Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

CHÚT TÂM TÌNH THIỆN NGUYỆN DỊP TẾT

CHÚT TÂM TÌNH THIỆN NGUYỆN DỊP TẾT

TGPSG -- Háo hức mong chờ đi thiện nguyện mùa Covid đã lâu mà chưa được do vướng mắc sứ vụ học hành, nay ước mong ấy mới trở thành hiện thực trong dịp nghỉ Tết này. Chuyến thiện nguyện đầu tiên nhưng lại rơi vào đúng thời điểm cuối năm sắp Tết cũng làm cho tâm hồn tôi dậy nhiều cảm xúc.

1. Bắt đầu bằng một lời mời gọi: Trong năm, Covid hoành hành mọi nơi và không trừ một đối tượng nào, gây xốn xang đời sống và sinh hoạt của biết bao người. Với tâm thế của một người môn đệ đang học bước theo Chúa, tôi cũng được Chúa thúc giục để trải lòng cảm thông với những người đang vất vả vật vã nhất bên ngoài bức tường học viện nhà tu. Một lời mời gọi hướng ra tới những anh chị em đang cần được trợ giúp nhất đã nhen nhóm trong tôi.

2. Nhìn vào lòng mình: Cuối năm sắp nghỉ Tết, tạm gác công việc học hành trường lớp, tôi nhìn nhận biết bao ơn lành mình đã nhận được trong năm qua, cách riêng là trong cơn đại dịch. Từ ơn chung trong cộng đoàn cho tới ơn riêng cá nhân dưới sự nâng đỡ của biết bao bàn tay trợ giúp của tha nhân và ân thân nhân, hữu hình cũng như vô hình, tôi không thể kể hết. Lòng tôi rộn lên hai tiếng “tri ân” và muốn “trao ban” chút bé nhỏ của bản thân.

3. Tâm tưởng bé gặp nhau: Tôi lại được diễm phúc gặp gỡ các tình nguyện viên khác là các anh chị em tu sỹ khác cũng đang cháy lửa mến và tạm gọi “hy sinh” không về Tết để ở lại đi “phục vụ”. Mỗi người đem theo một nỗi niềm riêng, một hoàn cảnh riêng nhưng chắc hẳn sẽ có điểm hội tụ, chí ít là một lời mời gọi và một nỗi nhớ nhà dịp Tết sau một năm chưa về, có người có thể lâu hơn nữa.

4. Lửa bé gặp lửa lớn: Mỗi người chúng tôi có chút nhen nhúm để đi như vậy, nhưng tôi nhận thấy ngọn lửa bé nhỏ của mình lại được những ngọn lửa “lớn” hơn rất nhiều chiếu soi và “chiếm đoạt”. Đó là những ngọn lửa đang cháy bừng bừng nơi các y bác sĩ và nhân viên y tế.

5. Họ đang chiếu soi để tôi thấy được những góc tối vị kỉ của mình. Họ đang thi hành sứ mạng đem lại sự sống cho con người. Còn tôi thì đôi khi vẫn còn có những tư tưởng, lời nói, hành động không đem lại sự sống cho người khác, có khi còn “vội vàng vơ vét về vui vẻ” cho riêng mình. Ánh sáng của Chúa nơi công việc và sứ mạng của các ý bác sĩ và nhân viên y tế soi sáng tâm hồn tôi để tôi tiếp tục nhận ra và hoán cải hơn trên hành trình theo Chúa.

6. Họ đã “chiếm đoạt” tôi. Qua hỏi thăm trò chuyện với họ, tôi thấy rất nhiều người trong họ đang nặng gánh với công việc này. Có thể là do sức ép áp lực quá lớn trong đợt đỉnh điểm của dịch vừa qua, hoặc mức lương không xứng đáng, rồi phải lo lắng cho gia đình… và còn nhiều lý do khác nữa. Nhưng giờ họ vẫn còn làm việc ở đây và hết sức tận tình với các bệnh nhân Covid, đặc biệt nhiều người trong số họ còn không được nghỉ Tết để quy tụ gia đình vì đang phục vụ bệnh nhân. Sự nhiệt tâm cho sứ mạng cứu người của họ đã “chiếm đoạt” tôi. Tôi cũng tự vấn mình sứ mạng cứu vớt các linh hồn mà mình đang được mời gọi bước theo Chúa.

