Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 28.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THÔNG BÁO VỀ “THỎA THUẬN VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM”


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
_______

Ngày 28 tháng 7 năm 2023

THÔNG BÁO VỀ
“THỎA THUẬN VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ
CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM”

Kính thưa Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, và mọi thành phần trong cộng đồng Dân Chúa Việt Nam,

Tối ngày 27 tháng 7 năm 2023, Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố:

Nhân chuyến thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vào ngày 27 tháng 7 năm 2023, dựa trên những tiến bộ đạt được trong các phiên họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, đặc biệt là phiên họp thứ 10 vào ngày 31 tháng 3 năm 2023 tại Vatican, và với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”.

Đây là kết quả từ quá trình trao đổi của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican suốt 14 năm qua, từ năm 2009 đến nay, dựa trên những tiến triển trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Chúng ta tạ ơn Chúa về thành quả tốt đẹp này. Sự hiện diện thường xuyên của Vị Đại diện Tòa Thánh sẽ giúp Dân Chúa tại Việt Nam cảm nhận sự hiệp thông với Đức Thánh Cha cách cụ thể hơn, để sống và làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc cách tích cực hơn.

Thành quả này là tiền đề cho mối quan hệ Việt Nam – Vatican để tiến lên cấp độ cao hơn trong tương lai, và một ngày gần đây chúng ta có thể đón Đức Giáo hoàng đến thăm quê hương và dân tộc Việt Nam yêu dấu.

(đã ấn ký)

+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục TGP Tp. Hồ Chí Minh
Chủ tịch HĐGM VN
 

VIỆT NAM VÀ TÒA THÁNH KÝ KẾT THỎA THUẬN VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM

VIỆT NAM VÀ TÒA THÁNH KÝ KẾT THỎA THUẬN 
VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ 
CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM

Hồng Thủy - Vatican News

Vatican News (27.07.2023)Thông cáo chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, được công bố chiều ngày 27/7/2023, cho biết hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”. Trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Đức Thánh Cha đã tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 27/7/2023, Đức Thánh Cha đã tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Thư viện Dinh Tông tòa. Sau cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 20 phút, Đức Thánh Cha đã tặng mỗi thành viên trong phái đoàn Việt Nam một huy chương của Giáo hoàng.

Ngài cũng tặng Chủ tịch nước Việt Nam một bức phù điêu bằng đồng khắc họa về chủ đề thương xót, đón nhận và tình huynh đệ, là lời kêu gọi không ngừng của ngài trong những năm qua. Quà tặng của Đức Thánh Cha còn có Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2023, Tài liệu về tình Huynh đệ Nhân loại, cuốn sách về buổi cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt vào tối ngày 27 tháng 3 năm 2020 và cuốn sách hình ảnh về Căn hộ Giáo hoàng.

Về phần mình, Chủ tịch nước Việt Nam đã tặng Đức Thánh Cha một bình gốm có hình đền thờ Thánh Phêrô, được làm tại Việt Nam.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp phái đoàn Chủ tịch nước Việt Nam

Sau đó, Chủ tịch nước Việt Nam và phái đoàn đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin.

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Chủ tịch Võ Văn Thưởng

Thông cáo chung về việc ký kết Thỏa thuận về quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

Thông cáo chung về việc ký kết Thỏa thuận về quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam cho biết:

"Nhân chuyến thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vào ngày 27 tháng 7 năm 2023, dựa trên những tiến bộ đạt được trong các Phiên họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, đặc biệt là phiên họp thứ 10 vào ngày 31 tháng 3 năm 2023 tại Vatican, và với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”.

Thông cáo cho biết thêm, "Trong cuộc trò chuyện thân mật giữa Chủ tịch Võ Văn Thưởng với Đức Giáo hoàng Phanxicô và sau đó, với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, các bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam cho đến nay."

Cuối cùng, thông cáo cũng nói rằng "Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng Đại diện Tòa Thánh sẽ hoàn thành vai trò và nhiệm vụ được trao trong Thỏa thuận, đồng thời sẽ hỗ trợ cộng đồng Công giáo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của họ trong tinh thần tôn trọng luật pháp và luôn được Huấn quyền của Giáo hội hướng dẫn, để thực thi ơn gọi 'đồng hành cùng dân tộc' và là 'người Công giáo tốt, người công dân tốt', góp phần xây dựng đất nước. Đồng thời, Đại diện Tòa Thánh sẽ là cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh."

Phái đoàn Việt Nam gặp Đức Hồng y Pietro Parolin

Tiến trình thảo luận giữa Việt Nam và Tòa Thánh về một vị Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam đã kéo dài từ nhiều năm. Cho đến nay, Đại diện không Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, 60 tuổi, người Ba Lan; ngài hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore. (CSR_2879_2023)

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 28.7.2023


Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 27.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

GIÁO DỤC: CHUYỆN CỦA CON TIM

GIÁO DỤC: CHUYỆN CỦA CON TIM

Lm. Văn Am, Sdb.

Một câu chuyện trong đời của Don Bosco khi còn nhỏ làm tôi băn khoăn hoài để tìm giải đáp. Ngày nọ, ngài thấy cha xứ ở đàng xa, ngài tiến lại gần và chào ngài. Nhưng cha xứ cứ lặng lẽ bước, chẳng để ý gì đứa nhỏ ấy. Cậu nhỏ Bosco bị sốc và nhất quyết không đi theo đường lối đó. Rồi lại một lần khác, ngài nghe thấy những đứa nhỏ gọi các linh mục là những con quạ đen và chạy xa như thể bệnh dịch vậy. Và rõ ràng, lời nói, diện mạo của họ chẳng mảy may tác động đến những thiếu niên, nếu không nói rằng chúng còn tìm cách chống lại. Cứ thế mãi cho đến một hôm tôi đọc cũng từ chính người bạn, người cha và người thầy của các thiếu niên: Giáo dục là chuyện của con tim. Phải, giáo dục đưa tới biến đổi nên người công dân lương thiện và Kitô hữu tốt phải là chuyện của con tim mà thôi. Do đó, không có tín nhiệm không thể có giáo dục, điều ấy quả là chính đáng.

Chính điều này, Đức Phanxicô cũng nói đến bằng một ngôn ngữ hiện đại. Giáo dục không bao giờ là công việc cưỡng bức, là chuyện như của một cảnh sát, công an hay thẩm phán. Trái lại, “Giáo dục trên hết là một chuyện của tình yêu và trách nhiệm được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ kia.” Bằng không, một tai hoạ giáo dục xảy ra. Trong một câu đăng trên Tweeter ngày 1/3/ 2014 Đức Phanxicô viết: “Giáo dục là hành vi yêu thương; nó như là việc trao ban sự sống.” Nếu Gia đình chân thật được định nghĩa là tổ ấm, thì ta hiểu rằng Gia đình mãi mãi là nơi chốn giáo dục tiên quyết và hàng đầu. Ở đó, người cha, người mẹ hoàn toàn sống và hy sinh cho con cái mình. Họ đánh đổi mọi sự để được những người con tuyệt vời để cống hiến cho thế giới và Giáo hội.

Đánh đổi mọi sự để có được những con người có lòng, đó chính là sự đóng góp lớn nhất mà một người có thể cống hiến cho thế giới. Chúng ta không giỏi đủ để cống hiến cho xã hội những định luật vật lý, khoa học, những phát minh khoa học kỹ thuật chói ngời. Nhưng chắc chắn, chúng ta có thể cống hiến cho xã hội những người có thể sử dụng những giá trị đó để sinh muôn ích lợi cho nhân loại, bởi vì họ có trái tim tuyệt vời. “Thật vậy, giáo dục là một trong những cách thức hữu hiệu nhât để làm cho thế giới và lịch sử chúng ta nên nhân bản hơn.” (Đức Phanxicô).

Nếu giáo dục chỉ được tạo thành bằng cưỡng bức ta sẽ không thể có được những nhân cách trưởng thành. Bởi lẽ nó sẽ không “bền”. Chính Thiên Chúa đi theo con đường này. Ngài kiên nhẫn cho đến khi chạm đến và chiếm được trái tim của con người. Cả lịch sử dân Israel trong hoang địa, trong cuộc lưu đầy, trong những thăng trầm, rốt cục để đi đến xác tín số một này: Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ, muốn được nhận biết chứ không phải lễ toàn thiêu.

Sau bao kinh nghiệm đắt giá trong cuộc đời làm cha, làm mẹ, làm thầy cô, làm nhà giáo dục, ta đạt đến chính xác tín có sức chuyển thành hành động của tình yêu kiên nhẫn và tha thứ mà ta nói ở trên thì quả là rất đáng, quả là một gia tài vô giá. Ta hãy nỗ lực để thành một nhà giáo dục có một trái tim rộng lớn như đại dương, như cát bãi biển, bằng cách đưa những điều sau đây thành sự thật:
  1. Đặt nhân vị với giá trị và phẩm giá của một người thành tâm điểm của mọi chương trình giáo dục, chính thức cũng như không chính thức, để cổ xuý vẻ đẹp độc đáo của tình người trong tương quan với tha nhân và chống lại một phong thái sống của thứ văn hoá dục bỏ đang thịnh hành.
  2. Lắng nghe những tiếng nói của thanh thiếu niên mà chúng ta muốn truyền thụ các giá trị và sự khôn ngoan để cùng nhau xây dựng một tương lai an bình, xứng với phẩm giá con người.
  3. Khích lệ những người nữ tích cực tham gia vào giáo dục.
  4. Đảm bảo gia đình là nơi chốn giáo dục đầu tiên và chính yếu.
  5. Giáo dục và được giáo dục là cần phải tiếp nhận và rộng mở cách đặc biệt cho những người bị loại ra ngoài lề và những kẻ dễ bị tổn thương.
  6. Cam kết để dùng mọi sự phục vụ cho nhân vị và gia đình nhân loại trong tình liên đới.
Vậy, chúng ta hãy chung tay để làm lộ ra một thế hệ của những nhà giáo dục xác tín kiên vững rằng “Giáo dục là chuyện của con tim, chứ không phải là của cảnh sát”.

(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 27.7.2023