Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

KINH MÂN CÔI, LỜI KINH GẦN GŨI


KINH MÂN CÔI, LỜI KINH GẦN GŨI

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

WHĐ (28.9.2022) - Một người đàn ông chạy xe ôm, đang khi ngồi chờ khách, anh cầm tràng chuỗi trên tay để lần hạt. Người đi đường chụp tấm hình đưa lên mạng xã hội. Thi sĩ nhìn hình, cảm hứng làm thơ. Nhạc sĩ cảm hứng từ thơ nên viết nhạc, ca sĩ hát và đưa lên YouTube.

Nghe ca khúc “Sao anh siêng lần chuỗi” với giai điệu tăng-gô vui tươi, gợi lên nhưng suy niệm về Chuỗi Mân Côi.

1. LẦN HẠT BẤT CỨ KHI NÀO VÀ Ở ĐÂU.

Không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian mình có. Có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh… thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, mình cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu mình cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.

Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời mình vào mạng sự sống thiêng liêng.

2. LỜI KINH KẾT NỐI

Ai cũng có điện thoại, xài wifi, 4G. Đi đâu cùng có kết nối. Thời đại hôm nay, mạng internet được gọi là xa lộ thông tin cung cấp rất nhiều thông tin về mọi lãnh vực, cho con người mối quan hệ rộng lớn và nhiều cơ hội diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình. Hòa vào mạng internet, con người trên khắp thế giới được kết nối với nhau. Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối.

a. Kết nối với Đức Maria

Khi lần chuỗi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta được nối kết với Đức Maria. Chiêm ngắm Mẹ chỉ là “Nữ tỳ hèn mọn”, nhưng “Chúa đã đoái thương nhìn tới”. Vì thế, “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Một thiếu nữ nhỏ bé sống ở làng quê nghèo Nadaret đã trở thành Mẹ Thiên Chúa. Sứ thần Gabriel đến Nadaret chào thôn nữ Maria: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Ba tiếng “Đầy-ân-sủng” gộp lại trở thành như là tên gọi riêng của Đức Maria. Mẹ được tràn đầy ân sủng. Mẹ luôn luôn có Thiên Chúa ở cùng. Không có giây phút nào mà Mẹ không có Thiên Chúa với mình. Không có giây phút nào mà Mẹ không trọn vẹn thuộc về Chúa. Không có bất cứ dấu vết tội lỗi chen vào giữa Mẹ và Thiên Chúa. Là một tâm hồn luôn luôn nghiền ngẫm Kinh thánh, chắc hẳn Đức Maria nhớ lại Lời Chúa đã dùng Ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavit xưa. Nhưng điều mà Mẹ không bao giờ nghĩ tới là mình có thể đóng vai trò gì trong việc thực hiện lời tiên tri ấy. Chuyện “không thể” được đầu tiên là làm sao mình sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Sau khi được Sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Maria khiêm nhường thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành Thánh Mẫu của Thiên Chúa.

Đức Maria là người diễm phúc vì Mẹ đã tin như bà Êlisabet đã thốt lên: “Phúc cho em vì đã tin những lời Chúa phán”.

Đọc Kinh Mân Côi là kết nối hai chiều đi đi về về giữa Đức Maria xuống với con người và giữa con người lên với Đức Maria, cách tự nhiên như tình mẫu tử.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thổ lộ tâm tình: “Từ thuở niên thiếu, lời Kinh Mân Côi đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi… Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ… Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó.”

b. Kết nối với Chúa Giêsu

Điều huyền diệu làm cho chuỗi Mân Côi hữu hiệu là khi đọc chúng ta vừa cầu nguyện vừa suy niệm. Kinh Lạy Cha dâng lên Chúa Cha, Kinh Kính Mừng dâng lên Đức Maria và Kinh Sáng Danh dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Những tâm tình suy niệm hướng về Chúa Giêsu Kitô.

Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.

Đọc Kinh Mân Côi là suy niệm các mầu nhiệm của Phúc Âm. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Kinh Mân Côi không thay thế việc đọc Kinh thánh, Lectio Divina; trái lại, Kinh Mân Côi giả định trước và cổ võ việc đọc Kinh thánh. Trong Kinh Mân Côi, chúng ta cầu xin Mẹ giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn. Khi suy ngẫm về Kinh Mân Côi, chúng ta bước vào trường học của Đức Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu vì Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đồng hành với Chúa Giêsu và cùng chịu khổ với Chúa Giêsu dưới cây thánh giá”.

Các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng hòa quyện trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Chuỗi Mân Côi lần lượt diễn tả:
  • Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.
  • Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
  • Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.
  • Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.
Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc Âm rút gọn. Cứ 10 Kinh Kính mừng lại suy gẫm về một mầu nhiệm mùa Vui, Sáng, Thương, Mừng.

c. Kết nối với mọi người với nhau

Đọc kinh Mân Côi mỗi người được kết nối với Đức Maria và với Đức Kitô, từ đó được hiệp thông với mọi tín hữu.

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Cầu nguyện với Đức Mẹ bằng lời kinh Mân Côi, chúng ta được kết nối với Chúa Giêsu là nguồn mạch ban sự sống. Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện. Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái thì phải được tháp nhập vào thân nho. Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể. Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với cội nguồn là Chúa Giêsu.

Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn huyền diệu cho con người. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.

Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối mỗi người với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria và với nhau. Đó là kinh nguyện phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.

3. HÃY SIÊNG NĂNG LẦN HẠT

Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “hãy siêng năng lần hạt”. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con bên tòa Chúa. Amen.
 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 28.9.2022


Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. Thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 27.9.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon.
 

CÓ TIẾNG GỌI...

CÓ TIẾNG GỌI...

TGPSG - “Con ơi, dậy đi học! Con ơi, ăn sáng! Con ơi, Chuẩn bị đi lễ nhé…”

Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo. Thuở niên thiếu, là một lễ sinh, tôi thường xuyên được nghe những tiếng gọi: “Con ơi, dậy đi học! Con ơi, ăn sáng! Con ơi, Chuẩn bị đi lễ nhé…” Học xong phổ thông, tôi tham gia hoạt động giáo lý viên của giáo xứ trong 4 năm. Khi đó, lòng tôi tràn đầy niềm tin và lòng nhiệt thành. Tôi được hướng dẫn và học về “Ơn gọi”, tiếng Chúa gọi mình... Tôi đã và luôn trông chờ ngày ấy, ngày Chúa chọn và gọi tôi làm mục tử của Ngài để được Ngài sai đi.

“Tôi ơi, Dậy đi, sáng rồi! Tôi ơi, dậy đi làm…”

Vào mùa Đông năm ấy, tôi đã nghe thấy tiếng gọi quan trọng của đời mình, nhưng không phải là tiếng gọi mà tôi hằng mong đợi trước đây. Đó là tiếng gọi của tình yêu đôi lứa. Và rồi 4 năm sau, tại thánh đường giáo xứ Mân Côi, có đám cưới của một anh giáo lý viên - là tôi. Tôi nhận ra là Chúa đã gọi tôi qua nhiều cách khác nhau. Ngài chọn tôi làm việc theo ý định của Ngài. Khi tôi tự nguyện tuyên thệ trước mặt Ngài, Ngài sai tôi làm chồng và làm cha - bây giờ tôi đã là cha của hai đứa trẻ. Ngài luôn an bài, mời gọi và sai tôi theo lòng nhân ái của Ngài. Tôi rất vui được đi theo Ngài trong ơn gọi gia đình, làm chứng nhân cho Chúa trong những sinh hoạt nghề nghiệp. Bây giờ tôi thường nghe như chính tôi gọi tôi: “Tôi ơi, Dậy đi, sáng rồi! Tôi ơi, dậy đi làm…”, nhưng thực ra đó là tiếng Chúa gọi tôi mỗi ngày. Tôi đang nỗ lực hết sức mình để có thể sống đẹp trong ơn gọi làm chứng nhân của một người giáo dân nhiệt thành...

Phạm Trần Cao Lộc (TGPSG) 
(WGPSG)

CHIẾN DỊCH “MỘT TRIỆU TRẺ EM LẦN CHUỖI MÂN CÔI” NĂM 2022

 CHIẾN DỊCH “MỘT TRIỆU TRẺ EM 
LẦN CHUỖI MÂN CÔI” NĂM 2022

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (26.9.2022) – Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) thông báo chiến dịch “Một triệu trẻ em lần chuỗi Mân Côi” cho năm 2022 sẽ được bắt đầu vào ngày 18/10, đồng thời mời gọi các giáo xứ, các trường học và các gia đình tham gia.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chủ tịch quốc tế của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ cho biết: “Mục tiêu của chiến dịch cầu nguyện là cầu xin sự bình an và hiệp nhất trên toàn thế giới và khuyến khích các trẻ em tin cậy vào Thiên Chúa trong lúc gặp khó khăn”.

Trong lời mời gọi tham gia chiến dịch, Đức Hồng Y viết: “Khi nhìn thấy xung quanh chúng ta có quá nhiều chiến tranh, sự dữ, bách hại, bệnh tật và nỗi sợ hãi đè nặng trên thế giới chúng ta, mọi người có thể tự hỏi ‘Thiên Chúa có thực sự kiểm soát những điều này không? Có, Thiên Chúa đang làm điều này, nhưng chúng ta cũng phải nắm lấy đôi tay Thiên Chúa đang dang rộng hướng về chúng ta”.

Với ý nghĩa này, Đức Hồng Y khẳng định rằng nếu chúng ta trung thành cùng nhau lần chuỗi Mân Côi, thì Mẹ Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta như một đại gia đình đến vòng tay yêu thương của Cha Trên Trời.

Năm nay, áp phích cho chiến dịch có hình ảnh đôi bàn tay rộng mở bao bọc và hỗ trợ địa cầu cùng với các trẻ em khắp nơi trên thế giới. Đôi bàn tay tượng trưng cho đôi tay của Chúa Cha, Đấng tạo dựng thế giới bằng tình thương và mong muốn cứu tất cả dân tộc và đưa họ đến với Người.

Các giáo xứ, trường học, các nhóm thiếu nhi và gia đình tham gia chiến dịch có thể tìm thấy thông tin tại website của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ (https://acninternational.org/millionchildrenpraying/material/), trong đó có các tài liệu giúp hướng dẫn đọc kinh Mân côi, ví dụ như: Các bài suy niệm ngắn về các mầu nhiệm phù hợp với thiếu nhi và lời nguyện dâng mình cho Đức Mẹ; các bức tranh để tô màu bằng 26 ngôn ngữ.

Nguồn gốc của sáng kiến cầu nguyện có từ năm 2005 tại Caracas ở Venezuela. Trong khi một nhóm trẻ em đọc kinh Mân Côi trong một đền thánh ở Caracas thì một số phụ nữ có mặt ở đó đã cảm nhận được sự hiện diện của Đức Trinh nữ Maria. Một người trong số họ đã nhớ lại lời hứa của cha thánh Piô: “Nếu một triệu trẻ em cùng nhau đọc kinh Mân Côi thì thế giới sẽ thay đổi”.

Sáng kiến này nhanh chóng lan sang các quốc gia khác và vào năm 2020, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các tín hữu tham gia chiến dịch.

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 27.9.2022


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 26.9.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon
 

NIỀM TỰ HÀO CỦA TÔI

 NIỀM TỰ HÀO CỦA TÔI

TGPSG -- Trong cuộc sống của bạn, điều gì làm bạn tự hào nhất? Có lẽ mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng cho mình, người thì tự hào vì sự nghiệp, công danh, người khác thì sắc đẹp, danh tiếng… Còn với tôi, câu trả lời tức khắc chính là gia đình.

Ba mẹ tôi cũng là nông dân như bao người, nhưng điều khiến một người con như tôi luôn hãnh diện và hạnh phúc, đó là ba mẹ tôi luôn yêu nhau trong niềm tin vào Chúa. Nhiều lần tôi thấy ba mẹ tôi cãi nhau rất lớn, tưởng rằng sẽ không nhìn mặt nhau cho đến cuối ngày. Ấy vậy mà đến giờ kinh tối, ai nấy lại lên phòng khách, ba vẫn bắt kinh và mấy mẹ con lại ngân nga câu kinh dâng Chúa.

Tôi thấy tình yêu hôn nhân tuyệt vời lắm, nhưng tuyệt vời hơn là khi có Chúa nâng đỡ và Mẹ Maria ở bên. Ước mong tình yêu của những người cha người mẹ trẻ hôm nay sẽ luôn sắt son và nồng thắm trong tình Chúa để những người con như tôi được lớn lên trong hạnh phúc và vươn đến Chúa là hạnh phúc trọn hảo.

Phạm Thị Phương Thùy (TGPSG) 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 26.9.2022


Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 85: BA CẢM ƠN CON


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 25.9.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

SÁU LÝ DO TẠI SAO CHÚNG TA LÀM DẤU THÁNH GIÁ

 

SÁU LÝ DO TẠI SAO CHÚNG TA LÀM DẤU THÁNH GIÁ

Bert Ghezzi

WHĐ (24.9.2022) - Là tín hữu Công giáo, rất nhiều khi chúng ta làm Dấu Thánh giá như một thói quen, và xem việc làm Dấu Thánh giá như là một cử chỉ đạo đức. Tuy nhiên, Kinh thánh, các Giáo phụ, các vị Thánh trong Giáo hội, và giáo huấn Công giáo đưa ra 6 quan điểm sâu xa về Dấu Thánh giá cho thấy lý do tại sao việc làm Dấu Thánh giá là một lời tuyên xưng đức tin, một lời cầu nguyện đầy sức mạnh, và một phương thế mở ra cho chúng ta những ân sủng.

1. Dấu Thánh giá, một Kinh tin kính ngắn gọn.

Là một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa như chính Ngài đã mạc khải, Dấu Thánh giá đóng vai trò như một dạng viết tắt của Kinh Tin Kính các Tông đồ.

Khi đưa tay chạm vào trán, vào ngực, vào vai, và trong một số nền văn hóa, chạm vào môi, chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Một cách cụ thể, chúng ta công bố niềm tin vào những gì Thiên Chúa đã thực hiện: sáng tạo muôn vật, cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, thiết lập Giáo hội, đem lại sự sống mới cho tất cả mọi người. Do đó, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta được nhắc nhớ về sự hiện diện của Thiên Chúa, và mở lòng đón nhận các hoạt động của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

2. Dấu Thánh giá, một sự làm mới lại phép Rửa.

Các Kitô hữu vào thế kỷ thứ nhất làm Dấu Thánh giá như một sự nhắc nhở và làm mới lại những gì đã diễn ra khi họ chịu phép Rửa. Cho tới nay, điều này vẫn đang hoạt động theo cùng một cách thế đối với chúng ta.

Khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tuyên xưng rằng trong phép Rửa, chúng ta đã chết với Chúa Kitô trên thập giá, và được sống một đời sống mới với Người (x. Rm 6, 3-4 và Gl 2, 20). Đồng thời, chúng ta cũng cầu xin Chúa làm mới lại nơi chúng ta những ân sủng của phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Một cách cụ thể, chúng ta nhìn nhận rằng phép Rửa đã kết hợp chúng ta với Đức Kitô và chuẩn bị cho chúng ta vai trò cộng tác với Người trong chương trình cứu độ.

3. Dấu Thánh giá, một dấu ấn của tư cách môn đệ.

Khi lãnh nhận phép rửa, chúng ta được thuộc về chính Đức Kitô qua Dấu Thánh giá được ghi trên mình chúng ta. Do đó, mỗi khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta từ chối chúng ta thuộc về chính mình, để tuyên bố rằng chúng ta thuộc về Đức Kitô và khẳng định lòng trung thành đối với Người (x. Lc 9, 23).

Các Giáo phụ đã dùng một từ tương tự đối với Dấu Thánh giá mà thế giới cổ đại sử dụng để chỉ quyền sở hữu. Cùng một từ đánh dấu tên của người chăn trên đàn cừu; hình xăm của một vị tướng trên binh lính; dấu hiệu của người chủ trên đầy tớ; và dấu ấn của Đức Kitô trên các môn đệ của Người.

Khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tự ký nhận rằng mình là chiên của Đức Kitô và hoàn toàn trông cậy vào sự chăm sóc của Ngài; là binh lính được giao nhiệm vụ làm việc dưới quyền của Đức Kitô để xây dựng vương quốc của Thiên Chúa ngay trên trần gian; và là đầy tớ để tận tâm chu toàn bất cứ điều gì mà Đức Kitô muốn chúng ta thi hành.

4. Dấu Thánh giá, một sự sẵn sàng chấp nhận đau khổ.

Đức Giêsu đã loan báo rằng đau khổ sẽ là một phần trong đời sống của người môn đệ (x. Lc 9, 23-24). Vì vậy, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta sẵn sàng vác thập giá của mình để đi theo Đức Kitô (Lc 9, 23), và mở lòng để đón nhận bất cứ đau khổ nào xảy đến với chúng ta.

Tuy nhiên, chính điều này cũng mang lại niềm an ủi khi chúng ta nhận ra rằng Đức Kitô, Đấng đã chịu Đóng đinh trên thập giá, cũng đang đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong mọi nỗi gian truân.

Hơn nữa, việc làm Dấu Thánh giá loan báo một chân lý khác đó là, giống như Thánh Phaolô, chúng ta mang lấy những đau khổ như là chi thể của Chúa Kitô, hầu góp phần vào công cuộc cứu độ, và mang lại lợi ích cho nhiệm thể của Người là Hội Thánh (x. Cl 1, 24).

5. Dấu Thánh giá, một vũ khí kép chống lại ma quỷ.

Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng vĩ đại trước sự dữ và ma quỷ (x. 1 Cr 2, 8). Do đó, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tuyên bố sự bất khả xâm phạm của chúng ta trước ảnh hưởng của ma quỷ. Nhưng, quan trọng hơn, Dấu Thánh giá cũng là một vũ khí tấn công giúp chúng ta hợp tác với Đức Giêsu trong việc bảo vệ vương quốc Thiên Chúa chống lại thế lực của bóng tối và sự dữ.

6. Dấu Thánh giá, một sức mạnh chiến thắng trên xác thịt.

Trong Tân Ước, từ “xác thịt” tổng hợp tất cả những khuynh hướng xấu xa của con người cũ vẫn còn tồn tại trong chúng ta ngay cả sau khi chúng ta chết với Đức Kitô trong phép Rửa (x. Gl 5, 16-22).

Giống như việc cởi bỏ một chiếc áo dơ bẩn, khi làm Dấu Thánh Giá chúng ta bày tỏ quyết tâm lột bỏ khuynh hướng xấu xa của mình để mặc lấy con người mới là những hành vi của Chúa Kitô (x. Cl 3, 5-15) và sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khí.

Các Giáo Phụ dạy rằng Dấu Thánh Giá phân tán sức mạnh của những cám dỗ mạnh mẽ như giận dữ và ham muốn. Do đó, chúng ta hãy làm Dấu Thánh Giá để thúc đẩy sự tự do của chúng ta trong Đức Kitô và có sức để chiến đấu và chiến thắng những tội lỗi đang bủa vây chúng ta.

***

Như thế, khi hiểu được 6 lý do sâu xa của việc làm Dấu Thánh Giá, chúng ta hãy ghi nhớ và nhắc mình mỗi khi thực hiện cử chỉ rất đơn giản và quen thuộc này,
  • để tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa;
  • để ghi nhớ rằng chúng ta đã chết với Đức Kitô trong phép Rửa;
  • để tuyên bố rằng chúng ta thuộc về Đức Kitô và luôn biết sống tư cách môn đệ;
  • để đón nhận bất cứ đau khổ nào xảy đến trong sự hiệp thông với Đức Kitô và Giáo hội;
  • để phòng thủ chống lại ma quỷ, mạnh mẽ chiến đấu cho vương quốc của Thiên Chúa;
  • để đóng đinh xác thịt của chúng ta vào thập giá, và mặc lấy chính Đức Kitô và bắt chước lối sống của Người.
Hy vọng rằng, khi ý thức để làm Dấu Thánh giá với lòng tin và sự kính cẩn, chúng ta nhận được những phúc lành, được biến đổi, và trải nghiệm những hoa trái trong đời sống Kitô hữu: cầu nguyện với tâm tình tha thiết hơn, chống lại những khuynh hướng xấu của mình một cách hiệu quả hơn, và tương quan với người khác cách ôn hoà, tử tế hơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com
(WHĐ)

GHI NHẬN ĐẠI HỘI ỦY BAN GIÁO DÂN TOÀN QUỐC LẦN II, 19-22/9/2022


GHI NHẬN
ĐẠI HỘI ỦY BAN GIÁO DÂN TOÀN QUỐC LẦN II
TẠI LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LAVANG
19-22/9/2022


Chiều thứ hai, ngày 19-09-2022, tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang, Tổng giáo phận Huế, hơn năm trăm tham dự viên gồm Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ ba Giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã quy tụ về dự Đại hội Ủy ban Giáo dân nhiệm kì XIV (2019-2022) với chủ đề “Người giáo dân trong Hội thánh hiệp hành”.

Lúc 19g30, toàn thể tham dự viên dọn lòng sốt sắng cùng rước kiệu thánh nữ Anê Lê thị Thành, bổn mạng Ủy ban Giáo dân, cùng lần chuỗi mân côi trước linh đài Đức Mẹ La Vang và cùng chầu Thánh Thể dâng tâm tình cuộc Đại hội.

Thánh lễ khai mạc Đại hội cử hành lúc sáu giờ sáng thứ ba được Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giáo phận Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam chủ tế; Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục Giáo phận Bà Rịa, Chủ tịch Ủy Ban Phụng tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cùng quý cha đặc trách Ủy ban Giáo dân (UBGD), quý cha đặc trách Ủy ban Giáo dân Giáo tỉnh, quý cha đặc trách Ủy ban Giáo dân Giáo phận đồng tế.

Trong ba ngày 20, 21 và 22-09 , Đại hội đã lắng nghe 9 bài tham luận của ba Giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà nội và ba chủ đề:
  1. Người giáo dân làm việc tông đồ: Cộng tác với các vị chủ chăn xây dựng Hội Thánh địa phương (vai trò và trách nhiệm của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ).
  2. Người giáo dân làm việc tông đồ: Tái Phúc Âm Hóa (Các Đoàn thể Tông đồ tham gia việc tìm kiếm và đưa dẫn những Kitô hữu lìa xa Chúa và Hội Thánh được trở về)
  3. Người giáo dân làm việc tông đồ: Tham gia tích cực sứ mệnh Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh.
Lần lượt các chủ đề được các vị giáo dân đại diện ba Giáo tỉnh trình bày qua các bài tham luận chia đều trong ba ngày đại hội. Sau những bài tham luận, đại hội được nghe những chia sẻ kinh nghiệm trong việc hoạt động tông đồ; những thắc mắc trăn trở của các tham dự viên được gởi đến các vị chủ chăn, và đặc biệt buổi tọa đàm dành riêng cho tất cả tham dự viên cùng chia sẻ tâm tình, kinh nghiệm, những khúc mắc trong việc hoạt động tông đồ.

Sau các bài tham luận, Đại hội được lắng nghe chia sẻ tâm tình mục tử qua Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Đức cha Giuse Trần văn Toản:

1- Đức cha Giuse, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế thánh hóa buổi tọa đàm và nhận xét, Đại hội quy tụ được 520 đại biểu là vốn quý, là hình ảnh một giáo hội tuyệt vời ở chỗ đi đâu mình cũng thấy như ở nhà, bình an. Tạ ơn Chúa, anh chị em đến đây trong tình hiệp thông và ra về trong tình hiệp thông trong vai trò là người giáo dân, hiện tình tích cực của giáo hội. Tin vào tình tương thân tương ái, dấn thân, xây dựng, để mở rộng đại gia đình Công giáo, chứng kiến hình ảnh một giáo hội tuyệt vời, vận hội mới, trang sử mới cần có sự ý thức vai trò của người giáo dân. Sứ mệnh được Chúa trao ban, trở thành thành viên của giáo hội với ba sứ mệnh. Đức cha giải thích lại các chức vụ và trong đó giáo dân là giáo hội, thành phần đa số. Giáo hội cần trật tự, phẩm trật. Thánh Phao-lô dùng hình ảnh cơ thể để diễn tả. Giáo dân giữ vai trò tham mưu, khẳng định vị trí bên cạnh cha xứ, không phải vai chủ động. Thượng hội đồng giám mục thế giới dạy cần phải biết lắng nghe. Hội đồng giáo xứ (HĐGX) chỉ có tính tham mưu, nói sao để cha xứ nghe là nghệ thuật hiệp hành. Nếu ta muốn việc phục vụ hiệu quả thì phải có nghệ thuật hiệp hành, phải nghe nhau. Mỗi vùng miền có quy định riêng, không nên đặt vấn đề cách so sánh. Vậy việc cần làm là làm sao có lợi cho cộng đoàn của ta. Khi chúng ta tham gia tổ chức HĐGX là nhắm đến lợi ích của cộng đoàn giáo dân, động lực tham gia là vô vị lợi, nhạy cảm với nhu cầu của cộng đoàn, công việc đồng hành giúp cha xứ nắm vững tình hình khu vực.

2- Qua các bài tham luận của ba Giáo tỉnh, Đức cha Emmanuel, Giám mục Giáo phận Bà Rịa làm sáng tỏ những thao thức về vấn đề truyền giáo trong tư cách tông đồ giáo dân hay một giáo dân bình thường cộng tác trực tiếp với cha xứ, với những vị đặt trách. Đức cha gợi ý để chính từng tham dự viên đang và muốn dấn thân vào sứ vụ, chính chúng ta, từ nhiều giáo xứ nhiều vùng miền khác nhau. Tùy từng người, tùy mức độ đón nhận, xác định mình đang làm gì và làm như thế nào? Đức cha nhấn mạnh rằng, Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho Hội thánh bước ra khỏi căn phòng của từng người, coi như lưỡi lửa đang đậu trên chúng ta qua UBGD, qua đại hội lần thứ hai này. Chúng ta hãy lắng nghe lời Thánh Thần hướng dẫn ta. Tái Phúc âm hóa và tân Phúc âm hóa cho chính mình trước, mình đã được biến đổi chút nào chưa, vậy thì quả mình dành cho người khác sẽ ngọt hơn, hãy xin Chúa đưa mình về với Ngài trước. Chưa kể nhiều khi ban hành giáo và HĐGX có mặt, có hiện diện trong nhà thờ nhưng chẳng có đi lễ, nhiều thành viên vô hội đoàn mà đi lễ, dâng lễ vẫn ít hơn giáo dân. Giới hạn khi tham gia công tác tông đồ, thi hành sứ vụ, rào cản nằm ngay dưới chân ta, như thiếu đôi dép dưới chân cũng giới hạn mình, tôi nói là tôi làm, điều kiện này điều kiện kia, chính mình trở thành rào cản. Khi tham gia, thực hiện hiệp hành toàn thấy lỗi nhau thì hiệp thông, thi hành sứ vụ như thế.

3- Trong lời mở đầu của Đức cha Giuse, Chủ tịch UBGD dâng lời tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ, thánh An-nê Lê Thị Thành vì một bầu khí hiệp hành. Ba sứ vụ Chúa Ki-tô truyền cho Giáo hội, đối tượng thứ nhất là những người cần chăm sóc mục vụ, đối tượng thứ hai là đã rửa tội nhưng cảm thức đức tin lung lay, không còn xưng tội, rước lễ, rối vợ/chồng, và đối tượng thứ ba là những người chưa đón nhận được Tin Mừng.

Đức cha đồng ý với chia sẻ của đại diện Giáo tỉnh Sài Gòn về trải nghiệm sống đạo, lí do sâu xa của những người xa rời là vì họ không còn cảm nghiệm, trải nghiệm được tình yêu Giáo hội đang ôm ấp, đang dành cho họ. Do đó thành viên của các đoàn hội phải có cảm nghiệm đó, rồi từ đó với ơn của Chúa Thánh Thần, cộng tác với Hội thánh bởi chúng ta là người được hoán cải trước. Cần cuộc gặp gỡ anh chị em như gương mẫu cuộc thăm viếng của Mẹ Maria đến nhà ông Dacaria, dù có khó khăn về thể lí, nhưng có tương quan với Chúa Giê-su trong lòng. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta nhận ra cảm nghiệm thiêng liêng của người thăm viếng và được thăm viếng. Đây là mô hình cho tông đồ giáo dân khi đi thăm viếng. Cứ yêu đi, cầu nguyện cho họ, hãy sống tử tế đừng trở thành cớ vấp phạm thêm cho người khác, phải biết khiêm tốn để tái phúc âm hóa chính mình.

Đức cha ghi nhận về giáo lý từ phần trình bày của vị đại diện Giáo tỉnh Hà Nội, học đối phó để lãnh nhận bí tích, và vì vậy hành trang bước vào đời sống chưa đủ. Lãnh xong Bí tích Thêm Sức là nghỉ, nếu một người trưởng thành chỉ hiểu biết như một thiếu niên thì sẽ ra sao. Giáo lý là giáo dục đức tin, đào sâu phải hướng tới cầu nguyện, các việc phụng tự và sống niềm tin đó. Nếu không ý thức bản năng trong bảy mối tội đầu thì sớm muộn sẽ bị cám đỗ. Loan truyền niềm tin là làm chứng niềm tin đó. Vậy xem ra có nhiều người trẻ lơ là, quên niềm tin của mình. Ngại bạn bè không dám làm dấu khi ăn cơm, không làm chứng đức tin ngay từ nhỏ. Bây giờ đến lượt chúng ta. Đức cha gửi gắm hình mẫu hai môn đệ trên đường Emmaus. Khi Chúa chết rồi, Chúa đi bên cạnh, dùng lời sưởi ấm, hiện diện bẻ bánh, gợi lại kí ức bẻ bánh, họ lập tức trở lại. Lời chúa, Thánh Thể, tương quan thân tình để họ nhận ra.

Đức cha nhấn mạnh về điểm mà vị đại diện Giáo tỉnh Huế chia sẻ đó là đời sống lời chứng và đời chứng, đời sống qua cầu nguyện, tương quan. Say mê Thiên Chúa mới làm được, Thiên Chúa là một ngôi vị gắn bó với chúng ta, lý tưởng cho cuộc đời của chúng ta. Gia tăng huấn luyện các đoàn thể.

Sáng thứ Năm ngày 22-9-2022 Quý Đức cha và quý cha đồng tế dâng thánh lễ bế mạc đại hội. Đức cha Chủ tịch UBGD gửi gắm tâm tình qua hai nhiệm kì XIII và XIV với hai cuộc đại hội lần lượt diễn ra tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu (nhiệm kì XIII) và Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang (nhiệm kì XIV), xin Đức Mẹ và thánh bổn mạng A-nê chuyển cầu cùng Chúa cho UBGD. Cuối lễ bế mạc đại hội, cha Antôn Hà Văn Minh, Thư ký UBGD/HĐGMVN, trưởng ban tổ chức Đại hội tỏ đôi tâm tình cảm ơn đến tất cả quý Đức Tổng, quí Đức cha, quí Cha đặc trách UBGD của 27 Giáo phận, quí tham dự viên, quí vị ân nhân, quí cộng tác viên và Đức cha chủ tịch… Và thật cảm động, khi Đức cha chủ tịch xin quí cha cùng với ngài cám ơn anh chị em giáo dân đã bỏ hết công việc nhà về tham dự Đại hội, nhờ đó Đại hội mới thành công tốt đẹp. Sau cùng Đức cha và cha trưởng ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương cùng với hình ảnh của toàn thể tham dự viên tham dự Đại hội cho quí cha, và quí vị đại diện giáo dân của từng Giáo phận để ghi nhớ một kỳ Đại hội tràn ngập niềm vui với tinh thần hiệp thông, tham gia và sứ vụ trong Giáo Hội hiệp hành.

Ban Thư ký Đại hội

WHĐ (24.9.2022)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 25.9.2022