy lùi những tiêu cực là làm những viêc tốt. Thay vì ngồi than trách bóng tối, xin hãy thắp lên ngọn nến sáng. Ánh sáng đi tới đâu, bóng tối sẽ bị đẩy lùi tới đó. Cùng chung tay làm nhiều việc tốt để cá nhân, gia đình và xã hội được trở nên tốt, đó cũng là cách xây dựng Nước Trời ngay giữa thế gian.


 Têrêsa Phạm Thủy (TGPSG)

(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 04.7.2021
tại Nhà thờ Tân Phước
 

KINH MÂN CÔI CẦU NGUYỆN CHO Á CHÂU

ĐHY Charles Maung Bo, tổng giám mục của Yangon, Myanmar

KINH MÂN CÔI CẦU NGUYỆN CHO Á CHÂU

Vatican News (03.7.2021) Ngày 29/6/2021, đông đảo các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tín hữu Á châu đã hiệp nhau cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt, cho các dân tộc được hòa giải và cho thế giới được bình an, qua sự kiện “Kinh Mân Côi cho Á châu” do Đức Hồng y Charles Bo chủ sự, được phát trực tiếp trên sóng của Radio Veritas.

Chương trình “Kinh Mân Côi cho Á châu” được Radio Veritas phát sóng bằng 22 ngôn ngữ. Các linh mục đã hướng dẫn kinh Mân Côi bằng 6 ngôn ngữ: Anh, Bengali, Miến Điện, Quan Thoại, Tamil và tiếng Việt.

Đức Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục của Yangon, Myanmar và cũng là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu, khẳng định: “Chúng ta cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt, cho chấm dứt bạo lực và chiến tranh, nghèo khổ và đói kém. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trên miền đất của chúng ta, dù họ theo tín ngưỡng hay tôn giáo nào. Trong những thời điểm khó khăn này, mọi người phải tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình ngự trị trong trái tim của chúng ta, nơi các nhà lãnh đạo của chúng ta, trên miền đất của chúng ta”.

Đức Hồng y nói thêm: “Chúng ta tin chắc rằng khi chúng ta sốt sắng và tin tưởng cầu nguyện xin ơn hòa bình, chắc chắn Chúa sẽ ban cho chúng ta sự bình an của Người, một nền hòa bình vượt trên sự hiểu biết của con người, một nền hòa bình sẽ trường tồn”.

Trong lời kêu gọi cầu nguyện, Đức Hồng y nói: “Vào ngày lễ trọng hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, hai trụ cột của Giáo hội, chúng ta hãy mang mọi nhu cầu của mình vào lời cầu nguyện, kể cả việc chấm dứt đại dịch, chấm dứt bạo lực và chiến tranh, nghèo khổ và đói kém”. Ngài nói thêm: “Trong lời cầu nguyện, chúng ta hãy dâng tất cả người dân trên lục địa rộng lớn này, tất cả các quốc gia và chính phủ, tất cả những người giúp đỡ người bệnh, tất cả những người chăm sóc người nghèo và người bị gạt ra bên lề”. (Fides 03/07/2021)

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 04.7.2021

br />