Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ MUC VỤ DI DÂN 2015

Trong các ngày từ 12 đến 14-01-2015, tại Toà giám mục Thanh hóa, Uỷ ban Mục vụ Di dân trực thuộc HĐGMVN đã tổ chức Hội Nghị Di Dân với chủ đề: “Mục Vụ Di Dân Trong Bối Cảnh Tân Phúc Âm Hóa”

Đây là một hoạt động nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho khóa họp thường niên I/2015 của HĐGMVN đồng thời thảo luận về Mục vụ Di dân trong bối cảnh hiện nay.

Tham dự Hội nghị có Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hóa, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Di dân trực thuộc HĐGMVN; cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGMVN, Tổng thư ký Uỷ ban Mục vụ Gia đình; cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Tổng thư ký Uỷ ban Mục vụ Di dân; và đại diện các Ban Di Dân của 21/26 giáo phận trên cả nước.

Tại Hội nghị năm nay còn có sự hiện diện của các tham dự viên đặc trách di dân đại diện các dòng tu: Dòng Carolo Scalabrini, Dòng Tên Việt Nam, Dòng Thánh Thể, Dòng Don Bosco, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Dòng Đức Bà Truyền Giáo, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ… và đại diện anh chị em di dân trên toàn quốc. 

Trong ba ngày diễn ra hội nghị, các tham dự viên đã được nghe trình bày và chia sẻ các đề tài: Hiện tình về vấn đề di dân (trong nước và hải ngoại, cũng như người nước ngoài tại Việt Nam); Giáo huấn giáo hội về di dân; Hoạt động của Uỷ ban Mục vụ Di dân (2007 đến nay); Cơ cấu của Uỷ ban Mục vụ Di dân; Kinh nghiệm mục vụ di dân tại Tổng giáo phận Hà Nội và Sài Gòn; Sứ mạng của Uỷ ban Mục vụ Di dân và các Ban Mục vụ Di dân cấp giáo phận; Định hướng mục vụ cấp quốc gia và giáo phận.

Trong buổi thảo luận về định hướng mục vụ di dân, hội nghị đã chú ý tới hai cấp độ: trên toàn lãnh thổ Giáo hội Công giáo Việt Nam và trong mỗi giáo phận.

Ở cấp quốc gia cần có sự phối hợp liên Uỷ ban. Mục vụ di dân hiện nay cần có sự phối hợp liên giáo phận, liên Uỷ ban Gia đình, Giới trẻ, Giáo dục Công giáo, Bác ái xã hội – Caritas, Giáo lý đức tin…

Uỷ ban Mục vụ Di dân cần phối hợp với các giáo phận để thực hiện những chương trình chuẩn bị cho anh chị em, đặc biệt là các bạn trẻ, hành trang đức tin trước khi xa quê. Cần phối hợp chặt chẽ giữa giáo phận gốc và giáo phận tiếp nhận. Nhưng thực trạng cho thấy rằng ở cả hai giáo phận (gốc và tiếp nhận) đều không thể quản lý số lượng di cư và nhập cư do người di cư không trình báo cha xứ khi rời quê và cũng không khai báo cho cha xứ nơi định cư, hầu hết chỉ liên hệ khi cần đến thủ tục hôn phối. 

Hội nghị cũng xác định vai trò của cha Tổng thư ký Uỷ ban Mục vụ Di dân. Cha Tổng thư ký cần đẩy mạnh chức năng kết nối và điều phối để các Ban Mục vụ Di dân của các giáo phận và các dòng tu có thể liên kết thành mạng lưới phối hợp mục vụ hiệu quả hơn.

Các đại biểu cũng đề nghị Uỷ ban Mục vụ Di dân chuẩn bị tập tài liệu về mục vụ di dân để Đức cha Chủ tịch trình HĐGMVN trong khóa họp thường niên I/2015. Cha Tổng thư ký sẽ phối hợp Nhóm làm việc để thực hiện trước ngày 10 tháng 3 năm 2015; nhóm gồm có: cha Tổng thư ký, sơ Thư ký Văn phòng, cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, cha PX Nguyễn Minh Thiệu (Dòng Salêdiêng), cha GB Nguyễn Bửu Khánh (giáo phận Xuân Lộc), cha PX Nguyễn Văn Lượng (giáo phận Vinh), cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Định (Dòng Scalabrini), sơ Matta Hoàng Thị Thúy (FMA) và sơ Anna Phan Thị Lệ (FMM).

Hội nghị cũng nêu dự phóng chương trình đào tạo mục vụ di dân để triển khai trong chương trình huấn luyện chủng viện và chuẩn bị nhân sự làm tuyên úy cho lao động Việt Nam ở hải ngoại.

Các nghị viên cũng đề nghị Uỷ ban Mục vụ Di dân nên xin 3 giáo tỉnh cắt cử 1 cha vào Ban thường vụ của Uỷ ban để phối hợp và điều hành. Nên có những chương trình mục vụ di dân ở từng giáo tỉnh, cha Tổng thư ký cần tham gia và hiện diện đồng thời Uỷ ban Mục vụ Di dân cần tổ chức những hội nghị mang tính nghiên cứu khoa học 

Ở cấp giáo phận, các nghị viên kiến nghị Đức cha Chủ tịch Uỷ ban trình với HĐGMVN để các Đấng bản quyền tạo điều kiện làm việc cho các cha đặc trách di dân để các ngài được nâng đỡ và nhiệt thành hơn trong sứ vụ chăm sóc mục vụ cho di dân. Lưu tâm và nhắc nhở quý cha về hiện tình di dân và những ưu tiên mục vụ cần được các cha xứ quảng đại giúp đỡ. Tổ chức các khóa mục vụ di dân ghép vào các chương trình thường huấn linh mục đoàn để quý cha lưu tâm hơn đến con cái di dân của mình.

Hội nghị cũng nói lên nguyện vọng mong muốn các giáo phận phối hợp chặt chẽ với nhau và với Uỷ ban Mục vụ Di dân để giảm tải gánh nặng.

Hội nghị cũng bàn đến việc Uỷ ban Mục vụ Di dân cần lưu tâm đến cộng đoàn người nước ngoài (Phillipines, Hàn Quốc, Pháp…) tại Việt Nam, cụ thể là ở Hà Nội và Thành phố HCM. Hiện nay cha Tổng thư ký đã trợ giúp và phối hợp với cộng đoàn Phillipines tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận TP. HCM.

Các tham dự viên đề nghị thành phố cần liên hệ với Hội đồng Giám mục các quốc gia có người lao động Việt Nam để đáp ứng nhu cầu mục vụ, ít là trong Mùa Chay và Mùa Vọng, cho anh chị em lao động Việt Nam ở hải ngoại.

Ba ngày Hội nghị diễn ra trong bầu khí se lạnh đặc trưng của mùa đông miền Bắc, nhưng con tim của những con người nồng cháy tình yêu người di dân đang nhen nhóm ngọn lửa mới chan chứa niềm vui Tin Mừng cho anh chị em di dân trên khắp mọi nẻo đường của cuộc sống đầy gian lao thử thách ngày hôm nay. 
Ban thư ký Hội nghị
(WHĐ)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #4

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ THĂM CÁC TRẺ EM BỤI ĐỜI Ở MANILA

Sau thánh lễ lúc 11:15 sáng thứ Sáu với các Giám Mục, linh mục và tu sĩ Phi Luật Tân tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm của thủ đô Manila, trên đường về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã đến thăm một trung tâm trẻ bụi đời do một linh mục người Pháp coi sóc.

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết hoạt động này của Đức Thánh Cha không có trong chương trình chính thức. Tại trung tâm trẻ bụi đời TNK-Anak, Đức Giáo Hoàng đã dành một gần một nửa giờ với 320 trẻ em mừng vui được ngài ghé thăm với những bài hát và điệu nhảy, những cái ôm và trao đổi những lời ngắn gọn.

Cha Lombardi cho biết các em được tập trung trong sân của trung tâm để gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô. "Đó là một khoảnh khắc rất cảm động," Cha Lombardi nói. Các em đã tặng Đức Thánh Cha những món quà nhỏ, trong đó có một tượng Đức Mẹ bằng gỗ - một phiên bản thu nhỏ của một tượng Đức Mẹ được đặt trong nhà nguyện của trung tâm, một bức ảnh trong đó các trẻ em nhặt rác đang chầu Mình Thánh Chúa, và một tấm phù điêu làm từ những mảnh giấy màu bởi một em bụi đời.

Trung tâm này được điều hành bởi cha Mathieu, một linh mục người Pháp, và là nơi trú ngụ của 20 trẻ em. 300 trẻ em khác đã được chở từ các nơi khác đến đây để chào đón Đức Giáo Hoàng.

Trung tâm trẻ bụi đời TNK-Anak đã tung ra một chiến dịch viết thư xin Đức Thánh Cha ghé thăm vào cuối tháng chín năm ngoái. Trong một chuyến thăm Vatican vào đầu tháng Mười, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng giám mục Manila, đã cầm theo hàng ngàn lá thư của các trẻ em bụi đời, và một đoạn video về cuộc sống của trẻ em đường phố và trình lên Đức Thánh Cha.

Dù lịch trình của ngài rất bận rộn, vào giờ chót, Đức Thánh Cha cho biết ngài sẽ nhận lời ghé thăm các em trước khi dùng bữa trưa tại Tòa sứ thần ở Manila. Ban chiều, ngài có một cuộc họp với các gia đình tại một sân vận động trong nhà.
 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #3

 Thánh lễ với hàng giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ Philippines:
 ai làm ngạc nhiên ai?

Thánh lễ với hàng giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ Phi tại Nhà Thờ Chính Toà Đức Mẹ Vô Nhiễm Manila diễn ra thật trang trọng, nghiêm trang và sốt sắng với sự tham dự của số đông tín hữu tụ tập ở phía ngoài nhà thờ trong trật tự.

Nhưng với vị giáo hoàng của bất ngờ, một chuyện bất ngờ đầy thích thú đã diễn ra khiến chính ngài cũng phải bất ngờ một cách khoái chí. Số là trong bài giảng lễ, khi ngài vừa đọc câu Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô: “con có yêu Thầy không?”, cả nhà thờ bỗng vang lên câu trả lời:
!

Nghe thấy vậy, Đức GH Phanxicô cũng “tinh nghịch” không kém, nói lại: “vậy thì cám ơn anh chị em rất nhiều!”.

Trận cười của mọi người, trong đó có cả Đức Phanxicô, quả là tự phát và tràn ngập.

‘không bài bản’

Linh mục Jesse Gragasin, chính xứ Giáo Xứ Thánh Sebastian, Tarlac City, cho hay “Chuyện này không có bài bản. Không ai ngờ nó xẩy ra.

