Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

MẸ VÀ CHUYỆN NẤU ĂN TRONG MÙA COVID

MẸ VÀ CHUYỆN NẤU ĂN TRONG MÙA COVID
 
TGPSG -- Dịch Covid giữ tôi ở lại nhà, cho tôi thường xuyên nhìn thấy Mẹ nấu ăn trong gian bếp… 
 
Mẹ tôi - giống như bao người mẹ khác trong các gia đình - đảm nhận trách nhiệm nấu ăn cho cả nhà. Đây có vẻ như là một sứ mạng của tình mẫu tử, nên cho dù trong nhà có con dâu đi chăng nữa, Mẹ vẫn chẳng buông bỏ trách nhiệm kia. 
 
Tôi dám chắc chắn, Mẹ trong tâm trí mỗi người sẽ gắn liền với gian bếp. Nói chính xác ra thì Mẹ là nguồn dinh dưỡng nuôi sống mỗi người, từ những chất dinh dưỡng của cơ thể Mẹ đã thẩm thấu vào thân xác tôi khi tôi còn là thai nhi trong bụng Mẹ. Rồi khi vừa ra khỏi bụng Mẹ, bầu sữa Mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho những năm tháng đầu đời của tôi. Và để tôi thành một thanh niên cao lớn thì hầu hết nguồn dinh dưỡng đều xuất phát từ gian bếp của Mẹ, nơi chất chứa tràn đầy tình thương của Mẹ. 
 
Mùa dịch Covid, vợ chồng tôi phải làm việc tại nhà; con tôi - cháu nội của Bà - cũng học online ở nhà. Việc nấu ăn trong gian bếp thêm nặng nề - đặc biệt khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Vợ chồng tôi cũng phụ giúp Mẹ trong gian bếp, nhưng có vẻ chỉ làm vướng tay, vướng chân Mẹ tôi, khi Mẹ đã có những sắp xếp của riêng Mẹ. 
 
Do những rào chắn của giãn cách xã hội, Mẹ tôi không thể tới chợ. Mẹ nhờ chúng tôi đặt hàng online, nhưng rồi chẳng thể vừa lòng Mẹ, vì giá cả thì đắt, giao hàng thì chậm, không đúng như ý Mẹ muốn. 
 
Khi chưa có dịch cúm và Mẹ không có nhà, thì chuyện nấu ăn đã có vẻ không ổn. Những ngày Mẹ sốt do chích ngừa thì mọi người tụm lại chăm sóc cho Mẹ và tự nấu ăn, thì đồ ăn đúng là không thể được như Mẹ đã từng nấu - món thì mặn, món thì nhạt… 
 
Thực ra, ở những gia đình đông con, người mẹ cần giúp các con của mình trưởng thành bằng cách huấn luyện con mình biết nấu nướng cho thật giỏi, không thể cứ mãi dựa vào mẹ. Nhưng những món ăn Mẹ nấu cho con, vẫn khiến các con vô cùng hạnh phúc, vì đong đầy tình mẫu tử… 
 
Dịch Covid đẩy con người xa cách nhau theo nghĩa đen, nhưng lại mang những người thân trong gia đình lại gần nhau hơn. Nó giúp tôi thường xuyên nhìn thấy Mẹ tôi trong gian bếp, cho tôi cảm nhận nhiều hơn tình thương Mẹ dành cho gia đình qua những món ăn, cho tôi thấy được những loại thuốc mà Mẹ uống hằng ngày để điều trị các cơn bệnh của Mẹ - mà đôi lúc tôi vô tâm không để ý. 
 
