Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hoá. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hoá. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

HÌNH ẢNH CỦA BẢN THÂN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

HÌNH ẢNH CỦA BẢN THÂN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

TGPSG / SIGNIS -- Cô nàng Geetha nhận lời kết hôn với Kumar. Ngày cưới đã chuẩn bị sẵn sàng. Kumar có thói quen post mọi thứ hình ảnh lên trang Facebook của mình. Khi Geetha vào Facebook và tình cờ trông thấy hình Kumar “vui vẻ” với các cô gái, cô nàng nổi giận và không muốn gặp Kumar nữa. Lời qua tiếng lại giữa hai người và hai gia đình, cuối cùng đám cưới đã bị hủy bỏ. Quá đau khổ, Kumar rơi vào trầm cảm…
 
1. Hình ảnh đẹp trên internet

Câu chuyện trên đây cho thấy những hình ảnh của chúng ta trên internet có vai trò rất quan trọng đối với cuộc đời của ta. Vào thời hiện đại, trước khi gặp gỡ diện-đối-diện với ai đó, người ta thường nghiên cứu và tìm hiểu về người này bằng cách tìm hình ảnh và những nội dung nói về đối tượng ấy trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+, YouTube, Instagram, Pinterest, Flickr, Reddit, Tumblr…. Có khoảng 40% chủ doanh nghiệp trên thế giới hiện nay dùng mạng xã hội để tuyển nhân viên.

Vì thế, ta cần phải “quản lý” được hình ảnh và sự hiện diện của mình trên internet sao cho thật tốt đẹp. Việc quản lý như thế đòi hỏi phải có 2 bước: huỷ bỏ những nội dung tiêu cực và tạo những nội dung tích cực trình bày về mình trên mạng xã hội.
 
2. Nội dung tiêu cực 
  • Cần huỷ bỏ ngay những hình ảnh tiêu cực của ta trên internet. Thỉnh thoảng, bạn bè ta đã post lên mạng xã hội những hình ảnh và những nội dung không hay về ta? Hãy nói chuyện với họ và yêu cầu gỡ xuống.
  • Khi bàn luận trên internet, hãy tránh những lời nói xúc phạm và những ngôn từ thiếu văn minh. Ngay cả khi những lời đó của mình nằm trên trang của người khác, cũng cần phải tìm cách huỷ bỏ.
  • Khi muốn đưa những chỉ trích khắc nghiệt công khai trên internet về một ai đó, ta phải cân nhắc: Có cần phải làm như thế không? Hậu quả sẽ như thế nào? Có phải là một sự bôi xấu bất công dành cho người đó mãi mãi trên mạng toàn cầu, và sẽ không còn cách nào xoá đi được, ngay cả khi sau đó mình hối hận và tháo bài xuống? Như vậy có phải là lỗi công bằng lâu dài và thiếu tình thương cách nặng nề không? Và như thế, có phải ta cũng đang tự bôi xấu chính mình trên internet? Phải chăng, muốn chỉ trích ai, tốt nhất ta nên tiếp xúc, trao đổi riêng tư với họ, qua tin nhắn (messages) cá nhân chẳng hạn…?
  • Tránh nói xấu ông chủ cũ, hoặc nói xấu về việc làm trước đây của mình. Mạng xã hội không phải là nơi để ta trút giận. Những ông chủ tương lai của ta sẽ không thích điều này. Và những ông chủ hiện tại có thể cũng sẽ không bỏ qua… Ta đã tự bôi nhọ mình trên internet, và hậu quả sẽ không nhẹ nhàng chút nào!
3. Nội dung tích cực
  • Các ông chủ thường vào mạng xã hội để lướt qua hình ảnh các nhân viên của họ trên đó.
  • Facebook thường cung cấp hình ảnh cách tổng quát, còn LinkedIn thì cung cấp hình ảnh tiêu biểu về một cá nhân cho những người chuyên nghiệp muốn tìm kiếm lý lịch của ai đó.
  • Những hình ảnh tham gia các công tác xã hội, các việc bác ái thường tạo ra những hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè và các ông chủ tương lai.
4. Phơi bày cơ thể

Có những người thích dùng những phương cách kỳ dị để lôi kéo và gây ảnh hưởng trên người khác. Phơi bày cơ thể là một trong những phương cách đó: phơi ra cho công chúng thấy những phần thân thể lẽ ra cần phải được giữ kín đáo của mình!

