Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 21.11.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ 2022

 
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON 2022

TGPSG - “EXODUS- Cùng nhau lên đường”. Đó là chủ đề Đại Hội Giới Trẻ TGP Sài Gòn, diễn ra vào chiều thứ Bảy ngày 19-11-2022, tại Nhà thờ Đồng Tiến, địa chỉ 54 Thành Thái, phường 12, Quận 10. Đại hội quy tụ hơn 2000 bạn trẻ, quý tu sĩ nam nữ, các bạn trẻ của các Giáo xứ trong TGP, cùng các nhóm trẻ, các bạn sinh viên Công Giáo… đã đến gặp gỡ nhau, giao lưu và học hỏi qua những chương trình workshops có các thuyết trình viên trình bày và thưởng thức các ca khúc điệu vũ vui tươi do các ca sĩ, nhóm ca, nhóm nhạc trình bày. Trên hết, các bạn gặp gỡ Chúa và được sai đi làm chứng cho Chúa giữa cuộc sống hôm nay.


Diễn tiến ngày đại hội hôm nay gồm các phần sau: 

1. Cùng nhau phân định

Từ 11g30, sân Nhà thờ Đồng Tiến đã có các bạn trẻ “check in”, chụp hình kỷ niệm trước chủ đề, trải nghiệm không gian của đại hội qua các gian hàng triển lãm, các sản phẩm, các chương trình, dòng tu, ơn gọi: ơn gọi Trợ Tá Tông Đồ, nhóm Talithakum, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhóm Emmanuel, các nhóm thiện nguyện trẻ, Catholic Design và nhiều nhóm khác.

Ngoài việc tham quan, tìm hiểu các bạn còn nhận được những phần quà ý nghĩa như sâu chuỗi, túi đựng, những thông tin cần thiết, được uống cà phê, nước giải khát miễn phí.

Từ 13g30 đến 15g, qua chương trình workshops các bạn trẻ cùng khám phá chính mình, để phát triển bản thân, thấy được con người mình và định hướng lại chọn lựa theo Chúa. Chính chúng ta sẽ làm nên điều kì diệu trong cuộc sống, qua khả năng của mình, với những gì Chúa ban.

Các thuyết trình viên giúp các bạn nhận ra biết bao điều tốt đẹp từ cuộc sống, và mỗi người sinh ra trong đời đều có ơn gọi yêu thương. Cuộc đời không thiếu sóng gió, chỉ cần ta vững tin vào Chúa, thì sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách gian nan.

Các bạn trẻ đã tham dự 1 trong 4 workshops ở các địa điểm khác nhau trên lầu 2 hội trường Giáo xứ và một workshops trong Nhà thờ.
  • OPEN YOUR MIND - MỞ TRÍ
  • OPEN YOUR HEART - MỞ TIM
  • OPEN YOUR EARS - MỞ TAI
  • OPEN YOUR HANDS - MỞ TAY
2. Cùng đến với nhau.

Khoảng 16g, với sự dẫn dắt chương trình của hai MC Minh Hải và Hoài Ân. Lm Gioan Lê Quang Việt tuyên bố khai mạc đại hội và nói lên ý nghĩa của ngày đại hội. Lúc này, các bạn đã tập trung trước sân khấu trung tâm để sinh hoạt tham gia những phần ca múa hát, mở màn là vũ điệu bài hát chủ đề.

Sau đó là đúc kết các workshops, các nhóm nhạc, ca sĩ trình diễn những ca khúc vui tươi xen kẽ chương trình.

3. Cùng nhau gặp Chúa.


Tiếp theo, các bạn tham dự đại hội chào mừng vị cha chung của TGP. Đức TGM Giuse Nguyễn Năng cùng với Linh mục Gioan Lê Quang Việt - Trưởng ban MVGT. TGP hiện diện trên sân khấu.



Đức TGM mời gọi mỗi người trẻ hãy đốt lên trong lòng ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa Tin mừng và cùng nhau chia sẻ ngọn lửa đó cho người khác.

 
Các bạn trẻ thể hiện sự cám ơn Đức TGM bằng một biểu cảm thật dễ thương, “bắn tim, thả tim” cho ngài.

Đỉnh cao của đại hội là cuộc cung nghinh Thánh Giá và Thánh lễ trọng thể - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, diễn ra vào lúc 17g30 trong Nhà thờ.

Đức TGM Giuse chủ tế, cùng đồng tế với ngài còn có một số linh mục. 
 
 

Giảng trong thánh lễ, Đức TGM khai triển: Mỗi người chúng ta có một khả năng, mỗi người phải độc đáo, đừng là bản sao của người khác, đừng bắt chước người khác, cần phát huy điều tốt đẹp của bản thân.

Để nhờ đó, trong cuộc đời chúng ta biết đầu tư cho đúng. Có người đầu tư vào nhà đất, đầu tư việc học hành, phát triển con người của mình.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh sử Luca kể. Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, có hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh như Ngài. Nhưng hai tên trộm đã đầu tư sai, khi cùng chịu đóng đinh với Chúa thì một người đã sửa sai, biết mình đầu tư sai, nên sửa sai. Anh ta nói với Chúa bằng cả tấm lòng của mình: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ say mê các phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại. Internet là mạng lưới toàn cầu, mở ra với thế giới, và mọi người, kết nối nhau, đừng để nó thành cái lưới, chụp mình, giam hãm, thành nô lệ cho kỹ thuật, máy móc, ngày nào cũng quan tâm xem FB có bao nhiêu lượt xem, bao nhiêu người quan tâm, thích, chia sẻ…

Chúng ta hãy sử dụng cuộc đời mình với những gì Chúa ban, sao cho tốt đẹp nhất. Điều quan trọng nhất là biết đầu tư cho những gì thiêng liêng. Thường những điều không thấy mới quan trọng. Đừng đầu tư cho những gì chóng qua. Cuộc sống chúng ta phải có Chúa trong lòng, tin tưởng vào Ngài. Đi con đường của Chúa đi, tin vào Chúa, bắt chước Đức Mẹ, vội vã lên đường.

