Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

CUỘC SỐNG NGANG QUA CÁI CHẾT...

 

CUỘC SỐNG NGANG QUA CÁI CHẾT...

Dom. Vũ Đình Luyện, OFMConv.
Sài gòn, ngày 12/9/2021


WHĐ (12.9.2021) - “Cuộc sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm im giấc ngủ mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai...” câu hát tưởng chừng quen thuộc mỗi lần có đám tang hay đám giỗ của người Công giáo. Những bài thánh ca vang lên trong những giờ phút đau thương của phận người đã gợi lên biết bao niềm tin và hy vọng. Vậy mà trong những ngày của dịch bệnh xảy ra thì mọi lời ca tiếng hát ấy dường như biến mất, một sự “im lặng” đến lạ thường! Không tổ chức đám tang, không thánh lễ, không người thăm viếng, những người thân thương chỉ có thể nhìn từ đàng xa mà khóc thương thảm thiết, thậm chí còn không được nhìn mặt người quá cố lần cuối, cũng có khi nhận lại được chỉ là tro cốt đã bỏ vào một bình sành.

Cuộc đời là vậy có sinh thì có tử, nếu ta biết chấp nhận một cách bình thản, giản dị, thì ta sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên, cũng như sinh ra vậy. Bất kỳ quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn, lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân, có xây dựng thì cũng phải có sụp đổ, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Nhưng khi bàn đến sự chết thì ai cũng tránh né và coi là một chủ đề kiêng kỵ. Ta thường nghĩ chỉ những người già hoặc người đang mắc bệnh nặng mới phải lo nghĩ về sự chết, còn ta thì không, cho đến khi ta gặp biến cố hiểm nguy, chẳng hạn như ta được chẩn đoán mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, khi gặp tai nạn thừa sống thiếu chết. Qua đó, ta mới trân quý cuộc sống hơn.

Chết là sự tất yếu của cuộc sống. Vua chúa trần gian đua nhau tìm thần dược mong được kéo dài cuộc sống nhưng chung cuộc vẫn phải nằm trong lòng đất để chịu giòi bọ rỉa rúc thân xác mình. Người giàu kẻ nghèo rồi cũng phải trải nghiệm cái chết, nó không chừa một ai! Qua cơn bệnh hiểm nghèo hay ngày nào đó ta bị dương tính với virus corona thì ta thấy sự hoang mang lo lắng trước sự chết, đời người thật mong manh.

Chết là điều ai cũng biết chắc, nhưng giờ chết mỗi người thì không ai biết chắc cả. Giờ chết đến với bất kỳ ai: già trẻ, lớn bé, người sang kẻ hèn đều ra đi lúc nào không biết… Khi cái chết đến, chúng ta không thể mang theo tiền tài, danh vọng, địa vị, tài sản vật chất... những thứ chỉ là tạm bợ, đến rồi đi như gió cuốn mây trôi. Giống như, dụ ngôn người phú hộ giàu có, Thiên Chúa nói với ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những của cải ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20). Còn chúng ta những người đang sống ở cõi trần hãy ráng làm việc lành, từ bỏ những hành vi bất chính, hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính hơn lẽ thiệt, mà hãy tập quên mình, sống yêu thương, trân trọng những giây phút hiện tại... Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa hơn là làm giàu trước mặt thiên hạ.

Đối với đức tin Kitô giáo, chết không phải là hết. Con người không phải là con người cho sự chết mà là cho sự phục sinh. Chết để sống, như Hội thánh đã tuyên xưng trong Bài tiền tụng thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời: “Sự sống con người chỉ biến đổi chứ không bị tiêu tan”. Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ được tất cả khi ta gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô. Nhờ Đức tin, chúng ta tin tưởng vào Lời Chúa. Thực tại mai sau xâm nhập vào đời sống hiện tại và hướng dẫn các hành động của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Kitô và cho Người sống lại thì Thiên Chúa sẽ cho chúng ta sống lại khi ta “phó thác hồn xác trong tay Thiên Chúa”.

Qua cơn đại dịch chúng ta mới hiểu rõ ranh giữa cái chết và sự sống. Tất cả chúng ta chỉ hiện diện trên trần gian này trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là hồng ân sự sống Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Trách nhiệm của chúng ta và xã hội được đo lường, được xác định do thái độ, hành vi mà chúng ta thực hiện, do khoảnh khắc chúng ta đang sống. Bạn vẫn cảm thấy mình bị quá khứ cầm giữ và rất bận rộn với tương lai? Ngày hôm qua đã đi qua và không còn trở lại. Ngày mai như thế nào bạn không biết trước được. Vậy chỉ có một điều cần biết chắc, đó là sống thật tốt giây phút hiện tại mà Thiên Chúa thương ban cho bạn.