Việc phơi bày cơ thể này phát xuất từ ước muốn hay từ sự thúc bách muốn vui đùa, muốn thoả mãn thú tính hay muốn gây sốc cho kẻ khác. Điều này được gọi là “công súc tu sỉ”, vi phạm luật pháp. Người thích phơi bày thân thể (exhibitionists) được coi là người bệnh hoạn. 

5. Nghiện cảnh dâm ô
  • Có những người dùng máy quay phim kết nối với một máy vi tính, một modem và đường truyền internet - đêm ngày quay những cảnh trong gia đình hoặc bàn giấy của mình để đưa lên mạng. Những người này được gọi là “cewebrities: ham nổi tiếng trên mạng”.
  • Vào thiên niên kỷ thứ ba, đã phát sinh và phổ biến một thói xấu đổ đốn: nghiện xem những hình ảnh khiêu dâm (voyeurism) trên internet được cung cấp bởi những “máy quay lén” mà lại mang tính toàn cầu! Có những trang web khiêu dâm với hằng nửa triệu người trên thế giới vào xem, đăng ký và trả tiền theo từng loại clip, giúp cho những kẻ kinh doanh sex web và những người thích phơi thân thể trở thành triệu phú đôla, nhưng đồng thời cũng làm cho họ trở thành thú vật, thành những con quỷ dâm ô, huỷ hoại tâm hồn bao nhiêu con người trên thế giới, phá hoại nền móng các gia đình và xã hội. Danh dự, nhân phẩm cũng như thân thể của họ sẽ đi đến tăm tối, tàn tạ, nếu không sớm sám hối.
  • Khi lên mạng internet, mỗi máy vi tính đều có một căn cước, một IP nhất định. Người ta có thể theo dõi để biết được máy nào đang được người sử dụng vào xem và gửi đi những nội dung gì. Khi bạn thường vào xem phim sex trên YouTube chẳng hạn, YouTube sẽ biết ngay được khuynh hướng này của bạn, để mỗi khi mở YouTube ra, những clip sex sẽ hiện ra trước tiên! Một người lạ vô tình mở máy của bạn ra và vào xem YouTube, họ sẽ biết ngay được khuynh hướng này của bạn. Bạn đang tự bôi đen hình ảnh của mình khi vào xem những trang mạng không tốt và gửi đi những điều không hay trên internet.
6. Ra vùng ngoại vi

Đức Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên kêu gọi các tín hữu hãy đi ra vùng ngoại vi để loan báo Tin Mừng. Sẽ là bệnh hoạn nếu cứ “cu rú mãi ở trong nhà” không dám đi đến đâu! Đi ra ngoài mà lỡ có có vấp ngã, trầy trụa, lấm lem, cũng không sao! Chỉ cần đứng dậy ngay, cấp tốc lau chùi, xức thuốc rồi nhanh chân đi tiếp. Lương dân chỉ có thể có cơ may đón nhận được Tin Mừng từ những con người dám dấn thân đi ra vùng ngoại vi mà chia sẻ Lời Chúa với tất cả niềm hăng say như thế.

Internet và mạng xã hội là một vùng ngoại vi mênh mông dành cho các tín hữu. Đẹp xinh thay bước chân của những người rao giảng Tin Mừng ở vùng ngoại vi này! Hình ảnh của ta trên internet trong dáng dấp của một sứ giả Tin Mừng sẽ là hình ảnh đẹp tuyệt vời, mang lại những hoa trái thiêng liêng tồn tại mãi mãi!

