Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Hội Toàn Cầu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Hội Toàn Cầu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

CHI TIẾT THÁNH LỄ AN TÁNG ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Các tín hữu xếp hàng vào đền thờ kính viếng Đức Biển Đức  (Vatican Media)

CHI TIẾT THÁNH LỄ AN TÁNG 
ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (04.01.2023) Thứ Ba 03/01/2023, Phòng Báo chí Toà Thánh thông cáo chi tiết về Thánh lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Vì không phải là Giáo hoàng đương nhiệm qua đời, nên phụng vụ Thánh lễ có một số thay đổi. Dự kiến sẽ có hơn 120 hồng y, hơn 400 giám mục và 4.000 linh mục đồng tế, trước sự hiện hiện của hơn 60 ngàn tín hữu.

Vào tối thứ Tư, sau 7 giờ tối khi việc kính viếng Đức cố Giáo hoàng chấm dứt, di hài của ngài sẽ được đặt trong quan tài bằng gỗ bách. Theo truyền thống, cùng được đặt trong quan tài là dây Pallium - biểu tượng cai quản- các đồng tiền cắc và mề đay được phát hành trong thời của Đức cố Giáo hoàng, và chứng thư, văn bản mô tả ngắn gọn triều Giáo hoàng của ngài, được đặt trong một ống kim loại.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết vì không phải là Giáo hoàng đương nhiệm qua đời, nên Thánh lễ an táng Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô và các nghi thức sau đó có một số thay đổi. Như trong Thánh lễ, lời nguyện dành cho Giáo phận Roma và các Giáo hội nghi lễ Đông phương không có.

Sau Thánh lễ an táng sẽ có nghi thức tiễn biệt. Sau đó, linh cửu của Đức cố Giáo hoàng sẽ được đưa xuống hầm mộ các Giáo hoàng bên dưới đền thờ thánh Phêrô. Tại đây quan tài bằng gỗ bách được đặt trong hòm bằng kẽm, rồi lại được đặt trong một quan tài bằng gỗ và được chôn cất.

Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ được yên nghỉ trong phần mộ của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trước khi được phong chân phước ngày 01/5/2011.

Sẽ có hơn 120 hồng y, hơn 400 giám mục và 4.000 linh mục đồng tế. Đã có hơn 600 nhà báo được Vatican công nhận. Chính quyền Roma dự kiến sẽ có 60 ngàn tín hữu tham dự Thánh lễ.

Hiện diện tại Thánh lễ an táng, ngoài phái đoàn của Ý với người dẫn đầu là Tổng thống Sergio Mattarella, và của Đức với người dẫn đầu là Tổng thống Frank Walter Steinmeier, cho tới nay Vatican đã xác nhận thêm một số nguyên thủ quốc gia khác sẽ đến: Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan, Nữ hoàng Sofia của Tây Ban Nha, Vua Filippo Hoàng hậu Mathilde của Bỉ, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa của Bồ Đào Nha, Tổng thống Katalin Novak của Hungary.

Bộ Truyền thông của Toà Thánh với sự hỗ trợ của Hội Hiệp sĩ Colombo đang nỗ lực để đảm bảo việc truyền hình trên toàn thế giới Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng.

Trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba, đã có khoảng 135. 000 người đến kính viếng Đức Bênêđictô XVI tại đền thờ thánh Phêrô.

(WHĐ)

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

TIỂU SỬ CHÍNH THỨC CỦA ĐỨC NGUYÊN GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

TIỂU SỬ CHÍNH THỨC 
CỦA ĐỨC NGUYÊN GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Vatican News Tiếng Việt
Vatican News (31.12.2022) - Sau thông báo về sự ra đi của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào thứ Bảy ngày 31 tháng 12 năm 2022, ở tuổi 95, chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời của ngài và những điểm nổi bật chính trong tiểu sử chính thức sau đây.
 
Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sinh tại Marktl am Inn, Giáo phận Passau (Đức) vào ngày 16 tháng 4 năm 1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) và được rửa tội cùng ngày.

Cha của ngài, một Ủy viên Cảnh sát, thuộc một gia đình nông dân lâu đời ở vùng Hạ Bavaria với nguồn kinh tế khiêm tốn. Mẹ ngài là con gái của một nghệ nhân xứ Rimsting, bên bờ Hồ Chiem. Trước khi kết hôn, cô làm đầu bếp ở một số khách sạn.

Joseph Ratzinger trải qua thời thơ ấu và thời niên thiếu ở Traunstein, một ngôi làng nhỏ gần biên giới nước Áo, cách Salzburg ba mươi cây số. Trong môi trường này, nơi chính ngài đã định nghĩa là “Mozartian”, ngài đã nhận được sự đào tạo Kitô giáo, văn hóa và nhân bản.

Những năm tháng tuổi trẻ của ngài không hề dễ dàng. Đức tin của ngài và nền giáo dục nhận được ở gia đình đã chuẩn bị cho ngài cuộc sống khắc nghiệt trong những năm mà chế độ Quốc xã có thái độ thù địch đối với Giáo hội Công giáo. Cậu bé Joseph đã chứng kiến cảnh một số tên Quốc xã đánh đập Cha xứ trước Thánh lễ.

Chính trong hoàn cảnh phức tạp đó, ngài đã khám phá ra vẻ đẹp và chân lý của niềm tin vào Chúa Kitô; nền tảng cho điều này là thái độ của gia đình ngài, những người luôn làm chứng rõ ràng về lòng tốt và hy vọng, bắt nguồn từ sự gắn bó xác tín với Giáo hội.