Đức Mẹ cũng là người trẻ, Đức Mẹ từ bỏ kế hoạch đời mình, để đón nhận Chúa vào đời mình, lòng đầy Chúa và sẵn sàng đi ra khỏi chính mình, thoát khỏi những gì đang giam hãm mình, nhanh chóng đi đến với anh chị em.


Chúng ta ra khỏi mình để đến với người khác, và như thế cuộc đời người trẻ chúng ta được phong phú, tràn đầy sức sống, luôn được bình an vui tươi.

Trước khi kết thúc thánh lễ, anh Giuse Nguyễn Hữu Đại – đại diện các bạn trẻ đã có những tâm tình tri ân Đức TGM, quý linh mục đồng tế, các anh chị cộng tác viên, các nhóm, đoàn thể, HĐMVGX Đồng Tiến và các bạn trẻ tham dự.

Đáp từ, Đức TGM cầu chúc và ước mong các bạn trẻ “nóng lên”, rạo rực hơn, được chính Chúa thúc đẩy, như Đức Mẹ, để có thể “đốt cháy” mình và “đốt cháy” người khác, đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho những người chung quanh, những người khó khăn túng thiếu, đang chán nản, mất hết niềm hy vọng cần chúng ta chia sẻ nâng đỡ. Đức TGM chúc các bạn trẻ một buổi tối thật vui và ý nghĩa.

4. Cùng nhau liên đới

Sau thánh lễ, khoảng hơn 19g, mở màn là nhạc cảnh Môisê, con người và sứ vụ của ông. Cuộc Xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập. Câu chuyện ông Môisê, câu chuyện vượt biển đỏ của dân Israel ngày xưa cũng là câu chuyện của người trẻ. Đây là cơ hội cho các bạn thêm một lần nữa cảm nghiệm tình thương che chở của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Các bạn trẻ tiếp tục tham dự các chương trình ca múa nhạc làm cho sân khấu trung tâm nóng lên, nhưng cũng đầy những cung bậc cảm xúc, khi cùng nghe, cùng lắng đọng lòng mình qua những bức tâm thư của người trẻ về cuộc sống của mình, giữa những lúc các bạn lung lay chao đảo trong lòng tin vào Thiên Chúa. Chương trình Got Talent 1,2,3 những bài ca.


  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
5. Cùng nhau lên đường.

Bầu không khí trở nên thánh thiêng sâu lắng hơn, qua việc Cung Nghinh Thánh Thể trong khuôn viên Nhà thờ. Các bạn trẻ chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể, Tình yêu Thiên Chúa, cùng nhau cảm tạ, chúc tụng tình thương của Chúa qua sự tự hiến đến tận cùng của Chúa Giêsu Kitô, là Bánh Ban Sự Sống, là thần lương diệu kỳ, để các bạn dừng lại, cùng nhau cầu nguyện, quyết tâm sống tinh thần hiệp hành Giáo hội đang gọi mời mọi thành phần dân Chúa.Người trẻ cùng đi với nhau trong việc làm chứng loan báo Tin mừng Yêu Thương của Chúa.

Xin cho cuộc đời các bạn luôn thắm tươi, các bạn luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa, qua công việc học hành và làm việc, hay vui chơi giải trí, để dù có khó khăn thử thách các bạn vẫn không ngại lên đường, nhưng biết đặt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, Vua muôn Vua, và cũng là Vua của lòng trí mỗi người.

Đại hội kết thúc sau những lời sai đi và mời gọi dấn thân của Lm Gioan Lê Quang Việt, Trưởng ban MVGT. TGP Sài gòn và những điệu múa khép lại ngày hội. 
 
 
 


Bài & Ảnh: MVTT hạt Phú Thọ (TGPSG)

(WGPSG)

5 ĐIỀU MỖI GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO CẦN BIẾT

5 ĐIỀU MỖI GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO CẦN BIẾT

Jonathan Doyle

WGPVL (19.11.2022) - Những sự đánh giá, các cuộc hội họp, những thời hạn kết thúc (deadline) và sự tù túng có thể nhanh chóng kết hợp với nhau để khiến bạn tự hỏi tại sao bạn lại quay cuồng với công việc trong cái vòng lẩn quẩn như thế! Khi gặp phải tình trạng đó hằng ngày, dưới đây là năm ý tưởng đơn giản giúp bạn tiếp tục công việc giảng dạy của mình.

1. Ơn gọi (vocare)

Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hay đúng hơn, Thiên Chúa đã biết từ muôn thuở rằng bạn sẽ có những kỹ năng, tài năng và niềm đam mê nhất định để phục vụ những người trẻ tuổi và thế giới. Ý tưởng về ơn gọi thường có thể là một câu thần chú đã lỗi thời trong nền giáo dục Công giáo, vì vậy chúng ta cần tạo lập lại mối liên kết với ý tưởng này. Ơn gọi (vocation) bắt nguồn từ tiếng Latinh, vocare, có nghĩa là “rút khỏi” hoặc “rút ra”. Nó giống như ý tưởng về một cái xô được thả xuống để lấy nước từ một cái giếng sâu mát lạnh. Ơn gọi của bạn rút ra từ bạn những kỹ năng và tài năng mà Thiên Chúa muốn bạn sử dụng. Nó cũng cho phép bạn “rút ra” những điều tốt đẹp và khả năng bên trong những học sinh của mình. Khi cảm thấy mệt mỏi và tan vỡ, bạn hãy nhớ rằng có điều gì đó to lớn hơn đang diễn ra. Ơn gọi của bạn là một phần không thể thiếu trong cách thức để Thiên Chúa cứu chuộc thế giới. Một sự giao thoa cùng lúc giữa kết hoạch sư phạm và khuôn viên học đường.

