Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 25.11.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 25.11.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

THÁNG CÁC LINH HỒN: NHỚ VỀ MẸ…

THÁNG CÁC LINH HỒN: NHỚ VỀ MẸ…

TGPSG -- Tôi không sao quên được những kí ức về mẹ. Những ký ức thân thương ấy khắc sâu trong trái tim tôi từng ngày, từng tháng, từng năm…

Vào một buổi sáng tháng 11, bên Công giáo chúng tôi gọi là Tháng các Linh hồn, tôi đang ngồi ở phòng học cùng với mấy anh em, thì nhận được tin nhắn của đứa em. Em gửi cho tôi mấy tấm hình về ngôi mộ của mẹ vì tôi đi học ở xa không được đi thăm mộ mẹ.

Lúc ấy trong tôi òa lên một cảm xúc không thể diễn tả được. Dường như mắt tôi đầy tràn ngấn lệ nhưng tôi đã cố gắng ngăn không cho nó chảy ra. Tôi lặng lẽ rời khỏi phòng học để bước vào nhà nguyện. Một mình tôi với Chúa, giây phút ấy, không gian ấy thật yên bình biết bao, tôi lặng người ngẫm về khoảng thời gian mà mẹ tôi đang còn sống.

Mẹ tôi ư? mẹ tốt lắm, tần tảo từng ngày, nắng cũng như mưa. Mặt trời chưa ló, mẹ đã rời khỏi căn nhà với chiếc xe máy khá cũ cho đến tối mịt mới thấy bóng dáng mẹ trong ngôi nhà nhỏ.

Nếu không gian là môi trường chứa đựng vạn vật thì thời gian là môi trường chứa đựng sự thay đổi của muôn loài. Một đóa hoa từ lúc nở đến lúc úa tàn cần một khoảng thời gian nào đó tùy loại. Một đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc ra đi cũng cần một khoảng thời gian nào đó. Như vậy sự thay đổi của vạn vật trôi trên dòng thời gian lịch sử.

Thánh Vịnh 90 nói đến cái mau qua của thời gian: 
 
Ngàn năm Chúa kể là gì
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!


hoặc:
Đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.


Nhìn lại quá khứ, cuộc đời mẹ tôi đa phần là sống trong khốn khó. Năm mẹ 42 tuổi, cái tuổi đang phải mưu sinh lo lắng cho 5 anh em tôi học hành thì mẹ vướng phải căn bệnh ung thư. Lúc ấy, tôi là một đứa trẻ, chỉ nghĩ rằng bệnh rồi sẽ khỏi thôi. Nhưng không… căn bệnh đã dày vò mẹ tôi suốt 6 tháng trời.

Tôi vẫn nhớ khi hóa trị lần đầu, mẹ nói với tôi “Con chụp cho mẹ cái ảnh khi mẹ đang còn tóc, lỡ tiêm về không có tóc nữa mẹ tiếc lắm!”. Nghe câu nói ấy, tôi đã cố kìm lại nước mắt, gượng cười nói với mẹ: “Mẹ thay đồ đi rồi con chụp cho, nhưng mà mẹ yên tâm đi, tóc mẹ không có rụng được đâu”. Rồi tôi chụp cho mẹ mấy tấm. Mẹ xem và dường như tôi thấy được những giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt gầy gò ấy.

Rồi thời gian trôi qua, tôi đã chứng kiến những cơn đau hành hạ mẹ, có lúc phải cần đến máy trợ thở. Lần thứ ba đưa mẹ vào bệnh viện để hóa trị, tôi nghe bố tôi bảo: “Bác sĩ nói mẹ không còn đủ sức để hóa trị nữa.” Bố quyết định đưa mẹ về nhà. Thời gian này mẹ tôi yếu dần và tôi cảm nhận được ngày mẹ xa anh em chúng tôi đã đến gần.

