Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 6, 30-34)



NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA

Nếu có dịp về vùng quê nhìn những con sông lạch vào những mùa mưa bão, chúng ta sẽ thấy dòng nước mang đầy phù sa màu đất đỏ và trở nên dục bẩn. Nhưng rồi một khi mưa bão qua đi, dòng nước chảy chậm lại và các thứ bùn, bẩn cũng từ từ lắng xuống thì làn nước sẽ trong xanh trở lại. Những quan sát sự diễn biến trong thiên nhiên như thế có thể áp dụng vào cuộc sống tâm sinh lý của con người chúng ta.

Thật thế, nếu thân thể của chúng ta cứ ngày này sang ngày nọ luôn phải vất vả, cố sức, chúng ta sẽ trở nên mệt mỏi và nếu cứ tiếp tục như thế mãi, sẽ có ngày thân thể chúng ta trở nên đuối sức và lâm bệnh. Cũng vậy, nếu tinh thần chúng ta luôn phải gồng mình để chống chọi với đủ thứ thử thách, luôn bị căng thẳng, thì sớm muộn cũng sẽ bị suy yếu và kiệt lực, trí khôn hết minh mẫn.

Vì thế, cũng như nước trong dòng sông sau những trận mưa bão lại lắng đọng mọi bùn đất và dơ bẩn, cuộc sống, cơ thể và tinh thần con người sau những lam lũ vất vả cũng cần phải có thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Cái nhịp điệu: Lao động và nghỉ ngơi ; căng thẳng và thư giản luôn phải được luân phiên thay đổi trong cuộc sống hằng ngày của con người.

Trong tin mừng hôm nay, có lẽ Chúa Giêsu muốn phê chuẩn và khẳng định cái nhịp sống đó của con người. Phải, sau chặng đường dài thi hành sứ vụ của các môn sinh, không hành trang tiền bạc, chỉ một tấm áo mong manh với cây gậy đường xa và con tim đầy ắp niềm vui của hành trình loan báo tin mừng, các ông đã trở về với Chúa, kể cho Chúa nghe “mọi việc các ông đã làm, mọi điều các ông đã dạy”. Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn thấy nếp nhăn của mệt mỏi, rã rời ẩn bên dưới lớp hào quang của niềm vui ngày sum họp. Cho nên, một mặt, đón nhận thành quả đầy an ủi đối với các tông đồ, nhưng mặt khác Chúa Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc. Ngài nhẹ nhàng kéo các tông đồ rời khỏi “cơn say” bởi “men chiến thắng”: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Sở dĩ như thế là vì Chúa sợ các môn đệ của mình nhiễm cái thói hám danh, thích khoe khoang, phô trương, quyền lực, vì Chúa muốn những thành công ấy trở nên một khởi điểm tốt đẹp cho chặng đường tiếp theo, chứ không làm các ông tự mãn rồi rơi vào ảo tưởng. Khi bảo các môn đệ lui vào nơi thanh vắng để ngơi nghỉ, Ngài muốn các ông có một điểm tựa, một chặng dừng cần thiết để có thể vươn lên cao hơn và tiến xa hơn nữa trong hành trình sứ vụ. Bởi con đường trước mắt mà thầy trò phải dấn bước không phải là con đường bằng phẳng, mà đó là một con đường dài, đầy gian nan, thử thách. Sứ mạng hôm nay dù thành công, nhưng chưa kết thúc, đúng hơn, chỉ mới mở ra. Đường còn dài đã vậy, sức lại chỉ có giới hạn. Vì thế, chưa cho phép mọi người có quyền ngủ vùi trong những thành công đầu đời tông đồ này. Thành công đầu đời chưa phải là tất cả của sự thành công. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, lúc này phải là một bầu khí không gian cô tịch, mới có thể giúp các tông đồ tỉnh táo kiểm chứng nội tâm của mình và bồi bổ dưỡng sức. 

Thế nên, điều Chúa nói với các tông đồ ngày xưa, cũng là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Ngài mời gọi chúng ta biết quý trọng cuộc sống và những khoảnh khắc cần thiết để trút bỏ những mệt mỏi lo toan, sống cho xứng với phẩm giá của mình. Bởi những tranh đua chụp giật vẫn thường kéo con người vào lối sống ích kỷ, hẹp hòi và những vất vả lo toan thường làm cho lòng người nên tầm thường nhỏ bé. Ngài mời gọi chúng ta biết dừng lại sau mỗi chặng đường như chặng dừng để định hướng cho cuộc đời. Dừng lại để xác định cái được, cái mất, cái chính yếu và cái tùy phụ. Dừng lại để vươn tới những giá trị cao cả, vun quén cho hạnh phúc gia đình, một điều thật quý giá nhưng mỏng manh vẫn thường bị đánh mất, bị cuốn trôi theo dòng chảy cuộc sống. Bởi thói tham công tiếc việc có thể biến người cha người mẹ trong nhà thành những cỗ máy làm ra tiền, vật chất sung túc nhưng con cái ngơ ngác, bơ vơ vì thiếu điểm tựa vững chắc của người cha, thiếu vòng tay ấm áp của tình mẹ. Và dòng xoáy tham vọng vẫn có thể biến tình anh em bạn bè thành hận thù, đố kỵ. Ngài mời gọi chúng ta đặt mình vào bàn tay Thiên Chúa, phó thác tất cả cho thánh ý Ngài. Bởi cuộc sống lúc nào cũng có khó khăn, nhưng niềm tin giúp con người có thể khơi dậy những tiềm năng đang còn ẩn kín.

Chớ gì, lắng nghe lời Chúa hôm nay mỗi người chúng ta dù hoàn cảnh, công việc có khác nhau, tuy nhiên hãy cố dành thời gian đi vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa, sống phó thác cho sự quan phòng đầy khôn ngoan và quyền năng của Chúa, để nhìn lại cuộc sống và để có sức mạnh mà tiếp tục đương đầu với những thách đố của cuộc sống hiện tại.

Chớ gì mỗi người chúng ta, dù bận rộn vì kế mưu sinh, nhưng đừng quên tìm những khoảng thời gian thanh vắng để được gặp Chúa, để tự kiểm điểm mình, để bổ sung năng lực của lòng đạo đức có thể đã hao mòn vì những bon chen đời thường, nhờ đó khi phải đối mặt với tiếng ồn của cuộc đời, với những sôi nổi của thành công, hoặc những ê chề của thất bại, ta sẽ không đánh mất chính mình, trái lại có khả năng tự thánh hóa mình và dễ dàng đón nhận ơn thánh hóa của Chúa. Có như thế, tâm hồn chúng ta sẽ thanh thản hơn, thân xác chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn, đời sống chúng ta sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng nhất là, chúng ta sẽ có được sức mạnh hoàn tất hành trình dương thế để thẳng tiến về quê trời. Amen.

Lm.Nguyễn Nguyên
(thanhlinh.net)