2. Sự sai đi của Thiên Chúa (Missio Dei)

Bạn đã được chọn để được sai đi. Ơn gọi (vocare) của bạn dẫn đến một thuật ngữ Latinh khác gọi là Missio Dei, được dịch là “sự sai đi của Thiên Chúa”. Thiên Chúa đã trao ban cho bạn những tài năng, khả năng đặc biệt và cả niềm mong ước được chăm sóc cho những người trẻ vì Người muốn sai bạn đến với họ như một nhà truyền giáo (missionary). Với tư cách là một nhà truyền giáo, bạn đang được sai đi vào chính trung tâm đời sống của những người trẻ vào một thời điểm mang tính đào tạo rất lớn trong hành trình của họ. Bạn mang đến cho họ những tin tức tốt đẹp về việc họ là ai, họ từ đâu đến và họ đang hướng về đâu. Bạn là một phần trong một kế hoạch lớn lao hơn nữa.

3. Phẩm giá con người

Đề tài tranh luận gay gắt vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI diễn ra xung quanh ý nghĩa và phẩm giá của con người. Trong các cuộc hội thảo dành cho nhân viên của mình, tôi đã nói về thực tế là 10 triệu người đã chết trong cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust) vì một quan niệm tàn ác về việc ai mới là con người và không là con người. Thông điệp lớn lao của Công giáo cho thiên niên kỷ mới là mỗi con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Ý nghĩa, giá trị và phẩm giá của con người bắt nguồn từ chân lý đó và từ sự thật rằng Đức Kitô đã nâng cao bản chất con người của chúng ta bằng cách đón nhận thân phận con người và chết cho chúng ta. Trọng tâm sứ mạng của bạn là lời kêu gọi nhìn thấy con người của Đức Kitô nơi mỗi học sinh và mỗi đồng nghiệp tại nơi làm việc của bạn. Hãy nghĩ về học sinh hoặc đồng nghiệp mà bạn ít quý mến nhất. Đức Kitô đã chết cho họ. Thiên Chúa muốn họ được sống. Việc giảng dạy của bạn sẽ hiệu quả khi bạn có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, cách riêng là trong mỗi học sinh.

4. Chăm sóc bản thân

Hãy chăm chút cho mình! Hãy chú tâm dành thời gian để phục hồi, lấy lại cân bằng, tận dụng thời gian rãnh rỗi, sự thảnh thơi và việc chăm sóc bản thân. Đừng kiểm tra email vào ban đêm. Hãy tắt thiết bị điện. Dạy học là công việc mệt mỏi, đòi hỏi khắt khe và đầy thử thách nhất trong cuộc sống và hầu hết các giáo viên đều ít chú trọng đến việc tự chăm sóc bản thân. Đừng rời khỏi bàn làm việc mà không lên kế hoạch nghiêm túc cho một vài biện pháp, thói quen, sở thích, những môn thể thao hoặc trò tiêu khiển, những điều thường có thể giúp phục hồi tâm hồn của bạn. Hãy thực hiện điều đó cho chính mình. Hãy làm điều đó cho chính gia đình của bạn, cho những người phải sống chung với bạn, và hãy làm điều đó cho các học sinh và nhân viên đang túc trực trong văn phòng với bạn khi bạn cảm thấy kiệt sức.

5. Trường học và Giáo Hội

Nền giáo dục Công giáo không tồn tại bên ngoài Giáo Hội. Cho dù bạn có ở đâu trong mối tương quan với Giáo Hội đi nữa, thì bạn cũng cần phải nhận thức về điều này. Giáo Hội, ít nhất là phần về phía con người đối lại với thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô mà chúng ta còn gọi là Giáo Hội, vốn không hoàn hảo. Bất cứ điều gì mang yếu tố con người trong đó thì sẽ không bao giờ có được sự hoàn hảo. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy trưởng thành và thôi trông mong sự hoàn hảo từ phía con người. Điều đó cho thấy rằng, khả năng để bạn thực sự trở thành giáo viên như ý Thiên Chúa muốn sẽ phụ thuộc vào việc bạn rút ra được từ những nguồn sâu xa bên ngoài bản thân bạn. Sự thinh lặng, cầu nguyện và Thánh lễ hoàn toàn là trung tâm của sự nghiệp giáo dục Công giáo. Thế nhưng, nhiều trường học Công giáo thậm chí không còn tổ chức Thánh lễ âm thầm cho nhân viên một ngày mỗi tuần. Điều này phải thay đổi. Hãy lội ngược dòng. Đừng chờ đợi những người khác thay đổi xung quanh bạn. Hãy thinh lặng, hãy đến với những khoảnh khắc của âm thầm cầu nguyện và khẩn thiết tìm kiếm nguồn nuôi dưỡng siêu nhiên của Thiên Chúa cho ơn gọi của bạn qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta là người Công giáo và Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc và tột đỉnh của đức tin chúng ta.

Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hãy cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho sứ vụ đặc biệt của bạn từ đây về sau.

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
(WHĐ)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÂNG LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ 2022

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 20.11.2022


Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

XIN TẠ ƠN NGƯỜI

XIN TẠ ƠN NGƯỜI

TGPSG – Tôi được sinh ra trong lúc cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Cha mẹ tôi là người thành thị, buộc phải rời phố về quê trong thời mà nhiều gia đình phải đi kinh tế mới. Cả hai phải vất vả làm việc suốt ngày mà vẫn không đủ sống nên phải gởi hai anh tôi cho bà ngoại nuôi.

Khi tôi lên ba, cha tôi đi ruộng về hái được trái chùm bao, trái cà chín cây,… hoặc lượm được củ khoai còn sót trên ruộng, cái trứng chim, trứng vịt đẻ rớt ngoài đồng… đều gói ghém lại đem về cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ mãi ánh mắt lấp lánh niềm vui của ông khi nhìn tôi ăn các trái cây chín một cách ngon lành. Hết ngày làm ngoài đồng, ông tắm rửa sạch sẽ rồi leo lên võng nằm, ẵm tôi lên để ngồi trên bụng. Hai cha con nói chuyện vui vẻ với nhau trong khi chờ mẹ tôi dọn cơm. Cơm thường chỉ có chút rau luộc, một chút tép rong và cá nhỏ kho chung với nhau, nên bay hết cái vèo sau chén cơm đầu tiên. Tôi thỉnh thoảng còn được thêm cái trứng luộc, cha mẹ tôi chỉ có cơm và chén nước mắm là hai món chính, không bao giờ thiếu. Sau này, khi mẹ tôi nuôi được bầy gà thì bữa ăn có chất hơn.

Mẹ tôi suốt ngày lo mượn sân xi măng nhà người ta lo phơi lúa hay phơi đậu tùy theo mùa vụ. Khi đậu khô mới được ngồi ở nhà lo lựa đậu. Trưa nếu có cha tôi về thì ông dẫn tôi qua cầu khỉ rồi đưa gào mên cơm cho tôi đem cho mẹ. Không có cha thì tôi đứng bên này cầu đợi có ai đi ngang nhờ dẫn qua dùm.

Có một điều mà hai mẹ con luôn làm chung với nhau không bỏ ngày nào, đó là việc lần chuỗi Môi Khôi. (Nghe mẹ tôi nói từ lúc tôi còn trong bào thai, mẹ tôi một tay cầm chuỗi, tay kia đặt trên bụng để tôi cùng hiệp thông với mẹ.) Bốn tuổi tôi đã có thể thuộc kinh để hai mẹ con luân phiên đối đáp với nhau. Cha tôi thì lúc lần chuỗi lúc không, vì làm ruộng phải tùy theo con nước ra vô mà khai đường cho nước vô đỡ phải bơm, có khi đi tới tối, có khi tới nửa đêm hoặc gần sáng.

Chín tuổi đầu tôi đã phải mang tang cha, một nỗi đau kéo dài không dứt! Tuy nhiên, Chúa đóng cánh cửa này thì mở cánh cửa khác. Sau khi được trở về nhà ngoại ở Sài Gòn, Chúa cho tôi học hành rất tấn tới. Mẹ tôi cũng kiếm được việc làm để nuôi chúng tôi. Trước ngưỡng cửa vào đại học, tôi phân vân trước lời mời gọi tu trì của Chúa. Tôi đã suy nghĩ rất lâu trước khi nói với mẹ vì sợ mẹ buồn, không ngờ mẹ tôi quyết định rất mau chóng: “Mẹ có con đường của mẹ, con có con đường của con. Mẹ không thể ở bên con suốt đời. Con theo Chúa mẹ rất an tâm.”

Trên con đường tu, có Mẹ Maria luôn dẫn đưa tôi từng bước theo đoàn sủng của dòng, có Chúa giữ gìn và đưa tôi tới Kinh Thành Mơ Ước để tu học 9 năm. Về dạy học vài năm, Người lại đưa tôi đi học tiếp theo nhu cầu của nhà dòng. Hôm nay tôi có kết quả thi đậu hai thứ tiếng mới. Đây là một hồng ân rất lớn Chúa ban cho tôi, vì tôi đã đạt những điều kiện cần cho việc theo chương trình học và có thể tự đào sâu tiếp mà không bị áp lực về việc thi cử. Kiến thức rộng mênh mông, tôi còn phải tiếp tục học rất nhiều trong vài ba năm tới. Nhìn lại đoạn đường từ bé thơ cho đến nay, tôi tạ ơn Chúa đã dẫn đưa tôi qua nhiều khúc quanh của cuộc đời.

Như Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc giữa trưa hè tìm được một chỗ nghỉ chân dưới một gốc cây có tàn lá che mát, bên cạnh dòng suối nước trong lành mát rượi, đã bật khóc khi nghĩ từ không biết bao đời Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi. Con xin tạ ơn Chúa đã quan phòng chăm sóc con từ bao nhiêu năm nay bằng tình yêu vô biên của Người. Xin Chúa giúp con luôn tiến bước trên con đường yêu thương Chúa đã dành sẵn cho con.

Tóc Ngắn (TGPSG
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C. ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 19.11.2022
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2022


ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2022

Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16 đang diễn ra với chủ đề “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ”. Nét đặc trưng mà sự kiện trọng đại này muốn nhắm tới, đó là tính “Hiệp Hành” trong Giáo Hội, được mô tả qua ý nghĩa thật vắn tắt của từ ngữ: cùng nhau bước đi.

Khi liên kết một chút kinh nghiệm mục vụ về giáo dục với tập sách “Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính Hiệp hành”, tôi cảm nhận được rằng Giáo dục Kitô giáo, một tinh thần giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi, “nhằm giúp con người biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý…, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 2), cũng luôn phải là một nền giáo dục mang đậm tính hiệp hành.

Thật vậy, nếu gọi việc giáo dục là một tiến trình làm phong phú con người, thì trên con đường ấy, cho dù mỗi người một vai trò, cả thầy lẫn trò phải cùng nhau bước đi như những người bạn đồng hành. Thiếu vắng sự đồng hành ấy, công trình giáo dục sẽ không đưa đến một kết quả như chính tên gọi của nó.

Nhân dịp ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, cùng với lời chào chúc thân tình đến quý ân sư và quý thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một vài suy nghĩ của mình.

1. Mục tiêu của giáo dục Kitô giáo

Sống trong cuộc đời này, ai cũng có những mơ ước. Có thể khẳng định rằng: Giáo dục chính là chiếc chìa khóa mở cửa cho tất cả những ước mơ ấy. Thật vậy, không ai phủ nhận được vai trò và hiệu quả của giáo dục trong đời sống con người, bởi lẽ nhờ giáo dục, cuộc sống con người sẽ được trưởng thành và thăng tiến về mọi mặt.

Theo đó, việc giáo dục của Giáo Hội không chỉ nhằm mục đích “phát triển sự trưởng thành của con người… mà còn đặc biệt hướng đến việc đảm bảo rằng những người đã chịu phép rửa trở nên biết trân quí hơn món quà đức tin mà họ đã lãnh nhận” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 2).

Tiến trình này cũng đã được Thánh Phaolô định hướng trong lời nhắn nhủ với người anh em đồng môn Timôthêô rằng “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 3, 14-15). Lời nhắn nhủ ấy hàm chứa mục tiêu lớn nhất và sau cùng của giáo dục Kitô giáo, đó là để chúng ta được ơn cứu độ.

Hướng về mục tiêu này, chúng ta không thể nào xem nhẹ vai trò của một giáo chức Kitô giáo, vốn được Thánh Phaolô suy tư và nhìn nhận như một ơn gọi đến từ Thiên Chúa, bởi chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, Dân Thánh Chúa được kiện toàn, cho đến khi tất cả đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Ep 4, 11-13). Vậy, làm thế nào để chúng ta thi hành sứ mệnh này đúng với tinh thần mà Thánh Phaolô đã nói ở trên?

2. Những thực hành cụ thể

Sẽ luôn là hữu ích khi lặp lại vai trò của giáo chức Công giáo trong công việc hàng ngày của mình. Đó là, chúng ta không được phép dừng lại trong phạm vi kiến thức thuần túy, mà còn phải hướng các bạn trẻ về một cuộc sống hướng thiện với đầy đủ các mối liên hệ: với chính mình, với tha nhân, với môi trường và trên hết là với Thiên Chúa.

Trong viễn cảnh đó, cũng sẽ không là phóng đại hay đề cao chủ nghĩa duy tâm khi nói rằng: quý thầy cô nên đặt Thiên Chúa lên trên hết trong việc giáo dục, bởi lẽ Người là Chân - Thiện - Mỹ. Những khái niệm này càng được gieo trồng, đón nhận và triển nở, thì đời sống con người càng trở nên phong phú và hạnh phúc. Tổ phụ Môisen coi đó là nguyên do để người ta gọi anh em là một dân tộc khôn ngoan và thông minh (x. Đnl, 4,8).

Tuy nhiên, để có được những kinh nghiệm đức tin phong phú, nhằm trợ lực cho sứ mạng của mình, chúng ta không nên bằng lòng với việc giáo dục đức tin ở giai đoạn sơ cấp nơi các lớp giáo lý mà chúng ta đã từng học, nhưng phải quan tâm hơn đến việc học hỏi thêm về kiến thức giáo lý, nâng cao những xác tín đức tin của mình.

Trong ý hướng đó, tôi muốn chia sẻ thật vắn tắt về chủ đề “Dân tộc của Thiên Chúa”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ người ta cách riêng rẽ từng người một, không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là Dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài cách thánh thiện” (số 781).

Đoàn Dân ấy được khởi sự từ trong Cựu ước qua các tổ phụ và được kiện toàn trong Tân ước bởi Chúa Giêsu, là chính Giáo Hội của Người. Chính vì thế, dân tộc này sẽ mang những đặc tính khác với bất kỳ một dân tộc hay một quốc gia nào khác. Dựa trên những câu chuyện trong Phúc âm, chúng ta có thể nhìn thấy ba đặc tính cơ bản:
  • Dân tộc của Thiên Chúa là một dân tộc trần thế. Vì mang yếu tố trần thế, nên cũng bao hàm yếu tố hữu hình, không hoàn hảo. Điều này được thể hiện trong câu chuyện ngụ ngôn về cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30). Ý thức điều đó để ta biết sống khiêm nhường, bao dung và yêu thương nhau hơn.
  • Dân tộc của Thiên Chúa là một dân tộc tâm linh mà trong đó con người được kêu gọi bước vào qua việc tự nguyện cam kết sống theo những đòi hỏi của Phúc âm. Đặc trưng cho việc cam kết này là sống theo các Mối Phúc (x. Mt, 5, 3-12). Khắc ghi điều này để ta bám vào Lời Chúa vốn được coi là ngọn đèn chiếu soi cuộc sống chúng ta hôm nay và ngày mai vĩnh cửu.
  • Dân tộc của Thiên Chúa chỉ được thành toàn trong tương lai, bởi sự can thiệp cứu tinh của Thiên Chúa. Điều này được diễn tả qua một loạt những câu chuyện trong Phúc âm Matthêô chương 25: Dụ ngôn mười trinh nữ; Dụ ngôn những yến bạc; Cuộc Phán Xét chung.
  • Các chủ đề trên hướng chúng ta về Chúa Giêsu, Ngài là chủ và là trung tâm Dân tộc của Thiên Chúa qua những mặc khải của Ngài. Trung tâm quan trọng của Dân Thiên Chúa là Con người của Chúa Giêsu. Trở thành một thành viên của dân tộc này phải đoán trước sự thất bại và sự bách hại, giống như Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu tạo ra Dân tộc của Thiên Chúa cách quyết định trong Bữa ăn tối cuối cùng (x. Mc, 14, 22-25). Luôn nhớ như vậy để chúng ta trung thành với đức tin, mà biểu lộ của đức tin chính là đời sống đạo hàng ngày của mình.
Từ Dân Thiên Chúa, chúng ta học hiểu về Thiên Chúa qua Con của Ngài là Chúa Giêsu trong những lá thư tới.

3. Ước mong của người đồng hành

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay xoay quanh chủ đề: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8 ). Tôi muốn mượn lại câu Kinh Thánh này để chia sẻ đến quý thầy cô ước mong của mình. Dù biết rằng luôn có những khó khăn trước mắt, nhưng Chúa Phục Sinh vẫn tin tưởng trao cho các môn đệ một lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

Vậy, hôm nay, dù có những hạn chế nhất định, quý thầy cô hãy luôn là những nhân chứng cho Chúa Giêsu và Phúc âm của Người. Chúng ta không có những tiết học về Chúa, nhưng lại có rất nhiều cơ hội để làm chứng về Người. Chúng ta không có những hoạt động mang màu sắc đức tin, nhưng lại có rất nhiều thời gian sống và biểu lộ đức tin của mình. Tôi tin rằng đó mới là những bài học sống động và giá trị nhất mà chúng ta truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, đó mới là một nét hiệp hành sinh động mà Giáo Hội của chúng ta đang hướng tới.

Phần các con học sinh, trong những ngày này, có lẽ các con đang tìm mọi cách để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với quý thầy cô. Điều này là chính đáng và phải đạo, vì nó cho thấy cả một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cùng với những bó hoa, những lời chúc tốt đẹp, các con hãy biểu lộ lòng biết ơn của mình qua việc trân trọng những điều hay lẽ phải mà thầy cô đã truyền đạt, ghi nhớ những bài học đức tin mà thầy cô đã chia sẻ. Tác giả Thánh vịnh 50 đã viết về một tình trạng tiêu cực: “chính ngươi lại ghét điều sửa dạy, lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng” (Tv 50, 17). Ước mong cho những lời ấy không trở thành một thực tế đáng buồn cho cuộc sống chúng ta.

Quý Thầy Cô thân mến,

Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo có nhắc đến vai trò giáo dục: “… Cha mẹ…. gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho tất cả các cộng đồng…- Nhiệm vụ giáo dục trước tiên thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội…- Sau cùng, Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục với một lý do đặc biệt, …vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi,…” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 3).

Qua những lời trên, thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi vui mừng gửi lời chúc mừng đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Nhà Giáo Việt Nam 2022 vui tươi và hạnh phúc trong sứ mạng giáo dục. Chúc quý thầy cô luôn là những người thầy cô tốt cho các học sinh thân yêu của mình.

Thân ái trong Chúa Kitô.

Vĩnh Long, ngày 16 tháng 11 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

(WHĐ)

ĐÔI NÉT VỀ LỄ CHÚA KITÔ VUA

 

ĐÔI NÉT VỀ LỄ CHÚA KITÔ VUA

D.D. Emmons

WHĐ (18.11.2022) - Vào Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo hội cử hành trọng thể lễ Chúa Kitô Vua. Được thiết lập vào đầu thế kỷ XX, đây là một ngày lễ nhằm tuyên xưng sự thống trị của Chúa Kitô trên mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.

Đâu là bối cảnh lịch sử và ý nghĩa của ngày lễ Chúa Kitô Vua?

Vào năm 1922, khi Đức Pio XI, vị Giáo hoàng thứ 259 của Giáo hội Rôma được bầu chọn và bắt đầu sứ vụ mục tử hoàn vũ, thì phần lớn thế giới vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn của giai đoạn vừa kết thúc Thế chiến thứ I (1914-1918).

Với bối cảnh chính trị phức tạp khi các chính phủ đang trong sự lũng đoạn kinh tế, thất nghiệp tràn lan và người dân ở nhiều nơi thực sự lâm vào cảnh chết đói. Nên, dù chiến tranh đã kết thúc nhưng sự ổn định trật tự xã hội và chính trị chưa thực sự được vãn hồi. Các cường quốc chiến thắng đã tìm kiếm sự trừng phạt nghiêm khắc và những khoản bồi thường vô lý từ những người Đức bại trận thông qua Hiệp ước Versailles. Vì thế, bầu khí bi quan, cảm giác bất lực, đi kèm với sự thù hận giữa các quốc gia ngày càng rõ nét và gia tăng đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các bạo chúa.

Trước tình cảnh này, dân chúng bám lấy bất cứ ai khơi lên cho họ niềm hy vọng, đưa ra một số đường hướng để thoát khỏi sự hỗn loạn, và hứa mang lại cho họ một cuộc sống ấm no. Nhiều người coi Giáo hội và giáo huấn luân lý đã lỗi thời, không còn phù hợp với thế giới của thế kỷ XX nữa. Tư duy hiện đại cho phép rằng, Đức Kitô có thể là vua trong đời sống riêng tư cá nhân, nhưng chắc chắn không phải trong cuộc sống công cộng. Những điều này đã hấp dẫn các nhà độc tài mới nổi, họ tìm cách lấy lòng người dân qua việc tìm cách loại trừ Thiên Chúa khỏi cuộc sống hàng ngày.

