Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG GIÁO HỌ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI VÀ CA ĐOÀN ĐỨC MẸ 15-8-2011

;



Vào lúc 17g20 ngày 15-8-2011 Giáo xứ Thuận Phát đã tổ chức Cuộc Rước Tượng Đức Mẹ chung quanh nhà thờ trước khi cử hành Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời. Sau khi Cha Chánh Xứ xông hương Tượng Đức Mẹ, mặc dù trời vẫn còn mưa nhỏ nhưng cộng đoàn với lòng Kính Mến Đức Mẹ, đã tham gia cuộc Rước một cách sốt sắng dưới mưa.
Cha giáo G.Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Giáo họ Đức Mẹ Lên Trời đã tổ chức Dâng Lễ Vật trong tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa và Kính Đức Mẹ nhân ngày cử hành Năm Thánh và Mừng Lễ Bổn Mạng giáo họ.
Ca đoàn Đức Mẹ hát Lễ.

19g30 cùng ngày, giáo họ Đức Mẹ Lên Trời đã tổ chức giờ Kinh tối Kính Đức Mẹ theo truyền thống hằng năm tại nhà Bà Catarina Trần Thị Hồng Đào, Trùm phó giáo họ. Cha Chánh xứ, HĐMVGX, ca đoàn Đức Mẹ và cộng đoàn đã đến tham dự giờ Kinh thật sốt sắng.

Sau giờ Kinh ông Antôn Phạm Quang Hùng, trưởng giáo họ nói lời cám ơn Cha Chánh xứ, HĐMVGX, và cộng đoàn đã đến tham dự Thánh Lễ mừng Bổn Mạng giáo họ và không ngại trời mưa đã đến tham dự giờ Kinh Kính Đức Mẹ, cầu nguyện cho các gia đình trong giáo họ, và các vị đã qua đời. Và ông mời mọi người dùng bánh nước chung vui với giáo họ nhân ngày vui mừng bổn mạng.

HÌNH THÁNH LỄ.
HÌNH GIỜ KINH TỐI
LỜI CÁM ƠN CỦA ÔNG TRƯỞNG GIÁO HỌ.

Hữu Toàn.

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XX TN NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XX thường niên năm A.
Cha Phêrô Đinh Sơn Hùng, Chánh xứ giáo xứ Chợ Bưng, Giáo phận Mỹ Tho dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN A (Mt 15, 21-18)



CHỨNG NHÂN BẰNG CUỘC SỐNG

Lm. Đinh Quang Vinh
Sau buổi cơm chiều, vị linh mục già với tràng chuỗi trên tay đang gõ đều những nhịp chân trên dãy hành lang của nhà xứ. Bỗng một loạt chuông dài từ phía cổng vang lên, không chút đắn đo, vị linh mục tiến về cổng chính. Cánh cửa bật mở, một khuôn mặt thật tiều tụy xuất hiện, kèm theo lời kêu cứu: "Linh mục ơi! Xin cứu gia đình con với"; với giọng ôn tồn ngài nói: "Mời chị vào phòng khách, có điều chi hãy từ từ giải bày".

Đón lấy ly nước mát lạnh từ tay ngài, người phụ nữ chỉ nhấp đôi chút và vội vàng cất tiếng với giọng nói thật thống thiết: "thưa linh mục, xin ngài cứu gia đình con với, xin cứu người chồng đáng thương của con. Anh ấy ngã bệnh đã hai năm nay, con đã cố gắng hết sức mình, ngay cả gia tư vốn liếng con cũng chẳng tiếc chi. Nhưng cho đến nay, mọi chuyện như muối đổ bể: bệnh tình của nhà con chẳng đỡ chút nào, còn gia đình con thì lại rơi vào khánh kiệt". "Vậy giờ đây chị muốn tôi giúp gì cho chị? Chị cứ nói, trong khả năng của tôi, tôi xin sẵn sàng giúp chị", vị linh mục cất tiếng nói. Xúc động bởi sự chân tình của vị linh mục trong tiếng nghẹn ngào chị ta bộc bạch: "thưa linh mục, gia đình con là gia đình cách mạng, chúng con là những đảng viên, tuy chúng con không biết về Chúa, cũng chẳng quen biết linh mục, nhưng nhờ những người hàng xóm Công Giáo gần nhà giới thiệu, cho nên con mạnh dạn đến đây để nhờ linh mục cầu nguyện cho nhà con qua khỏi cơn nguy biến này". Vẫn với giọng nói thật chân tình, vị linh mục hỏi: "Chị tin vào lời cầu nguyện của tôi ư?" chị đáp lời: "Thưa linh mục, giờ con biết làm gì hơn ngoài điều này; vả lại có tin con mới đến đây để cậy nhờ linh mục". "Thế thì chị hãy an tâm, tôi hứa ngay từ chiều hôm nay sẽ cầu nguyện cho chồng của chị". Cảm động bởi tấm lòng cao thượng của vị linh mục, chị ta còn chỉ biết tạ ơn và cáo biệt ngài ra về cho kịp chuyến xe chiều. Hai tháng sau, người phụ nữ ấy trở lại với người chồng của mình để tạ ơn vị linh mục. Và cũng từ đó khơi mào cho hành trình niềm tin của hai vợ chồng.