Trong tuần áp ngày mẹ tôi mất, anh em họ hàng lần lượt ghé thăm. Đây chắc là khoảng thời gian mẹ cảm nhận được rõ nhất tình cảm mà mọi người dành cho mẹ.

Tôi còn nhớ, buổi sáng hôm ấy (03.03.2020), tôi vào chào mẹ để đi học. Nhưng thật lạ, mẹ không nói gì với tôi, mà còn ngoảnh mặt vào phía trong. Tại sao mẹ không muốn nhìn tôi? Tôi nghĩ chắc do mẹ mệt nên không hỏi han thêm.

Đến 8g20, lúc tôi đang ngồi học ở trên trường, thì nhận được điện thoại của bố. Một giọng nói nghẹn ngào cất lên “Mẹ con mất rồi!” Tôi bần thần và không dám tin vào lời nói ấy. Thật sao? Mẹ tôi mất rồi sao? Từ giây phút ấy tôi đã mất mẹ.

Nỗi mất mẹ khiến tôi đau buồn khôn xiết. Tôi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng… Nhiều lúc tôi đã thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao Chúa không nghe tiếng chúng con kêu cầu? Sao Chúa không cho mẹ con khỏi bệnh? Sao Chúa lại đưa mẹ con đi sớm thế, trong khi đứa em nhỏ nhất của con mới hơn tuổi rưỡi mà nó có biết được mẹ nó mất đâu? Nó đã cảm nhận đủ tình thương của mẹ dành cho nó đâu? Cả con nữa, con cũng muốn mẹ được khoảng thời gian an nhàn khi con trưởng thành. Con muốn, con muốn…”

Rồi thời gian cứ thế trôi, bây giờ cũng được hơn một năm từ ngày mẹ tôi mất. Nhiều lúc tôi có cảm giác là mẹ đang sống trong căn nhà nhỏ bé của tôi; Mẹ chẳng đi đâu cả, vẫn ở nhà đợi tôi về mỗi dịp nghỉ phép.

Nhưng hiện tại điều ấy chỉ là mơ ước viễn vông… Mỗi lần nghĩ đến mẹ, nhớ về mẹ là nước mắt tôi cứ thế lăn ra và nỗi đau ấp ủ ngày đêm lại tái diễn. Tôi không sao quên được những kí ức về mẹ. Những ký ức thân thương ấy khắc sâu trong trái tim tôi từng ngày, từng tháng, từng năm…

Cầm quyển sách kinh lên, tôi lật đại một trang và đọc: “Hạnh phúc của tôi là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời.”

Câu Thánh Vịnh ngẫu nhiên ấy đã khiến tâm hồn tôi được ủi an. Đúng thế, Chúa đã gọi mẹ về với Chúa, về nơi mà mẹ sẽ không bị những cơn đau hành hạ nữa…

Suốt cuộc đời mẹ đã tin tưởng vào Chúa, giờ cuối đời mẹ cũng đã phó thác mọi sự trong vòng tay yêu thương của Chúa. Giờ đây, con tin chắc rằng mẹ đang hưởng hạnh phúc bên Chúa. Mẹ hãy dõi theo chúng con, mẹ nhé! Nhớ mẹ nhiều lắm!

Nguyễn Viết Quang, MF (TGPSG)
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 25.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 36: TIẾNG CHUÔNG


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 25.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Năm, ngày 25.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 24.11.2021


Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 24.11.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 24.11.2021
 

THỜI COVID - DẤU CHÂN MIỀN “PHÚC”

THỜI COVID - DẤU CHÂN MIỀN “PHÚC”

TGPSG -- Nơi đây, tâm hồn của chúng tôi và các bệnh nhân đã được bắt nhịp, kết nối với nhau một cách huyền diệu đến lạ lùng.