“Chữ CÓ bỗng nhiên phát ra từ tôi. Có lẽ cảm giác vốn đã trào dâng trong chúng tôi rồi và tự nhiên nó buột ra”

Một linh mục khác ở Tarlac, Cha Cris Lozano, thuộc giáo xứ Thánh Phanxicô Assidi, cho hay: “hết thẩy chúng tôi đều ngạc nhiên khi hô to chữ
!”

Nhưng theo cha Lozano, điều càng làm ngạc nhiên những người tham dự Thánh Lễ chính là phản ứng của Đức Phanxicô.

Đức Giáo Hoàng cười đỏ cả mặt

“Chúng tôi thấy mặt Đức GH Phanxicô biến thành mầu đỏ, mỉm cười, như thể hết sức phấn khích và thích thú khi nghe các linh mục và tu sĩ đáp lại ngài như thế. Nói cách khác, tôi càng xúc động hơn khi thấy Đức Giáo Hoàng xúc động ra sao”.

Cha Ricardo Bie, chính xứ Giáo Xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, cũng thuộc Tarlac, cho hay: “Còn hơn lời lẽ trong bài giảng của Đức GH, chính nhân tính của ngài làm chúng tôi xúc động”.

Cha nói thêm “Ngài là hiện thân của ‘Niềm Vui Tin Mừng’. Tôi thấy ngài tiến tới các linh mục và tu sĩ mắc bệnh và cao niên và ôm hôn họ. Với tình âu yếm hết sức rõ rệt như thế của Đức Giáo Hoàng, đến người què cũng có thể bước đi trở lại”

Đức GH Phanxicô vốn được gọi là vị giáo hoàng của các bất ngờ, nhưng trong biến cố này, không biết ai làm ngạc nhiên ai!

Vũ Van An
(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #2

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG BÀI GIÀNG 
CHO HÀNG GIÁO SĨ PHILIPPINES: 
HÃY SỬA SOẠN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CHO TRUYỀN GIÁO CHÂU Á

Cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Manila hôm nay, thứ Sáu, 16 tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục người Công Giáo Phi Luật Tân trở thành các đại sứ của Chúa Kitô và thừa tác viên của hòa giải, bằng cách loan báo Tin Mừng về tình yêu, lòng thương xót và cảm thương vô biên của Thiên Chúa. Nói với các giám mục, linh mục, tu sĩ và chủng sinh tụ tập tại Nhà Thờ Chính Tòa, Đức Giáo Hoàng nói rằng Giáo Hội tại Phi Luật Tân được mời gọi thừa nhận và đấu tranh chống các nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng và bất công lâu đời từng làm hoen ố bộ mặt của xã hội Phi Luật Tân, hiển nhiên đi ngược lại giáo huấn của Chúa Kitô.

Giữa lúc người Phi Luật Tân chuẩn bị mừng 5 thế kỷ Giáo Hội du nhập vào quốc gia Á Châu này, Đức Giáo Hoàng nói rằng người Công Giáo phải xây dựng trên di sản quá khứ một xã hội được gây hứng bởi sứ điệp đức ái, tha thứ và liên đới của Tin Mừng để phục vụ ích chung.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Nhà Thờ Chính Tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm, Manila


“Con có yêu mến Thầy không?... Hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy” (Ga 21:15-17). Lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô trong Tin Mừng hôm nay là những lời đầu tiên tôi thưa với anh chị em, các hiền huynh giám mục và linh mục, các tu sĩ nam nữ, và các chủng sinh trẻ trung. Những lời này nhắc ta nhớ tới một điều chủ yếu. Mọi thừa tác mục vụ đều phát sinh từ tình yêu. Mọi đời sống tận hiến đều là dấu chỉ tình yêu hòa giải của Chúa Kitô. Giống Thánh Têrêxa, trong tính đa dạng của ơn gọi, mỗi người chúng ta đều được mời gọi, cách nào đó, trở thành tình yêu giữa lòng Giáo Hội.

Tôi chào kính mọi anh chị em bằng một tâm tình âu yếm bao la. Và tôi xin anh chị em đem tình âu yếm này tới mọi anh chị em cao niên và bệnh hoạn của anh chị em, và tới mọi người không thể tham gia với chúng ta hôm nay. Giữa lúc Giáo Hội tại Phi Luật Tân hướng về lễ kỷ niệm 500 năm truyền giảng Tin Mừng của nó, chúng ta cảm thấy biết ơn đối với di sản do không biết bao nhiêu giám mục, linh mục và tu sĩ của những thế hệ đã qua truyền lại. Họ lao nhọc không những để truyền giảng Tin Mừng và xây đắp Giáo Hội tại xứ sở này, mà còn tạo nên một xã hội được gợi hứng bởi sứ điệp bác ái, tha thứ và liên đới của Tin Mừng nhằm phục vụ ích chung. Ngày nay, anh chị em đang tiếp nối công trình yêu thương ấy. Giống như họ, anh chị em được mời gọi xây dựng những chiếc cầu, chăm nuôi đoàn chiên của Chúa Kitô, và chuẩn bị những con đường tươi mát cho Tin Mừng tại Á Châu vào lúc bình minh của một thời đại mới.

“Tình yêu Chúa Kitô thúc ép chúng ta” (2Cor 5:14). Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Thánh Phaolô dạy ta rằng tình yêu mà ta được mời gọi công bố là một tình yêu hòa giải, phát sinh từ trái tim Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh. Chúng ta được mời gọi trở thành “các đại sứ của Chúa Kitô” (2Cor 5:20). Thừa tác vụ của chúng ta là thừa tác vụ hòa giải. Chúng ta công bố Tin Mừng về tình yêu, lòng thương xót và cảm thương vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta công bố niềm vui của Tin Mừng. Vì Tin Mừng quả là lời hứa ơn thánh của Thiên Chúa, là sức mạnh duy nhất, một mình nó có thể đem lại sự toàn vẹn và lành lặn lại cho thế giới tan vỡ của chúng ta. Nó có thể gợi hứng cho việc xây dựng một trật tự xã hội thực sự công bằng và được cứu chuộc.

Trở thành đại sứ của Chúa Kitô, trước nhất, có nghĩa mời gọi mọi người tiến tới việc đích thân gặp gỡ một cách đổi mới với Chúa Giêsu (Niềm Vui Tin Mừng, số 3). Lời mời gọi này phải nằm ở cốt lõi việc anh chị em kỷ niệm công cuộc truyền giảng Tin Mừng tại Phi Luật Tân. Nhưng Tin Mừng cũng là lời mời gọi hồi tâm, tự vấn lương tâm ta, trong tư cách cá nhân và trong tư cách một dân tộc. Như các giám mục Phi Luật Tân đã rất đúng trong lời giảng dạy của mình, Giáo Hội Phi Luật Tân được mời gọi thừa nhận và đấu tranh chống các nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng và bất công lâu đời từng làm hoen ố bộ mặt của xã hội Phi Luật Tân, hiển nhiên đi ngược lại giáo huấn của Chúa Kitô. Tin Mừng mời gọi các cá nhân Kitô hữu sống cuộc sống trung thực, liêm chính và quan tâm tới ích chung. Nhưng nó cũng kêu gọi các cộng đồng Kitô Giáo tạo ra “các qũy đạo liêm chính”, các hệ thống liên đới có thể mở rộng để bao gồm và biến cải xã hội bằng chứng tá tiên tri của mình.

Là các đại sứ của Chúa Kitô, chúng ta, các giám mục, các linh mục và các tu sĩ, phải là những người đầu tiên chào đón ơn hoà giải vào trái tim mình. Thánh Phaolô giải thích rõ ý nghĩa của điều này. Nó có nghĩa từ bỏ các lối nhìn phàm tục, để nhìn mọi sự cách mới mẻ dưới sự soi sáng của Chúa Kitô. Nó có nghĩa phải là những người đầu tiên biết xét lương tâm mình, biết thừa nhận các thiếu sót và tội lỗi của ta, và tiếp nhận con đường hồi tâm liên lỉ. Làm thế nào công bố được nét mới mẻ và sức mạnh giải thoát của Thánh Giá cho người khác, nếu chính chúng ta từ khước không để lời Chúa lay động sự tự mãn của ta, nỗi sợ thay đổi của ta, những thỏa hiệp ti tiện của ta với cung cách của thế gian này, nghĩa là “tính phàm trần thiêng liêng” của ta (xem Niềm Vui Tin Mừng, số 93)?

Với chúng ta, các linh mục và người tận hiến, quay trở về với nét mới mẻ của Tin Mừng bao hàm hàng ngày phải gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện. Các thánh dạy ta rằng đây là nguồn của mọi nhiệt thành tông đồ! Đối với các tu sĩ, sống nét mới mẻ của Tin Mừng cũng có nghĩa là tìm ra như mới trong đời sống và việc tông đồ của cộng đoàn các sáng kiến để càng ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Chúa trong một tình yêu hoàn hảo. Đối với tất cả chúng ta, nó có nghĩa phải sống những cuộc sống phản ảnh được đức nghèo khó của Chúa Kitô; trọn cuộc đời của Người đã tập chú vào việc thực thi thánh ý Chúa Cha và phục vụ người khác. Dĩ nhiên, nguy cơ lớn lao đối với việc này là chủ nghĩa duy vật chất có thể len lỏi vào đời ta và xâm hại chứng tá ta đưa ra. Chỉ bằng cách trở nên nghèo, bằng cách tước bỏ tính tự mãn của ta, ta mới có thể đồng hóa với những người nhỏ bé nhất trong anh chị em mình. Ta sẽ nhìn sự vật dưới một ánh sáng mới và nhờ đó, giải đáp được một cách trung thực và liêm chính thách đố của việc công bố tính triệt để của Tin Mừng trong một xã hội đã trở nên thoải mái với chính sách loại bỏ, phân cực và bất bình đẳng xã hội đầy tai tiếng.

Ở đây, tôi muốn ngỏ mấy lời đặc biệt với các linh mục, các tu sĩ và chủng sinh trẻ đang hiện diện giữa chúng ta. Cha yêu cầu các con chia sẻ niềm vui và niềm phấn khích trong tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội của các con với mọi người, nhất là với những người cùng trang lứa với các con. Hãy hiện diện với những người trẻ có thể đang bối rối và nản lòng, nhưng vẫn tiếp tục coi Giáo Hội là bằng hữu trên đường lữ thứ và là nguồn hy vọng. Các con hãy hiện diện với những người, vì phải sống giữa một xã hội trĩu nặng vì nghèo đói và thối nát, nên đã tan nát trong tinh thần, toan tính đầu hàng, bỏ trường, sống ngoài đường phố. Hãy loan báo vẻ đẹp và sự thật của sứ điệp Kitô Giáo cho một xã hội đang bị cám dỗ bởi những trình bày dối trá về tính dục, hôn nhân và gia đình. Như các con đã biết, các thực tại này mỗi ngày mỗi bị tấn công nhiều hơn bởi các lực lượng mạnh mẽ đe doạ làm méo mó kế hoạch của Thiên Chúa dành cho tạo vật và phản bội chính các giá trị từng gây hứng và lên khuôn cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong nền văn hóa của các con.