7. Chấp nhận sự yếu đuối của bản thân: Đó là cú “ngã ngựa” của tôi trong ngày đi làm đầu tiên. Vừa mặc bộ trang phục bảo hộ, tôi thấy mình như chìm vào trong một thế giới khác, thế giới của nóng lực và khó thở so với thế giới thoải mái bên ngoài bộ đồ. Chưa đi hết một vòng giới thiệu quy trình làm việc, tôi đã cảm thấy mình thở hổn hển. Cố chịu tí nữa để khẳng định sức khỏe của mình. Tôi không còn thở được nữa. Tôi chạy nhanh ra ngoài. Một cú choáng suýt “xỉu” ngoài sân. May thay, tôi được một sơ dõi theo sau và quan sát. Tôi kịp cởi bộ “áo giáp” và thoát “xỉu” vì đã thở được khi tháo khẩu trang. Vậy đấy! Tưởng mạnh nhưng yếu. Tôi chấp nhận sự yếu đuối của mình. Quả là “phục sát đất” các y bác sĩ và nhân viên y tế khi họ đã đeo cái bộ áo giáp “khó chịu” ấy trong suốt những tháng ngày qua. Có hôm đỉnh điểm họ đeo từ 7g sáng tới 1g đêm.

8. Bài học về sự biết ơn nền tảng: Qua kinh nghiệm này, tôi thấy mình chưa biết ơn Chúa và biết ơn đời cho đủ. Điều giản đơn nhất là sự trân trọng từng hơi thở mà tôi được trao tặng mỗi giây phút, mỗi ngày khi thức giấc. Sống được bài học này suốt đời và trong mọi lúc có lẽ là bí quyết để được hạnh phúc nhất rồi, hạnh phúc trong từng phút giây được trao ban.

9. Kinh nghiệm về sự sống: Hơi thở cũng là sự sống đối với các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân ở khoa Hồi Sức ICU. Cận kề với sự sống ở đây là cái chết. Nó có thể xảy đến rất nhanh với các bệnh nhân khi họ không thở được nữa. Cảnh một loạt các bệnh nhân trong khoa này thở bằng ống nội khí quản cách hôn mê bất tỉnh càng làm tôi xác tín hơn về tầm quan trọng của sự sống và hơi thở mà mình được tiếp nhận từng phút giây. Ta luôn có đủ lý do để ngợi khen Đấng Tạo Hóa trong mọi hoàn cảnh là vậy.

10. Bất lực: Đứng trước sự ra đi của các bệnh nhân khoa ICU, tôi thấy mình bất lực, không làm được gì trước mối đe dọa của cái chết đang rình chờ các bệnh nhân, và có khi cả tôi và bất cứ ai vào một lúc không ngờ. Nỗi khắc khoải về cái chết vẫn luôn tiềm tàng trong ta và đưa dẫn ta về sự sống trong từng phút giây được trao ban.

11. Hoán đổi: Tới đây, tôi thấy được một sự hoán đổi nhẹ nhàng trong mình. Trước khi đi là tâm thế của một người muốn “cho đi”, đi “phục vụ”, nhưng mới được mấy hôm, tôi đã thấy mình mang đang mang tâm thế của một kẻ “nhận lãnh”, được “học hỏi”, được Chúa rút tỉa, được soi sáng để tiếp tục hoán cải và hướng tha nhiều hơn.

12. Tạm kết: Thời khắc của năm cũ cũng sắp qua, năm mới sắp đến. Thời gian trần thế thì vẫn luôn vần xoay mà thời gian của Chúa thì luôn vĩnh cữu. Nhưng dịp Tết này cũng là cơ hội để tôi ý thức thời gian ấy, về những gì tôi được trao ban trong từng phút giây. Ước mong sự thức tỉnh ấy làm tôi luôn hướng lòng về Đấng Trao Ban để tạ ơn, để ngợi khen, để đền bù muôn vàn những lúc tôi đã lãng quên ân huệ hồng ân chan chứa.

Kính chúc mọi người một năm mới bình an và hạnh phúc!

Văn Toàn, SJ (TGPSG)
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU MỒNG 3 TẾT NHÂM DẦN 2022. THÁNH HOÁ CÔNG ĂN VIỆC LÀM.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 03.02.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 02.02.2022


Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU MỒNG 2 TẾT NHÂM DẦN 2022. Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh. Lễ Kính.

