Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THIỆN NGUYỆN VIÊN LINH MỤC & TU SĨ LÊN ĐƯỜNG RA TUYẾN ĐẦU ĐỢT 8


THIỆN NGUYỆN VIÊN LINH MỤC & TU SĨ 
LÊN ĐƯỜNG RA TUYẾN ĐẦU ĐỢT 8

TGPSG -- Buổi lễ 'ra quân' đợt 8 - do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM phối hợp tổ chức cho các linh mục & tu sĩ lên đường phục vụ bệnh viên Dã Chiến 16 (Q. 7) - đã diễn ra vào lúc 12g ngày 22-9-2021 tại sảnh nhà khách Công Đoàn số 1, Bùi Thị Xuân, Q.1, TPHCM.

 
Đợt 'ra quân' này có 19 TNV, gồm: 
 
- 1 linh mục: Cha Martino Nguyễn Phương Linh - Giáo xứ Chí Hòa, TGP Sài Gòn;
 
- 4 chủng sinh của Đại Chủng viện Thánh Giuse;
 
- 2 thầy phó tế Dòng Thương Khó Chúa Giêsu;
 
- 10 nữ tu thuộc các Dòng: Nữ Truyền Giáo Phanxicô Assisi (3), Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương (1), Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa (4), Mến Thánh Giá Thủ Đức (2);  
 
- 2 đệ tử Dòng Cạnh Nương Long Chúa Giêsu.

Phỏng vấn

Trước buổi lễ 'ra quân', chúng tôi có cuộc phỏng vấn ngắn với Bác sĩ CK2 Vương trọng Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viên Dã chiến số 16.

Pv: Bác sĩ nhận định như thế nào về hoạt động sắp tới của các TNV tại Bệnh viện Dã chiến 16?

BS: Với tình hình dịch bệnh chưa hề ổn định như bây giờ, Bệnh viện Dã chiến 16 hiện nay, ngoài lực lượng y tế chính thức, rất cần có thêm những lực lượng tình nguyện viên (TNV), vì các bộ phận đều đang thiếu người phục vụ.

Việc chăm sóc bệnh nhân Covid tốn rất nhiều nguồn nhân lực, trong đó có những bộ phận hỗ trợ tâm lý và tinh thần, chăm sóc những bệnh nhân kiệt quệ, tinh thần lung lay vì phải cách ly với người nhà.

Có những bệnh nhân đang nằm ở khu vực nhẹ, nhưng khi biết có người thân nằm ở khu vực hồi sức bệnh trở nặng, lúc đó họ xuống tinh thần ghê gớm lắm, hoảng loạn dữ lắm; đội ngũ y bác sĩ dẫu có tâm đến bao nhiêu cũng không đủ để từng người đến mà theo sát nâng đỡ từng bệnh nhân.

Vì thế, lực lượng TNV tôn giáo có một vai trò rất lớn. Phần lớn các thầy, các sơ là những người rất tâm lý, hỗ trợ về nhiều mặt: chia sẻ, chăm sóc và trấn an bệnh nhân trong lúc họ hoảng loạn.

Khi bước vào công tác chăm sóc bệnh nhân, các TNV tôn giáo sẵn sàng quên hết các địa vị bên ngoài của mình để hết lòng phục vụ: kiểm soát nhiễm khuẩn, quét dọn, làm sạch cảnh quan…, là những công việc mà đội ngũ y tế không thể đảm nhận hết được. Các TNV hỗ trợ rất lớn, giúp cho bệnh nhân sớm được hồi phục và xuất viện nhiều hơn.

Phần lớn các TNV đã đồng hành xuyên suốt rất tốt với các y bác sĩ trong các bộ phận. Chưa bao giờ tôi thấy tình người trải rộng và sâu sắc đến thế, rất là tuyệt vời. Khi cùng mặc bộ đồ bảo hộ giống nhau thì tất cả đều là đồng nghiệp, là đồng đội của nhau, cùng nhau chung tay giúp bệnh nhân sớm hồi phục. Rồi sau đó thì mỗi người cũng sẽ lại trở về với công việc trước đây của mình…

PV. Theo thông tin trên báo đài, vào ngày 30-9, Thành phố sẽ nới lỏng... Khi ấy tình hình bệnh nhân nhập vào Bệnh viện Dã Chiến 16 sẽ như thế nào?

