Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 05.3.2022 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

MƯỜI CÁCH GIÚP CHÚNG TA THỰC HÀNH ĂN CHAY

 MƯỜI CÁCH GIÚP CHÚNG TA THỰC HÀNH ĂN CHAY

Tác giả: Linh mục Ed Broom, OMV

WHĐ (4.3.2022) - Chúa Giêsu nói: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc. 13: 3). Trong lần rao giảng đầu tiên về sứ vụ Công khai của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ăn năn thống hối: “Hãy sám hối vì Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc. 1:15). Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô là Giáo hội rộng lòng ban cho chúng ta một mùa ân sủng, với mục đích là giúp chúng ta hoán cải hằng năm. Đó là 40 ngày Mùa Chay.

Môisê đã ăn chay bốn mươi ngày trên Núi và Chúa Giêsu đã ăn chay bốn mươi ngày trong sa mạc. Giáo Hội khuyến khích chúng ta trong Mùa Chay hãy đào sâu đời sống nội tâm và nài xin sự hoán cải nơi tâm hồn.

Sự hoán cải này có thể trở thành hiện thực bằng cách thực hiện ba việc làm truyền thống: cầu nguyện, bố thí và ăn chay. (Mt. 6, 1-18) Trong lời cầu nguyện, chúng ta nâng tâm trí mình lên với Thiên Chúa; trong sự bố thí, chúng ta bước ra ngoài để gặp gỡ và giúp đỡ những nhu cầu của anh chị em đang đau khổ; trong việc ăn chay, chúng ta đào sâu tâm hồn mình và cầu xin Chúa ban cho ân sủng để chúng ta từ bỏ sự quyến luyến của chúng ta với tội lỗi!

Trong trường hợp này, đâu là những cách thức cụ thể giúp chúng ta thực hành việc ăn chay? Một lưu ý quan trọng như sau: ăn chay không phải là một chế độ ăn kiêng đơn thuần, với mong muốn đơn giản là giảm thêm vài cân. Đúng hơn, mục đích của việc ăn chay là làm đẹp lòng Thiên Chúa, hoán cải tâm hồn chúng ta cũng như cầu xin cho sự hoán cải của người khác. Nói cách khác, ăn chay phải có một mục đích tốt lành hướng về tha nhân hoặc hướng về Thiên Chúa.

Mười cách giúp chúng ta thực hành ăn chay

1. Ăn ít lại và rước Mình Thánh Chúa nhiều hơn.

Bằng cách thực hành này, chúng ta đặt tầm quan trọng lớn hơn vào đời sống thiêng liêng và sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta. Chúa Giêsu phán: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6: 27 — Diễn từ về Bánh Hằng Sống)

2. Làm chủ miệng lưỡi của bạn.

Thánh Giacôbê nói, "Chúng ta nên nói chậm và lắng nghe nhiều hơn." Hãy đọc thư của thánh Giacôbê chương ba[1] — một trong những lời giáo huấn tuyệt vời nhất trên thế giới để cố gắng làm chủ miệng lưỡi của chúng ta!

3. Khoảnh khắc anh hùng.

Người sáng lập Tổ chức Opus Dei đã đặt ra cụm từ, "Khoảnh khắc anh hùng". Bằng cách này thánh Jose Maria khẳng định rằng ngay khi nghe thấy tiếng chuông đồng hồ báo thức, chúng ta nên bước ra khỏi giường, cầu nguyện và bắt đầu một ngày mới. Quỷ lười biếng khuyến khích chúng ta nhấn nút hoãn báo thức! Tôi không tin nút hoãn báo thức tồn tại trong từ vựng và thực hành của các thánh. Bạn nghĩ sao?