Ngài được ghi danh vào một quân đoàn dự bị phòng không cho đến tháng 9 năm 1944.

Linh mục

Từ năm 1946 đến năm 1951, ngài học triết học và thần học tại Trường Cao học Triết học và Thần học Freising và tại Đại học Munich.

Ngài được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1951. Một năm sau, ngài bắt đầu giảng dạy tại Trường Trung học Freising.

Năm 1953, ngài đậu bằng tiến sĩ thần học với luận án mang tên “Dân và Nhà Thiên Chúa trong Học thuyết của Thánh Augustinô về Giáo hội”.

Bốn năm sau, dưới sự hướng dẫn của giáo sư nổi tiếng về thần học cơ bản Gottlieb Söhngen, ngài bảo vệ luận án về: “Thần học lịch sử ở St Bonaventura”, qua đó đủ điều kiện giảng dạy tại Đại học.

Sau khi dạy thần học tín lý và cơ bản tại Trường Cao học Triết học và Thần học ở Freising, ngài tiếp tục dạy ở Bonn, từ năm 1959 đến năm 1963; tại Münster từ 1963 đến 1966; và tại Tübingen từ năm 1966 đến năm 1969. Trong năm cuối cùng này, ngài giữ chức giáo sư tín lý và lịch sử tín lý tại Đại học Regensburg, nơi ngài cũng là Viện phó

Từ năm 1962 đến năm 1965, ngài đã có những đóng góp nổi bật cho Công đồng Vatican II với tư cách là một “chuyên gia”, có mặt tại Công đồng với tư cách là cố vấn thần học của Đức Hồng y Joseph Frings, Tổng Giám mục Köln.

Hoạt động khoa học cần mẫn của ngài đã đưa ngài đến những vị trí quan trọng trong việc phục vụ Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Thần học Quốc tế.

Năm 1972, cùng với Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac và các nhà thần học quan trọng khác, ngài đã khởi xướng tạp chí thần học Communio.

Giám mục và Hồng y

Vào ngày 25 tháng 3 năm 1977, Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Munich và Freising. Ngày 28 tháng 5 cùng năm, ngài được thụ phong giám mục. Ngài là linh mục giáo phận đầu tiên sau 80 năm đảm nhận việc cai quản mục vụ của Tổng giáo phận Bavarian to lớn.

Ngài đã chọn phương châm giám mục của mình: “Những người cộng tác với chân lý”. Chính ngài đã giải thích lý do:

Một mặt, tôi coi đó là mối quan hệ giữa nhiệm vụ trước đây của tôi với tư cách là giáo sư và nhiệm vụ mới của tôi. Bất chấp những cách tiếp cận khác nhau, điều liên quan và vẫn tiếp tục như vậy là đi theo sự thật và phục vụ sự thật. Mặt khác, tôi chọn phương châm đó bởi vì trong thế giới ngày nay, chủ đề về sự thật gần như bị bỏ qua hoàn toàn, như một điều gì đó quá vĩ đại đối với con người, nhưng mọi thứ sẽ sụp đổ nếu thiếu vắng sự thật.

Đức Phaolô VI đã phong ngài làm Hồng y với nhà thờ hiệu toà là “Santa Maria Consolatrice al Tiburtino”, trong Công nghị ngày 27 tháng 6 năm 1977.

Năm 1978, ngài tham gia Mật nghị ngày 25 và 26 tháng 8, bầu chọn Đức Gioan Phaolô I, người đã bổ nhiệm ngài làm Đặc phái viên tại Đại hội Thánh Mẫu học Quốc tế lần III, được tổ chức tại Guayaquil (Ecuador) từ ngày 16 đến 24 tháng 9. Vào tháng 10 cùng năm, ngài tham gia Mật nghị bầu chọn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Ngài là Tường trình viên của Thượng hội đồng lần thứ V của Thượng Hội đồng Giám mục diễn ra vào năm 1980 với chủ đề: “Vai trò của Gia đình Kitô hữu trong Thế giới Hiện đại”, và là Chủ tịch Thừa uỷ của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ VI vào năm 1983 về “Hòa Giải và Sám Hối trong Sứ Mạng của Giáo Hội Ngày Nay”.

Tổng trưởng

Ngày 25 tháng 11 năm 1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh và Ủy ban Thần học Quốc tế. .

Đức Thánh Cha đã nâng ngài lên hàng Hồng y đẳng Giám mục và với nhà thờ hiệu toà ở Velletri-Segni vào ngày 5 tháng 4 năm 1993.

Ngài là Chủ tịch Ủy ban Chuẩn bị Giáo lý Giáo hội Công giáo, sau sáu năm làm việc (1986-1992), đã trình lên Đức Thánh Cha Sách Giáo lý mới.

Vào ngày 6 tháng 11 năm 1998, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn việc bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger làm Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, do các Hồng Y đẳng Giám Mục đệ trình. Vào ngày 30 tháng 11 năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn việc bầu ngài làm Niên Trưởng Hồng y đoàn.

Năm 1999, ngài là Đặc phái viên của Đức Giáo hoàng cho Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo phận Paderborn, Đức, diễn ra vào ngày 3 tháng 1.