Câu chuyện trên đây cũng phần nào diễn tả Lời Chúa ngày hôm nay: Niềm tin của người phụ nữ xứ Ca-na-an. Người phụ nữ ấy đã tin vào Đức Giêsu Kitô: Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít (Mt 15, 22); dẫu chỉ nghe nói về Ngài qua những người chung quanh. Niềm tin ấy được diễn tả ngày càng mạnh mẽ, nhất là khi Đức Kitô nói với chị ta: "không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" (c.26). Đáp lời Ngài, chị ta nói: "thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống". Đây phải chăng là lời vặn vẹo hay tranh luận với Chúa Giêsu? Thưa không, lời nói của chị đượm nét khẩn cầu của một kẻ đầy lòng khiêm nhường, cúi mình trước Đấng Tối Cao; chính câu trả lời của chị như thêm một lần nữa xác tín niềm tin của mình vào Con Vua Đavít, vì chị tin rằng Ngài luôn thương đến những kẻ mọn hèn, dẫu cho là những chú "chó con" (ngôn từ mà người Do Thái thời xưa dùng để ám chỉ dân ngoại). Đọc được những tâm tình sâu thẳm ấy, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và chữa lành cho con gái chị.

Lời Chúa hôm nay còn muốn diễn tả sứ vụ của Đức Kitô: Được sai đến với những chiên lạc nhà Ít-ra-en (c.24). Thực vậy, có những con chiên mà đôi lúc do những hiểu lầm hoặc chưa được nghe Lời Chúa đã không ở trong một đàn. Trong và qua Tình Yêu Thập Tự Đức Kitô đã muốn quy tụ tất cả về trong một đàn chiên duy nhất, sống sự hiệp thông, tình yêu, bình an; Ngài muốn dẫn đưa tất cả chúng ta lên Núi Thánh Ngài (Is 56, 7). Sứ vụ ấy được ủy thác lại cho các Tông Đồ khi Ngài về trời, và cho chính mỗi người chúng ta, những thành phần của Hội Thánh (Đến với muôn dân, 2).

Trăn trở trước sứ vụ thật cao cả ấy, đôi lúc chúng ta cũng tự đặt câu hỏi cho mình: "Đâu là cách thế để loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay?". Tôi muốn mượn lời của ĐGH Gioan Phaolô VI để trả lời cho vấn nạn này: "Người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy", thế nên "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng cách làm chứng, một đời sống làm chứng bao hàm sự hiện diện, chia sẻ, liên đới" (Loan báo Tin Mừng, 21;41).

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta những bài học quý giá. Qua hình ảnh người phụ nữ xứ Ca-na-an ta học được bài học về sống niềm tin. Chính niềm tin hun đúc và giúp chúng ta bước đi cách vững chắc trong hành trình hướng về quê trời, dẫu cho hành trình đó còn vương đầy sỏi đá; chính lối sống tín thác vào Đức Kitô, khiến ta trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng, của tình yêu: rao giảng không những bằng lời nói, nhưng còn bằng chính đời sống. Thiết nghĩ khi thực thi được những điều đó ta đã thực thi phần nào sứ mạng mà Chúa uỷ thác cho mỗi người chúng ta.

(nguồn : tinmung.net)

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

KHAI GIẢNG LỚP NHẠC LÝ - XƯỚNG ÂM CĂN BẢN



 

Trước tình hình giáo xứ ngày càng phát triển, sinh hoạt mục vụ ngày càng nhiều, đặc biệt là các sinh hoạt cần đến yếu tố ca hát như các cử hành phụng vụ, dạy giáo lý, sinh hoạt của các đoàn thể... đòi hỏi người phụ trách, người tham gia phải có sự hiểu biết nhất định về âm nhạc để có thể giúp cho cộng đoàn ngày càng tốt hơn, giáo xứ Thuận Phát đã mở lớp dạy Nhạc Lý và Xướng Âm căn bản, khai giảng vào lúc 19g30 ngày Thứ Sáu 12.8.2011.

Cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ, đã đến tham dự Nghi Thức Khai Giảng và nói chuyện với các học viên. Cha hoan nghênh các học viên đã rất nhiệt thành trong các công việc của giáo xứ, đã hy sinh thời giờ để tham gia các Ca Đoàn, tham gia Ban Giáo Lý, Huynh Trưởng, theo học lớp Đệm Đàn Nhà Thờ... và giờ đây lại hy sinh thêm thời giờ để theo học lớp Nhạc Lý Xướng Âm này. Cha nhắn nhủ các học viên hãy cố gắng theo học đầy đủ các tiết học để trước nhất là giúp cho bản thân mình có được một kiến thức căn bản về âm nhạc để từ đó giúp cho cộng đoàn nâng tâm hồn lên cùng Chúa, như lời thánh Augustinô "Hát hay là cầu nguyện hai lần".

Kết thúc phần nói chuyện với học viên, Cha kể câu chuyện về thánh Augustinô, khi thánh nhân còn đang trong thời kỳ ăn chơi sa đọa, một hôm đi ngang qua nhà thờ tình cờ nghe được bài hát mà cộng đoàn trong nhà thờ đang hát... Từ đó đánh động tâm hồn thánh nhân, Ngài quyết định ăn năn hối cải trở về với Chúa và sau này đã trở thành vị thánh vĩ đại.

Được biết, học viên của lớp là ca viên các ca đoàn, các giáo lý viên, các huynh trưởng, các học viên đang học Đệm Đàn Nhà Thờ, số lượng trên 40 người, sẽ học 17 tuần, mỗi tuần 1 buổi vào tối Thứ Sáu. Cuối khoá học viên sẽ được làm Bài Kiểm Tra để xét cấp Giấy Chứng Nhận.


Hữu Toàn & Anh Tuấn

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

TANG LỄ CHA GIUSE ĐINH HUY HƯỞNG


Xin mời xem tại đây

THƯƠNG TIẾC LINH MỤC GIUSE ĐINH HUY HƯỞNG

Thương tiếc Linh mục Giuse Đinh Huy Hưởng, bạn của người nghèo

Nhớ một buổi chiều bất ngờ, cha Giuse về đến xóm tôi ở miền quê nghèo, ghé thăm một gia đình nghèo. Tôi cũng không hiểu do đâu mà cha biết gia đình này đông con, lao động vất vả, con hiếu học, và nghèo. Cha vào nhà, xin ăn một bữa cơm dưa muối. Bà N vừa lạ lùng vừa bỡ ngỡ: “Thưa Cha, nhà con có gì ăn đâu”. “Tôi xin ăn một bữa dưa muối mà. Cứ cho đi”. Cha dùng cơm tối với gia đình, thật đơn giản: một đĩa trứng, một đĩa rau, một chén cà, một chén mắm nêm. Dùng cơm xong, Cha nói là về nhà xứ thăm cha Phêrô. Tối hôm ấy cha nghỉ ở nhà xứ. Sáng hôm sau, Cha đi đâu không biết, chỉ biết là có người chở đến cho Bà N một bao gạo. Chúa nhật, đi lễ, tôi nghe Cha sở Phêrô có lời cảm ơn Cha Giuse về khoản trợ giúp cho những người nghèo trong xứ.

Tôi gọi Cha Giuse là Bạn Của Người Nghèo, vì được biết, suốt đời Cha quan tâm cách đặc biệt đến người nghèo - những người nghèo ngay trong thành phố sang trọng, những người nghèo ở các giáo phận xa xôi, những người nghèo cần sự quan tâm và sự chia sẻ nơi những trại cùi, viện mồ côi, nhà tình thương, nhà dưỡng lão… cả những học sinh sinh viên nghèo thiếu tiền ăn học, cả những chủng sinh nữ tu nghèo và cả những tổ chức văn học, y tế nghèo cha đều quan tâm và tìm cách trợ giúp.

Quỹ Bác Ái Du Sinh gần như rất âm thầm đồng hành và lớn lên trong suốt cuộc đời Cha Giuse. Âm thầm cả cách nhận và cả cách cho. Thế mà từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng đậm dấu ấn “bữa cơm của người nghèo” - những bữa cơm có thịt có cá, thay cho những bữa cơm dưa muối, cà mắm nêm mặn điếng. Cha vẫn đi và đến đúng địa chỉ của những người nghèo, bạn chí thiết của Chúa Giêsu, và phân phát lương thực phần xác, niềm ủi an phần hồn cho họ. Sau những chuyến đi của Ngài về Phan Thiết, lên Lâm Đồng, xuống tận Long An, ra mãi tới Lạng Sơn Phát Diệm… không nghe thấy ai nói gì, cũng không rêu rao thông truyền việc của tay phải làm.

Mãi đến những năm sau này, khi căn bệnh của Ngài không cho phép Ngài lưu diễn tình bác ái khắp nơi, Ngài đành rút về Trụ Sở Phát Diệm để tổ chức “quán cơm phục vụ miễn phí” cho người nghèo mỗi tuần ba bữa cơm trưa, mỗi bữa khoảng 250 xuất cơm ngon lành hơn bữa cơm thường nhật. Và nếu trước đây, Ngài âm thầm đến với người nghèo thế nào, thì hôm nay, bên cạnh Ngài có đến hơn 20 anh chị em được Ngài nhận làm môn sinh của lòng bác ái, cũng âm thầm chuyên lo cơm nước cho những người nghèo trong tinh thần phục vụ cách nhưng không, nhưng rất nhiệt thành vì tình yêu mến. Trong bếp của Quán Cơm Phục Vụ Miễn Phí , có những câu Lời Chúa thật sống động: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 12); “Đức Tin không có việc làm là Đức tin chết” (Gc 2, 17), “Thiên Chúa hằng thương và nhận lời kẻ khốn khổ nài van, và ban cho người đói khát được no đầy” (lời cầu kinh chiều thứ 6, tuần I); “Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống” (Kinh Thương Xác Bảy Mối)

Những câu Lời Chúa này hẳn đã là linh đạo của đời Cha, và cũng là linh đạo cho tất cả những anh chị em phục vụ. Thật đáng quí thay!

Người nghèo cần có cái ăn. Nhưng người nghèo còn cần cái mặc, cần cái thuốc để chữa bệnh. Ý tưởng ấy khai sinh “phòng khám bệnh phát thuốc miễn phí” cũng ngay trong Trụ Sở Phát Diệm, tại Gò Vấp. Mỗi tháng một lần, Ngài mời nhiều Bác Sĩ giỏi về khám bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân. Các Bác Sĩ không phân biệt tôn giáo, có cơ hội làm việc Bác ái theo cách Bác Ái Kitô Giáo: nhiệt tình cho đi mà không đòi nhận lại, cả chút lương bổng đến lời chúc khen ca tụng.

Mấy ngày cuối cùng ở Bệnh viện 175, chống chọi với những cơn đau khủng khiếp, thế mà, Ngài vẫn mãi nghĩ đến những người nghèo, thăm hỏi việc lo cho người nghèo, đôn đốc thúc giục anh chị em chu toàn bổn phận của Đức Ái, và nhất là trong Di chúc, có để lại một điều lạ lùng: “Xin tổ chức đám tang Cha thật đơn giản, dành tiền lo cho người nghèo”.
 

Đó là ý của Cha Giuse, di chúc của Cha Giuse. Nhưng ai có thể cấm cản nỗi tình mến thương, lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn, và nhất là lời ca tụng Thiên Chúa đã ban cho cuộc đời một linh mục không chỉ làm lễ trên bàn thờ, mà còn tế lễ mình mọi lúc mọi nơi để trở nên của nuôi sống phần xác phần hồn cho đoàn dân Chúa.
 

Vì thế, hai ngày 9 và 10-8-2011, Trụ Sở Phát Diệm đã trở thành một điểm đến của muôn lòng biết ơn: biết ơn Cha Giuse và biết ơn Thiên Chúa. Đến kính viếng xác Ngài, đã có Đức Hồng Y, nhiều Giám Mục, có những GM ở tận Giáo Tỉnh Hà Nội, các Hội Dòng, các linh mục tu sĩ, giáo dân… và không thiếu những người nghèo của Thiên Chúa, những người được cha quan tâm từng bữa ăn đã đến dâng lên Cha những bông hoa, những lẵng hoa, những tâm tình quí mến, ngưỡng mộ, biết ơn Cha Giuse: Bạn Của Người Nghèo.
 

Thiết tưởng, những thánh lễ sốt sắng ngay trước thi hài của Cha, những tình cảm quí mến của nhiều thành phần Dân Chúa dành cho Cha, những vòng hoa kính viếng, những giọt lệ tiếc thương, những hy sinh cho cuộc tang lễ…. là phần thưởng cho Cha Giuse một đời vì yêu người nghèo. Nhưng, phần thưởng lớn nhất mà chúng con tin tưởng do lòng thương vô biên của Chúa, chính là lời của Chúa Giêsu mời gọi Cha vào hưởng niềm vui Thiên quốc: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Lc 25, 34-36).
 

Xin Chúa lòng lành tha thứ cho Cha những lỗi phạm, những thiếu sót, và ban thưởng cho Cha trên Nước Trời.
 

PM. Cao Huy Hoàng, 10-8-2011
(nguồn : vietcatholic.net)

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :
 

Cha Giuse ĐINH HUY HƯỞNG
Giám đốc Trụ sở Phát Diệm
 
Sinh ngày 06.5.1940 tại Trì Chính, Phát Diệm

(những năm đầu khi Cha Cố Antôn mới thành lập Giáo xứ,
lúc đó Cha Giuse đang là thầy, 
học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Saigon
đã nhiều lần đến giúp Cha Cố Antôn trong công việc mục vụ của giáo xứ)

Đã an nghỉ trong Chúa lúc 01h40' ngày 09.8.2011
Hưởng thọ 71 tuổi với 42 năm Linh mục.
 
CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thánh lễ nhập quan lúc 16h00, 
Thứ Ba 09.8.2011 do ĐGM Phát Diệm chủ sự.

Linh cửu quàn tại Trụ sở Phát Diệm,

212 Lê Đức Thọ, P.15, Q.Gò Vấp, Tp.HCM.


Thánh Lễ An Táng đồng tế lúc 09h00 
Thứ Năm 11.8.2011

Sau đó mai táng tại Đất Thánh Trụ Sở Phát Diệm.

Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Cha Cố Giuse sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo

TIỂU SỬ CHA GIUSE ĐINH HUY HƯỞNG

Sinh ngày 06.5.1940 tại Trì Chính, Phát Diệm, Ninh Bình.

1955 - 1962 : Học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô, Phú Nhuận.

1962 - 1969 : Học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Saigon.

29.4.1969 : Thụ phong Linh Mục tại
Saigon
(Linh mục gốc Phát Diệm, nhập Giáo Phận Mỹ Tho và Saigon)

1969 - 1972 : Phụ tá Giáo xứ Rạch Cầu, Mỹ Tho.

1972 - 1975 : Tuyên Úy tại Hậu Nghĩa.

1975 - 1985 : Lao động.

1985 - 1994 : Nghỉ ngơi.

1994 - 2009 : Chánh xứ Giáo Xứ Đức Tin, Giáo hạt Gò Vấp, Saigon.

2009 - 2011: Giám Đốc Trụ Sở Phát Diệm, Xóm Mới, Gò Vấp. 

Đôi Nét Về Linh Mục Giuse Đinh Huy Hưởng
(theo Cha Giuse Phạm Bá Lãm)
 
Ngài có tài ngoại giao, được nhiều tổ chức bác ái xã hội thế giới tín nhiệm, ngài giới thiệu và giúp cho nhiều công trình của các giáo phận, các nhà thờ và các cộng đoàn. Ngài tham gia cứu trợ khắp nơi, chăm lo người nghèo, người khuyết tật, người cơ nhỡ, người bị HIV... Ngài được đề cử làm Trưởng Ban Bác Ái Xã Hội Saigon, mở nhiều khoá học huấn luyện, mở nhiều thí điểm, hỗ trợ các công trình công ích...

Về mục vụ giáo xứ, ngài hết sức tận tâm và tận lực. Một giai thoại : vào năm 1994 Gx. Đức Tin kể như bỏ trống với một hiện tượng lạ : một cha 'bỏ Đức Tin' (đi xứ khác), một cha được bài sai mà không chịu nhận, nên được gọi là cha 'chối Đức Tin', Đức Cha Huỳnh Văn Nghi lúc đó làm Giám Quản Saigon đã mời gọi và cha Hưởng vâng lời, nên được tiếng là 'nhận Đức Tin' ! Ngài xây dựng cộng đoàn và xây dựng nhà thờ, nhà xứ... phát triển giáo xứ, nhất là về mặt bác ái từ thiện...
 
Dù đau yếu, nhưng đáp lời mời gọi của ĐGM Phát Diệm, ngài đã hy sinh nhận chức Giám Đốc Trụ Sở Phát Diệm từ ngày 29.4.2010 đến nay chỉ có 15 tháng mà làm việc 'trối chết'. Ngoài việc phục vụ các cha hưu, ngài tổ chức lễ cầu cho các vị an nghỉ trong đất thánh của Trụ Sở (27.11.2010), tổ chức Quán ăn miễn phí cho người nghèo, xây đài thánh Giuse, mới đây (01.6.2011) khánh thành Hoa viên Mân Côi và thang máy, đang xây dở dang dẫy nhà mặt tiền... Có cảm tưởng như ngài đoán trước thời gian như co rút lại, nên phải tận dụng làm được càng nhiều càng tốt. Nay Chúa đã cho Ngài được nghỉ ngơi. Tên là Hưởng nhưng chưa hưởng gì, nay mới thực sự được hưởng, hưởng thọ và hưởng phúc, lộc trên thiên đàng.

(nguồn : WGPS)

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

PHÚT THƯ GIÃN

Nhạc phẩm : Chúa Không Lầm - do chính tác giả trình bày.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XIX thường niên năm A.
Cha giáo G.Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN A (Mt 14, 22-33)





YẾU BÓNG VÍA 
 
Các cụ ta xưa thường hay gọi những anh chàng nhát không dám đi một mình trong đêm tối là “yếu bóng vía”, vì hay sợ ma nhát. Mà kể ra cũng lạ lắm, những anh chàng yếu bóng vía ấy nếu ban ngày có ai hỏi đến chuyện ma cỏ, thì lại rất hùng dũng vỗ ngực xưng mình là người can đảm số một, chẳng ma quỷ nào làm gì nổi. Lạ hơn nữa là nếu vì một lý do gì bất đắc dĩ phải một mình đi trong đêm tối, thì chỉ cần một con đom đóm bất chợt bay ngang, hoặc một con cú thình lình rúc lên một tiếng, thì bảo đảm anh chàng đó ngất xỉu ngay, hoặc ít ra thì cũng mồ hôi đầm đìa, nói không thành tiếng! Rõ thật là “thần hồn nhát thần tính”! Ngoài mặt thì không sợ ma, nhưng trong lòng thì bất cứ một cảnh giới, một hiện tượng nào cũng có thể là ma được cả. Ấy mới chết một cửa tứ.

Nói chuyện sợ ma để có cái cớ suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, bởi bài TM hôm nay trình thuật về biến cố Đức Giê-su đi trên mặt biển, khiến các môn đệ hoảng hồn lại tưởng là ma! Người bộc lộ rõ nhất tâm trạng này lại chính là Thánh Phê-rô. Như vậy thì có phải thánh nhân là người "yếu bóng vía" hay không? Nếu tìm hiểu kỹ thì chắc chắn thánh Phê-rô không phải típ người "ngoài mịêng thì hùng hồn, nhưng trong lòng thì... thỏ đế có hạng". Thánh nhân có một đức tính bộc trực, ngay thẳng, trong lòng nghĩ sao thì nói ra như vậy, không hề màu mè, tô vẽ. Cũng vì đức tính ấy, nên ngài đã nhiều lần bị Thầy quở trach, thậm chí có lần còn bị gọi là "Sa-tan" ngay sau khi vừa tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa (Mt 16. 13-20) , bởi "vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16, 23). Rõ ràng thánh nhân chẳng "yếu bóng vía" một chút nào.

Nếu không yếu bóng vía thì tại sao vừa mới chia tay Thầy ở bờ bên kia, bây giờ thấy Thầy đi trên mặt biển trở lại với mình, thánh nhân lại la lên "ma đấy"? Thầy đã trấn an: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!", vậy mà còn đặt điều kiện "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Tuy nhiên, bình tĩnh đọc tiếp đoạn trình thuật này, vấn đề sẽ sáng tỏ ngay. Vâng, "Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến! " Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! " Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? " Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!" (Mt 14, 28-33)

Cuối cùng thì có thể kết luận : Thánh Phê-rô (kể cả các môn đệ khác nữa) không "yếu bóng vía", mà là "yếu đức tin". Lời Thầy quở trách đã quá rõ ràng "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" Cũng chính vì thế nên không chỉ lần này thánh nhân tuyên xưng "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!", mà sau này còn khẳng định chắc nịch "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16, 16) ; để rồi sau đó lại chối Thầy 3 lần trong một đêm, trước một đứa tớ gái nhà Cai-pha. Hành trình đức tin của người Ki-tô hữu ngày nay cũng có thể so sánh với cuộc đọ sức của Phê-rô đã trải qua trên mặt biển. Phê-rô có những bước đầu chắc chắn, mạnh dạn. Chúng ta cũng đã có những bước khởi đầu như thế để đi theo Chúa. Rồi năm tháng trải qua, gió ngược nổi lên, và bắt đầu nhen nhúm những nghi ngờ khiến lòng hoang mang lo sợ. Và thế là, con người nặng dần và muốn chìm nghỉm trước sóng gió cuộc đời. Ngày xưa Phê-rô chối bỏ đức tin chỉ vì một đứa tớ gái nhà Cai-pha, ai cũng cho là thỏ đế ; nhưng ngày nay còn hơn thế nữa kia. Không ít người chẳng bị ai cật vấn, tra hỏi, chỉ mới nghe đồn, nghe nói thôi, đã vội vàng cất giấu bàn thờ để chưng ảnh lãnh tụ. "Chưa khảo đã xưng" (tục ngữ VN), chưa ai bắt đã vội vàng khai là "không tôn giáo" ! Hoá cho nên, rất cần phải có liều thuốc chữa căn bệnh "yếu bóng vía" và "yếu đức tin", đó là điều tất yếu.

Để chữa được căn bệnh "yếu bóng vía" thì điều tiên quyết là bản thân phải có một quyết tâm, tiếp theo là phải thực sự va chạm với thực tế các sự kiện diễn ra trong cuộc sống, trong thiên nhiên, để mở rộng đầu óc mà hiểu rằng có một Đấng Quyền Năng quan phòng mọi sự trong vũ trụ. Đấng ấy chỉ có thể là "ông Trời", là "Thượng đế", là "Thiên Chúa", mà thôi. Tin vào Đấng ấy, thì ma mị quỷ quái chẳng làm gì được. Còn căn bệnh "yếu đức tin" thì cũng đừng vội bi quan, bởi đó cũng là căn bệnh của những người "yếu bóng vía" và nói chung, của tất cả mọi người trần thế. Duy chỉ có điều, muốn chữa được căn bệnh này, ngoài vấn đề hết sức cần thiết là trau giồi, củng cố cho bản thân một niềm tin vào duy nhất một Thượng đế, còn cần phải ý thực rằng con người là mỏng giòn là yếu đuối, không thể tự mình làm được công việc to tát ấy nếu không biết cậy dựa vào Đấng Bảo Trợ, Người sẽ bảo vệ và trợ giúp đắc lực tuyệt đối cho những kẻ tin vào Người. Đấng ấy cũng chính là Thượng đế, là Thiên Chúa, là ông Trời, và đó chính là Ngôi Ba Thánh Thần vậy.

Xin đừng bao giờ nói: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài", mà hãy luôn luôn nói, mạnh dạn nói, tha thiết nói, nói với tất cả chân tình: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" Vâng, "Libera me, Domine", Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu vớt con, bây giờ và mãi mãi, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

NGHI THỨC PHÁT TANG VÀ THÁNH LỄ CẦU HỒN ÔNG CỐ PHÊRÔ NGÀY 05-8-2011




Nghi thức phát Tang được tiến hành lúc 9 giờ 30 ngày 05-8-2011.
Sau đó rước Di Ảnh Ông Cố Phêrô đến nhà thờ Thuận Phát.
Thánh Lễ cầu hồn lúc 10 giờ do Cha Chánh Xứ Chủ Tế.

Hữu Toàn

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

HIỆP THÔNG


HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :


Ông Cố PHÊRÔ
TRẦN CÔNG DỤNG
 Sinh năm 1915 tại Ninh Bình 

Thân Phụ
Bà Anna Trần Thị Hoa
Cựu Thủ Quỹ Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

đã an nghỉ trong Chúa vào lúc 06g58 
ngày Thứ Bảy 30.7.2011 (giờ California, USA)
tại tư gia : Garden Grove, California, Hoa Kỳ.
Hưởng thọ : 96 tuổi

Thánh Lễ Cầu Hồn (tại Việt Nam)
cử hành tại Nhà Thờ Thuận Phát, Quận 7, TP.HCM
lúc 09g00 ngày Thứ Sáu 05.8.2011

Thánh Lễ An Táng tại Thánh Đường Saint Columban 
10801 Stanford Garden Grove, CA 92840. 
lúc 10g00 ngày Thứ Bảy 06.8.2011

Sau đó an táng tại GOOD SHEPHERD CEMETERY 
(Nghĩa trang Chúa Chiên Lành)
8301 Talbert Ave. Huntington beach, CA 92646.


Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Linh Hồn Cụ Cố Phêrô sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XVIII TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XVIII thường niên năm A.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỄ TUYÊN HỨA HUYNH ĐOÀN THÁNH THỂ GX THUẬN PHÁT NGÀY 30-7-2011




 LỄ TUYÊN HỨA HUYNH ĐOÀN THÁNH THỂ
Ngày 30 tháng 07 năm 2011

 Sau gần hai năm tập sinh, tìm hiểu và học hỏi tinh thần “Sống Thánh Thể” theo gương Thánh tổ phụ Phê-rô Ju-li-a-no Ey-mard, dành cho hội viên Huynh đoàn Thánh Thể. Ngày 30 tháng 7 năm 2011, trong Thánh Lễ chiều, 42 hội viên đã trang trọng tuyên hứa, chính thức trở thành hội viên Huynh đoàn Thánh Thể, là phần tử trong “Đại Gia Đình Thánh Thể Hoàn Vũ”.
Chủ tế Thánh Lễ là cha Đaminh Trần Văn Dũng – SSS, Giám đốc Huynh Đoàn Thánh Thể Việt Nam, đã thẩm vấn, nhận lời tuyên hứa, và trao Huy Hiệu cho các hội viên trước sự hiện diện của cha chánh xứ Gioakim.
Đến tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện cho các hội viên, có sự hiện diện đông đảo quý Soeurs, quý Hội đồng Mục Vụ, và cộng đoàn giáo dân.
Sau Thánh Lễ, Cha Giám đốc cùng Cha chánh xứ trao Thủ bản và Vi bằng cho 42 hội viên vừa tuyên hứa, và cùng chụp hình lưu niệm với các hội viên.
Lễ Tuyên Hứa diễn ra trong bầu khí sốt sắng, trang nghiêm và tràn đầy Ơn Thánh.
Tạ ơn Chúa Giêsu Kitô đến muôn đời. A-men!

Giuse Maria Hoàng Trung Chính.
Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A (Mt 14, 13-21)


PHÉP LẠ CỦA SỰ LẮNG NGHE

Mỗi lần được nghe bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thường liên tưởng đến phép lạ Chúa hoá bánh ra nhiều hay là hình ảnh tiên báo về bí tích Thánh Thể. Đây là cái nhìn thông thường. Thế nhưng, theo tường thuật của thánh Mat-thêu, phép lạ đã diễn ra ngay từ lúc đám đông tìm kiếm Chúa. Họ vượt qua mọi trở ngại của ngăn sông cách núi. Họ rỉ tai nhau. Họ lũ lượt mời gọi nhau lên đường tìm kiếm Chúa. Họ đến với Chúa không phải vì miếng ăn. Họ không xin Chúa bánh ăn. Họ tìm Chúa để được nghe lời Người rao giảng. Họ muốn tìm ra chân lý của cuộc đời. Họ muốn hiểu về giá trị và mục đích của cuộc sống. Thực sự họ đã say mê khi nghe Chúa giảng về Nước Trời. Họ đã bị lôi cuốn bởi lời rao giảng của Chúa đến mức độ quên cả thời gian. Trời đã tối mà xem ra đám dân chúng này vẫn chưa muốn rời xa Chúa. Họ vẫn muốn được nghe lời hằng sống phát ra từ môi miệng Chúa.

Thánh Mat-thêu còn kể tỉ mỉ là số lượng khoảng trên 5000 người đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em. (Nếu tính tổng cộng phải trên 10.000 người). Đây cũng là một sự kiện lạ. Một sự kiện mà cho tới hôm nay dù rằng có âm thanh hỗ trợ, có phương tiện tối tân vẫn khó khăn truyền tải sứ điệp đến với thỉnh giả tại bãi biển đầy sóng gió ồn ào. Nơi mà người ta nói “ăn sóng nói gió” , phải nói thật to, phải gào thật lớn mới nghe được nhau. Thế mà, lời rao giảng của Chúa Giê-su lại đến với tai mọi người. Mặc dù không micro, không loa phóng thanh. Ngài nói trong gió trời lồng lộng, trong sóng vỗ miên man mà ai cũng nghe được. Ai cũng hiểu. Ai cũng say sưa nghe giảng. Quả thực, đây là một phép lạ! Phép lạ của sự tôn trọng và lắng nghe. Họ tôn trọng Chúa là người đang nói và cũng tôn trọng tha nhân là người đang lắng nghe. Thông thường ai cũng muốn nói, nhưng ở đây hầu như ai cũng muốn lắng nghe. Chính nhờ thế mà đám đông đã tạo thành một không gian thanh bình, một nơi chốn của thinh lặng cho con tim rung cảm chan hoà yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Và hôm nay phép lạ đó vẫn có thể tái diễn trong cuộc sống khi chúng ta biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau. Khi mỗi người biết nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau. Thế giới hôm nay rất cần phép lạ này để thế giới được thanh bình hơn. Để con người biết đối thoại với nhau trong chân thành, cởi mở và yêu thương. Một thế giới mà con người biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, đó cũng là một thế giới hòa bình, một thế giới của bình an mà người người biết trao cho nhau niềm vui và hoan lạc hạnh phúc. Một thế giới mà còn đầy những hiềm khích, nói xấu, bỏ vạ cáo gian thì làm sao có những giây phút bình yên. Kẻ gieo gió đã gây tai họa tổn thất cho người khác và chính họ cũng sẽ không có được tâm hồn thanh thỏa bình an.

Một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết lắng nghe nhau. Vợ chồng lắng nghe nhau trong chân thành cởi mở. Con cái vâng lời cha mẹ, kính yêu ông bà và cùng nhau kiến tạo một gia đình hạnh phúc yêu thương.

Một thôn ấp văn hóa là một thôn ấp người người biết nhường nhịn nhau. Tối lửa tắt đèn có nhau trong sự chia cơm sẻ áo. Không thể có một ấp văn hóa nếu hàng xóm láng giềng vẫn lời qua tiếng lại. Chê bôi, dè bỉu nhau. Chỉ gây thêm hận thù. Đánh mất truyền thống tổ tiên. “Thương người như thể thương thân. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. 

Một xứ đạo hiệp nhất là một xứ đạo cảm thông tha thứ và sống chan hòa tình huynh đệ. Một xứ đạo đúng nghĩa phải mô phỏng lại lối sống của cộng đoàn Giáo hội thời sơ khai mà sách tông đồ công vụ đã ghi lại. “Ngày ngày họ chuyên chăm cầu nguyện, lắng nghe lời các tông đồ giảng dạy và gom góp của cải thành của chung”. Một con người biết đóng góp và xây dựng giáo xứ trước tiên phải hỏi chính mình: “Tôi đã làm gì cho giáo xứ”, hay tôi chỉ là một lữ khách, sống bàng quang với công việc của giáo xứ. 

Nét đẹp của Bài Phúc âm hôm nay không chỉ dừng lại ở việc con người biết lắng nghe và tôn trọng nhau mà còn quan yếu ở chỗ sự chia sẻ lương thực được trao tặng cho nhau. Cho dù chỉ với phần lương thực quá ít ỏi của một đứa bé. Thế nhưng, với 5 chiếc bánh và hai con cá được trao ban từ lòng quảng đại đã được Chúa nhân lên đến nỗi nuôi đủ 5 ngàn người ăn, không kể đàn bà và trẻ con.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn quảng đại cho đi chính bản thân của mình, để trở nên nguồn sống cho tha nhân. Xin giúp cho mỗi người chúng ta luôn biết cho đi chính sự sống mình để gieo mần sống đức tin cho các thế hệ mai sau. Xin cho chúng ta luôn đơn sơ nhỏ bé ngõ hầu dễ dàng lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một thế giới văn mình tràn đầy tình thương. Amen



Lm.Jos Tạ duy Tuyền

(nguồn : thanhlinh.net)