Khi một người thân qua đời, chúng ta đau khổ, chúng ta khóc than vì cảm thấy mất mát. Chúng ta cảm thấy từ nay sẽ thiếu hẳn sự hiện diện của người chúng ta thương mến. Nhưng cuộc sống vĩnh cửu vẫn còn đó. Một ngày kia, sự hiện diện mà giờ đây không còn nữa, sẽ được tái lập, và sẽ ở trong một tình trạng tốt đẹp hơn nhiều. Con cái sẽ gặp lại cha mẹ, anh em sẽ gặp lại nhau, và bạn bè thân thiết sẽ lại sum vầy. Đó là cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lễ Thiếu Nhi.

Bắt đầu lúc 17g00 Chúa Nhật, ngày 12.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 12.9.2021


Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. LA MESSE DU 24E DIMANCHE DU TEMPS ORDINAIRE - ANNÉE B

Bắt đầu lúc 10g30 Chúa Nhật, ngày 12.9.2021
tại nhà thờ Mai Khôi (nhà thờ nói tiếng Pháp).
le 12 septembre 2021 à 10h30,
sera en direct de l'Église de Mai Khoi (Église francophone)


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Twenty-fourth Sunday of Ordinary Time - English Mass (Live-streamed)

Bắt đầu lúc 09g30 Chúa Nhật, ngày 12.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
at 9:30 AM on Sunday, Sep 12th, 2021, 
at Notre Dame Cathedral of Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 07g00 Chúa Nhật, ngày 12.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

BỨC ĐIỆN THƯ 20 NĂM TRƯỚC…

BỨC ĐIỆN THƯ 20 NĂM TRƯỚC…

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm

WHĐ (11.9.2021) - Đúng ngày này, 20 năm trước, khi nhóm khủng bố lao hai máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York khiến tòa tháp đôi đổ sụp và hơn 3.000 người thiệt mạng, và không lâu sau đó, một chiếc máy bay khác lao vào Lầu Năm Góc. Trong nỗi sợ hãi, nhiều người bàng hoàng tự hỏi: “Thiên Chúa ở đâu trong những lúc đó?” Câu hỏi này chắc chắn vẫn đang được liên tục lặp lại, khi toàn thế giới phải đối diện, chống chọi, và bất lực trước trận “khủng bố vô hình” mang tên Covid-19.

" Cha vẫn hiện diện để yêu thương con người."   Đó có lẽ là câu trả lời của Thiên Chúa trong bức điện thư gởi cho mỗi chúng ta trong biến cố 11/9/2001. Thế nhưng, Ngài cũng muốn gửi lại cho từng người chúng ta, bức thư ấy, ngày hôm nay, 11/9/2021.

* * *

Con yêu dấu!

Cha biết là con đang giận Cha lắm và nhiều người còn đang tiếp tục nổi giận với Cha.

Điều đó thật dễ hiểu. Vì tức tối, giận dữ là một phần của con người. Con Một của Cha cũng có lúc nổi giận như vậy.

Thật là đáng để giận dữ khi chứng kiến một sự thiếu công bằng, thiếu bác ái. Con có quyền và có lý để nghĩ rằng Cha là người không công bằng và thiếu bác ái khi những chiếc máy bay đã rớt xuống một cách thảm khốc như thế. Mọi người và cả những trẻ em trên chuyến bay đó đã chết. Thật bất công và vô nhân đạo!

Khi chứng kiến và nghe biết về sự kiện này, nhiều người đã tự hỏi rằng: "  Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Thiên Chúa lại cho phép sự việc xảy ra như vậy?"

Con ạ, Cha cho phép xảy ra như vậy là vì Cha đã dựng nên con người có tự do.

Con biết đó, Cha có thể giữ con trên dây và làm cho con nhảy múa suốt ngày mà không biết mệt. Cha cũng có thể làm cho môi miệng con cứ ca hát suốt ngày đêm mà không bị khan tiếng. Và Cha cũng có thể làm cho con bay lơ lửng trên bầu trời trong xanh như cánh diều mà không bao giờ bị rớt.

