Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ - MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn Mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 24.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

9 CÂU DANH NGÔN VỀ THÁNH GIUSE SẼ TRUYỀN CẢM HỨNG CHO BẠN TRONG CÔNG VIỆC

9 CÂU DANH NGÔN VỀ THÁNH GIUSE 
SẼ TRUYỀN CẢM HỨNG CHO BẠN TRONG CÔNG VIỆC

Tác giả: Cerith Gardiner

WHĐ (24.11.2021) - Việc chiêm ngắm người cha trần thế của Chúa Giêsu sẽ giúp bạn có được những hướng dẫn khi đang gặp khó khăn thử thách trong công việc.

Ngày 1 tháng 5 hằng năm là ngày mừng kính lễ Thánh Giuse Thợ - một hình mẫu tuyệt vời cho những ai đang cố gắng lao động hoặc nỗ lực tìm kiếm việc làm. Với bối cảnh đời sống lao động đang thay đổi chóng mặt trong thời gian đại dịch, để lại nhiều cảm giác lạc lõng, mất động lực và kiệt sức, thì hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần hướng về Thánh Giuse để đón nhận từ ngài nguồn cảm hứng cho công việc.

Vậy hãy cùng đọc những danh ngôn của các vị thánh và giáo hoàng để nhắc nhớ bạn về mẫu gương người cha trần thế của Chúa Giêsu, điều mà có thể mang đến cho bạn nguồn cảm hứng tràn đầy. Nhờ vào việc tựa nương nơi Thánh Cả Giuse, bạn sẽ tìm được sức mạnh để tiến bước.

“Mỗi chúng ta đều có thể khám phá ra nơi Thánh Giuse – một người ít được chú ý, hiện diện mỗi ngày âm thầm và kín đáo – một đấng chuyển cầu, một nguồn trợ lực và một sự soi sáng trong những thời điểm khó khăn. Mẫu gương của Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng những người đang sống trong âm thầm hoặc trong bóng tối cũng có thể đóng một vai trò không thể sánh ví trong lịch sử cứu độ.”Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Thú thật rằng, tôi chẳng mảy may nghi ngờ việc có vô số các thiên thần yêu mến và kính phục tề tựu đông đảo tại xưởng mộc nghèo nàn ở Nazarét, để ca khen sự khiêm hạ của Thánh Giuse, một con người đã dành cả cuộc đời để bảo hộ cho Con Thiên Chúa Chí Thánh, cũng như bằng chính cánh tay thợ mộc của mình, đã lao tác để nuôi sống Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những người được giao phó cho ngài coi sóc.”Thánh Phanxicô Salê.

“Đúng là những vị thánh khác có được uy quyền vĩ đại trên thiên quốc, thế nhưng họ chỉ cầu xin như những người tôi tớ, chứ không hề ra lệnh như người chủ nhà. Thánh Giuse, với uy quyền mà Chúa Giêsu đã quy phục nơi trần thế, đạt được điều ngài cầu mong trên thiên đàng từ chính Đấng là Nghĩa Tử vương đế của ngài.”Thánh Tôma Aquinô.

“Tôi có một lòng yêu mến sâu sắc dành cho Thánh Giuse vì ngài là con người của thinh lặng và sức mạnh. Trên bàn làm việc của mình, tôi có một bức tượng Thánh Giuse đang ngủ. Thậm chí ngay cả khi ngủ, thì thánh nhân cũng vẫn đang chăm sóc cho Hội Thánh.”Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Hãy để cho chính mình “thấm đượm” sự thinh lặng của Thánh Giuse! Trong một thế giới quá ồn ào, và chẳng có chút thiện ý nào cho việc chiêm niệm hoặc lắng nghe tiếng Chúa, chúng ta thật sự cần điều đó biết bao.”Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô XVI.

“Thánh Giuse được chọn giữa tất cả những người nam để trở nên người che chở và bảo hộ cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa; đồng thời làm người bảo vệ và nghĩa phụ của Hài Nhi Giêsu. Hơn nữa, thánh nhân còn là người cộng sự tốt nhất của Thiên Chúa trên trần gian, là người nắm giữ bí mật của Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc nhân loại.”Thánh Bênađô xứ Clair Vaux.

“Thánh Giuse đại diện cho một mẫu người bình thường mà Thiên Chúa có thể tin tưởng trao phó để làm những việc vĩ đại. Thánh nhân đã làm chính xác những gì Thiên Chúa muốn ngài làm trong từng biến cố đan dệt nên cuộc đời ngài.”Thánh Jose Maria Escriva.

“Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu rằng tựa như việc Ngài đã quy phục Thánh Giuse ở nơi trần thế - vì từ lúc mang tước hiệu là cha, làm người giám hộ, Thánh Giuse hoàn toàn có thể ra lệnh cho Con Trẻ - vậy nên, ở trên thiên đàng, Thiên Chúa sẽ thành toàn bất cứ lệnh truyền nào thánh nhân đưa ra.” Thánh Têrêsa Avila.

“Thánh Giuse là một người công chính, một người thợ cần cù, và là một đấng bảo hộ đích thực của tất cả những ai được trao phó cho sự coi sóc của ngài. Xin ngài luôn phù trợ, chở che và soi sáng các gia đình.”Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Quang Sáng chuyển ngữ từ aleteia.org (01.5.2021)
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 24.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn Mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 24.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

THỜI COVID: 'CON BÉ... NÓ THIỆT LÀ...'

THỜI COVID: 'CON BÉ... NÓ THIỆT LÀ...'

TGPSG -- Cứ nhớ những lời con nói là muốn khóc rồi: “Con bé… nó thiệt là...”

Nhìn con gái ướt đẫm mồ hôi với chiếc khăn vắt vai, ngồi chờ thân mình khô ráo, tôi hỏi:

- Siêng tập thể dục vậy bé?

Tôi gọi con gái mình là ‘bé’, cho dù bây giờ nó đã trên 30 tuổi rồi.

- Con phải siêng tập mẹ à…

- Okay, nhưng nhớ phải 'ăn nóng, uống nóng' đều đặn nhé. Mẹ chỉ có ‘hai đứa’ thôi, nhớ bảo ban nhau giữ sức khoẻ cẩn thận, nhất là thời Covid này...

- Dạ…

- Biết rằng sống hay chết không ai biết trước được, nhưng con cần khoẻ mạnh để không phải chết đơn độc bi thương vì Covid.

Nghe tôi dặn dò, ‘nó’ đứng lên khoác vai tôi cười và nói :

- Con cần sống khoẻ mạnh để thực hiện lời hứa, mẹ ơi! Mẹ biết con hứa gì không? Con dù sống hay chết cũng sẽ là người có ích cho ai đó, nên mẹ à, con đã làm giấy 'hiến tặng nội tạng' cho bệnh viện Đại học Y Dược lâu rồi. Nếu con chết đi không phải vì Covid, mẹ nhớ liên lạc bệnh viện giúp con nhé! Con xin lỗi mẹ đã không xin phép trước khi quyết định, vì biết chắc mẹ sẽ không chấp nhận…

Những lời con tôi nói thật là tốt đẹp, nhưng nghe xong, sao hai hàng nước mắt tôi cứ tuôn rơi, không chặn lại được! Tôi chỉ còn biết… ‘đánh trống lảng’:

- Thôi tắm rửa đi, sắp đến giờ Chầu Thánh Thể online rồi!

Đó là những gì tôi có thể giúp hai đứa con của mình đặt niềm cậy trông vào Chúa để sống vững tin hơn, để vượt qua nỗi sợ hãi hoang mang khi cả thế giới, nhất là Sài Gòn đang oằn mình khủng hoảng với chuỗi ngày lịch sử đau đớn này.

Trong giờ Chầu Thánh Thể trực tuyến, tôi chỉ biết nói với Chúa:

- Con tin rằng mọi sự xảy ra đều không thể chạy thoát ra khỏi kế hoạch của Chúa…

Tôi chỉ biết nói với Chúa thế thôi, ngoài ra chẳng còn cầm trí đọc hay hát thêm được lời kinh nào nữa. Cứ nhớ những lời con nói là muốn khóc rồi: “Con bé… nó thiệt là...”

Bích Liên (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSP) 

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 23.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 23.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 23.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2021


TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 21 tháng 11 năm 2021

THƯ MỤC VỤ
MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2021
 

 
1. Niềm hy vọng một thế giới bình an

Kính thưa quí cha, quí tu sĩ và anh chị em,

Hằng năm, cứ nghe đến Mùa Vọng và Giáng sinh là lòng chúng ta lại rạo rực phấn khởi. Giáng Sinh là mùa của ánh sáng, niềm vui và hy vọng. Từ hai năm qua, bóng đen Covid-19 đè nặng cuộc sống nhân loại. Đến nay bóng tối chưa qua hẳn, nhưng ánh sáng của bầu trời xanh đã lộ diện. Đã có lúc đại dịch phủ bóng sợ hãi lo buồn, nhưng “chúng ta đã giữ vững niềm hy vọng”. Cuộc sống đang dần dần ổn định.

Chúng ta đã kinh nghiệm thế nào là niềm hy vọng Kitô giáo. Với niềm tin tưởng phó thác, Dân Chúa đã liên lỉ cầu nguyện tha thiết. Tuy nhiên, chúng ta cầu nguyện không phải để Thiên Chúa làm thay chúng ta, nhưng để Ngài làm trong chúng ta và với chúng ta. Người Kitô hữu cầu nguyện không phải để khoán trắng cho Thiên Chúa, nhưng để Ngài ban tình yêu, sự khôn ngoan và sức mạnh giúp con người có khả năng biến đổi lịch sử. Thiên Chúa đã không làm phép lạ để đại dịch biến mất trong chốc lát, nhưng Ngài ban ơn trợ giúp để nhân loại tìm ra thuốc phòng ngừa, chữa trị các bệnh nhân, và chung tay liên đới giúp đỡ người nghèo khổ.

Như vậy lịch sử này là của con người, do con người kiến tạo, nhưng lịch sử ấy cũng là lịch sử cứu độ, vì “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14), Ngài hành động qua chúng ta để qui hướng lịch sử này tiến đến chung cuộc là “Vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua).

Bước sang năm mới 2022, không biết tương lai sẽ thế nào, nhưng chúng ta luôn hy vọng và tin vào tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong mầu nhiệm Giáng sinh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một… để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Hãy giữ vững niềm hy vọng để đừng sao nhãng việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở lại nhà thờ để gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích trong cộng đoàn Hội Thánh. Thánh lễ trực tuyến không thể thay thế việc tham dự trực tiếp. Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta đã có kinh nghiệm về sự đói khát thiêng liêng. Nay được tới nhà thờ, anh chị em hãy tham dự phụng vụ cách ý thức và sốt sắng hơn.

Hãy giữ vững niềm hy vọng để xây dựng cuộc sống xã hội cũng như gia đình trong hoàn cảnh bình thường mới. Chắc chắn tương lai sẽ còn muôn vàn gian nan thử thách, nhưng “Chúa ở cùng anh chị em”, để giúp anh chị em vượt qua khó khăn và sống trong bình an. Niềm hy vọng cũng thúc đẩy chúng ta tiếp tục thực hiện Mục vụ chăm sóc đối với những người nghèo khổ và các em mồ côi vì Covid-19, như tôi đã đề nghị trong Thư Mục vụ đề ngày 4/10/2021. 

2. Niềm hy vọng một Hội Thánh hiệp hành

Cùng với niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp, chúng ta cũng mong muốn canh tân đời sống Hội Thánh để tất cả mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào sứ vụ Phúc Âm hóa. Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng một hành trình hiệp hành của toàn thể Dân Chúa, mà cao điểm là Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI vào năm 2023 với chủ đề “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”.

“Hiệp hành” là cùng đi với nhau. “Hội Thánh hiệp hành” là toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, hiệp thông với nhau và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh. Con đường hiệp hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Hội Thánh với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo.

Tại Việt Nam, hành trình hiệp hành cấp giáo phận sẽ khai mạc với Thánh lễ Chúa nhật I Mùa Vọng do Giám mục giáo phận chủ sự, và kéo dài đến tháng 8/2022. Trong ngày khai mạc, tại các cộng đoàn, quí cha vẫn dâng lễ theo phụng vụ Mùa Vọng, hiệp thông với Thánh lễ khai mạc do Giám mục chủ sự bằng cách giới thiệu chủ đề của Thượng Hội Đồng ở đầu lễ và đọc Lời nguyện tín hữu theo mẫu soạn sẵn.

Trong thời gian sắp tới, sẽ có những buổi gặp gỡ để tất cả và từng thành phần Dân Chúa thực hiện cuộc hiệp hành, nghĩa là cùng nhau cầu nguyện, trao đổi, lắng nghe, và phân định dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhằm trả lời cho câu hỏi cốt yếu này: Chúng ta phải làm gì để xây dựng một Hội Thánh hiệp hành, nhờ đó Hội Thánh có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả trong hoàn cảnh hôm nay.

Tôi bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền làm “linh hoạt viên” để qui tụ “nhóm hiệp hành” triển khai tiến trình hiệp hành cấp giáo phận. Đây là một biến cố lớn trong đời sống Hội Thánh. Vì thế, tôi ước mong tất cả các linh mục, tu sĩ, giáo xứ, dòng tu, các ban mục vụ, các đoàn thể, các giới và mọi thành phần khác, tích cực tham gia đóng góp ý kiến.

Anh chị em thân mến,

Kết thúc Thư Mục vụ này, chúng ta hướng nhìn lên Thánh Giuse, Đấng gìn giữ Hội Thánh. Ngài luôn âm thầm nhưng hành động hiệu quả. Ngay cả trong Năm đặc biệt về Thánh Giuse, Ngài vẫn chỉ là vị thánh âm thầm lặng lẽ, không một dấu ấn bên ngoài. Năm kính Thánh Giuse sẽ kết thúc ngày 8 tháng 12, nhưng Ngài vẫn “hiệp hành” cùng Hội Thánh với “Trái tim của người cha”. Xin Ngài dẫn dắt chúng ta trên đường kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành.

Nhân dịp Giáng sinh, tôi kính chúc gia đình Tổng giáo phận luôn bình an, đầy tràn ân sủng và niềm vui của Chúa Giêsu Cứu Thế. Xin Ngài đến cư ngụ giữa chúng ta và cùng bước đi với chúng ta trong hành trình gian nan đau khổ vì đại dịch.

Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám mục
 
(WGPSG)

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

HỒ SƠ BỆNH NHÂN COVID

HỒ SƠ BỆNH NHÂN COVID

TGPSG -- Hồ sơ bệnh nhân online tự chế, chắc chắn là khác hẳn với những hồ sơ bệnh án của các bác sĩ.

“Dã chiến thôi mà! Không cầu kỳ! Thế nhưng lại có vẻ rất sáng tạo, rất chuyên nghiệp!” Đó là những nhận định của riêng tôi về một kế hoạch mà nhóm C20 chúng tôi đã thực hiện khi tham gia công tác tình nguyện ở bệnh viện Dã chiến Quận 7, số 1. Kế hoạch mang tên “HỒ SƠ BỆNH NHÂN”.

Sáng kiến được đưa ra bàn thảo trong một cuộc họp giữa các anh chị em Tu sĩ trong nhóm, nhằm tìm ra một phương pháp nào đó thật sự hữu hiệu để có thể tiếp cận và chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Và sau một hồi trao đổi đầy hào hứng, chúng tôi đã quyết định với cái kế hoạch có vẻ độc lạ ấy.

Nếu như ở bệnh viện, mỗi bệnh nhân đều có một hồ sơ bệnh án được sao lưu lại, để các bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe và kê đơn, chữa bệnh cho họ, thì đối với anh chị em Tu sĩ chúng tôi, một loại hồ sơ như thế cũng thật sự rất cần thiết. Loại hồ sơ “phi giấy tờ” này được tiến hành theo 2 giai đoạn: giai đoạn “truyền khẩu” ngay tại bệnh viện, và giai đoạn “thành văn” được thực hiện cách bài bản khi về nhà.

Với kế hoạch đó, sau mỗi ca trực, chúng tôi cũng có màn giao ca như các bác sĩ vậy. Nghe thật là oách, đúng không nào? Nhóm trước có điều gì còn dang dở, chưa làm kịp được và cần phải thực hiện ngay, thì dặn dò lại với các anh chị em nhóm sau làm tiếp. Nhìn chung, giờ giao ca rất nhộn nhịp, vui lắm, và rộn rã tiếng cười; mà cũng có lúc trầm hẳn với những câu chuyện của người mới ra đi. Đặc biệt hơn cả là “hồ sơ bệnh nhân”, đã lưu lại những gì cần lưu ý kỹ cho tất cả mọi người trong nhóm biết để tiếp tục công việc của nhóm trước.

Với “hồ sơ bệnh nhân” online tự chế, chắc chắn là nó khác hẳn với những hồ sơ bệnh án của các bác sĩ. Chúng tôi gom góp tất cả những thông tin có thể thu thập được từ việc chúng tôi chăm sóc, trò chuyện với bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân được lưu thông tin vào một sheet riêng trên phần mềm trang tính online. hoàn cảnh gia đình có bao nhiêu người, công việc ra sao, có điều gì cần chia sẻ; bệnh nhân đang cần những vật dụng gì; tình hình sức khỏe thế nào… Và tất nhiên những thông tin đó hoàn toàn được bảo mật, không tiết lộ ra khỏi Nhóm C20 được. Thông thường thì trang hồ sơ của chúng tôi có khoảng trên dưới 30 sheets cho độ chừng 30 bệnh nhân, và chủ yếu là các bệnh nhân không có người thân chăm sóc.

Sau khi trực về, bỏ qua cái mệt mỏi của công việc, chúng tôi chia sẻ các thông tin cho nhau trong nhóm nhỏ của mình, rồi đại diện của nhóm nhỏ sẽ gom góp, đưa thông tin lên trang hồ sơ. Thông tin chỉ cần ghi ngắn gọn, không cần lời văn cầu kỳ trau chuốt, nhưng cần dễ hiểu, dễ nắm bắt là được. Nhớ là phải ghi chú ngày tháng và nhóm làm việc, để có gì cần truy xuất thông tin cụ thể sẽ dễ dàng hơn. Đôi khi, cũng vì sợ quên những gì mà mình đã thu thập được, nên có khi chúng tôi phải chịu khó thức đến khuya để cập nhật thông tin liền, chứ không dám để đến sáng mai. Tuy vất vả thêm một chút, nhưng chúng tôi lại cảm thấy rất hứng thú với công việc này, bởi nó thật sự hữu ích cho chúng tôi và cả cho bệnh nhân.

Chỉ đơn giản thôi: “Hôm nay chị C. cảm thấy khó thở, mệt hơn nhiều, và cần cho chị uống nước nhiều hơn. Trong phiên trực cần để ý mask oxy của chị hay bị rơi ra khi ngủ quên. Nhóm 1, ngày 20/9.”. “Cô T. phòng 3 đã được chuyển lên phòng 1, thở máy nặng, nên khi cho cô ăn, cần có 2 người giúp. Nhóm 3, ngày 1/10”. “Bà H. ở phòng Hội trường muốn được cắt tóc và gội đầu trước khi bác sĩ cho xuất viện. Nhóm 1, ngày 2/10”. “Chú M. có vẻ mệt vì đường lên. Không nên để chú ăn một lần nhiều cơm quá và cần hỗ trợ thêm cho chú ít sữa dành cho người tiểu đường. Chú muốn được có người nhà vào chăm, ai có khả năng thì xin hỏi bác sĩ giúp chú. Nhóm 2, ngày 5/10”. “Cô Y. hôm nay đã khỏe hơn nhiều, cô hay đói bụng, nên để ý cho cô ăn dặm thêm cháo và uống sữa nhiều lần hơn. Tuy nhiên, chỉ cho ăn từ từ, nếu không thì cô sẽ bị sặc và ho. Nhóm 3, ngày 10/10.” … Vâng, hồ sơ bệnh nhân của chúng tôi đa dạng và phong phú thông tin hữu ích vậy đó.

Nhờ những thông tin chia sẻ cho nhau trên bảng thông tin chung như thế, chúng tôi không cần phải hỏi đi hỏi lại một bệnh nhân nào đó về cùng một câu hỏi, và bệnh nhân cũng không phải mệt mỏi khi đưa ra một câu trả lời cho người này đến người khác, mà chẳng đi đến đâu. Và cũng nhờ đó, những niềm vui, nỗi buồn của từng bệnh nhân đều được chia sẻ một cách thật tự nhiên mà không bị “hớ”. Hoặc những nhu cầu tinh thần cũng như vật chất của bệnh nhân đều được đáp ứng tùy theo khả năng riêng của mỗi người trong nhóm.

Thế đó, chỉ một sáng kiến hồ sơ bệnh nhân đơn giản thôi, nhưng nó lại mang rất nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ giúp cho công việc chăm sóc, tiếp cận bệnh nhân của chúng tôi được trở nên dễ dàng, nhưng nó còn là một dấu chỉ thể hiện những gì chúng tôi đã và đang làm không chỉ đơn thuần là một công việc tình nguyện tay chân, mà xuất phát từ một tấm lòng yêu thương chân thật, luôn ưu tư, mong muốn tất cả những gì tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Hơn nữa, hồ sơ bệnh nhân này còn là một trong những dấu chỉ cho thấy sự nối kết vô cùng bền chặt của mỗi thành viên trong nhóm C20 chúng tôi, và có lẽ cũng là điểm nổi bật mà chưa nhóm nào có.

Thánh Augustinô nói: “Cứ yêu đi, rồi sẽ làm được tất cả.” Vâng, tình yêu luôn có sáng kiến và tình yêu làm được tất cả. Tôi yêu C20, và tôi yêu cái “Hồ sơ bệnh nhân” làm sao!

Nt AMDG, Hội Dòng MTG Huế (TGPSG)
(WGPSG)