Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

NHỮNG NĂM NGỌ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM

CHÀO MỪNG NĂM MỚI GIÁP NGỌ 2014
Những năm Ngọ trong lịch sử Giáo hội tại Việt Nam


WHĐ (23.01.2014) – Trước thềm Năm mới Giáp Ngọ, WHĐ điểm lại những sự kiện của lịch sử Giáo hội tại Việt Nam diễn ra trong các năm Ngọ, từ những ngày đầu tiên Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam. Qua đó, có thể nhận ra một số sự kiện nổi bật đã diễn ra trong những năm Ngọ: cuộc tử đạo của các thánh Việt Nam vào nhiều năm Ngọ khác nhau; Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (Mậu Ngọ 1798), thiết lập giáo phận Nam Đàng Ngoài (Bính Ngọ 1846), cuộc di cư của hơn nửa triệu tín hữu vào Nam (Giáp Ngọ 1954), lần đầu tiên một người Việt Nam, Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, được bổ nhiệm làm Sứ thần Toà Thánh (Nhâm Ngọ 2002)…


***
Thế kỷ XVI

1558 – Mậu Ngọ

Đời vua Lê Thế Tông, hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là Alonso da Costa và Gonsalves đến giảng đạo ở vùng Vạn Lại (Thanh Hoá), kinh đô của Nam Triều (tức nhà Lê thời Trung hưng, còn Bắc triều thuộc nhà Mạc, đóng đô ở Cao Bằng).

1582 – Nhâm Ngọ

Đời chúa Nguyễn Hoàng, hai linh mục Luis de Fonseca, O.P. (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte, O.P. (Pháp) giảng đạo tại Quảng Nam.


Thế kỷ XVII

Mậu Ngọ – 1618
 
Linh mục Cristoforo Borri đến Quy Nhơn truyền giáo. Sau 5 năm hoạt động (1618-1622), ngài biên soạn “Tường trình về Đàng Trong”, xuất bản bằng tiếng Ý và tiếng Pháp năm 1631.

Canh Ngọ – 1630
 
Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) phải rời khỏi Đàng Ngoài theo lệnh trục xuất của chúa Trịnh Tráng.

Mậu Ngọ – 1678

Ðức Cha Pallu, Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, từ Thái Lan về Rôma, đề nghị Toà Thánh tấn phong giám mục cho sáu trong số các linh mục tiên khởi. Toà Thánh không chấp nhận thỉnh nguyện này.



Thế kỷ XVIII
Nhâm Ngọ – 1702
– Linh mục Raimondo Lezzoli, dòng Đa Minh, được tấn phong giám mục, Đại diện Tông toà giáo phận Đông Đàng Ngoài. Ngài là linh mục dòng Đa Minh đầu tiên được bổ nhiệm giám mục tại Việt Nam.

– Thánh Matthêu Ðậu (Matthaeus Alonso Leciniana) chào đời tại Nava del Rey (Tây Ban Nha). Ngài là linh mục dòng Ða Minh, phục vụ tại giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, tử đạo ngày 22-01-1745 tại Thăng Long, dưới đời chúa Trịnh Doanh.

Giáp Ngọ – 1714

Đức cha Edme Bélot, MEP, kế nhiệm Đức cha Jacques de Bourges (qua đời ngày 09-08-1714) làm Đại diện Tông toà giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Mậu Ngọ – 1738

Ngày 10-10, Đức cha Alexandre de Alexandris, Đại diện Tông toà giáo phận Đàng Trong, qua đời.

Canh Ngọ – 1750

Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1725-1765) ra lệnh trục xuất tất cả các thừa sai. 28 vị thừa sai bị lùng bắt và hạ ngục, trong số đó linh mục Michel de Salamanque (thuộc Dòng Phanxicô Tây Ban Nha) chết rũ tù ngày 14-07-1750.

Giáp Ngọ – 1774

Ngày 24-02, Đức cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) được tấn phong giám mục tại Ấn Độ (chủ phong là Đức cha Bernardo de São Caetano, OSA, giám mục giáo phận São Tomé Meliapore). Đức cha Pigneau được bổ nhiệm làm Đại diện Tông toà Đàng Trong ngày 24-09-1771, kế vị Đức cha Guillaume Piguel, MEP, qua đời ngày 21-06-1771.

Bính Ngọ – 1786

Thánh Ða Minh Nguyễn Văn Xuyên (Ðoàn) chào đời tại Hưng Lập (Nam Ðịnh). Ngài là linh mục dòng Ða Minh, chịu tử đạo ngày 26-11-1839 tại Bảy Mẫu (Nam Định) dưới đời vua Minh Mạng.

Mậu Ngọ – 1798



– Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Năm 1798, vua Cảnh Thịnh (nhà Tây Sơn) ra lệnh tiêu diệt các họ đạo, tàn sát giáo dân. Các tín hữu phải lánh nạn, trốn trong rừng La Vang (Quảng Trị). Tại đây Ðức Mẹ hiện ra an ủi và che chở các tín hữu.

– Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, thầy giảng, chào đời tại Kẻ Non (Hà Nam). Ngài chịu tử đạo ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây, dưới đời vua Minh Mạng.

– Ngày 17-09, thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục, chịu tử đạo tại Bãi Dâu (Huế).



Thế kỷ XIX
Canh Ngọ – 1810

Thánh Tôma Nguyễn Văn Ðệ, dòng Ba Đa Minh, chào đời tại làng Bồ Trang (giáo xứ Bồ Ngọc, Thái Bình), chịu tử đạo ngày 19-12-1839 tại Cổ Mễ (Bắc Ninh) đời vua Minh Mạng.

Nhâm Ngọ – 1822

Thánh Augustinô Schoeffler (Ðông), linh mục Hội Thừa sai Paris, chào đời tại Mittelbonn, Nancy (Pháp), chịu tử đạo ngày 01-05-1851 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức.

Giáp Ngọ – 1834

– Vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo. Đây là một trong bảy sắc chỉ cấm đạo dưới thời Minh Mạng.

– Linh mục Odorico da Collodi (cố Phương), thừa sai người Bồ Đào Nha, chết rũ tù tại Lao Bảo (Quảng Trị) ngày 23-05. Ngài là vị thừa sai cuối cùng của dòng Phanxicô tại Việt Nam.

Bính Ngọ – 1846

Ngày 27-03, Toà Thánh thiết lập giáo phận tông toà Nam Đàng Ngoài và đặt Đức cha Jean-Denis Gauthier Hậu (thuộc Hội Thừa sai Paris) làm giám quản tông toà. Giáo phận Nam Đàng Ngoài được tách từ giáo phận Đàng Ngoài (nay là Tổng giáo phận Hà Nội), gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và một phần Quảng Bình. Ngày 03-12-1924, giáo phận Nam Đàng Ngoài được đổi tên thành giáo phận Vinh.

Mậu Ngọ – 1858

– Ngày 28-07, thánh Sampedro Xuyên, giám mục dòng Đa Minh, sinh quán Oviedo, Tây Ban Nha, chịu tử đạo tại pháp trường Bảy Mẫu (Nam Định).

– Ngày 06-10, thánh Phanxicô Trần Văn Trung, cai đội, sinh quán Phan Xá, Triệu Phong (Quảng Trị), chịu tử đạo tại An Hoà (Huế), thời Tự Đức.

– Ngày 05-11, thánh Đa Minh Hà Trọng Mậu, linh mục dòng Đa Minh, sinh quán Phú Nhai, Bùi Chu (Nam Định), chịu tử đạo Hưng Yên, thời Tự Đức.

Canh Ngọ – 1870
 
– Hội Thừa sai Paris xây Chủng viện Penang (Malaysia). Đây là nơi đào tạo linh mục bản xứ của các nước Á châu. Trước khi chủng viện được xây mới, thánh linh mục Philipphê Phan Văn Minh, học giả Petrus Trương Vĩnh Ký… đã theo học tại đây.

– 15-10, Đức cha Hilarión Alcázar, O.P., giám quản tông toà Đông Đàng Ngoài (nay là giáo phận Hải Phòng) qua đời tại Hải Phòng.



Thế kỷ XX
Bính Ngọ – 1906

Ngày 22-12, Đức cha Paul-Léon Seitz, thuộc Hội Thừa sai Paris, chào đời tại Le Havre (Pháp). Ngài nguyên là giám mục giáo phận Kontum (1952-1975) và nghị phụ tham dự các khoá họp 1, 2 và 4 của Công đồng Vatican II.

Canh Ngọ – 1930

Ngày 1-05, Đức cha Augustin-Marie Tardieu, Hội Thừa sai Paris, giám quản tông toà giáo phận Qui Nhơn, được tấn phong giám mục.

Giáp Ngọ – 1954

– Ngày 30-03, Đức Tổng Giám mục John Jarlath Dooley, Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương, chủ trì Hội nghị Báo chí Công giáo với sự tham dự của 13 đại diện các báo Công giáo, nhằm tìm cách phổ biến sâu rộng nền giáo dục Công giáo. Hội nghị đã thành lập Uỷ ban liên lạc báo chí Công giáo Việt Nam. Uỷ ban đã không thực hiện đuợc nhiệm vụ do Hội nghị đề ra, vì biến cố di cư 1954.

– Sau Hiệp định Genève 20-07, hơn 670.000 tín hữu miền Bắc di cư vào Nam. Các giáo phận miền Bắc bước vào một giai đoạn khó khăn. Các tín hữu di cư nhanh chóng ổn định cuộc sống và góp phần xây dựng Giáo hội tại các giáo phận miền Nam.

Bính Ngọ – 1966

Ngày 03-07, Đức cha Paul Raymond-Marie-Marcel Piquet (1888-1966), giám mục tiên khởi giáo phận Nha Trang, nguyên nghị phụ tham dự các khoá họp 1 và 2 của Công đồng Vatican II, qua đời tại Nha Trang.

Mậu Ngọ – 1978

– Ngày 17-06, Ðức cha Phaolô Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Vinh, từ trần tại Xã Ðoài, Nghệ An, hưởng thọ 66 tuổi.
 
– Ngày 27-11, Ðức Hồng y tiên khởi Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Tổng giám mục Hà Nội, từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi.

Canh Ngọ – 1990

– Ngày 01-02 (mùng 6 tết Canh Ngọ), Ðức cha Phêrô Phạm Tần, Giám mục giáo phận Thanh Hoá, từ trần tại Thanh Hoá, hưởng thọ 77 tuổi.

– Ngày 18-06, Ðức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng giám mục Hà Nội, từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi.

– Ngày 20-06, Ðức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám mục giáo phận Cần Thơ, từ trần tại Cần Thơ, hưởng thọ 81 tuổi.

– Ngày 03-07, Ðức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột, từ trần tại Ban Mê Thuột, hưởng thọ 77 tuổi.

– Ngày 16-09, bảy điểm giữ trẻ thuộc các dòng tại các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Quận 1, Quận 3, Phú Nhuận, như: MTG Thủ Thiêm, MTG Tân Việt, Thánh Phaolô thành Chartres, Bác Ái Vinh Sơn, Đức Bà Truyền Giáo và Nazareth lần đầu tiên kể từ 1975 được cấp giấy phép hoạt động.

– Ngày 07-11, phái đoàn Toà Thánh gồm: Đức Hồng y Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cor Unum (Trưởng đoàn), Đức ông Claudio Celli, Thứ trưởng Ngoại giao Vatican và Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo, đến Việt Nam hội đàm với Chính phủ Việt Nam.

– Ngày 24-11, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tiếp phái đoàn “ad limina” của các giám mục Việt Nam, về Rôma viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.

– Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang được Toà Thánh bổ nhiệm Giám quản giáo phận Thái Bình (tháng 05-1990) và Giám mục chính toà Thái Bình (03-12-1990).



Thế kỷ XXI
Nhâm Ngọ – 2002

– Từ ngày 04 đến 11-07, Phái đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng thăm chính thức Hội đồng Giám mục Philippines. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Việt Nam thăm chính thức một Giáo hội nước ngoài.

– Từ ngày 18 đến 28-7, Đoàn Giới trẻ Công giáo Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Toronto, Canada.

– Ngày 16-09, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình, từ trần tại Rôma. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chủ sự Thánh lễ an táng.

– Từ ngày 07 đến 11-10, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Hội nghị thường niên tại Hà Nội.

– Ngày 25-11, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt làm Sứ thần Toà Thánh tại Bénin và Togo.

(WHĐ)

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

KỶ NIỆM 400 NĂM DÒNG TÊN ĐẾN VIỆT NAM #2

Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh 
kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt


08g30 sáng thứ bảy ngày 18 tháng 01 năm 2014, tại nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục phó TGP TP. HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã long trọng cử hành Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt. 

Cùng cử hành Thánh Lễ với Đức Tổng Giám mục phó có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục TGP Hà Nội, Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục TGP Huế, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J., Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Giáo phận Cần Thơ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giám mục phụ tá TGP. TP.HCM, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc, khoảng 100 linh mục và hơn 1,500 người gồm nam nữ tu sĩ, giáo dân, ân nhân, thân hữu và cộng tác viên của Dòng Tên Việt Nam.


Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, cha Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J., Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam đã công bố Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao về Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt, theo đó Tòa Thánh cho phép Dòng Tên tại Việt Nam cử hành Năm Thánh từ ngày 18 tháng 01 năm 2014 đến ngày 18 tháng 01 năm 2015. Sắc lệnh cũng quy định những dịp lễ mà các tín hữu được lãnh ơn toàn xá tại các nhà thờ và nhà nguyện do Dòng Tên phụ trách gồm: nhà thờ Hiển Linh (Thủ Đức), nhà thờ Thiên Thần (Quận 2), nhà thờ Tạo Tác (Đà Lạt), nhà thờ Hoa Lư (Pleiku), nhà thờ giáo họ Ngọc Mạch (Hà Nội), nhà nguyện thánh Inhaxiô (Trung tâm Đắc Lộ, Sài Gòn), nhà nguyện thánh Phanxicô Xaviê (Viêng Chăn, Lào).


(dongten.net)

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

KỶ NIỆM 400 NĂM DÒNG TÊN ĐẾN VIỆT NAM #1

Video: Dòng Tên và công cuộc loan báo Tin Mừng 
trên xứ sở Con Rồng Cháu Tiên


Cách đây gần 400 năm, vào ngày 18.01.1615, một số tu sĩ Dòng Tên đã ghé vào Hội An khi tháp tùng các Kitô hữu Nhật Bản di tản tránh cuộc bách hại tôn giáo tại Nhật. Khởi đi từ biến cố này Tin Mừng Chúa Kitô đã dần dần được loan báo rộng rãi tại cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài và đã đâm hoa kết trái phong phú tại quê hương Việt Nam.

Video clip này được thực hiện với mong ước giúp người Công Giáo Việt Nam, cách riêng các bạn trẻ tìm hiểu về lịch sử loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam và góp phần khơi dậy ngọn lửa nhiệt thành loan báo Tin Mừng nơi các tín hữu Công Giáo Việt Nam.

Phần 1


 Phần 2
 

Kịch bản: Thái Hiệp, S.J.
Dựng phim & lồng tiếng: Chỉnh Trần, S.J.
(dongten.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Ga 1, 29-34)


Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

HÀNH HƯƠNG TÀPAO 13.01.2014

Hành Hương Đức Mẹ Tàpao ngày đầu năm Dương lịch 2014


Ngày hành hương kính viếng Đức Mẹ Tàpao đầu năm mới dương lịch 2014 diễn ra trong bầu khí rộn ràng đón Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ. Hàng ngàn người dù đang trong mùa tất bận với công việc vẫn đáp lại lời nguyện ước tìm về bên Mẹ Tàpao ngày 13 hàng tháng. Suốt đêm 12 đến sáng 13.1.2014, Tàpao vang vang tiếng kinh cầu tạ ơn và nguyện xin dâng lên Mẹ.


Núi rừng Tàpao trong màn đêm phả ra khí lạnh tạo nên một cảm nghiệm thi vị và linh thiêng cho khách hành hương. Bầu khi ấm áp hơn khi những ánh nến lung linh được thắp lên trong giờ lần chuỗi mân côi và chầu Thánh Thể chung của cộng đoàn đêm 12. Hợp với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống - Giám Mục Phan Thiết, lời kinh trầm bổng vang xa là muôn nỗi lòng của đoàn con hợp dâng lên Mẹ Tàpao.


Giờ khấn sáng 13, cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng hướng dẫn cộng đoàn suy ngắm và lần chuỗi mân côi. Cùng với lời tạ ơn, các ý khấn khác như xin cho gia đình bình an, cho công ăn việc làm thuận lợi, học hành tấn tới .v.v. v thì ý khấn nhiều nhất trong tháng này là xin chừa bỏ tật xấu với hơn 9.000 người xin.

Thánh lễ trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa do Đức Giám Mục Phan Thiết chủ sự. Cùng với đoàn đồng tế, Đức Cha Giuse chào mừng cộng đoàn hành hương từ muôn nơi về bên Mẹ. Ngài mời cộng đoàn hợp chung tâm tình tạ ơn và dâng một năm mới lên Thiên Chúa qua sự che chở của Mẹ Tàpao.



Video bài giảng trong Thánh Lễ



(gpphanthiet.com)