Đúng thế, Cha có thể làm được tất cả những điều đó, nhưng Cha đã không làm chỉ vì Cha yêu con vô cùng.

Cha để cho con tự do chọn lựa ca hát và nhảy múa. Cha để cho con tự do quyết định đến với Cha trong lòng tin và niềm hy vọng.

Bởi vì có tự do, cho nên một số người đã không muốn chọn lựa để ca hát và nhảy múa. Một số người đã chọn lựa giận ghét thay vì yêu thương, hận thù thay vì tha thứ và thả bom thay vì đưa tay giúp đỡ. Cha biết tất cả những điều này.

“Thiên Chúa ở đâu?"

Cha ở ngay trong vụ rớt máy bay thảm khốc ấy.

Cha ở đó và thì thầm vào tai một cô bé: “Đừng sợ, vì Cha ở với con”. Cha ở đó và cầm tay người phụ nữ khi bà sợ hãi, run rẩy. Cha ở đó và nâng người phi công bằng cánh tay của Cha như Cha đang ấp ủ một em bé.

Trong nỗi sợ hãi khủng khiếp ấy, Cha ở đó như Cha đã ở bên Con Một của Cha trong Vườn Cây Dầu.

Trong nỗi đớn đau không thể nào chịu nổi ấy, Cha vẫn ở đó như Cha đã ở với Con Một Cha khi Người bị đòn vọt.

Và trong nỗi kinh khiếp tột độ khi sự sống khắp kết thúc, thì Cha cũng ở đó, như đã ở bên Con Một Cha khi Người bị treo lên với lời rên xiết: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”

Cha đã không bỏ rơi Người.

Cha đã không bỏ rơi những nạn nhân trên chuyến bay định mệnh hôm đó.

Cha ở đó khi chiếc máy bay bị rớt, và rồi, những người trên đó được trỗi dậy để vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Cha ở đó để lắng nghe sự giận dữ, để trả lời những chất vấn và chỉ cho mọi người biết lý do tại sao.

Đó không phải là cùng tận, nhưng là để sống đời đời với Cha.

Trong chốc lát, họ được đi vào trong sự tồn tại vĩnh cửu.

Trong chốc lát, họ rời khỏi thế giới và mai này con cũng sẽ như vậy. Nhưng trên tất cả sự chốc lát đó, Cha giữ lời hứa của Cha: Cô bé sẽ nhảy múa, người phụ nữ sẽ ca hát và người phi công sẽ bay vút bằng đôi cánh của mình, mãi mãi!

Ký tên: THIÊN CHÚA[1]

* * *

Và, LỜI CẦU NGUYỆN 20 NĂM SAU….

Cha ơi, con đang đọc lá thư Cha gửi, mà dòng chữ đang bị nhoè, bị mờ rồi!

Đó là vì, nó đã được gửi đi không phải chỉ 20 năm trước, mà có lẽ, từ hơn 2000 năm trước, rồi!

Đó là vì, nước mắt con đang mặn môi, cổ họng con đang đắng chát!

Đó là vì, tận thâm sâu, con đang hoang mang lắm, đau đớn lắm, và tức giận lắm!

Lúc này đây, ngay giữa tâm dịch Covid-19, con cũng muốn cùng với mọi người trên thế giới, không trừ một ai, giận dỗi để hét lên rằng:

“Thiên Chúa ở đâu?"

Nhưng,
Cha ơi, qua bức thư của Cha,
con đã biết rằng:
Cha vẫn đang ở bên con
giữa cơn thử thách đau khổ hiện nay!

Cha ơi, con đã cảm nghiệm:
 
Những nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn, khi mà, có biết bao người, ra đi trong những bệnh viện dã chiến, mà người thân chẳng thể nhỏ được giọt lệ tiếc thương, chẳng thể nhìn được nét mặt phút cuối cùng, chẳng thể thắp được nén hương, chẳng thể chít vòng khăn tang… Sự cô đơn tuyệt vọng của người đi. Nỗi đau xé lòng của người ở lại…

Cha ơi, con đã tự trấn an mình rằng:
 
Trong cuộc chiến sinh - tử mong manh của phận người ấy, có lẽ, chỉ có niềm tin vào Cha mới là điểm tựa nương vững chắc. Vì dù sao, Cha đã dựng nên con người, chắc chắn Cha không để con người chết đi là hết, nhưng Cha chuẩn bị sẵn cho mỗi người một điểm đến, bên kia cánh cửa trần thế này, người trước, kẻ sau... ai cũng sẽ bước qua.