Bắt đầu lúc 20g30 Thứ Tư, ngày 02.02.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

CÚI ĐẦU KÍNH CẨN CHÀO EM LẦN CUỐI: LINH MỤC GIUSE TRẦN NGỌC THANH, O.P. BƯỚC VÀO CUỘC XUẤT HÀNH CÙNG CHÚA GIÊSU CHỊU TỬ NẠN

Hình từ: hddmvn.net

CÚI ĐẦU KÍNH CẨN CHÀO EM LẦN CUỐI: 
LINH MỤC GIUSE TRẦN NGỌC THANH, O.P. 
BƯỚC VÀO CUỘC XUẤT HÀNH 
CÙNG CHÚA GIÊSU CHỊU TỬ NẠN

BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Đêm giao thừa Tân Sửu-Nhâm Dần 2022


WHĐ (02-02-2022) - Vào một ngày cuối năm Tân Sửu 2022, lúc đất trời chuyển mình đón Chúa Xuân, tôi bàng hoàng đọc tin trên Youtube: Một linh mục bị chém chết khi đang ngồi tòa giải tội, trước lúc dâng thánh lễ chiều thứ bảy. Nhìn gương mặt thân quen trẻ trung, hiền lành của linh mục (LM) Giuse Trần Ngọc Thanh, dòng Đa Minh, người học trò thương mến của tôi, trên trang cáo phó, tôi không tin được dù đó là sự thật. Xin phép gọi LM Ngọc Thanh bằng tiếng EM thân thương mà tôi vẫn gọi Em khi còn ở thế gian ni.

Em đã bị kẻ ác tàn độc chém vào đầu hai nhát chí mạng trong lúc đang thi hành sứ vụ linh mục cao cả, ban ơn tha thứ của Chúa cho các tội nhân. Nhìn hình ảnh máu lai láng quanh đầu Em, thân xác bất động, nước mắt tôi cứ rơi. Có lẽ trong đời, chưa bao giờ tôi lại khóc như vậy vào những ngày giao thừa, ngày của lễ hội, sum họp và niềm vui. Hình ảnh hiền lành và thông minh của em lúc đi học năm thần IV, Em luôn ngồi đầu bàn, hiện rõ trong trí tôi.

Nhiều trang mạng đưa tin nghi vấn uẩn khúc về cái chết tức tưởi của LM Giuse Ngọc Thanh. Tôi không bàn về chuyện ấy, vì việc ở ngoài tầm tay của tôi. Tôi chỉ nói lên một thoáng suy tư về cuộc ra đi lần cuối của Em, một linh mục trẻ đầy nhiệt huyết, tự nguyện xin đến phục vụ những người nghèo, những người bị gạt bên lề xã hội trên vùng đất gần biên giới Tây nguyên. Cuộc đời dâng hiến của em còn nhiều ước mơ, kế hoạch dang dở. Được biết mới là linh mục của Chúa bốn năm, lên vùng Tây nguyên, Em đã hoàn thành bản dịch bộ Phụng vụ Thánh lễ (chuẩn bị xin phép Bề Trên xuất bản) sang tiếng dân tộc để giáo dân tại đây tham dự thánh lễ sốt sắng hơn. Bằng con mắt đức tin, nhiều người nhìn cái chết đau thương của LM Giuse như thánh giá Chúa gửi đến. Thật đúng thôi. Và khi LM Ngọc Thanh đón nhận thánh giá đời mình trong sự hiệp thông với Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, Thánh giá của Em mang lại ơn ích phần rỗi linh hồn cho chính Em và cho tha nhân.

Nhưng, cũng trong ánh sáng Tin Mừng, tôi nhìn thấy cuộc ra đi trở về với Chúa của Em là một cuộc XUẤT HÀNH, như Tin Mừng Luca tường thuật cuộc hiển dung của Chúa Giêsu, dung nhan Ngài tỏa sáng khi cầu nguyện; Ngài đàm đạo với ngôn sứ Êlia và Môsê về cuộc xuất hành sắp hoàn thành tại Giêrusalem, tức cuộc thương khó của Ngài. Cuộc thương khó này không được nhìn như biến cố bi thảm của sự chết, nhưng được nhìn như một cuộc Xuất Hành (x. Lc 9, 28-36). Đó là cuộc Xuất Hành của người Do Thái ra khỏi đất nô lệ Ai Cập để đi về Miền Đất mà Thiên Chúa hứa ban cho Dân Ngài.[1] Chúa Giêsu đi vào cuộc thương khó, chấp nhận đau khổ và cái chết, thế nhưng đó là Ngài thực hiện cuộc Xuất Hành cho chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi miền đất của nô lệ tội lỗi, để tiến vào Miền Đất Hứa của Sự Sống. Đây là cuộc Xuất Hành đầy niềm Tin Yêu và Hy Vọng.

