Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

BỔ NHIỆM GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

 

BỔ NHIỆM GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

WHĐ (29.10.2022) - Hôm nay, ngày 29 tháng 10 năm 2022, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Thánh cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính toà giáo phận Thái Bình; đồng thời, bổ nhiệm Cha Đaminh Đặng Văn Cầu, linh mục thuộc giáo phận Thái Bình, làm Giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình.

Cha Đaminh Đặng Văn Cầu đang đảm trách chức vụ Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Tâm, giáo phận Thái Bình.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

* * * * *

Tiểu sử Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ
  •  Sinh ngày 15/1/1946 tại Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, thuộc tổng giáo phận Huế
  • 1965 - 1968: Học Triết học tại Hồng Kông
  • 1970 - 1974: Học Thần Học tại Giáo Hoàng học viện Ðà Lạt
  • Ngày 15/8/1965: Khấn trong dòng Salesien Don Bosco
  • Ngày 17/12/1973: Được truyền chức linh mục, dòng Salesien Don Bosco
  • 1976 - 1979: Cha giáo Nhà Tập của dòng Salesien Don Bosco
  • 1979 - 1991: Chánh xứ giáo xứ Xuân Hiệp, giáo hạt Thủ Ðức, tổng giáo phận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh
  • 1992 - 1997: Bề trên Giám tỉnh dòng Salesien Don Bosco Việt Nam.
  • 1997 - 2000: Giám đốc Học viện Thần học Salesien Don Bosco
  • 2000 - 2005: Giáo sư Ðại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội
  • 29/11/2005: Được Đức thánh cha Bênêdict XVI bổ nhiệm Giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu, hiệu tòa Ammaedara
  • Ngày 18/1/2006: Được truyền chức giám mục tại Nhà thờ Chính toà Bùi Chu, do Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm chủ phong, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể cùng phụ phong; khẩu hiệu Giám mục: “Xin cho tôi các linh hồn” (Da Mihi Animas).
  • Ngày 25/7/2009: Được Đức thánh cha Bênêdict XVI bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình
  • Ngày 1/9/2009: Tựu chức Giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình
  • Ngày 29/10/2022: Được Đức Thánh cha Phanxicô chấp thuận cho từ nhiệm
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã đảm nhiệm các trách vụ:
  • 2007 - 2010: Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
  • 2010 - 2019: Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
* * * * *

 Tiểu sử Linh mục Đaminh Đặng Văn Cầu
  • Sinh ngày 17/7/1962 tại giáo xứ Lương Đống, xã Đông Giang (nay là xã Hà Giang), huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thuộc giáo phận Thái Bình
  • 1971 - 1982: Tu học tại Tiểu Chủng viện Mỹ Đức
  • 1982 - 1989: Giúp việc tại Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
  • 1989 - 1995: Học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội
  • Ngày 09/3/1996: Được truyền chức linh mục tại giáo phận Thái Bình
  • 1996 - 2000: Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
  • 2000 - 2005: Du học tại Institut Catholique de Paris, nước Pháp; tốt nghiệp học vị Cao học Mục vụ Huấn giáo
  • 2006 - 2009: Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
  • 2009 - 2014: Chánh xứ giáo xứ Văn Lăng, giáo phận Thái Bình
  • 2014 - 2017: Đại diện Giám mục miền Hưng Yên kiêm Hạt trưởng giáo hạt Đông Hưng Yên, Chánh xứ giáo xứ Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, giáo phận Thái Bình
  •  Từ năm 2017 đến nay: Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Tâm, giáo phận Thái Bình
(WHĐ)

LỜI & ĐẤT HỨA: CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C - JERICHO


LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 19, 1-10)


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 30.10.2022


Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 29.10.2022
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 29.10.2022


GIỜ KINH MÂN CÔI GIA ĐÌNH THÁNG 10 NĂM 2022


 GIỜ KINH MÂN CÔI GIA ĐÌNH THÁNG 10 NĂM 2022

TGPSG - Ngót nghét tròn 13 năm tôi rời xa gia đình lên Sài Gòn học hành và làm việc. Tuy thi thoảng có về thăm nhà, nhưng ít khi tôi có dịp cùng người thân và xóm làng đọc kinh Mân Côi gia đình. Hôm nay, trong không khí đọc kinh liên gia tại quê nhà, vào đúng dịp tháng Mân Côi, bao kỉ niệm thời thơ bé chợt ùa về.

Thuở bé, lúc còn sống với ngoại, bà thường khuyên bảo tôi đi lễ 4g sáng mỗi ngày. Vào tháng Mân Côi, tôi phải đi đọc kinh luân phiên mỗi gia đình trong khu. Vì ngoại rất nghiêm túc trong việc giáo dục Đức Tin cho con cháu nên không có chuyện bỏ kinh, bỏ lễ vì những lý do không hợp lý.

Tôi được kể lại, vào năm 1997, thuở tôi lên năm, gia đình tôi chuyển đến sinh sống trong một xứ đạo thuộc giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai. Giáo dân nơi này đa phần là người gốc Cù Và, Quảng Ngãi di cư vào đây hồi sau giải phóng, dưới sự dẫn dắt của các linh mục.

Giáo dân ở đây có truyền thống giữ đạo sâu sắc và có lòng mộ mến Đức Mẹ cách đặc biệt: tháng Năm thì dâng hoa ở nhà thờ, tháng Mười thì đi đọc kinh Mân Côi từng gia đình (liên gia) theo từng khu nhỏ. Cũng nhờ thế mà gia đình tôi gắn bó với đời sống Đức Tin sâu đậm hơn.

Khi trưởng thành, tôi rời xa gia đình vào Sài Gòn học hành. Với khoảng cách 130 km, tôi ít về thăm nhà. Vì thế, bao mùa Mân Côi trôi qua, tôi đã không tham dự giờ kinh chung, nhất là những dịp đọc kinh tới phiên lượt tại gia đình tôi. Và cứ thế, 13 năm đã trôi qua thiếu vắng lời kinh nguyện nơi quê nhà.

Sau khi học xong, tôi tiếp tục ở lại Sài Gòn làm việc. Hiện nay, tôi đã lập gia đình và có một bé trai gần tròn hai tuổi. Vợ chồng tôi ở lại Sài Gòn làm việc, gởi con trai về quê nhà nhờ nội chăm sóc. Hằng tuần hai vợ chồng tôi về thăm con. Vì lẽ đó, mà khi mùa Mân Côi năm nay đến, tôi lại có dịp được hưởng ân sủng của giờ kinh chung này.

Tôi nhờ mẹ xin phép trong xóm đạo cho được "nhảy cóc", dời lịch đọc kinh nhà tôi vào ngày cuối tuần, để khi hai vợ chồng tôi về thăm nhà được tham dự giờ đạo đức truyền thống này. Vợ tôi là người đạo theo nên đây là dịp để cô ấy hiểu thêm về những việc đạo đức bình dân của người Công giáo Việt Nam.

Để chuẩn bị cho giờ kinh thêm phần sốt mến, tốt đẹp, gia đình tôi đã sắp xếp lại bàn thờ, trang trí hoa nến, dọn dẹp sân nhà để cộng đoàn ngồi thoải mái khi nguyện kinh và trà nước bánh kẹo chuyện trò sau khi kết thúc. Trong khi chuẩn bị, những ký ức ngày xưa lại ùa về trong tôi.

Ngày đó, bọn trẻ chúng tôi hay đi khắp xóm để xin hoa vì nhà ai cũng có trồng vài cây trước nhà. Chỉ cần rảo bước qua vài nhà là chúng tôi đã có một bó hoa đầy đủ sắc màu. Nay nhìn lại, hầu như không còn mấy nhà trồng hoa nữa. Ai cần mua hoa gì thì cứ ra chợ.

Rồi chuyện đi mượn ghế. Tuy là một nhóm nhỏ nhưng cũng đến vài ba chục gia đình nên số lượng người đọc kinh có khi đến 50 người. Không nhà nào mua đủ ghế như thế nên mỗi khi nhà nào tổ chức đọc kinh cũng phải đi gom mượn ghế trong xóm.

Ngày đó, hầu như nhà nào cũng ghế ván hay ghế gỗ tự đóng lấy. Một băng ghế ngồi tầm năm người, nên việc đi mượn ghế cũng khá vất vả, hai người khiêng một ghế và phải khiêng nhiều lượt mới đủ. Ngày nay đã khác, nhà nào cũng có ghế nhựa đủ loại nên tiện lợi hơn rất nhiều.

Ngày ấy, đường thôn quê là đường đất nên mỗi khi trời mưa là đường xá sình lầy, trơn trượt, gây nhiều trở ngại. Thời điểm tháng Mười trời hay mưa nên nhiều khi đang đọc kinh yên lành bổng dang dở, kéo nhau vào trong nhà trú mưa, đứng ngồi chật ních. Giờ thì không còn thấy cảnh ấy nữa vì mọi thứ đã hiện đại hoá, nhà nào cũng có mái che vững chãi, đường xá được bê tông hóa.

Ngày ấy, tuy khó khăn là thế, nhưng giờ kinh luôn sốt mến, trang nghiêm.

Hôm nay, ở vai trò là trưởng trong gia đình, tôi phải đảm nhận mọi việc như: tiếp đón cộng đoàn, chuẩn bị nhang đèn, chọn bài Tin Mừng, khởi động giờ kinh, đọc Tin Mừng, ... Nhớ ngày xưa bé ấy, anh em tôi hay luân phiên nhau đọc sách và khi đi đọc kinh từng gia đình, tôi hay hăng hái xung phong đọc nếu như gia đình nào đó không có người đọc.

Tuy bao năm xa vắng nhưng trong suốt giờ kinh, sự quen thuộc từng chút từng chút lại chợt về với tôi. Nào là lời kinh cầu Đức Bà, nào là lời Kinh thơ Mân Côi quen thuộc mà năm nào tôi hay đọc huyên thuyên.

"Hôm nay lớn mọn đều chầu,
Cảm ơn trọng Đức Bà thương đoái,
Truyền phép Mân Côi,
Cách nhiệm hết loài người"

(Kinh Thơ Mân Côi).

Cuộc sống xa quê đã làm cho tôi trễ nải, thờ ơ trong việc đạo đức kinh nguyện, nên đây cũng là dịp tôi nhìn lại đời sống thiêng liêng của chính mình. Tôi phải luôn ý thức và nhắc nhở bản thân: mình không chỉ là trụ cột trong gia đình về đời sống xã hội, mà còn trong đời sống thiêng liêng nữa. Luôn có Chúa và Mẹ Maria trong đời sống sẽ giúp gia đình chúng tôi tìm thấy nguồn sức mạnh vô biên giúp chúng tôi vượt qua biển đời đầy bão táp này.

Paul Hữu Nghĩa (TGPSG)
(WGPSG) 

SUY GẪM VỀ THIÊN TAI & SAN SẺ


SUY GẪM VỀ THIÊN TAI & SAN SẺ

TGPSG -- Ta đã biết đến miền Trung, mảnh đất không được thiên nhiên ưu ái, luôn phải hứng chịu những trận bão lụt, mưa to gió lớn. Mới trong tháng này đây, TP Đà Nẵng lại phải gánh chịu cơn lũ kinh hoàng ập đến, người dân không kịp trở tay, đã có thiệt hại đáng buồn về người. Riêng thiệt hại kinh tế của người dân chắc chắn là quá lớn, chưa thể đong đếm được. Vô kể xe máy, ô tô chết máy hư hỏng nằm la liệt trên phố… 

Nhìn những đống rác ven đường là đồ đạc hư hỏng của người dân, những công trình hư hại… thì sẽ hình dung được phần nào mức độ thiệt hại sau một trận ngập đô thị. Vài tiếng sau mưa, những con đường của thành phố Đà Nẵng như biến thành sông. Đến nửa đêm, có người dân vẫn phải đứng ngoài đường. Mưa chỉ vài tiếng trong đêm ngày 14, nhưng vài ngày sau, nhiều khu dân cư vẫn ngập nước, rác lẫn với đồ đạc trôi khắp nơi. 

Không ai ngờ rằng, Đà Nẵng, một thành phố được xếp vào bậc cao trong nước, lại có thể tan hoang đến vậy sau trận mưa lớn. Một người bạn của tôi ở nước ngoài, quê gốc Đà Nẵng sau khi nắm thông tin đã phải thốt lên: “Kinh khủng quá! Thật không thể tin nổi sau một trận mưa!”

Ảnh nguồn: Dantri

VN ta mỗi năm hứng chịu rất nhiều thiên tai bão lũ, tuy nhiên tinh thần tương thân tương ái của người dân chưa bao giờ kém nhiệt, bằng nhiều cách vẫn hỗ trợ nhau, hỏi thăm nhau hay cầu nguyện cho nhau vượt qua sự cố thiên tai. 
 
Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện về Mẹ Têrêsa Calcutta: Có một dịp, khi Mẹ Têrêsa đem rá gạo đi vo để nấu cơm cho cả nhà ăn thì có một người đến gặp và nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, gần đây có một gia đình có tám đứa con mà cả tuần nay họ chẳng có gì ăn cả.”

Lập tức Mẹ bưng rá gạo đi theo người đàn ông đến nhà đó. Khi bước vào túp lều lụp xụp, Mẹ gặp những khuôn mặt xanh xao và cơn đói lúc đó đang hành hạ họ, Mẹ trao hết rá gạo cho bà ta. Bà này cảm động nhận rá gạo, rồi lập tức ngồi xuống chia rá gạo làm hai phần. Bà bưng một nửa đi... Một lúc sau bà trở lại. Mẹ Têrêsa ngạc nhiên hỏi :

- Bà đi đâu vậy? Bà đem rá gạo cho ai?

Không chút do dự bà ấy nói:

- Họ cũng đói lắm.

- Nhưng họ là ai ?

- Họ là những gia đình Hồi giáo, họ cũng có những đứa con đói khổ như con, họ ở bên kia đường, họ cũng chẳng có gì ăn cả...

Câu chuyện khiến tôi suy nghĩ và nhận ra rằng: nếu ở trong hoàn cảnh này, có lẽ tôi sẽ không làm được như người đàn bà đó vì tình thương mình chưa đủ lớn.

Lòng tôi chợt vang lên một đoạn của bài hát “Điểm Hẹn Thầy” mà tôi từng đi diễn nhiều nhà thờ trong đó có đoạn:

Thầy hẹn con trong dòng nước lũ
Cùng niềm đau tan cửa mất nhà
Thầy hẹn gặp con khắp chốn quê nhà
Phủ đầy đời nhau với những tấm lòng
Cho đi, trao đưa
San sẻ yêu
thương…

“Ai cho anh em uống một chén nước vì anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41)

Lạy Chúa, xin thương ban cho con một trái tim quảng đại biết yêu mến và biết xót thương. Xin dạy con biết đối xử với anh em bằng tình thương chân thành. Xin cho con một quả tim bén nhạy để kịp thời nhận ra những thiếu thốn, những nỗi đau khổ nơi anh em con. Xin cho con đừng bao giờ bỏ qua một dịp sống bác ái mà phải mau mắn tỏ lòng thương xót anh em. Amen.

Phêrô Luân Đôn (TGPSG)

ĐẠI HỘI ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH NĂM 2022 NGÀY THỨ NHẤT


ĐẠI HỘI ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH NĂM 2022
 NGÀY THỨ NHẤT
Ban Thư Ký Đại Hội

WHĐ (28.10.2022) - Bắt đầu ngày làm việc thứ nhất, dựa trên chủ đề của đại hội: “Tình yêu gia đình: Ơn gọi và con đường nên thánh”, quý đại biểu đã được lắng nghe những trải nghiệm của Đức Cha Chủ Tịch về Đại Hội Gia Đình tại Rôma, diễn ra từ ngày 22-26/6/2022, mà ngài tham dự trong vai trò trưởng phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Cảm nghiệm sâu xa nhất đối với Đức Cha Chủ Tịch là bầu khí gia đình của Đại Hội, bởi tham dự viên hầu hết là các gia đình đến từ 120 quốc gia trên thế giới. Ngoài những phần thiết yếu như huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi khai mạc với lễ hội gia đình cũng như bài giảng trong thánh lễ bế mạc Đại Hội; lời khai mạc và chào mừng các đại biểu của Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và sự hiện diện của Đức Hồng Y Angelo de Donatis, Giám Quản Giáo Phận Rôma, phần dẫn chương trình, các bài thuyết trình, các chứng từ cũng như các hoạt động khác đều được thực hiện bởi các gia đình. Để giúp các tham dự viên của đại hội cảm nghiệm được phần nào những trải nghiệm từ Đại Hội Gia Đình tại Rôma, Đức Cha Chủ Tịch đã nhắc đến 5 chứng từ của các gia đình, được chính những người đã sống kinh nghiệm ấy trình bày:
  • chứng từ về sự khác biệt tôn giáo và đau khổ vì người cha bị sát hại;
  • chứng từ về một gia đình Ucraine đến Italia tị nạn do chiến tranh, với thông điệp đón tiếp gia đình tị nạn là đón tiếp Chúa;
  • trải nghiệm về sự hy sinh tính mạng của một người mẹ để cứu lấy mạng sống người con;
  • chứng từ của một gia đình quyết định đi đến hôn nhân bí tích sau 10 năm chung sống và đã có 4 người con, với thông điệp hôn nhân không là điểm đến, nhưng là điểm khởi hành;
  • và chứng từ về hoa trái của mục vụ gia đình trong việc giúp các đôi hôn nhân vượt qua khó khăn, thử thách.
Qua giờ chia sẻ này, Đức Cha Chủ Tịch một lần nữa khẳng định tinh thần và bầu khí của Đại Hội phải là sự gặp gỡ và lắng nghe các gia đình và trong bầu khí gia đình. Những suy tư, cảm nghiệm, lời kể và cả “thần thái” của Đức Cha đã giúp cho các tham dự viên cảm thấy như được thông dự, được truyền thêm lửa tình yêu vào các gia đình và nhờ đó họ được thôi thúc dấn thân với Giáo Hội, cách riêng với Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình, trong việc phục vụ các gia đình, để làm cho vẻ đẹp rạng rỡ của tình yêu hôn nhân được biết đến.

Đoàn Việt Nam tham dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới
lần thứ X tại Roma từ ngày 22-26/6/2022

Tiếp đến, Đức Cha Chủ Tịch đã giúp Đại Hội học hỏi Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2022. Trong giờ hướng dẫn này, ngài nhấn mạnh đến việc củng cố hiệp thông các gia đình, các giáo xứ, các tổ chức bằng việc sống Lời Chúa, sống mầu nhiệm Thánh Thể, sốt sắng cử hành và tham dự phụng vụ và thực thi đức ái trong gia đình.

Trong vai trò là Thư ký của Ủy Ban, và cũng đại diện cho linh mục của Giáo Hội Việt Nam tham dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ X, Cha Giuse Hà Đăng Định đã trình bày tổng quát về Đại Hội Gia Đình tại Rôma. Với những gì trải nghiệm từ Đại Hội Gia Đình tại Rôma, Cha Thư ký đã chia sẻ những cảm nghĩ cùng những bận tâm của ngài trong lãnh vực mục vụ gia đình.

Cũng là những đại biểu tham dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới, anh chị Gioan Baotixita Thiện và Anna Cúc, Tổng Giáo Phận Sài Gòn và nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, Dòng Đa Minh Thánh Tâm, đã tiếp nối phần chia sẻ cảm nghiệm của mình về Đại Hội Gia Đình tại Rôma mà họ đã được tham dự. Mỗi người mỗi trải nghiệm khác nhau, nhưng cùng chung một tâm tình đó là được hít thở bầu khí gia đình tại Giáo Đô.

Để giúp các tham dự viên có nhiều cơ hội lắng nghe cũng như kiến tạo mối liên kết giữa những người dấn thân mục vụ gia đình, Ban Tổ Chức của Đại Hội đã dành thời gian quý giá sau giờ cơm tối, để lắng nghe những chia sẻ, những khó khăn, những thao thức cho lãnh vực mục vụ gia đình từ các tham dự viên.

Kết thúc ngày làm việc thứ nhất của Đại Hội, các tham dự viên đã quây quần bên Thánh Thể Chúa để cùng tạ ơn về một ngày làm việc đã qua và cùng nhau cầu nguyện cho các gia đình.

(WHĐ)