Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 7 MÙA PHỤC SINH 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 30.5.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon.
 

CHA MẸ SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRẺ NHƯ THẾ NÀO?


CHA MẸ SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ 
CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

Tác giả: T.J. Burdick

WHĐ (29.5.2022) - Khi các con tôi mới bước vào tuổi đi học, tôi cứ băn khoăn về việc mình có thường xuyên sử dụng điện thoại trước mặt chúng hay không. Nên, một hôm, tôi đã cho chúng ngồi xuống và hỏi: “Các con à, thế các con nghĩ là bố thích làm gì nhất?”

Trong khi chờ đợi câu trả lời của bọn trẻ, tôi đã chìm đắm trong một chuỗi những suy nghĩ về việc sử dụng công nghệ một cách quá mức của mình. Và rồi, tôi bắt đầu nhận ra ảnh hưởng của việc sử dụng thiết bị điện tử đối với các con của tôi.

1. Chúng ta tạo cớ cho trẻ có những hành vi tiêu cực để gây chú ý

Tôi chẳng bao giờ hết ngạc nhiên khi thấy bọn trẻ làm phiền tôi nhanh như thế nào mỗi khi tôi cầm điện thoại lên, dù tôi vẫn cố gắng duy trì sự chú ý của mình vừa vào chúng vừa vào màn hình điện thoại. Vì thực, chỉ trong vòng vài phút, bọn trẻ đã hướng về phía tôi để đặt ra nhiều câu hỏi; để đưa cho tôi xem những gì chúng làm được; hoặc chỉ để nhận nơi tôi một cái ôm,... Đôi khi, tôi nói ỡm ờ: “Chờ bố một chút” trong khi mắt tôi vẫn không rời ra khỏi chiếc điện thoại. Một điều rất rõ là, nếu tôi chỉ cần phớt lờ bọn trẻ thêm một chút, thì chúng bắt đầu nỗ lực bằng nhiều cách cốt để lôi kéo sự chú ý của tôi. Chẳng hạn như: chúng sẽ lải nhải lặp đi lặp lại các câu hỏi; rồi ném tung các đồ chơi; và thậm chí chọng choẹ nhau… chỉ với mục đích là để tôi rời mắt khỏi điện thoại và quan tâm đến chúng.

Tôi biết chắc, đây không phải là tình huống duy nhất và chỉ xảy ra dưới mái nhà tôi đâu. Là một giáo viên lớp 6 toàn thời gian, tôi cũng nhận thấy điều này nơi các học trò của tôi ở trường. Những học sinh cần tình yêu thương nhất thường có khuynh hướng thể hiện những hành vi tiêu cực nhằm tìm kiếm sự chú ý hơn những em khác. Những học sinh này dường như không có khả năng đồng cảm, không quan tâm đến người khác và rất hay gây rối, nhưng thực ra, là chúng đang tìm kiếm sự chú ý mà chúng thiếu, có khi vì do sự lạm dụng công nghệ trong gia đình hoặc thiếu sự kết nối bạn bè của chúng.

Giáo sư Sherry Turkle cũng đồng ý với nhận xét này, như ông diễn tả trong cuốn sách mà ông là tác giả rằng:

Tôi có trích dẫn từ một số sinh viên đại học mô tả về tuổi thơ khi các em không nhận được sự quan tâm của cha mẹ trong các bữa ăn trong gia đình. Điều đáng lo ngại là cha mẹ không phản ứng một cách thích hợp khi trẻ đang nỗ lực tìm kiếm sự chú ý của họ đối với chúng. Đây tuy là một tật xấu nhỏ và kín đáo nhưng đôi khi sẽ phát thành bệnh mà chúng ta cần phải quan tâm.

Thật vậy, trẻ em có những hành động tiêu cực, chủ yếu là do cha mẹ chúng thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử và bỏ bê chúng. Có lẽ điều này đúng trong ngôi nhà của tôi, và tôi nghĩ, nó cũng đúng với hàng triệu ngôi nhà trên khắp thế giới.

2. Chúng ta mất cơ hội để điều chỉnh hành vi của trẻ

Là cha mẹ, chúng ta hiểu con mình hơn bất kỳ ai, chúng ta biết khi nào thì năng lượng của bọn trẻ đạt tới mức cao nhất. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua cách chúng chạy nhảy, cách chúng nói chuyện, thậm chí ngay cả qua cách chúng quan sát xem có cách nào để làm điều gì đó hoặc gây rối một cách hiệu quả hay không. Do đó, có rất nhiều cơ hội trong ngày để chúng ta có thể điều chỉnh và chuyển hướng trẻ đến điều gì đó tốt đẹp hơn. Ví dụ như: Nhắc trẻ thu dọn đồ chơi này đi trước khi lấy đồ chơi khác ra để chúng khỏi phải nhặt cả đống đồ chơi cùng một lúc; Nhắc trẻ đã hoàn tất bữa ăn ngay cả khi chúng nói rằng chúng không đói, vì nếu không, chỉ 1 tiếng đồng hồ sau đó, trẻ sẽ thấy “cồn cào” ngay; Can thiệp khi đứa trẻ nhận ra món đồ chơi mà chúng đang chơi bị anh chị em khác giành lấy khi chúng hớ hênh; …. Khi bỏ lỡ những cơ hội như thế vì mải lướt màn hình điện thoại, chúng ta sẽ thấy trước được hậu quả là trẻ sẽ có nhiều hành vi tiêu cực như thế nào.

3. Chúng ta gây ảnh hưởng đến việc phát âm của trẻ

Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, những khoảnh khắc đầu đời rất quan trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ em. Từ sơ sinh đến 2 tuổi, não bộ của trẻ học cách phản ứng với các loại kích thích và kết quả là các kỹ năng vận động, nhận thức chiều sâu, và đặc biệt là khả năng ngôn ngữ của trẻ bắt đầu phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Điều quan trọng nhất là cảm giác thuộc về của trẻ cũng được củng cố khi chúng thường xuyên được tiếp xúc với những cái ôm, những nụ hôn, và vỗ về từ cha mẹ.

Việc nuôi nấng, chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh nhiều khi tạo ra cảm giác mệt mỏi, thậm chí là buồn chán. Nhiều bậc cha mẹ đã tìm thấy nơi công nghệ một "lối thoát" khỏi sự nhàm chán và căng thẳng của việc nuôi dạy con cái và nhu cầu cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi bị cuốn hút vào công nghệ, chắc chắn sự chú ý của họ bị phân tán và kết quả là họ ít nói với con hơn. Mặc dù họ có thể vẫn chăm lo cho con cách an toàn, vẫn tạo điều kiện để con vận động và tiếp xúc với môi trường xung quanh, nhưng họ có xu hướng là yên lặng hơn khi phải tập trung tâm trí và năng lượng của mình vào màn hình. Điều này dẫn đến kết quả là, vì thiếu tương tác ngôn ngữ, đứa trẻ có thể thích nghi với việc quan sát nhiều hơn nhưng lại chậm nói hơn.

Jenny Radesky, MD., một chuyên gia về hành vi trẻ em và cũng là bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Mott thuộc Đại học Michigan, đã tiến hành nghiên cứu với các đồng nghiệp từ Trung tâm Y tế Boston đã phát hiện ra rằng “việc sử dụng thiết bị di động của cha mẹ có liên quan đến việc ít tương tác bằng lời nói và không lời hơn với trẻ em”.

4. Chúng ta dần thiếu sự đồng cảm

Một nhóm nghiên cứu đã tiến hành một xét nghiệm để xem liệu việc sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên có ảnh hưởng đến khả năng đọc biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của người xa lạ nơi trẻ vị thành niên hay không.

Để làm điều này, nhóm nghiên cứu đã mời một số thanh thiếu niên, là những người tự nhận là họ sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên hơn những người khác, tham gia một trại hè kéo dài một tuần.

Trước hết, nhóm nghiên cứu chia các thanh thiếu niên thành 2 nhóm; thứ đến, họ cho các em xem ảnh của một số người lạ nào đó; sau cùng, họ yêu cầu các em nói cho biết những người lạ đang ở trong tâm trạng nào dựa trên nét mặt và cử chỉ như được thấy trong hình. Mục đích của nghiên cứu là để đo lường khả năng đồng cảm của các em đối với người lạ, qua việc các em suy luận xem những người lạ này có buồn bã, tức giận, hoặc đang đói bụng,… hay không. Các câu trả lời được đều được ghi lại. Sau đó, 2 nhóm tuần tự lên đường.

Cả 2 nhóm đều có tuần cắm trại với những hoạt động giống nhau, ngoại trừ 2 điểm khác biệt: (1) về thời điểm, 2 nhóm đi cách nhau một vài tuần lễ; (2) có 1 nhóm được phép mang theo các thiết bị điện tử, còn nhóm kia thì không. Điều đó có nghĩa là, trong vòng một tuần ở trại, một nhóm sẽ chỉ được giao tiếp trực tiếp với những người khác, còn một nhóm vẫn có thể truy cập mạng xã hội, tin nhắn và các phương tiện giao tiếp kỹ thuật số khác.

Sau khi hoàn tất trở về, cả 2 nhóm sẽ làm lại cùng một bài trắc nghiệm về sự đồng cảm mà họ đã làm trước khi đi cắm trại. Kết quả cuối cùng cho thấy rằng:

Nhóm được sử dụng công nghệ đạt điểm cao hơn kết quả trước đó của họ một chút, còn nhóm không sử dụng thiết bị đạt điểm cao hơn so với trước đó là 20%. Điều này cho thấy, trong vòng 1 tuần lễ không dùng kỹ thuật số, và có nhiều tương tác với thực tế hơn, các thanh thiếu niên có thể nhận ra cảm xúc của người khác nhiều hơn.

Thật thế, khi dán mắt vào màn hình, chúng ta khó có thể nhận ra nhu cầu của người khác. Sức mạnh ý chí của chúng ta bị lôi cuốn bởi những gì chúng ta đang theo dõi, làm cho chúng ta bớt cởi mở để quan tâm đến người khác trong thực tế hơn. Việc cần đến người khác là nhu cầu tự nhiên của con người. Các cộng đoàn ngay từ thời sơ khai đã có được mối tương quan với nhau thông qua sự đồng cảm không phải chỉ vì nhu cầu về phương diện tâm lý mà còn vì sự sống còn của chính họ.

Với điện thoại di động trong tay, chúng ta dễ tập trung vào những gì mình đang theo dõi trong khi hoàn toàn phớt lờ những người đang hiện diện một cách rõ ràng trước mặt chúng ta. Đây là một vòng xoáy nguy hiểm ngăn cản chúng ta tương quan với người khác.

Tác giả P.J. Manney cho biết:

Có quá nhiều thông tin để chúng ta tiếp nhận. Bộ não của chúng ta nhiều khi không thể xử lý hàng loạt những câu chuyện tác động về mặt cảm xúc nên đã dẫn đến việc chúng ta phủ nhận hoặc kìm nén cảm xúc. Từ đó, chúng ta dần mất đi sự đồng cảm, và lòng trắc ẩn bởi vì chúng ta đã kiệt sức về mặt cảm xúc.

5. Chúng ta khiến mức độ căng thẳng tăng cao hơn

Khi thiết bị điện tử làm mờ ranh giới giữa công việc, gia đình và cuộc sống xã hội, khiến các bậc cha mẹ thường xuyên cảm thấy như họ đang ở nhiều nơi cùng một lúc nên họ phải vật lộn để cân bằng tất cả: vừa dành thời gian chăm sóc con cái, vừa dành thời gian cho cuộc sống gia đình, vừa làm việc, và vừa hòa nhập với xã hội… Ví dụ: Chúng ta đang chăm con, thì điện thoại liên tục kêu, tiếng “tít” báo có email, có tin nhắn mới, rồi thông báo trên mạng xã hội, cảnh báo tin tức nóng hổi, ​​một văn bản "khẩn cấp"… những lúc như thế, thật khó để chuyển đổi giữa não bộ của chúng ta và các khía cạnh khác của cuộc sống vì tất cả các ranh giới đều bị xóa nhòa và trộn lẫn với nhau.

Một nghiên cứu nhỏ cho thấy việc cha mẹ sử dụng công nghệ di động quá nhiều không chỉ gây nên tình trạng quá tải thông tin, và căng thẳng cảm xúc mà còn có thể ảnh hưởng đến cách họ phản ứng với con cái, kiệt sức, căng thẳng vì bị kéo theo nhiều hướng khác nhau.

Ngoài ra, một khi bị phân tán tâm trí khỏi những thực tế hiện tại, chúng ta có xu hướng phải cố gắng bắt kịp mọi khía cạnh khác của cuộc sống.

Chẳng hạn, vì chúng ta đã chọn lãng phí thời gian để chơi game, hoặc lướt mạng xã hội quá nhiều, thì cách nào đó, cuộc sống của chúng ta trở nên mất cân bằng và trách nhiệm của chúng ta bị chểnh mảng. Kết quả là, chúng ta có thể làm gián đoạn thói quen của gia đình khi phải tranh thủ làm nhiều việc hơn với ít thời gian hơn; phải thức khuya hơn, thức dậy sớm hơn, có khi không còn giờ cho các bữa ăn, phải bỏ những cuộc hẹn, thời gian bên người thân để có thể bắt kịp nhịp sống và chu toàn các bổn phận.

6. Chúng ta hãy tự chọn lựa cách sử dụng thiết bị điện tử của mình

Vẫn biết rằng, như Radesky nhận định: "Bạn không nhất thiết phải ở bên con 100% thời gian, vì trên thực tế, việc chúng độc lập là điều lành mạnh và cần thiết”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa ra một vài câu hỏi để chọn cho mình cách sử dụng thiết bị điện tử sao cho thích hợp nhất:

- Tôi muốn con mình trở thành người như thế nào khi chúng trưởng thành?

- Tôi muốn con mình làm gì với thời gian riêng của chúng: Đọc những cuốn sách hay; Viết lách đôi chút; Chiêm ngưỡng và thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên? Rèn luyện giữ gìn sức khoẻ? Gặp gỡ, giúp đỡ người khác? Cầu nguyện?

- Tôi muốn con mình tiêu hao quĩ thời gian như bất tận trên điện thoại chăng?

Do đó, chúng ta hãy thận trọng về tần suất mình lướt điện thoại trước mặt bọn trẻ. Con cái chúng ta sẽ học hỏi điều này từ nơi chúng ta.

***

Và lúc này đây, trở về với thực tại về câu hỏi mà tôi đã đưa ra: “Các con à, thế các con nghĩ là bố thích làm gì nhất?” Tôi chợt thấy lo lắng, vì nghĩ rằng bọn trẻ sẽ bộc bạch một sự thật về thói nghiện kỹ thuật số của tôi: “Bố ơi, chắc chắn là bố thích điện thoại nhất!”.

Nhưng, không phải thế!

Các con tôi đã đồng loạt nói rằng:

“Bố à, bố thích mẹ, bố thích ôm ấp chúng con; bố thích viết nữa! Chúng con biết, đó là những thứ bố yêu thích nhất!”.

Có lẽ tôi đang là một người cha đúng mực. Ít nhất là các con của tôi nhìn nhận điều này theo cách nhìn của chúng.

Tôi ước là mình có thể giữ mãi được điều này...

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com ;
sciencedaily.com
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN 29.5.2022


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 6 MÙA PHỤC SINH 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 27.5.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA, THỨ SÁU 27.5.2022

Bắt đầu lúc 15g00 Thứ Sáu, ngày 27.5.2022 tại nhà thờ Huyện Sỹ.
 

MÙA HOA

 

 MÙA HOA
 
TGPSG -- Tháng Năm về. Lời hát quen thuộc thắm đượm tâm tình yêu mến Mẹ Maria lại vang lên vào mỗi buổi chiều dâng hoa: 
 
Nhiệm thay hoa đỏ hồng hồng,
Nhuộm thêm Máu thánh thơm chung lòng người.
Vì thương Con gánh tội đời,
Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.

Xinh thay hoa trắng tốt lành,
Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà.
Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà,
Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương.

Quí thay này sắc hoa vàng
Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.
Một niềm tin kính nhơn nhơn,
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu’

Dịu thay hoa tím càng màu.
Ý trên, Bà những cúi đầu vâng theo.
Bằng lòng chịu khó trăm chiều,
Khiêm nhường, nhịn nhục, hằng yêu hãm mình.

Lạ thay là sắc hoa xanh.
Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao.
Dờn dờn sau trước một màu,
Quản chi sương nắng dãi dầu ngày đêm.

Với tượng Đức Mẹ đứng chắp tay giữa cung thánh, bài hát trên đây gợi đủ năm sắc hoa dâng kính Đức Mẹ. Lời bài hát cổ với giọng hát chèo cứ đi vào lòng người, làm nên lời ngợi khen Thiên Chúa trong cuộc đời Đức Maria.

Chẳng ai biết bài hát có từ lúc nào, nhưng dường như ai cũng thuộc khi tháng Năm chợt về. Năm sắc hoa dâng Mẹ như năm màu sắc cuộc đời của mỗi người, được đan dệt kể lể với Mẹ như đứa bé thủ thỉ với Mẹ nó về cuộc đời truân chuyên này.


Mưa trắng xóa cả một vùng. Cơn mưa chẳng báo trước cứ vội vã nặng hạt làm nhòe mắt Dung về quá khứ xa xôi khi còn là một đứa trẻ lấm lem đi theo bà Nội bán bắp luộc. Đi với Bà Nội bán bắp từ sáng sớm: chiếc xe đạp của Nội chở cái sọt bắp đằng sau xe, còn Dung thì ngồi chông chênh phía trước.

Nội hay bán bắp ở gần cổng nhà thờ. Mỗi lần dừng lại trước cổng, Bà hay bắt Dung khoanh tay cùng đọc một kinh lạy Cha và kinh Kính Mừng, rồi Bà mới mở sọt bắp ra bán cho khách.

Từ lúc ba tuổi, Dung đã đi theo Nội rồi, vì ba mẹ Dung đi làm ở tận trong công trường xa lắm lâu lâu mới về một lần, nên Dung ở với Nội.

Chiều nào Dung cũng nhìn qua hàng rào nhà thờ xem người ta đi lễ. Chiều nào bán xong sớm, Nội dẫn Dung vào đi lễ, quần áo lấm lem cả ngày, quanh quẩn bên sọt bắp của Nội. Còn Nội vẫn chiếc áo bà ba sậm màu, dựng cái xe đạp bên hàng rào, rồi hai bà cháu vào dâng lễ. Nội dạy Dung đọc kinh, thưa đáp trong Thánh lễ nữa.

Chiều nay Dung nhìn thấy có mấy bạn nữ mặc áo đầm trắng đẹp lắm, tay cầm hoa đang xếp hàng vào nhà thờ, Dung đưa mắt nhìn theo, khẽ hỏi: 
 
- Nội ơi, các bạn kia làm gì vậy, Nội?

Nội nhìn đứa cháu nhỏ ríu rít, trả lời:
 
- À hôm nay dâng hoa kính Đức Mẹ đấy!

Chiều ấy, Dung vui lắm vì được xem dâng hoa. Đóa hoa lòng trắng tinh khôi của đứa trẻ lên ba say đắm trong lời bài hát: “Xinh thay hoa trắng tốt lành, Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà”. em không hiểu hết những ý vị của bài hát, nhưng với em, Đức Mẹ trắng tinh đẹp lắm, đang dang tay trên cung thánh như muốn ôm em vào lòng. Em ước mình là bông hoa trắng lẫn vào áo của Đức Mẹ. Đôi mắt em thèm được giống mấy bạn nhỏ đang dâng hoa cho Đức Mẹ. Hình ảnh buổi chiều dâng hoa ấy đi vào cuộc đời bé Dung từ lúc ấy, màu trắng tinh tuyền còn giữ nguyên hương trinh khiết của Đức Mẹ.

Rồi buổi chiều buồn phủ lấy gia đình Dung, Ba mẹ ở công trường cũng về vì Nội mất. Dung buồn lắm cứ thấy Nội nằm yên trong quan tài. Nội không còn nói chuyện với Dung nữa. Những buổi cùng đi bán bắp rồi đi nhà thờ với Nội không còn nữa. Dung đã lay gọi Nội nhiều lần nhưng Nội không mở mắt ra nữa. Dung thấy nước mắt ba lăn dài trên khuôn mặt hốc hác. Vành tang trắng làm nhòe mắt những người trong gia đình Dung.

Ngày đưa tiễn Nội, con đường xuống nghĩa trang đâu đó thấp thoáng cánh hoa dành dành trắng muốt chia vơi nỗi buồn với gia đình Dung vì một người Bà - một người Mẹ trung tín với Đức Tin Công Giáo và truyền Đức Tin ấy cho con cháu mình - nay về với Thiên Chúa.

Ngôi nhà không còn tiếng ru của Nội, chẳng còn mùi bắp luộc thơm phức nữa, cũng chẳng còn tiếng cười dòn của Nội nữa, Dung nhớ Nội lắm.

Rồi ba mẹ Dung không đi công trường nữa, ở nhà chăm sóc Dung. Ba tìm được công việc sửa xe trên huyện. Mẹ ở nhà chăm bầy heo nhỏ với mảnh vườn trồng rau. Dung cũng đến tuổi đến trường để dệt cuộc đời mình trong mái nhà yên ấm có ba và mẹ, nhưng đâu đó hình ảnh của Nội vẫn ở trong tâm trí Dung.

Mẹ thay Nội dẫn Dung đi lễ và thật ngạc nhiên thấy Dung thuộc tất cả các kinh và thưa đáp trong Thánh Lễ chững chạc như một người lớn vậy. Mẹ Dung hiểu được phần nào sự giáo dục Đức Tin của Nội dành cho Dung vì Mẹ của Dung là một Tân tòng mới theo Đạo Chúa khi lấy ba của Dung. Để rồi chính Mẹ của Dung cũng nỗ lực sống niềm Tin vào Chúa trong gia đình mình để xây dựng mái ấm ấy trong niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa như Đức Maria đã nỗ lực sống và làm cho Chúa Giêsu lớn lên trong mái ấm gia đình đó thôi.

Thời gian khéo dệt những ước mơ, mới đó mà Dung đã thành cô thiếu nữ rồi gia đình vun vén cho chị em Dung ăn học, ngày tốt nghiệp đại học là một ngày nắng vàng thật đẹp, Dung khoác trên mình chiếc áo cử nhân đầu đội mũ trạng. Mẹ tặng Dung bó hoa hướng dương vàng như niềm vui của cả gia đình. Dung kéo ba ra một góc sân choàng chiếc áo cử nhân của mình cho Ba như một lời cảm ơn chân thành. Chính Ba là người luôn khích lệ Dung trên con đường học vấn, dù Ba chỉ học hết lớp 12 vì thời cuộc Ba không thể đi học tiếp được và ba cũng chỉ là một người thợ sửa xe mà thôi. Nhưng chính Ba đã luôn truyền cảm hứng để Dung đi hết con đường đại học nhiều vất vả có lúc tưởng chừng Dung bỏ học vì lo cho gia đình không đủ tiền đóng học phí. Dung phải gắng sức làm thêm đủ mọi việc từ tiếp tân, làm gia sư cho mấy em nhỏ, đến phụ bán hàng, để đỡ gánh nặng cho gia đình. Nhưng Dung chưa bao giờ bỏ học hay phải học lại môn nào. Số tiền mồ hôi và công sức của ba mẹ, Dung trân trọng, chưa bao giờ lãng phí cả. Chiếc áo cử nhân khoác trên người Ba lộ rõ dáng người gầy gò của Ba. Hai giọt nước mắt khẽ rơi trên khuôn mặt Dung, đứa con gái nhỏ, ôm Ba thật chặt, không nói thành lời cảm ơn người cha vô cùng thân thươn. Những cánh điệp vàng lao xao dưới chân như muốn chúc mừng cô cử nhân khoa Công Nghệ Thông Tin.

Ngã rẽ cuộc đời dẫn Dung đến ơn gọi Thánh Hiến. Tiếng gọi ấy vẫn âm thầm lớn lên trong tâm hồn Dung ngay từ cái buổi đầu ước mình là bông hoa trắng của Đức Mẹ thì hôm nay tiếng gọi muốn dấn thân làm bông hoa nhỏ của Đức Mẹ, muốn nên giống người Nữ Trinh tuyệt tác của Thiên Chúa. Chính đôi tay của Đức Mẹ dẫn Dung đi con đường mà chính Dung cũng không thể hiểu được, khi bước chân vào con đường ơn gọi.

Nỗi băn khoăn và giằng xé tâm hồn khi bỏ lại gia đình để lên đường theo ơn gọi. Trách nhiệm gia đình có đó, Dung có bất hiếu chăng khi học hành thành tài lúc phải bù đắp lại cho ba và mẹ? Nhưng rồi chính Ba đã khích lệ để Dung ra đi: “Con cứ đi theo tiếng Chúa gọi, ba mẹ tự hào vì con, không cần con làm gì cho ba mẹ cả, nhưng hạnh phúc của con là hạnh phúc của ba mẹ”, câu nói ấy như nâng bước chân Dung chọn con đường Ơn gọi cách chắc chắn hơn.

Thời gian khẽ đong đầy những truân chuyên cho phận người vui buồn đan xen nhau làm nên màu đỏ thắm như máu Tình Yêu mà Thiên Chúa dành cho Dung trong ngày lễ Trái Tim Chúa Giêsu. Dung được tuyên khấn lần đầu, đóa hoa màu đỏ như tình yêu Dung dành cho Thiên Chúa - Đấng mà Dung chọn làm Gia Nghiệp cuộc đời. Tình yêu ấy trọn vẹn và đầy khát vọng như cánh hoa hồng đỏ cuộn lại hình trái tim nhỏ bé Dung dâng lên làm của lễ. Trong hội dòng nhỏ bé thân thương này, Dung học được tình yêu. Tình yêu dành trọn vẹn cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong một trái tim lớn hơn. Vòng tay của Hội dòng ôm lấy ước nguyện của Dung, đôi tay của Ba Mẹ khẽ siết lấy Dung như gửi cả tình thương ba mẹ dành cho Dung. Cho dẫu con đường ơn gọi phía trước là một con đường gập ghềnh và khúc khủyu, nhưng Dung tin chính tình yêu Chúa sẽ dẫn Dung đi.

Những ngày Đại dịch Covid xảy ra như màu tím sẫm của chết chóc, của sợ hãi, mất mát và đau khổ. Người ta bắt gặp người nữ tu ấy đang ôm lấy những phận người đau đớn nơi bệnh viện Dã Chiến điều trị Covid 19, nơi ấy Dung đang chăm sóc bệnh nhân là phần thân thể đau đớn của Chúa Giêsu, khi sống trọn vẹn Linh đạo chữa lành của Hội dòng mà Dung đang sống.

Bệnh nhân là người anh chị em của mình để mình chăm sóc và giới thiệu khuôn mặt đầy thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, và trong chính đại dịch thảm khốc này giúp Dung học được bài học mong manh của phận người để tín thác vào Thiên Chúa.

Nơi bệnh viện này, người ta chẳng còn tranh chấp, hơn thua địa vị, danh tiếng hay tiền bạc nữa mà chỉ còn là tình người dành cho nhau. Nơi bệnh viện dã chiến, công việc nhiều gấp năm lần so với ở bệnh viện bình thường: hơn năm mươi bệnh nhân trong phòng bệnh Dung chịu trách nhiệm. Lao mình vào công việc trong bộ áo bảo hộ nóng nực, bức bối, Dung cố gắng hết sức với mỗi bệnh nhân thở ôxi, truyền thuốc kháng đông, kháng viêm và hết mọi cách để chờ đợi điều kỳ diệu của sự sống mỉm cười với bệnh nhân. Nhưng rồi dường như ngày nào Dung cũng phải lặng lẽ tiễn chân một số bệnh nhân không thể vượt qua được. Dung lặng thinh cúi đầu chào họ lần cuối trong một kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính. Có những ngày Dung đã phải lặp lại lời kinh ấy cả mười lần. Dung không hiểu và băn khoăn về sự sống và cái chết sao gần nhau thế, tức giận vì bao nhiêu y bác sỹ lao mình vào để cứu người mà dường như vẫn bó tay trước con virus này.

Như quên đi mệt mỏi, những ca trực suốt tám giờ đồng hồ, Dung loay hoay với bệnh nhân, dù chỉ một tia hy vọng của sự sống trên màn hình monitor thôi. Đó là điều an ủi cho Dung. Nhưng rồi cái chết vẫn bất chợt và vô tình đến. Không hiểu được mầu nhiệm của sự chết là thế nào, đã bao lần giọt nước mắt lăn dài trước những cái chết cô đơn và lạnh lẽo trong phòng bệnh này, Dung tự hỏi con người ta sống để chết chăng, có cái gì vượt xa hơn sau cái chết? Phía sau cái chết, đó là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa làm lòng con được an ủi và bình an vì biết Thiên Chúa là người Cha gặp lại người con của mình. Dung bất chợt gặp những niềm tin đơn sơ của bệnh nhân khi gọi tên Mẹ Maria và Chúa Giêsu như đứa con nhỏ gọi tên cha mẹ mình, hay đâu đó chuỗi hạt như dấu chỉ của màu tím tín trung với Thiên Chúa của người Công Giáo trong phòng bệnh này. Và dường như những người ấy có một sự sống mãnh liệt hơn nhờ vào niềm tin ấy. Đâu đó thấp thoáng những người con dâu, con trai hay con gái chẳng sợ nhiễm bệnh mà đi theo chăm sóc bố mẹ khi họ bị nhiễm bệnh. Những tấm lòng hiếu thảo ấy như tấm gương cho Dung hy vọng một ngày mai dịch bệnh sẽ qua đi.

Màu xanh của hy vọng khi Dung rời bệnh viện Dã Chiến trở về hội dòng mang trong mình những thao thức và những kinh nghiệm quý giá không thể mua bằng tiền bạc được nhưng có được nhờ ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa và con người dành cho nhau. Tất cả trở thành hành trang cho đời dâng hiến của Dung. Dịch bệnh vẫn có đó nhưng được bình thường mới. Phải chăng đời Thánh hiến của Dung khi bước ra khỏi khu bệnh viện cũng mang một màu xanh của hy vọng, của bình thường mới trong đời tu và sứ vụ của Dung?

Tháng Năm gợi đủ năm sắc hoa dâng kính Đức Mẹ. Tháng Năm cuộc đời Dung cũng được đan dệt sắc màu của cuộc sống: "Bao vui buồn, biến cảnh cuộc đời như hoa lòng, xin dâng lên Mẹ. Xin Mẹ vui nhận những bông hoa đượm thắm niềm tin yêu và phó thác của đời con, Mẹ ơi!"

Maria Hồng Hà CMR (TGPSG
(WGPSG)