BS: Hiện tại, lượng bệnh nhân nhập vào Bệnh viện Dã Chiến 16 vẫn rất nhiều. Đó là do chủ trương của Thành phố đang đóng cửa một số bệnh viện dã chiến, để trả lại mặt bằng cho các trường học, các đơn vị hành chánh… Vì thế, Bệnh viện Dã chiến 16 phải tiếp nhận thêm bệnh nhân từ các nơi ấy, do Sở Y tế chỉ định...

Pv: Bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân chuẩn bị “bình thường mới”?

BS: Thực ra hiện giờ tại bệnh viện, công việc cũng tương đối có nhẹ nhàng hơn đôi chút. Các y bác sĩ cũng giảm căng, trán cũng đã giãn ra nhiều hơn. Nhưng điều đó cũng không hẳn là phấn khởi 100%... Theo tôi, dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Nếu chúng ta chủ quan thì thành phố sẽ lại quay trở về tình trạng nặng nề của một, hai tháng trước. Với suy nghĩ của tôi, mọi nhà, mọi bộ phận, mọi ngành nghề đều nên tuân thủ chống dịch để tránh lây nhiễm chéo cho nhau, để gìn giữ một cuộc sống ổn định trong tương lai, nếu không dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành.

Lễ ‘ra quân’

Khởi sự buổi lễ ‘ra quân’, Bà Phan Thị Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - đã động viên các TNV:

“Dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên các TNV đến trong giai đoạn này không phải là sớm, cũng không phải là quá muộn. Tôi mong các TNV đồng hành với bệnh viện để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.”
 
Sau đó, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện tòa Giám mục TGP Sài Gòn - có đôi lời với TNV:

“Hôm nay chúng ta xuất quân rất là ấn tượng. Ấn tượng vì chúng ta gặp nhau trễ như thế này. Tôi biết trong lòng quý cha, quý tu sĩ có những cảm xúc trái ngược vì đã hăng hái đăng ký tình nguyện lâu rồi mà bây giờ mới có mặt ở đây. Trong khi đó, báo chí gần đây lại cho thấy có vẻ như tình hình sắp trở lại bình thường rồi. Vậy mà sao vẫn cần tình nguyện?

"Thì đây là con số mà chúng ta nên biết: Cho đến 18g ngày 27-9-2021, theo Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid của Thành Phố, chỉ cách đây 36 tiếng, Thành phố chúng ta vẫn còn 37.897 bệnh nhân, 1.793 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân phải can thiệp EMO. Có nghĩa là chúng ta bằng mọi cách vẫn cần tham gia giúp cho người bệnh trở về cuộc sống bình thường với gia đình. Chúng ta chưa hết việc đâu.

"Chúng ta ra quân gần đợt này cũng quan trọng lắm. Lúc này, người ta đang mong chờ mòn mỏi làm sao để được đón người thân từ dịch bệnh trở về, mọi sự bình thường trở lại, học sinh đi học, các nhà thờ mở cửa lại, người người có thể ra đường sinh hoạt.

"Đây là lúc chúng ta cần mạnh mẽ hơn. Đừng có sợ rằng mình đi muộn. Cho dù đi có mấy ngày, bệnh viện đóng cửa rồi về cũng được. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh chưa giảm, bệnh nhân vẫn còn, thì chúng ta vẫn còn phục vụ. Kính chúc quý cha và quý tu sĩ bước ra tuyến đầu đầy lửa của hồn tông đồ; đi trong yêu thương, bình an, mạnh khỏe; lên đường đầy ân sủng của Chúa."


Kết thúc ‘lễ ra quân’, các TNV nhận quà tặng từ lãnh đạo Thành phố.