Tôi tin rằng LM Giuse Trần Ngọc Thanh khi đang thi hành bí tích Hòa giải cho các giáo dân, dung nhan Em cũng tỏa sáng, vì lúc ấy Chúa Giêsu đang hiện diện trong Em để tha tội cho hối nhân. Em đã đi vào cuộc Xuất Hành cùng với Chúa Giêsu để dẫn Dân Chúa vào Miền Đất Hứa của sự sống đời đời. Xin cúi mình kính cẩn chào Em. Giờ đây Em thanh thản hát vang:

“Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp
Tôi đã chạy hết chặng đường
Tôi đã giữ vững đức tin
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2Tm 4, 7-8a)


Vâng, Em đã ra đi về Thiên đàng để lãnh triều thiên của người công chính. Em đã trở nên một động lực nên Thánh cho tôi, cô giáo hèn mọn của Em, và cho nhiều anh em, bạn hữu, giáo dân nghèo của em còn đang chiến đấu trên đường lữ thứ trần gian. Xin cùng Em và Mẹ Maria cất tiếng thưa với Chúa: FIAT! MAGNIFICAT!

[1] Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, “Kinh Thánh 100 tuần”, Tuần 99 
 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 02.02.2022


Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

MÙA XUÂN THIỆN NGUYỆN

MÙA XUÂN THIỆN NGUYỆN

TGPSG -- Chị em chúng tôi đã lên đường đi đến bệnh viện để ở lại và chia sẻ mùa Xuân với những anh chị em đang phải quằn quại đau đớn vì mang trong mình con virút Corona.

Tết dân tộc là thời gian cho những người con xa nhà được trở về bên mái ấm gia đình, bên người thân yêu để sẻ chia nỗi niềm và chung vui trong những ngày đầu năm mới. Đó là những phút giây thật ý nghĩa, cảm động và ấm lòng.

Chúng tôi những tu sĩ, cũng có một mái ấm, cũng có những người thân yêu, cứ dịp Tết đến Xuân về, lòng chúng tôi lại rộn ràng để chuẩn bị cho chuyến đi thăm gia đình và người thân.

Tuy nhiên, năm nay với lời mời gọi yêu thương của mẹ Hội dòng, chị em chúng tôi ở lại chia sẻ niềm vui năm mới cùng chị em trong Hội dòng.

Và không chỉ dừng lại ở niềm vui cá nhân hay niềm vui riêng của cộng đoàn, chị em chúng tôi đã lên đường đi đến bệnh viện để ở lại và chia sẻ mùa Xuân với những anh chị em đang phải quằn quại đau đớn vì mang trong mình con virút Corona.

Đối với tôi, mùa Xuân năm nay mang bao cảm xúc, có vui, có buồn, có cả những lúc lòng thắt lại khi nhìn thấy ông bà, cô bác anh chị đau đớn trên giường bệnh. Nỗi buồn Tết xa nhà của tôi sánh sao được với hoàn cảnh đáng thương của các bệnh nhân covid; họ buồn và đau đớn vì căn bệnh hoành hành, buồn vì không có gia đình bên cạnh ủi an những lúc khó khăn này, buồn vì cô đơn, tủi thân, buồn vì không biết mình có cơ hội để trở về bên gia đình không. Chính vì thế, điều họ cần hơn hết bây giờ là tình yêu, sự sẻ chia và đỡ nâng tinh thần.

Chúng tôi, những tu sĩ thiện nguyện tạm gác qua một bên những nỗi nhớ xa nhà để đến với các bệnh nhân Covid, với mong ước được chia sẻ một chút những điều mà họ đã, đang và sẽ phải trải qua.

Công việc của chúng tôi không quá khó khăn, chỉ đơn giản là giúp các hộ lý vệ sinh cho bệnh nhân, thay drap giường, giúp bệnh nhân ăn uống và thăm hỏi sức khỏe. Nhưng đúng là không có phương thuốc nào tốt hơn cho bằng tinh thần khỏe. Tôi thấy rõ được niềm vui trong ánh mắt của các bệnh nhân khi chúng tôi tiếp xúc và giúp đỡ họ. Tôi cảm nhận thấy rằng đôi khi niềm vui và hạnh phúc giữa người với người không chỉ qua những câu nói ngọt ngào mà qua chính hành động và sự ân cần, bởi chỉ có trái tim mới chạm được vào trái tim.

Thực sự mà nói, ngày đầu tiên bước chân vào trong những căn phòng bệnh của bệnh viện, tôi cảm thấy ngộp với quá nhiều máy móc, với đủ mọi tiếng “tít, tít, tít…” và nhất là những tiếng kêu đau đớn của bệnh nhân. Các bệnh nhân - già có, trẻ có, người gầy có, người quá cỡ cũng nhiều và cả những người xăm trổ đầy mình - mỗi người mỗi khác, mỗi người một điều kiện, một gia cảnh, người thành phố, người dân quê, nhưng khi vào đây thì ai cũng như ai. Ai cũng chỉ có vỏn vẹn một tấm drap giường, một chiếc gối, một chiếc khăn đắp, và chỉ hơn nhau ở chỗ trên người lắp đặt nhiều dây, nhiều ống hơn! Quả thật, cuộc sống cứ trôi qua nhưng không ai lường trước được điều gì sẽ đến với mình.

Tôi nhận thấy, không chỉ chị em chúng tôi, mà từ các bác sĩ đến những anh chị điều dưỡng, các hộ lý… đều rất tận tình quan tâm chăm sóc, hỏi han và ân cần cung cấp thuốc thang cho các bệnh nhân. Một phần vì cuộc sống mưu sinh, nhưng phần lớn chính là tình yêu thương muốn chia sẻ cho các bệnh nhân, nên cho dù những ngày Tết dân tộc đang cận kề, cho dù cũng có gia đình và người thân, họ vẫn miệt mài hết mình với công việc chăm sóc bệnh nhân. Chúng tôi được biết các nhân viên ở đây làm tăng ca để có chút thời gian về bên gia đình trong dịp đầu Xuân. Chỉ thoáng nghe những điều này thôi cũng làm lòng tôi thổn thức.

Khi động viên trò chuyện với bệnh nhân, có một chú lên tiếng “không cần về Tết sơ ơi, tôi chỉ cần được về nhà thôi”. Câu nói này này làm lòng tôi nhói đau. Tôi đau không vì họ phải xa nhà trong dịp Tết, nhưng tôi đau vì nghĩ rằng việc trở lại gia đình của các cô chú ở đây là rất khó, bởi nhiều phần thân thể của họ đã gần như chết rồi. Tôi không dám để cho những giọt nước mắt chảy ra, vì như thế sẽ không tốt khi các cô chú nhìn thấy. Từng ngày, từng ngày, chúng tôi luôn cố gắng để giúp họ nuôi hy vọng dù chỉ là một chút.

“Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, đem trông cậy vào nơi thất vọng, tìm an ủi hơn được ủi an, tìm yêu mến hơn được mến yêu, vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh…”. Tạ ơn Chúa, nhìn lại mới thấy, không về Tết không phải là rủi mà lại là một cơ hội thật tuyệt vời cho chị em chúng tôi được thực sự chạm đến vị Thầy Giêsu sống động nơi chính những anh chị em bệnh nhân.

Ngỡ rằng khi đến với họ, chúng tôi sẽ trao gửi cho họ điều gì đó, nhưng không, chính chúng tôi là những người nhận lãnh lại nhiều điều hơn bao giờ hết. Chúng tôi nhận lại được niềm hạnh phúc khi thấy họ vui. Chúng tôi học được sự chịu thương chịu khó, sự cho đi nơi các nhân viên y tế, học được sự can đảm chịu đựng những đớn đau và vượt lên chính mình nơi nhiều bệnh nhân.

Mọi mệt mỏi trong công việc như tan biến khi chúng tôi nhìn thấy những nụ cười tươi, những tiếng nói rộn ràng của các bệnh nhân, bởi những nụ cười và niềm vui đó cho chúng tôi một niềm tin rằng họ vẫn ổn và hy vọng họ có cơ hội được rời nơi này về với gia đình.

Cô phó khoa khu điều trị đặc biệt Covid có chia sẻ với chúng tôi trước khi nhận ca “Bệnh viện thật may mắn khi có các tu sĩ đến đây trợ giúp, các thầy các sơ làm tốt lắm, các bệnh nhân lên tinh thần rất nhiều, điều này rất quý, bởi họ không có ai bên cạnh những lúc đau đớn. Cảm ơn các sơ và các thầy nhiều”. Không hãnh diện vì những câu nói đó, nhưng một lần nữa, chúng tôi cảm thấy được nhắc nhở mình có sứ mạng đem niềm vui Tin Mừng đến với anh em, như Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”.

Ước chi chính những hy sinh nhỏ bé của chúng tôi trong mùa xuân này đem lại chút niềm vui và hy vọng cho những người chúng tôi gặp gỡ, đặc biệt là các bệnh nhân chúng tôi trực tiếp chăm sóc.

Nhóm 7 Sắc Cầu Vòng (TGPSG)
Bệnh viện Chợ Rẫy 
(WGPSG) 

ĂN TẾT TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN


ĂN TẾT TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

TGPSG -- “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,19)

Kỳ nghỉ Tết năm nay, chúng tôi được nhà Dòng và Tòa Giám Mục trao cho cơ hội phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm covid trong các bệnh viện dã chiến.

Khi biết tôi đăng ký đi tình nguyện, có người đã hỏi tôi: “Nay bệnh nhân đã giảm nhiều rồi, sao thầy không về ăn Tết với gia đình có phải hay hơn không?” Đúng vậy, vào dịp Tết ai cũng muốn được ở bên gia đình và tôi cũng vậy. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những người bệnh đang phải điều trị cách ly tại bệnh viện dã chiến, cho dù chỉ còn lại rất ít các bệnh nhân, tôi vẫn muốn ở lại và ăn Tết cùng với họ. Bởi vì, tôi hy vọng rằng sự hiện diện của chúng tôi có thể bù đắp lại được phần nào nỗi cô đơn và thiếu vắng người thân của các bệnh nhân trong những ngày Tết.

Quả thế, Giáo Hội luôn sống tinh thần hiệp hành và không ai bỏ lại phía sau, cho dù ở các bệnh viện dã chiến chỉ còn lại một số người. Cho dù cả xã hội dường như đã vượt qua được sự tàn phá khủng khiếp của cơn đại dịch, nhưng còn rất nhiều người trong đó những người già, những người neo đơn đang rất cần được sự quan tâm và chăm sóc.

Trong những ngày Tết này, mọi người đều có thể về ăn Tết với gia đình, tuy nhiên tại các bệnh viện dã chiến, các bệnh nhân chưa được chữa lành vẫn phải ở lại tiếp tục điều trị. Các bệnh nhân bị nhiễm Covid 19 là những người đang rất cần đến sự quan tâm của gia đình vào lúc này. Gia đình chính là điểm tựa tinh thần và là liều thuốc tốt nhất trợ giúp họ về mặt tinh thần vượt qua cơn bệnh nguy hiểm này. Trong hoàn cảnh cách ly vì dịch bệnh, vợ chồng, con cái hay cháu chắt chẳng thể ở bên để chăm sóc họ được. Mỗi khi có cơ hội để nói chuyện với các bệnh nhân, tôi được lắng nghe những nỗi niềm khao khát của họ mong được trở về với gia đình trong những ngày Tết.

Quả thế, khi vào tới khu cách ly, tôi luôn cảm nhận có một sự tách biệt giữa khu cách ly với thế giới bên ngoài. Ở trong khu cách ly, người bệnh nào cũng trở thành người neo đơn vì họ không có người thân ở bên cạnh. Họ chỉ nhận được sự chăm sóc của các bác sĩ, nhân viên y tế và những tình nguyện viên như chúng tôi.

Cuộc sống trong khu cách ly khác xa với cuộc sống hằng ngày. Thay vì lắng nghe những âm thanh của cuộc sống ồn ào, người bệnh suốt ngày chỉ nghe thấy tiếng pip của máy đo nhịp tim và các thiết bị y tế… Ngoài giờ thăm bệnh của các bác sĩ và nhân viên y tế, người bệnh ít được nói chuyện với ai khác. Vì thế, những nỗi lo lắng, hoang mang và sợ hãi dễ dàng bao trùm tâm trí của họ, đến nỗi sự bi quan về bệnh tật khiến họ không thể ăn uống hay ngủ nghỉ được. Có nhiều lúc, họ đã cảm thấy mình mình đã bị bỏ lại phía sau, cô đơn và tuyệt vọng. Lúc này họ cần lắm những người có thể nâng đỡ họ về tinh thần.

