Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ


CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

TGPSG -- “Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con” (Tv 18,3)

Vào khoảng năm 1994, tôi được điều ra Hà Nội để thiết lập ở đây một chi nhánh đại diện cho công ty ở phía Nam với mục tiêu là giới thiệu, quảng bá, phân phối sản phẩm đến các tỉnh phía Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra.

Ngành nghề của tôi đòi phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại, không thân thiện với môi trường và con người. Kho chứa, xe vận chuyển, hay người quản lý đều cần phải có tay nghề đặc thù riêng biệt - nói nôm na là phải có nghề và được Nhà nước công nhận mới được phép hoạt động, hầu tránh được những nguy hại cho môi trường chung quanh.

Sau khi ở Hà Nội được vài ngày, gấp rút ổn định văn phòng làm việc và chỗ ở, tuyển nhân viên, thuê kho chứa hàng v.v… sếp trực tiếp của tôi đã bay về Sài Gòn, để lại mình tôi với một khung trời đầy xa lạ, bỡ ngỡ và thử thách. Tôi rất lo lắng vì không quen thuộc với ai ở đất Hà Nội này; họ hàng nếu có thì cũng ở tuốt mãi Nam Định xa xôi.

Nào là quản lý nội bộ, phân công việc làm, nào là giao dịch khách hàng, giới thiệu quảng bá sản phẩm, phát triển khu vực… Thú thật, có những lúc tôi không biết làm điều gì trước, điều gì sau, lúc nào cũng đầy những công việc và trách nhiệm bủa vây.


Có những đêm về suy nghĩ thấy bí lối, nhưng nhờ lòng tin vào Chúa, nhờ lời cầu nguyện mà mọi sự thuận lợi mới đến được với mình, qua sự soi sáng của Ngài. Có những đêm về thấy mình bơ vơ quá, lúc đó tôi chỉ thấy có Chúa bên cạnh mình. Và rồi, công việc dần dần trở nên tốt đẹp hơn, mọi thử thách dần dần trôi qua.

Nói ngắn gọn là thế, nhưng khi nhớ lại quá khứ, khi những sự kiện ngày ấy xuất hiện lại trong trí óc như vừa mới xảy ra, tôi bỗng vô cùng bàng hoàng vì bây giờ mới thấy rất rõ bao yếu đuối, bao sơ sẩy, bao nguy hiểm, để rồi ngạc nhiên không hiểu vì sao mình lại có thể vượt qua được những hiểm nguy chập chùng ấy.

Đã có lần xe chạy nhanh trên đồi, vượt qua một ổ gà thật lớn: bánh trước đã lướt qua và tôi hiểu là bánh sau sẽ lọt xuống ổ gà rồi vướng lại thôi. Nhưng khi tôi đã nhắm mắt chấp nhận một tai nạn, thì xe bỗng vượt qua cách ngọt ngào, như không hề có một ổ gà cạm bẫy đầy nguy hiểm!

Một lần khác, xe hơi U oát đang vượt đèo Pha Đin, trời mưa lâm râm, bỗng tay lái sạt vào đám cỏ bên đường. Đất sình làm trượt bánh xe xuống dốc, mất lái, xe nghiêng khoảng hơn 40 độ. Cả bọn trên xe tưởng thế là “xong đời rồi”! Đến khi xe dừng hoàn toàn, mọi người hoàn hồn, thì cũng không ai dám xuống xe cho đến khi được cứu hộ. Sau chuyến hành trình đó, trở về nhà, mọi người cứ suy nghĩ mãi, không biết điều gì đã làm xe đứng lại!

Và không phải khi công tác ở miền núi mới có những khó khăn về giao thông. Khi ở những vùng đồng bằng, vùng sâu, vùng xa như ở Tuyên Quang, Nghĩa Lộ, Yên Bái; tài xế có những lúc mỏi mệt ngủ quên khi lái xe; xe bị lọt xuống ruộng, tới khi mở mắt ra thì chỉ thấy toàn lúa chung quanh. Hú hồn!

Hay như cảnh đi đòi nợ ở vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa. Con nợ trốn, đến khi vào tận nơi cư trú của con nợ thì mới thấy cả một nhóm mười người đang ăn nhậu. Mà trời thì đã tối. Chúng “thịt” mình cách dễ dàng. Nhưng vì đã lỡ cất công tìm đến, cũng đành “liều mạng” nhập cuộc. Trước hết, phải cẩn thận báo tài xế không được xuống xe mà phải giữ máy nổ, để có cớ sự là vọt. Vào rồi, gặp rồi, càng thấy sợ hơn, không biết nói gì, chỉ biết “nhào vô”. Họ đang nhậu, mặt đằng đằng sát khí, mình đành dùng chiêu “vào năm, ra bảy” để hóa giải sự ngỡ ngàng của mọi người và gửi sự thân tình đến con nợ, vui vẻ nói “Hôm nay tôi không đến để đòi nợ, mà đến để thăm anh”, nhờ đó mọi người đều vui vẻ. Đến khi đã ngà ngà, ở lại không thuận tiện, khi ra về thì cũng không quên lấy giấy xác nhận công nợ và hẹn ngày thanh toán nợ. Đúng là một phen hú vía!

Hay có những lúc đi vào vùng sâu, vùng xa ở Yên Bái, chỉ có hai anh em, tôi và tài xế lái xe. Trời tối như mực, đường hoang vắng, nhà thưa thớt, ánh sáng le lói, có những bóng dáng vật vờ qua lại như ma trơi… Tài xế run lập cập đến mức hỏi “Anh thấy gì không?” khi chạy vụt qua rồi.

Đó là những chuyện bây giờ mới kể lại. Và còn nhiều chuyện khác, với những khó khăn tưởng như mình không thể vượt qua nổi, không giải quyết được, nhưng cho đến lúc này, khi mọi việc đã qua đi, mới thấy rất lạ rằng: không có điều gì tồn đọng để đáng phải ân hận cả.

Trong suốt mười hai năm công tác đó, gặp bao nhiêu trở ngại, mình đã thành công, nhưng có một câu hỏi luôn đau đáu trong lòng: “Ai đã giúp đỡ, bảo vệ mình thoát khỏi những cảnh ngặt nghèo, khó khăn, nguy hiểm như thế nhỉ?”.

Và chỉ có một câu trả lời duy nhất: Chúa đã thương yêu, giúp đỡ và cứu vớt con, “lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con” (Tv 18,3).

Văn Hiến (TGPSG)
(WGPSG)