Vi Hữu viết phỏng theo Magimai Pragasam
Signis Asia - Social Media Education Trainer’s Manual 
(WGPSG)

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

LÀM THẾ NÀO ĐỂ “DẬP TẮT” NHỮNG Ý NGHĨ XẤU?

Hình ảnh: Shutterstock

LÀM THẾ NÀO ĐỂ “DẬP TẮT” NHỮNG Ý NGHĨ XẤU?
Tác giả: Tom Hoopes
Chuyển ngữ: Maria Ngọc Tỷ
Từ: aleteia.org (17.5.2021)


WHĐ (24.5.2021) – Để trở về với Chúa, một trong những điều đầu tiên chúng ta cần làm chủ chính là tâm trí chúng ta.

Một người bạn khôn ngoan đã chia sẻ với tôi về cách anh ta xử lý những ý nghĩ không mong muốn – những ý nghĩ thiếu trong sạch, những ý nghĩ tự hủy hoại bản thân hoặc những ý nghĩ chỉ trích.

“Tôi xử lý chúng như thể tôi xử lý một cuộc gọi quấy rối”, anh ấy nói. Vì thế, “Tôi đã dập tắt chúng”. Đó là lời khuyên tuyệt vời. Sau tất cả, những suy nghĩ sẽ không phải là tội lỗi trừ khi chúng ta nuôi dưỡng chúng.

Thánh Augustinô đã nói như thế này: “Ở đâu không có sự ưng thuận với tội lỗi thì sẽ không có tội lỗi”. Không ai đã từng phạm tội một cách tình cờ. Vì tội lỗi luôn liên quan đến ý chí.

Tuy nhiên, Thánh Augustinô đã nói thêm rằng: nếu chúng ta cổ võ và lạm dụng những suy nghĩ xấu ấy, thì đó lại là một vấn đề khác. Vì thế, sau đây là một vài chỉ dẫn về những ý nghĩ không mong muốn đến từ thế gian, xác thịt và ma quỷ tác động đến chúng ta ngày nay.

Đầu tiên là “những cuộc gọi” đến từ thế gian

Thực tế đáng buồn là chúng ta đang sống trong một thế giới mà các nhà tiếp thị sử dụng mọi thủ thuật tâm lý hiệu quả nhất trong lịch sử, để đưa những hình ảnh, ý tưởng và định kiến vào tâm trí chúng ta.

Ba nơi hiển thị điều ấy là:
  • Các thông báo trực tuyến dường như đọc được tâm trí của chúng ta (trên thực tế, chúng “thu thập” các cú nhấp chuột, các từ khóa tìm kiếm và các hoạt động trên mạng xã hội của chúng ta) để đặt vào trong tâm trí chúng ta những tư tưởng về những gì chúng cần mua hoặc những gì chúng ta quan tâm nhấp chuột vào, ngay đúng vào lúc chúng ta dễ xiêu lòng nhất.
  • Các tấm pano và dịch vụ quảng cáo sử dụng các kỹ thuật tâm lý để khiến chúng ta khao khát chi tiêu số tiền mà chúng ta không có, để mua những thứ chúng ta không cần.
  • Những người đi đường phô bày những chiếc băng khẩu hiệu, những cái áo thun với những dòng chữ gợi ý, hoặc những thứ tương tự khác… để công khai chống đối lại những thứ chúng ta yêu quý; và chính điều này khiến chúng ta có khuynh hướng chỉ trích, tiêu cực và vô cảm.
Chiến lược đầu tiên ở đây là hãy tránh hoàn toàn những điều ấy. Bằng cách tắt thông báo, hủy đăng ký nhận email, tránh xa các biển quảng cáo.

Đối với những điều không thể tránh khỏi, hãy biến đổi chúng. Thay vì bị hấp dẫn, lôi cuốn vào những quảng cáo, hãy nói: “Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần nghèo khó”. Thay vì phán xét người thân cận, hãy cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy.” – hãy nhớ rằng: yêu bản thân là không kể đến những khiếm khuyết của chính bạn.

Thứ hai là “những cuộc gọi” đến từ xác thịt

Một trong những tác động trực tiếp và bất ngờ khiến chúng ta sa ngã đó là sự tham dục. Sách Giáo lý dạy rằng: “Bộ ba tham dục đánh gục con người đó là: những sự thỏa mãn các giác quan, những sự thèm muốn những thứ thuộc về thế gian, và sự tự tôn đi ngược lại với tiếng nói của lương tâm”.

Điều đó có nghĩa là tính xác thịt mang đến cho chúng ta ba loại ý nghĩ xấu:
  • Tâm trí của chúng ta trở nên điên cuồng với sự ham muốn nhục dục về những người mà chúng ta gặp trực tiếp hoặc trực tuyến.
  • Chúng ta bị ám ảnh về tiền bạc và vật chất đến nỗi chúng ta cảm thấy cuộc đời mình trống rỗng vì những thứ chúng ta muốn.
  • Chúng ta vạch ra những cách để khẳng định bản thân mình hơn người khác.
Chiến lược ở đây là chúng ta cần có tâm hồn trong sạch, có khả năng nhìn thấy được phẩm giá của bản thân và người khác. Những người có tâm hồn trong sạch sẽ nhận thấy được hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người; và họ sẽ không làm ô uế hình ảnh đó bằng hoạt động tình dục, giá trị kinh tế hoặc tính hữu dụng.

Một lần nữa, tuyến phòng thủ đầu tiên là hãy chạy trốn khỏi sự cám dỗ – nếu có thể, hãy tìm đến một người nào đó để trò chuyện, vì cộng đoàn sẽ giúp ta giải quyết được nhiều vấn đề cho những suy nghĩ buông thả bản thân.

Nếu bạn đang bị mắc kẹt trong cơn cám dỗ, thì hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, vì yêu thương loài người nên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Chúa, và cho con người được làm con Chúa. Xin Chúa hãy cho con tình yêu của Chúa”.

Thứ ba là những cuộc gọi quấy rối đến từ ma quỷ

Sẽ khá nguy hiểm khi gán quá nhiều thứ cho ma quỷ, nhưng điều quan trọng là ta cần nhìn nhận rằng, như Thánh Phêrô đã nói: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8). Một số suy nghĩ đến từ ma quỷ:
  • Hắn là kẻ buộc tội, và bạn có thể bị mắc kẹt với những suy nghĩ tiêu cực về giá trị của bản thân mình.
  • Hắn tấn công vào niềm hy vọng, những suy nghĩ của bạn khiến bạn trở nên tuyệt vọng trước một hoàn cảnh khó khăn và thấy cuộc đời mình thật thảm hại.
  • Hắn thích bạo lực và đau đớn, và bạn có thể cảm nghiệm thấy những hình ảnh của bạo lực và việc tự ngược đãi bản thân.
Các nhà tâm lý học đề xuất phương thức “đối thoại lại” với chính mình, bằng cách sử dụng lý trí để chứng tỏ bản thân bạn có những điểm mạnh bên cạnh những điểm yếu; và đã có những người rơi vào những hoàn cảnh tệ hơn bạn nhưng họ đã vượt qua.

Có lần, tôi đã nghe được gợi ý từ một linh mục rằng: Hãy chiêm ngắm một chặng đàng Thánh Giá, và cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã chịu đau khổ vì tội lỗi của những kẻ như con. Con tạ ơn Chúa”.

Nếu có bất kỳ suy nghĩ nào trong số trên khiến bạn không thể chống lại được, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.

Nhưng đối với những suy nghĩ nhỏ nhặt đi kèm, hãy nhớ lấy câu châm ngôn này: “Mỗi chiến thắng chống lại sự cám dỗ làm tăng thêm vinh quang của Thiên Chúa”, và hãy bắt đầu chất đầy những chiến thắng.
 
(WHĐ)

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

TẠI SAO NÊN KHUYẾN KHÍCH TRẺ EM TRỞ THÀNH LỄ SINH?

Romrodphoto | Shutterstock

 TẠI SAO NÊN KHUYẾN KHÍCH TRẺ EM TRỞ THÀNH LỄ SINH?

Tác giả: Miriam Esteban Benito
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Từ: it.aleteia.org (29.04.2021)

WGPQN (01.05.2021) - Đức tin được thông truyền qua tình bạn, qua việc phục vụ và qua những cử chỉ nhỏ nhất đối với Thiên Chúa.

Tôi tin chắc rằng điều quan trọng là truyền lại đức tin ngay từ khi các em còn nhỏ. Nếu có ai đó hỏi tôi làm thế nào để thực hiện đây, tôi sẽ nói rằng đức tin được thông truyền, qua nhiều thứ khác nhau, qua tình bạn, qua việc phục vụ và qua những cử chỉ nhỏ nhất đối với Thiên Chúa. Rõ ràng là có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng, nhưng có một vinh dự quý giá trong tầm tay của mọi đứa trẻ được đề cập ở tựa đề: trở thành người phục vụ bàn thờ.

Điều gây tò mò đó là tất cả những người khi còn nhỏ là lễ sinh đều nghĩ đến giai đoạn đó của cuộc đời mình với niềm vui và lòng biết ơn. Chúa Giêsu đã nói rất rõ: “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta” (Mc 10,14).

Đối với một linh hồn, cũng như đối với một đứa trẻ, không có gì mang lại sự hài lòng cho bằng phục vụ mà không mong đợi được đền đáp. Và như thể niềm vui được tăng thêm khi được phục vụ Thiên Chúa nơi bàn thờ, giống như các thiên thần trên thiên đàng vậy.

Thánh Tarcisio, thế kỷ III, vị thánh bảo trợ của các lễ sinh, khi lên 11 tuổi đã phụ giúp cho các linh mục ở Rôma. Ngài được phúc tử đạo nhờ sự phục vụ và nhiệt tâm của mình, trong khi mang Mình Thánh Chúa cho các tù nhân trên đường Appia, bị những người ngoại phát hiện. Họ đã ném đá ngài cho đến chết, nhưng ngài không trao nộp Thánh Thể.

Nhưng tại sao lại cổ vũ các em trở thành lễ sinh?
“Đó là một nhiệm vụ quan trọng, nó cho phép các con gần gũi Chúa cách đặc biệt, gia tăng tình bạn chân thực và sâu xa với Chúa. Hãy ra sức bảo vệ tình bạn này trong tâm hồn của các con như thánh Tarcisio, sẵn sàng dấn thân, để chiến đấu và trao ban cuộc sống ngõ hầu mang Chúa Giêsu đến cho tất cả mọi người” (Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 4 tháng 8 năm 2010).

Đối với các bậc cha mẹ, nhiệm vụ giáo dục con cái thường khó khăn và đòi hỏi kiên trì, nhẫn nại. Có lẽ rất ít các bậc cha mẹ thực sự dừng lại để suy nghĩ về những nhân đức mà con cái của họ có thể có được qua việc phục vụ bàn thờ. Chúng ta sẽ lấy làm ngạc nhiên khi phân tích những lợi ích do việc phục vụ, nó mang đến cho các em sự hình thành cá nhân, tinh thần và văn hóa. Các bạn có biết điều đó không?

Những lợi ích mà nó mang lại
Nhiệm vụ của lễ sinh là đào tạo các em nhỏ có tính ngăn nắp và cẩn thận. Chúng sẽ học được cách phục vụ bằng cách đặt tình yêu và tìm kiếm vẻ đẹp trong từng chi tiết.

Nhiệm vụ của lễ sinh sẽ dạy các em nhỏ trở nên người có trách nhiệm và đúng giờ, giúp chúng có được ý thức chung và dấn thân hơn đối với Thánh lễ ngay từ khi còn nhỏ.

Mỗi lễ sinh luôn trở nên nhanh nhẹn và hữu hiệu, vì nếu có gì đó không ổn hoặc thiếu sót trong phụng vụ, các lễ sinh được giao nhiệm vụ giải quyết tình huống bằng kỹ năng và tốc độ.

Nhiệm vụ của lễ sinh là khích lệ tình bằng hữu giữa các em với nhau, để chúng biết chia sẻ và phân chia nhiệm vụ. Những đứa lớn hơn sẽ chỉ dạy cho những đứa nhỏ hơn và hướng dẫn chúng.

Nhiệm vụ của lễ sinh là đào luyện cho các em về phụng vụ và nền văn hóa phong phú của Giáo hội.

Nhiệm vụ của lễ sinh là làm tăng thêm lòng đạo đức (tham gia cầu nguyện) và sức mạnh (dâng hiến thể chất và tinh thần).

Nhiệm vụ của lễ sinh là dạy cho các em biết yêu thương, tôn trọng và ngợi khen Thiên Chúa ngay từ khi còn nhỏ.

Nếu các bạn có một lễ sinh bên cạnh mình, các bạn hãy hợp tác để em ấy cảm thấy tự hào về những việc mình làm và hãy cầu nguyện cho em ấy. Các bạn hãy giúp em ấy học hỏi từng chút một để biến những hành động của mình thành lời cầu nguyện và phát triển nó trong hành trình đức tin của mình.

Và đây là điều dành cho con, người phục vụ bàn thờ quý mến: con hãy cảm thấy mình hạnh phúc khi phục vụ bàn thờ, khi được ở gần Chúa nhất! Và hãy dâng lời tạ ơn vì nhiệm vụ cao cả này, điều mà ở độ tuổi của con cho phép con phục vụ ở tuyến đầu khi Phép Lạ vĩ đại xảy đến, nơi đó điều phi thường nhất xảy ra.

Nguồn: gpquinhon.org

(WHĐ)

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

TRẮC NGHIỆM XEM BẠN CÓ NGHIỆN ĐIỆN THOẠI KHÔNG?

TRẮC NGHIỆM XEM BẠN CÓ NGHIỆN ĐIỆN THOẠI KHÔNG?

TGPSG / Aleteia - Vào Mùa Chay này, hãy bớt thời gian sử dụng điện thoại để tái khám phá giá trị của sự thinh lặng và dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu.

Ngày nay, việc để quên điện thoại ở nhà cũng giống như bạn để quên chìa khóa vậy. Một số người không thể tưởng tượng được một cuộc sống mà không có điện thoại bên mình. Vậy bạn cảm thấy thế nào về chiếc điện thoại của mình? Bạn có thể tắt nó trong nửa ngày hoặc trong một khoảng thời gian vào buổi tối không? Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây một cách trung thực hết sức có thể nhé!

1. Bạn vẫn đang sử dụng điện thoại của mình:

a) Thường xuyên
b) Đôi khi
c) Hiếm khi

2. Bạn đi làm muộn và không thể tìm thấy điện thoại của mình. Có lẽ nó vẫn ở nhà, nên…

a) Bạn hoảng sợ và vội vã quay về: bạn cần phải tìm thấy nó ngay!
b) Bạn quyết định sẽ về nhà vào bữa trưa để tìm kiếm nó.
c) Bạn xác định rằng bạn có thể tồn tại mà không cần có điện thoại trong ngày.

3. Khi ở nhà thờ, điện thoại của bạn…

a) Vẫn bật
b) Đã bật nhưng ở chế độ im lặng
c) Đã tắt

4. Khi bước ra khỏi nhà thờ…

a) Bạn ngay lập tức bị cuốn vào điện thoại của mình.
b) Bạn kiểm tra các tin nhắn đã nhận được rồi cất điện thoại đi.
c) Bạn chào bạn bè rồi mới nhìn vào điện thoại sau khi rời khỏi nhà thờ.

5. Đang giữa cuộc họp thì nhận được cuộc gọi…

a) Bạn trả lời điện thoại.
b) Bạn chỉ trả lời nếu nó khẩn cấp.
c) Bạn tắt điện thoại.

6. Bạn gửi bao nhiêu tin nhắn mỗi ngày?

a) Hơn 10
b) Khoảng từ 5 đến 10
c) Ít hơn 3

7. Bạn đang mong đợi một cuộc gọi…

a) Bạn giữ điện thoại trong túi hoặc cầm trên tay.
b) Bạn để điện thoại ở nơi có thể nhìn thấy và thỉnh thoảng kiểm tra.
c) Bạn tiếp tục công việc đang làm - nếu bạn bỏ lỡ cuộc gọi, người đó luôn có thể gọi lại hoặc để lại tin nhắn.

8. Khi đang sử dụng phương tiện di chuyển công cộng…

a) Bạn xem phim hoặc chơi game trên điện thoại.
b) Bạn cố gắng tránh lấy điện thoại ra, nhưng có thể dùng điện thoại khi cần.
c) Bạn không bao giờ lấy nó ra và chỉ đọc sách hay cầu nguyện.

9. Nếu không quen nhiều người trong một bữa tiệc, bạn…

a) Chơi game trên điện thoại của bạn.
b) Thỉnh thoảng kiểm tra tin nhắn của bạn.
c) Tận hưởng bữa tiệc và không hề nghĩ về điện thoại của bạn.

10. Một chiếc điện thoại bắt đầu đổ chuông vào giữa Thánh lễ…

a) Bạn nhăn mặt nhìn người mà bạn nghĩ là chủ nhân của điện thoại, trước khi nhận ra đó là của bạn.
b) Bạn nghĩ, “Cảm ơn Chúa, đó không phải là của tôi!”… rồi giật mình, lặng lẽ chuyển điện thoại sang chế độ im lặng.
c) Điều này sẽ không xảy ra, vì bạn luôn tắt điện thoại di động hoặc để nó ở nhà.

11. Bạn thay đổi điện thoại của mình…

a) Ngay sau khi một kiểu mẫu mới ra mắt.
b) Khi có ưu đãi đặc biệt.
c) Không bao giờ. Quan tâm làm gì? Bạn hài lòng với cái bạn có miễn là nó vẫn hoạt động tốt.

12. Khi nói đến việc tắt điện thoại của bạn vào buổi tối hoặc cuối tuần…

a) Bạn đã thử nó một lần – thật đau khổ!
b) Đó là một ý tưởng thú vị. Bạn không hoàn toàn phản đối điều này.
c) Điều đó thật dễ dàng - bạn vẫn làm như vậy.

Nhận định:

Nếu các câu trả lời của bạn phần lớn là a: Bạn rất lệ thuộc vào điện thoại. Bạn nên sử dụng nó ít hơn một chút trong Mùa Chay.

Nếu các câu trả lời của bạn phần lớn là b: Bạn khá phụ thuộc vào điện thoại của mình, nhưng bạn không ngại tắt điện thoại trong vài giờ hoặc khi tình huống đòi hỏi. Mùa Chay có thể là thời gian để bạn tập sống có kỷ luật hơn trong việc sử dụng điện thoại.

Nếu các câu trả lời của bạn phần lớn là c: Bạn quả là có sự siêu thoát phi thường đối với điện thoại và có thể là bạn chưa bao giờ sử dụng điện thoại! Bạn đã từng có điện thoại bao giờ chưa? Có lẽ nên chọn một hy sinh nào khác trong Mùa Chay này!

Anna Ashkova (Aleteia)
Tóc Ngắn & Biên Tú chuyển ngữ (TGPSG)
(WGPSG)