Quả thế, trong cơn đại dịch Covid19, con người ta không chỉ chiến đấu với con vi-rút Corona mà họ còn phải chiến đấu với cám dỗ bỏ cuộc và buông xuôi. Chỉ những ai có được những ý chí và tinh thần mạnh mẽ mới có thể dễ dàng vượt qua cơn nguy tử. Chỉ có ai thực sự có khao khát được sống và nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời, họ mới dễ vượt qua được sự hủy diệt của nỗi cô đơn và chán chường.

Khi được chăm sóc phục vụ các bệnh nhân nằm trên giường bệnh, tôi nhận ra sự sống của con người thật mong manh nhưng cũng thật quý giá. Ở đâu đó, ngang qua các câu chuyện hay trong những ánh mắt không nói nên lời, tôi nhận thấy các bệnh nhân luôn khao khát được sống. Đối với họ, sự sống bây giờ quả thực là một món quà vô cùng quý giá. Một số người tôi gặp đã nói rằng “Con cầu xin Trời Phật, Thiên Chúa cho con được khỏi bệnh để trở về ăn Tết với gia đình."

Quả vậy, Thiên Chúa trao tặng sự sống cho con người và món quà đó giờ đây thật quá đỗi quý giá đối với các bệnh nhân covid. Cho dù người bệnh đang tỏ ra thất vọng và chán chường, Chúa vẫn luôn hiện diện với họ. Ngay cả khi họ phải mang vác lấy một thân xác đầy bất lực trên giường bệnh, Chúa vẫn có mặt ở đó trong thân xác mòng dòn và yếu đuối của chính họ. Đứng bên cạnh giường bệnh, tôi tiếp tục cầu xin Chúa ơn chữa lành thay cho các bệnh nhân. Hiệp với lời cầu nguyện xin ơn chữa lành của toàn Giáo Hội, tôi tin rằng Chúa đã lắng nghe và ban nhiều ơn chữa lành phần hồn và phần xác cho tất cả các bệnh nhân, cho các bác sĩ và nhân viên y tế đang phục vụ các bệnh nhân.

Các phép lạ vẫn luôn xảy ra tại hai khoa hồi sức tích cực ICU 1 và ICU2 của bệnh viện số 16. Mỗi ngày tôi đều được nhìn thấy sự thay đổi tích cực cả về sức khỏe thể lý lẫn tinh thần của các bệnh nhân mà tôi được tiếp xúc. Đó là điều kỳ diệu đối với tôi, bởi vì tôi đã thực sự cảm nghiệm Chúa chữa lành cho họ từng ngày. Có những ca bệnh lầu đầu tôi tiếp xúc xem ra có vẻ rất tồi tệ, họ không thể ăn uống. Nhưng qua ngày hôm sau, tôi thấy họ có thể ăn được chút chút. Rồi qua ngày hôm sau nữa, tôi thấy họ ăn được nhiều hơn và ngủ ngon hơn. Rồi qua ngày hôm sau nữa, tôi thấy họ được đổi qua phòng bệnh nhẹ hơn và không còn phải thở oxy. Thật là vui khi chứng kiến những người bệnh khỏe lên mỗi ngày. Đến lúc này tôi đã được chào tạm biệt một vài các bệnh nhân được xuất viện. Có lẽ từ nay, cuộc sống của họ sẽ chuyển từ nỗi lo lắng sợ hãi và thất vọng sang niềm hy vọng và biết ơn.

Tạ ơn Chúa đã cho tôi tham gia đợt tình nguyện này để tôi nhận ra nhiều người cần đang cần đến sự quan tâm và chăm sóc. Tạ ơn Chúa vì Ngài luôn hiện diện và đang chữa lành cho tất cả các bệnh nhân. Tạ ơn Chúa vì những người tôi gặp gỡ và tiếp xúc có thêm được niềm tin và hy vọng. Xin Chúa tiếp tục đồng hành với các y bác sĩ và các nhân viên y tế để giúp các bệnh nhân chiến thắng được cơn dịch bệnh này. Xin Chúa Mùa Xuân tiếp tục ban nhiều ơn lành cho tất cả mọi người.

Bệnh viện Dã chiến 16
Giuse Nguyễn Văn Đức SJ. (TGPSG)
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 01.02.2022