Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

NHỮNG BÔNG HOA THIỆN NGUYỆN


NHỮNG BÔNG HOA THIỆN NGUYỆN

TGPSG -- Mùa dịch Covid đã thành mùa nở rộ những bông hoa thiện nguyện tươi thắm tình người của dân tộc Việt Nam...

Đi “thiện nguyện Covid” mà tim tôi cứ rộn ràng hồi hộp như đi hành hương Đất Thánh vậy. Hồi hộp từ phút đăng ký đến suốt thời gian chờ đợi. Hồi hộp cả đêm với giấc ngủ chập chờn trước ngày lên đường vì cứ nằm mơ thấy xe chạy qua không đón mình nên hụt hẫng, lạc lõng, lo lắng…

Và vẫn còn hồi hôp như thế cho đến khi nhìn thấy chiếc xe Phương Trang từ từ dừng lại đón chúng tôi. Bác tài mời nhóm chúng tôi lên xe với nụ cười tươi rói và những câu nói thân thiện của người Quảng Nam. Hóa ra bác cũng là một thiện nguyện viên; khi chở đoàn thiện nguyện từ Quảng Nam vào Sài Gòn, bác tình nguyện ở lại làm tài xế thiện nguyện luôn. Mùa dịch Covid đã thành mùa nở rộ những bông hoa thiện nguyện tươi thắm tình người của dân tộc Việt Nam.

Hơn 3 tháng nay, tôi không ra khỏi nhà, nên khi được xe Phương Trang chở đi dạo quanh thành phố để đón thêm nhiều nhóm thiện nguyện khác nữa, sự hồi hộp trong tôi biến tan. Nhưng thay vào đó lại là cảm giác buồn buồn, nghèn nghẹn khi tận mắt chứng kiến thành phố Sài Gòn yêu quý đang 'bị thương' rất nặng. Vô số những chỗ bị ‘băng bó’ bằng dây phong tỏa, bằng hàng rào kẽm gai. Khác hẳn với những sáng chiều kẹt xe trước đây, đường phố bây giờ thật vắng lặng. Chỉ thấy bóng dáng một số shippers giao hàng, và các anh công an, bộ đội trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, đang phục vụ tận tình tại các chốt kiểm dịch. Ai kể cho hết được những lao tâm mệt trí, những vất vả cực nhọc của các anh, cả ngày đứng dưới cái nắng cái mưa Sài Gòn để tìm cách đẩy lùi cơn đại dịch xa khỏi dân lành.

Các thiện nguyện viên đợt 4 đã tập trung về khách sạn Minh Tâm. Rất nhiều chuyện cười được ‘phát hiện’ khi gặp gỡ nhau. Nào là một thầy lên đường hồi hộp vội vã xỏ ngay đôi dép tổ ong ‘chiếc mẹ, chiếc con’. Một thầy khác bỏ quên đôi dép lành lặn ở nhà, để mang theo đôi dép lào ‘chó táp’. Vị khác xuống xe vẫn chưa hết hồi hộp nên đeo lộn luôn ba lô của bạn mình đi vào khách sạn. Những tiếng cười giòn tan đã làm tăng thêm nhiệt khí dấn thân phục vụ cho ngày mai khi đối diện với thực tế đậm nét khổ đau của các bệnh nhân Covid.

Rồi cũng thật ấm lòng khi nhận được tâm thư Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng gửi đến với lời mở đầu rất thân thương, dí dỏm:

"Xin gửi đến các cha và tu sĩ mới ‘nhập viện’ hôm qua. Tôi chào thăm các cha và anh chị em ngày đầu tiên trong sứ vụ mới. Đêm qua ngủ ngon không? Chắc cũng có hồi hộp. Cám ơn các cha và anh chị em đã hăng say lên đường để đến với các bệnh nhân Covid…"

Sự quan tâm của vị mục tử cũng là người cha tuyệt vời đã tiếp lửa thúc bách chúng tôi không ngại gian khó trong thời gian phục vụ.

Buổi tập huấn được tổ chức tại hội trường của bệnh viện. Thật xúc động khi mỗi thiện nguyện viên đón nhận một túi đồ với tấm thiệp đẹp đính kèm balô. Từng con chữ thân thương xoáy sâu vào trái tim tôi:
  • Thank you! Thương gởi y bác sĩ: Trong những tháng vừa qua, cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đang gồng mình chiến đấu với virus Covid 19. Thật khó có thể miêu tả được những khó khăn mà chúng ta, những người con đất Việt, đang trải qua, nhất là đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
  • Với mong muốn san sẻ một phần khó khăn với đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm trải qua, thương gửi đến các chiến sĩ áo trắng bộ quần áo y tế này, hy vọng sẽ góp phần tăng thêm sức mạnh cho các y bác sĩ…
  • Kính chúc các chiến sĩ áo trắng của chúng ta luôn mạnh khóe, vững vàng chiến đấu. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.
  • Xin trân trọng cám ơn và tri ân.
Thương quá Việt Nam ơi! Đẹp quá nghĩa tình dân tộc mình! Hậu phương, tiền tuyến luôn có nhau, luôn cần nhau và luôn sát cánh bên nhau trong mọi biến cố vui buồn của đất nước.

…Thế rồi, sau một tuần, từ lạ lẫm, tôi đã quen thuộc dần với thao tác gói mình trong bộ áo bảo hộ mỗi khi đến ca trực trên khu lầu 7B của bệnh viện. Nhưng hình ảnh nhiều bệnh nhân rất mệt nằm thở oxy được các y bác sĩ tận tâm theo dõi từng giờ, từng giờ bất kể ngày đêm; hình ảnh của các nhân viên vệ sinh âm thầm miệt mài thu gom rác thải chất đống rất dễ lây nhiễm; hình ảnh những nhân viên chăm chút lau nhà khử khuẩn; những nhân viên mau lẹ tiếp chuyển oxy… tất cả những cảnh tượng ấy đều luôn mới đẹp và rất ấn tượng đối với tôi. Đại dịch Covid tại Sài Gòn sẽ không thể đẩy lùi nếu thiếu đi những con người quảng đại quên mình vì tha nhân như thế. Họ thật xứng đáng được mọi người trân trọng, tri ân và cảm phục sâu xa. Họ là đại ân nhân của mỗi chúng ta.

Có một hôm, sau khi trực ca 2, tôi xuống phòng ăn của bệnh viện lúc 9g30 tối. Cơm đã hết, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ được dán trên vách ngăn ở bàn cơm:

“Hãy ăn thật thong dong, Gạt bỏ mọi ưu phiền, Hậu phương sẽ mãi bên cạnh.”

Và một câu khác: “Mọi người ăn thật ngon, Em hứa sẽ 5k thật tốt.”

Rồi một câu này nữa: “Biết ơn các Y Bác sĩ và các Chiến sĩ tuyến đầu thầm lặng”.

Đọc những lời này xong, tôi không còn thấy đói nữa. Tôi trở về phòng với một trái tim đầy cảm xúc và lên giường, mau lẹ đi vào giấc ngủ thật ngon, để sáng mai thức dậy lại bắt đầu một ngày mới phục vụ yêu thương như Chúa đã yêu thương.

Trinh Vương thiện nguyện (TGPSG
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 27.8.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 27.8.2021 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 21 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh nữ Mônica. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 27.8.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 27.8.2021


Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 21 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Sáu, ngày 27.8.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 26.8.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 26.8.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 21 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 18g00 Thứ Năm, ngày 26.8.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

NHẬT KÝ TU SĨ THIỆN NGUYỆN: SÀI GÒN VÀ BỆNH VIỆN COVID CA ĐÊM

 NHẬT KÝ TU SĨ THIỆN NGUYỆN: 
SÀI GÒN VÀ BỆNH VIỆN COVID CA ĐÊM

Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai Việt Nam
WHĐ (26.8.2021) - Người ta vẫn thường nói Sài Gòn là thành phố không ngủ. Nhưng hôm nay trên đường đi làm ca đêm tại bệnh viện, tôi bắt gặp một Sài Gòn đang ngủ, nhưng đó là một giấc ngủ không bình yên…

Một ngày lại trôi qua. Trong khung cảnh của không gian bệnh viện về đêm, tôi lặng yên để lắng nghe nhịp đập của hơi thở, lắng nghe những thanh âm xung quanh tôi. Tôi cố gắng cảm nghiệm bằng con tim cũng đang thổn thức cùng nhịp đập với Sài Gòn và ánh nhìn của một người tin. Tôi biết Sài Gòn đang thấm mệt vì đang oằn vai gánh nặng, ôm vào lòng con người từ muôn phương. Tôi đang nghiêng tai nghe tiếng phố thở dài, cố nghe tiếng rao đêm bằng tiếng lòng quen thuộc – tiếng rao gắn liền của một thời ôn thi của tôi cũng như bao thế hệ sinh viên Sài Thành. Tôi biết rằng, Sài Gòn cũng đang nhớ những tiếng rao đó, tiếng rao của “người mẹ ra đi từ mái tranh nghèo, của người chị ra đi từ miền trung xa xôi...” Tiếng rao như lời mời gọi xé lòng tôi, “về đi” – về với cội nguồn sự sống, về với gia đình có mẹ có cha. Tôi bồi hồi… như nghe đâu đâu vọng đến bên tai những vần thơ của Phong Việt:

“Về nhà đi!
Bỏ lại hết những gì đau đớn nhất
những ngày vui đến trào nước mắt
những lần cô đơn như cuộc đời khất thực
lật ngửa bàn tay làm biểu tượng nguyện cầu...”
(Về nhà đi, Phong Việt)

Nhưng tôi tự nói với chính mình, Sài Gòn cũng là nhà của tôi mà. Sài Gòn cho tôi lớn lên trong những tháng ngày đại học. Sài Gòn che chở tôi những lúc chênh vênh nhất của chọn lựa ơn gọi. Sài Gòn cho tôi những bài học tình người đầy nhân văn trong cách ứng xử và Sài Gòn cho tôi gặp gỡ biết bao con người mà qua họ tôi nghiệm thấy tình Chúa tình người hiện diện…

Đang dòng chảy suy tư như thế để cảm nhận thanh âm của cuộc sống, một bạn trẻ nhắn cho tôi biết là em mới chầu online xong… làm ngắt quãng những nghĩ suy… Tôi mỉm cười vui sướng vì em, vì đức tin rất tinh tuyền và một sự tín thác tuyệt đối vào Đấng mà chỉ có Ngài mới có thể làm cho Sài Gòn và nhân loại bớt đau; và chỉ có Ngài mới có thể chữa lành những vết thương mà Sài Gòn đang phải gánh chịu. Tôi cảm ơn em cũng như mọi người vẫn đang hướng về chúng tôi, hướng về Sài Gòn trong những lời nguyện giờ kinh.

Khi đồng hồ điểm 1h, dù còn đến 3 tiếng nữa mới đến ca làm, nhưng tôi cứ muốn vào sớm hơn, vào để hiện diện cho họ bớt cô đơn và cho họ chút hơi ấm của tình người dù nhỏ nhoi đi nữa, vì tôi biết các bệnh nhân trong phòng bệnh đang muốn thấy nhiều hơn nữa những “thiên thần áo trắng”, tôi biết họ cần tình yêu. Tôi phải cho họ biết Sài Gòn cũng như đất mẹ Việt Nam không bỏ rơi họ, đặc biệt Thiên Chúa cũng đang hiện hữu bên họ.

Tôi đi vào trong phòng bệnh, nơi bàn làm việc các của các bác sĩ và nhân viên vẫn còn túc trực, nơi đây tôi cảm nghiệm được những giấc ngủ không an nhiên của Sài Gòn. Vì tình người, các cô chú và các bạn không tỏ ra quá mệt mỏi mà vẫn hoạt động với một tinh thần cao nhất. Tôi thấy mọi người chạy nhanh đến phòng bệnh 603 như đang có chuyện gì không suôn sẻ lắm. Mấy phút sau, thấy mọi người trở lại làm việc cười cười nói nói vì không có chuyện gì bất an cả. Tôi thầm tạ ơn Chúa vì không sao rồi!

Tôi bắt đầu rảo bước trong bộ đồ như các nhân viên y tế, đi đến từng phòng người bệnh đang nằm. Khi vào phòng nhìn những bệnh nhân đang nằm ngủ ngon lành, tôi thấy sao bình an thế,… nhưng cũng có một số bệnh nhân khó ngủ vì đau, chập chờn vì những cơn đau. Tôi đến bên cạnh của những bệnh nhân này, nói chuyện với họ một tí rồi động viên họ, đọc thầm một kinh cho các bệnh nhân từng phòng, mong sao họ bình an và mau khỏe lại. Họ an tâm và cảm nghiệm được tình yêu khi các điều dưỡng viên, các thiện nguyện viên vẫn thay nhau đi đi lại lại, vào thay thuốc và chăm sóc họ.

Đi được hai vòng các phòng bệnh nhân, tôi thấy khi đêm về họ bình an hơn, nhẹ nhàng hơn. Bên ngoài, đội ngũ điều dưỡng viên và bác sĩ vẫn túc trực. Tôi ngồi xuống và đọc thầm kinh nguyện để cầu cho tất cả mọi người được bình an đích thực. Và rồi khi đồng hồ điểm 4h sáng, khi có các anh trong nhóm của tôi vào, tôi bắt đầu công việc của mình. Dù có đôi chút mệt mỏi nhưng tôi cảm nghiệm được niềm vui khi qua một đêm được sống trong không gian yên tĩnh đầy tình người.

Viết những dòng nhật ký khi bên ngoài trời vẫn mưa. Từ trên cao nhìn xuống đường, tôi lại tiếp tục thấy Sài Gòn đang ngủ. Nhưng đó là một giấc ngủ của người mẹ trong lúc con cái của mình đang đối diện với bệnh tật và khó khăn. Đó cũng là giấc ngủ trong tin yêu, bởi hàng triệu con tim đang hướng về Sài Gòn và chắc chắn đó là một giấc ngủ trong hi vọng vượt qua hết mọi nỗi đau vì quanh tôi vẫn còn nhiều tu sĩ trên tay với bộ tràng chuỗi mân côi nguyện cầu cho Sài Gòn, cho mọi người và toàn thể nhân loại./.

Sài Gòn 25.8.2021,
Bệnh Viện Ung Bướu 2
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 26.8.2021


Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 21 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Năm, ngày 26.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 25.8.2021


TÂM TÌNH TẠ ƠN CỦA THIỆN NGUYỆN VIÊN


TÂM TÌNH TẠ ƠN CỦA THIỆN NGUYỆN VIÊN

TGPSG -- Mới đó mà thời gian một tháng đã hết và nhiều thiện nguyện viên (TNV) tu sĩ chúng tôi lại trở về nơi chúng tôi đã xuất phát. Trước khi trở về cộng đoàn, chúng tôi sẽ đi cách ly tập trung từ 1 đến 2 tuần.

Đoàn chúng tôi phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid 19 (Bv Ung Bướu cơ sở 2) với tổng số 160 TNV; hôm nay có 54 TNV trở về cộng đoàn. Nhiều anh chị em cũng muốn ở lại để tiếp tục phục vụ, nhưng vì bận học tập, bận việc cộng đoàn nên đành phải về với tâm trạng buồn vì không thể tiếp tục góp sức phục vụ nơi này. Tôi cũng về trong đợt này với nhiều lưu luyến.

Tuy chóng qua, chặng đường một tháng phục vụ tại bệnh viện cũng không phải là ngắn. Thời gian đó đủ để làm chúng tôi thấm mệt, đủ để cảm nghiệm được sự sống và cái chết, đủ để nhận ra tình yêu lạ lùng của Chúa mà tạ ơn Ngài.

Những ngày đầu tiên làm việc, mặc trên người bộ đồ bảo hộ thật là khó thở. Chỉ mặc không thôi, chưa làm gì hết, đã còn khó thở, huống chi là làm việc 4 giờ liên tục, sáng và chiều, như một sơ kia đã tự lẩm bẩm với chính mình trong buổi sáng đầu tiên làm việc ở đây: “Mình chết mất… Cố lên, mình lau sắp xong rồi… Chúa ơi! Ngộp thở quá! Làm sao bây giờ?...” Thật là phục các nhân viên y tế, cứ mặc như thế suốt bao tháng ngày…

Cũng có khi kính bảo hộ bị mờ đi do mồ hôi nhỏ xuống, nhìn cái gì cũng thấy lòe nhòe. Rồi khi tháo khẩu trang N95 3M ra thì những vết nhăn hằn trên mặt, nhìn thấy mà thảm. Mồ hôi thấm ướt hết áo; bàn tay bị bóc lớp da mỏng do không quen tiếp xúc nhiều với chất cồn, v.v… Nhưng tạ ơn Chúa, chúng con vẫn còn sống đến giờ phút này!

Và tạ ơn Chúa vì được phục vụ các bệnh nhân, đấy là một niềm vui đối với chúng tôi. Nhìn hình ảnh anh chị em TNV chăm sóc bệnh nhân, đút cho họ từng muỗng cháo, từng thìa sữa, hay lau người cho bệnh nhân, tựa như hình ảnh mẹ Têrêsa cùng chị em chăm sóc bệnh nhân vậy.

Nhớ lại ngày đầu tiên khi tiếp xúc với bệnh nhân, tôi cũng sợ: sợ lỡ ra chỉ một lần bất cẩn thôi cũng bị dính con virut đó, nên tôi đã có những chần chừ… Vì thế, vào buổi tối, tôi đã tự đặt câu hỏi: mình đến đây để làm gì nhỉ? Khi trả lời được câu hỏi ấy rồi, những buổi làm việc sau này tôi không còn sợ như hôm đầu tiên nữa.

Việc thay ga giường hay thay tã cho bệnh nhân cũng không ít khó khăn vì tôi không quen. Có những người rất mập, có người thì ị rất nhiều và nhiều dây chằng chịt trên người. Để có thể hết lòng phục vụ họ, chúng tôi cần có lòng mến, có tình yêu để ý thức rằng qua đó chúng tôi đang chạm vào được chính thân thể của Chúa Kitô. Vâng, chúng con xin tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng con có niềm tin yêu này khi phục vụ!

Đời sống cầu nguyện của chúng tôi chắc hẳn cũng tăng lên, vì trong mỗi việc làm, chúng tôi đều cầu nguyện cho các y bác sĩ, cho bệnh nhân, và cho chính bản thân mình nữa. Trong mỗi giờ kinh, tôi đều cầu xin Chúa cho tất cả mọi người khỏi bị lây nhiễm, có sức làm việc và dịch mau chấm dứt. Mỗi khi bước vô phòng bệnh, tôi thường đi một vòng để cầu nguyện cho các bệnh nhân. Có những bệnh nhân sắp ngưng thở hay gặp vấn đề gì thì có mấy anh chị bác sĩ và điều dưỡng nói chúng tôi cầu nguyện cho họ. Có lần xe đẩy xác đi ngang qua, một nữ tu cùng nhóm tôi vẫy tay chào và cầu nguyện cho người chết. Khi lau nhà, tôi vẫn cầu nguyện tắt là “dâng lên Chúa công việc con làm, xin Chúa giảm bớt khổ đau cho bệnh nhân…”. Tạ ơn Chúa đã cho con có đời sống thiêng liêng sâu sắc hơn, đời sống cầu nguyện mật thiết hơn với Chúa trong dịp này.

Trong ngày, khi rời bệnh viện, chúng tôi về ăn uống ngủ nghỉ nơi Nhà Thiếu Nhi này. Nơi ở có vẻ đơn sơ, nhưng nhận được rất nhiều tình yêu thương từ những người khác. Những ngày đầu, tôi choáng ngợp vì nhận được nhiều mì tôm, sữa, và nhiều thứ khác từ Toà Giám mục, từ các doanh nhân Công giáo, từ các nhóm anh em Phật tử… Tình thương đó không chỉ dừng lại ở những ngày đầu mà vẫn còn mãi đến hôm nay và sau này nữa. Những bữa ăn hằng ngày thường đến từ giáo xứ Tân Đức, nước ép trái cây do cha xứ Thanh Đa, bánh giò ăn sáng cũng có người cấp cho, và các thứ khác từ các nhà dòng gửi đến…

Nhóm chúng tôi có 16 anh chị em làm tại Khoa Cấp Cứu do bệnh viện Gia Định phụ trách. Ở đây cũng có các Bác sĩ và điều dưỡng Công giáo gặp chúng tôi chào thầy, chào sơ. Bầu khí vui tươi đã xoá đi mệt nhọc. Bên Nhà Thiếu Nhi có gì ngon, tôi đều mang qua mời các anh chị dùng. Để đáp lại, các anh chị đã hướng dẫn chúng tôi rất kỹ về cách tránh lây nhiễm Covid. Khi làm việc, thấy lâu quá mà chúng tôi chưa ra nghỉ, thì có người nhắc: “Ra nghỉ đi thầy, nghỉ chút đi sơ!...”

Còn có các cô hộ lý nữa, là những người chúng tôi có nhiều cơ hội làm việc chung, có chung nhiều kỷ niệm vui: Cô Duy là người đầu tiên hướng dẫn chúng tôi mặc đồ bảo hộ, cô Giang chân dài vui vẻ, cô Nga làm chung êkíp với tôi đã rất mừng vì sắp được về nhà sau hơn một tháng xa gia đình…

Đoàn chúng tôi có 160 TNV, khoảng 110 người là tu sĩ công giáo và có 3 nam tu sĩ; bên cạnh đó có các bạn Phật tử và Tin Lành sống chung khu nhà này. Tình bạn nảy sinh từ những cuộc chuyện trò, làm quen, thăm hỏi, làm việc chung, sống chung trong Nhà Thiếu Nhi, chiều tối cùng đi đọc kinh, lần chuỗi trong sân…

Môi trường sống tại đây rất trong lành, người quản lý khu này rất tốt. Các anh chị TNV của khu nhà này cũng rất tốt bụng, mỗi ngày đều đến giúp khi chúng tôi cần một điều gì đó. Ở đây còn có anh Tự rất dễ thương và nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, từ việc mua những thứ lặt vặt đến tặng trà sữa miễn phí. Và còn có các bác tài vui tính, lái xe chở chúng tôi đi làm mỗi ngày…

Chúng tôi nhiệt tình phục vụ nhưng luôn ý thức cố gắng giữ gìn để khỏi bị nhiễm Covid. Trước đây vài ngày, khi test covid định kỳ, test mẫu gộp, có thành viên của một nhóm bị dương tính. Anh chị em rất lo và cầu nguyện rất nhiều. Tôi với một số nữ tu cùng êkíp trực, đã từng lau phòng cho một chị điều dưỡng bị dương tính. Chúng tôi bèn đi test lại và rất may là có kết quả âm tính. Đặc biệt ngày test để về, mọi người trong nhóm chúng tôi cũng đều âm tính. Hết lòng tạ ơn Chúa!

Xin chúc các anh chị em ở lại bình an, có sức để phục vụ và sẽ trở về bình an như chúng tôi. Chúng tôi trở về nhưng vẫn sẽ luôn nhớ cầu nguyện cho các anh chị em ở lại… 
 
Antôn Chung Chí Tâm (La San)
(WGPSG) 

 

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 21 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 25.8.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 25.8.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 21 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Tư, ngày 25.8.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon