Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

TÌM LẠI ĐỘNG LỰC TRUYỀN GIÁO

(Chúa Nhật Truyền Giáo)

Giáo Hội Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối của Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập Tông tòa và 50 năm thành lập Hàng giáo phẩm. Thật ra công cuộc truyền giáo đã bắt đầu trước đó hơn 100 năm, từ năm 1553. Hạt giống Lời được gieo vào lòng đất mẹ gần 500 năm. Hàng trăm ngàn người đã đổ máu đào làm chứng và bảo vệ đức tin tinh tuyền.

Theo kết quả của cuộc điều tra dân số mới đây (01/04/2009), Việt Nam có 86.024.600 người, trong đó có gần 6 triệu là Công Giáo, chiếm 7,06% dân số.


Khi làm mục vụ hôn nhân, phải đối diện với tình trạng quá nhiều người xin làm đám cưới với thể thức chuẩn khác đạo, tôi thường khó chịu và hay chất vấn họ rằng tại sao không tìm người có đạo kết hôn, mà cứ đi lấy người ngoại giáo? Có một cặp đã nói lại với tôi rằng con gái vừa tốt, vừa đẹp lại vừa có đạo quá ít. Người con ưng ý, nhưng chưa kịp hỏi tới thì đã lên xe hoa với người khác rồi. Nghe vậy tối thấy mình khó chịu với họ là không đúng, bởi đúng như anh thanh niên đó nói. Trong 100 cô gái, chỉ có 7 cô gái Công Giáo, hoặc trong 100 anh thanh niên, chỉ có 7 anh có đạo. Quả là họ có quá ít lựa chọn theo ý của Giáo Hội.


Từ đây câu hỏi lớn đặt ra với Giáo Hội rằng tại sao đã gần 500 năm rồi, mà Công Giáo vẫn chỉ là một cộng đồng thiểu số trên quê hương mình?

1. Giáo Hội đang ưu tiên cho việc gì?


Trong tác phẩm Chuyện Làng Hồ, kể về quá trình khai phá và hình thành miền truyền giáo Tây Nguyên. Trong đó có đoạn nói đến việc sẽ chuyển giao công cuộc truyền giáo lại cho người Việt thì các thừa sai MEP tỏ ra không tin tưởng người Việt có thể giúp các sắc tộc khác đón nhận đức tin cách tinh tuyền, trừ một vài người như thầy Sáu Do.

Biết điều đó, nhiều thừa sai người Việt tự ái và cho rằng các thừa sai phương Tây đã quá tự tin ở mình và coi thường người bản địa. Sự khó chịu đó rất đáng được cảm thông, nhưng nếu can đảm nén giận để nhìn rõ vào sự thật thì chúng ta thấy những hồ nghi của các nhà truyền giáo ngoại quốc không phải là không có căn cứ.

Giáo Hội Việt Nam đã và đang đầu tư vào những gì?

Chúng ta xây nhà thờ, xây các trung tâm mục vụ hoành tráng, xây các tu viện thật lớn, xây đền đài, xây các trung tâm hành hương thật lớn. Ai sẽ được hưởng lợi từ cho các công trình này? Câu trả lời thật đơn giản: Người Công Giáo, và chỉ người Công Giáo. Rất hiếm khi người ngoại giáo đến nhà thờ, họa hoằn lắm mới có ai ngoại giáo đến các trung tâm mục vụ. Chỉ cần đọc các chương trình hoạt động của chúng ta hàng tháng, hàng tuần và mỗi ngày tại các nhà thờ, tu viện, các trung tâm mục vụ và hành hương, chúng ta sẽ thấy ngay. Không hề có một chương trình hay một phần chương trình nào đó cho người ngoại giáo.


Chúng ta đang đầu tư cho chính mình mà thôi !

Nhìn sang các anh chị em Tin Lành, chúng ta xem họ đầu tư như thế nào?

Họ góp 1/10 thu nhập để thờ phượng Chúa và xin Chúa sử dụng nó cho hiệu quả. Chúng ta thấy họ sẵn sàng đầu tư dịch và in Thánh Kinh để biếu, để tặng rất nhiều. Khi làm việc cho các anh chị em thuộc các sắc tộc thiểu số, các thừa sai Công Giáo phần nhiều phải dùng các sách Thánh Kinh do anh chị em Tin Lành dịch để rao giảng Lời Chúa cho các sắc tộc đó. Tại sao? Vì anh chị em Tin Lành đã đầu tư dịch Thánh Kinh ra hầu hết các tiếng của các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong khi đó, bên Công Giáo chỉ mới dịch được sách Tân Ước ra các tiếng Bahnar, Jarai, và K'Ho. Khi giúp cho người Êđê, người Bru Vân Kiều, chúng tôi phải dùng sách của anh chị em Tin Lành. Ngoài ra, họ cũng đầu tư mạnh cho các phương tiện truyền thông khác.

Đó là lý do chính về phía con người lý giải cho việc tăng nhanh nhân số các Cơ đốc nhân thuộc Liên hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam, từ 500 ngàn năm 1975 tăng lên hơn 2 triệu vào đầu những năm 2000. Chỉ sau hơn 30 năm, nhân số họ tăng gấp bốn lần.

Nhiều người có cái nhìn tiêu cực về anh chị em Tin Lành thì cho rằng họ đã dùng tiền hay vật chất để chiêu dụ tín đồ. Ai nói như thế là chưa tìm hiểu kỹ. Thực tế, mọi Cơ đốc nhân dù giàu hay nghèo, họ đều dâng hiến 1/10 hoa lợi cho việc thờ phượng Chúa. Họ ý thức việc dâng hiến là việc làm quan trọng để khẳng định với Chúa rằng mình đã thụ lãnh ơn bởi Người và còn tiếp tục cầu mong ơn Người ban cho. Do đó, ngay các anh chị em Cơ đốc nhân bị bệnh phong, chỉ trồng được ít cụm khoai mì thì họ cũng mang khoai mì đến như hoa lợi mà chính tay họ thu hoạch được để dâng hiến cho Chúa. Công bằng mà nói. Anh chị em Tin Lành khi đã theo Chúa thì họ không từ nan để sống thờ phượng Chúa và sứ sụ.

Một cha giáo dạy truyền giáo của tôi đã kể một hôm trên đường phố Saigon, có một bà cụ xin phép ngài dành cho bà năm phút để thưa chuyện. Theo bà, đây là chuyện quan trọng, nếu không nói ra, bà sẽ không an tâm. Cha giáo tôi lắng nghe và nhận ra câu chuyện bà tha thiết muốn kể là câu chuyện về Chúa Yêsu, Đấng cứu độ. Bà ấy là người Công Giáo? Không, bà là một người Tin Lành.

Người Công Giáo có vẻ xa lạ với việc thực hành sứ vụ truyền giáo. Nhiều người còn cho rằng đó là một đặc quyền hay là một ơn riêng Chúa chỉ ban cho một số người, chứ không ban cho mình, và như thế họ đang mất dần căn tính Công Giáo của mình.

2. Thông chia sứ vụ của Chúa Giêsu

Đoạn cuối Tin Mừng Marcô viết: Chúa Yêsu nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo … Đây là dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe… Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 15-20).

Đoạn Thánh Kinh này xác nhận sứ vụ truyền giáo là sứ vụ phổ quát của mọi thành phần Giáo Hội. Người tin là người truyền giáo thì cũng là người được Chúa ủy thác các hành vi cứu độ (trừ quỷ, giải độ, chữa lành). Do đó một người nhận mình tin Chúa mà xa lạ với những việc quyền năng Chúa làm thì có nghĩa họ đã không thi hành sứ mạng Chúa trao phó, và vì thế họ cũng ở trong tình trạng xa lạ với ơn cứu độ. Còn những ai tin và sống nhờ đức tin thì dù chưa là Kitô hữu theo nghĩa chặt cũng có thể trở nên cơ hội thông ơn cứu độ cho người khác rồi.

Một nhóm thanh niên ở làng Bon Pan, xã Ia Rsai, huyện KrôngPa, tỉnh Gia Lai tham dự tuần lễ tĩnh tâm chuẩn bị lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo. Trong khóa tĩnh tâm, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Phán, CSsR nhấn mạnh với họ về hoạt động của Chúa Yêsu nơi những người tin. Sau những ngày tĩnh tâm, họ trở về làng. Làng họ có một thanh niên chưa theo đạo đang trong tình trạng “lui asơi” – bỏ cơm – tức là sắp chết. Họ lên nhà người hấp hối này và xin người mẹ - bà chủ nhà - cho phép họ đặt tay cầu nguyện cho chàng thanh niên này. Chủ nhà đồng ý. Các anh dự tòng quỳ gối chung quanh người bệnh dang tay cầu nguyện, rồi đặt tay trên người bệnh. Sau đó họ trở về nhà mà chẳng bận tâm gì cả. Ba ngày sau, khi họ đi rừng, trong nhóm họ có mặt cả người thanh niên đã hấp hối được họ đặt tay cầu nguyện.

Những người chưa được rửa tội, nhưng tin Chúa thì Chúa cũng dùng để thực hiện hành vi cứu độ cho người khác là thế.

Những người càng giữ đạo lâu năm, càng trở nên cứng lòng, khó đón nhận ơn Chúa cứu. Rồi họ cũng dễ dàng lên án người tội lỗi. Nhưng đối với Chúa, ngay người tội lỗi mà tin Chúa thì Chúa cũng có thể biến họ thành công cụ của Người.

Anh Ama H’ Nguyên - ba của con Nguyên - là người ở xã Ia Hru, lấy vợ và về nhà vợ ở làng Pleiwueng, xã Hbông, huyện Chưsê, tỉnh Gia Lai. Hai vợ chồng sống được ít lâu thì anh đổ đốn, rượu chè, đánh đập vợ con nhiều đến mức làng phải xứ bằng cách trục xuất anh ra khỏi nhà vợ, đuổi về làng cũ. Về lại Ia Hru, anh được tuyển làm angten cho công an, chuyên chỉ điểm để công an bắt các nhóm cầu nguyện. Anh đã lập được nhiều thành tích với công an, nhưng một hôm, anh đang canh me để bắt một nhóm cầu nguyện lớn, trong lúc đợi cho đông người rồi báo công an ập vô. Anh nghe người ta hát những bài hát vừa lạ vừa quen. Lạ vì không phải những bài hát ca ngợi ông Hồ hay đảng cộng sản, quen vì đó là những bài hát bằng tiếng Jarai, tiếng mẹ đẻ của anh. Anh mon men lại nghe, rồi lần bò lên nhà. Mọi người đang tề tựu cầu nguyện gặp anh thì sợ, nhưng anh ra dấu cho họ đừng sợ, hôm nay anh muốn nghe họ hát họ đọc kinh và cầu nguyện.

Sau buổi đó, anh giã từ không làm angten cho công an nữa, mà bắt đầu theo đạo. Học đạo được hai năm, anh được rửa tội, cha Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR, sai anh trở về với làng của vợ anh. Vợ con anh tha thứ, đón nhận anh vào lại nhà.

Những người hàng xóm ngạc nhiên từ ngày anh trở về nhà vợ, tối tối không còn nghe cãi nhau, đánh nhau và tiếng kêu gào, chửi bới nữa, mà nghe tiếng hát và tiếng cười rất vui. Họ đến xem thì thấy anh mở sách hát dạy vợ con hát, rồi mở sách Tân Ước tiếng Jarai ra đọc cho vợ con nghe, rồi cầu nguyện. Những người hàng xóm đến nhà anh cũng muốn được anh giúp họ như anh đang giúp vợ con anh. Số người đông dần. Từ đó, Pleiwueng trở thành một cộng đoàn.

Năm 2002, khi tôi đến Tây Nguyên, anh Ama H’ Nguyên cho biết, Peiwueng và các làng xung quanh đã có hơn 1.500 người tin theo Chúa. Sau 10 năm, từ một anh chàng hư đốn, Chúa đã làm cho vùng đất đó thành một cộng đoàn Công Giáo.

Những người đó, nhóm thanh niên dự tòng Bon Pan hay anh Ama H’ Nguyên có phải là những người truyền giáo không?

Xét theo thói quen của chúng ta thì không phài, nhưng xét theo tác động cứu độ thì họ là những người truyền giáo. Truyền giáo đối với họ không phải là đi dạy một giáo lý về Chúa Yêsu, mà đơn giản là để cho Chúa Yêsu chữa lành người bệnh, và kể lại việc Chúa đã làm trên cuộc đời mình.

Lm. AN THANH, CSsR
(nguồn :dcctvn.net)