Tính từ ngày 22-7-2021 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức được 8 lần lên đường ra tuyến đầu, với 606 TNV tôn giáo tham gia phục vụ tại những bệnh viện điều trị Covid-19.

Bài và ảnh: Sơn Nữ SPC (TGPSG)
 
(WGPSG) 

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 29.9.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 29.9.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 29.9.2021
 

THƯ MỜI HIỆP THÔNG: LẦN CHUỖI MÂN CÔI TRONG THÁNG MƯỜI

THƯ MỜI HIỆP THÔNG: 
LẦN CHUỖI MÂN CÔI TRONG THÁNG MƯỜI

Kính thưa quý vị,

Tháng Mân Côi lại đến trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây nhiễm khắp nơi. Con người như bất lực trước sự lây nhiễm gia tăng và nguy hiểm của đại dịch này. Việc lần chuỗi Mân Côi khẩn xin Đức Mẹ cầu cùng Thiên Chúa dủ thương cứu nguy thế giới lúc này thật là cần thiết và cấp bách biết bao!

VAI TRÒ CỦA ĐỨC MARIA

Những ngày tháng này, hơn bao giờ hết, Giáo Hội cũng như thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn và thử thách bởi đại dịch. Giáo Hội bận tâm cho sự an nguy của con cái mình cũng như của toàn thể nhân loại. Đức giáo hoàng Leo XIII dạy rằng: “Người Công Giáo vốn có thói quen là luôn luôn chạy đến náu ẩn nơi Mẹ Maria trong những lúc gian nguy khốn khó, để tìm bình an nơi lòng từ mẫu nhân ái của Mẹ, một thói quen chứng tỏ Giáo Hội Công Giáo luôn luôn đặt tất cả tin tưởng và hy vọng một cách chính đáng của mình nơi Mẹ Thiên Chúa.” (Thông điệp “Supremi Apostolatus Officio”, số 3). Còn Đức Gioan XXIII mời gọi người tín hữu: “Với niềm tín thác hơn, anh chị em hãy hướng tâm hồn về Mẹ Thiên Chúa, nơi ẩn náu vững chắc của người Kitô hữu đang gặp gian nan thử thách, bởi vì Mẹ đã được dựng nên như một nguồn cứu độ cho toàn thể nhân loại” (Thông điệp “Grata Recordatio”, số 5).

GIÁ TRỊ CỦA KINH MÂN CÔI

Có phương cách nào hiệu quả hơn để kín múc ân sủng từ trời vào thời gian khó khăn này cho bằng Kinh Mân Côi? Đức Phaolô VI nói lên mong muốn rằng: “Ước gì Kinh Mân Côi {...} đáp ứng những nhu cầu của thời đại ngày hôm nay {...}: Kinh Mân Côi thực sự là một lời cầu nguyện mang tính cách công cộng và hoàn vũ tuyệt vời cho những nhu cầu thông thường và khác thường của Giáo Hội, của các dân tộc và của toàn thể thế giới, bởi vì Kinh Mân Côi, như tự bản thân nó, là Bản Tin Mừng tóm gọn và từ nay về sau, là một cách thức sùng kính của Giáo Hội.” (Tông huấn “Recurrens Mensis Obtober”, III). Cũng trong tâm tình và bối cảnh đó, xin viện dẫn lời Đức Gioan Phaolô II: “Hội Thánh nhìn nhận Kinh Mân Côi có một hiệu quả đặc biệt, Hội Thánh giao phó những vấn đề khó khăn nhất cho Kinh Mân Côi, cho việc đọc Kinh Mân Côi trong cộng đoàn và đọc kiên trì. Vào những thời buổi ra như Kitô giáo bị đe doạ, thì sự giải cứu của Hội Thánh đã được gán cho sức mạnh của kinh nguyện này, và Đức Mẹ Mân Côi đã được tung hô là Đấng đã dùng lời chuyển cầu để mang lại ơn cứu thoát.” (Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 39).