Trong Giáo triều Rôma, ngài là thành viên của: Hội đồng Quốc vụ khanh về Quan hệ với các Quốc gia; các Bộ Giáo hội Đông phương, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Bộ Giám mục, Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc, Bộ Giáo dục Công giáo, Bộ Giáo sĩ và Bộ Phong thánh; các Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Hiệp nhất Kitô hữu và Văn hoá; Tòa án Tối cao của Tòa án Tông toà, và của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, “Ecclesia Dei”, Giải thích Xác thực Bộ Giáo luật và Sửa đổi Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương.

Kể từ ngày 13 tháng 11 năm 2000, ngài là Viện sĩ Danh dự của Học viện Giáo hoàng về Khoa học.

Học thuật

Trong số nhiều ấn phẩm của ngài, cần đặc biệt đề cập đến cuốn Nhập môn Kitô giáo, một tuyển tập các bài giảng ở Đại học về Kinh Tin Kính, xuất bản năm 1968; và Tín lý và Giảng dạy (1973), một tuyển tập các bài tiểu luận, bài giảng và suy tư về các thảo luận mục vụ.

Bài phát biểu của ngài trước Học viện Công giáo Bavaria về “Tại sao tôi vẫn ở trong Giáo hội” đã gây được tiếng vang lớn; trong đó, ngài tuyên bố rõ ràng như thường lệ: “người ta chỉ có thể là Kitô hữu trong Giáo hội, không thể ở bên cạnh Giáo hội”.

Nhiều ấn phẩm của ngài đã được phổ biến trong nhiều năm và tạo thành một điểm tham chiếu cho nhiều người, đặc biệt là đối với những người quan tâm đến việc nghiên cứu sâu hơn về thần học. Năm 1985, ngài xuất bản cuốn sách phỏng vấn về tình hình đức tin (Báo cáo của Ratzinger) và vào năm 1996, Muối của Đất. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của ngài, tập sách Tại Trường Chân lý đã được xuất bản, bao gồm các bài viết của một số tác giả về các khía cạnh khác nhau trong tính cách và tác phẩm của ngài.

Ngài đã nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự: năm 1984 từ Đại học Thánh Tôma ở St. Paul, (Minnesota, Hoa Kỳ); năm 1986 từ Đại học Công giáo Lima (Peru); năm 1987 từ Đại học Công giáo Eichstätt (Đức); năm 1988 từ Đại học Công giáo Lublin (Ba Lan); năm 1998 từ Đại học Navarre (Pamplona, Tây Ban Nha); năm 1999 từ LUMSA (Libera Università Maria Santissima Assunta) của Rôma và năm 2000 từ Khoa Thần học của Đại học Wrocław ở Ba Lan.

Giáo hoàng

Đức Hồng y Joseph Ratzinger được bầu vào ngày 19 tháng 4 năm 2005, là Giáo hoàng thứ 265.

Ngài là người lớn tuổi nhất được bầu làm Giáo hoàng kể từ năm 1730, và là Hồng y trong một thời gian dài hơn bất kỳ Giáo hoàng nào kể từ năm 1724.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, trong Công nghị Công khai thường lệ để bỏ phiếu về một số Án Phong Thánh, Đức Bênêđictô đã thông báo quyết định từ nhiệm với những lời sau:

“Sau nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi đến chỗ chắc chắn rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để thi hành thừa tác vụ của thánh Phêrô nữa. Tôi ý thức rõ rằng thừa tác vụ này, do bản chất thiêng liêng thiết yếu của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, mà còn bằng lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới hôm nay, trước biết bao thay đổi nhanh chóng và bị lung lay bởi những vấn đề liên quan sâu xa đến đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, thì sức mạnh tinh thần và thể xác đều cần thiết, sức mạnh mà trong vài tháng qua, đã sa sút trong tôi đến mức tôi phải nhận ra mình không có khả năng chu toàn thánh chức được giao phó một cách thích đáng. Vì lý do này, và ý thức rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của hành động này, tôi hoàn toàn tự do tuyên bố rằng tôi từ nhiệm chức vụ Giám mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô.”

Triều đại giáo hoàng của ngài kết thúc vào ngày 28 tháng 2 năm 2013.

Sau khi đơn từ chức của ngài có hiệu lực, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã sống ở Vatican trong Tu viện Mater Ecclesiae cho đến khi qua đời.

(WHĐ)

ĐỨC GIÁO HOÀNG DANH DỰ BÊNÊĐICTÔ XVI VỪA ĐƯỢC CHÚA GỌI VỀ


ĐỨC GIÁO HOÀNG DANH DỰ BÊNÊĐICTÔ XVI 
VỪA ĐƯỢC CHÚA GỌI VỀ
 
Văn Việt

WHĐ (31.12.2022) - Theo Phòng báo chí Tòa thánh, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 95 tuổi, đã được Chúa gọi về lúc 09:34 sáng Thứ Bảy 31.12.2022 (tức 15:34 giờ Việt Nam) tại Tu viện Mẹ Hội Thánh ở Vatican. Thông tin thêm sẽ được cung cấp trong thời gian sớm nhất.
(WHĐ)

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐÃ THỔN THỨC KHÓC KHI PHÓ THÁC UCRAINA CHO ĐỨC MẸ

 

TRƯỚC TƯỢNG ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI, 
ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ THỔN THỨC KHÓC 
KHI PHÓ THÁC UCRAINA CHO ĐỨC MẸ

Hôm 08/12/2022, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Phanxicô đã đến quảng trường Tây Ban Nha để tôn kính Đức Maria như truyền thống mọi năm. Trong lời cầu nguyện đầy xúc động, ngài đặc biệt cầu xin ơn bình an cho Ucraina đang bị chiến tranh xâu xé.