Như thường lệ, chiếc “phi cơ” mang biển số N.92 ‘cất cánh’ lúc 13g45 đưa nhóm thiện nguyện chúng tôi đến Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 nằm tại Bệnh viện Ung bướu Cơ sở 2. Chiếc “phi cơ” đây thực ra chỉ là một chiếc xe đang bon bon chở chúng tôi 'bay đi' trong nắng. Cái nắng của Sài Gòn hoà với màu đỏ rực của chiếc xe như muốn làm chúng tôi - những “cây kem màu xanh” tan chảy giữa khối lửa mặt trời nóng bức. Chỉ một chút xíu nữa thôi, chúng tôi sẽ “giấu mình” trong bộ đồ PPE cấp 4 và chiếc khẩu trang N95 kín mít đi đi lại lại phục vụ các bệnh nhân trong phòng bệnh.

Cảm nhận ban đầu thật không mấy dễ chịu, nhưng rồi cũng quen dần với hình ảnh đại diện khá mới mẻ và “ngộ nghĩnh” của bản thân và các bạn đồng hành. Có người hài hước gọi chúng tôi là những con “chim cánh cụt” di chuyển “quèn quẹt” trên sàn nhà. Còn tôi nhớ đến hình ảnh “cậu Baymax” trong bộ phim nổi tiếng “Big Hero” đang thầm nói với các bệnh nhân rằng: “Hello. I am Baymax, your personal healthcare companion” ("Xin chào. Tôi là Baymax, người bạn đồng hành chăm sóc sức khỏe cá nhân của bạn”).

Mặc dù qua lớp áo bảo hộ và tấm kính chắn, nhưng tôi tin rằng các bệnh nhân luôn cảm nhận được sự ân cần, quan tâm, sẻ chia của từng người chúng tôi theo “gương Chúa Giêsu” qua sự hiện diện, qua đôi bàn tay trao ban, qua sự rung nhịp không mệt mỏi của trái tim. Bởi vì một hạt cát nhỏ thì không thể cản lối những đợt sóng “yêu thương” đang tuôn chảy trào tràn mãi cho đến khi chạm được bến bờ hạnh phúc. Bất giác, tôi chợt mỉm cười và để mình được tự do bơi lội trong dòng suy nghĩ nhuốm màu hân hoan dấn thân ấy.

Vũ khí thiêng liêng

Khi đã thắt dây an toàn trên chiếc xe “phi cơ” nóng bỏng - tựa như cô gái Saigon lúc dịch bệnh chưa ập tới, tôi nghe thấy tiếng khoá cặp kêu lên “rèn rẹt” một cách đồng đều. Không ai bảo ai, chúng tôi ai nấy cầm trên tay tràng chuỗi Mân Côi và nối dài nguồn “lương thực thần thiêng” từ Thánh lễ lúc 5g15 sáng, trước khi đến với các bệnh nhân đang cần chúng tôi giúp đỡ.

Mặc dù mỗi người một ghế, mỗi người một Hội Dòng, mỗi người một địa phương, một vùng văn hoá riêng, nhưng chúng tôi đều chung một tâm tình, một ý hướng là cầu nguyện cho các bệnh nhân, cho các y bác sĩ, điều dưỡng, các thiện nguyện viên, trong đó có mỗi người chúng tôi.

Phải chăng đó là một “nhân đức thiêng liêng” đã được tập quen và rèn luyện qua dòng thời gian hay là “vũ khí lợi hại” để chiến đấu trong mùa tai ương này? Tôi thiết nghĩ, đây là “Tràng chuỗi Mân Côi” đẹp nhất, lóng lánh nhất, dài nhất và bền chặt nhất dâng lên Chúa. Vì chính Người đã nói: “Ở đâu có hai, ba người họp lại vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,19-20).

Con đường hạnh phúc

Bỗng nhiên, cuộn phim “Bài Giảng Trên Núi” mà Thánh Mátthêu đã quay lại một cách rõ nét trong tập 5-7 kéo về ào ạt trong trí tưởng và tâm mến của tôi một cách sống động. Xưa Chúa Giêsu đã ban “Các Mối Phúc” cho dân mới của Người tựa như cánh cổng mở lối vào Nước Trời, thì nay, lời mời gọi “Phúc thay ai…” ấy tiếp tục đánh động, khơi gợi, cuốn hút và lôi kéo chúng tôi ướm những đôi chân nhỏ bé của mình vào đôi chân to lớn của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại và trong sứ vụ đặc biệt trên “xa lộ Phúc”. Nói như Đức Thánh Cha Phanxicô thì đó là “con đường hạnh phúc”, con đường của sự kiên nhẫn, tinh thần nghèo khó, sự phục vụ tha nhân và an ủi họ.

Là những tu sĩ theo chân Chúa Giêsu, chúng tôi- những con người nhỏ bé và giới hạn đang từng ngày tiếp tục nối dài hành trình của Người và khắc ghi dấu chân của mình trên nẻo đường tiến về “miền Phúc”.

Những tâm hồn được nối kết

Bước vào phòng bệnh, những ánh mắt và gương mặt ánh lên vẻ vui mừng đang nhìn chúng tôi cách trìu mến. Những âm thanh thân thương quen thuộc thường ngày “lấy giùm chú cái này… thay giúp cô bộ đồ… vỗ giúp ông cái lưng… Sơ mới vào trực a?... Thầy ăn tối chưa?... Phải ăn nhiều vào nhé để có sức khoẻ…” như một bản nhạc được hoà điệu với đủ đầy những cung giọng trầm bổng, nam nữ, già trẻ.

Và một khi bản nhạc ấy vang lên thì sẽ được đáp lại một cách ấm áp chân thành, làm át đi cái thực tại không mấy tích cực là bệnh vẫn còn đó, làm ngăn lại những giọt nước mắt đang cố giấu đi nơi khoé mắt vì những hoàn cảnh éo le, mất mát.

Nơi đây, tâm hồn của chúng tôi và các bệnh nhân đã được bắt nhịp, kết nối với nhau một cách huyền diệu đến lạ lùng. Đó là cùng chung một chiến tuyến, chung một mục tiêu chiến đấu, vật lộn để giành lại sự sống.

Tình phụ tử

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh “thất thần”, “rầu rĩ” của một bệnh nhân khoa tôi, nhất định không chịu xuất viện vì muốn chờ ba của chú đang nằm ở khoa ICU. Mắt chú rưng rưng lệ, chỉ trực chờ khóc thật to như một đứa trẻ, mặc dù tuổi chú có lẽ trạc ngoài ngũ tuần. Chú không biết hiện trạng của ba chú ra sao, chú sợ ba chú không qua khỏi và chú không được gặp ba lần cuối.

Tôi an ủi, khích lệ chú và đi thăm ba chú theo lời hứa. Ông đang nằm, mắt nhắm nghiền, khò khè qua ống thở. Tôi chào ông:

- Ông ơi, con trai của ông đang ở trên khoa con, chú nói chú chờ ông khỏi bệnh rồi đón ông cùng về.

Ông nhìn tôi cách khó nhọc, hai mắt chảy dài hai dòng lệ. Tôi xúc động lấy khăn giấy lau nước mắt cho ông. Tay ông run run, lấy ở trong túi áo của mình ra một mảnh giấy nhỏ có ghi tên và số điện thoại của con ông. Ông bảo:

- Sơ gọi điện hỏi xem khi nào về để tôi còn chuẩn bị.

- Ông cất giấy đi, không cần phải gọi điện thoại, xíu con sẽ chạy lên khoa và nhắn lại cho chú!

Nước mắt ông lại chảy dài... Nơi khoé mắt ông, vết chân chim đã hằn sâu dường như chỉ để chứa được nhiều nước mắt hơn trong giờ phút này mà không làm nó rơi xuống chiếc gối đầu ông nằm. Tôi nói chuyện, hỏi han, khích lệ ông, nhìn ông nhắm mắt lại cách bình an rồi tôi mới cất bước rời khỏi phòng. Khi tôi rời đi được mấy bước, ông lại cố ngóc đầu dậy và nói lớn:

- Nhớ hỏi khi nào về để tôi còn chuẩn bị!

Tất các các y bác sĩ, các tình nguyện viên trực lúc đó đều quay sang nhìn ông, nhìn tôi và dường như họ cũng nhìn vào chính cuộc đời. Sự sống mỏng dòn đang cố đu dây trên tình cha con thấm đẫm nhung nhớ, lắng lo nhưng cũng không thiếu niềm hy vọng.

Những ngày đầu khi được chuyển xuống đây, tinh thần ông vô cùng hoảng loạn, lo âu. Ông sợ phải xa con trai ông, ông sợ không được nhìn thấy con trai ông nữa và ông suy sụp tinh thần ghê gớm lắm. Ông không ăn hoặc chỉ ăn rất ít như chính cái hy vọng mong manh đang tụt dần trong lòng ông. Miệng ông luôn lẩm bẩm: “Con tôi đâu, gọi nó cho tôi…”. Tay trái ông lúc nào cũng khư khư giữ mảnh giấy nhỏ bên trong túi áo như sợ bị ai lấy mất. Thì ra, ông đang cất giấu một bí mật to lớn. Ông đang giữ tinh thần, giữ niềm hy vọng nhỏ nhoi và có lẽ cũng là giữ chính sự sống của ông, mặc dù đó chỉ là mảnh giấy nhỏ được xé vội vàng lem nhem với mấy con số cùng chữ viết. Mọi người nói “Từ hôm xuống đây, giờ mới thấy ông vui thế!”. Ông vui bởi vì ông đã gặp được điều ông mong chờ.

Quay lại khoa 9B, tôi gặp chú để chuyển lời của ông và báo tin bình an, khuôn mặt chú tươi lên rõ rệt, ánh mắt chú như sáng hơn, long lanh hơn giữa màn đêm đang dần kéo xuống. Tôi cảm nhận được hình ảnh gia đình chú vui mừng đoàn viên đang hiện lên trong ánh mắt ấy, trong cả suy nghĩ và trong nụ cười dường như lâu lắm rồi mới được khởi động lại. Cầu chúc chú, ba chú và gia đình chú khoẻ mạnh, sớm được đoàn tụ trong niềm vui, hạnh phúc.

Tiễn một “người thân”

Tôi cũng không bao giờ có thể quên được sự ưu ái đặc biệt mà Chúa đã dành tặng cho tôi trong ngày 02.11- ngày đầu tiên trong tháng cầu nguyện cho các Linh hồn. Khi ca trực của tôi kết thúc, tôi định ra phòng đệm thay đồ rồi trở về nhà. Nhưng dường như có một điều gì đó thôi thúc trong tim và mời gọi tôi nán lại thêm chút nữa. Theo tiếng mời gọi thầm lặng bên trong, tôi đi một vòng quanh khoa để thăm bệnh nhân và để khám phá xem sự lôi kéo ấy là gì. Thì ra một chú mới qua đời, đang được các bác sĩ và thiện nguyện viên giúp chú hoàn thành các thao tác cuối cùng. Tôi cùng với mấy Thầy, mấy Sơ họp lại quanh chú, đọc kinh và cầu nguyện cho chú. Rồi để cám ơn chú đã nhớ đến tôi và gọi tôi đến bên chú, tôi và hai bạn điều dưỡng đưa chú xuống “nhà chờ” của bệnh viện. Trên đường đi, hai bạn hỏi tôi:

- Sơ quen chú này hả?

- Trước đây không quen, nhưng khi chú ở trong bệnh viện thì mình quen, và cho đến giờ phút này thì mình là người thân của Chú!

- Thế Sơ không sợ à?

- Thường thì mình rất sợ ma, sợ thấy người chết, nhưng từ khi vào làm trong bệnh viện, mình không còn thấy sợ nữa. Họ cũng là con người mà, chỉ là giờ họ đã bước sang một cõi sống mới.