4. Kiểm soát những đôi mắt lang thang.

Đôi mắt là tấm gương phản chiếu tâm hồn. Vua Đavid thánh thiện đã sa ngã phạm tội và tiếp tục phạm tội nặng hơn trong việc giết người, tất cả chỉ vì một lý do đơn giản là ông để cho đôi mắt của mình đi lang thang mà không kiểm soát. Đôi mắt của nhà vua đảo qua và nhìn chằm chằm vào một người phụ nữ đã kết hôn - bà Bathsheba. Những suy nghĩ tà dâm dẫn đến phạm tội ngoại tình về thể xác, đến việc che dấu tội lỗi của mình và cuối cùng là đến việc phạm tội giết người vô tội - chồng của Bathsheba (II Samuen 11-12). Chúng ta hãy cố gắng sống theo Mối Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt. 5, 8)

5. Đúng giờ.

Chúa Giêsu nói, “Ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ trung tín trong những việc lớn hơn.” (Mt. 25:23) Đúng giờ là một biểu hiện của sự trật tự, tôn trọng người khác, và là một phương thức để hoàn thành nhiệm vụ đúng lúc và tốt nhất.

6. Lắng nghe tha nhân.

Thật là quá dễ dàng để ngắt lời người khác khi họ nói và cố gắng áp đặt ý tưởng của chúng ta ngay cả trước khi người đó hoàn thành ý tưởng của mình. Bác ái, nghĩa là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, dạy chúng ta tôn trọng người khác và để họ nói mà không bị ngắt lời và không bị áp đặt bởi ý tưởng của chúng ta.

Lắng nghe tha nhân cũng là một hành động khiêm tốn — đặt tha nhân trước chính mình! Hãy học cùng Chúa Giêsu, vì Người hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt. 11: 28-30 — Chúa Giêsu mô tả trái tim Ngài hiền lành và khiêm nhường…)

7. Hãy biết ơn thay vì than phiền.

Đừng bao giờ cho phép một ngày trôi qua mà bạn không tạ ơn Chúa. Chúng ta hãy không ngừng cảm tạ Chúa. Hơn nữa, chúng ta nên tạo thói quen thường xuyên cám ơn người khác. “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Thánh vịnh 118, 1).

8. Hãy mỉm cười, ngay cả khi bạn muốn.

Đây quả thực có thể là một sự thống hối tuyệt vời — mỉm cười với ai đó ngay cả khi bạn đang mệt mỏi, đang mang trong mình cơn đau đầu hoặc cảm lạnh. Đây là nhân đức anh hùng. Một nụ cười là một điều gì đó nhỏ bé, nhưng nó rất dễ lan tỏa. Thật vậy, một nụ cười chân thành có thể kéo những ai nhìn thấy nó ra khỏi tình trạng đau khổ, phiền muộn để đến với sự an ủi. Một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là nụ cười vui mừng rạng rỡ trên khuôn mặt. “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại lần nữa: hãy vui luôn trong Chúa”. (Philípphê 4,4)

9. Cầu nguyện, ngay cả khi bạn không thích.

Đáng tiếc thay, nhiều người trong chúng ta chỉ đơn thuần đặt nền tảng đời sống thiêng liêng của mình trên những xúc cảm phù vân, nhất thời và chóng qua như sương mai tan vào trong nắng sớm. Mẫu gương hoàn hảo nhất của chúng ta dĩ nhiên là hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của chúng ta cầu nguyện trong vườn Ghếtsêmani (Lc 22, 39-46). Khi Chúa Giêsu đang trải qua cơn thống khổ và lo buồn đến mức đổ mồ hôi máu, thì Ngài không thực sự cảm thấy muốn cầu nguyện. Thế nhưng, trong tình trạng đó Chúa Giêsu lại càng cầu nguyện sốt sắng hơn.

Do đó, chúng ta hãy thực hành ăn chay và sám hối trong cuộc sống của chúng ta, hãy lên thời gian và địa điểm cụ thể để cầu nguyện và cầu nguyện ngay cả những lúc chúng ta cảm thấy không thích. Đây là hành động sám hối và tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa! Đây là một dấu chỉ của sự trưởng thành thực sự trong đức tin!

