Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

HỒNG Y ĐOÀN CHO RẰNG VIỆC CHUẨN BỊ ĐÃ ĐẦY ĐỦ

Sau năm ngày họp khoáng đại

Rome, 10 tháng 3, 2013 (Le Monde vu de Rome)

Mật nghị sẽ khởi sự ngày thứ ba 12 tháng 3 và sẽ chỉ kéo dài từ ba đến bốn ngày, tối đa, nếu người ta tin theo các mật nghị trong các thế kỷ trước, và sự kiện hồng y đoàn đã cho rằng họ “sẵn sàng” bỏ phiếu, sau năm ngày họp khoáng đại

Linh mục Federico Lombardi, Dòng Tên, giám đốc văn phòng truyền thông Tòa Thánh đã họp báo ngày thứ bẩy lúc 13 giờ trong buổi họp hàng ngày với giới truyền thông, khoảng 600 phóng viên thường trực và 5.000 người tạm thời.

Các hồng y thực sự đã đồng ý vào buổi chiều ngày thứ sáu, 8 tháng 3 về ngày khởi sự mật nghị: hồng y đoàn đã cảm thấy “chín mùi” và coi “việc chuẩn bị đã đầy đủ”, theo cha Lombardi.

Cha tiếp: Hồng y đoàn đã có nhiều lập trường và sự tinh tế khác nhau”, nhưng trong các buổi họp khoáng đại, các cuộc gặp gỡ và lắng nghe (với trên 100 lần phát biểu), và đối thoại với nhau”, họ đã đạt được quyết định này.

Phát ngôn viên Tòa Thánh cho hay: Một quyết định cũng đạt tới sau khi tất cả 115 cử trị có mặt, và đều tỏ ý “mong muốn ấn định tức khắc ngày khởi sự mật nghị”: họ đã đạt được sự đồng ý với đa số 10 trên một.

Đó là chiều ngày thứ năm của các buổi họp và là buổi họp khoáng đại thứ 9, với buổi họp khoáng đại thứ 10 dự trù cho sáng ngày thứ hai, 12 tháng 3, khi có các hồng y khác cũng muốn phát biểu.

Sáng thứ bẩy, các hồng y đã quyết định di chuyển buổi họp này sang Sảnh Đường Thánh Martha vào ngày thứ ba, bắt đầu lúc 7 giờ sáng, trước Thánh Lễ “để bầu tân Giáo Hoàng”, Thánh Lễ này sẽ do Hồng Y Angelo Sodano, trưởng đoàn hồng y chủ tế lúc 10 giờ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Còn về mât nghị, sẽ không do trưởng đoàn hồng y Sodano (86 tuổi vào tháng 11 tới), và cũng không do phó trưởng đoàn hồng y Roger Etchegaray (91 tuổi vào tháng 9 sắp tới) chủ toạ. Hai vị này sẽ không tham gia trong việc bầu cử, và dành việc chủ tọạ cho hồng y thâm niên nhất trong số các cử tri là hồng y Giovanni Battista Re (79 tuổi vào tháng 1 vừa qua).

Thư ký của mật nghị là Đức Ông Lorenzo Baldisseri sẽ rút lui, cùng với những vị phụ trách về nghi lễ vào lúc bầu phiếu.

Thực vậy, Trưởng Ban Nghi Lễ Phụng Vụ Tòa Thánh, Đức Ông Guido Marini, và các vị phụ tá cho các hồng y trong các nghi thức phụng vụ hàng ngày và phân phát các bản tin sẽ không có mặt vào lúc bỏ phiếu.

Chúa nhật hôm nay, đa số các hồng y dâng Thánh Lễ tại các nhà thờ khác nhau tại Rôma: hồng y André Vingt-Trois đã chủ tế Thánh lễ tại nhà thờ Saint-Louis des Français.

Ngày thứ ba 12 tháng 3, 2013, ngày đầu tiên của mật nghị, nhà thờ Thánh Louis tại Rôma sẽ tổ chức một đêm canh thức và chầu Thánh Thể lúc 8:30 tối để “cầu nguyện cho các hồng y và toàn thể Giáo Hội”.

Bùi Hữu Thư
(VietCatholic News) 

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

MỘT DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI

Cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? (Lc. 12,56)

Lời của Chúa Giêsu trên đây làm tôi phải suy nghĩ về những biến cố vừa xảy ra trong Giáo Hội. Có lẽ những người Công Giáo Việt Nam không quên ngày Mùng 2 Tết cổ truyền (nhằm ngày 11.02.2013) vừa rồi.

Hôm đó tôi không có thời giờ đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông. Đến tối hôm đó, tôi nhận được tin nhắn từ một bạn trẻ trên mạng xã hội, bạn trẻ đó cho hay: Cha ơi! Cha có biết tin tức gì của Giáo Hội chưa? Tôi không tin vào những chữ trên tin nhắn đó! Rồi sau đó, tôi kiểm tra thông tin trên các phương tiện khác thì quả thật tôi bất ngờ, rồi ngỡ ngàng và dường như không thể tin vào sự thật ấy. Trước biến cố này, Đức Cha GB. Bùi Tuần nhận ra rằng: đây là sứ điệp mà Đức Thánh Cha gởi cho chúng ta trong Năm Đức Tin. Còn tôi, tôi không nhìn xa trông rộng như Ngài. Tôi chỉ nói với anh chị em của mình: Không phải vô cớ mà Đức Thánh Cha công bố điều này trước khi chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh hai ngày. Đây là sứ điệp của Mùa Chay. Đức Thánh Cha muốn mời gọi chúng ta từ bỏ những gì không mang lại lợi ích cho mọi người để trở về với Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện.

Vâng, với con mắt đức tin, chúng ta nhận ra những điều tích cực như thế. Thế còn những anh chị em khác, họ nhìn sự việc này như thế nào? Có lẽ ồn ào theo kiểu thế gian đã làm chúng ta rối rắm rất nhiều trong những thông tin thất thiệt đó. Trên các phương tiện truyền thông, người ta vẽ rồng, vẽ rắn, người ta đăng tải những tài liệu mà không biết tự đâu ra. Ôi thôi đủ thứ! Những tài liệu dạng đó cũng đầy trong hòm thư email của tôi. Thật là lạ đời!

Nhưng rồi mọi thứ đâu cũng vào đó. Chỉ có sự thật mới có cơ hội tồn tại, còn những điều giả dối, xảo trá thì không thể tồn tại, nó chết rất nhanh và đến hôm nay không còn thấy bóng dáng trên mạng xã hội này.

Sau những nhiểu động đó, bình tỉnh hơn chúng ta nhìn nhận lại vấn đề. Quả thật, bàn tay quan phòng của Chúa thật kỳ diệu. Có lẽ không phải tôi mà rất nhiều người và kể cả các nhà lãnh đạo các quốc gia, các nhà lãnh đạo Tôn Giáo nói chung và đăc biệt các thành phần Dân Chúa nhận ra rằng: Việc làm của Đức Thánh Cha là việc làm của sự khiêm nhường, can đảm, việc làm của niềm tin và của yêu thương. Ngài muốn vì lợi ích cho Nước Chúa, cho Giáo Hội và cho anh chị em trong Giáo Hội. Thật là một bài học qúy báu cho chúng ta hôm nay, trong thời đại này!

Qua tiếp xúc, gặp gỡ các bạn trẻ trên mạng xã hội Facebook. Tôi thấy rõ điều này: Niềm tin, lòng yêu mến được các bạn trẻ vào Chúa, vào Giáo Hội và vào Vị Cha Chung trong Giáo Hội được quan tâm không lúc nào bằng lúc này. Các bạn còn kêu gọi đổi hình đại diện trên trang của mình bằng hình Đức Thánh Cha để cầu nguyện cho Ngài. Người khác khuyến khích để cờ Tòa Thánh, họ tẩy chay những thông tin từ trên trời rơi xuống và nếu ngoan cố, họ sẵn sàng không cho những người đó hiện hiện trên các trên trang của họ hay qua những comment… Những hình ảnh về Đức Thánh Cha và những thông tin về Giáo Hội luôn được các bạn cập nhật và chia sẻ liên tục. Những ngày đó, chúng ta không thấy những trò giải trí trên các trang của các bạn trẻ mà thay vào đó là hình ảnh của Đức Thánh Cha Benedict XVI và những thông tin liên quan đến Ngài. Từ đó, chúng ta nhận thấy một tín hiệu rất mừng nơi những người trẻ. Họ không thờ ơ, không dửng dưng…, nhưng họ vẫn quan tâm và hướng về Chúa và Giáo Hội thật nhiều. Đó là những dấu hiệu tích cực mà Chúa làm qua Đức Thánh Cha Benedict cho mọi người trong thời đại này.

Chúng ta phải nhận ra dấu chỉ mà Chúa gởi cho chúng ta qua từng biến cố của đời mình hay biến cố của Giáo Hội. Nhận ra dấu chỉ đó để chúng ta tin rằng: Thiên Chúa có thể dùng mọi cách để đổi mới và làm cho con người thêm vững tin vào quyền năng và sự quan phòng của Ngài. Con cảm ơn Đức Thánh Cha đã gởi đến cho con và anh chị em của chúng con một sứ điệp, một dấu chỉ và một lời mời gọi trở về. Trở về với Chúa, trở về với Giáo Hội, trở về với niềm tin và lòng mến để chúng con gắn bó với Chúa và với Giáo Hội của Ngài.

Chúng ta cũng đang ở trong những ngày canh thức chờ đợi Tân Giáo Hoàng. Ngài tiếp tục hướng dẫn con thuyền Giáo Hội của Chúa. Chúng ta hãy xác tín lời Đức Thánh Cha Benedict nói với mọi người: “Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa”, Chúa sẽ ban cho Giáo Hội của Ngài một Vị Cha Chung tốt lành để dẫn dắt chúng ta trên hành trình tiến về quê trời. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội, cho Hồng Y Đoàn trong những ngày Cơ Mật Viện sắp tới. Chúng ta hãy phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa. Lời Chúa trong Thánh Vịnh 37 nhắc chúng ta điều đó:

“Hãy ký thác đường đời cho CHÚA,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.
 
Lm. Giacôbê Nguyễn Thanh Bình
(VietCatholic News) 

CƠ HỘI CÓ MỘT GIÁO HOÀNG NGƯỜI Ý VÀ TRƯỜNG HỢP ĐỨC HỒNG Y ANGELO SCOLA CỦA MILAN

Cơ hội Giáo Hoàng người Ý

Sau 35 năm chờ đợi, mọi người Ý đều khao khát sẽ có một giáo hoàng 'đồng hương' để nối lại cái truyền thống đã kéo dài tới 450 năm là tất cả các giáo hoàng đều là người Ý.

Có người vẫn nhìn tiếc nuối về triều đại 'người Ý' cuối cùng: GH John Paul I, tuy chỉ có 33 ngày thôi và chưa có dịp tạo ra một ảnh hưởng trên giáo sử. Nhưng người ta còn nhắc tới nụ cười kín đáo của vị GH nhân hậu, và "Ngài phải là một thiên tài, chả thế mà ngài đã sáng chế ra một tước hiệu có tới hai tên, một sự đầu tiên sau 2000 năm lịch sử?"

Dựa vào con số hồng y áp đảo cuả Ý, có tới 28 HY tức là chiếm tới 1/4 hồng y đoàn, nhiều vị được thăng chức trong 'trào quốc vụ khanh' HY Tarcisio Bertone, một số báo chí Ý đã phóng đại: "Trận đấu sẽ diễn ra giữa các hồng y Ý và những người khác," Marco Ansaldo, phóng viên báo La Repubblica viết. "Rất nhiều tín hữu đang mong đợi sự trở lại của vị giáo hoàng người Ý".

Có một số d kiện khác cũng làm hậu thuẫn cho kỳ vọng đó ví dụ như trong lúc trống ngôi hiện nay thì những chức vụ quan trọng cuả Giáo Triều hầu như do người Ý chiếm giữ. HY Tarcisio Bertone hiện là nhiếp chính cuả Tòa Thánh. Các 'đồng hương' khác thì điều khiển các buổi họp hồng y đoàn diễn ra trước cuộc Mật Nghị, và rõ ràng sẽ điều khiển Mật Nghị.

Nhưng khao khát có khi không kèm theo hy vọng. Mà về điểm này thì nhiều người Ý có óc thực tế nghĩ rằng thật là khó.

Nắm giữ những vị trí 'nổi' là một con dao hai lưỡi. Một số nhân vật cao cấp Ý đã phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn và lúng túng, ví dụ như những nhận xét không nhạy cảm trước hàng ngàn phóng viên thế giới và các vụ rò rỉ văn kiện cuả giáo hoàng. Những việc ấy hé lộ ra một cuộc đấu tranh quyền lực giữa những người Ý với nhau tại Vatican.

Tuy nhóm hồng y người Ý lúc nào cũng là nhóm đông nhất, nhưng qua hai cuộc Mật Nghị trước họ đã không thống nhất lá phiếu và vì thế mà các ứng viên cuả Ý đã mất cơ hội. Kỳ này cũng thế, theo các thăm dò thì HY Ý hầu như không chú ý tới 'đồng hương' cho lắm!

Thêm vào đó giới truyền thông đang loan truyền nhiều ứng viên sáng giá ở bên ngoài châu Âu, như từ Canada, Ghana, Argentina và Brazil.

Cho nên cái hy vọng của người Ý khôi phục lại được sự 'vinh quang một thời' của mình có vẻ khó thực hiện. Trung tâm quyền lực đã di chuyển, có lẽ vĩnh viễn, ra khỏi châu Âu.

Dù thế vẫn còn chút hy vọng, theo ông Gianfranco Svidercoschi, một trong những quan sát viên Vatican nổi bật nhất, thì có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có "chút ít nguy cơ là cuộc Mât Nghị kỳ này sẽ trở thành 'nan giải' giữa hai ứng viên người nước ngoài".

"Một tình huống tương tự (nhưng đảo ngược) đã xảy ra trong cuộc họp bầu Giáo hoàng năm 1978, khi hai ứng cử viên người Ý đã 'bất phân thắng bại' và ngôi sao Wojtyla sáng rực lên. Kỳ này, có thể các ứng viên ('bất phân thắng bại') là người nước ngoài và ngôi sao mới sẽ là một người Ý".

Nhắc lại cuộc bầu Giáo hoàng năm 1978, hai ứng viên chính là Đức Hồng Y Giuseppe Siri và Đức Hồng Y Giovanni Benelli. HY Siri được hỗ trợ bởi những người nghĩ rằng Công Đồng Vatican II đang bị hiểu sai, trong khi những người đồng ý với cách thực thi cuả Công Đồng đã ủng hộ HY Benelli.

Cả hai nhóm không đủ mạnh để đạt được tỷ số 2/3 cần thiết. Vì vậy, để phá vỡ bế tắc, Hồng Y Franz Koenig đã đưa ra tên của Đức Hồng Y Karol Wojtyla.

Vậy thì, lịch sử sẽ có thể lặp lại tại 'Mật Viện 2013' này. Giống như một việc xả dây thiều cho mọi sự trở về nguyên trạng, ông Svidercoschi nghĩ rằng một người Ý sẽ nổi lên như một ứng viên thỏa hiệp. (Xin xem note *)

Những ngôi sao Ý quốc

Có ít nhất ba HY Ý được coi là có nhiều khả năng làm giáo hoàng. Trước nhất là HY Angelo Scola, 71 tuổi, tổng giám mục nhiều uy tín, mãnh liệt và trí tuệ của Milan.

Những HY khác là HY Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genoa, nói nhiều thứ tiếng và HY Gianfranco Ravasi, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Giáo Dục, có tài giao tiếp, viết blog, tweet.

Đó là chưa kể các HY có gốc Ý như HY Leonardo Sandri của Argentina.

Thật là một bất công nếu không bàn về các HY thánh thiện và có nhiều năng lực cuả Ý quốc, nhưng chúng ta sẽ bàn về HY Angelo Scola mà thôi, vì cuộc Mật Nghị sắp bắt đầu và thay vì bàn tán viễn vông, chúng ta nên chú tâm vào việc cầu nguyện để xin Chuá Thánh Thần hướng dẫn các HY trong cuộc Mật Nghị thì hơn.

Thân thế sự nghiệp ĐHY Angelo Scola

HY Scola sinh năm 1941 ở Malgrate, Milan, cha là một tài xế xe vận tải trong một gia đình có 2 con trai, nhưng người anh cuả ngài đã mất năm 1983.

Thích hoạt động ngay khi còn học trung học, ngài tham gia phong trào học sinh Gioventù Studentesca, và trong thời sinh viện, làm chủ tịch đoàn sinh viên Công Giáo Tiến Hành Milan Universitaria Federazione Cattolica Italiana.

Học triết tại Đại học Công giáo Thánh Tâm từ 1964 đến 1967, lấy tiến sĩ với luận án về 'triết học Kitô giáo.'

Sau một thời gian dạy trung học, HY Scola quyết định trở thành linh mục và nhập chủng viện Archiepiscopal ở Milan rồi chuyển sang chủng viện của Giáo phận Teramo-Atri.

Thụ phong linh mục năm 1970. Trong thời gian làm linh mục, cũng như ĐTC Benedicto, 'Cha' Scola xây dựng sự nghiệp mục vụ trong giới hàn lâm.

Ngài lấy văn bằng tiến sĩ thứ hai về thần học ở Đại học Fribourg ở Thụy Sĩ, với luận án thảo luận về tư tưởng của Thánh Thomas Aquinas. Trong thời gian này, ngài cộng tác với tạp chí Communio do Henri de Lubac, Hans Urs von Balthasar, và Joseph Ratzinger thành lập (HY Ratzinger sau này trở thành Giáo Hoàng Benedict XVI).

Năm 1982, được bổ nhiệm làm Giáo sư 'thần học áp dụng cho nhân văn' tại 'Viện nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình cuả Giáo hoàng John Paul II' ở Roma và làm giáo sư 'Kitô học đương đại' tại Giáo hoàng học viện Lateran.

Ngài thành lập Marcianum Studium Generale, một ban nghiên cứu học thuật, và tạp chí Oasis, xuất bản bằng tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập và tiếng Urdu để tiếp cận các Kitô hữu trong thế giới Hồi giáo.

Từ 1986 đến 1991 'Cha' Scola phục vụ tại Giáo triều Rôma, làm cố vấn cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Tại các nơi ngài dạy học, ngài luôn thúc đẩy việc thành lập những học bổng cho sinh viên nước ngoài, đặc biệt là từ các nước nghèo, để nghiên cứu ở Ý.

'Cha' Scola được thụ phong Giám mục của Grosseto năm 1991.

Các mối quan tâm mục vụ chính cuả ngài ở Grosseto là giáo dục trẻ em và thanh niên, thúc đẩy ơn gọi và đào tạo hàng giáo sĩ (ngài mở cửa lại chủng viện cuả giáo phận), phương pháp sinh hoạt mới cuả giáo xứ, chăm sóc mục vụ cho người lao động (đặc biệt là trong các giai đoạn khó khăn khi các hầm mỏ ở Grosseto đóng cửa), văn hóa và gia đình, và truyền đạo ở Santa Cruz, Bolivia.

Năm 1995 'GM' Scola rời Grosseto để trở thành khoa trưởng Giáo hoàng học viện Lateran ở Rome và viện trưởng 'Viện nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình cuả Giáo hoàng John Paul II' tại Rome, thỉnh thoảng ngài qua Hoa Kỳ làm giáo sư thỉnh giảng cho các đại học ở Washington, DC.

Năm 2002 'GM' Scola được bổ nhiệm làm Thượng Phụ thành Venice, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục của khu vực Triveneta và được thăng Hồng Y năm 2003.

Tại Venice, HY Scola trở thành nổi tiếng vì sự cởi mở và quan tâm mục vụ. Ngài dành mỗi buổi sáng thứ tư để gặp bất cứ ai, dù có hẹn hay không.

Sau khi Giáo hoàng John Paul II qua đời năm 2005, HY Scola đã từng được coi như là một 'ứng viên' trong Mật Nghị 2005. Có người xem ngài là người duy nhất có thể đảo ngược sự phân rã của nền văn hóa châu Âu.

Năm 2011, ngài được bổ nhiệm thay thế Đức Hồng Y Dionigi Tettamanzi làm Tổng Giám Mục Milan.

Liên hệ với phong trào 'Hiệp Thông và Giải Phóng'

Trong những năm là sinh viên, HY Scola đã gặp một vị LM Ý nổi tiếng, Cha Luigi Giussani, và trở thành một đoàn viên của phong trào 'Hiệp Thông và Giải Phóng.' Gần đây, HY Scola đã cố gắng đặt một khoảng cách với các 'ciellini,' tức là các đoàn viên cuả phong trào 'trung hữu' này, là vì có một số chính trị gia hàng đầu của phong trào đã bị dính líu vào các vụ bê bối tham nhũng.

Tuy nhiên, trong chính giới cuả Giáo Hội Ý, HY Scola vẫn bị liên kết vào phong trào, điều này có thể là tốt và cũng có thể là xấu, bởi vì có một số người rất thán phục 'Hiệp Thông và Giải Phóng,' còn những người chống thì không nhiều. Sự liên kết cuả HY Scola với phong trào một lần nữa được phát lộ ra trong bối cảnh Vatileaks, trong đó người ta đã tìm thấy nhiều thư cuả vị 'chủ tịch phong trào' gửi cho Đức Giáo Hoàng Benedict XVI vào tháng 3 năm 2011. Thư viết rằng 2 vị tổng giám mục trước cuả Milan đã có một lập trường không phù hợp với một số khía cạnh giáo huấn của Giáo Hội và đề nghị HY Scola là ứng viên tốt nhất để thay thế.

Alberto Laggia, phóng viên cuả tuần báo Famiglia Cristiana, cho biết "mặc dù HY Scola đã luôn luôn bị gắn liền với Hiệp Thông và Giải Phóng, ngài đã không bao giờ thể hiện bất kỳ xu hướng thiên vị đối với họ. Một thời gian ngắn sau khi ngài được bổ nhiệm đến Milan, ngài được hỏi về mối quan hệ với Roberto Formigoni, chủ tịch của phong trào vùng Lombardy, đã bị buộc tội tham nhũng. Đức Hồng Y Scola nói ngài chỉ gặp anh ta mỗi năm một lần để trao đổi lời chúc Giáng sinh."

Nhân cách bình dân

Cũng theo Alberto Laggia, "Hồng Y Scola quả là một nhà văn hoá, nhân học và thần học ấn tượng ", kể lại quãng thời gian ở Venice, Laggia viết "Khi ngài đến thành phố, ngài lập tức tới thăm xã giao thị trưởng Massimo Cacciari, một người vô thần và là một nhà triết học Ý thuộc loại nổi tiếng nhất. Họ đã hẹn nhau nhiều cuộc gặp mặt khác để đặt những câu hỏi cho nhau và Cacciari chắc chắn là rất thích Đức Hồng y, mặc dù ông ta không chia sẻ đức tin của ngài."

Alberto Laggia cũng cho biết Hồng Y Scola thích đối thoại và không bao giờ sợ đám đông. Ngài sẵn sàng dừng lại và nói chuyện với bất cứ ai. "Bạn sẽ nghĩ rằng một trí tuệ to lớn như thế thì không dễ dàng với các con trẻ, nhưng HY Scola không phải như thế," Laggia nói. "Khi ngài đến thăm trường tiểu học của các con tôi ở Venice, ngài đã nói chuyện thật lâu với chúng và được chúng rất 'khoái' vì ngài cũng thích bàn về bóng đá và đội banh Milan."

Về Gia đình và cách mạng tình dục

Tại Hội nghị gia đình Thế giới lần thứ bảy ở Milan, HY Scola cho biết ngài không thích cụm từ mà người ta thường dùng là "cuộc khủng hoảng gia đình". Ngài nói: "Vẫn còn nhiều hấp lực với cuộc sống gia đình. Không có gì bị mất cả. Chúng ta chỉ đang sống qua một giai đoạn lựa chọn lớn", ngài bác bỏ luận cứ cho rằng không còn có tương lai cho sự hợp nhất lâu dài giữa người đàn ông và người đàn bà để mở đường cho những đứa con. Theo ngài, con người trong thế kỷ 21, trước sự xâm lăng của internet, bước tiến của tâm lý học và kỹ thuật, và sự pha trộn các nền văn hóa, đang phải đối diện với một canh bài, nghĩa là phải lựa chọn giữa 2 thái cực là: có muốn một mối quan hệ với tha nhân hoặc tự cho mình là trung tâm.

Ngài giải thích, theo số liệu mới nhất của viện nghiên cứu các giá trị châu Âu, thì gia đình vẫn là một giá trị đối với 84% người Âu, đặt lên trên các giá trị cuả công việc, gia đình, tôn giáo, tình bạn và chính trị. Vậy thì, theo Hồng Y Scola, vấn đề không phải là đàn ông và phụ nữ ngày nay không coi gia đình là quan trọng, cho bằng họ không biết phải làm thế nào để bảo tồn chúng.

Đức Hồng y cho rằng cuộc cách mạng tình dục, mà giới nữ được gán ghép cho những vai trò khác xưa, đã tạo ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa vợ chồng và họ cần có những suy nghĩ khác để tìm ra một lối thoát. "Chỉ mãi tới bây giờ," ngài nói, "một số phong trào nữ quyền mới bắt đầu thấy bó tay vì các vấn đề nan giải bởi vì họ không công nhận 'sự khác biệt tình dục'."

Vậy thì giải pháp thoả đáng cuả giáo hội cho vấn đề gia đình sẽ phải chờ đợi bao lâu mới thực hiện được? Ngài không hy vọng là sẽ mau chóng, ngài nói tiếp "phải mất một thời gian dài, có thể hàng trăm năm trong tương lai, thì mới có hy vọng tìm ra một sự đền bù cho những mất mát cuả nhân loại kể từ đầu thiên niên kỷ này. "

Các lý do hậu thuẫn.

Theo John Allen Jr. có 4 lý do thuận và 4 lý do nghịch cho trường hợp cuả HY Scola

Về những lý do thuận, đầu tiên, ngài là một ' Ratzinger' thứ hai nhưng bình dân hơn. Ngài thoải mái với các phương tiện truyền thông, có những 'tuyên bố bộc phát' (off-the cuff) được đón nhận nồng nhiệt, hơn cả những bài phát biểu được soạn sẵn. Văn của ngài đôi khi dày đặc, nhưng những 'ứng đáp' thì như là một liều thuốc bổ có sự hài hước tốt.

Thứ hai, là một người Ý, ngài biết rõ giáo dân và chính trị ở Vatican. Nếu việc kiểm soát Giáo Triều Rôma là ưu tiên cuả các hồng y, thì ngài có một ưu điểm rõ ràng.

Thứ ba, HY Scola có kinh nghiệm mục vụ thành công ở hai tổng giáo phận Venice và Milan.

Thứ tư, HY Scola đã phát động dự án "Oasis" vào năm 2004 để hổ trợ các Kitô hữu ở Trung Đông, nó đã phát triển để trở thành nền tảng cho việc đối thoại với thế giới Hồi giáo. Trong khi mối quan hệ với Hồi giáo được coi là một thách thức lớn cho vị Giáo hoàng mới, HY Scola rõ ràng có một lợi thế.

Các lý do nghịch.

Đầu tiên, là một người Ý, ngài trở thành nạn nhân cuả sự cạnh tranh kiểu bộ lạc cuả giáo hội Ý. Nhiều HY Ý vẫn giữ một sự cảnh giác với phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng vì thấy nó quá mạnh, và sẽ miễn cưỡng bỏ phiếu cho một "ciellino" (hội viên cuả phong trào).

Thứ hai, vì HY Scola là một 'Ratzinger' thứ hai, có người tin rằng vị Giáo hoàng mới nên khác đi, hoặc ít nhất là có những ưu tiên khác.

Thứ ba, một số hồng y tin rằng giải pháp cho vấn đề quản lý của Vatican là phải phá vỡ sự kềm kẹp cuả nền văn hoá Ý để giáo hội có sự toàn cầu hoá.

Thứ tư, HY Scola đã ở trong ánh sáng sân khấu quá lâu, những 'người yêu kẻ ghét' đã phân định rất rõ ràng, và như vậy thì khó có thể có một sự 'dồn phiếu bất ngờ' vượt qua được ngưỡng cửa cuả tỷ số 2/3.

(note *) Về một ứng viên thỏa hiệp: Không nhất cứ phải là một HY người Ý, nhiều phân tích gia đã liệt kê những vị HY cuả Canada, Hoa Kỳ và Phi Luật tân là những vị có nhiều khả năng trở thành một nhân vật thoả hiệp.

Và vì các HY có thể bầu cho một người ở bên ngoài Mật Viện, chúng ta cũng không quên một vị HY sẽ không có mặt vì quá 80 tuổi nhưng vẫn sáng giá: HY Francis Arinze, Nigeria. Nếu sau một cuộc bỏ phiếu mà người ta chưa thấy khói bay lên mà các HY 'ở ngoài' lại được triệu tập vào, thì hầu như chắc chắn là HY Arinze đã được chọn và được mời vào tham khảo.

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

THỨ MẤY CHÚNG TA CÓ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG

Sau khi Tòa Thánh công bố Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng sẽ được bắt đầu vào ngày thứ Ba (quý vị nào chưa xem video về biến cố này, xin nhấn vào đây), hàng loạt các “chuyên gia” đã đưa ra những phỏng đoán là ngày thứ mấy trong tuần lễ sắp tới Giáo Hội Công Giáo sẽ có Đức Tân Giáo Hoàng.

Theo Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh) đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 Tháng Hai năm 1996, vào chiều thứ Ba 12/3, tức là ngày đầu tiên, các vị Hồng Y sẽ chỉ bỏ phiếu một lần. Nhưng các ngày sau đó, mỗi ngày các vị bỏ phiếu bốn lần: hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều.

Dựa vào kết quả của các Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng trước đây, nhiều dự đoán đã được đưa ra.

NămĐức Hồng Y được bầuTước Hiệu Giáo Hoàng Số vòng bỏ phiếuSố Ngày
1903Giuseppe SattoPio X74
1914Giacomo della ChiesaBenedict XV103
1922Achille RattiPio XI145
1939Eugenio PacelliPio XII32
1958Angelo RoncalliGioan XXIII114
1963Gioanni Batista MontiniPaul VI63
1978Albino LucianoJohn Paul I42
1978Karol WojtylaJohn Paul II83
2005Joseph RatzingerBênêđíctô XVI32


Theo các “chuyên gia” của Paddy Power, trung tâm cá cược lớn nhất thế giới, ngày Giáo Hội Công Giáo có Đức Tân Giáo Hoàng được ước tính như sau:

NgàyXác suất
Thứ Ba 12/3/201315.2%
Thứ Tư 13/3/201345.2%
Thứ Năm 14/3/201330.1%
Thứ Sáu trở đi9.5%


Adam Brickley, một quan sát viên về Vatican đang sống tại Washington, người đã trình luận án về các Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng tại khoa Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Colorado ở Colorado Springs hồi năm 2008, nói với tờ Washington Post rằng tình trạng của các Hồng Y hiện nay giống với tình trạng của Cơ Mật Viện năm 1922 hơn là năm 2005, nên ông nghĩ là phải mất 11 vòng bỏ phiếu, tức là sang ngày thứ Sáu 15 tháng Ba, Giáo Hội mới có Tân Giáo Hoàng.

Dù tính cách nào có lẽ hầu chắc là trong tuần tới chúng ta sẽ có vị Tân Giáo Hoàng.

Anh chị em tín hữu theo dõi cuộc bầu cử trên quảng trường Thánh Phêrô có thể nhìn làn khói bốc lên từ ống khói của nhà nguyện Sistina để biết Giáo Hội đã có tân Giáo Hoàng hay chưa.

Khi một vị Hồng Y đầu tiên nhận được 77 phiếu trở lên, vị ấy sẽ trở thành Giáo Hoàng. Lúc đó, sẽ có làn khói trắng bốc lên từ ống khói của nhà nguyện Sistina.

Một vài con số thống kê được ghi nhận khách quan là:


  • Tuổi trung bình của 115 vị Hồng Y cử tri là 71 tuổi.
  • Đức Hồng Y cao niên nhất là Đức Hồng Y Walter Kasper của Đức.
  • Đức Hồng Y trẻ nhất là Đức Hồng Y Baselio Cleemis Thottunkal, người Ấn Độ, 54 tuổi.
  • Người kế tiếp là Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle sẽ mừng sinh nhật thứ 56 vào tháng 6 tới.
  • 60 vị Hồng Y đến từ Âu Châu (tức là hơn ½ số vị Hồng Y cử tri). Mỹ Châu La Tinh có 19 vị, Bắc Mỹ 14 vị, Phi châu 11, Á Châu 10 và Úc châu có 1 vị là Đức Hồng Y George Pell.
  • Ý có 28 Hồng Y cử tri, tiếp đến là Hoa Kỳ với 11 vị, Đức 6 vị, Tây Ban Nha và Ba Tây mỗi nước có 5 vị.
  • 67 vị Hồng Y được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 (58%) và 48 vị được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong. Cố nhiên, 67 vị Hồng Y được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng là những vị lần đầu bầu Giáo Hoàng. 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

BẦU GIÁO HOÀNG : ĐẤU TRANH NỘI BỘ?

Báo Thanh Niên, số Chủ nhật 10.3.2013, giật tít lớn ở trang nhất: Những ứng viên sáng giá cho vị trí giáo hoàng, rồi ở trang cuối, lại có bài Nhân sự mới cho thời mới của tác giả La Phù. Tác giả nêu lên hai sự kiện. Sự kiện thứ nhất là việc “Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm được nhìn nhận như thể một điều cấm kỵ bị phá bỏ” dù “chẳng phải là không có tiền lệ”. Sự kiện thứ hai là “việc các hồng y bàn về những vấn đề và thách thức hiện tại của nhà thờ [sic] Thiên Chúa giáo rồi mới bầu tân giáo hoàng”. Hai sự kiện này được tác giả gọi là hai dấu hiệu, qua đó tác giả diễn giải ý nghĩa của việc bầu giáo hoàng lần này là “cơ hội để thay đổi định hướng quan điểm chung của nhà thờ Thiên Chúa giáo”, và hơn nữa, là “sự tranh chấp giữa phe bảo thủ và phái cấp tiến, giữa nhóm bám giữ truyền thống và những người muốn đổi mới”.
Không biết tác giả có phải là người công giáo không, nhưng nguyên việc quan tâm đến sự kiện bầu giáo hoàng thì tôi cũng cần phải cảm ơn rồi. Chỉ xin góp thêm vài suy nghĩ để mối quan tâm của tác giả được rõ nét hơn.
Bộ Giáo Luật Hội Thánh Công Giáo năm 1983 quy định rằng: “Trong trường hợp Giáo hoàng Rôma từ nhiệm, để được thành sự, thì đòi việc từ nhiệm phải tự do và phải được biểu lộ đúng cách nhưng không cần được ai chấp nhận” (điều 332, khoản 2). Chính Giáo luật quy định chứ chẳng phải là chuyện có tiền lệ hay không. Mà đã thế thì làm gì có chuyện “Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm được nhìn nhận như thể một điều cấm kỵ bị phá bỏ”. Người ta có cấm đâu mà bảo là “điều cấm kỵ”?
Thế rồi sự kiện thứ hai mà tác giả nêu lên là “việc các hồng y bàn về những vấn đề và thách thức hiện tại của nhà thờ Thiên Chúa giáo rồi mới bầu giáo hoàng”. Làm cứ như thể đây là chuyện chưa từng có! Thử nhớ lại lần bầu giáo hoàng Benedict XVI xem sao. Đức John Paul II qua đời lúc 21g37 ngày 2.4.2005 và được an táng một tuần sau đó (8.4). Đến ngày 18.4, Mật tuyển viện bầu giáo hoàng mới bắt đầu. Như thế các hồng y có 10 ngày để chuẩn bị bước vào Mật tuyển viện, và trong 10 ngày đó, các ngài tham dự những buổi họp khoáng đại (tất cả các vị trong hồng y đoàn, kể cả những vị ngoài 80 tuổi), trong đó các ngài bàn về tình hình của Giáo Hội cũng như những vấn đề và thách đố phải quan tâm. Người điều hành những cuộc họp ấy chính là hồng y Joseph Ratzinger vì ngài là niên trưởng, sau này cũng chính ngài đã được bầu làm giáo hoàng với danh hiệu Benedict XVI. Như thế, việc “các hồng y bàn về những vấn đề và thách thức hiện tại của nhà thờ Thiên Chúa giáo rồi mới bầu giáo hoàng” là chuyện hết sức bình thường chứ có phải là dấu hiệu lớn lao gì đâu! Nếu tác giả La Phù muốn kiểm chứng và tìm hiểu thêm những gì nói ở đây, tôi xin giới thiệu cuốn The Rise of Benedict XVI của John L. Allen, Jr, Image Books, New York: 2005.
Tác giả La Phù đưa ra hai sự kiện trên, được coi như dấu hiệu và tiền đề để dẫn đến kết luận về việc bầu giáo hoàng lần này là “cơ hội để thay đổi định hướng quan điểm chung của nhà thờ Thiên Chúa giáo”, và “sự tranh đấu giữa phe bảo thủ và phái cấp tiến, giữa nhóm bám giữ truyền thống và những người muốn đổi mới”. Thế nhưng cả hai tiền đề ấy đều không vững thì kết luận cũng chẳng thuyết phục được ai.
Chắc là tác giả đã quen với những cuộc vận động tranh cử của xã hội thế tục nên hình dung việc bầu giáo hoàng cũng y như thế. Xin nói thật cho tác giả biết về chuyện bầu giáo hoàng: chẳng có vận động tranh cử gì đâu vì vị hồng y nào cũng “sợ” bị bầu làm giáo hoàng cả, một gánh nặng có lẽ là lớn nhất đối với một con người. Cho nên vị nào được bầu thì cũng chỉ đón nhận vì vâng phục và cậy trông nơi Đấng mà các ngài tin tưởng thôi. Chính vì thế, thay cho bầu khí ồn ào của những cuộc vận động tranh cử thì trong nhà nguyện Sistine, nơi tiến hành việc bầu giáo hoàng, chỉ có sự tĩnh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm thôi.
Giả như tôi phải phụ trách viết bài của tác giả, tôi sẽ kết luận thế này: “Trước khi bầu giáo hoàng, các hồng y bàn về những vấn đề và thách đố hiện nay của Giáo Hội Công giáo trên toàn thế giới. Sứ mạng của Giáo Hội là phục vụ nhân loại và thế giới, vì thế các hồng y cần nhìn rõ dung mạo của nhân loại và thế giới ngày nay, để có thể tìm được vị giáo hoàng có khả năng đáp ứng những vấn đề và thách đố của Giáo Hội và nhân loại trong thế giới ngày nay”. Hi vọng sẽ là một kết luận nghe được.

Ngày 10.3.2013
Thiên Triệu


(WHĐ)

MẬT TUYỂN VIỆN VÀ NHỮNG CON SỐ

WHĐ (09.3.2013) – Sau khi Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm vào ngày 28-02 vừa qua, Hồng y đoàn đã nhóm họp các phiên Hội nghị chung từ ngày 04-3 và đã quyết định khai mạc Mật tuyển viện vào ngày 12-3 để bầu Giáo hoàng. Nhân dịp này, trang mạng Vatican Radio điểm lại các Mật tuyển viện trong lịch sử (từ năm 1740), do Tiến sĩ Donald Prudlo, Phó Giáo sư môn Lịch sử tại Đại học Jacksonville State, Alabama, thực hiện:

Năm 1740 : Đức giáo hoàng Bênêđictô XIV đắc cử (qua đời năm 1758)
  • Có 51 cử tri. 4 hồng y qua đời trong khi họp Mật tuyển viện
  • Là Mật tuyển viện dài nhất trong lịch sử: 181 ngày (từ 18 tháng Hai đến 17 tháng Tám)
Năm 1758 : Đức giáo hoàng Clêmentê XIII đắc cử (qua đời năm 1769)
  • Có 45 cử tri, 44 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 53 ngày (từ 15 tháng Năm đến 6 tháng Bảy)
Năm 1769 : Đức giáo hoàng Clêmentê XIV đắc cử (qua đời năm 1774)
  • Có 46 cử tri
  • Thời gian: 94 ngày (từ 15 tháng Hai đến 19 tháng Năm)
Năm 1774-1775 : Đức giáo hoàng Piô VI đắc cử (qua đời năm 1799)
  • Có 44 cử tri. 2 hồng y qua đời trong khi họp Mật tuyển viện
  • Thời gian: 133 ngày (từ 5 tháng Mười 1774 đến 15 tháng Hai 1775)
Năm 1799-1800 : Đức giáo hoàng Piô VII đắc cử (qua đời năm 1823)
  • Mật tuyển viện diễn ra tại Venitia, vì Roma bị chiếm đóng; đây là cuộc bầu giáo hoàng cuối cùng ở ngoài Roma
  • Có 34 cử tri
  • Thời gian: 105 ngày (từ 1 tháng Mười Hai 1799 đến 14 tháng Ba 1800)
Năm 1823 : Đức giáo hoàng Lêô XII đắc cử (qua đời năm 1829)
  • Có 49 cử tri
  • Thời gian: 27 ngày (từ 02 đến 28 tháng Chín)
Năm 1829 : Đức giáo hoàng Piô VIII đắc cử (qua đời năm 1830)
  • Có 50 cử tri
  • Thời gian: 36 ngày (từ 24 tháng Hai đến 31 tháng Ba)
Năm 1830-1831: Đức giáo hoàng Grêgôriô XVI đắc cử (qua đời năm 1846)
  • Là Mật tuyển viện cuối cùng mà vị Tân giáo hoàng không phải là giám mục
  • Có 45 cử tri
  • Thời gian: 51 ngày (từ 14 tháng Mười Hai 1830 đến 02 tháng Hai 1831)
Năm 1846 : Đức giáo hoàng Piô IX đắc cử (qua đời năm 1878)
  • Là Mật tuyển viện đầu tiên có thời gian ngắn nhất
  • Có 50 cử tri
  • Thời gian: 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng Sáu)
Năm 1878 : Đức giáo hoàng Lêô XIII đắc cử (qua đời năm 1903)
  • Có 61 cử tri
  • Thời gian: 3 ngày (từ 18 đến 20 tháng Hai)
Năm 1903 : Đức giáo hoàng Piô X đắc cử (qua đời năm 1914)
  • Là Mật tuyển viện cuối cùng áp dụng quyền ius exclusivae (phủ quyết). Và Tân giáo hoàng Piô X đã chính thức bãi bỏ quyền này
  • Có 64 cử tri, 7 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 4 ngày (từ 31 tháng Bảy đến 04 tháng Tám)
Năm 1914 : Đức giáo hoàng Bênêđictô XV đắc cử (qua đời năm 1922)
  • 2 vị cử tri người Mỹ và 1 Canada không được tham dự vì đến trễ
  • Hồng y người châu Mỹ Latinh đầu tiên tham dự
  • Có 57 cử tri, 10 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 4 ngày (từ 31 tháng Tám đến 3 tháng Chín)
Năm 1922 : Đức giáo hoàng Piô XI đắc cử (qua đời năm 1939)
  • Một lần nữa, 2 vị cử tri người Mỹ và 1 Canada không được tham dự vì đến trễ. Sau Mật tuyển viện này, luật quy định các Hồng y có 15 ngày để đến Roma
  • Có 53 cử tri, 14 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 5 ngày (từ 02 đến 06 tháng Hai)
Năm 1939 : Đức giáo hoàng Piô XII đắc cử (qua đời năm 1958)
  • Mật tuyển viện đầu tiên có Thượng phụ nghi lễ Đông phương tham dự
  • Có 62 cử tri, 3 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 2 ngày (từ 01 đến 02 tháng Ba), là Mật tuyển viện ngắn nhất.
Năm 1958 : Đức giáo hoàng Gioan XXIII đắc cử (qua đời năm 1963)
  • Mật tuyển viện đầu tiên có các hồng y Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi tham dự
  • Có 51 cử tri, 11 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 4 ngày (từ 25 đến 28 tháng Mười)
Năm 1963 : Đức giáo hoàng Phaolô VI đắc cử (qua đời năm 1978)
  • Có 80 cử tri, 6 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 3 ngày (từ 19 đến 21 tháng Sáu)
Năm 1978 : (1) Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I đắc cử (qua đời năm 1978)
  • Mật tuyển viện đầu tiên các hồng y trên 80 tuổi không được tham dự
  • Có 111 cử tri, 4 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 2 ngày (từ 25 đến 26 tháng Tám)
Năm 1978 : (2) Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đắc cử (qua đời năm 2005)
  • Có 111 cử tri, 8 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng Mười)
Năm 2005 : Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đắc cử (từ nhiệm ngày 28.02.2013)
  • Có 115 cử tri (đông nhất, bằng số cử tri của Mật tuyển viện 2013)
  • 4 vòng bỏ phiếu
  • Thời gian: 2 ngày (từ 18 đến 19 tháng Tư)
Năm 2013 :
  • Mật tuyển viện đầu tiên diễn ra trong Mùa Chay, kể từ năm 1829.
  • Có 115 cử tri.
(Vatican Radio, 08-3-2013)
Minh Đức
 
(WHĐ)

THIẾT TRÍ ỐNG KHÓI TRÊN MÁI NHÀ NGUYỆN SIXTINE

Việc thiết trí ống khói nổi danh trên mái nhà nguyện Sixtine sẽ được thực hiện và được trực tiếp truyền hình hôm nay ngày thứ bẩy 09 tháng 3 lúc 11 giờ, theo thông cáo của Vatican.

Ống dẫn kéo dài từ mái nhà nguyện Sixtine vào bên trong bằng một ống đồng nối với hai lò đốt: từ đó sẽ xuất phát « khói đen » (chưa có kết quả bầu cử) hay khói trắng (việc bầu cử đã hoàn tất).

Khói được tạo nên bởi việc đốt các lá phiếu vào cuối buổi sáng sau hai lần liểm phiếu, hay vào cuối buổi chiều sau hai lần kiểm phiếu khác.

Người ta cho thêm những chất làm cho có mầu vào một chiếc lò thứ hai và cũng nối liền với ống đồng để không có sự nghi ngờ gì về mầu của làn khói.

Nhưng giáo hoàng cũng có thể được bầu sau một lần kiểm phiếu buổi sáng hay buổi chiều: bắt đầu từ ngày thứ tư 13 tháng 3, ống khói này sẽ được mọi người canh chừng theo dõi hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều!

Các hồng y cử tri trong mật nghị gồm có 115 vị: muốn được bầu lên phải có được 77 phiếu (tức hai phần ba)

Mật nghị là một cuộc hội họp có tính cách phụng vụ, được canh nhịp bằng các giờ kinh phụng vụ, kinh sáng, kinh chiều, và nhất là chầu Thánh Thể hàng ngày. Mỗi ngày, các hồng y kêu cầu Chúa Thánh Thần bằng kinh Veni Creator và xin sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria.

Các hồng y bỏ phiếu trong khi xin Chúa Kitô làm chứng cho sự ngay thằng của lương tâm của họ. Họ bầu phiếu dưới bức họa Ngày Cánh Chung do họa sĩ Michael-Angelo thực hiện. Đức Gioan Phaolô II đã làm bài thơ sau đây:

Chính tại đây, dưới chân hòa tấu khúc tuyệt vời của các mầu sắc của nhà nguyện Sixtine,
các hồng y tụ tập -
một cộng đồng có trách nhiệm về di sản của các chìa khóa của Nước Trời.
Cộng đồng đến đây,
và một lần nữa Michael Angelo làm cho họ thấy viễn tượng của Người.

“Trong Người chúng ta có sự sống, sự sinh động và đời sống » …
Người là ai ?
Tại đây bàn tay sáng tạo của Cụ Già có quyền năng tối cao đang vươn ra với A-đam…
Lúc khởi thủy, Thiên Chúa tạo dựng …
Người đã thấy hết tất cả mọi sự …
Chính lúc đó hòa tấu khúc mầu sắc của nhà nguyện Sixtine sẽ làm vang vọng Lời Chúa:
Con là Đá (Petrus) - Simon con của Giôna đã nghe thấy như vậy.
“Ta sẽ ban cho con những chìa khóa Thiên Đàng ”.

Những người thấy mình được trao cho di sản của các chìa khóa,
tụ tập ở đây, họ để cho hòa tấu khúc mầu sắc trong nhà nguyện đánh động họ,
bởi viễn cảnh Michael Angelo đã để lại cho chúng ta -

Ông đã làm như vậy vào tháng Tám,
và sau đó vào tháng Mười,
trong những năm tháng đáng ghi nhớ của hai mật nghị,
và ông sẽ có làm được như thế, khi cần thiết, sau khi ông đã qua đời.

Điều thiết yếu là viễn cảnh của Michael Angelo phải nói được với họ.
“Mật nghị ”: mối lo lắng chung về di sản của những chìa khóa,
những chìa khóa Thiên Đàng.
Nơi đây, họ thấy được giữa lúc khởi thủy và lúc cánh chung,
giữa ngày Sáng Tạo và Ngày Cánh Chung …
Với con người, chỉ chết có một lần, rồi sẽ đến ngày phán xét!

Bùi Hữu Thư
(VietCatholic News)

CƠ MẬT VIỆN - ỐNG KHÓI ĐÃ LẮP ĐẶT, MỌI SỰ ĐÃ SẲN SÀNG

GIỚI THIỆU VỀ ĐỨC HỒNG Y ANGELO SCOLA

Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Giám Mục Milan, sinh ngày 07/11/1941 tại Malgrate, Milan, Italia. Ngài được thụ phong linh mục ngày 18 tháng 7 năm 1970. Ngài có hai bằng Tiến Sĩ về Thần Học và Triết Học.

Đức Hồng Y Angelo Scola đã từng theo học tại đại học Mỹ Châu tại Washington, DC, Hoa Kỳ. Ngoài tiếng Ý là tiếng mẹ đẻ, ngài nói tiếng Anh lưu loát và nhiều ngôn ngữ khác nữa.

Đức Hồng Y Angelo Scola đã tham gia tích cực vào phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng trước khi trở thành phụ tá nghiên cứu về Triết Học và Giáo Sư phụ giảng về Thần Học Luân Lý tại Đại Học Fribourg. Năm 1982, ngài được bổ nhiệm là Giáo Sư Thần Học Nhân Văn tại Viện Nghiên Cứu Gioan Phaolô II về Hôn Nhân và Gia Đình. Ngài cũng đã là Giáo Sư Kitô Học tại Đại Học Giáo Hoàng Latêranô.

Ngày 21/9/1991, ngài được bổ nhiệm Giám Mục Grosseto và được tấn phong ngày 20 tháng 7 năm đó. Năm 1995, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài là Viện Trưởng Đại Học Giáo Hoàng Latêranô và chủ tịch Viện Nghiên Cứu Gioan Phaolô II về Hôn Nhân và Gia Đình..

Ngày 05/2/2002, Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài là Thượng Phụ Thành Venice. Trong thế kỷ 20, 3 vị tiền nhiệm của ngài đã trở thành Giáo Hoàng là các Đức Giáo Hoàng Piô X, Gioan XXIII, và Gioan Phaolô I.

Ngày 09/4/2002 ngài được đề cử chủ tịch Hội Đồng Giám Mục miền Triveneta, Italia.

Ngày 21/10/2003, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y với hiệu tòa Mười Hai Thánh Tông Đồ.

Ngày 28 tháng 6 năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Milan là quê hương của thánh Ambrose, thánh Charles Borromeo, và Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Trong giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Angelo Scola là thành viên:

• Bộ Giáo Sĩ

• Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách về Gia Đình

• Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách về Giáo Dân

Đức Hồng Y Angelo Scola nổi tiếng với chương trình Oasis được đưa ra vào năm 2004 tại Venice, để khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau và cơ hội gặp gỡ giữa thế giới phương Tây và thế giới Hồi giáo.

Chương trình Oasis nghiên cứu các tương tác giữa Kitô hữu và người Hồi giáo và cách thức mà họ giải thích tôn giáo của mình trong giai đoạn hiện nay của việc hội nhập các dân tộc các nền văn minh và văn hóa.

Theo Oasis, đối thoại liên tôn liên quan đến việc đối thoại giữa các nền văn hóa bởi vì kinh nghiệm tôn giáo luôn sống động và thể hiện thông qua các phương tiện văn hóa: không chỉ đơn thuần là về mức độ thần học và tâm linh, mà còn vào mức độ chính trị, kinh tế, và xã hội.

Đức Hồng Y Angelo Scola cũng thường đưa ra những lời kêu gọi cải tổ việc đào tạo các thần học gia. Ngài nhận định rằng các thần học gia ngày nay phải được chuẩn bị để không chỉ suy tư về tôn giáo nhưng còn phải đối diện với những vấn đề căng thẳng nhất trong xã hội.

Nói với báo Ý La Repubblica, hôm 28/6/2004, Đức Hồng Y Scola nhận định rằng các nhà thần học gia cần thông hiểu những vấn đề liên quan đến sinh học, kinh tế và các vấn đề then chốt khác của văn hóa. Ngài cho rằng cách thức nghiên cứu thần học như hiện nay phần nào phải chịu trách nhiệm đối với “sự yếu kém hiện nay trong việc trình bày các nguyên tắc Kitô Giáo” cho xã hội đương đại. Các thần học gia phải phát triển khả năng chứng tỏ những nghiên cứu của họ có thể áp dụng được cho những vấn đề của cuộc sống hàng ngày.

Đức Hồng Y cho biết trường đại học Công Giáo Studium Marcianum mới được khánh thành tại Venice sẽ giới thiệu với các thần học gia về “nghệ thuật, văn hóa, sinh học, đạo đức thương nghiệp và khoa học xã hội”.

“Một nhà thần học cũng có thể là một nhà quản trị”. Đức Hồng Y cho biết ở Mỹ, hãng Coca-Cola thuê các nhà thần học làm việc cho họ vì “kinh tế bắt đầu tái khám phá ra sự quan trọng của tài nguyên con người và xã hội”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng trong khi giải thích các học thuyết Kitô Giáo, các nhà thần học cần chuẩn bị để lý giải cách thức mà những sự thật về đức tin có thể soi sáng cho những sự thật về bản chất con người và hành vi của con người.

Ứng dụng cụ thể trong trường hợp hôn nhân, Đức Hồng Y nhận xét là cần tái khẳng định bản chất kết hiệp của tình yêu. Khi chúng ta nói về sự bất khả phân ly của hôn nhân, điều này không phải là tâm lý bảo thủ nhưng vì hôn nhân là dạng nhân bản nhất và đầy đủ nhất trong các quan hệ giữa một người nam và một người nữ. Gia đình xây dựng trên hôn nhân Kitô Giáo không chỉ là một lý tưởng nhưng là một yếu tố ổn định nhất của bất kỳ một xã hội lành mạnh nào muốn trang bị cho mình một sự bảo vệ vô giá trước “mọi sự xâm lăng gây mất ổn định và sự nguy hiểm của sự tự huỷ diệt”.


Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

CHIẾC NHẪN NGƯ PHỦ - ANULUS PISCATORIS


Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI
Hôm thứ Tư, ngày 06.03. 2013, Cha Lombardi, phát ngôn viên tòa thánh Vatican thông báo: chiếc nhẫn ngư phủ của Đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI theo luật ấn định đã được đức Hồng Y nhiếp chính Tarcisio Bertone phá hủy không còn giá trị để dùng nữa.

Vậy đâu là ý nghĩa của chiếc nhẫn ngư phủ?
Trong Giáo Hội Công giáo, mọi vị Giám mục, cả những Viện Phụ, từ ngày được tấn phong, luôn đeo nơi ngón tay chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn Giám mục nói lên sự trung thành của vị Giám mục với Giáo hội là hiền thê của Chúa.

Riêng chiếc nhẫn của Đức giáo Hoàng, cũng là vị Giám mục Roma, được gọi là chiếc nhẫn ngư phủ - anulus piscatoris.

Chiếc nhẫn ngư phủ từ thế kỷ 14. trở thành chiếc nhẫn chính thức của Đức giáo hoàng Roma. Trên mặt chiếc nhẫn bên cạnh tên Đức giáo hoàng còn có hình Thánh Phêrô đang bên khoang thuyền kéo lưới. Hình ảnh này có căn nguyên trong Kinh thánh tường thuật Thánh
Phêrô và Thánh Anrê được Chúa Giêsu kêu gọi đang lúc hai Ông thả lưới đánh bắt cá ở bờ hồ Galile: “Anh em hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". (Mc 1, 17)

Chiếc nhẫn ngư phủ từ 1843 trở thành con Triện - con dấu - để xác nhận những văn kiện chính thức của tòa thánh Vatican.

Chiếc nhẫn ngư phủ của ĐGH Benedicto XVI 
Chiếc nhẫn ngư phủ được long trọng trao cho vị tân giáo hoàng ngày lễ đăng quang khai mạc sứ vụ mục tử của ngài cùng với dải khăn Pallium.

Chiếc nhẫn ngư phủ sẽ bị phá hủy không còn giá tr để dùng, khi vị Giáo hoàng qua đời, hay như trong trường hợp thời sự đang xảy ra việc Đức giáo hoàng Benedicto XVI từ nhiệm lui về nghỉ hưu từ ngày 28.02.2013.

Trên lý thuyết chiếc nhẫn ngư phủ khi bị hủy, sẽ được cắt thành những miếng nhỏ tương đương với số những vị Hồng Y trong thời kỳ tòa thánh trống ngôi không có Gíao hoàng. Và những hạt đá của chiếc nhẫn đã bị phá hủy rồi lại sẽ được đem đúc vào chiếc nhẫn ngư phủ mới của vị tân giáo hoàng kế vị được bầu chọn lên sau đó. Đức giáo hoàng Benedicto XVI đã mang chiếc nhẫn ngư phủ không có chất đá nào khắc ẩn trong đó.

Theo truyền thống xưa nay trong Giáo hội, mọi tín hữu Chúa Kitô tỏ lòng kính trọng uy quyền chức vị, đều qu bái gối hôn kính chiếc nhẫn ngư phủ khi đến trước Đức giáo hoàng, là người kế vị Thánh Phêrô, đã được Chúa Giêsu trao quyền Giáo hoàng tiên khởi trong Giáo hội Chúa ở trần gian.

Ngày 24.04.2005 khi cử hành thánh lễ đại trào khai mạc sứ vụ mục tử Phero của mình, Đức giáo hoàng Benedicto XVI. đã có suy niệm về chiếc nhẫn ngư phủ: "Biểu tượng thứ hai được dùng đến trong phụng vụ của ngày hôm nay để diễn tả việc khai mạc Thừa Tác Vụ Phêrô là việc trao chiếc nhẫn ngư phủ".

Lời mời gọi Phêrô trở nên mục tử mà chúng ta đã nghe trong Phúc Âm, xảy ra sau trình thuật về phép lạ bắt được một mẻ cá lớn, sau một đêm các môn đệ thả lưới không thành công, các vị thấy Chúa Phục Sinh trên bờ hồ. Ngài bảo họ hãy thả lưới thêm lần nữa, và lưới đã nặng trĩu khiến các môn đệ phải khó khăn mới kéo lên được; 153 con cá lớn, "và mặc dầu rất nhiều cá, lưới vẫn không bị rách." (x. Ga 21, 11).

Trình thuật này, xảy ra vào cuối cuộc hành trình tại thế của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, tương ứng với trình thuật thấy được lúc khởi đầu, cả lần đó, các môn đệ cũng chẳng đánh bắt được gì suốt đêm, và cũng lần đó, Chúa Giêsu đã bảo ông Simon hãy thả lưới chỗ sâu một lần nữa. Và Simon, người lúc đó chưa được gọi là Phêrô, đã đưa ra một lời đáp trả tuyệt vời: "Thưa Thầy, nghe lời Thầy, con sẽ thả lưới". Và tiếp đến là việc trao sứ vụ cho ông: "Đừng sợ. Từ nay trở đi, con sẽ đi chài lưới người." (x Lc 5, 1-11)". 
 
Ngày nay, Giáo Hội và những vị kế nhiệm các Thánh Tông Đồ cũng được mời gọi hãy ra khơi tận bể sâu của lịch sử và thả lưới, để giành lấy những người nam nữ cho Phúc Âm, cho Chúa Kitô, cho sự sống thật. Các Nghị Phụ đã đưa ra một lời bình luận rất có ý nghĩa về sứ vụ nổi bật này.

Các ngài nói rằng: thật là tai họa khi đem một con cá, được tạo dựng cho biển, ra khỏi bể khơi, khỏi các yếu tố thiết yếu của nó để làm thức ăn cho nhân loại. Nhưng sứ vụ của người ngư phủ lưới người, có ý nghĩa ngược lại. Chúng ta hiện đang sống trong sự tha hóa, trong vùng nước mặn của sự khổ đau và chết chóc, trong biển sâu tăm tối không chút ánh sáng. Lưới Phúc Âm cứu vớt chúng ta ra khỏi những dòng nước chết, và đem chúng ta vào ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa, vào sự sống thật". (Vatican ngày 24.04.2005).

Đức giáo hoàng Benedicto XVI bây giờ trở thành vị nguyên giáo hoàng về nghỉ hưu. Ngài đã tự ý, vì cảm thấy sức khoẻ thể lý kéo nghị lực tinh thần đang xuống dốc không còn cho phép ngài tiếp tục công việc của một người ngư phủ chài lưới, bước xuống khỏi ngai tòa, mọi bổn phận quyền hành của một vị Giáo hoàng đứng đầu Gíao Hội.

Chiếc nhẫn ngư phủ, dấu chỉ tước vị quyền của Giáo Hoàng, mà ngài mang trong suốt triều đại giáo hoàng gần tám năm đã bị phá hủy theo luật Giáo hội ấn định. Nhưng ơn kêu gọi là mục tử người theo chân Chúa vẫn luôn hầng sống động thời sự trong tâm hồn đời sống của ngài.

Ngài trước sau vẫn là Linh mục đời đời của Chúa Kito.

Mùa chay, 09.03.2013

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long 
(VietCatholic News)

VỊ GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI THEO NHẬN ĐỊNH CỦA MỘT SỐ HỒNG Y

Dù sao, các vị hồng y cũng là người quyết định ai sẽ là giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo trong những ngày tới, nên nhận định của các ngài trong lãnh vực này có giá trị nhất định.

Ngay từ ngày 4 tháng 3, tức ngày đầu tiên có những cuộc họp toàn thể các vị hồng y hiện diện tại Rôma, New York Times đã cho rằng tất cả các vị hồng y trả lời phỏng vấn vào tuần trước đều nhấn mạnh rằng các ngài mong muốn một giáo hoàng có tinh thần cầu nguyện để chuyển giao sứ điệp Công Giáo cách hữu hiệu.

Tuy nhiên, đi vào chi tiết, người ta cũng nghe được nhiều sắc thái trong nhận định chung ấy. Nhiều vị mong một giáo hoàng có khả năng cải tổ bộ máy hành chánh của Vatican, một bộ máy bị nhiều tai tiếng trong năm qua. Nhiều vị ủng hộ một giáo hoàng xuất thân từ Thế Giới Thứ Ba, nơi Đạo Công Giáo đang sinh động hơn tại Âu Châu nhiều lắm. Lại có những vị khác mong một giáo hoàng có bàn tay cai trị mạnh.

New York Times đặc biệt lưu ý tới lời Đức HY Francis George của Chicago phát biểu về tai tiếng giáo sĩ xách nhiễu tình dục. Theo ngài, vị tân giáo hoàng “hiển nhiên cần chấp nhận nguyên tắc chung của Giáo Hội hiện nay là tuyệt đối không khoan nhượng (zero tolerance) đối với bất cứ ai từng lạm dụng một trẻ em”. Ngài cho rằng nguyên tắc ấy đã giúp giáo hội Mỹ giảm thiểu các vụ bê bối này một cách trông thấy. “Tuy nhiên vẫn còn các nạn nhân. Vết thương vẫn còn hằn sâu trong trái tim họ, và bao lâu nó còn hằn sâu trong họ, thì nó cũng hằn sâu trong ta. Vị giáo hoàng cần ghi nhớ điều này”.

New York Times nhận định rằng đây là đề tài ít được bàn luận tại Rôma hiện nay. Trái lại, phần đông các vị hồng y muốn tìm một người có thể phối hợp được nét hấp dẫn (charisma) của Đức Gioan Phaolô II với sự can đảm liều lĩnh của một ai đó mà giới phân tích Vatican gọi bừa là “Giáo Hoàng Rambo I”.

Cho đến hôm thứ Tư vừa qua, tức lúc các hồng y Mỹ chấm dứt các cuộc họp báo của họ, các hồng y thường đề cập tới các thuộc tính mà Giáo Hội hiện nay rất cần: một nhà truyền thông đầy thuyết phục, có sức lôi cuốn cả bằng lời lẫn bằng tư cách thánh thiện của mình, đồng thời là “một cảnh sát trưởng” (sheriff) không biết sợ sẵn sàng giải quyết các bất ổn và tai tiếng tại Vatican.

Theo tờ báo này, việc các hồng y tập chú vào truyền đạt và tài cai trị là một cách nhìn nhận các thiếu sót của Đức Bênêđíctô XVI. Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu của một niềm nhớ tiếc đối với vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II, một khuôn mặt lôi cuốn như nam châm, luôn nổi bật trong các cuộc tông du khắp thế giới, ngay lúc đã yên nghỉ.

Người ta cho rằng dưới thời Đức Bênêđíctô, ảnh hưởng của Giáo Hội tại Âu Châu, tại Hoa Kỳ và cả tại Châu Mỹ La Tinh đã giảm sút. Nền hành chánh trung ương tại Rôma, tức giáo triều, đã sa vào bế tắc, thậm chí thối nát nữa. Nhiều hồng y tỏ ra bối rối trước các tường trình báo chí về hồ sơ mật nói là chứa đựng các chứng cớ hiển nhiên cho thấy có việc tống tình và tống tiền.

Ít có ứng viên nào hoàn toàn nắm được cả hai phương diện nói trên. Nên báo chí Ý có lúc đã thả nổi ý niệm cho rằng các hồng y đang cân nhắc “các liên danh” (tickets) nghĩa là bầu một vị giáo hoàng mục vụ đi đôi với một quốc vụ khanh cứng rắn và hiểu biết giữ vai quản trị và nếu cần chấp pháp (enforcer). Vị giáo hoàng kế tiếp không cần trực tiếp ra tay dẹp tan những vụ tranh chấp trong nội bộ Vatican cũng như các vụ tai tiếng khác, nhưng ngài cần có nhậy cảm quản trị đủ để cử nhiệm một vị phụ tá đủ đảm lược để thách thức nền hành chánh cố thủ của Vatican.

New York Times trích dẫn lời Đức HY Edward Egan, TGM hưu trí của New York: “Việc đầu tiên ngài phải làm là đặt để một trật tự lớn hơn cho nền hành chánh trung ương là Giáo Triều”. Đồng thời, “ngài phải là người thông hiểu đức tin và có khả năng loan báo đức tin ấy một cách quyến rũ và đơn giản”. Đức HY Egan từng tham dự cơ mật viện bầu Đức Bênêđíctô, nhưng nay đã quá 80, nên không tham gia cơ mật viện lần này.

Như thế, bất cứ ứng viên giáo hoàng nào muốn “sáng giá” phải là người cầu nguyện, thông thạo thần học và tiếng Ý, là ngôn ngữ của Rôma, thành phố mà dù gì giáo hoàng vẫn là giám mục. Nhiều hồng y cũng cho hay vị giáo hoàng sắp tới phải có kinh nghiệm làm giám mục giáo phận. Điều này thực tế sẽ loại bỏ một số hồng y vốn phục vụ lâu năm tại Giáo Triều, ít có kinh nghiệm mục vụ như Đức HY Gianfranco Ravasi, nhà bác học người Ý, từng có vinh dự giảng tĩnh tâm Mùa Chay vừa qua cho Đức Bênêđíctô XVI. Đức Hồng Y Donald Wuerl, TGM Washington, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Thiển nghĩ làm mục tử một giáo hội địa phương có lẽ là một nhân tố rất quan trọng nếu bạn muốn dấn thân vào lý tưởng canh tân Giáo Hội về phương diện thiêng liêng”. Một số hồng y cũng nhấn mạnh tới việc vị giáo hoàng sắp tới phải có khả năng bắt tay với các tín ngưỡng khác, cải thiện liên hệ với các giám mục khắp thế giới và mạnh mẽ trình bày giáo huấn Công Giáo

Nhiều vị được báo chí cho là có triển vọng làm giáo hoàng (papabile) đều là người giỏi về quản trị hoặc ở giáo phận mình hoặc ở Giáo Triều. Đó là các HY Angelo Scola, TGM Milan; Odilo Pedro Scherer, TGM São Paulo, Ba Tây; Peter Erdo, TGM Esztergom-Budapest và là giáo chủ Hung Gia Lợi; Leonardo Sandri, người Á Căn Đình làm việc lâu năm tại Giáo Triều; và Marc Ouellet, người Gia Nã Đại, cầm đầu Thánh Bộ Giám Mục.

Nhưng nhiều vị trong số này thiếu lôi cuốn. Các phụ tá hay học trò cũ cho rằng các đức HY Erdo và Ouellet chỉ quen đọc từ một bản văn soạn sẵn chứ không ứng khẩu nói trước một đám đông hay trong các cuộc phỏng vấn. Trong khi đó, nhiều vị hồng y khác rất có tài lợi khẩu với một khả năng cao độ trong việc truyền đạt với những cử tọa đông đảo, trong đó, có đức HY Luis Antonio G. Tagle của Phi Luật Tân. Chỉ ngại với 55 tuổi đời, ngài khó được bầu. Ngài là hồng y trẻ thứ hai của hồng y đoàn, hơn tuổi Đức HY Baselios Thottunkal của Ấn Độ.

Tuổi là một tiêu chuẩn quan trọng, nhất là sau việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI, lúc 85 tuổi. Nhiều hồng y đồng ý rằng vị giáo hoàng sắp tới lý tưởng nhất là ở tuổi 60. Đức HY Wilfrid F. Napier của Nam Phi cho hay: lý tưởng nhất là ở đầu tuổi 60. Trong một cuộc phỏng vấn, ngài cho hay ở tuổi ấy, ta bảo đảm có một triều giáo hoàng lâu dài hơn, để thi hành các cố gắng củng cố Giáo Hội. Ngài nói: “Bạn cần có thì giờ để bồi đắp các nền tảng này. Theo tôi, ta cần một triều giáo hoàng lâu hơn để sản sinh năng lực và giữ cho đà tiến tiếp tục… Trong các cuộc đàm đạo riêng, một số vị hồng y khác cũng nhìn theo hướng này”.

Vũ Văn An
(VietCatholic News) 

CƠ MẬT VIỆN SẼ KHAI MẠC VÀO NGÀY THỨ BA 12.3.2013




Hồng Y Đoàn sẽ bắt đầu bầu Giáo Hoàng vào thứ ba, 12.03.2013

VATICAN - Thứ sáu, 08.03.2013 - Cuối cùng toàn thể Giáo Hội Công Giáo và cả nhân loại đã nhận được tin về ngày khởi sự bầu Giáo Hoàng của 115 vị Hồng Y cử tri, thường được gọi là Mật Nghị Hồng Y dành cho những Hồng Y dưới 80 tuổi. Ngày bắt đầu là thứ ba, 12.03.2013.

Để chọn được ngày bắt đầu Mật Nghị Hồng Y, Hồng Y Đoàn đã cần đến 8 ngày và thông qua đến 9 buổi họp mới đưa ra được quyết định quan trọng trên vào chiều thứ sáu, 08.03.2013.

115 Hồng Y cử tri đã nhất trí sau 8 ngày làm quen, bàn thảo và trao đổi quan điểm về tình hình Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, những khủng hoảng cũng như những thách thức trong tương lai và sau đó các ngài đã xác định cho ngày bắt đầu mật nghị.

Vào sáng thứ Ba, 12.3.2013 tất cả các Hồng Y sẽ cùng nhau dâng thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô và ban chiều chỉ có 115 Hồng Y cử tri bước vào nhà nguyện nổi tiếng Sixtine để bắt đầu bầu cử Giáo Hoàng. Từ lúc này 115 Hồng Y sẽ bị tách ra khỏi thế giới bên ngoài: không điện thoại cầm tay, không Internet, không báo chí lẫn truyền thanh truyền hình.

Cuộc mật nghị kéo dài bao lâu là còn tùy thuộc vào số phiếu cần thiết. Tân Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội được đắc cử phải cần đến 2 phần 3 số phiếu được bầu – nghĩa là 77 phiếu.

Cuộc bầu cử được kéo dài qua nhiều vòng, không có thủ tục theo quy định nhưng trong một ngày có thể có đến 4 vòng bầu cử: buổi sáng 2 vòng và buổi chiều 2 vòng. Cuộc bầu cử có thể kéo dài trong nhiều ngày cho đến khi người đắc cử đạt được 2 phần 3 số phiếu.

Khi chưa có Tân Giáo Hoàng thì các phiếu bầu sẽ bị đốt cháy sau mỗi vòng bỏ phiếu, lúc đốt phiếu được bổ xung với một hợp chất để tạo ra khói màu đen, mà người ta có thể được quan sát từ Quảng trường Thánh Phêrô. Bất kể buổi sáng hoặc chiều mọi người luôn hồi hộp chờ đợi nhìn về ống khói trên nhà nguyện Sixtine. Cho đến khi một Hồng Y đắc cử Giáo Hoàng, thì khói trắng sẽ được đốt lên ngay liền lập tức.

Mặc dù phỏng đoán đến đại lễ Phục Sinh 2013 sẽ có một Giáo Hoàng mới, nhưng về mặt lý thuyết có thể mất một thời gian dài hơn trong cuộc họp kín bầu Giáo Hoàng.

Theo thống kê được biết chưa có một mật nghị Hồng Y nào đã kéo dài hơn 5 ngày trong 100 năm qua. Năm 2005 mật nghị Hồng Y chỉ mất có 2 ngày để bầu cử cho Hồng Y Josef Ratzinger với tước hiệu Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Số 115 Hồng Y cử tri của năm 2013 thì có 67 vị được ĐGH Bênêđictô XVI vinh thăng lên bậc Hồng Y và 48 vị được trao mũ Hồng Y từ thời ĐGH Gioan Phaolô II.

Theo thông lệ 115 Hồng Y cử tri sẽ cư ngụ trong nhà khách Santa Marta nằm trong nội địa của Tòa Thánh Vatican, phòng ốc ở đây rất đơn giản. Để được công bằng trong việc chọn phòng thì các vị Hồng Y tự bốc thăm cho phòng của mình, không có ưu tiên cho bất kỳ ai. 115 Hồng Y đã bốc thăm nhận phòng vào thứ sáu, 08.3.2013.

Từ chỗ ở Santa Marta đi đến nhà nguyện Sixtine các vị Hồng Y phải đi băng qua các khu vườn, có thể đi bộ hoặc được các xe buýt đón đưa.

Có một phòng đặc biệt mang số 201 tại Santa Marta vì Tân Giáo Hoàng sẽ trú ngụ tại phòng này cho đến khi Điện Giáo Hoàng được chuẩn bị xong cho ngài.
 
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News) 

GƯƠNG THA THỨ CỦA MỘT VỊ HỒNG Y VENEZUELA

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino
Trong điện văn gởi về quê hương từ Vatican, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino Tổng Giám Mục thủ đô Caracas, đã khích lệ các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân của tổng giáo phận Caracas hãy cầu nguyện cho linh hồn của cố tổng thống Hugo Chavéz.

Ngay sau khi biết tin Hugo Chavéz qua đời hôm thứ Ba 5 tháng Ba, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, 70 tuổi, đang tham dự các cuộc họp khoáng đại của các vị Hồng Y để bầu Giáo Hoàng tại Vatican, cho biết ngài sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho sự an nghỉ của linh hồn Hugo Chavéz.

Chavez thường xuyên đụng độ với Đức Hồng Y và thường lên truyền hình để mắng nhiếc ngài. Hồi năm 2008, ông ta nói: "Nếu Chúa Kitô hiện ra ở đây bằng xương bằng thịt, Ngài sẽ nện cho Urosa mấy roi nên thân, rồi ném ông ta ra khỏi Giáo Hội, bởi vì ông ta là người vô đạo đức và chẳng quan tâm gì về đạo đức hay chức tư tế của mình."

Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục Kuriakose Bharanikulangara của tổng giáo phận Faridabad, Ấn Độ vừa lên tiếng tiết lộ là vào năm 2002 chính ngài đã cứu mạng Hugo Chávez trong cuộc đảo chính vào năm ấy. Vào thời điểm này, ngài là phụ tá sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela.

Ngài nói: "Chávez đã nài nỉ tôi để cứu anh ta. Anh ta nói: Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm. Tôi và gia đình đang bị giữ làm con tin bị chĩa súng vào đầu. Hãy đến cứu tôi, và các con tôi. "

"Tôi nói với Chávez bằng tiếng Tây Ban Nha rằng Giáo Hội Công Giáo không bao giờ ủng hộ bạo lực. Chúng tôi tôn trọng cuộc sống. Ông Tổng thống, tôi sẽ làm mọi thứ để cứu mạng sống của ông. Và tôi đã quyết định để giúp anh ta bất cứ giá nào."

Đức Tổng Giám mục Bharanikulangara, đã đi kèm với một Hồng Y và một linh mục để thương lượng với quân đảo chính cho ông rời khỏi đất nước. Chávez đã đồng ý làm như vậy, nhưng trong vòng vài ngày sau đó ông lật lại được thế cờ.

Từ đó về sau Chávez lại đem lòng oán giận các Giám Mục nước này nghi ngờ các ngài cấu kết với các tướng lãnh nhằm lật đổ ông ta. Chính vì thế, trong một thập niên qua, Chávez thường xuyên đụng độ với giáo quyền Công Giáo tại Venezuela.

Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

CÁNH CỬA SỔ VÀ KINH TRUYỀN TIN

Ngôi đền thờ, dinh thự, nhà tư nào cũng đều có nhiều cửa sổ. Nhưng cánh cửa sổ dinh Đức giáo hoàng ở bên Vatican mang một ý nghĩa đặc biệt khác thường. Vì từ nơi đó hằng tuần kinh Truyền tin được xướng đọc lên cầu nguyện.

1. Kinh Truyền tin

Kinh Truyền tin - Angelus - là kinh cầu nguyện trong Giáo Hội Công giáo, được đọc ba lần trong ngày vào buổi sáng, trưa và chiều tối.

Thông thường vào buổi sáng lúc 6. hay 7. giờ, trưa lúc 12.00 giờ và buổi chiều lúc 18.00 hay 19.00 giờ chuông thánh đường được kéo lên và kinh Truyền tin được đọc lên theo cùng với tiếng chuông giáo đường.

Kinh Truyền tin nhắc nhớ lại biến cố Chúa Giêsu, ngôi hai Thiên Chúa xuống trần gian làm người. Lời kinh Truyền tin bao gồm những lời trong cuộc đối thoại giữa Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel hiện ra với Đức Mẹ Maria, để báo tin Chúa Giêsu xuống thế làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria.

Chen vào giữa những lời kinh của cuộc đối thoại là ba lần đọc kinh Kính mừng Maria.

Kinh Truyền tin như hiện nay đang đọc trong Giáo Hội đã có một qúa trình lịch sử dài trong việc phát triển.

Từ thế kỷ 13. Dòng Phanxico đã đưa tập tục đọc kinh Truyền tin vào ban chiều lúc đọc kinh buổi tối với tâm tình chào kính Đức Mẹ Chúa Trời, đang khi hồi chuông thánh đường được kéo đổ lên ngân vang dài.

Đến thế kỷ thứ 14. kinh này được đọc thêm vào buổi sáng có tiếng chuông kéo vang lên để cầu nguyện xin sự bình an .

Từ thế kỷ 16. kinh này được đọc thêm vào giữa ban trưa để cầu nguyện xin hòa bình cho Âu châu lúc đó đang trong thời kỳ chiến tranh đe dọa bị xâm chiếm.

Việc đọc kinh Truyền tin ba lần trong ngày như hôm nay bắt đầu từ thời Đức giáo hoàng Pio V. năm 1571 chính thức đưa vào nếp sống đạo đức trong Gíáo Hội.

Vào mùa phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại, từ ngày lễ phục sinh đến lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền tin , kinh Lạy nữ vương thiên đàng được đọc cũng ba lần trong ngày.

Đức Giáo hoàng Roma vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng lúc 12.00 giờ trưa từ cửa sổ phòng làm việc của ngài cùng với dân chúng hành hương tụ tập bên dưới quảng trường Thánh Phero, đọc Kinh Truyền Tin và sau đó ngài ban phép lành Tòa Thánh cho dân chúng.

2. Từ cánh cửa sổ phòng làm việc

Cánh cửa sổ căn phòng làm việc của Đức giáo hoàng ở tầng thứ ba, chiếc cửa sổ thứ hai từ phía bên phải nhìn từ dưới quảng trường Thánh Phêrô lên căn nhà dinh thự giáo hoàng. Vào mỗi ngày Chúa nhật hằng tuần lúc 12.00 giờ trưa cánh cửa sổ ̉được mở ra, một dải khăn mầu đỏ thẫm có thêu huy hiệu giáo hoàng được trải phủ rũ xuống tường phía trước , chiếc gía sách và Mikrophon được dựng lên và Đức giáo hoàng bước ra xuất hiện cùng đọc kinh Truyền tin với dân chúng tụ tập hàng chục ngàn người phía bên dưới quảng trường Thánh Phero.

Sau kinh Truyền tin, Đức giáo hoàng huấn dụ một bài suy niệm ngắn về Phúc âm ngày Chúa nhật bằng tiếng Ý. Và sau đó ngài chào mừng các phái đoàn về Roma hành hương bằng tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây ban Nha, Bồ đào nha, Balan...và ban phép lành cho mọi người.

Đây là tập tục nếp sống đạo đức trong nếp sống đạo Công giáo. Nếp sống đạo đức này nói lên lòng tin sâu thẳm vào mầu nhiệm Chúa Giêsu, ngôi hai Thiên Chúa, từ trời cao xuống trần gian làm người mang ơn cứu chuộc cho con người.

Tập tục thói quen tốt lành thánh đức này, trong thời đại ngày càng bị tục hóa coi thường những gía trị đạo đức như ngày hôm nay, càng thể hiện sâu đậm chiều sâu tâm linh sự cần thiết của việc cầu nguyện, nhất là việc cầu nguyện chung với nhau.

Tập tục này cũng biểu hiện sự liên kết hiệp thông giữa mọi người tín hữu trong đức tin vào Chúa với vị cha chung, Đức Thánh Cha đứng đầu Giáo hội Chúa ở trần gian. Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2006 đã có 1,3 triệu người đến cùng đọc kinh Truyền tin với Đức giáo hoàng Benedicto XVI.

3.Tiếng chuông vẫn đổ hồi ngân vang

Khi Đức giáo hoàng ở nhà trong điện Vatican, và khi ngài còn sống cánh cửa sổ đọc kinh Truyền tin mới được mở ra. Nhưng khi Đức giáo hoàng đi vắng hay lúc tòa thánh trống ngôi, vì Đức giáo hoàng băng hà, cánh cửa sổ này đóng khép lại không được mở. Cho dù chuông thánh đường vẫn đổ hồi ngân vang. Từ ngày 28.02.2013 cánh cửa số này cùng vời các cửa phòng làm việc của Đức giáo hoàng Roma được niêm phong đóng kín. Lý do vì Đức giáo hoàng Benedicto XVI. đã từ nhiệm về nghỉ hưu. Sức khoẻ tuổi gìa không còn cho phép ngài tiếp tục làm việc được nữa.

Cánh cửa sổ đọc kinh Truyền tin nơi phòng làm việc Đức giáo hoàng sẽ được mở tung cánh ra khi Giáo Hội có Đức Giáo hoàng mới. Từ lúc đó Đức giáo hoàng mới sẽ tiếp tục truyền thống đạo đức đọc kinh Truyền tin, kinh Lạy nữ vương thiên đàng với dân chúng tụ họp ở quảng trường Thánh Phero vào mỗi trưa ngày Chúa Nhật và lễ trọng của Giáo Hội. Từ 2005 - 2013 , chỉ trừ khi đi vắng xa nhà, hằng tuần vào lúc 12.00 giờ trưa ngày Chúa nhật và lễ trọng, Đức giáo hoàng Benedicto XVI. đều chuyên chăm việc cầu nguyện đọc kinh Truyền tin, giảng huấn suy niệm Lời Chúa ngỏ lời với mọi người tín hữu từ cánh cửa sổ phòng làm việc.

Đức Hồng Y Quốc vụ Khanh Bertone, sau Thánh lễ hôm thứ tư lễ Tro, đã nói lên tâm tình cám ơn từ gĩa Đức giáo hoàng khi ngài so sánh đưa ra hình ảnh cánh cửa sổ: “Trong những năm qua giáo huấn lời giảng dậy của Đức thánh Cha là cánh cửa sổ mở ra truyền phát đi tia sáng sự chân thật và tình yêu Thiên Chúa hướng về Gíao Hội và đến thế giới bên ngoài.“ Từ cửa sổ phòng làm việc, sau khi đọc kinh Truyền tin với hàng trăm ngàn người tụ họp ở quảng trường Thánh Phero, Đức giáo hoàng Benedicto XVI. lần sau cùng trong tư cách là Giáo hoàng đương nhiệm, đã có tâm tình với mọi người: "Chúa đang kêu gọi tôi ‘lên núi’ để dành thêm thời gian cầu nguyện và chiêm niệm, nhưng điều này không có nghĩa là tôi từ bỏ Giáo Hội. Thực ra, Chúa yêu cầu tôi như thế chính là để tiếp tục phục vụ Giáo Hội với sự cống hiến và tình yêu mà tôi đã phục vụ cho đến nay, nhưng trong một cách thức khác phù hợp hơn với tuổi tác và sức khoẻ của tôi. " ( Buổi đọc kinh Truyền tin ngày 24.02.2013.)

Cánh cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo hoàng bên Vatican đã tạm thời đóng khép lại sau buổi đọc kinh Truyền tin ngày 24.02.2013. Và lời chào mừng „Cari fratelli e sorelle“ cũng chìm vào yên lặng không vang lên. Dù bây giờ tạm thời cánh cửa sổ đóng khép lại. Nhưng qua cánh cửa sổ, Giáo Hội loan báo, mang tình yêu Thiên Chúa hướng ra bên ngoài thế giới. Cánh cửa sổ vẫn rộng mở. Vì thế, niềm hy vọng vẫn luôn sống động tràn đầy, mà Đức giáo hoàng Benedicto XVI. cách đây tám năm đã được kêu gọi thành „người chài lưới tâm hồn con người về cho Chúa“ luôn sống niềm hy vọng cậy trông vào Chúa của một người thợ khiêm hạ. Bây giờ người thợ khiêm hạ đó trở về cuộc sống chiêm niệm của một người lữ hành trên trần gian đi về đích điểm quê hương nơi Thiên Chúa tình yêu.

********************

Và niềm hy vọng tràn đầy đó sẽ lan tỏa khi cánh cửa sổ đọc kinh Truyền tin được mở ra trở lại với vị tân Giáo Hoàng của Giáo Hội sẽ được bầu chọn nay mai. Một khi cánh cửa sổ phòng làm việc Đức giáo hoàng mở ra trở lại, lời cầu nguyện sứ điệp kinh Truyền tin lại vang lên tới tận Trời cao thẳm, cùng lan đi khắp nơi trên thế giới. Và lời chào mừng „Cari fratelli e sorelle“ lại phát tỏa vang lên hòa lẫn trong những nụ cười mừng rỡ hân hoan, và tiếng vỗ tay dòn dã vang dội khắp không gian quảng trường Thánh Phero! Mùa chay, 08.03.2013 Nhớ về triều đại Đức giáo hoàng Benedicto XVI. 2005 - 2013

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long