Hai bạn ngạc nhiên nhìn tôi khi chúng tôi cùng ở trong thang máy. Dường như nó chật hẹp hơn thường ngày, có lẽ là vì sự trương nở của “tình thân”, của tình yêu, của tình người đang dào dạt trào tràn nơi đây. Sau ít phút thinh lặng, hai bạn lại hỏi tôi:

- Sơ đi tiễn chú để cầu nguyện à?

Tôi mỉm cười:

- Đúng rồi, mình thay mặt người thân hiện diện bên chú để đưa chú đến nơi tạm an nghỉ rồi đọc kinh cầu nguyện cho Chú. Mong sao chú sớm được hưởng phúc bên các bậc tiền bối đã ra đi trước chú!

Rồi chúng tôi không ai nói gì với nhau nữa, lặng lẽ cùng đẩy xe và cùng bước đi với chú. Mặc dù chỉ một đoạn đường ngắn ngủi, nhưng chúng tôi không còn là ba người bốn suy nghĩ nữa, mà cùng theo đuổi những viễn ảnh mới về một tương lai tốt đẹp, nơi đó tràn ngập màu tươi sáng của ánh bình minh, của những tia nắng ấm, của những tiếng cười và sự hội ngộ, không còn thương đau, không còn chia ly tang tóc.

Sau khi chúng tôi đặt chú vào ngăn ướp lạnh, hai bạn điều dưỡng rời đi trước, còn tôi ở lại thêm một lát để cầu nguyện cho chú và các linh hồn đang nằm nơi đây. Tôi chợt nhận thấy phận người thật mong manh hơn bao giờ hết. Nay khoẻ, mai yếu, mốt ra đi! Cuộc sống tạm bợ nơi trần thế là vậy, không ai có thể tránh khỏi quy luật thường hằng “sinh-lão-bệnh-tử”, nhưng không phải là để đi vào coi hư vô rồi tan biến, mà là để bước vào một sự sống mới vĩnh cửu đời đời không bao giờ hư nát, không bao giờ tàn phai.

Phúc thay ai biết xót thương…

Rời khỏi “nhà chờ” của bệnh viện, bước đi một mình giữa màn đêm đã phủ khắp không gian, tôi nhận ra “sợi dây tình thân” trong tôi như dài hơn, dày hơn và dẻo dai hơn. Mảnh trời trong tim tôi cũng bỗng mở rộng đến lạ thường. Ngước mắt lên trời tôi thầm tạ ơn Chúa đã đưa đường dẫn lối và đã dùng tôi như khí cụ nhỏ bé trong tay Ngài, để đến giờ phút này, đời sống tôi ánh lên một màu ý nghĩa diệu huyền.

Nhớ đến người Samaritanô nhân hậu khi xưa (Lc 10,25-37), thay vì hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” thì ông đã vội vàng xuống khỏi lưng lừa, băng bó những vết thương và đưa người bị nạn đến nơi ở an toàn với một trái tim rộng mở. Gương của ông thật cụ thể và sống động. Ông đã không quy chiếu về mình nhưng hoàn toàn đặt trọng tâm đời mình vào người khác. Hình ảnh của ông không những chứa đựng giá trị tinh tuý của Tin Mừng mà còn lột tả cách rõ nét dung mạo yêu thương của Chúa Giêsu. Từ trái tim hằng rung lên giai điệu yêu thương ấy, Ngài đã cho đi trọn vẹn, trao dâng mọi sự ngay cả mạng sống của mình và đã khơi nguồn sự sống mới cho toàn thể nhân loại. Cũng chính từ “gốc tình” này, nhóm thiện nguyện chúng tôi tiếp tục nẩy mầm và trổ sinh hoa trái, trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Chúa qua những công việc phục vụ bệnh nhân Covid- 19. Vì Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Nt Têrêsa Nguyễn Thị Phượng,
 Dòng Đaminh Bắc Ninh (TGPSG)
(WGPSG)