Cha ơi, con đã thầm thĩ rằng:
 
Giữa những tháng ngày đau thương này, con cầu xin Cha cho con luôn nhận ra bên trong của những trái vỏ gai chi chít, xấu xí, ghê tởm của tội ác, của khổ đau, của oán thù… vẫn là một hạt nhân thật ngon, thật quý mà Cha chuẩn bị cho những ai luôn đặt trọn niềm tín thác nơi Cha.

Cha ơi, con có ngây ngô để nghĩ rằng:
 
Đằng sau sự bất lực ấy của con người, phải có cái gì đó, hay đúng hơn, phải có Đấng nào đó, vượt lên trên tất cả. Vì có như thế, con mới dám tin rằng, phẩm giá của con người là thứ bất khả nhượng. Cho nên, dù có chết cách nào, dù thân xác giá lạnh có bị cuốn trong túi như một vật thể vô danh, thì giá trị của con người, như là hình ảnh của Đấng Tạo Thành, vẫn còn nguyên đó?

Cha ơi, con có khờ dại để an nhiên khi chứng kiến:
 
Những nỗi đau, những nỗi mất mát lớn đến độ:
- làm cho trí não con người chẳng thể nghĩ được gì khác nữa, vì sợ càng nghĩ, mình sẽ càng không thể hiểu;
- làm cho trái tim con người trở nên xơ cứng, chẳng còn chút cảm xúc nào nữa, vì sợ càng yếu mềm, thì lại càng đớn đau, quặn thắt;
Cho nên, ngay cả sự nâng đỡ về mặt tâm lý, tâm linh cũng chẳng thể xoa dịu được?

Và, Cha ơi, con có nên buông tay, để chỉ còn lại sự tin tưởng, phó thác, vì biết rằng:
 
Dù con thuyền nhân loại của chúng con đang tròng trành giữa đêm đen, biển rộng, sóng lớn thì Đức Giêsu, Con Chí Ái của Cha, cũng đang ở trên con thuyền này. Người đang ngủ. Và chỉ đang ngủ thôi, nên chắc chắn Người sẽ thức giấc?

Vâng, Cha ơi,
Chúng con cần Cha!
Chúng con cần nhau!
Chúng con cần cùng nhau cất lời:

Tạ ơn Cha, chúng con vẫn còn được thở hơi sự sống cho đến hôm nay, còn ngày mai như thế nào, chúng con chỉ xin phó thác trong tay Cha!

[1] Tác giả dịch từ “Letter From God”
 
(WGPSG)

 

CHÚA NÓI GÌ VỚI TA QUA CƠN ĐẠI DỊCH?

CHÚA NÓI GÌ VỚI TA QUA CƠN ĐẠI DỊCH?

Lm. Jos. Anh Tuấn
Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng

WHĐ (11.9.2021) - Hơn hai năm qua, cả thế giới phải đối diện với đại dịch Covid-19, với biết bao mất mát, đau khổ, chết chóc mỗi ngày một lan tràn khủng khiếp hơn vì có những biến chủng mới. Riêng tại Việt Nam, dịp tái phát lần này là khủng khiếp nhất. Worldometer ghi nhận Việt Nam: 576,096 ca nhiễm, 14,470 ca tử vong, 338,170 ca khỏi bệnh (cập nhật 10/9/2021).

Đứng trước thảm trạng này, có nhiều người thất vọng, trách móc và đổ lỗi cho nhau; có nhiều người than trách cả Chúa… Chúa đâu? Sao Ngài không ra tay? Ngài vẫn có đó! Im lặng! Trong thinh lặng của cầu nguyện chúng ta sẽ nghe được Chúa nói với chúng ta nhiều điều. Riêng tôi, đúng dịp Sài Gòn tròn 100 ngày giãn cách nghiêm ngặt (31/5-7/9), tôi ngồi ghi lại những điều Chúa muốn nói với chúng ta.

1. Chúa nói với tôi, Chúa nói với bạn

Chúa đang nói với tôi và với bạn nhiều điều.
  • Chúng ta đang sống quá vội vàng.
Quả vậy, cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay quá tất bật. Tất bật vì công việc. Tất bật vì học hành. Tất bật vì đi tìm địa vị… Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Cuộc sống quay cuồng đến nỗi chúng ta không có thời gian dành cho nhau, thậm chí những người thân yêu trong gia đình cũng chẳng mấy khi gặp nhau. Có những gia đình khi con thức dậy đi học thì bố đã đi làm; khi bố đi làm về thì con đã đi ngủ. Chúng ta đang biến mình thành cỗ máy; trong khi Chúa muốn chúng ta có làm việc và có nghỉ ngơi, giống như trong công cuộc tạo dựng vậy (x.St 2,2).

Thời gian dịch bệnh Chúa cho chúng ta được sống chậm lại. Tất cả phải chậm lại vì dịch bệnh, vì giãn cách xã hội.Trong thời gian này, các gia đình nhỏ được dành trọn thời gian cho nhau, chăm lo cho nhau từng miếng cơm, giấc ngủ, giờ học online. Thật hạnh phúc. Chúng ta phải tạ ơn Chúa.
  • Chúng ta đang quá kiêu căng và tự mãn.
Con người đang sống trong sự kiêu hãnh của mình vì những thành quả khoa học đạt được. Họ có thể lên đến mặt trăng và các ngôi sao mà! Con người nghĩ rằng mình có thể làm được mọi sự, thậm chí cả việc nhân bản sự sống, nên đâu cần đến chúa bà gì! Sự kiêu căng ấy của chúng ta chẳng khác gì sự tự mãn của dân Chúa khi người ta muốn xây cho mình một tháp Ba-ben chọc trời (x.St 11,1-9).

Khi dịch bệnh ập đến, Chúa nhắc chúng ta cần phải sống khiêm nhường hơn. Chúng ta phải biết mình là ai trong trật tự thế giới này. Vì thế, chúng ta vẫn phải cầu xin: “xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”, như chúng ta vẫn hát. Chứng kiến những người chết như rạ, chúng ta mới thấy thân phận con người thật mong manh. Quả đúng là bụi tro. Cứ nghĩ rằng mình làm được tất cả, nhưng rồi tất cả đều phải buông xuôi. Con người không thể làm chủ cuộc đời mình được. Trước mặt Chúa, chúng ta chỉ biết thốt lên lời Thánh Vịnh: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!” (Tv 131,1).
  • Chúng ta đang thích sống ảo.
Cuộc sống xã hội phát triển của thời công nghệ 4.0, chúng ta có quá nhiều phương tiện công nghệ. Cùng với mạng Internet toàn cầu, chúng ta dễ dàng gặp gỡ nhau trên màn hình với cả những người xa lạ trên khắp thế giới. Việc sống ảo đó mang lại nhiều niềm vui và những kết nối, nhưng nguy cơ của nó là con người đánh mất đi những tương quan thực của cuộc sống. Người ta sống ảo đến mức, ngay những người trong một gia đình cũng chẳng mấy khi gặp gỡ hàn huyên vì nghĩ rằng thăm hỏi nhau qua điện thoại là đủ rồi. Và người ta an phận trong việc sống ảo ấy.

Sống trong thời dịch bệnh, chúng ta mới cảm nghiệm được việc sống ảo không thể bằng sống thực. Thử hỏi những người tín hữu đang “xem lễ ảo” - lễ online - trên các phương tiện truyền thông họ cảm nhận thế nào? Ai cũng khao khát có một thánh lễ bình thường, được rước Mình Thánh Chúa thật, chứ không chỉ rước thiêng liêng! Phải giãn cách xã hội, chúng ta phải ở nhà và như vậy chúng ta bớt sống ảo với nhau hơn. Chúng ta cũng ước mong sớm được đến nhà thờ để được tham dự thánh lễ thật.

Như thế, qua cơn dịch bệnh này Chúa nhắc cho bạn và tôi biết sống chậm lại, bớt kiêu căng và bớt sống ảo hơn.

2. Chúa nói với mẹ Hội Thánh

Qua cơn đại dịch này, Chúa cũng nói nhiều điều với mẹ Hội Thánh chúng ta.
  • Chúa nhắc cho Hội Thánh cần phải củng cố đức tin.
Đức tin mà chúng ta tuyên xưng vào Chúa vừa mang tính cộng đoàn, vừa mang tính cá nhân. Tôi tin, chúng tôi tin vẫn là lời tuyên xưng của Hội Thánh và của từng người chúng ta. Chúng ta sống đức tin nhờ các cử hành được trao cho Hội Thánh. Nhưng đức tin ấy phải dẫn đến việc tôi tin, không chỉ dựa vào đức tin người của khác. Mẹ Hội Thánh vẫn luôn chăm lo, mọi lúc mọi nơi mọi thời, để đức tin của Hội Thánh được vững vàng và đức tin của từng người tín hữu được kiên vững trước mọi nỗi vui buồn của cuộc sống.