Trong lời cầu nguyện dưới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không cầm được cảm xúc và nước mắt (xem ở phút 14:56) khi cầu nguyện cho hòa bình ở Ucraina :

Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm,
hôm nay dân thành Rôma quy tụ xung quanh Mẹ.
Những bông hoa đặt dưới chân Mẹ
bởi rất nhiều thực tại đô thị
diễn tả tình yêu và lòng sùng kính của họ đối với Mẹ,
Đấng chăm sóc tất cả chúng con.

Và Mẹ cũng nhìn thấy và đón nhận
những bông hoa vô hình là biết bao lời cầu khẩn,
biết bao lời cầu xin thầm lặng, đôi khi bị bóp nghẹt,
bị che giấu nhưng không phải đối với Mẹ là Mẹ.

Sau hai năm con đến một mình
để tỏ lòng tôn kính Mẹ vào lúc bình minh,
hôm nay con trở lại với Mẹ cùng với đoàn dân
người dân của Giáo hội này, người dân của thành phố này.
Và con dâng lên Mẹ những lời cảm ơn và những lời cầu xin
của tất cả con cái của Mẹ, gần hay xa.

Từ Thiên Đàng nơi Thiên Chúa đã đón nhận Mẹ,
Mẹ nhìn thấy mọi sự trên trần gian tốt hơn nhiều so với chúng con;
nhưng vì Mẹ lắng nghe những lời khẩn cầu của chúng con
để dâng chúng cho Con của Mẹ
cho Trái Tim đầy lòng thương xót của Người.

Trên tất cả, con mang đến cho Mẹ tình yêu hiếu thảo
của vô số người nam và người nữ, không chỉ của người Kitô hữu
đang nuôi dưỡng lòng biết ơn lớn lao nhất đối với Mẹ
đối với vẻ đẹp đầy ân sủng và khiêm tốn của Mẹ:
vì giữa biết bao mây đen
Mẹ là dấu hiệu của hy vọng, và là dấu hiệu của sự an ủi.

Con mang đến cho Mẹ những nụ cười của trẻ thơ
vốn đang học biết tên của Mẹ trước hình ảnh của Mẹ,
trong đôi vòng tay của mẹ và bà của chúng,
và bắt đầu biết rằng chúng cũng có một người Mẹ ở trên trời.
Và khi, trong cuộc sống, xảy ra là những nụ cười này
nhường chỗ cho nước mắt,
thật quan trọng biết bao khi biết Mẹ,
có được món quà là tình mẫu tử của Mẹ!

Con mang đến cho Mẹ lòng biết ơn của người cao tuổi và người già:
một lòng biết ơn làm một với cuộc sống của họ,
được dệt nên bởi bao kỷ niệm, niềm vui và đau buồn,
bởi những thành tựu mà họ biết đến
mà họ đã thực hiện với sự giúp đỡ của Mẹ,
bằng cách đặt tay họ trong tay Mẹ.

Lạy Mẹ, con mang đến cho Mẹ những lo âu của các gia đình,
của những người cha người Mẹ đang thường xuyên chiến đấu
để chi tiêu tằn tiện trong gia đình
và đương đầu ngày qua ngày
những thách thức lớn nhỏ để vượt qua chúng.

Cách đặc biệt, con phó dâng cho Mẹ các đôi bạn trẻ,
đang hướng về Mẹ và Thánh Giuse
họ đương đầu cách can đảm với cuộc sống
bằng cách tin tưởng vào sự Quan phòng của Thiên Chúa.

Con mang đến cho Mẹ những ước mơ và lo âu của người trẻ,
mở ra cho tương lai nhưng bị cản trở bởi một nền văn hóa
giàu về vật chất và nghèo về các giá trị,
quá tải thông tin và thiếu giáo dục,
thuyết phục để lừa dối và tàn nhẫn để gây thất vọng.

Con đặc biệt gửi gắm cho Mẹ những bạn trẻ
đã bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch,
để họ có thể từ từ tiếp tục
để phấn chấn lên và dang rộng đôi cánh của mình
và tái khám phá hương vị của việc bay lên đỉnh cao.

Lạy Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, hôm nay con sẽ muốn
mang đến cho Mẹ lời tạ ơn của dân tộc Ucraina,
về hòa bình mà chúng con cầu xin Chúa từ rất lâu nay.
Thay vào đó, con còn phải mang đến cho mẹ lời cầu xin
của các em nhỏ, của người cao tuổi,
của những người cha và người mẹ, của người trẻ
về mảnh đất tuẫn đạo này, đang chịu nhiều đau khổ.
Nhưng trên thực tế, tất cả chúng con đều biết rằng
Mẹ ở với họ và với tất cả những ai đang đau khổ,
như Mẹ đã từng ở bên thập giá của Con Mẹ.

Cảm ơn Mẹ của chúng con !
Con hướng đến Mẹ, Đấng không vương tội lỗi.
Xin cho chúng con tiếp tục tin tưởng và hy vọng rằng
tình yêu sẽ vượt qua hận thù,
chân lý sẽ chiến thắng sự dối trá
sự tha thứ sẽ chinh phục sự xúc phạm
hòa bình sẽ chiến thắng chiến tranh. Xin được như nguyện!
 
Tý Linh
(WHĐ)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

KHÁNH THÀNH HANG ĐÁ VÀ THẮP SÁNG CÂY THÔNG TẠI QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ


KHÁNH THÀNH HANG ĐÁ VÀ THẮP SÁNG CÂY THÔNG
TẠI QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (03.12.2022) – Lúc 17 giờ chiều thứ Bảy 03/12, Đức Hồng Y Fernando Vergez Alzaga và sơ Raffaella Petrini, Chủ tịch và Tổng Thư ký Phủ Thống đốc thành Vatican, sẽ khánh thành hang đá và thắp sáng cây thông tại quảng trường thánh Phêrô.


Hiện diện tại buổi lễ có các phái đoàn đại diện của các nơi tặng hang đá và cây thông, đến từ làng Sutrio thuộc miền Udine, và từ Rosello thuộc miền Abruzzo của Ý. Một phái đoàn đến từ Guatemala, nơi tặng hang đá Giáng sinh để đặt trong Đại thính đường Phaolô VI, cũng có mặt.
 
Hang đá Giáng sinh của làng Sutrio hoàn toàn bằng gỗ, với hang đá là một hình bán cầu, nơi đặt các tượng Thánh Gia; xung quanh đó có các tượng các nhân vật có kích thước bằng người thật. Cũng có các nhân vật thực hiện các công việc hay cử chỉ biểu tượng.

Các đồ vật trang trí cây thông Giáng sinh được thực hiện bởi các thiếu niên của cơ sở phục hồi chức năng tâm thần “Quadrifoglio”, cùng với các ông bà thuộc trung tâm tiếp đón người cao tuổi “thánh Antonio” của Borrello và các học sinh của ba trường của Ý.

Cùng ngày, vào buổi sáng, Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn Sutrio, Rosello và Guatemala. Tại buổi gặp gỡ, các phái đoàn đã lần lượt giới thiệu cho Đức Thánh Cha các quà tặng của họ.

(WHĐ)

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

NGUYÊN VĂN BỨC THƯ CỦA ĐỨCTHÁNH CHA PHANXICÔ GỞI CHO DÂN TỘC UCRAINA

THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO DÂN TỘC UCRAINA
CHÍN THÁNG SAU KHI CHIẾN TRANH BẮT ĐẦU: 
NỖI ĐAU ĐỚN CỦA ANH CHỊ EM LÀ NỖI ĐAU ĐỚN CỦA TÔI

Hôm 24/11/2022, Đức Phanxicô đã gởi thư cho người dân Ucraina, để an ủi và khích lệ họ trước sự dã man mà quân xâm lược Nga gây ra cho đất nước này. Ngài cho thấy nỗi đau đớn của họ là nỗi đau đớn của ngài và bày tỏ "sự gần gũi …, trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện, với sự quan tâm nhân đạo, để anh chị em cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ rơi một mình hôm nay và nhất là mai ngày, khi cám dỗ có thể đến là quên đi nỗi đau khổ của anh chị em".

Ngài trấn an và khích lệ họ : "Bất chấp bi kịch to lớn mà mình phải chịu, dân tộc Ucraina chưa bao giờ nản lòng và chưa bao giờ tủi thân. Thế giới đã công nhận một dân tộc gan dạ và mạnh mẽ, một dân tộc đau khổ và cầu nguyện, than khóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tuẫn đạo".

Đặc biệt, Đức Thánh Cha "phó dâng nỗi đau khổ và nước mắt của anh chị em cho trái tim từ mẫu của Mẹ". Và mời gọi hy vọng vào quyền năng của Chúa : "Thử thách mà Thánh Gia đã phải đương đầu trong đêm đó vốn dường như chỉ là lạnh lẽo và tăm tối. Tuy nhiên, ánh sáng đã đến: không phải từ phía con người, nhưng từ Thiên Chúa; không phải từ trái đất, nhưng từ Trời".

Bức thư này như là sự nâng đỡ và là "vũ khí tinh thần" mà Đức Thánh Cha gởi đến cho dân tộc Ucraina, để khích lệ họ không nản lòng bỏ cuộc trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược.

Dưới đây là thư của Đức Thánh Cha:

Anh chị em Ucraina thân mến !

Trên vùng đất của anh chị em, từ chín tháng qua, sự điên cuồng phi lý của chiến tranh đã nổi lên dữ dội. Trên bầu trời của anh chị em, tiếng gầm rú ác hại của các vụ nổ và âm thanh đáng ngại của còi báo động vang lên không ngừng. Các thành phố của anh chị em bị bom tấn công trong khi những cơn mưa tên lửa gây ra cái chết, sự tàn phá và nỗi đau đớn, đói khát và lạnh lẽo. Trên các đường phố của anh chị em, biết bao người đã phải chạy trốn, bỏ lại nhà cửa và những người thân yêu. Mỗi ngày, những dòng sông máu và nước mắt chảy dọc theo những dòng sông vĩ đại của anh chị em.

Tôi muốn hòa những giọt nước mắt của tôi với những giọt nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có ngày nào mà tôi không gần gũi anh chị em và không mang anh chị em trong trái tim và lời cầu nguyện của tôi. Nỗi đau đớn của anh chị em là nỗi đau đớn của tôi. Trên thập giá của Chúa Giêsu hôm nay, tôi nhìn thấy anh chị em đang phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do sự xâm lược này gây ra. Vâng, thập giá đã tra tấn Chúa như sống lại trong các cuộc tra tấn được tìm thấy nơi các thi thể, nơi những ngôi mộ tập thể được tìm thấy nơi các thành phố khác nhau, nơi những hình ảnh này và biết bao hình ảnh đẫm máu khác đã đi vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta phải kêu lên: tại sao? Làm thế nào con người có thể đối xử với những người khác theo cách này?

Nhiều câu chuyện bi thảm, mà tôi đã biết được, lại xuất hiện trong tâm trí tôi. Trước hết, những câu chuyện về các trẻ nhỏ: bao nhiêu trẻ em đã bị giết chết, bị thương hay mồ côi, bị cướp đi khỏi mẹ của chúng! Tôi khóc với anh chi em đối với mỗi đứa trẻ đã mất mạng vì cuộc chiến này, như Kira ở Odessa, như Lisa ở Vinnytsia, và như hàng trăm đứa trẻ khác: nơi mỗi trẻ nhỏ đó, cả nhân loại bị đánh bại. Bây giờ, các em đang ở trong cung lòng của Thiên Chúa, các em đang nhìn thấy nỗi lo âu của anh chị em và đang cầu nguyện để nó chấm dứt. Nhưng làm sao không cảm thấy âu lo đối với họ và đối với những người, nhỏ và lớn, đang bị đưa đi đày? Nỗi đau buồn của các bà mẹ Ucraina là không kể xiết.

Do đó, cha nghĩ đến các con, những người trẻ, để bảo vệ tổ quốc mình cách can đảm, đã phải cầm vũ khí thay vì thực hiện những ước mơ mà các con đã ấp ủ cho tương lai; cha nghĩ đến các con, những người vợ, những người đã mất đi những người chồng và đang tiếp tục kìm mình trong thinh lặng, với phẩm giá và quyết tâm, hy sinh tất cả cho con cái của mình; cha nghĩ đến các con, những người lớn, đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ người thân yêu của mình; tôi nghĩ đến những người cao tuổi, thay vì một buổi hoàng hôn thanh bình, đã bị ném vào đêm tối của chiến tranh; tôi nghĩ đến các chị em phụ nữ đã phải chịu cảnh bạo lực và mang trong lòng những gánh nặng to lớn; tôi nghĩ đến tất cả các bạn, đang bị tổn thương trong tâm hồn và thân xác. Tôi nghĩ đến anh chị em và tôi ở bên cạnh anh chị em bằng tình yêu thương và thán phục đối với cách mà anh chị em đang đối mặt với những thử thách khó khăn như thế.

Tôi nghĩ đến các bạn, những tình nguyện viên, đang tiêu hao mỗi ngày cho mọi người; tôi nghĩ đến anh em, những Mục tử của dân thánh của Thiên Chúa, thường có nguy cơ cho sự an toàn của riêng mình – đã ở lại gần gũi với người dân, mang lại sự an ủi của Thiên Chúa và tình liên đới huynh đệ, biến đổi một cách sáng tạo các cộng đoàn và tu viện thành nơi ẩn náu nơi anh em mang lại lòng hiếu khách, sự trợ giúp và lương thực cho những người đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng nghĩ đến những người tỵ nạn và những người di cư trong nước, đang phải ở xa nhà của mình, trong đó nhiều nhà cửa đã bị phá hủy; và tôi nghĩ đến các nhà cầm quyền, những người mà tôi cầu xin: nhiệm vụ của họ là điều hành đất nước trong thời kỳ bi thảm và đưa ra những quyết định sáng suốt vì hòa bình và sự phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ phá hủy rất nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, ở thành phố cũng như ở nông thôn.

Anh chị em thân mến, trong biển sự dữ và đau khổ này – chín mươi năm sau cuộc diệt chủng khủng khiếp bằng nạn đói Holodomor -, tôi rất ấn tượng bởi lòng nhiệt thành của anh chị em. Bất chấp bi kịch to lớn mà mình phải chịu, dân tộc Ucraina chưa bao giờ nản lòng và chưa bao giờ tủi thân. Thế giới đã công nhận một dân tộc gan dạ và mạnh mẽ, một dân tộc đau khổ và cầu nguyện, than khóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tuẫn đạo. Tôi tiếp tục gần gũi anh chị em, trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện, với sự quan tâm nhân đạo, để anh chị em cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ rơi một mình hôm nay và nhất là mai ngày, khi cám dỗ có thể đến là quên đi nỗi đau khổ của anh chị em.

Trong những tháng ngày này, khi sự khắc nghiệt của khí hậu làm cho cuộc sống của anh chị em ngày càng trở nên bi đát hơn, tôi mong muốn rằng tình cảm của Giáo hội, sức mạnh của lời cầu nguyện, tình yêu mà rất nhiều anh chị em ở khắp mọi miền cảm nhận được đối với anh chị em, sẽ trở thành những cử chỉ âu yếm dịu dàng trên khuôn mặt của anh chị em. Vài tuần nữa sẽ là lễ Giáng Sinh, và nỗi đau khổ sẽ còn mãnh liệt hơn nữa. Nhưng tôi muốn cùng anh chị em trở lại Bêlem, với thử thách mà Thánh Gia đã phải đương đầu trong đêm đó vốn dường như chỉ là lạnh lẽo và tăm tối. Tuy nhiên, ánh sáng đã đến: không phải từ phía con người, nhưng từ Thiên Chúa; không phải từ trái đất, nhưng từ Trời.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người và là Mẹ của chúng ta, để mắt đến anh chị em. Trong sự hiệp thông với các Giám mục trên thế giới, tôi xin thánh hiến Giáo hội và nhân loại, cách riêng đất nước của anh chị em và nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch của Đức Mẹ. Tôi xin phó dâng nỗi đau khổ và nước mắt của anh chị em cho trái tim từ mẫu của Mẹ. Đối với Đấng mà, như một người con vĩ đại của đất nước anh chị em đã viết, “đã mang Chúa đến trong thế giới chúng ta”, chúng ta đừng bao giờ mỏi mệt cầu xin món quà hòa bình được chờ đợi từ lâu nay, trong niềm xác tín rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Xin Ngài thỏa mãn những mong đợi chính đáng trong tâm hồn anh chị em, xin Ngài chữa lành các vết thương của anh chị em và ban cho anh chị em được ơn an ủi. Tôi ở với anh chị em, tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Xin Chúa chúc lanh cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 11 năm 2022


Phanxicô Tý Linh
Chuyển ngữ từ: Vatican News
Nguồn: xuanbichvietnam.net (27.11.2022
(WHĐ)

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

ĐỨC THÁNH CHA GỬI THƯ CHO NGƯỜI DÂN UCRAINA SAU 9 THÁNG CHIẾN TRANH

ĐỨC THÁNH CHA GỬI THƯ CHO NGƯỜI DÂN UCRAINA
SAU 9 THÁNG CHIẾN TRANH

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (26.11.2022) – Ngày 24/11/2022, sau 9 tháng chiến tranh, Đức Thánh Cha viết thư cho người dân Ucraina. Ngài lên án cuộc chiến vô lý, chia sẻ nỗi đau của tất cả mọi người với nước mắt và lời cầu nguyện mỗi ngày.

Trong thư, trước hết, Đức Thánh Cha nói đến tình trạng đau khổ của toàn thể người dân Ucraina đang phải chịu đựng cuộc chiến xâm lược vô lý của Nga. Ngài mô tả cuộc chiến với những tiếng gầm rú của máy bay, tiếng còi báo động, những cơn mưa tên lửa, gây nên hậu quả là nhiều người chết, phải chạy trốn khỏi quê hương, và bên cạnh những dòng sông lớn của đất nước, ngày nay còn có những dòng sông máu và nước mắt.

Khóc vì cuộc chiến

Đức Thánh Cha viết: “Tôi muốn hoà nước mắt của tôi với nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có một ngày nào mà tôi không gần gũi với anh chị em và không mang anh chị em vào trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện của tôi. Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Trong thập giá của Chúa Giêsu hôm nay tôi thấy anh chị em, những người phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do cuộc tấn công này gây ra. Thập giá tra tấn Chúa trở lại trong sự tra tấn trên các xác chết, trong những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở các thành phố, trong đó và trong nhiều hình ảnh đẫm máu khác đã đi vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta phải gào lên: Tại sao? Tại sao con người lại có thể đối xử với nhau như thế?”

Xe của một em bé bị giết

Trong thư, Đức Thánh Cha nhắc đến mọi thành phần người dân Ucraina. Trước hết, các trẻ em, nhiều em bị giết, bị thương, bị mồ côi, bị tách khỏi mẹ các em. Ngài tin rằng giờ đây các em đang ở trong lòng Thiên Chúa, thấy những khó khăn của mọi người và đang cầu nguyện để chiến tranh chấm dứt.

Với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha viết: “Vì bảo vệ quê hương, thay vì vun trồng những giấc mơ cho tương lai, các con phải cầm vũ khí”. Và ngài hướng đến những thành phần khác: Với những người vợ: “Tôi nghĩ đến những người vợ, những người đã mất chồng và phải tiếp tục cắn môi im lặng, với phẩm giá và quyết tâm, để hy sinh cho con cái”; Với những người lớn tuổi: “Thay vì trải qua tuổi xế chiều bình an, anh chị em lại bị ném vào đêm tối của chiến tranh”; Với tất cả những ai bị tổn thương trong tâm hồn và thân xác: “Tôi nghĩ đến anh chị em và tôi gần gũi anh chị em với tình thương và lòng cảm phục vì cách đối diện với thử thách khó khăn”.

Đức Thánh Cha còn nhắc đến những người khác: Các tình nguyện viên, những người mỗi ngày quên mình vì người khác; Các Mục tử dân thánh Chúa - thường gặp rủi ro lớn đối với sự an toàn - vẫn gần gũi với mọi người, mang lại sự an ủi của Thiên Chúa và tình liên đới, chuyển đổi một cách sáng tạo các tu viện, các cộng đoàn thành nơi cung cấp sự đón tiếp, cứu hộ và thực phẩm cho những người gặp khó khăn; Những người tị nạn và những người di dời nội bộ phải xa nhà cửa, nhà cửa của nhiều người đã bị phá hủy.

Với chính quyền, Đức Thánh Cha viết: “Tôi cầu nguyện cho chính quyền, những người có nghĩa vụ điều hành đất nước trong thời kỳ bi thảm và đưa ra những quyết định có tầm nhìn xa vì hòa bình và phát triển nền kinh tế trong lúc nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng trong thành phố cũng như ở nông thôn bị phá hủy”.

Đức Thánh Cha tiếp tục khích lệ người dân Ucraina, nhắc lại cuộc diệt chủng qua nạn đói Holodomor cách đây 90 năm mà người dân đã kiên cường vượt qua. Ngài cảm phục tinh thần không bao giờ chịu khuất phục hay nản lòng của họ. Thế giới công nhận Ucraina là một dân tộc can đảm và mạnh mẽ, một dân tộc khóc lóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tử đạo.

Hướng đến lễ Giáng Sinh sắp tới, Đức Thánh Cha bày tỏ sự cảm thông sâu sắc vì ngài biết đau khổ sẽ còn gia tăng. Đức Thánh Cha viết: “Tôi muốn cùng với anh chị em trở về Bêlem, đến với thử thách mà Thánh gia phải đối diện vào đêm Giáng Sinh, một đêm dường như chỉ có lạnh giá và tối tăm. Trái lại ánh sáng đã đến: không phải từ con người, nhưng từ Thiên Chúa; không từ mặt đất nhưng từ Trời Cao”.

Đức Thánh Cha kết thúc thư với lời cầu xin Đức Mẹ giúp người dân Ucraina hoàn thành những chờ mong chính đáng đang có trong tâm hồn, chữa lành những thương tích và ban sự ủi an. Và ban phép lành cho tất cả. (CSR_5037_2022)

(WHĐ)

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

Ý NGHĨA HUY HIỆU CỦA ĐỨC CHA TÂN CỬ GIUSE BÙI CÔNG TRÁC

Ý NGHĨA HUY HIỆU CỦA ĐỨC CHA TÂN CỬ 
GIUSE BÙI CÔNG TRÁC

Khẩu hiệu giám mục là: “Christus vivit – Chúa Kitô đang sống”. Lời nói ấy vừa là lời tuyên xưng niềm tin, vừa là lời mở ra cho hành trình sứ vụ.

- Là lời tuyên xưng niềm tin, vì “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1, 12), và xác tín rằng: Đức Giêsu Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta (x. 1Cr 5, 7), là Đấng ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20).

- Là lời mở ra cho hành trình sứ vụ, vì “Tôi sẽ không ngớt nói về Đức Giêsu Kitô, là Alpha và Omega - Khởi Nguyên và Tận Cùng… Người là Đấng chúng tôi hằng rao giảng cho anh chị em luôn mãi. Chúng tôi muốn danh Người vang dội đến tận cùng cõi đất và đến muôn muôn đời” (Đức Phaolô VI).

- Hình bông huệ trên huy hiệu, vừa âm thầm nhắc đến vai trò bảo trợ của thánh Cả Giuse vừa nhẹ nhàng nhắc đến mái nhà thân thương Chủng viện.

Được biết, Tòa Tổng Giám mục Tp. Hồ Chí Minh dự kiến thánh lễ phong chức Giám mục sẽ diễn ra vào lúc 08g30 ngày thứ ba, 03 tháng 01 năm 2023 tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận.

(Cập nhật lúc 12h00 ngày 11.11.2022)
(WHĐ)

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

CHUỖI MÂN CÔI PHỤ NỮ TOÀN CẦU VÀO NGÀY 8/12

CHUỖI MÂN CÔI PHỤ NỮ TOÀN CẦU VÀO NGÀY 8/12

Với mục đích tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria trong ngày Lễ Trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Chuỗi Mân Côi Phụ nữ Toàn cầu sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 8/12 tới đây.

Sáng kiến tổ chức một chuỗi Mân Côi của phụ nữ được bắt nguồn từ Colombia và đã được mở rộng trên toàn thế giới với những phụ nữ quan tâm đến sự kiện này bằng cách kết nối thông qua Instagram.

Mục đích

Ban tổ chức cho biết sáng kiến này nhằm mục đích công khai liên kết các phụ nữ để bảo vệ các nhà thờ (thường bị phá hoại bởi những người ủng hộ phá thai ở châu Mỹ Latinh), sự sống, tình mẫu tử, gia đình và để tự hào nói với toàn thế giới “chúng tôi là những người con của Đức Trinh Nữ Maria và chúng tôi muốn theo gương Mẹ.”

Một mục đích khác của nỗ lực lần hạt này là bày tỏ sự tìm kiếm hòa bình mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho và xác tín chắc chắn rằng mọi người đều bình đẳng về phẩm giá.

Sức mạnh của lời cầu nguyện có thể thay đổi thế giới

Các nhà tổ chức công nhận rằng ơn gọi “là phụ nữ” không phụ thuộc vào tuổi tác, trình độ học vấn, sức khỏe hoặc bất kỳ điều kiện cụ thể nào, “nhưng dựa trên niềm tin rằng Thiên Chúa đã tạo ra mỗi người chúng ta và chọn chúng ta để giao phó cho chúng ta một sứ mạng đặc biệt.”

Họ nói thêm: “Chúng tôi tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện để thay đổi thế giới, và đặc biệt là sức mạnh của kinh Mân Côi, điều mà Đức Mẹ đã tha thiết yêu cầu cho cuộc chiến thiêng liêng chống lại sự ác trên thế giới và ở các quốc gia của chúng tôi.”

Ban tổ chức đang kêu gọi phụ nữ từ khắp nơi trên trái đất tham gia nỗ lực này để lần hạt Mân Côi ở nơi công cộng.

Nhiều phụ nữ từ hơn 25 quốc gia như Argentina, Úc, Bolivia, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, El Salvador, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Guatemala, Honduras, Ý, Mexico, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Puerto Rico, Cộng hòa Dominica, Uganda, Uruguay và Venezuela đã xác nhận tham gia sự kiện.
(WGPSG)