10. Yên ủi.

“Banaba” thực sự có nghĩa là “Đứa con của sự yên ủi” (Công vụ Tông đồ 4,36). Chúng ta hãy ra khỏi lớp vỏ tự cao tự đại của mình, tập trung nhiều hơn vào Thiên Chúa và nhìn thấy Chúa Giêsu trong tha nhân — giống như mẫu gương của Người Samaritanô nhân hậu. (Lc. 10). Chúng ta hãy học hỏi để trở thành một Simon thành Cyrênê và giúp đỡ những anh chị em của chúng ta, những người đang mang trên mình sức nặng của một cây thập giá lớn. Chúng ta hãy làm giảm sức nặng của thập giá bằng những lời nói khích lệ, những cử chỉ động viên và bằng một trái tim tràn đầy tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Hãy nhớ Khuôn vàng thước ngọc này: “Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn.” (Mt 7,12) Trong cơn bão tố khốc liệt của trận chiến giữa trần gian, một lời động viên thực sự có thể là một luồng gió mạnh mẽ nơi những cánh buồm!

Hãy sốt sắng đọc qua mười gợi ý về cách ăn chay này — cách thức từ bỏ chính mình — và chọn ít nhất một hoặc hai cách mà bạn có thể bắt đầu thực hành ngay lúc này. Nguyện xin Đức Mẹ Maria, Đấng Chỉ Bảo Đàng Lành an ủi chúng ta từ bỏ chính mình và nói “xin vâng” với tình yêu của Thiên Chúa bằng cách phục vụ anh chị em của chúng ta với tấm lòng quảng đại! (Lc 1, 38 — Lời “Xin vâng” của Đức Maria đối với Thiên Chúa).

Văn Quyết chuyển ngữ

[1] Gc 3: 1 Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn. 2 Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã.

Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. 3 Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. 4 Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè : dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. 5 Cái lưỡi cũng vậy : nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao ! 6 Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy. 7 Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. 8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được : nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. 9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. 10 Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được. 11 Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao ? 12 Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô-liu, hoặc cây nho sinh trái vả ? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt.

13 Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết ? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng : những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. 14 Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. 15 Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ. 16 Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. 17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. 18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính. 
 
(WGPSG)

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 60: LÀ DUYÊN HAY LÀ CỚ


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 05.3.2022


Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU SAU LỄ TRO 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 04.3.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA, THỨ SÁU SAU LỄ TRO 2022, 04.3.2022

Bắt đầu lúc 15g00 Thứ Sáu, ngày 04.3.2022 
tại nhà thờ Huyện Sỹ
 

ĐỨC THÁNH CHA HỖ TRỢ NGƯỜI TỊ NẠN UCRAINA

ĐỨC THÁNH CHA HỖ TRỢ NGƯỜI TỊ NẠN UCRAINA

Hôm thứ Tư 02/3, qua Sở Từ thiện, tại Vương cung thánh đường Thánh Sofia ở Roma, Đức Thánh Cha đã trao quà hỗ trợ cho những người tị nạn Ucraina trong bối cảnh chiến tranh tại Ucraina.

Vương cung thánh đường Sofia là nơi gặp gỡ của cộng đoàn người Ucraina. Họ cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ và đón nhận sự trợ giúp về những nhu cầu thiết yếu.

Quà hỗ trợ của ĐTC cho người tị nạn Ucraina

Tại đây, vào sáng thứ Tư, Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh sở từ thiện của Đức Thánh Cha, đã mang đến sự giúp đỡ và gần gũi của Đức Thánh Cha cho cộng đoàn người Ucraina, là những người trong những ngày gần đây đã xin hỗ trợ dụng cụ y tế. Đợt trợ giúp đầu tiên của Đức Thánh Cha gồm có ống tiêm, miếng dán, chất khử trùng và nhiều thứ khác. Lần trợ giúp tiếp theo sẽ là các loại thuốc.

Quà hỗ trợ của ĐTC cho người tị nạn Ucraina

Đức Hồng y Krajewski giải thích: “Trong vài ngày tới, một dấu hiệu thân ái sẽ đến Lviv, thành phố gần biên giới với Ba Lan nhất. Vatican sẵn sàng giúp đỡ những ai cần hỗ trợ. Chúng tôi không nhìn vào quốc tịch nhưng quan tâm đến người đang gặp khó khăn”.

Quà hỗ trợ của ĐTC cho người tị nạn Ucraina

Trong khi đó, nhiều tài xế xe tải người Ucraina đã chuẩn bị xe để chở hàng cứu trợ cho đồng bào đau khổ. Nhưng việc hỗ trợ từ thiện không dừng lại ở đó: các sứ thần tại những vùng khó khăn nhất cũng nhận được số tiền dành để hỗ trợ những thực tế khó khăn. Viện trợ gần đây nhất được gửi đến sứ thần ở Romani, đang trợ giúp những người tị nạn Ucraina được tổ chức trong các cấu trúc khác nhau của mạng lưới Giáo hội. Một sự đồng hành, được Đức Thánh Cha tái khẳng định hôm thứ Tư tại buổi tiếp kiến chung, là cần thiết để xây dựng hòa bình trong tâm hồn.

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 04.3.2022


Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 03.3.2022

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 03.3.2022 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

KHI NHÀ THỜ LÀ NƠI ẨN TRÚ TRONG CHIẾN TRANH


KHI NHÀ THỜ LÀ NƠI ẨN TRÚ TRONG CHIẾN TRANH

Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

WHĐ (01.3.2022)
- Đối với bất kỳ tôn giáo nào, nhà thờ hoặc đền thờ luôn là nơi thánh thiêng. Ở đó, tín hữu có thể lắng đọng tâm hồn bên Đấng Tối Cao để nguyện cầu, thờ lạy. Nơi nhà thờ Công giáo, chúng ta tin có Thiên Chúa hiện diện. Hơn nữa Ngài vẫn hằng chờ mong tín hữu đến trò chuyện với Ngài trong mọi lúc. Chắc hẳn Thiên Chúa không muốn cánh cửa nhà thờ đóng kín, nhất là những thời khắc con người cần ẩn trú để tránh những làn đạn, bom mìn. Vì Giáo hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống của con mình, nên nhất là trong chiến tranh người dân cần được giúp đỡ; và họ cũng tin rằng Thiên Chúa sẽ phù trì, che chở cho họ, người thân và dân tộc của họ.

Trong khi chiến sự tại Ukraina chưa có dấu hiệu xuống thang, cả thế giới vẫn đang tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraina. Về phía Giáo hội Công giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang làm mọi thứ có thể để giúp chấm dứt xung đột[1]. Trước dòng người tỵ nạn và hàng triệu người đang có nguy cơ rơi vào cảnh chạy loạn, Đức Giáo Hoàng tiếp tục kêu gọi các giáo phận ở các nước cứu trợ nhân đạo. Theo lời kêu gọi khẩn cấp này, chúng ta đang thấy nhà thờ ở các giáo phận tại Ukraina đang là nơi ẩn lánh tương đối an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, các giáo phận tại vài nước láng giềng cũng đang nhanh chóng lên kế hoạch để cứu trợ nhân đạo trong những ngày tới.

Mỗi khi nhìn về Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường ví: “Giáo hội như là một bệnh viện dã chiến bên chiến trường”[2], đón nhận những người đau khổ và cần được giúp đỡ (x. Cv 5,12-16). Theo Đức Thánh Cha, nhà thờ hoặc Giáo hội là nơi tràn đầy Chúa Thánh Thần. “Giáo hội có thể xoa dịu chữa lành, một sự giao tiếp về sức khỏe, tuôn trào sự dịu dàng của Đấng Phục sinh đang cúi mình trước bệnh tật và phục hồi sự sống, ơn cứu độ và phẩm giá. Theo cách này, Thiên Chúa biểu lộ sự gần gũi của Người và làm cho những vết thương của con cái Người trở thành nơi chốn của thần học về sự dịu dàng của Người”[3]. Hơn nữa, sự dịu dàng, lòng thương xót này của Thiên Chúa nơi nhà thờ, Giáo hội lại càng cần thiết và sinh động hơn trong thời khắc chiến tranh.

Để hiểu rõ nội dung của một bệnh viện dã chiến này, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng cho thấy đó là một Giáo hội chào đón những người vô gia cư, nghiện ngập, những người tỵ nạn, những dân tộc bản địa, những người già đang ngày càng bị cô lập và bỏ rơi, và nhiều thành phần khác. Đó là một Giáo hội không biên giới, một Giáo hội coi mình là mẹ cho mọi người. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng khuyến khích tất cả các nước hãy quảng đại mở cửa trợ giúp những ai cần đến[4]! Dĩ nhiên điều này lại càng khẩn thiết cho các Giáo hội thời chiến.

Với tinh thần trên, chúng ta thấy nhiều nhà thờ đã mở cửa để đón người dân trú nạn. Các giáo xứ biên giới với Ukraina là Balan, Romania, Hungary và Slovakia cũng đang nỗ lực có nhiều sáng kiến để đón tiếp người dân. Sau một ngày chiến sự xảy ra (25/2/2022), Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina, để bày tỏ sự gần gũi, ủng hộ và lời cầu nguyện của ngài cho Ukraina. Trong đó Đức Tổng Giám mục cũng nói với Đức Thánh Cha rằng: “Thay vì đi họp với các Đức Giám Mục ở xung quanh Địa Trung Hải, con quyết định ở lại giữa người dân và phục vụ những người khó khăn nhất.” Ngài cho biết thêm: “Tầng hầm của nhà thờ chính tòa Phục Sinh ở Kiev là nơi ẩn náu cho mọi người.”[5] Đức Tổng giám mục đã chuẩn bị tầng hầm của Nhà thờ Phục sinh để người dân đến trú nạn trước các cuộc tấn công tên lửa dữ dội của Nga[6].

Là người đứng đầu Giáo hội tại Ukraina, Đức Tổng đã cho thấy thế nào là một mục tử tốt lành, một Giáo hội luôn đồng hành và sống chết vì đoàn chiên (x. Ga 10,11). Bởi trong thời chiến, Giáo hội địa phương phải là nơi bảo vệ những ai muốn tìm nơi trú ẩn. Nơi đó có sự an toàn, có cộng đoàn và nhất là có Thiên Chúa. “Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời khắc lịch sử này, Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Thiên Chúa, Đấng nắm trong tay vận mệnh của toàn thế giới và từng người chúng ta, luôn đứng về phía các nạn nhân của sự xâm lược bất công cũng như những người đau khổ và nô lệ.”[7]

Đức Tổng Giám mục tại giáo phận Lviv (Ukraina) Mieczyslaw Mokrzycki cũng kêu gọi các giáo xứ mở cửa cứu trợ các nạn nhân. Ngài cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chào đón mọi người trong các nhà thờ. Nơi đó họ được cung cấp thức ăn và nước uống. Chúng tôi đã tổ chức các khóa học sơ cấp cứu cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân để chăm sóc những người bị thương, nếu cần thiết.”[8] Tuy không ở trong hoàn cảnh này, nhưng ít nhiều chúng ta cũng cảm nhận được biết bao nỗ lực của các nhà xứ để giúp cho đoàn chiên được an toàn trước khói lửa chiến tranh. Chắc chắn Thiên Chúa cũng đang làm việc nơi các mục tử, các tu sĩ, các tình nguyện viên và nhiều tổ chức thiện nguyện trong việc cứu trợ nhân đạo này. Nơi đó, Giáo hội đang thực sự là những bệnh viện dã chiến thể hiện lòng thương xót vô ngần của Thiên Chúa.

Chúng ta chưa biết khi nào kết thúc chiến tranh, nhưng theo nhiều chuyên gia dự đoán rằng chiến sự sẽ còn kéo dài. Ít là trong những ngày tới, dòng người tỵ nạn tiếp tục tháo chạy vào những nước láng giềng. Nơi đây các giáo phận, các nhà thờ cũng đang sẵn sàng trợ giúp họ. Bởi trong thời khắc này, các giáo phận gần Ukraina hơn ai hết đều hiểu rằng: “Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng.”[9] Nhà thờ đang mở cửa, giáo dân đang làm việc, dòng người tỵ nạn cũng đang đổ về...hình ảnh này cho chúng ta hy vọng rằng người dân sẽ tìm được chút bình an, nâng đỡ và hiệp thông trong môi trường giáo xứ, nhà thờ.

Chúng ta yêu chuộng hòa bình và tiếp tục cầu nguyện cho những nạn nhân đang gặp vô vàn khó khăn tại Ukraina. Nhất là theo lời kêu gọi của Tòa Thánh, trong thứ Tư Lễ Tro, cả thế giới cầu nguyện cho hòa bình tại quốc gia này. Thiên Chúa là Vua Hòa Bình sẽ nhận lời cầu khẩn của chúng ta. Ngài tiếp tục mời gọi mỗi người, mỗi nhà thờ tiếp tục làm mọi sự có thể để cho thấy sức mạnh của tình yêu. Là người Công giáo Việt Nam, chúng ta hiệp thông với những giáo xứ tại Ukraina và những nước lân cận đang mở rộng vòng tay yêu thương của Thiên Chúa chăm sóc đoàn người tỵ nạn lầm than.

Xin Chúa ban cho họ có nhiều sức khỏe, nghị lực và tinh thần đoàn kết để giúp đỡ càng nhiều người càng tốt nơi Nhà của Thiên Chúa. Chúng ta cũng tiếp tục xin Chúa ban cho các nhà thờ ở những nơi trợ giúp đoàn người tỵ nạn có nhiều sáng kiến, nhiều tình nguyện viên và vật chất để phục vụ những đoàn người đang dơ tay cầu cứu. Để Giáo hội trở nên bệnh viện dã chiến sống động, ước gì mỗi người đặc biệt hưởng ứng lời mời gọi này của Đức Giáo Hoàng: “Tôi xin tái mời gọi tất cả mọi người hãy thực hiện một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraina vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ukraina, để chúng ta cảm nhận tất cả là anh chị em và cầu xin Chúa cho chiến tranh kết thúc.”[10]

Nếu chiến tranh được xem là những điều xấu xa của ác quỷ, thì giống quỷ ấy, ngoài những nỗ lực dấn thân cho hoà bình, còn cần cầu nguyện và ăn chay nữa (x. Mt 17,21). Chiến tranh sẽ kết thúc, tình yêu sẽ chiến thắng và thế giới sẽ được hòa bình. Chúng ta có quyền hy vọng như thế, bởi Thiên Chúa – Đấng là nguồn mạch bình an - luôn ở với con người.


[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-02/dtc-phanxico-sviatoslav-shevchuk-cong-giao-ucraina-chien-tranh.html

[2] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-08/tiep-kien-chung-giao-hoi-benh-vien-chien-truong-cong-vu-tong-do.html

[3] Suy niệm ban sáng, nhà nguyện thánh Marta, ngày 14/12/2017.

[4] Xem Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 209-212.

[5] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-02/dtc-phanxico-sviatoslav-shevchuk-cong-giao-ucraina-chien-tranh.html

[6] https://www.youtube.com/watch?v=T_ec40Ym9yM

[7] https://dongten.net/2022/02/25/chien-thang-cua-ukraina-se-la-chien-thang-cua-thien-chua-tren-su-hen-ha-va-kieu-ngao-cua-con-nguoi/

[8] https://acnuk.org/news/ukraine-church-preparing-to-help-refugees/

[9] Xem thêm: Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng, số 47. [10] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-02/dtc-phanxico-hoa-binh-ucraina.html
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM SAU LỄ TRO 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 03.3.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 03.3.2022

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 02.3.2022