Chúng ta có đủ chiều sâu của đức tin để xác tín rằng Chúa vẫn đang ở bên và ở trong chúng ta khi Ngài vẫn để cho con người phải căng mình lên chống chọi với dịch bệnh không? Khi không còn lễ lạc rước sách, không còn tổ chức hội đoàn linh đình nữa, liệu chúng ta còn đủ tin vào Chúa là Đấng đầy quyền năng không? Khi phải ở nhà trong thời dịch bệnh, chúng ta càng cần xác tín hơn lời của thánh Phaolô nói với cộng đoàn Êphêsô: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; … để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết.” (Ep 3,17-19). Có như thế, chúng ta mới vững mạnh trong mọi hoàn cảnh được.
  • Chúa nhắc cho Hội Thánh cần phải gieo niềm hy vọng.
Cuộc sống phải có hy vọng thì mới đáng sống. Đời sống người tín hữu không chỉ sống hy vọng ở đời này mà còn có niềm hy vọng vĩnh cửu. Nhờ có hy vọng mà chúng ta vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta còn hy vọng được hưởng hạnh phúc đời đời bên Chúa.

Khi phải chống chọi với đại dịch, hơn bao giờ hết, người tín hữu càng cảm nghiệm được niềm hy vọng là cần thiết. Không bao giờ được phép để cho mình tuyệt vọng! Mẹ Hội Thánh có bổn phận gieo niềm hy vọng không ngừng. Trong bức thư, 31/8/2021, gửi cho TGP Sài Gòn, Đức Tổng Giuse Nguyên Năng đã gửi gắm thông điệp: “Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6, 18). Chúng ta sống niềm hy vọng vì Mẹ Hội Thánh luôn đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Niềm hy vọng ấy, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã trở nên chứng nhân sống.
  • Chúa nhắc cho Hội Thánh cần phải xây dựng tình hiệp thông.
Tình hiệp thông vốn là bản chất của Hội Thánh. Mối hiệp thông ấy được khơi nguồn từ mối hiệp thông sâu xa của Ba Ngôi Thiên Chúa, như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Đó là mối hiệp thông mang tính hữu cơ, đến nỗi “một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1Cr 12, 26), vì tất cả chúng ta là một thân thể trong Đức Kitô (x. 1Cr 12,13).

Trong thời đại dịch này, Hội Thánh càng bày tỏ tình hiệp thông ấy một cách sâu xa hơn. Chúng ta hiệp thông trong lời cầu nguyện, trong các cử hành phụng vụ. Hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nghiệm được: một thánh lễ, cho dù một linh mục dâng riêng, cũng luôn mang tính hiệp thông toàn cầu, cả cho người sống và người chết. Bên cạnh đó, Hội Thánh cũng chung tay góp sức với xã hội để mang lại niềm an ủi cho những ai đau khổ, mang lại ấm no cho nhưng ai đói khát. Các đấng bậc trong Hội Thánh đã kêu gọi mọi người cùng góp phần của mình để cứu giúp anh chị em của mình, bất kể lương giáo. Toà Thánh cũng chung tay với Việt Nam chúng ta 100.000 Euro. Tình hiệp thông ấy sẽ giúp anh chị em chúng ta sớm vượt qua cơn hoạn nạn này.

Qua đại dịch này, Chúa giúp chúng ta kiên vững hơn, hy vọng hơn và hiệp thông hơn.

3. Chúa nói với xã hội nhân loại

Chúa cũng đang nói với xã hội nhân loại nhiều điều trong thời dịch bệnh này.
  • Xã hội nhân loại đang cư xử với nhau bằng quyền lực.
Người ta dùng quyền hành theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, mạnh thì sống, yếu thì chết. Người ta sống ích kỷ, chỉ muốn thu vén cho cộng đồng của mình, cho nước của mình; đôi khi không ngại chà đạp lên người khác và nước khác. Biết bao tiền bạc chi cho quân sự để biểu dương lực lượng. Anh lớn nào cũng muốn làm “bá chủ thế giới”.

Chính trong quyền lực mạnh mẽ ấy thì cả thế giới dường như phải khuất phục trước con virus corona, gần như là vô hình! Nhớ lời Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, cách đây gần 2 năm, khi được phỏng vấn, ngài nói: “tôi thấy thật nực cười vì con người đang tỏ ra đầy quyền lực mà lại phải chịu khuất phục trước con virus bé nhỏ!”. Như thế, qua cơn đại dịch này Chúa nhắc cho xã hội nhân loại thấy được giới hạn của mình. Cuộc đời con người mong manh lắm, cần thương yêu theo tinh thần: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26).
  • Xã hội nhân loại chỉ thích đẩy lỗi cho nhau.
Thực ra, đây là vấn đề muôn thuở! Nó đã xuất hiện từ lúc tạo thiên lập địa rồi. Đó là tội nguyên tổ. Khi con người phạm tội, chẳng ai muốn nhận tội cả. Khi bị hỏi đến, Ađam đổ lỗi cho Evà; Evà đổ lỗi cho con rắn (x.St 3,12). Xã hội chúng ta đang sống cũng vậy. Chúng ta thích đổ thừa cho nhau mà không nhận lỗi về mình. Có người nói: dịch bệnh xảy ra là do nước này, do nước kia; do tội lỗi của người này người khác nên bị Chúa phạt! Thực ra Chúa chẳng phạt theo cách mà con người hay cư xử với nhau đâu. Bởi, nếu Chúa chấp tội thì làm gì ai được cứu rỗi (x.Tv 130,3).

Chính vì thế, thời gian dịch bệnh này xã hội nhân loại được nhắc nhở phải sám hối. Chúng ta sám hối vì mình chưa nhìn nhận đủ thân phận thụ tạo của mình. Chúng ta sám hối vì mình còn những hành xử thiếu yêu thương. Chúng ta sám hối vì chúng ta đang làm đảo lộn trật tự thế giới, khi không bảo vệ vũ trụ này cho đúng ý của Đấng Tạo Hoá. Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc cả thế giới qua thông điệp Laudato Si’: chúng ta phải biết “chăm sóc ngôi nhà chung” của chúng ta.
  • Xã hội nhân loại đang sống thiếu công bằng xã hội.
Mọi sự được ban: trên rừng hay dưới biển, trên mặt đất hay dưới vực sâu… đều được dành cho tất cả mọi người. Thế nhưng, trên thực tế, một số ít người lại nắm trong tay tất cả những tài nguyên Chúa ban. Người nghèo vẫn mãi đói nghèo và khổ đau vì bị “ăn chặn” bởi anh chị em của mình, những người có khả năng và có nhiều phương tiện khai thác hơn. Hơn nữa, cuộc sống còn đầy những bất công qua việc tham nhũng, vơ vét của công làm của riêng. Đây là điều mà các thông điệp về xã hội của Giáo Hội thường nhắc đi nhắc lại để cảnh báo xã hội.

Đối diện với dịch bệnh khủng khiếp, ai ai cũng đang vất vả chống dịch, không màng chi đến bản thân nữa, không lo tích trữ nữa và chắc chắn cũng bớt bất công đi. Quả vậy, từ các cấp chính quyền đến từng người dân đều tập trung dập dịch; nhất là các y bác sĩ, y tá, các tình nguyện viên, trong đó có các linh mục và tu sĩ chẳng có mấy chuyên môn, đang căng mình ở tuyến đầu. Họ phải làm việc 200-300% sức lực để cứu lấy sự sống cho anh chị em mình. Công bằng xã hội cũng được thực hiện một cách ráo riết khi các gói cứu trợ từ chính quyền đến các tôn giáo và các mạnh thường quân được trao đến tay những người nghèo. Tạ ơn Chúa về những tấm lòng, mà có lẽ chỉ thời dịch bệnh này mới có.

Như vậy, đợt dịch bệnh kéo dài này tuy gây nhiều mất mát đau thương, nhưng lại là cơ hội để con người nhìn nhận thân phận của mình mà sám hối và có những hành xử yêu thương và công bằng hơn!

Lời Chúa nói với chúng ta: “mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Vì thế, đợt dịch bệnh xảy ra cũng nên kinh nghiệm hữu ích cho chúng ta. Chúa dành thời gian để từng người chúng ta phải sống chậm lại, khiêm nhường hơn và sống thực tế hơn. Chúa cũng nhắc nhở Mẹ Hội Thánh phải không ngừng củng cố đức tin để người tín hữu không chao đảo trước mọi biến cố. Hội Thánh cũng phải gieo niềm hy vọng và xây dựng tình hiệp thông mạnh mẽ hơn nữa. Thời gian phải căng mình chống dịch, cũng là lúc Chúa nói với xã hội nhân loại phải biết mình là ai: là thụ tạo chứ không phải là chúa tể. Xã hội nhân loại cũng phải biết sám hối về những sai sót và lỗi lầm của mình, đồng thời phải cư xử công bằng với nhau giữa cuộc sống này. Hy vọng, những tấm lòng chúng ta thể hiện lúc dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài để những hận thù ghen ghét được phủ lấp bởi tình yêu thương; đau khổ được phủ lấp bằng những hy sinh, bất công được phủ lấp bởi lòng quảng đại.
 
(WHĐ)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 8, 27-35)


 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN HẠT MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 11.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 11.9.2021


Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC CHO F0 TẠI NHÀ - ThS. BS NGUYỄN THÙY VÂN THẢO

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 23 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Bảy, ngày 11.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

THIỆN NGUYỆN VIÊN XIN VÂNG NHƯ MẸ

THIỆN NGUYỆN VIÊN XIN VÂNG NHƯ MẸ

TGPSG -- Giáo Hội Công Giáo Tây Phương mừng lễ Sinh nhật Mẹ Maria vào ngày 08 tháng 9 - một ngày đem niềm vui đến cho toàn thế giới. Mẹ chào đời để thưa “xin vâng“ với Chúa mà cưu mang Đức Giêsu, Đấng cứu độ toàn thể nhân trần.

Cũng chính vào ngày 08.9.2021 hôm nay, tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn, có 109 tu sĩ thiện nguyện đã thưa “xin vâng” để lên đường phục vụ tại tuyến đầu. Trong số này, có 89 tu sĩ phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) và 20 tu sĩ phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 (trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận 7).

Nữ tu Maria Đinh Thị Dạ Thảo - Dòng Chúa Quan Phòng La Pommeraye - đã chia sẻ tâm tình ngày đầu lên đường:

“A lô! các tu sĩ chuẩn bị hành trang, sáng mai lên đường!” - Nữ tu bên Văn phòng Tu sĩ đã thông báo thật ngắn gọn, cũng thật là gấp rút: Chuẩn bị hành trang ngay trong buổi tối để sáng hôm sau đã lên đường phục vụ.

Điều này làm tôi nhớ đến Đức Maria - khi nghe tin chị họ của mình là bà Elisabeth có thai - đã vội vã lên đường, không chỉ thăm viếng mà còn chăm sóc cho chị mình. Tôi cũng nhớ đến một câu trong luật sống của Dòng Chúa Quan Phòng - "Lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe tiếng anh em" - để vội vã ra đi phục vụ Chúa qua anh chị em đang cần đến mình nhiều nhất.

Uỷ ban nhân dân quận 7 đã chọn ngày làm lễ ra quân cho đoàn tình nguyện viên tu sĩ chúng tôi trùng hợp vào ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn nữa.

“Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”, tôi sẽ chia sẻ ‘niềm vui có Chúa ở cùng’ đến với những anh chị em mà Chúa đang mời gọi tôi đến. Xin Mẹ đồng hành che chở chúng con trong suốt hành trình phục vụ. Amen.

Nhớ lại ngày tôi lên đường vào đợt 1, lúc đó chưa ai hình dung ra cảnh phục vụ nơi bệnh viện dã chiến sẽ như thế nào. Chúng tôi đã ra đi với một niềm tín thác xin vâng như Mẹ.

Hôm nay lại lên đường, tôi được xếp vào danh sách ‘cựu thiện nguyện viên’. Lòng tôi vẫn còn nằm nơi tôi đã từng phục vụ trong đợt 1 - nơi có bao kỉ niệm của sự sống và cái chết, nơi tình yêu thương của Thiên Chúa hiện diện qua những anh chị em tu sĩ thiện nguyện, qua các y bác sĩ hết mình cứu chữa bệnh nhân.…

Xin chúc cho tất cả anh chị em thiện nguyện đợt này được bình an. Nhớ luôn ý thức giữ mình tránh khỏi bị lây nhiễm!

Lạy Chúa, xin Chúa chữa lành, xoá tan đau khổ của nhân loại chúng con. Xin giữ gìn các anh chị em thiện nguyện của chúng con. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen.

M.Thảo, SPP (TGPSG
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 10.9.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 10.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon