Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN C (Lc 14, 1.7-14)


CỖ NHẤT

Hồi còn nhỏ, mỗi lần được đi theo bà nội dự tiệc trong làng, tôi thường được các gia nhân của gia chủ (nếu bữa tiệc ấy tổ chức tại tư gia như : cưới hỏi, khao vọng…), hoặc những người phục dịch (nếu là tiệc chung của làng như : mừng lễ quan thầy, đình đám…) kính cẩn mời : “Mời bác xã … ngồi bàn dành riêng ở đây”. Mới chưa đầy mười tuổi đã được gọi là “bác”, và trịnh trọng dành cỗ riêng cho đám trẻ cũng được gọi bằng “bác” như mình, tôi hãnh diện lắm, nhưng cứ thắc mắc chẳng hiểu tại sao. Lớn lên, hỏi ra mới biết tôi đã được thân phụ mua “nhiêu”, mua “xã” cho từ tấm bé. Trai làng ai cũng phải vậy, và nếu người nào không có tiền mua nhiêu, mua xã, thì phải ngồi bàn dưới và phải tự mình dọn cỗ, thậm chí còn phải đi dọn cỗ phục vụ cho những người đã có nhiêu xã như chúng tôi. Đó là một hủ tục hương ẩm trong làng xã Việt Nam thuở xưa.

Chưa hết đâu, nhỏ thì mua nhiêu mua xã, lớn lên thì mua chức mua tước (từ trương tuần đến phó lý, rồi lý trưởng, phó tổng, chánh tổng v.v…). Tất cả đều phải mua bằng tiền (hoặc gán đất, gán ruộng). Rồi khi mua được những thứ đó, còn phải tổ chức khao vọng đãi tổ, đãi làng. Ngoài ra, nếu học hành đỗ đạt (từ Khoá sinh đến thi Hương, thi Hội, thi Đình) cũng đều phải tổ chức khao vọng (vinh quy bái tổ). Và nếu cứ đà ấy mà phất lên, đến tuổi lão niên sẽ được xếp vào “cỗ nhất” trong hương đẳng, đó là “tứ trụ” – 4 vị cao trọng nhất của làng (Ngồi thì ngồi chỗ cao trọng nhất, ăn thì được ăn những thứ được cho là ngon bổ nhất, như thủ lợn – đầu heo – chẳng hạn; bất cứ thứ gì dành cho “tứ trụ” cũng “nhất” hết trơn !). Đã có không ít những cảnh cười ra nước mắt vì cái hủ tục này : Chồng lo chạy chọt mua được chức lý trưởng, bao nhiêu ruộng nương cầm cố cho bằng hết, cuối cùng phải cho vợ đi ở đợ, cho con đi làm tôi mọi cho người khác (ở những nơi thật xa làng để tránh đàm tiếu, tất nhiên) hầu có tiền trang trải nợ nần chồng chất vì cái chỗ ngồi của mình (câu tục ngữ “cầm vợ đợ con vì miếng đỉnh chung” đã nói lên cảnh này). Đi đâu cũng khăn đóng áo dài và gặp ai cũng được chào là “cụ lý”, “cụ chánh”, hách lắm, nhưng về đến nhà, chẳng có ai phục dịch miếng cơm chén nước, đêm nằm vắt tay lên trán mới thấm thía sự đời dâu bể !

Ngày nay, hủ tục khao vọng đình đám tuy không còn, nhưng lại nảy sinh những mưu ma chước quỷ để tranh bá đồ vương, tiếm quyền tiếm chức, tranh danh đoạt lợi, để được nổi danh nổi tiếng, tiền hô hậu ủng, xe hơi nhà lầu, võng lọng xênh xang. Và câu “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” vẫn luôn luôn và mãi mãi đúng. Tâm lý chung con người ai chẳng muốn chọn cho mình phần tốt nhất, ai chẳng muốn đi ăn tiệc được ngồi vào cỗ nhất. Ngay đến các Tông đồ ở cận kề với Người Thầy luôn dạy dỗ môn đệ phải khiêm nhường, vậy mà cũng có hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan muốn ngồi cỗ nhất (bên tả và bên hữu Chúa : Tả hữu Thừa tướng của vua Giêsu !). Không phải chỉ có 2 môn đệ này đâu, mà các môn đệ khác cũng tỏ ra tức tối ("Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. " – Mc 10, 41). Tức tối tức là ghen tị, là mong muốn mình phải được coi trọng hơn.

Thấu hiểu được tâm địa con người như vậy, nên Đức Kitô mới dạy : "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9, 35). Rõ ràng "Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi…" (Lc 14, 7). Vì thế, nên Người mới dạy : "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối" (Lc 14, 8-9). Người còn chỉ rõ những người ham ngồi “cỗ nhất”, đó là : "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc." (Lc 20, 46). Ngay đến cả việc đãi khách, mời khách dự tiệc, Người cũng dạy trái ngược với thông lệ của người đời: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có… Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…" (Lc 14, 12-13).

Lời dạy của Đức Kitô mới thoạt nghe sẽ thấy là mâu thuẫn, khó chấp nhận được, chẳng hạn như Người muốn ai đi theo Người thì phải từ bỏ tất cả, từ của cải vật chất đến cha mẹ anh em họ hàng, kể cả từ bỏ chính mình. Trong khi đó, Người lại dạy phải yêu thương mọi người như yêu thương chính bản thân mình, thậm chí còn yêu thương cả kẻ thù của mình nữa. Tuy nhiên, suy nghĩ cho thấu đáo, thì thấy Đức Kitô chuyên dùng dụ ngôn với những cách nói tương phản, phản đề, cốt ý nhấn mạnh để nêu bật ý chính (chủ đề). Như Lời dạy trên, nếu trích đầy đủ, sẽ là : "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." (Lc 14, 12-14). Và như vậy, mục đích nhắm tới của Lời dạy là "… ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." Rõ ràng Đức Giêsu chỉ luôn mong muốn Lời dạy của Người có tác động mạnh mẽ, làm cho người nghe hiểu được ý nghĩa sâu xa và cái mục đích tối hậu cần đạt tới.

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô chỉ muốn dạy môn đệ đức tính khiêm nhu tự hạ. Và nếu anh biết khiêm nhường chịu luỵ, anh sẽ được mời lên ngồi “cỗ nhất”. Anh đừng nghĩ khi được ngồi cỗ nhất là anh sẽ được kẻ hầu người hạ, anh sẽ vênh vang nhìn đời bằng nửa con mắt. Trái lại, "Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,/ như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa" (Hc 3, 18), "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người" (Mt 20, 43-44). Khiêm nhường cũng có nhiều cách thể hiện, có thể thực lòng và cũng có thể màu mè bên ngoài, thậm chí còn có trường hợp giả bộ khiêm nhường để nói móc, nói cạnh nói khoé. Tôi cũng đã gặp một trường hợp dở cười dở mếu : Có một anh bạn nhận dạy lớp học tiến cấp cho một huynh đoàn. Đang dạy dở dang thì mắc công việc khác không thể tiếp tục, ảnh nhờ tôi dạy tiếp cho hết chương trình. Tôi hỏi xem anh đã dạy tới bài nào, để tôi tiếp tục cho khớp. Ảnh trả lời thế này : “Em còn kém lắm, dạy rất dở. Trong giờ dạy, cha xứ (linh hướng của huynh đoàn) có đến tham quan lớp học và dự giờ. Đến cuối giờ, ngài khen rối rít”. Tôi quá bực, gắt lên : “Tôi chỉ hỏi xem anh dạy tới đâu để tôi tiếp tục cho khớp với nhau, không ngờ… Và nếu anh dạy rất dở mà cha xứ lại khen, thì chắc tôi không dám dạy đâu. Xin được từ chối. Cảm ơn anh rất nhiều”.

Thế đấy ! Và cũng vì thế nên cách đây 2.000 năm, Đức Giêsu Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người khó nghèo và dùng chính cuộc sống của Người cùng những Lời dạy dỗ loài người về đức khiêm nhường. Người đã khiêm nhường vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu để cái tính kiêu ngạo của loài người hành hạ, đánh đòn, sỉ nhục, đóng đinh Người trên thập tự. Người đã thức tỉnh nhân loại bằng cách hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, phỏng đã được bao nhiêu người ý thức được tội kiêu ngạo đứng hàng đầu trong 7 mối tội đầu, hiểu được chính tội kiêu ngạo đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá? Và chẳng hiểu có được bao nhiêu con người dám hy sinh chỗ ngồi “cỗ nhất” (chưa dám nói hy sinh mạng sống mình) cho anh em, cho đồng loại, để sẵn sàng xuống ngồi “chỗ cuối” mà phục vụ mọi người ? Quả thực “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,/ vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3, 28). Ôi chao ! Lạy Chúa con ! Lạy Thiên Chúa của con ! Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

LẼ SỐNG 28.8

28 Tháng Tám
Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng

"Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.

Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.

Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.

Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.

Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.

Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa".

Trên đây là một đoạn trong quyển "Tự Thú" của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành Hippone.

Duyệt qua cuộc sống của thánh Augustinô, chúng ta có thể nói: Ngài là một tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô: "Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô".

Và kể từ đó, có thể nói được là Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo trong tâm hồn ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.

Ngoài lời mời gọi và thôi thúc của Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội nhân trở thành thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những bàn tay cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:

Trước tiên, cường độ của sức sống nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ mãnh liệt hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.

Tiếp đến, những dòng nước mắt sầu đau và những kinh nguyện thành tâm của mẹ ngài, bà thánh Mônica dâng lên Thiên Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.

Và sau cùng là sự hướng dẫn tận tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.

Tất cả những yếu tố trên cộng lại đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho và vì Tình Yêu, như thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung".


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 27.8

27 Tháng Tám
Ăn Cắp Lửa Trời

Thần thoại Hy Lạp có kể lại câu chuyện của thần Prométhée ăn cắp lửa trời để sáng tạo con người.

Theo óc tưởng tượng của người Hy Lạp, Thiên Triều do thần Zeus cai trị gồm có hai loại thần: các đại thần và tiểu thần. Tiểu thần là các vị thần đã bị nhóm các vị thần trung thành với Ngọc Hoàng Zeus đánh đổ... Trong số các tiểu thần thất sủng ấy, Prométhée là vị thần duy nhất vẫn còn được Ngọc Hoàng Zeus tín nhiệm nên ban cho quyền tạo dựng con người và súc vật trên mặt đất.

Ngày nọ, Prométhée và em của mình đã thí nghiệm khả năng sáng tạo của họ. Họ dùng mọi yếu tố trên trần gian để nhào nặn nên con người... Thế nhưng, giống người mà họ tạo nên vẫn chết cứng bởi vì còn thiếu lửa. Nhưng lửa thì chỉ có các vị đại thần trên thiên triều mới nắm giữ. Thế là Prométhée đã lén đến lò rèn của thần Hephetus để đánh cắp lửa thiêng. Lửa ăn cắp từ thiên triều đã lan tràn khắp mặt đất làm cho con người được sưởi ấm và hân hoan.

Ngọc Hoàng Zeus đã hay biết mọi chuyện. Ông nổi giận lôi đình và cho sấm sét đến lay chuyển cả mặt đất... Vì tội ăn cắp lửa trời, nên Prométhée đã bị Zeus cho trói vào một ngọn núi cao, mỗi ngày diều hâu đến mổ vào gan của ông.

Huyền thoại Prométhée trên đây như muốn nói lên sự khao khát vô tận và khả năng khoa học gần như không giới hạn của con người... Khả năng đó là một thể hiện của chính hình ảnh Thiên Chúa khắc ghi vào con người... Khả năng sáng tạo đó cũng nói lên phẩm giá siêu việt của con người... Khả năng sáng tạo đó, Thiên Chúa phú bẩm cho con người là để phục vụ phẩm giá con người hay để hủy hoại nó? Ðó là câu hỏi đang được đặt ra cho con người của thời đại chúng ta.

Có nhiều người chủ trương rằng do tiến hóa, con người bởi loài khỉ mà ra. Ðứng trên phương diện khoa học thì giả thuyết đó không phải là một điều tưởng tượng... Tuy nhiên, một thách đố có thể đặt ra cho con người là: liệu có thể có một tiến trình ngược lại theo đó con người có trở thành khỉ không?

Cách đây không lâu, ông Chiarelli, một giáo sư nhân chủng học tại đại học Firenze bên Italia đã đề nghị cho khỉ cái được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người nam. Giống sinh vật do sự lai giống này sinh ra sẽ là một con vật nửa người nửa khỉ. Mục đích được tạo dựng của giống sinh vật này là để dùng vào các công tác tạp dịch hoặc để lấy các cơ phận của nó ghép vào các bệnh nhân.

Vấn đề được đặt ra là: giống sinh vật nửa người nửa khỉ này nếu dùng được ngôn ngữ của con người, nó sẽ xưng hô thế nào với người cho tinh trùng từ đó nó được thụ thai? Dù muốn dù không, không ai có thể chối bỏ được phụ tính của người đàn ông cho tinh trùng. Nói một cách nôm na, giống sinh vật nửa người nửa khỉ này là con của ông, nó có quyền gọi ông là cha... Vậy thì, có người cha nào muốn dùng con mình vào những cuộc thử nghiệm không? Có người cha nào muốn biết con của mình thành một con thú hay không?

Ðặt câu hỏi như thế không phải là xa vời, bởi vì dưới ánh mặt trời này, khi con người chối bỏ lẫn nhau, khi con người không còn biết nhìn nhận phẩm giá siêu việt của người khác, thì chuyện gì xem ra cũng có thể xảy đến... Hitler đã giết hại 6 triệu người Do Thái, Polpot đã tiêu diệt gần 2 triệu đồng bào ruột thịt của mình. Cả hai đều xây dựng trên một lý thuyết: con người chỉ là một con vật!

Câu chuyện khoa học trên đây có quá xa vời với chúng ta không? Dù trong nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động chính trị hay trong các giao tế hằng ngày: vấn đề vẫn giống nhau. Mỗi khi con người chối bỏ phẩm giá của người khác là lúc con người cũng muốn biến người đó thành một loài khỉ và dĩ nhiên theo một thứ luận lý rất chặt chẽ, con người cũng tự nhận mình là khỉ.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG HỘI CBM CÔNG GIÁO VÀ CA ĐOÀN MÔNICA








* Chiều ngày thứ sáu 27-8-2010 Giáo Xứ Thuận Phát đã tổ chức long trọng Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Bổn Mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo (chọn Thánh Nữ Mônica làm Quan Thầy) và Ca Đoàn Monica.

17 giờ 15 bắt đầu Cuộc Rước Tượng Thánh Nữ Mônica từ trên Cung Thánh sau khi Cha Chủ Tế xông hương. Đoàn Rước đi vòng quanh Nhà Thờ, đi ra cổng Nhà Thờ (giáp với đường Trần Xuân Soạn) và tiến thẳng vào Nhà Thờ.

Đầu Lễ Cha Chủ Tế mời gọi cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho các Bà, các Cô, các chị, các em đã nhận Thánh Nữ Mônica làm Quan Thầy. Đặc biệt cầu nguyện cho các Hội viên Hội CBM Công Giáo và Ca Đoàn Mônica GX Thuận Phát.

Hội CBM đã tổ chức Dâng Lễ Vật để tỏ lòng Tạ Ơn Thiên Chúa đã ban nhiều Ơn Lành Hồn Xác qua lời chuyển cầu của Thánh Nữ Mônica. Cuối Lễ Bà Hội Phó Hội CBM Công Giáo đã nói lời cám ơn Cha Sở đã quan tâm đến Hội trong thời gian qua, đã tổ chức Tĩnh Tâm, dọn mình xứng đáng giúp các hội viên Mừng Lễ Bổn Mạng thật sốt sắng.

Để tỏ lòng tri ân một chị đại diện đã trao tặng Cha Chánh Xứ bó hoa tươi tượng trưng cho tấm lòng của các thành viên trong Hội. Sau Thánh Lễ lần lượt Quý Soeurs, Ca Đoàn Mônica và Hội CBM Công Giáo chụp hình lưu niệm với Cha Chánh Xứ.


* Mời xem HÌNH THÁNH LỄ.


Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 26.8

26 Tháng Tám
Gia Ðình Là Nền Tảng Của Vũ Trụ

Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để nuôi ăn học. Ðỗ đạt làm quan, Án Tử không bao giờ quên ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một mực trung thành với vợ.

Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử: "Ôi vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?".

Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự: "Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi".

Nói xong Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Con người chỉ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Trong cái nhìn Kitô, thì gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được thông ban và trưởng thành.

Nền tảng để gia đình được đứng vững đó là Tình Yêu. Nhưng Tình Yêu không là một cái có sẵn, mà là một giá trị luôn đòi hỏi sự xây dựng và vun xới của con người... Một gia đình hạnh phúc hay không, tất cả đều tùy thuộc ở sự phấn đấu xây dựng từng ngày của con người. Hai cử chỉ dường như được gắn liền với nhau trong chuyến viếng thăm quê hương dạo tháng 5/1987 của Ðức Gioan Phaolô II, đó là: viếng mộ song thân và cử hành Thánh Lễ đặc biệt cho các đôi vợ chồng.

Cây tốt thường sinh trái tốt: con người của Ðức Gioan Phaolô II là hoa trái Tình Yêu của cha mẹ ngài. Viếng mộ của song thân, Ðức Thánh Cha không những nói lên niềm tri ân của ngài đối với bậc sinh thành, nhưng ngài còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân.

Giữa đời thời đại mà đời sống hôn nhân và gia đình bị lay động đến tận gốc rễ, Ðức Thánh Cha muốn gióng lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết: hãy trung thành với nhau.

Trong Thánh Lễ cầu nguyện cho gia đình, qua đó các đôi vợ chồng hiện diện được mời gọi lập lại lời thề hứa trong hôn phối, Ðức Thánh Cha đã lập lại ý nghĩa và giá trị của Bí Tích Hôn Phối. Ngài nói như sau: "Khi quỳ gối trước bàn thờ trong ngày cưới, các đôi vợ chồng đã thề hứa với nhau cho đến cùng. Họ thề hứa với nhau như thế trước mặt Thiên Chúa. Lời cam kết này phản ánh chính lời hứa của Chúa Giêsu rằng Ngài yêu họ và yêu cho đến cùng".

"Tôi hứa sẽ giữ trung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi".

Khi tuyên hứa với nhau như thế, hai người đã lập lại chính cam kết của Chúa Giêsu, Ðấng đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Yêu cho đến cùng nghĩa là chấp nhận cái chết từng ngày. Tình yêu hôn nhân là một hạt giống: có được chôn vùi, có mục nát đi mới sinh hoa kết trái. Luật của đời sống hôn nhân chính là luật của hy sinh, của chiến đấu, của chính sự chết. Nhưng cũng chính khi con người biết chối bỏ chính mình bằng hy sinh, con người sẽ gặp lại chính mình trong người khác... Ðó là lẽ sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

LẼ SỐNG 25.8

25 Tháng Tám
Giấc Mơ Của Một Thi Sĩ

Thi sĩ Sully Prudhomme, người Pháp đã có lần tưởng tượng ra một giấc mơ như sau:

Ông mơ thấy một nhà nông bảo ông hãy cầm cày lấy đất, trồng lấy lúa, gặt lấy thóc, làm lấy gạo mà ăn. Ông mơ thấy người thợ dệt bảo ông hãy đánh lấy chỉ, dệt lấy áo mà mặc. Ông mơ thấy người thợ nề bảo ông hòa lấy vữa, xây lấy nhà mà ở. Còn gì nữa? Ông đã thấy mọi người bỏ ông, xa lánh ông, để ông trơ trọi với cảnh vật. Ông kinh hãi. Ông kêu cầu, khấn hứa nhưng chỉ thấy mãnh thú xuất hiện trên đường.

Có lẽ không có bao nhiêu người đã mơ giấc mơ nói trên. Nhưng chắc chắn nhiều người chỉ nghĩ đến mình, tưởng rằng một mình có thể sống giữa vũ trụ, không cần đến ai, không cần ai giúp đỡ.

Không ai là một hòn đảo. Chúng ta đều bị ràng buộc với mọi người, chúng ta đổi công việc của chúng ta với công việc của người khác, chúng ta phụng sự người vì người đã phụng sự chúng ta.

Nhưng chúng ta không chỉ sống trong tình liên đới về mặt vật chất. Con người còn liên đới nhau về mặt hạnh phúc và đau khổ. Không ai hạnh phúc một mình và không ai một mình có thể chịu nổi sự đau khổ. Nhờ người, ta mới vui và nhờ người, ta mới trút bớt những cơ cực của ta. Thế giới này quá nặng khiến một người có thể mang nổi và sự khổ cực của vũ trụ quá lớn cho một trái tim.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

LẼ SỐNG 24.8

24 Tháng Tám
Tách Nước Tràn Ðầy

Ðể đả phá sự kiêu ngạo, người Nhật Bản thường kể câu chuyện sau: Có một nhà hiền triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.

Ðể kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức.

Khi ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhà hiền triết mới đưa một bình trà thật nóng ra tiếp khách. Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư. Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay... Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp... Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo sư mới nói lớn: "Thưa ngài tách trà đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa".

Lúc bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói: "Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở".

Có dốc cạn tâm hồn, có trở nên nghèo nàn, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua ở đời này, thì đó cũng là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn. Trái lại, càng dốc cạn chính mình, càng trở nên nghèo nàn, con người càng được Thiên Chúa lấp đầy, con người càng tìm thấy bình an và hạnh phúc đích thực.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

LẼ SỐNG 23.8

23 Tháng Tám
Hoa Ðầu Mùa Của Mỹ Châu

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Rosa Lima, vị thánh đầu tiên của Châu Mỹ. Thánh nữ có hai đặc điểm mà dường như vị thánh nào cũng có, đó là: bị chống đối và sống khắc khổ.

Chọn thánh nữ Catarina Siena làm mẫu mực, Rosa quyết sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Sợ nhan sắc của mình có thể quyến rũ nhiều người cũng như làm cớ vấp phạm cho chính mình, Rosa đã lấy tiêu thoa lên mặt để biến mình thành một người xấu xí. Cô cũng lấy thép cuốn thành vòng gai nhọn đội trên đầu.

Nhưng Rosa không phải là một con người mơ mộng viển vông. Khi thấy gia đình gặp khó khăn về kinh tế, Rosa đã hy sinh làm lụng suốt ngày ngoài đồng và tối về may vá suốt đêm để kiếm tiền đắp đổi cho gia đình. Sống cho cha mẹ, lo cho gia đình, nhưng Rosa vẫn quyết tâm dâng hiến trọn đời cho Chúa. Cô đã mất mười năm để chống lại ý định của cha mẹ nhằm cưỡng bách cô phải lập gia đình. Và cuối cùng, vì cha mẹ cũng không chấp nhận cho cô vào dòng, Rosa đã gia nhập vào dòng ba thánh Ða Minh. Như thế cô vừa sống được lý tưởng tu dòng vừa sống thánh giữa đời.

Trong những năm cuối đời, Rosa dành một phòng trong nhà để đón tiếp trẻ em không nhà không cửa và những người già cả bệnh tật. Ðây là một trong những hình thức hoạt động xã hội đầu tiên tại Pêru.

Rosa qua đời năm 31 tuổi. Cả thành phố Lima thương khóc cô như một vị thánh trẻ đã kết hợp tinh thần chiêm niệm, khổ chế với hoạt động bác ái. Thánh Rosa kể lại rằng trong một giấc mơ, ngài được Chúa dẫn đến một xưởng điêu khắc dành cho những người muốn nên thánh. Thánh nhân chứng kiến cảnh không biết bao nhiêu người đang ngồi trước các khối đá cẩm thạch. Có người sắp hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật. Có người chỉ mới bắt đầu đục đẽo trên một phiến đá sần sù, cứng nhắc. Thánh nữ cũng được Chúa trao cho những đồ nghề cần thiết và đặt ngồi trước một phiến đá lớn. Người mẫu của tác phẩm chính là hình ảnh mà Thiên Chúa đã đặt để từ đời đời trong thánh nữ.

Mỗi ngày chúng ta kính nhớ một vị thánh. Mỗi một vị thánh là một nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta. Không một vị thánh nào giống vị thánh nào. Không ai bắt buộc phải sống khuôn dập theo bất cứ một mẫu mực nào. Mỗi người là một vị thánh cá biệt. Nhưng tất cả đều có một mẫu số chung: đó là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.

Và hình ảnh mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta họa lại trong cuộc đời của chính mình là Ðức Giêsu Kitô. Nhưng người Kitô không chỉ sống như Ðức Kitô, mà còn sống bằng chính Ðức Kitô. Họa lại Ðức Kitô cũng có nghĩa là để cho Ðức Kitô uốn nắn, tạc vẽ cho đến khi nào chúng ta đạt được tầm mức của Ngài.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 22.8

22 Tháng Tám
Trinh Nữ Vương

Hiện nay, tại một số ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ không có thực quyền.

Giữa trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những câu kinh: "Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy..." lược dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: "Salve Regina..." vẫn còn được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con cái đối với mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.

Trong tông huấn mang tựa đề: "Lòng sùng kính Ðức Mẹ Maria", Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như sau: "Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền".

Lời giải thích của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.

Theo dòng trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXI thường niên năm C.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

GIÁO XỨ THUẬN NGHĨA

Giáo xứ Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh, tiễn Cha Chánh Xứ Phêrô Trần Phúc Chính đi nhận nhiệm sở mới :

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

LẼ SỐNG 21.8

21 Tháng Tám
Kẻ Thù Trong Mơ

Ðời Trang Công, nước Tề, có một người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một người to lớn, mặc áo vải quần gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt mà đi... Ông ta giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không tài nào ngủ lại được.

Sáng hôm sau, ông nói chuyện với một người bạn với lời lẽ như sau: "Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi vốn là một người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm hôm qua, có người đã đến làm nhục tôi. Tôi quyết tìm cho kỳ được kẻ ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì tốt, bằng không chắc tôi phải chết mất".

Kể từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy được kẻ thù.

Ðã tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù, ông ta trở về nhà uất người lên và chết.

Nhà diễn giả hùng biện nhất của đế quốc La Mã là Cicero có nói: "Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình". Câu chuyện của người nằm mơ thấy kẻ thù, để rồi đi tìm kẻ thù và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình phải chăng không là một minh họa cho câu nói của Cicero. Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, bởi vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để tự tiêu diệt chính mình.
Chúa Giêsu không đến để chối bỏ sự hận thù, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của nó và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan, kẻ thù đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo sự thù hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối và tiêu diệt nhau.
Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài. Chỉ có yêu thương và tha thứ mới có thể là thứ khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta thứ khí giới ấy. Ngài đã không ngừng nói với chúng ta: "Hãy yêu thương kẻ thù ngươi, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét ngươi".
Nếu con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt nó ngay chính trong chúng ta. Chính khi chúng ta cưu mang cừu hận là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt chính mình. Chính khi chúng ta khước từ tha thứ và làm ơn cho những kẻ thù ghét hãm hại chúng ta, là chính lúc chúng ta tự giam hãm trong hận thù để rồi tự hủy hoại chính mình.

Trích sách Lẽ Sống

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN C (Lc 13, 22-30)


CỬA HẸP

(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

Chúa Nhật hôm nay chỉ dẫn cho chúng ta con đường sống đạo là con đường khó khăn, phải leo dốc, phải qua “Cửa Hẹp.” Nhưng chúng ta cứ cố gắng và cầu nguyện rồi Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả để tới đích điểm là quê hương thật Nước Trời.


Bài đọc I (Tiên tri Isaia 66:18-21): Qua tiên tri Isaia, Thiên Chúa hứa sẽ hướng dẫn Dân Chúa đi theo đường lối Chúa và quy tụ thành một Dân của Chúa được sống trong một “Trời Mới và Đất Mới.” (Hình ảnh cuộc sống mới, cuộc sống hạnh phúc trên Nước Chúa).

Bài Đọc II (Thơ Do Thái 12: 5-7,11-13): Chúa sửa dạy chúng ta qua những đau khổ chúng ta gặp trong suốt cuộc đời; chúng ta hãy vui chấp nhận mọi khổ đau hằng ngày để được đi theo Chúa; đồng thời cũng nâng đỡ lẫn nhau, cùng vác đỡ gánh nặng cho nhau để cùng bước đi trong cuộc Hành Trình Đức Tin hướng về quê hương thật Nước Trời.

Bài Phúc Âm (Luca 13:22-30): Mọi người chúng ta “từ Đông sang Tây” đều được mời dự tiệc “Nước Chúa” nhưng chúng ta phải đi qua “Cửa Hẹp,” đó là sự cố gắng sống đức tin hằng ngày và chấp nhận những Thánh Giá trong cuộc sống.


Ai trong chúng ta cũng thích đi qua cửa rộng thênh thang; ai trong chúng ta cũng thích đi con đường bằng phẳng, chứ không ai thích đi con đường lên dốc. Nhưng Chúa bảo chúng ta muốn vào Nước Chúa “Hãy qua Cửa Hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn Cửa Hẹp và đường chật thì đưa đến Sự Sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Matthêu 7:13-14).


“Cửa hẹp” để chỉ những khó khăn mà chúng ta phải trải qua, nếu chúng ta muốn theo Chúa đi về cuộc Sống Mới, cuộc sống vĩnh cữu. Có rất nhiều khó khăn mà chúng ta phải chấp nhận để theo Chúa là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống; vì thế Chúa bảo chúng ta “Nước Trời dành cho những ai biết nỗ lực!” (Matthêu 11:12) và “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình đi, vác thánh giá hằng ngày mà theo tôi.” (Matthêu 16:24).


Thánh giá đầu tiên chúng ta phải vác là chính thân xác yếu hèn của chúng ta. Thân xác chúng ta luôn đòi hỏi những thỏa mãn nghịch với giới răn Chúa do tính ham danh, ham lợi, ham thú gây ra. Lòng ham hư danh đưa đến những tranh chấp địa vị và gây ra tị hiềm, thù hận. Tính ham mê tiền của sinh ra tham lam, gian lận. Ham mê thỏa mãn các dục vọng thể xác sinh ra những sa ngã đắm đuối. Muốn theo Chúa, chúng ta luôn phải vượt thắng những đòi hỏi đó của xác thịt để chu toàn các giới răn Chúa và sống xứng đáng các tín hữu, những người con tốt lành, thánh thiện của Chúa, như Chúa bảo “Hãy nên Thánh vì Ta là Đấng Thánh.”


Ngày nay trong “thời buổi văn hóa sự chết,” người ta coi thường lề luật sống của Chúa; nhưng chúng ta, các tín hữu của Chúa, chúng ta phải can đảm đi ngược lại: nhất định không phá thai, không chủ trương tự do luyến ái, không chủ trương ly dị, không chấp nhận đồng tình luyến ái, không chấp nhận “nam lấy nam, nữ lấy nữ mà thành vợ chồng.”


Hơn nữa , nhiều khi vì quyết tâm sống theo lề luật Chúa qua sự giảng dạy của Giáo Hội mà chúng ta phải chấp nhận hy sinh: phải mất việc, mất địa vị trong xã hội. Mới đây (trong tháng 7/2010), Giáo Sư Kenneth Howell tại Đại Học Illinois đã bị đe dọa sa thải vì giảng dạy theo đúng đường lối của Giáo Hội. Đã có những bác sĩ, y tá mất việc vì nhất định không chịu cộng tác vào việc phá thai tại bệnh viện. Nhiều chính trị gia thất cử vì chủ trương bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội. Đó là những hy sinh thật lớn lao, những “Cửa Hẹp” mà chúng ta phải đi qua, nếu chúng ta muốn là những tín hữu thật của Chúa.


Chấp nhận những hy sinh đó là chúng ta chấp nhận đi theo “Cửa Hẹp,” là chúng ta muốn sống như những tín hữu của Chúa, những con người luôn tôn trọng sự sống, tôn trọng hạnh phúc gia đình, tôn trọng bản thân và giá trị thật của con người biết sống theo lý trí, chứ không chạy theo những trào lưu hỗn loạn của thời đại (2 Phêrô 3:3-10).


Cả cuộc đời, Mẹ Maria và các Thánh đều đã đi qua “Cửa Hẹp,” đã luôn sống theo thánh ý Chúa, chứ không sống theo thế gian, xác thịt, và ngày nay Mẹ và các Thánh đã được vinh hiển trên Nước Trời.


Xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, giúp chúng ta luôn can đảm sống Đức Tin trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, dù vì thế mà phải hy sinh , nhiều khi phải hy sinh cả mạng sống của mình, như các Thánh tử đạo xưa nay. Xin cùng hiệp lời cầu nguyện chung cho nhau.


(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

LẼ SỐNG 20.8

20 Tháng Tám
Hai Vì Sao Mỉm Cười

Một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống. Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.

Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.

Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.

Ðể mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: "Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ".

Qua thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.

Nói như mẹ Têrêxa Calcutta: "Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.

Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực".


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 19.8

19 Tháng Tám
Hãy Nhìn Lên Cao

Dạo cuối tháng 4/1990, ở cao độ 620 cây số trên biển Thái Bình Dương, cánh tay dài 12 thước của người máy từ phi thuyền con thoi Discover đã đưa ống thiên văn Hubble rời xa phi thuyền để đi vào quỹ đạo không gian, bắt đầu một cuộc hành trình quan sát vũ trụ được dự trù kéo dài trong suốt 15 năm, mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học.

Do nhu cầu tìm hiểu vũ trụ, kính thiên văn đã được ra đời cách đây khoảng 380 năm. Nhờ kính thiên văn, các nhà thiên văn học mới có thể quan sát một cách chi tiết những thiên thể ở gần trái đất và từ đó đưa ra những định lý căn bản cho ngành thiên văn học. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là những máy điện toán, những kính thiên văn ngày càng được cải tiến về kỹ thuật cũng như kích thước để gia tăng khả năng quan sát. Hai kính thiên văn có đường kính lớn nhất hiện nay được đặt trên đỉnh núi Palomar và Caucasus. Nhưng dù được cải tiến cách mấy đi nữa, khoảng cách quan sát và mức độ phân giải của kính thiên văn đặt trên mặt đất vẫn còn bị giới hạn, vì ánh sáng từ các thiên thể trước khi đến mặt đất đã bị ngăn cản và tản xạ nhiều bởi lớp khí quyển bao quanh trái đất.

Ý tưởng về kính thiên văn đặt ngoài không gian đã được đề cập đến năm 1923, nhưng mãi đến năm 1981, ý tưởng này mới được thực hiện với một kinh phí khổng lồ là 1 tỷ rưỡi Mỹ kim. Kính thiên văn đặt ngoài không gian trái đất này mang tên khoa học gia Hoa Kỳ Edwin Hubble, một trong những tài năng lỗi lạc nhất trong ngành thiên văn học.

Sự ra đời của kính thiên văn Hubble có thể so sánh với sự ra đời của kính thiên văn đầu tiên của Galilêô vào năm 1609: đây là bước tiến quan trọng trong ngành thiên văn học, nó giúp con người tiến đến gần chân lý hơn trên con đường tìm hiểu vũ trụ.

Càng lên cao, con người mới nhìn xa thấy rộng. Càng ra khỏi mặt đất, càng lên cao trên không gian, nhãn giới của chúng ta càng mở rộng. Cũng giống như ống kính thiên văn Hubble, người Kitô hữu cũng được trang bị bằng cái nhìn từ trên cao. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta nhìn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta biết được đâu là nguồn gốc và cùng đích của chúng ta. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vết của một tình yêu luôn hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại và của từng người.

Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn của Ngài, Phêrô kéo Ngài lại và can gián Ngài. Chúa Giêsu đã quở trách ông: "Hãy lui ra đằng sau ta hỡi Satan. Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, bởi vì cái nhìn của ngươi không phải là cái nhìn của Thiên Chúa, mà là của loài người".

Lắm lúc chúng ta cũng khước từ cái nhìn trên cao của Thiên Chúa để chỉ nhìn vào cái biến cố bằng cái nhìn trần tục của chúng ta. Với cái nhìn trần tục, chúng ta chỉ thấy màu đen của thất bại, chết chóc, thất vọng, buồn thảm. Nhưng với cái nhìn của Chúa, sự yếu đuối sẽ trở thành sức mạnh, mất mát sẽ trở thành lợi lộc, khờ dại sẽ trở thành khôn ngoan. Trong cái nhìn của Chúa, chúng ta sẽ chỉ thấy ánh sáng, hy vọng, tin tưởng, lạc quan.

Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: "Hãy yêu thích những sự trên trời". Hãy mặc lấy cái nhìn từ trên cao. Hãy luôn sống và hành động bằng những tâm tình của chính Chúa Giêsu.


Trích sách Lẽ Sống