NHƯ MỘT LỜI MỜI GỌI: xin mỗi người, mỗi gia đình cùng nguyện Kinh Mân Côi

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, chúng tôi tha thiết mời gọi mỗi người, đặc biệt là mỗi gia đình hãy cầu nguyện - lần hạt Mân Côi chung với nhau. Vì Chúa Giêsu dạy: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Kinh Mân Côi sẽ giúp ích rất nhiều cho gia đình. Tôi tớ Chúa Patrick Peyton cho rằng: “Kinh Mân Côi có thể đưa các gia đình vượt qua tất cả mọi nỗi hiểm nguy và sự dữ.” (Trong Jeanne Goselin Arnold, A Man of Faith: Father Patrick Peyton, CSC {Hollywood, California: Family Theater, Inc., 1983}, 250). Đức Gioan XXIII dạy rằng: “Khi cha mẹ và con cái họp nhau lại cuối ngày mà lần hạt Mân Côi {...}, chắc chắn rằng họ sẽ gặp được thuận lợi hơn để giải quyết những vấn đề của đời sống gia đình. Từ đó ngôi nhà sẽ được biến đổi thành cung thánh của bình an. Những dòng nước ân sủng sẽ đến với họ, thậm chí có ân sủng của ơn gọi linh mục và tu trì.” (Trong Tôi tớ Chúa Patrick Peyton, All For Her {Hollywood, California: Family Theater Productions, 1973}, 189).

Quý vị có thể suy nguyện Kinh Mân Côi theo điều kiện và thời gian của mỗi người, mỗi gia đình sao cho phù hợp, hoặc quý vị cũng có thể hiệp ý hằng ngày trên trang: kinhmancoi.net (hoimancoi.net).

Cuối cùng, nguyện xin Thiên Chúa thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ Mân Côi.

Biên Hoà, ngày 29.09.2021
Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, OP.
Đặc trách cổ cõ Kinh Mân Côi
Dòng Đa Minh Việt Nam

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL,GABRIEL, RAPHAEL. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Tư, ngày 29.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.


NHỮNG CUNG BẬC CẢM XÚC NƠI TUYẾN ĐẦU

NHỮNG CUNG BẬC CẢM XÚC NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Hãy cảm nghiệm từng cung bậc cảm xúc để biết trân trọng sự sống hơn mỗi ngày...

Người ta bảo cười là vui, cười là hạnh phúc, cười làm cuộc sống vui vẻ và có ý nghĩa hơn. Nhưng đôi khi, giọt nước mắt cũng là một minh chứng cho niềm hạnh phúc và cảm xúc sung sướng vô bờ. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ khi đứa con chào đời, là giọt nước mắt hạnh phúc của người bố khi nghe đứa con bé bỏng bập bẹ hai tiếng: 'Bố ơi', là hạnh phúc của đứa con thành công sau những kì thi vất vả, là hạnh phúc khi chúng ta gặp lại người bạn thân...

Hai tháng phục vụ tại bệnh viện dã chiến, tôi đã được chứng kiến biết bao cung bậc cảm xúc: những giọt nước mắt khi một bệnh nhân lặng lẽ ra đi và những giọt nước mắt hạnh phúc khi nghe tên bệnh nhân được xuất viện. Lúc đó, cả bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên chúng tôi đều khóc: khóc vì mừng thay cho bệnh nhân, khóc vì bao công lao vất vả của họ đã được đền đáp.

Nước mắt là sự sẻ chia và kết nối hàng triệu trái tim với nhau, là biểu hiện của lòng nhân ái. Có những khi chúng ta tự nhủ lòng “không được khóc”, nhưng mà… ta vẫn khóc. Chúng ta khóc bởi vì chúng ta không thể kiềm chế được dòng cảm xúc trong lòng. Chúng ta khóc để tạ ơn Chúa đã cho mình có cơ hội được chứng kiến những cảnh tượng tốt đẹp và đầy ý nghĩa này.

Hôm nay, khi đang hì hục lau nhà, dọn vệ sinh, tôi nghe bác sĩ đi từng phòng đọc tên các bệnh nhân sẽ được "trả về". Bình thường khi nghe bác sĩ nói hai từ “trả về” là lòng chúng ta buồn khôn xiết. Nhưng hôm nay, những tràng vỗ tay cùng với tiếng reo mừng vang rộn cả bệnh viện, thậm chí có người còn hét lên vì sung sướng. Các y bác sĩ, điều dưỡng, thiện nguyện viên khoa dinh dưỡng cũng nhảy lên để hòa chung niềm vui đó. Tiếng cười, tiếng la, tiếng vỗ tay, cả những giọt nước mắt... đều diễn tả niềm vui của các anh chị em nơi tuyến đầu.

Thực vậy, nơi đây đã trở thành một gia đình mà tất cả đều là người thân của nhau. Chúng tôi vui với niềm vui của bệnh nhân và đau chung với nỗi đau của họ. Nỗi buồn của một người là nỗi buồn chung của cả nhóm và niềm vui của một người là niềm vui của cả một êkíp.

Có những ngày bệnh nhân được xuất viện nhiều, nhân viên y tế phải làm việc tất bật từ sáng đến chiều, có khi bỏ luôn bữa ăn để mong sao hoàn tất các thủ tục giúp cho các bệnh nhân được sớm về nhà. Hình ảnh bệnh nhân cầm giấy xuất viện trên tay cùng với ít đồ cá nhân khiến tôi không thể không rơi nước mắt. Một cuộc trở về tràn đầy niềm vui và bình an bởi họ đã trút bỏ được biết bao sợ hãi, cảm nghiệm được biết bao ân tình mà rất nhiều người đã dành cho họ trong những giây phút thập tử nhất sinh trước đó.

Một bệnh nhân không kìm được niềm vui mừng, cứ chạy đi chạy lại nắm tay từng người cảm ơn rối rít. Một cụ già đặt bàn tay lên ngực và cúi đầu nói: “Cảm ơn... cảm ơn chúng con, những thiên thần áo trắng. Chúng con tốt quá, bác về trước sẽ cầu nguyện cho chúng con." Những cánh tay vẫy chào nhau làm nhộn nhịp cả khu bệnh viện. Đâu đó tôi thấy một vài bác sĩ sụt sùi: “Đây là điều vui nhất từ khi đi chống dịch tới giờ. Đi chống dịch chỉ mong có thế thôi... Hạnh phúc nhất là giây phút này đây”. Tuy được che chắn bởi một lớp kính nhưng tôi vẫn thấy vài điều dưỡng khóc vì hạnh phúc: “Các cụ về nhớ ăn uống đầy đủ và mau khỏe lại nha, chúng cháu không muốn gặp lại cụ trong bệnh viện nữa đâu!”

Tuy nhiên, để có được niềm hạnh phúc dâng trào này thì hầu hết các bệnh nhân đều đã trải qua nhiều nỗi sợ khác nhau: sợ bệnh của mình sẽ tiến triển nặng, sợ bệnh viện mình đang điều trị quá tải thì các bác sĩ sẽ không ai lo cho mình... Vì thế, trước khi tới bệnh viện, có những bệnh nhân đã khóc suốt. Thế nhưng, khi vào tới bệnh viện, được các nhân viên y tế hỏi han, động viên họ đã bình tĩnh trở lại.

Vâng, qua dịch bệnh tôi thấy tình người vẫn luôn đẹp. Lúc này đây, Sài Gòn vẫn "đang ốm", nhưng nơi đây vẫn có thể mọc lên những bông hoa dại thật đẹp để cuộc đời luôn tươi sắc. Chúng ta hãy lắng nghe sức sống trong tim mình và hãy cảm nghiệm từng cung bậc cảm xúc để biết trân trọng sự sống hơn mỗi ngày

Têrêsa Nguyễn Vui (TGPSG)
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 29.9.2021