Có nhiều lúc tôi mong ước được ở nhà với Cha Mẹ nhiều hơn để chăm sóc các ngài, thì có vẻ như đây là lúc mong ước đó của tôi được toại nguyện. Tạ ơn Chúa đã cho tôi đạt được mong ước ấy của mình theo một cách rất lạ đời… 
 
Jos Trung Toàn (TGPSG)
(Ánh sáng gia đình thời Covid) 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Hai, ngày 27.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 27.9.2021


Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Hai, ngày 27.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 26.9.2021


GIA ĐÌNH: ĐIỂM TỰA CHO F0 VƯỢT THẮNG COVID

GIA ĐÌNH: ĐIỂM TỰA CHO F0 VƯỢT THẮNG COVID

TGPSG -- Điểm tựa gia đình càng vững chắc, thì người bệnh càng có nhiều sức mạnh tinh thần và thể chất để vượt qua dịch bệnh…

Vào một buồi chiều trung tuần tháng 9, vợ tôi nhận điện thoại mẹ báo tin hai vợ chồng dì M. chú H. (ngụ tại Tân Bình) vừa được các nhân viên y tế test cho kết quả dương tính với SAR-CoV-2.

Khi cầm trên tay bộ test hiện lên 2 vạch, vợ chồng dì chú hết sức lo lắng và hoang mang. Được biết những ngày trước đó, chú có triệu chứng tiêu chảy và rất mệt; dì thì ho ít nhưng có đàm và mất khứu giác. Vì triệu chứng nhẹ và nhà cũng thoáng mát, chỉ có hai vợ chồng nên cán bộ y tế phường giăng dây trước cửa và cho cách ly tại nhà.

Nhà tôi gọi điện chia sẻ, an ủi, động viên dì, kết hợp với sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của bác sĩ, dì M. lúc này đã bình tâm hơn.

Dì và chú luôn tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ: Uống thuốc, đo nồng độ SP02 ngày 2 lần. Thực phẩm luôn phải có thị bò, thịt gà, cá và trứng. Nấu nước gừng, nhỏ vào một vài giọt dầu để xông mũi. Nấu nước xả và gừng để tắm cho ấm phổi. Thường xuyên khò nước muối sinh lý 0,9%. Tăng cường tập thể dục và phơi nắng mỗi sáng ít nhất 15 phút. Ngoài ra, cần đeo khẩu trang và sát khuẩn những bề mặt các vật dụng đã tiếp xúc. Hai vợ chồng mỗi người ở một phòng, mở cửa thoáng mát để phòng tránh lây nhiễm chéo cho nhau. Chồng ở tầng 1, vợ ở tầng trệt để thuận tiện trong việc nấu nướng. Luôn luôn cập nhật tình hình sức khỏe cho bác sĩ. Nếu có điều gì bất thường, dì gọi điện báo cho nhà tôi và nhờ bác sĩ tư vấn ngay.

Trong những ngày chũa trị, vợ chồng dì chỉ xem những phim hài giải trí, không xem những trang web nói nhiều về bệnh COVID gây hoang mang, lo sợ. Đặc biệt là dì và chú luôn cầu nguyện với Chúa và Mẹ Maria qua chuỗi Mân Côi và tham dự Thánh lễ online hàng ngày, để xin Chúa gìn giữ và chữa lành bệnh tật.

Nhà tôi đặt hàng online giúp dì M. mua các thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng để dì M. chế biến bữa ăn như thịt heo, gà, bò…, các loại trái cây tăng cường sức đề kháng cho cả hai người, đồng thời khuyên hai vợ chồng dì cố gắng ăn uống đầy đủ, tập thể dục, phơi nắng. Có những ngày chú H. lo lắng vì mệt mỏi không ăn được, đắng miệng, nhà tôi gọi điện động viên chú ấy, cố gắng ăn uống để có sức đề kháng. Vì nếu cứ mãi lo lắng, buồn phiền thì sức khỏe sẽ đi xuống. Tinh thần là yếu tố quan trọng hàng đầu - đó là điều mà nhiều người thân của F0 điều trị tại nhà chia sẻ.

Với sự động viên, chăm sóc tận tình của bác sĩ và những người thân trong gia đình, qua 10 ngày điều trị, dì M. được test lại và có kết quả âm tính. Còn chú H. thì 2 vạch hiện lên mờ mờ nhưng qua ngày thứ 11 thì đã âm tính. Gia đình tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến bác sĩ T. đã tận tình giúp đỡ, giúp dì M., chú H. đã vượt thắng Covid.

Có thể nói, với những trường hợp F0 điều trị tại nhà, thì người thân trong gia đình chính là điểm tựa của họ. Điểm tựa càng vững chắc, thì người bệnh càng có nhiều sức mạnh tinh thần và thể chất để vượt qua dịch bệnh. Và điểm tựa đó cần được cộng với niềm tin phó thác, cậy trông vào Lòng Thương Xót của Chúa, là yếu tố quan trọng giúp người bệnh vượt qua sợ hãi, chiến thắng bệnh Covid.

Xuân Đại (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG) 

VIẾT CHO EM THIỆN NGUYỆN VIÊN Ở LẠI

VIẾT CHO EM THIỆN NGUYỆN VIÊN Ở LẠI

TGPSG -- Tôi đã khóc vì xúc động, bởi ngày đầu ba mẹ không cho em đi, nhưng giờ đã động viên và ủng hộ em đến với những bệnh nhân Covid...

Đêm đã về khuya, ánh đèn của phố phường đã mờ dần, còn tôi một mình ở một góc nhỏ trong căn phòng. Làn gió mát hiu hiu, thổi qua khe cửa… Tôi nghĩ về trong khoảng thời gian tình nguyện, rồi lại nghĩ đến những người tiếp tục ở lại để dấn thân trong việc chăm sóc bệnh nhân Covid trong đó có em. Bởi thế tôi vội viết cho em đôi dòng.

Em thân mến, không biết em có cảm giác giống như tôi không? Tôi còn nhớ như in chiều hôm đó, khi nhận được tin chuẩn bị đồ để sáng mai lên đường đi thiện nguyện, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì sau bao ngày đăng ký, hụt lên hụt xuống, nay đã có tên trong danh sách. Lo vì chưa gọi điện để báo cho gia đình. Đi thiện nguyện có nghĩa sẽ vào trong bệnh viện để chăm sóc những bệnh nhân mắc Covid, luôn có nguy cơ lây nhiễm. Vì thế, trong nhóm Zalo đi thiện nguyện, khi nào nhắn tin, tôi đều trêu mọi người: 'nên gọi điện về gia đình chào ba mẹ... lần cuối, biết đâu... không gặp lại!' Câu trả lời tôi nhận được từ mọi người là: đã gọi điện về báo cho gia đình... Còn tôi, thú thật, trước lúc lên xe tôi mới dám gọi về cho gia đình, vì tôi biết rằng sẽ có những lời ngăn cản, làm cho nhụt chí. Ba mẹ nào lại không thương con, có ai muốn con mình đi vào nơi nguy hiểm bao giờ...

Cho nên lần đầu tôi tiếp chuyện với thiện nguyện viên, tôi đều hỏi: Có gọi điện để chào gia đình chưa mà đi thiện nguyện? Câu trả lời tôi nhận được, hầu như là: 'bị gia đình can ngăn'. Có những câu trả lời là: Không gọi cho gia đình, bởi vì gọi sẽ làm cho ba mẹ thêm lo lắng...

Còn em là người tôi hàn huyên nhiều nhất, ngay lần gặp đầu tiên. Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt em, có một nỗi âu lo chưa thổ lộ… Những người khác gặp nhau, nói chuyện với nhau vui vẻ. Nhưng em lại khác, tôi thấy em ngồi một mình trên chiếc ghế, ánh mắt hướng về một phía như nhìn về gia đình của mình. Tôi ngồi quan sát mọi cử chỉ của em và nhận ra rằng, em đang 'có chuyện gì đó', bởi thế tôi đến trò chuyện với em. Rồi em kể cho tôi nghe mọi chuyện về chuyến đi thiện nguyện. Trước tiên là chuyện gia đình: ba mẹ không muốn cho em đi, vì là thân con gái, lỡ vào đó trúng dịch rồi sẽ ra sao… Khi ba mẹ khuyên mà chịu không nghe, em cảm thấy… 'có điều gì đó'. Còn em thì muốn đi để dấn thân phục vụ, giúp đỡ những bệnh nhân mắc Covid…

Em ạ, bố mẹ nào cũng thương con, mong muốn cho con mình khỏe mạnh; có ai muốn 'đầu bạc tiễn đầu xanh' bao giờ... Những lời bố mẹ nói với em cũng đúng thôi, bởi họ là đấng sinh thành nên em. Còn một khi mà em 'muốn làm gì tùy em', thì xem ra lúc đó em không còn là con của ba mẹ nữa rồi…

Tôi cũng vậy thôi, tôi không gọi cho gia đình trước, vì tôi sợ ba mẹ lo. Chính vì thế, khi chiếc xe đi thiện nguyện gần lăn bánh, tôi mới gọi về cho ba mẹ, để phần nào đó bớt đi những ngày dài lo lắng của bố mẹ nơi đứa con út là tôi. Tôi cảm nhận được điều đó, vì bố mẹ rất thương tôi, từ lúc tôi còn nhỏ cho đến giờ. Mỗi lần tôi về không kịp giờ cơm, đều thấy bố mẹ đợi, rồi gia đình cùng ăn cơm chung. Dầu mâm cơm không có cao lương mỹ vị như bao nhà khác, nhưng luôn tràn đầy tiếng cười. Có những đêm, tôi thấy ba hoặc mẹ lên thăm tôi đã ngủ chưa, rồi lấy chăn đắp cho tôi. Qua đó tôi cũng nhận ra rằng: Bố mẹ của em cũng rất thương em, dù có nói tiếng to với em ngay lúc đó, nhưng sau đó là những giọt nước mắt vì thương em… Biết rằng con mình đi tu là dâng cho Chúa, nhưng mà tính xác thịt ai lại muốn mất con mình. Em có biết về câu chuyện ông bố của thánh Têrêsa Hoa Hồng? Khi Têrêsa quyết định đi tu, ông đã buồn và dần dần mất trí, rồi ông đi lang thang… Cũng vì yêu thương và lo cho con…

Tôi rất cảm động trước những lời kể của em về gia đình. Tôi chúc mừng em vì được sinh ra trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương của bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Cảm ơn về những buổi chia sẻ, trong khoảng thời gian ngắn. Em biết không? Tôi rất vui khi nghe em nói, bố mẹ cho em đi thiện nguyện thêm một tháng nữa, để chăm sóc những bệnh nhân mắc Covid. Lúc đó tôi thấy trên gò má mình ướt, đôi mắt cay cay, phải chăng tôi đã khóc vì xúc động.

Đúng thật, tôi đã khóc vì xúc động, bởi ngày đầu ba mẹ không cho em đi, nhưng giờ đã động viên và ủng hộ em đến với những bệnh nhân Covid. Tôi tin chắc rằng sau những cuộc điện thoại của em mỗi khi xong ca trực về cho gia đình, đã làm cho ba mẹ em có cái nhìn sáng hơn. Bởi vì những người mắc Covid, họ không có người thân vào bệnh viện để chăm sóc và động viên. Bệnh nhân phải vật lộn với nỗi đau của mình, với đủ mọi thứ… Chính em là người tạo thêm động lực cho bệnh nhân để bước về phía trước. và cũng chính em là cầu giữa nối người nhà với bệnh nhân bằng chiếc điện thoại trên tay... Có lẽ những hành động yêu thương của em nơi người khác, đã đánh động gia đình em và thay đổi ý nghĩ, để rồi động viên em tiếp tục dấn thân phục vụ những bệnh nhân khác.

Chỉ còn ít tiếng nữa, tôi về nơi khu cách ly, sau một tháng thiện nguyện. Đó là một hành trình đã mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc của cuộc sống: vui buồn và nghẹn ngào ướt lệ khi bệnh nhân phải chuyển đi nơi khác…

Một tháng không phải là dài nhưng cũng không phải ngắn. Đó là thời gian em tiếp tục quên mình để phục vụ người khác. Chính vì thế sẽ có những khó khăn và vất vả đang đợi em ở phía trước, nhưng đừng nhụt chí em nhé! Hãy tự tin và lạc quan lên, vì có rất nhiều người đang âm thầm tiếp sức cho em!

Có lẽ viết đến đây cũng hơi dài, tôi chúc em những điều tốt đẹp nhất. Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa và mẹ Maria luôn đồng hành cùng em trong hành trình còn lại.

Sài Gòn 23/9/2021
Thầm Lặng (TGPSG)
(WGPSG) 

GIA ĐÌNH LÀ HẬU PHƯƠNG ĐỂ TÔI LÊN ĐƯỜNG LÀM BÁC ÁI MÙA COVID

GIA ĐÌNH LÀ HẬU PHƯƠNG 
ĐỂ TÔI LÊN ĐƯỜNG LÀM BÁC ÁI MÙA COVID

TGPSG -- Tôi lớn lên trong một gia đình với Cha Mẹ không phải là người học cao, trí thức giàu có, nhưng luôn là hậu phương tốt đẹp cho tôi.

Tuổi trẻ của tôi - giống như bao bạn trẻ - luôn thích khám phá những điều mới, muốn đi ra ngoài khỏi gia đình, lang bạt, ngao du và thích tham gia các công tác bác ái xã hội.

Nhưng mùa dịch Covid xảy đến làm tê liệt tất cả. Tôi mất một thời gian phải ở nhà. Khoảng thời gian này, tôi cảm nghiệm được rất nhiều điều. Tôi ngồi lại, nhìn và thấy, để khám phá nhiều điều trong gia đình tôi, và trả lời được câu hỏi to lớn trước đây: Tôi bước ra đường để làm công tác bác ái bên ngoài, còn Cha Mẹ tôi làm gì?

Cái quạt trần lâu ngày lấm bụi, Cha tôi khệ nệ vác thang leo lên lau chùi; việc này đáng lẽ phải thuộc về tôi - người trẻ khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn.

Cái máy giặt lâu ngày bị hư, không vào chế độ vắt được. Mẹ tôi phải vắt quần áo bằng tay. Mẹ sợ tôi tốn tiền thay cái mới nên không nói, để tôi dành số tiền đó mà làm việc khác cho bản thân mình.

Viên gạch nền nhà tắm bị bung lên mà tôi chỉ biết vào tắm mà không nhìn tới. Cha tôi phải trám tạm lại để sử dụng.

Mỗi ngày, khoảng 3-4 giờ sáng, Cha Mẹ tôi đã thức dậy vì tuổi già không ngủ nhiều. Các ngài dự lễ online, cầu nguyện cho tôi an mạnh để tôi có thể giúp đỡ được nhiều người trong hoàn cảnh khó khăn ngoài xã hội.

Mùa dịch Covid, tôi lại ra đi tham gia công tác xã hội với bạn bè: trao quà cho người nghèo, trao thuốc, vitamin… cho các bệnh nhân. Nhưng, tôi đã quên mất Cha mình ngày đêm đau đầu do bệnh già, Mẹ mình đau nhức do phải đứng lâu khi nấu ăn…

Nhờ mùa dịch Covid với sự ngăn cách của các hàng rào, tôi có nhiều thời gian phải ở nhà. Và vì vậy tôi đã có cơ hội nhìn thấy Cha Mẹ tôi nhiều hơn, đã nhìn thấy rõ hơn ‘hậu phương tốt lành’ hằng tạo điều kiện cho tôi thanh thản bước ra đời. Khoảng thời gian này, tôi mới cảm nhận sâu sắc điều may mắn tuyệt vời mà tôi có được nhờ Cha Mẹ kính yêu của tôi...

Jos Trung Toàn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lễ Thiếu Nhi.

Bắt đầu lúc 17g00 Chúa Nhật, ngày 26.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 26.9.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. LA MESSE DU 26E DIMANCHE DU TEMPS ORDINAIRE - ANNÉE B.

Bắt đầu lúc 10g30 Chúa Nhật, ngày 26.9.2021
 tại Nhà thờ Mai Khôi (Nhà thờ nói tiếng Pháp).
le 26 septembre 2021 à 10h30, 
sera célébrée en direct de l'Église de Mai Khoi (Église francophone).


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Twenty-sixth Sunday of Ordinary Time - English Mass (Live-streamed)

Bắt đầu lúc 09g30 Chúa Nhật, ngày 26.9.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
at 9:30 AM on Sunday, Sep 26th, 2021, 
at Notre Dame Cathedral of Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B.

Bắt đầu lúc 07g00 Chúa Nhật, ngày 26.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: ĐÓN 146 TÌNH NGUYỆN VIÊN VỀ TỪ 3 BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN ĐIỀU TRỊ COVID-19


ĐÓN 146 TÌNH NGUYỆN VIÊN 
VỀ TỪ 3 BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN ĐIỀU TRỊ COVID-19

TGPSG -- Vào ngày 24-9-2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM, Ban Tôn giáo TP và Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức đón 146 tình nguyện viên tôn giáo (TNV) đã chung tay cùng ngành Y chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong thời gian 1 và 2 tháng vừa qua tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu), Bệnh viện Dã chiến số 10, và Bệnh viên Dã Chiến số 12.

Sự kiện đón các TNV vào lúc 8g đã diễn ra tại 3 địa điểm khác nhau:
  • tại Nhà Thiếu Nhi Thủ Đức,
  • tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12,
  • tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10.
Và sự kiện đón các TNV vào lúc 15g30 đã diễn ra tại Khách sạn Minh Tâm Quận 10.
 
1. Tại Nhà Thiếu Nhi Thủ Đức 
 
Buổi lễ đón tiếp tại Nhà Thiếu Nhi TP Thủ Đức (số 2/2B đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú) có sự hiện diện của 71 TNV từng phục vụ 2 tháng ở Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19, gồm: 
 
- 15 tu sĩ và tín đồ Phật giáo;
 
- 3 bạn trẻ Tin Lành;
 
- 53 tu sĩ Công giáo thuộc các Tu hội / Hội dòng: Chúa Chiên Lành (1), Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (3), Đa minh Gò Vấp (2), Mân Côi Chí Hoà (1), Mến Thánh Giá Tân Việt (2), Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1), Nữ Tu Đức Bà (1), Thánh Phaolô (12), Thừa Sai Chúa Kitô Giêsu (6), Mến Thánh Giá Gò Vấp (6), Mến Thánh Giá Quy Nhơn (1), Nữ Tu Bác Ái Thánh Carôlô Bôrômêô (1), Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục (5), Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (11).

 
Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn Phó - Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid19 - thông tin kết quả tham gia của các TNV.

 


Bà Phan Thị Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - chia sẻ: “2 tháng qua đã mang đến cho các TNV những trải nghiệm quý báu”.


Phật tử Lý Hoàng Đăng Khao - đại diện cho TNV Phật giáo - chia sẻ tâm tình về “nỗi buồn khi thấy bệnh nhân qua đời, niềm vui khi thấy bệnh nhân xuất viện.”


Nữ tu Maria Phạm Thị Thu Nguyệt - đại diện cho các TNV Công Giáo: “Nói là cho đi, nhưng thực ra là nhận lại được rất nhiều tình thương; nói rằng tuyến đầu rất khổ, nhưng lại rất hạnh phúc.”


Chị Trần Thị Thu Cúc - Tin Lành Trưởng Lão Bình Chánh: “Cảm ơn Đức Chúa Trời, cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt các nhân viên ở nhà Thiếu nhi Quận 9.”


Cả nhóm bạn trẻ hát tặng mọi người bài “Như ngày hôm qua”.

 


Bà Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM trao bằng khen cho các TNV.


Phó giám đốc Bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19 trao bằng khen cho TNV.


 Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Toà Tổng Giám mục SG - trao bằng khen cho TNV.

 

 
Những giọt nước mắt lưu luyến.

  
 
Giữ lại những khoảnh khắc khó quên. 
 
 
 
 
 
 
 

2. Tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12

Buổi lễ đón tiếp tại tại 'Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12' có sự hiện diện của 14 TNV (từng phục vụ 2 tháng ở chính nơi đang diễn ra buổi lễ này) gồm:
  • 3 TNV Phật giáo: 1 sư thầy, 1 cư sĩ, 1 tín đồ;
  • 11 tu sĩ Công giáo thuộc các Tu hội / Hội dòng: Mến Thánh Giá Thủ Đức (2), Nữ Đa Minh Rosa Lima (2), Đa Minh Tam Hiệp (1), Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (2), Chúa Cứu Thế (1), Đức Mẹ Người Nghèo (3).

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hương Thảo - Dòng Đaminh Rôsa Lima - thay mặt các TNV Công giáo nói lời cảm ơn.
 

Ông Nguyễn Văn Lưu - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM - trao bằng khen cho các TNV.
 
 

3. Tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10

Buổi lễ đón tiếp tại 'Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10' có sự hiện diện của các TNV Công giáo (từng phục vụ 2 tháng ở chính nơi đang diễn ra buổi lễ này) gồm 16 tu sĩ thuộc các Tu hội / Hội dòng: Hiệp Hội Đức Maria Đầy Ơn Phúc (1), Chúa Giêsu Hài Đồng (3), Mến Thánh Giá Thủ Đức (3), Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (8), Đức Bà Truyền Giáo (1).


Ông Nguyễn Văn Lượng - Phó trưởng ban tôn giáo TP - cảm ơn các tu sĩ.


Các nữ tu hát bài “Cảm ơn người vì ngày hôm nay” để cảm ơn mọi người vì được phục vụ trong yêu thương.


Các Tu sĩ chụp hình chung với Phó trưởng ban tôn giáo TP và Ban Giám đốc, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10.


  
Các nữ tu TNV chụp hình lưu niệm.

 
 
Các tu sĩ đi về nơi cách ly trước khi trở về cộng đoàn.


Xe đưa các tu sĩ về cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái.

 

 

 

 

4. Tại Khách sạn Minh Tâm

Buổi lễ đón tiếp vào lúc 15g30 tại Khách sạn Minh Tâm (số 206 đường 3/2, Phường 12, Q.10) có sự hiện diện của 45 TNV (từng phục vụ 1 tháng ở Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19) gồm:
  • 7 linh mục thuộc TGP Sài Gòn;
  • 38 tu sĩ thuộc các Tu hội / Hội dòng: Thừa Sai Chúa KiTô Giêsu (1), Dòng Tên (1), Mẹ Chúa Cứu Chuộc (2), Đức Mẹ Lên Trời (1), Đức Mẹ Trinh Vương (9), Mến Thánh Giá Thủ Đức (4), Cạnh Nương Long Chúa Giêsu (1), Thừa Sai Đức Tin (5), Hiệp Hội Đức Maria Đầy Ơn Phúc (1), Chúa Quan Phòng Tây Nguyên (4), Hội Thừa Sai Việt Nam (1), Phanxicô (4), Đức Bà Truyền Giáo (5).


Các Linh mục thuộc TGP Sài Gòn.

 
Chia sẻ với các TNV, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Toà Tổng Giám mục - phát biểu:

“Sáng nay khi đón các tu sĩ hoàn tất 2 tháng phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, bà Phó Chủ tịch Mặt trận có diễn tả ánh nắng đầu ngày đang rọi chiếu năng lượng rất đẹp trên khuôn mặt các TNV Phật giáo, Tin Lành và Công giáo cùng sát cánh bên các y bác sĩ suốt 2 tháng vừa qua.

Chính tình thương kết nối mọi người và trải nghiệm này cho thấy khi cộng tác với nhau trong mùa dịch bệnh Covid này, chúng ta bắt đầu một ngày mới trong tình trạng bình thường mới. Tất cả chúng ta phải thay đổi. Không ai có thể hoạt động một mình, chúng ta cần cộng tác với nhau.

Cảm ơn quý Cha và anh chị em tu sĩ đã chứng minh cho cuộc đời thấy rằng chúng ta có tiềm năng yêu thương và phục vụ mà ai cũng phải công nhận. Từ nay, khi nào cần, chúng ta sẵn sàng bước ra phục vụ với tình thương.”

Cha Giuse không quên cảm ơn các nhân viên phục vụ tại khách sạn - nơi các tình nguyện viên lưu trú 1 tháng vừa qua - đã can đảm và nhiệt thành cho những người có rủi ro lây nhiễm cao được trú ngụ.

Sơn Nữ SPC (TGPSG)
(WGPSG)