Do đó, nhiều thể chế ủng hộ việc trục xuất Chúa Giêsu hoàn toàn, không chỉ khỏi xã hội, mà còn khỏi cả gia đình. Khi các quốc gia được hồi sinh, và các chính phủ tái cơ cấu, nền tảng chính sách và luật pháp của họ thường được thiết lập mà không liên quan đến các nguyên tắc Kitô giáo.

Khẳng định vương quyền của Chúa Kitô

Đối diện với trào lưu này, Đức Pio XI nhận ra rằng khi ủng hộ lối sống bị chi phối bởi chủ nghĩa thế tục, lợi thế vật chất, và hy vọng hão huyền do các bạo chúa tạo ra, dân chúng đang dần phủ nhận Chúa Kitô. Đồng thời, ngài cũng xác định bổn phận của mình là phải đương đầu với các thế lực chính trị và kinh tế đang lấn át vương quyền của Chúa Giêsu. Để thực hiện điều này, ngài đã dành riêng triều đại Giáo hoàng của mình cho “Sự bình an của Chúa Kitô trong Vương quốc của Chúa Kitô” (Pax Christi in Regno Christi).

Năm 1925, Đức Pio XI tổ chức Năm thánh trọng thể đánh dấu 1.600 năm Công đồng Nicaea. Được nhóm họp vào năm 325, các nghị phụ của Công đồng đã khẳng định Thiên tính trọn vẹn của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa Con, đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Lời tuyên bố của Công đồng đã trở thành một tín điều mà sau đó được mở rộng thành Kinh tin kính Nicene, mà chúng ta vẫn tuyên xưng trong Thánh lễ Chúa nhật và lễ Trọng.

Trong suốt Năm Thánh, Đức Pio XI không ngừng nhấn mạnh đến Vương quyền của Chúa Kitô như được tuyên xưng trong Kinh tin kính: “Nước Người sẽ không bao giờ cùng”. Cụ thể, chủ đề về Vương quyền của Chúa Kitô liên tục xuất hiện trong việc cử hành lễ Truyền tin, lễ Hiển linh, lễ Biến hình, và lễ Thăng thiên của Giáo hội.

Để nhìn nhận Đức Giêsu Kitô chính là vị vua tối cao duy nhất, Đấng thống trị bằng sự thật và tình yêu đối với mọi người, mọi quốc gia, và mọi tương quan trần thế, vào ngày 11. 12. 1925 khi kết thúc năm Thánh, Đức Piô XI đã ban hành Thông điệp Quas Primas, cho thêm ngày lễ “Chúa Giêsu Kitô Vua của chúng ta” vào Lịch Phụng vụ của Giáo hội.

Theo hướng dẫn của Thông điệp Quas Primas, Lễ Chúa Kitô Vua được cử hành hằng năm vào Chúa nhật cuối cùng của tháng Mười. Với sự chọn lựa này, Lễ Chúa Kitô Vua rơi vào 1 tuần trước lễ Các Thánh, và 4 tuần trước Mùa Vọng như lời nhắc nhở rằng Chúa Giêsu Kitô không chỉ là Vua của thế giới, trị vì giữa các quốc gia mà Người còn là vị Vua vĩnh cửu, được tôn vinh bởi Các Thánh trên thiên quốc, và một ngày nào đó Người sẽ trở lại để phán xét loài người.

Ngoài ra, trong Thông điệp này, Đức Pio XI cũng lưu ý rằng sự hỗn loạn xảy ra không ngừng do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy thế tục (secularism) như một cơn “bệnh dịch xã hội” âm ỉ hủy hoại xã hội loài người. Chủ nghĩa này, về phương diện đức tin, chối bỏ vương quyền Chúa Kitô trên các dân tộc, dần dà xem Kitô giáo như một tôn giáo tự nhiên hoặc chỉ còn là một cảm thức tôn giáo. Về phương diện xã hội, phủ nhận quyền của Giáo hội trong việc giáo dục và hướng dẫn con người đến hạnh phúc vĩnh cửu… Tất cả những điều này khiến nền móng xã hội bị lung lay và có nguy cơ sụp đổ.

Đức Pio XI nhắc nhở các chính phủ quốc gia về việc:

“Chúa Kitô, Đấng đã bị loại ra khỏi đời sống công cộng, bị khinh miệt, bị bỏ rơi và bị phớt lờ, sẽ trừng phạt một cách nghiêm khắc nhất đối với những xúc phạm này; vì phẩm giá Vương giả của Người đòi hỏi các quốc gia phải tuân theo các giới răn của Thiên Chúa và các nguyên tắc Kitô giáo, cả trong việc ban hành luật pháp và thực thi công lý, cũng như trong việc cung cấp cho giới trẻ một nền giáo dục đạo đức lành mạnh” (số 32).

Ngày lễ để tận hiến

Đức Pio XI hướng dẫn các tín hữu sử dụng ngày lễ hàng năm này như một dịp để tận hiến, hoặc canh tân sự thánh hiến của họ cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, liên kết việc cử hành ngày lễ với lòng sùng kính Thánh Tâm và Chúa Kitô hằng sống trong Bí tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi tín hữu Công giáo phạt tạ cho chủ nghĩa vô thần lan rộng và được thực hành ở nhiều quốc gia.

Ngoài ra, Thông điệp cũng thúc đẩy tín hữu nhiệt tâm với sứ mạng truyền giáo. Người tín hữu không thể thụ động và nhút nhát nhưng phải ý thức mình là những chiến sĩ và phải lao mình vào cuộc chiến đấu cho vương quyền Chúa Kitô, và “tái lập mọi sự trong Chúa Kitô”. Chính Đức Piô XI là người đã thành lập tổ chức Công giáo tiến hành, nhằm phát triển xã hội dưới ánh sáng cứu độ của Chúa Kitô và giáo huấn của Giáo hội.

Đến năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thực hiện một số bước nhằm nâng cao chứng tá của ngày lễ. Để nhấn mạnh triều đại hoàn vũ của Chúa Kitô, ngài đã đổi tên ngày lễ từ Chúa Giêsu Kitô Vua thành “Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ” (Domini Nostri iesu Christi Universorum Regis). Đồng thời, nhằm làm nổi bật hơn nữa sự liên kết giữa Vương quyền của Chúa Kitô với cuộc giáng lâm lần thứ hai của Người để xét xử thế giới, Đức Phaolô VI đã dời ngày lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vào Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, và nâng lên thành bậc lễ Trọng.

Ngày nay, khi tại nhiều nơi trên thế giới, hòa bình vẫn còn vắng bóng; trật tự xã hội, chính trị và kinh tế luôn bị chao đảo; và dưới nhiều hình thức, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục chối bỏ ánh sáng Tin Mừng. Chúng ta dâng lời tạ ơn khi có cơ hội cử hành Lễ Chúa Kitô Vua - vì hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay cần chứng tá của chúng ta về Vương quyền của Chúa Kitô trên mọi thụ tạo.

Vương quyền của Chúa Kitô

Trong Thông điệp Quas Primas, Đức giáo hoàng Pio XI, phân tích rõ:

Sự nổi loạn của các cá nhân và quốc gia chống lại quyền bính của Đức Kitô đã tạo ra những hậu quả đáng trách… mầm mống của sự bất hòa gieo rắc khắp nơi; những thù hận cay đắng và sự kình địch giữa các quốc gia, vẫn luôn gây nhiều cản trở đến sự nghiệp hòa bình. Lòng tham vô độ thường được che giấu dưới lớp vỏ tinh thần đại chúng và lòng yêu nước, và gây ra biết bao mối bất hoà riêng rẽ; Sự ích kỷ mù quáng và thái quá, khiến con người không tìm kiếm điều gì khác ngoài sự thoải mái và lợi ích của bản thân, và đo lường mọi thứ bằng thước đo của sự ích kỷ; Thiếu sự hòa bình trong đất nước, bởi vì người dân lãng quên hoặc bỏ bê nhiệm vụ của mình; Sự hiệp nhất và bền vững của gia đình bị xói mòn; Tóm lại, xã hội, bị lung lay đến tận gốc rễ và đang trên đường hủy diệt. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng chắc chắn rằng Lễ Chúa Kitô Vua, mà trong tương lai sẽ được cử hành hàng năm, có thể đẩy nhanh sự trở lại của xã hội với Đấng Cứu độ yêu thương của chúng ta. (số 24)

"Quyền lực" của Chúa Giêsu Kitô

Nhưng “quyền lực” của Chúa Kitô Vua hệ tại ở điều gì? Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong buổi đọc Kinh Truyền tin vào ngày lễ Chúa Kitô Vua, 22. 11. 2009, đã giải thích:

Đó không phải là quyền lực của các vị vua chúa hoặc những người vĩ đại trên trần gian này; Đó là quyền lực thánh thiêng để ban sự sống đời đời, giải thoát khỏi sự dữ, đánh bại ách thống trị của sự chết. Đó là quyền lực của tình yêu có thể lôi kéo điều thiện từ điều ác, có thể làm tan chảy một trái tim chai đá, đem lại hòa bình giữa những xung đột gay gắt nhất và thắp lên hy vọng trong bóng tối dày đặc nhất.

Vương quốc Ân sủng này không bao giờ áp đặt nhưng luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Chúa Kitô đến “để làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37), như Người đã tuyên bố với Philatô: ai chấp nhận lời chứng của Người thì phục vụ dưới “ngọn cờ” của Người…. Do đó, mọi lương tâm đều phải đưa ra lựa chọn. Tôi muốn đi theo ai? Thiên Chúa hay ma quỷ? Sự thật hay sự giả dối? Việc chọn Chúa Kitô không đảm bảo thành công theo tiêu chí thế gian, nhưng đảm bảo sự bình an và niềm vui mà chỉ mình Người mới có thể ban cho chúng ta. Qua mọi thời đại, điều này được minh chứng bởi kinh nghiệm của nhiều người nam nữ, những người mà, nhân danh Chúa Kitô, nhân danh sự thật và công lý, đã có thể chống lại những cám dỗ của quyền lực trần thế bằng những chiếc mặt nạ phòng độc khác nhau, đến độ họ đã đóng ấn lòng trung thành của mình bằng sự tử đạo.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta được mời gọi để một lần nữa, xác tín rằng:

Dù sống giữa một thế giới 8 tỷ người, với sự bấp bênh trước bao cảnh đau thương của chiến tranh, hận thù, nghèo đói, thiên tai, và thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta vẫn vững niềm trông cậy, vì chỉ duy Vua Giêsu,
  • một vị Vua không thiết lập triều đại bằng vũ khí, tranh giành nhưng bằng cái chết tự hiến trên thập giá;
  • một vị Vua không cai trị bằng vũ lực, nhưng bằng tình yêu thương, phục vụ;
  • một vị Vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim con người;
  • mới có thể giúp cho con người tìm ra ý nghĩa, lẽ sống của đời mình;
  • mới có thể mang lại cho con người sự bình an, tự do, và hạnh phúc đích thực;
  • Và mới có thể dẫn dắt con người hoàn tất hành trình dương thế để đạt đến cuộc sống trên Vương quốc vĩnh cửu.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: simplycatholic.com
(WHĐ)