Thực vậy, nền văn hóa Phi Luật Tân vốn được lên khuôn bởi óc tưởng tượng của đức tin . Người Phi Luật Tân ở khắp nơi vẫn nổi danh về tình yêu Chúa, lòng đạo đức sốt sắng của họ và lòng sùng kính đầy ấm áp của họ đối với Đức Mẹ và kinh mân côi của ngài. Di sản vĩ đại này chứa đựng một tiềm năng truyền giáo mạnh mẽ. Đó là cung cách nhân dân các con đã hội nhập văn hóa Tin Mừng và tiếp tục duy trì sứ điệp của nó (xem Niềm Vui Tin Mừng, số 122). Trong các cố gắng chuẩn bị mừng 500 năm của các con, hãy xây dựng trên nền tảng vững chắc này.

Chúa Kitô đã chết cho mọi người để, sau khi chết cho Người, chúng ta sẽ không còn sống cho chính mình nữa mà là cho Người (xem 2Cor 5:15). Các hiền huynh giám mục, các linh mục và tu sĩ thân yêu, tôi cầu xin Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, tiếp nhận cho tất cả anh chị em ơn nhiệt thành, để anh chị em dành chính anh chị em cho việc phục vụ anh chị em của mình cách vô vị kỷ. Bằng cách này, xin tình yêu hòa giải của Chúa Kitô càng ngày càng thấm sâu trọn vẹn hơn vào cơ cấu xã hội Phi Luật Tân và qua anh chị em, tới những vùng xa xôi nhất của thế giới. 

Vũ Van An
(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #1

 DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
TẠI PHỦ TỔNG THỐNG PHILIPPINES

Khởi đầu trọn ngày đầu tiên tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp TT Benigno Aquino, cùng với các nhà lãnh đạo chính trị khác. Ngài thúc giục họ từ bỏ thối nát và phát huy “lòng trung thực, đức liêm chính và dấn thân phục vụ ích chung”.

Nói với các nhà cầm quyền dân sự và các nhà ngoại giao tụ họp tại Đại Sảnh Rizal ở Manila, Đức Giáo Hoàng nói tới việc phải bảo vệ gia đình, người trẻ và người già, bảo đảm công bình xã hội và tôn trọng nhân phẩm mọi người.

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài với các nhà cầm quyền và ngoại giao đoàn tại Dinh Malacanang ở Manila:


Kính thưa quí bà và qúi ông,

Tôi xin cám ơn ngài, thưa tổng thống, về sự nghinh đón tốt đẹp và những lời chào mừng của ngài nhân danh các nhà cầm quyền và nhân dân Phi Luật Tân, cũng như các thành viên lỗi lạc của ngoại giao đoàn. Tôi hết sức biết ơn đối với lời ngài mời tôi tới thăm Phi Luật Tân. Chuyến viếng thăm của tôi trước nhất có tính mục vụ. Nó diễn ra trong lúc Giáo Hội tại đất nước này đang chuẩn bị cử hành năm thế kỷ công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô tại những bờ biển này. Sứ điệp Kitô Giáo vốn có một ảnh hưởng lớn lao đối với nền văn hóa Phi Luật Tân. Tôi hy vọng rằng lễ kỷ niệm quan trọng này sẽ nói lên hoa trái liên tục của sứ điệp ấy và tiềm năng gợi hứng của nó đối với một xã hội rất xứng đáng với lòng tốt, phẩm giá và ước vọng của nhân dân Phi Luật Tân.

Một cách đặc biệt, chuyến viếng thăm này nhằm nói lên sự gần gũi của tôi với các anh chị em từng chịu đau khổ, mất mát và tàn phá gây ra bởi trận bão Yolanda. Cùng với nhiều người trên khắp thế giới, tôi vốn ngưỡng phục sức mạnh anh hùng, đức tin và sự dẻo dai do rất nhiều người Phi Luật Tân chứng tỏ trước thiên tai này, và rất nhiều thiên tai khác. Các đức tính này, nhờ bắt nguồn không ít từ niềm hy vọng và tình liên đới do đức tin Kitô Giáo gợi hứng, đã tạo nên một dòng suối lòng tốt và đại lượng, nhất là nơi rất nhiều người trẻ. Trong giờ phút khủng hoảng quốc gia đó, không biết bao nhiêu người đã chạy tới giúp đỡ người lân cận đang cần đến của mình. Bằng một hy sinh lớn lao, họ đã dành thì giờ và tài nguyên của họ để tạo ra cả một hệ thống trợ giúp hỗ tương và cùng làm việc cho ích chung.

Điển hình liên đới trên trong công trình tái thiết dạy ta một bài học quan trọng. Giống như một gia đình, mọi xã hội đều rút tỉa từ các tài nguyên sâu sắc nhất của mình để đương đầu với các thách đố. Ngày nay, Phi Luật Tân, cùng với nhiều quốc gia khác tại Á Châu, đang đương đầu với thách đố phải xây dựng cho bằng được một xã hội hiện đại trên các nền tảng vững chắc, một xã hội biết tôn trọng các giá trị nhân bản chân chính, bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền do Thiên Chúa ban, và sẵn sàng đương đầu với các nan đề chính trị và đạo đức mới mẻ và phức tạp. Như nhiều tiếng nói tại quốc gia của ngài từng chỉ rõ, nay là lúc, hơn bao giờ hết, các nhà lãnh đạo chính trị cần phải nổi bật về lòng trung thực, đức liêm chính và sự dấn thân phục vụ ích chung. Bằng cách này, họ sẽ giúp duy trì các tài nguyên nhân bản và thiên nhiên phong phú mà Thiến Chúa đã chúc lành ban cho xứ sở này. Nhờ thế, họ sẽ có khả năng điều phối được các tài nguyên tinh thần cần thiết cho việc đương đầu với các đòi hỏi của hiện tại, và truyền lại cho các thế hệ đang đến một xã hội thực sự công bình, liên đới và hòa bình.

Điều chủ yếu để đạt được các mục tiêu quốc gia nói trên là bổn phận luân lý đòi phải đảm bảo công bình xã hội và tôn trọng nhân phẩm. Truyền thống vĩ đại của Thánh Kinh buộc mọi người có bổn phận phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo. Nó mời gọi ta phá tan mọi lòi tói bất công và áp bức từng phát sinh ra những bất bình đẳng xã hội tỏ tường, và hết sức tai tiếng. Việc canh tân các cơ cấu xã hội từng duy trì cái nghèo khôn nguôi và việc loại bỏ người nghèo, trước nhất, đòi phải hồi tâm hồi trí. Các giám mục Phi Luật Tân từng yêu cầu rằng năm nay phải được dành làm “Năm Người Nghèo”. Tôi hy vọng rằng lời kêu gọi có tính tiên tri này sẽ thách đố mọi người, ở mọi trình độ xã hội, chịu bác bỏ mọi hình thức thối nát từng làm chệch hướng các tài nguyên không đến với người nghèo, và chịu đồng lòng cố gắng làm sao cho mọi người nam nữ và cả trẻ em nữa được bao gồm vào đời sống cộng đồng.

Dĩ nhiên, phải dành cho gia đình và nhất là người trẻ một vai trò nền tảng trong việc đổi mới xã hội. Điểm nổi bật trong chuyến viếng thăm của tôi sẽ là các cuộc gặp gỡ các gia đình và người trẻ tại Manila này. Các gia đình có một sứ mệnh không thể thiếu trong xã hội. Chính trong gia đình, trẻ em được huấn luyện trong các giá trị lành mạnh, các lý tưởng cao đẹp và biết thực sự quan tâm tới người khác.

Nhưng giống mọi ơn phúc của Thiên Chúa, gia đình cũng có thể bị biến dạng và tiêu hủy. Nó cần được ta hỗ trợ. Ta biết rằng đối với các nền dân chủ ngày nay của ta, thật khó có thể duy trì và bảo vệ các giá trị nhân bản nền tảng như tôn trọng phẩm giá bất khả vi phạm của mỗi con người nhân bản, tôn trọng các quyền luơng tâm và tự do tôn giáo, và tôn trọng quyền sống bất khả nhượng, bắt đầu với quyền sống của trẻ chưa sinh và trải dài tới quyền sống của người cao niên và bệnh hoạn. Vì lý do này, các gia đình và các cộng đồng địa phương phải được khích lệ và trợ giúp trong các cố gắng của họ nhằm thông truyền cho người trẻ của chúng ta các giá trị và viễn kiến có thể giúp đem lại một nền văn hóa liêm chính, một nền văn hóa biết tôn kính sự thiện, sự chân, lòng trung thành và tình liên đới làm nền tảng vững chắc và chất keo tinh thần hòng giữ cho xã hội gắn bó với nhau.

Kính thưa tổng thống,
Kính thưa các nhà cầm quyền lỗi lạc,
Các bạn thân mến,

Ở lúc bắt đầu chuyến viếng thăm đất nước này, tôi không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của Phi Luật Tân trong việc cổ vũ sự hiểu biết nhau và hợp tác với nhau giữa các quốc gia Á Châu. Tôi cũng xin được nhắc đến sự đóng góp thường bị quên lãng nhưng rất thực của người Phi Luật Tân ở ngoại quốc vào đời sống và phúc lợi của các xã hội nơi họ sinh sống. Chính dưới ánh sáng di sản văn hóa và tôn giáo phong phú mà xứ sở của quí vị vốn tự hào, tôi xin tạm biệt quí vị bằng một thách đố và một khích lệ đầy tính cầu nguyện. Ước chi các giá trị thiêng liêng sâu sắc nhất của nhân dân Phi Luật Tân tiếp tục tìm được biểu thức nơi các cố gắng của quí vị nhằm cung cấp cho các đồng công dân của qúi vị một nền phát triển nhân bản toàn diện. Bằng cách này, mỗi người đều sẽ có khả năng thể hiện trọn vẹn tiềm năng của mình, và do đó, góp phần một cách khôn ngoan và tốt đẹp vào tương lai đất nước. Tôi tin tưởng rằng các cố gắng đáng khen nhằm cổ xúy đối thoại và hợp tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau sẽ chứng tỏ hữu hiệu trong việc theo đuổi mục tiêu cao thượng này. Cách riêng, tôi xin bày tỏ lòng tin tưởng của tôi rằng tiến bộ đã thực hiện được trong việc đem hòa bình cho miền nam của xứ sở sẽ đem lại các giải pháp công bình phù hợp với các nguyên tắc thành lập quốc gia và tôn trọng các quyền bất khả nhượng của mọi người, trong đó, có người bản địa và các nhóm thiểu số tôn giáo.

Tôi xin thân ái khẩn cầu phúc lành dồi dào của Thiên Chúa xuống trên mọi quí vị, và trên mọi người nam nữ của quốc gia quí yêu này. 

Vũ Van An
(VietCatholic News)

NGƯỜI PHILIPPINES VÀ 10 ĐIỀU HỌ BIẾT VỀ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Xem video cuộc tiếp đón Đức Phanxicô tại căn cứ Villamor, Manila, và đọc tường trình của Vietcatholic, ai cũng phải nhận: Đức Phanxicô dường như đã về nhà mình sau một chuyến thăm người lạ. Phi Luật Tân quả là nhà của ngài, họ biết ngài như biết một người thân.

Thực vậy, trên trang mạng dành cho cuộc viếng thăm Phi Luật Tân của ngài, www.papalvisit.ph, người Phi kể ra mười điều họ biết về ngài:

1. Đức GH Phanxicô là vị Giáo Hoàng của nhiều cái nhất

Ngài là người đầu tiên lấy tên “Phanxicô” theo tên của Thánh Phanxicô thành Assidi, vị tu sĩ luôn hành trang lên đường và là vị thánh vĩ đại của người nghèo và người bị chà đạp. Ngài là vị giáo hoàng thứ nhất xuất thân từ Mỹ Châu, sinh ra và được dưỡng dục ở Á Căn Đình bởi cha mẹ di dân người Ý. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên của Dòng Chúa Giêsu, do thánh Inhaxiô thành Loyola thành lập, một Dòng vốn sản xuất cho GH những nhà truyền giảng Tin Mừng và cải cách vĩ đại. Cuối cùng, ngài là vị giáo hoàng thứ nhất được thụ phong linh mục sau Vatican II, tức công đồng đã hiện đại hóa Giáo Hội. Đối với Đức GH Phanxicô, Vatican II là một “công trình tươi đẹp của Chúa Thánh Thần” và là một “phong trào canh tân đơn thuần phát sinh từ cùng một Tin Mừng”.

2. Đức GH Phanxicô tự coi mình là kẻ có tội

Vâng, một kẻ có tội giống bất cứ ai khác, nhưng là một kẻ có tội được Chúa để mắt tới và mời gọi hiến thân phục vụ. Trải nghiệm tôn giáo của ngài có thể tóm tắt bằng chính khẩu hiệu của ngài: Miserando atque Eligendo. Thuật ngữ này, lấy từ một bài giảng của Đấng Đáng Kính Bede, đã được dùng làm khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Jorge Mario Bergoglio, và được ngài tiếp tục dùng làm khẩu hiệu giáo hoàng. Có thể dịch là “Bằng cách có lòng nhân và bằng cách chọn lựa Người”. Thánh Bede lúc ấy đang suy niệm đến việc Chúa Giêsu kêu gọi Thánh Mátthêu, một người thu thuế đáng ghét. Vì lòng nhân, Chúa bảo Mátthêu: “hãy theo Thầy”. Đức Phanxicô, trước đây vốn là một người bồi bàn tại một câu lạc bộ, cho người tu sĩ cùng Dòng là linh mục Antonio Spadaro hay: “ngón tay của Chúa Giêsu chỉ vào Mátthêu đó. Chính là tôi. Tôi cảm thấy mình giống ngài… giống Mátthêu”.

3. Đức GH Phanxicô tin rằng Giáo Hội cần phải giống “một bệnh viện dã chiến” nhiều hơn, trong đó, các giám mục và linh mục phải dành nhiều thì giờ hơn ở các tòa giải tội để an ủi những linh hồn bị thương.

Ngài nói rằng “các thừa tác viên của Giáo Hội phải là các thừa tác viên của xót thương trước nhất”. Các linh mục phải từ bỏ giấc mơ nghề nghiệp và những rù quyến của việc leo lên bậc thang phẩm trật. Các giám mục phải tránh “các tai tiếng” trở thành “các giám mục phi trường” và phải chăm sóc đoàn chiên trao cho mình chăm sóc. Ngài bảo: “các thừa tác viên của Tin Mừng phải là những người có khả năng sưởi ấm tâm hồn người ta, có khả năng cùng bước đi với họ qua đêm đen, biết cách đối thoại và bước xuống đêm đen của họ, bước vào bóng đêm, mà không bị lạc”.

4. Đức GH Phanxicô muốn sống đơn giản nhưng “không thể sống thiếu người ta”.

Xe limudin đơn giản không phải là tách trà của vị giáo hoàng thanh đạm này, người, lúc còn là một giám mục tại quê hương Buenos Aires, vốn chỉ đáp xe lửa công cộng. Cho tới nay, Đức Giáo Hoàng vẫn tự xách lấy cạc-táp và ngài vẫn đeo chiếc nhẫn cũ cũng như cây thánh giá ngực bằng bạc mà ngài vốn dùng từ lúc được phong Hồng Y năm 2001. Người ta đã viết nhiều về quyết định của ngài muốn sống tại Nhà Thánh Mácta, nơi cư trú tại Vatican của các giáo sĩ vãng lai, hơn là tại Phủ Giáo Hoàng trong Tông Điện. Đức GH Phanxicô minh xác rằng nơi sinh sống của các vị tiền nhiệm của ngài, dù rộng lớn và trang trí hợp thẩm mỹ, nhưng không phải là xa hoa. Lý do khiến ngài không muốn dọn vào đó đơn giản chỉ là vì ngài muốn gặp gỡ người ta. Ngài cho linh mục Sparado hay: “tôi không thể sống thiếu người ta. Tôi cần sống cuộc sống của tôi với người khác”.

5. Đức GH Phanxicô chỉ có những tâm tình âu yếm nhất đối với Đức GH Hưu Trí Bênêđictô XVI, “người anh” của ngài, nay đang sống tại một đan viện trong Vatican.

Đức Phanxicô nói với một nhà báo trên chuyến bay trở về Rôma sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 tại Rio de Janeiro rằng “Ngài là người của Thiên Chúa, một người khiêm nhường, một người cầu nguyện”. Việc có “hai giáo hoàng” tại Vatican không làm ngài lo lắng chi cả. “Giống như có người ông trong nhà, một người ông đầy khôn ngoan. Khi các gia đình có người ông ở trong nhà, thì ngài được tôn kính, được yêu mến, được lắng nghe. Đức GH Bênêđíctô là người rất khôn ngoan. Ngài không can thiệp!”. Do đó, Đức GH Phanxicô ủng hộ các cuộc cải cách của vị tiền nhiệm như cho phép sử dụng rộng rãi Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh cổ truyền, một việc được ngài mô tả là “khôn ngoan và được động lực hóa bởi ý muốn giúp những người nhậy cảm về vấn đề này”.

6. Đức GH Phanxicô là một nhà cải cách; ngài không sợ khuấy động sự việc.

Đức Phanxicô cho thi hành các cải cách tại Viện Các Công Trình Tôn Giáo, vốn có biệt danh Ngân Hàng Vatican, một việc từng đã khởi đầu dưới thời vị tiền nhiệm Bênêđíctô XVI. Tháng Hai năm 2014, ngài thiết lập một văn phòng mới gọi là Văn Phòng Kinh Tế, làm cơ quan giám sát tài chánh của Tòa Thánh. Văn Phòng này tường trình cho Hội Đồng Kinh Tế cũng mới được thành lập; Hội Đồng bao gồm 7 vị Hồng Y và giám mục và 7 chuyên viên giáo dân. Trước đó, Đức GH Phanxicô đã thiết lập một cơ chế cố vấn gồm 8 Hồng Y tín cẩn, với nhiệm vụ cố vấn ngài về các cải cách Giáo Triều và việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ.

7. Đức GH Phanxicô phản đối nền kinh tế loại trừ

Đức Phanxicô củng cố Học Thuyết Xã Hội Công Giáo bằng Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng). Ngài nói “không” với nền kinh tế chuyên cổ vũ bất bình đẳng, “văn hóa vứt bỏ” và “ngẫu thần tiền bạc”. Ngài nói: “Làm thế nào có chuyện không phải là tin tức khi một cụ già vô gia cư chết vì cảnh vô gia cư này, nhưng lại là tin tức khi thị trường chứng khoán thụt mất hai điểm?” Giải pháp hệ ở việc phải lập tức giải quyết các nguyên nhân cơ cấu của cảnh nghèo. An sinh xã hội chỉ là một giải pháp tạm thời. Điều cũng cần là phải bác bỏ việc đầu cơ tài chánh và chính sách độc lập tuyệt đối của thị trường.

8. Đức GH Phanxicô cảnh cáo các Kitô hữu đừng sa vào cạm bẫy của “tính phàm trần thiêng liêng” tức tự lấy mình làm trung tâm và giữ đạo bề ngoài xa lìa Thiên Chúa.

Trong Niềm Vui Tin Mừng, Đức GH Phanxicô giải thích rằng “tính phàm trần thiêng liêng, vốn núp đàng sau vẻ đạo đức bề ngoài và thậm chí sau lòng yêu mến Giáo Hội, hệ ở việc tìm kiếm không hẳn vinh quang Thiên Chúa mà là vinh quang con người và phúc lợi bản thân”. Một Giáo Hội phàm trần có thể mang hình thức quá quan tâm tới học thuyết và danh tiếng, lợi lộc xã hội hay chính trị, hoặc một sinh hoạt xã hội “đầy những vẻ bề ngoài, họp hành, ăn uống và thù tiếp”. Nó có thể là “đầu óc kinh doanh” trong đó, người ta “bận bịu với quản trị, thống kê, kế hoạch và lượng giá mà người thụ hưởng chính không hẳn là dân Chúa mà là Giáo Hội như một định chế”. Muốn tránh đầu óc này, Giáo Hội phải “không ngừng ra khỏi chính mình, luôn tập chú sứ vụ của mình vào Chúa Giêsu Kitô, và cam kết của mình đối với người nghèo”.

9. Đức GH Phanxicô là người sùng kính Thánh Mẫu Diễm Phúc

Vừa được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã khiến người ta chú ý khi đi viếng Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Rôma hai lần, để đọc kinh mân côi và phó thác triều giáo hoàng của ngài cho Mẹ Thiên Chúa. Châu Mỹ La Tinh, nơi Đức Giáo Hoàng xuất thân, đặc biệt nổi tiếng về sự gần gũi với Thánh Mẫu Diễm Phúc và là nơi có các đền thờ Thánh Mẫu vĩ đại như Guadalupe và Aparecida. Đức GH Phanxicô tin rằng: Đức Mẹ là người không thể thiếu được trong công trình Tân Phúc Âm Hóa. Ngài nói: “Bất cứ khi nào ta nhìn lên Đức Mẹ, ta đều tiến tới chỗ tin chắc một lần nữa vào bản chất cách mạng của tình yêu và lòng âu yếm. Nơi Đức Mẹ, ta thấy đức khiêm nhường và tình âu yếm không phải là các nhân đức của người yếu đuối mà của người mạnh mẽ, tức người không cần xử tệ với người khác để cảm thấy mình quan trọng”.

10. Đức GH Phanxicô là người con của Giáo Hội

Điều gọi là “hiệu quả Phanxicô” đã trở thành câu truyện đầu môi của truyền thông; một số nhà bình luận còn tiến xa hơn nữa bằng cách tiên đoán sẽ có những thay đổi triệt để trong Giáo Hội đã có tới 2,000 năm lịch sử. Nhưng Đức GH Phanxicô từng minh xác rằng: chủ trương của Giáo Hội trong việc đẩy mạnh các vấn đề luân lý cũng là chủ trương của chính ngài. Ngài từng nói lớn: “tôi là một người con của Giáo Hội”. Nhưng theo ngài, hiện nay, đang có quan tâm đối với “các nhu cầu cụ thể” và Tin Mừng cần tạo tác động thực sự trên tín hữu. Các nghiêm ngặt của Giáo Hội cần được áp dụng với một tình yêu chân thực, vì lòng Chúa thương xót không hề có biên giới. Đức GH nói: “Ta phải tìm ra một quân bằng mới; nếu không, ngay chính toà nhà luân lý của Giáo Hội chắc chắn sẽ sụp đổ như căn nhà bằng quân bài, mất hết nét tươi mát và hương thơm của Tin Mừng. Đề xuất của Tin Mừng phải đơn giản, sâu sắc, toả sáng hơn. Chính từ đề xuất này, các hậu quả luân lý sẽ xuôi chẩy”.

Vũ Van An
(VietCatholic News)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #2

NGHI LỄ ĐÓN TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
TẠI PHI TRƯỜNG VILLAMOR THỦ ĐÔ MANILA, PHILIPPINES

A

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #1

CUỘC HỌP BÁO CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
TRÊN CHUYẾN BAY COLOMBO - MANILA

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

ĐỨC THÁNH CHA BẮT ĐẦU CHUYẾN TÔNG DU PHILIPPINES


WHĐ (15.01.2015) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Manila, thủ đô Philippines, để bắt đầu chặng thứ hai của chuyến viếng thăm mục vụ tại châu Á. Sau chuyến bay dài sáu giờ ba mươi phút từ thủ đô Colombo của Sri Lanka, máy bay của Đức Thánh Cha đã đáp xuống căn cứ không quân Villamor gần sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila lúc 5g45 chiều thứ Năm 15-01, giờ Manila. Đám đông dân chúng đã reo hò, ca hát và nhảy múa chào đón Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Philippines –được coi như Trung tâm Công giáo của châu Á–, sau Đức giáo hoàng Phaolô VI (tháng 11/1970) và Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II (tháng 2/1981 và tháng 1/1995).
Chủ đề chính của chuyến tông du lần này là “Thương xót và Nhân từ”; và một trong những khoảnh khắc được chờ đợi nhất sẽ là chuyến viếng thăm tại trung tâm thành phố Tacloban, cách Manila gần 600 km về phía đông nam, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão Haiyan hồi tháng 11 năm 2013 với trên 7.300 người chết hoặc mất tích được ghi nhận. Đức Thánh Cha sẽ cử hành một Thánh Lễ ngoài trời tại sân bay Tacloban, làm phép một trung tâm mới (mang tên ngài) cho người nghèo và dùng bữa trưa với các nạn nhân sống sót. Ngài cũng sẽ gặp gỡ các linh mục, chủng sinh và các tu sĩ nam nữ tại Nhà thờ chính toà Chúa Hiển Dung của Tổng giáo phận Palo. Thị trấn Palo cũng bị cơn bão này tàn phá nặng nề.

Tại thủ đô Manila, Đức Thánh Cha sẽ cử hành hai Thánh Lễ, một Thánh lễ vào ngày thứ Sáu tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm, sau cuộc hội kiến Tổng thống Benigno Aquino, và tiếp theo là một cuộc gặp gỡ các gia đình trên cả nước. Vào Chúa nhật, ngày cuối của chuyến tông du, trước khi lên đường trở về Roma, Đức Thánh Cha sẽ chủ tế Thánh Lễ bế mạc cùng với tất cả các giám mục địa phương. Thánh lễ này diễn ra tại một tại công viên không lồ ven biển, nơi chính Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gặp gỡ rất đông các bạn trẻ trong Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 10, cách nay đúng 20 năm.

Trong một lá thư mục vụ trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Philippines, Đức hồng y Luis Antonio Tagle –Tổng giám mục Manila– nói rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ đem lại cơ hội“ để đón nhận ân sủng, lắng nghe những tiếng gọi, khuấy động những gì tiện nghi, để coi trọng người nghèo, đổi mới xã hội, chăm sóc thiên nhiên và để sống trong vinh dự”.
 
Minh Đức
(WHĐ)

CÁC HOẠT ĐỘNG CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI SRI LANKA

Đức Thánh Cha tông du Sri Lanka: Các hoạt động cuối cùng tại Sri Lanka
 
WHĐ (15.01.2015) – Thứ Năm 15-01 là ngày thứ ba và cũng là ngày cuối trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Sri Lanka. Sau khi cử hành Thánh Lễ riêng, Đức Thánh Cha đã rời Toà Sứ thần Toà Thánh và đến Trung tâm Bênêđictô XVI ở Bolawalana, cách sân bay quốc tế Colombo 8 kilômét. Trung tâm này được xây dựng vào năm 2001 theo sáng kiến của Đức hồng y Malcolm Ranjith để hợp tác với các giới chức chính trị và tôn giáo trong việc tái thiết đất nước. Trung tâm hoạt động trong ba lĩnh vực: đối thoại liên tôn, hợp tác và dạy tiếng Anh. Trung tâm cũng giảng dạy các chương trình cao đẳng trong các ngành khoa học nhân văn, kinh tế, thuơng mại và tin học.

Tại đây, Đức Thánh Cha đã viếng nhà nguyện của Trung tâm, dâng kính Đức Mẹ Lanka. Ca đoàn trình diễn bài Ave Maria (của Gounod). Sau khi ban phép lành cho tất cả những người hiện diện, gồm các tu sĩ dòng Tên và các ngư dân vùng Negombo –một vùng có đa số người Công giáo–, Đức Thánh Cha đã lên một chiếc xe đóng kín cửa để đến sân bay.

Một tấm thảm đỏ lớn trải dài từ sảnh chờ đến cửa máy bay để tiễn chân Đức Thánh Cha. Sri Lanka đã đón tiếp Đức Thánh Cha theo nhịp trống và trên đường dẫn ra máy bay, ở cả hai bên thảm đỏ, các vũ điệu truyền thống lại được trình diễn lần cuối. Tân Tổng thống Maithripala Sirisena cùng với Thủ tướng, các thành viên trong chính phủ, và tất cả các giám mục đã chờ sẵn để chào Đức Thánh Cha. Những cái bắt tay cuối cùng trước khi cất cánh. Đức Thánh Cha bước lên chiếc máy bay của hãng hàng không Sri Lanka, tay xách chiếc cặp nhỏ màu đen mà ngài vẫn giữ từ hồi ở Buenos Aires, trong đó có cuốn sổ tay màu đen và Sách kinh nhật tụng.

Chuyến bay kéo dài gần 7 giờ sẽ đưa Đức Thánh Cha đến Manila vào chiều thứ Năm để đến viếng thăm Philippines trong 4 ngày.
 
Minh Đức
(WHĐ)

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #9

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ CÁC GIA ĐÌNH 
TẠI HỘI TRƯỜNG MALL OF ASIA ARENA, MANILA, PHILIPPINE

Bắt đầu lúc 17g10 giờ địa phương (16g10 giờ Việt Nam)
Thứ Sáu  ngày 16.01.2015



VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #8

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CỬ HÀNH THÁNH LỄ 
TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM 
THỦ ĐÔ MANILA, PHILIPPINE

Bắt đầu lúc 11g00 giờ địa phương (10g00 giờ Việt Nam)
Thứ Sáu  ngày 16.01.2015



VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #7

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ ĐOÀN NGOẠI GIAO

Bắt đầu lúc 10g05 giờ địa phương (09g05 giờ Việt Nam)
Thứ Sáu  ngày 16.01.2015



VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #6

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
GẶP GỠ TỔNG THỐNG PHILIPPINE, 
VÀ CÁC QUAN CHỨC CHÍNH QUYỀN

Bắt đầu lúc 09g15 giờ địa phương (08g15 giờ Việt Nam)
Thứ Sáu  ngày 16.01.2015

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 09 - 15.01.2015

ĐỨC HỒNG Y RANJITH : PHÉP LẠ HOÀ BÌNH XẢY RA NHỜ CHUYẾN TÔNG DU SRI LANKA CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Trong chuyến bay từ Sri Lanka tới Phi Luật Tân, ĐTC Phanxicô được các phóng viên hỏi liệu Ngài có những ưu tư gì về sự an toàn cá nhân không, Ngài trả lời sự quan tâm chủ yếu là cho các tín hữu, và cho biết đã có nói chuyện với các quan chức an ninh cuả Vatican về "các biện pháp thận trọng và an toàn."

"Tôi cũng có lo lắng chứ, nhưng như các bạn đã biết tôi có một khiếm điểm lớn: là khá bất cẩn về mọi thứ, và về chuyện cá nhân thì tôi lại càng liều lĩnh hơn" và với một giọng pha trò Ngài cho biết rằng Ngài đã thường cầu xin, nếu một cái gì đó xảy ra thì "đừng có bị đau, bởi vì tôi không dũng cảm khi bị đau. Tôi rất nhút nhát."

Ngài nói tiếp, "Tôi đang ở trong tay Thiên Chúa."

Sự phú thác vào bàn tay cuả Chuá như thế đã tạo ra một phép lạ phi thường ở Sri Lanka (Tích Lan,) một cuộc đổ máu dữ dội đã tránh khỏi.

Chỉ vài ngày trước thời điểm cuộc tông du, một cuộc bầu cử căng thẳng đã diễn ra một cách thật bất ngờ, và vị tổng thống tại nhiệm đã bị đánh bại, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith cho biết phải là một "phép lạ" khi cuộc chuyển đổi quyền hành diễn ra mà không gây đổ máu, phép lạ này xảy ra được, một phần lớn là nhờ vào chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.

"Trước cuộc bầu cử, đã có rất nhiều áp lực lên hàng giám mục là phải cố gắng ngăn cản Đức Thánh Cha, đừng để cho Ngài đến hoặc hoãn chuyến thăm lại".

"Nhưng chúng tôi đã hành động hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng cuả Thiên Chúa, rằng với đức tin thì mọi sự đều có thể được ... và quả là một phép lạ đã xảy ra, cuộc bầu cử được thực hiện trơn tru và sự chuyển giao quyền lực rất, rất êm suôi," ĐHY Ranjith nói.

Nhắc lại tuần trước, Sri Lanka bầu ra một tổng thống mới, Maithripala Sirisena, trước đây là Bộ trưởng Y tế. Ông đánh bại vị Tổng thống đương nhiệm là Mahinda Rajapaksa, người lãnh đạo quốc gia gần một thập kỷ trước.

Năm năm trước đây TT Rajapaksa Đã kết thúc 30 năm chiến tranh giữa dân Sinhala và dân Tamil, cuộc nội chiến đã làm thiệt mạng khoảng 80.000 - 100.000 người.

Tuy nhiên, dù chấm dứt được cuộc chiến và trở thành vị anh hùng cuả dân tộc, ông Tổng thống không được lòng dân. Các sắc tộc và các tôn giáo thiều số không tin ông, và mức căng thẳng lên rất cao trước cuộc bầu cử.

Sự tĩnh mịch rất "đáng ngạc nhiên" trong sự chuyển đổi quyền hành của chính quyền, là do một phần lớn vào sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, Hồng Y Ranjith nói.

Dù cho có những áp lực đòi hỏi hủy bỏ chuyến viếng thăm, cũng như vô số các cuộc tấn công vào cá nhân, ĐHY giải thích rằng: "Chúng tôi đã tiến tới với lòng can đảm," và đã có thể "chào đón Đức Thánh Cha một cách tốt đẹp như mong muốn. "

Việc chào đón Đức Giáo Hoàng một cách rộng rãi cuả mọi thành phần trong xã hội, bất kể tôn giáo nào, đã có thể nhìn thấy trên gương mặt cuả nhiều ngàn người đứng dọc hai bên đường phố, reo hò chào đón Ngài trên suốt 23 km tuyến đường từ sân bay đến thành phố.

Hơn 70 phần trăm dân số 20,4 triệu người Sri Lanka là Phật tử, Kitô hữu nói chung chỉ có 8 phần trăm mà thôi.

Trong suốt lộ trình từ Phi Trường, chỉ có một vài chỗ nhỏ là còn trống mà thôi, điều đó "cho thấy người dân Sri Lanka đánh giá Đức Giáo Hoàng rất cao, và do đó, là một điều tuyệt vời vì Ngài đã đến," Đức Hồng Y Ranjith nói.

Đức Hồng Y Ranjith cũng bày tỏ lòng biết ơn với Đức Giáo Hoàng vì đã "hy sinh" tới thăm đất nước ngay giữa mùa nóng nực, ngay lúc mặt trời trở nên gay gắt nhất.

Những lời kêu gọi về Hoà Bình và Hoà Giải dân tộc cuả Đức Giáo Hoàng hầu như đang đem lại những hoa quả tốt cho đảo quốc này. Ngày hôm qua, để đáp mừng cuộc Tông Du, chính quyền Sri Lanka đã ân xá cho 600 tội nhân, và đồng thời ở miền Bắc đất nước nơi người Tamil thua trận, chính quyền cũng chấm dứt chế độ quân quản ở đó, chuyển đổi chức thủ hiến từ quân sự ra dân sự.


Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)  

TÓM LƯỢC CUỘC HỌP BÁO CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRÊN MÁY BAY NGÀY 15.01.2015

Ngày 15-1-2015, trên chuyến bay dài hơn 6 tiếng đồng hồ từ thủ đô Colombo của Sri Lanka đến Manila, Philippines, ĐTC Phanxicô đã dành 45 phút để trả lời các câu hỏi của một số đại diện trong số 76 ký giả tháp tùng ngài. Từ vấn đề tự do ngôn luận, báo chí, cho đến Thông điệp ngài sắp công bố về môi sinh, vấn đề hòa giải tại Sri Lanka, và nạn lạm dụng trẻ em..

Chống lạm dụng tự do ngôn luận để mạ lỵ tôn giáo

Trả lời câu hỏi của một ký giả Pháp xin ngài nhận định về những vụ khủng bố gần đây tại Paris, tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, ĐTC nói:

”Cả hai tự do này đều là những quyền căn bản của con người. Kẻ nào chủ trương giết người nhân danh Thiên Chúa thì rơi vào lầm lạc, và cũng sai lầm như thế những kẻ nào xúc phạm tôn giáo nhân danh quyền được nói những gì mình muốn. Về tự do ngôn luận: mỗi người không những có tự do và có quyền, nhưng còn có nghĩa vụ nói điều mà mình nghĩa có thể giúp xây dựng công ích. Nếu một đại biểu không nói điều mà họ nghĩ là con đường chânthực phải theo, thì không cộng tác vào công ích”.

”Nhưng chắn chắn là không thể dùng bạo lực để phản ứng lại sự xúc phạm, nhưng cũng không thể khiêu khích.. ”Không thể mạ lỵ tín ngưỡng của người khác, không thể chế nhạo đức tin, vì tự do ngôn luận có một giới hạn, đó là phẩm giá của mỗi tôn giáo”.

ĐTC cũng nói rằng người ta có nguy cơ bị những phản ứng xấu khi lăng mạ điều thánh thiêng đối với người khác, tương tư như thế, người ta có nguy cơ trở thành nạn nhân của thiên nhiên khi khai thác thiên nhiên thái quá.

Thông điệp về môi sinh

Đó cũng là một đề tài được đề cập đến trong cuộc họp báo: thông điệp về môi sinh mà ĐTC loan báo sẽ công bố. Thông điệp này sẽ hoàn tất vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay. Ngài cho biết cuối tháng 3 sắp tới, ngài sẽ dành một tuần để kết thúc dự thảo thông điệp. Sau dự thảo thứ I do ĐHY Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đệ trình cho ngài, ngài đã duyệt lại dự thảo thứ II với sự cộng tác của các chuyên gia, và dự thảo thứ III được soạn với sự đóng góp của các nhà thần học và những đóng góp xây dựng khác từ Bộ giáo lý đức tin, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh và LM thần học gia tại Phủ giáo hoàng. Thông điệp này sẽ là một đóng góp cho Hội nghị thượng định sắp tới ở Paris về việc bảo vệ môi sinh. Hội nghị thượng đỉnh lần trước tại Peru đã làm ngài thất vọng vì ”thiếu can đảm”.

Phong thánh theo thể thức tương đương

Được hỏi về việc phong thánh ở Sri Lanka, ĐTC giải thích tại sao gần đây ngài dành ưu tiên cho việc phong hiển thánh theo thể thức tương đương, trong trường hợp đó là những vị chân phước đã được tôn kính từ nhiều thế kỷ, như trường hợp Chân phước Joseph Vaz Tông đồ tại Sri Lanka. Còn trong trường hợp các chân phước Angela da Foligno, Pierre Favre SJ, Anchieta SJ và những vị khác, ngài quyết định phù hợp với quan điểm của ngài Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm (Evangelii gaudium): ngài muốn ”những nhà đại truyền giáo”. Cũng vậy trong cuộc viếng thăm vào tháng 9 tới đây tại Hoa Kỳ, ngài sẽ tôn phong hiển thánh cho chân phước Junipero Serra, dòng Phanxicô, là vị đã mang Tin Mừng vào miền tây nước Mỹ.

Chống lạm dụng trẻ em trong các vụ khủng bố tự sát

ĐTC mạnh mẽ chống lại việc lạm dụng ngày càng gia tăng đối với các trẻ em nam nữ trong các vụ khủng bố tự sát, một thảm trạng cũng đã từng xảy ra tại Sri Lanka trong thời nội chiến. Ngoài những vấn đề tâm lý, ĐTC coi đó là là một sự thiếu quân nơi những người tự sát để giết người. Một kẻ khủng bố tự sát là một người hiến mạng sống nhưng làm không đúng, trái ngược với tấm gương của bao nhiêu thừa sai, cũng hiến mạng sống, nhưng là để xây dựng. Vì thế, đối với ĐGH, đặt bom ở lưng một trẻ em không là gì khác hơn là một cách thức kinh khủng biến em ấy thành một nô lệ.

Vatican có thể bị khủng bố?

Trả lời câu hỏi về vấn đề: có thể có khủng bố chống bản thân ngài và Vatican hay không, ĐTC mỉm cười nói ngài chỉ sợ cho sự an toàn tính mạng của những ngừơi đến gặp ngài. Ngài cho biết là ngài đối đầu với nguy hiểm này bàng ”một liều 'vô thức'! Cách tốt nhất để đáp lại bạo lực là sự dịu dàng.

Viếng thăm chùa Phật giáo

Trả lời câu hỏi tại sao ngài bất ngờ đến viếng chùa Phật giáo chiều ngày thứ tư, 14-1-2015 ở Colombo, ĐTC cho biết đó là một cuộc viếng thăm đáp lễ đối với vị sư trụ trì chùa ấy. Vị sư đã ra phi trường chào đón ngài. Ngoài ra ngài cũng muốn nhìn nhận giá trị của sự liên tôn.. đặc tính này cũng được biểu lộ ở Đền thánh Đức Mẹ Madhu ở miền bắc Sri Lanka, đây không phải chỉ là nơi gặp gỡ và cầu nguyện của các tín hữu Công Giáo mà thôi.

Ủng hộ ủy ban sự thật và hòa giải

Được hỏi về việc ngài ủng hộ Ủy ban sự thật và hòa giải trên thế giới, như Ủy ban ở Sri Lanka, ĐTC cho biết ở Argentina, ngài cũng đã từng ủng hộ tất cả những cố gắng quân bình giúp mọi người đồng ý với nhau, và không tìm kiếm sự báo thù. ĐTC nhắc lại lời tân tổng thống Sirena của Sri Lanka và cho biết ngài ngưỡng mộ ý tưởng của Tổng thống muốn đi đến cùng công việc kiến tạo hòa bình và hòa giải, nhất là kiến tạo sự hòa hợp nơi dân chúng ở Sri Lanka.. Nhưng để đạt được mục tiêu này cần phải ”đi vào tâm hồn dân chúng” (SD 15-1-2015)


Lm. Trần Đức Anh OP
(VietCatholic News) 

GẶP GỠ ĐỒNG HƯƠNG TẠI SRI LANKA

Gặp gỡ đồng hương tại Tích Lan: 
Đức Khâm Sứ Pierre Nguyễn văn Tốt bình dân giản dị

 COLOMBO, TÍCH LAN - Trưa nay 15/1/1015 anh em chúng tôi lên đường đến Tòa Khâm Sứ để gặp Đức Tổng Giám Mục Pierre Nguyễn văn Tốt, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Đảo Quốc Sri Lanka như đã hẹn. 

Phương tiện di chuyển như chúng tôi đã đề cập trong một bài viết trước là loại xe như Lambretta ở Việt Nam. Bên nầy gọi loại xe đó là Tuk. Giá đi cũng bình dân. Bình thường từ khách sạn chúng tôi đến Tòa Khâm Sứ khoảng 100 Rupees, nhưng trong những ngày nầy, khi nhìn chúng tôi mấy anh chàng tài xế nghĩ chúng tôi là Phi hoặc Tàu Mã vì mầu da của chúng tôi không đen đậm đà như họ, cho nên họ tự động tăng giá xe lên 200 Rupees. Tương đương $2 dollars Úc. Đôi lúc họ cũng nói cao lên như 500 Rupees nhưng khi chúng tôi trả giá xuống 300 Rupees thì họ OK ngay. Họ dễ thương là ở chỗ đó… vì chúng tôi cũng thầm nghĩ dịp ĐGH Phanxicô đến Đảo Quốc nầy, những chú tài xế kiếm thêm tiền phụ trội cho bữa cơm tối thêm thịnh soạn hơn dịp Người Cha Phanxicô tông du ‘Hòn Ngọc của Ấn Độ Dương’ trong những ngày nầy. Bằng chứng là trưa nay chúng tôi cũng dùng phương tiện nầy…. khỏi cần phải ‘hỏi giá’ vì chúng tôi đã biết giá mà chúng tôi chỉ hỏi từ đây đến con đường… của Tòa Khâm Sứ là … bao nhiêu … Rupees có chạy không?

Giống như những con đường chính và đặc điểm của thủ đô Canberra, Úc Châu, các Tòa Đại Sứ đều nằm gần nhau. Vì thế, việc tìm địa chỉ Tòa Khâm Sứ không đến nỗi khó khăn lắm.

Chúng tôi được một nữ tu thuộc Dòng Bác Ái, phục vụ trong Nhà Khâm Sứ hướng dẫn và đưa vào phòng khách ngồi chờ ĐTGM Pierre. Đang lúc ngồi chờ ĐTGM Pierre trong Tòa Khâm Sứ, chúng tôi mường tượng lại hình ảnh Vị Cha Phanxicô đã ở đây, ngồi trên những ‘Chiếc Ghế-Salon’ nầy trong 3 ngày vừa qua và Ngài đã dâng lễ trong Nhà Nguyện nầy sáng sớm hôm nay mà chúng tôi đã vào Viếng Thánh Thể trước khi Ngài ra phi trường bay sang Phi Luật Tân…

Hình ảnh ĐTGM Pierre xuất hiện… chúng tôi nhìn thấy khi ngài từ trên lầu bước xuống phòng khách đã ‘cướp đi’ những suy nghĩ về ĐGH Phanxicô đã ngồi trên những chiếc ghế mà chúng tôi đang ngồi trong phòng khách của Tòa Khâm Sứ.

Sau khi trao đổi chào hỏi xã giao, chúng tôi xin được phép ĐTGM Pierre để bước vào phần phỏng vấn. Nội dung cuộc phỏng vấn, ĐTGM Pierre Nguyễn văn Tốt đã dành cho Thông Tấn Xã Vietcatholic News… chúng tôi sẽ đưa lên Mạng Luới Vietcatholic một ngày rất gần đây… Bây giờ, xin cùng chúng tôi tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn về Vị Khâm Sứ Gốc Việt nầy trước khi chúng tôi từ giã ngài…

Sau khi phỏng vấn xong, Đức Tổng mời chúng tôi đi ăn cơm Tàu ở gần Tòa Khâm Sứ… Ngài định nhờ tài xế chở chúng tôi đi… nhưng có lẽ tiệm ăn như ngài nói không xa lắm…và một phần trong những ngày vừa qua, tài xế bận bịu nhiều nên ngài không muốn ‘Làm Phiền Bác Tài’, cho dù là tài xế, nên ngài đề nghị: “Chúng ta cùng đi bộ”.

Với một cái nón nỉ ‘rẻ tiền-đơn sơ’ đội đầu. Bộ đồ cũng ‘bình dân-cũ kỹ’ có lẽ cũng ‘rẻ tiền’ chỉ nhờ cổ áo trắng mới biết la ‘linh mục’ chứ không thể tưởng là ĐTGM hay Đức Khâm Sứ. Ngoài ra, một cặp kính đen để chống những ánh sáng mặt trời cực mạnh và ngoài ra một chiếc áo khoát nhẹ màu xanh nhạt cũng đã trổ màu… Nhìn ngài chúng tôi thầm nghĩ và thương ngài như là thương những cha già ở các họ đạo vùng quê ở Việt Nam hơn là hình ảnh của một Vị Khâm Sứ đại diện cho Đức Thánh Cha ở đất nước Tích Lan nầy. Khi xem những hình ảnh của ngài trong cuộc phỏng vấn, quý vị sẽ cảm nghiệm nhiều hơn về ngài.

Con đường đến tiệm ăn ngài chia sẻ cho chúng tôi nhiều điều thú vị, lúc băng qua đường, dường như chúng tôi không nghĩ mình là linh mục hay ngài là Đức TGM Pierre - Khâm Sứ Tòa Thánh - mà là cha con… đang nắm tay nhau qua đường làm sao cho an toàn…

Trong tiệm ăn lúc chờ đợi thức ăn, ngài tiếp tục chia sẻ cho chúng tôi những kinh nghiệm từng trải của một nguời con Việt sống xa quê nhà mà chúng tôi sẽ có dịp đề cập đến trong một bài viết khác… Trên đường về, ngài dẫn chúng tôi ghé một tiệm bán đồ kỷ niệm của Tích Lan gần Tòa Khâm Sứ, ngài hướng dẫn, cắt nghĩa mọi sự như là một người hướng dẫn khách du lịch.

Khi về đến Toà Khâm Sứ, trước khi từ giã ngài, một linh mục trong nhóm chúng tôi có hỏi ngài, trong 3 ngày ĐGH Phanxicô ở đây, Ngài thường ngồi “Ghế Nào” và ở đâu? ĐTGM Pierre trả lời là ĐGH ngồi nhiều nơi và nhiều ‘Ghế’ lắm.

Vị linh mục bèn nói, con sắp cất một nhà thờ mới, vậy con muốn xin ĐTGM một ‘Đặc Ân’ là cho con xin một ‘Cái Ghê’ nào mà ĐTC Phan xicô đã ngồi. ĐTGM Pierre hướng dẫn chúng tôi vào phòng ăn và chỉ cho chúng tôi ‘Cái Ghế’ mà ĐTC đã ngồi ăn. Trong phương cách giản dị, ngài nói được và nhờ linh mục nầy đem ‘Cái Ghế Đặc Biệt Nầy’ để trong Nhà Nguyện hầu khỏi lẫn lộn với những cái ghế khác. Chúng tôi tin chắc ‘Chiếc Ghế Kỷ Niệm Nầy’ ngày mai sẽ lo thủ tục vận chuyển về Perth và nó sẽ được đặt để trên gian Cung Thánh của một ngôi nhà thờ mới mà cho tới giây phút nầy, chúng tôi chưa biết sẽ lấy tên là gì khi cất xong…???

Cuộc sống của ngài Pierre như một cha sở miền quê giản dị. Chúng tôi muốn kết thúc nơi đây bằng câu chuyện nhỏ mà ngài đã tâm sự hôm nay như sau: Trong nhà có duy nhất một chai nước mắm, nhưng e ngại ‘nhân viên’ của ngài không chịu nổi mùi nước mắm của quê hương và nhất là khi có ĐGH đến ở mấy ngày… Ngài đem chai nước mắm của quê hương ‘Dấu-Cất’ trong phòng riêng để không ai ngửi được mùi độc đáo nầy’. Ngài sống vì người khác cho dù họ dưới quyền của ngài hơn là đòi hỏi người khác phải đáp ứng những nhu cầu cho ngài vì ngài là Tổng Giám Mục và là Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Đảo Quốc Sri Lanka và nơi đây còn được gọi là ‘Hòn Ngọc của Ấn Độ Dương’. Ba ngày trên Đảo Quốc Sri Lanka - Tích, chúng tôi sẽ mang về Perth hình ảnh một Nguời Mục Tử Việt Nam trên cương vị Khâm Sứ Tòa Thánh hiền hòa, đơn sơ, giản dị. Luôn sống vì người khác và luôn nghĩ đến tha nhân.

Thay mặt Toàn Ban Biên Tập của Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam - Vietcatholic News chúng con xin tri ân Đức Tổng Pierre đã dành cho chúng con những giây phút trân quý trong những ngày nầy, nhờ đó, chúng con học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích cho cuộc sống phục vụ đàn chiên nơi đất khách quê người.

Nhóm Phóng Viên Vietcatholic News
Colombo, ngày 15.1.2015

(Vietcatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GHÉ THĂM MỘT NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO TẠI THỦ ĐÔ COLOMBO, SRI LANKA

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng thứ hai đến thăm một ngôi chùa Phật giáo. Trong những thay đổi lịch trình của ngài vào giờ chót, Đức Thánh Cha đã ghé thăm để tỏ lòng kính trọng của ngài với các nhà lãnh đạo Phật Giáo ôn hoà tại một ngôi chùa quan trọng ở thủ đô Sri Lanka. Tại đây, ngài đã chứng kiến một nghi lễ quan trọng của Phật giáo: lễ mở bảo tháp di tích của hai đệ tử quan trọng của Phật Thích Ca.

Đức Giáo Hoàng đã trân trọng lắng nghe các nhà sư Phật giáo tụng niệm và cầu nguyện trong khi mở bảo tháp chứa các di tích đặt trong chùa Agrashravaka.

Thông thường, bảo tháp chứa các di tích chỉ được mở ra cho các Phật tử chiêm ngưỡng mỗi năm một lần. Các Phật tử từ khắp Sri Lanka xếp những hàng dài trong những cho ngày đó để có dịp chiêm bái và tỏ lòng kính trọng đối với các di tích này. Họ coi việc chiêm ngưỡng này là một hạnh ngộ, và là một đặc ân hiếm hoi.

Sư phụ trụ trì tại chùa, là hòa thượng Banagala Upatissa, nói với thông tấn xã AP rằng việc mở bảo tháp chứa các di tích cho Đức Giáo Hoàng chứng kiến "là vinh dự cao nhất và tôn quý mà chúng tôi muốn dành cho ngài."

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết hòa thượng Banagala Upatissa đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm ngôi chùa của ông khi ông có dịp bắt tay Đức Thánh Cha trong buổi lễ chào đón tại sân bay Bandaranaike của Colombo hôm thứ Ba. Hòa thượng Upatissa là người đứng đầu Hội Mahabodhi, một tổ chức Phật giáo quan trọng, rất tích cực trong cuộc đối thoại liên tôn. Ông đã từng đi thăm Vatican và được dịp chụp hình chung với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Bức ảnh kỷ niệm đã được phóng rất lớn và được đặt trong căn phòng tiếp tân của hội Mahabodi.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm một ngôi chùa Phật giáo trong một chuyến thăm Thái Lan năm 1984.

Cha Federico Lombardi giải thích thêm là Đức Thánh Cha Phanxicô không cầu nguyện hay thinh lặng trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi này, mặc dù ngài cũng đã cởi giày như tất cả du khách đến chùa phải làm.

Cha Federico Lombardi lưu ý rằng không giống như chuyến thăm gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đền thờ Xanh của Hồi giáo tại Istanbul - nơi Đức Giáo Hoàng đã dừng lại một chút trong lời cầu nguyện với vị lãnh tụ Hồi giáo - lần này là mọi chuyện diễn ra ngắn hơn nhiều, và chỉ được xếp lịch vào những giờ phút cuối cùng.

"Không có một thời gian im lặng theo nghĩa đen của từ này.” Cha Lombardi nói với các phóng viên: "Tôi chỉ có thể nói rằng Đức Giáo Hoàng đã lắng nghe với sự tôn trọng tuyệt vời lời cầu nguyện của các nhà sư và những lời giải thích về các di tích."

Chuyến viếng thăm ngôi chùa này là một trong ba bổ sung cuối cùng Đức Giáo Hoàng đã thực hiện trong lịch trình bận rộn của ngài hôm thứ Tư 14 tháng Giêng. Sau khi phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka và viếng thăm ngôi đền linh thiêng nhất của Kitô giáo Sri Lanka ở một khu rừng phía bắc Colombo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp cựu tổng thống vừa bị thất cử, là ông Mahinda Rajapaksa, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Cha Lombardi nói ông Rajapaksa đã muốn có một cuộc hội kiến riêng với Đức Thánh Cha. Ông là người đã mời ngài đến thăm đất nước này.

Đức Thánh Cha sau đó đã gặp gỡ với các giám mục của 11 giáo phận và một tổng giáo phận của Sri Lanka. Lẽ ra cuộc gặp gỡ đã diễn ra một ngày trước đó nhưng ngài đã quá mệt sau 9 giờ đồng hồ trên máy bay, sau những lễ nghi đón tiếp tưng bừng tại phi trường quốc tế của Colombo và sau khi dang nắng trên đoạn đường dài 28km từ phi trường về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

HAI ĐIỀU ĐÁNG LƯU Ý TRONG CHUYẾN VIẾNG THĂM SRI LANKA CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Điều thứ nhất: ngài là vị giáo hoàng của ngạc nhiên. Điều thứ hai, ngài là vị giáo hoàng, dù trong cảnh ngộ nào, vẫn được cảm tình của tường thuật truyền thông.

Giáo hoàng của ngạc nhiên

Tại Colombo, Đức Phanxicô vẫn duy trì được danh hiệu giáo hoàng của những ngạc nhiên và nối vòng tay lớn. Thực vậy, vào buổi tối Thứ Tư vừa qua, ngài đã phối hợp được cả hai khía cạnh ấy khi bất ngờ viếng thăm ngôi đền Phật Giáo tại thủ đô Sri Lanka.

Theo phát ngôn viên Tòa Thánh, tại ngôi đền trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được chỉ cho xem một căn phòng có tượng Buddha và hai vị thánh khác của truyền thống Phật Giáo. Các vị sư trụ trì cũng cho ngài xem một chiếc bình đựng thánh tích mà thỉnh thoảng lắm mới được mở ra, nhưng dịp này, các vị đã mở ra cho ngài xem.

Nhân dịp này, các vị sư trụ trì cũng cho ngài nghe ca hát mà theo phát ngôn viên Tòa Thánh, ngài đã “tôn kính lắng nghe”.

Dù không hề là lần đầu, vì Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng tới thăm một vị lãnh đạo Phật Giáo Thái Lan tên Vasana Tara tại một trung tâm Phật Giáo khi thăm Bangkok năm 1984, nhưng việc Đức Phanxicô thăm ngôi đền Phật Giáo này phải được coi là bất thường.

Một phát ngôn viên của Tòa Thánh cho biết một trong các vị có thẩm quyền trong Phật Giáo, khi nghinh đón Đức Phanxicô tại phi trường Colombo đã mời ngài ghé thăm, và Đức Phanxicô “muốn chứng tỏ tình bằng hữu và thái độ tích cực của ngài” đối với các Phật Tử.

Cuộc ghé thăm không dự trù trước mà theo phát ngôn viên Tòa Thánh kéo dài 20 phút này diễn ra sau khi Đức Phanxicô từ Đền Đức Mẹ Madhu trở về, nơi trước đây vốn là vùng tranh chấp trong cuộc nội chiến kéo dài 30 năm.

Cuộc nội chiến này khiến người đa số Phật Giáo chống lại người thiểu số Tamil theo Ấn Giáo, và là lý do khiến cho vấn đề hòa giải và hoà hợp tôn giáo trở thành các chủ đề chính của chuyến viếng thăm Sri Lanka.

Trong cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo vào đêm thứ Ba, chẳng hạn, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “không bao giờ được lạm dụng các niềm tin tôn giáo để bênh vực bạo lực và chiến tranh”.

Cuộc ghé thăm ngôi đền cách bất ngờ hôm thứ Tư có một ý nghĩa đặc biệt nếu xét tới phản ứng tiêu cực của Phật Giáo đối với cuộc viếng thăm năm 1995 trước đây của Đức Gioan Phaolô II, một cuộc viếng thăm diễn ra không lâu sau khi ngài làm người Phật Giáo nổi giận vì gọi tín ngưỡng của họ “phần lớn thuộc hệ vô thần” trong một cuộc phỏng vấn của một nhà báo Ý. Các vị lãnh đạo Phật Giáo hồi ấy đã tẩy chay cuộc gặp gỡ liên tôn do ngài tổ chức.

Dù trong cảnh ngộ nào, vẫn được cảm tình của tường thuật truyền thông

Nhà báo John L. Allen Jr., trong bài báo viết ngày 14 tháng Giêng từ Colombo, cho rằng chuyến tông du Sri Lanka, một lần nữa, nói lên khía cạnh quyến rũ của Đức Phanxicô đối với tường thuật truyền thông.

Ông cho rằng những nét tổng quát trong tường thuật thông thường về Đức Phanxicô nay đã trở thành quen thuộc. Ngài được coi như người bênh vực người nghèo và người bị chà đạp cũng như là nhà cải cách không câu nệ muốn dẫn Đạo Công Giáo tiến theo chiều cấp tiến.

Tuy không được người Công Giáo bảo thủ ưa thích, nhưng xét theo công luận và tường thuật truyền thông, lối nhìn trên thường có nghĩa là ngài vượt qua nhiều thiên kiến mà các vị tiền nhiệm không vượt qua được.

Tháng tám năm ngoái, chẳng hạn, khi Đức Phanxicô tới thăm một cơ sở bác ái CG bên ngoài Hán Thành tên là Kkottongnae. Cơ sở này chứa 5,000 người bệnh và khuyết tật, do một linh mục đầy lôi cuốn tên là John Oh thành lập. Vị linh mục này vướng vào nhhiều tai tiếng xưa nay.

Một số người trong Giáo Hội Đại Hàn coi nghiệp vụ này như một bịp bợm, chỉ lo gây quĩ hơn là phục vụ người cần tới; trước khi Đức GH tới thăm, những người chỉ trích cơ sở này vốn tổ chức cả hàng loạt các cuộc phản đối.

Tuy nhiên, cuối cùng, không một tai tiếng nào ảnh hưởng tới cuộc thăm viếng của Ngài; tình yêu thương người nghèo của ngài đã trở thành một thứ dã sử. Truyền thông không hề đặt dấu hỏi nào về chuyến viếng thăm này cả.

Tuần này, tại Colombo, ta cũng thấy một chuyện tương tự. Đêm thứ Ba, Đức Phanxicô đọc một bài diễn văn tại cuộc gặp gỡ liên tôn. Bài diễn văn này không khác về nội dung so với Đức Bênêđíctô XVI chút nào: cũng dè dặt về các giới hạn của cuộc đối thoại liên tôn: “Như kinh nghiệm đã cho thấy, muốn cho cuộc đối thoại như thế được hữu hiệu, nó cần được đặt cơ sở trên việc trình bày ngay thẳng các xác tín của mình” nghĩa là phải “trung thực” khi nói lên các niềm tin của mình.

Ngài nói tiếp “người ta không cần phải từ bỏ căn tính của họ, bất luận là căn tính sắc tộc hay tôn giáo, mới có thể sống hòa hợp với anh chị em mình”.

Nếu là Đức Bênêđíctô XVI nói như thế, nhiều thính giả chắc chắn sẽ nghĩ tới các tranh cãi lâu đời khiến Rôma chống lại các giám mục và các thần học gia Á Châu trong các vấn đề này. Họ sẽ cho rằng Đức GH muốn dập tắt hay ít nhất cũng muốn lên án cách khéo léo các quan điểm cấp tiến, muốn sáp lại Á Châu và các truyền thống của nó.

Với Đức Phanxicô thì khác, không ai hoài nghi ý muốn nối vòng tay lớn, nguyện vọng tha thiết muốn đối thoại của ngài, nên những nhận định như thế không ai chú ý cả, hay ít nhất không gây nên bất cứ phản ứng hay nhận định tiêu cực nào.

Sáng thứ Tư cũng thế, Đức Phanxicô, trong bài giảng lễ phong thánh cho linh mục Joseph Vaz, đã thúc giục người Công Giáo noi gương vị thánh mới và trở nên “các môn đệ truyền giáo”; ngài cho rằng “chúng ta được kêu gọi lên đường với cùng một lòng nhiệt thành như thế’.

Đức Gioan Phaolô II cũng nói như thế khi tông du Ấn Độ năm 1999. Ngài kêu gọi cho có một mùa gặt đức tin vĩ đại trên lục địa bao la và chủ yếu này… Thiên niên kỷ thứ nhất, thánh giá được trồng tại Âu Châu, và thiên niên kỷ thứ hai, được trồng tại Mỹ Châu và Phi Châu thế nào, thì thiên niên kỷ thứ ba, Thánh Giá cũng phải được trồng tại Á Châu như thế.

Lời nhận định ấy đã khiến nhiều người Ấn Độ theo Ấn Giáo nổi giận và lên tiếng phản đối phong trào cải đạo của Kitô Giáo tại đây. Họ tổ chức nhiều cuộc phản đối dọc lộ trình của ngài và yêu cầu ngài xin lỗi.

Nhưng với Đức Phanxicô, sự việc có khác. Cũng những câu nói với cùng nội dung đã không bị ai phê bình chỉ trích dù là người Phật Giáo đa số hay người Ấn Giáo thiểu số.

Vũ Van An
(VietCatholic News) 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA #4

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
VIẾNG THĂM ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ MADHU, BẮC SRI LANKA



ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ THU HÚT MỘT ĐÁM ĐÔNG LƯƠNG GIÁO KHỔNG LỒ

Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ mang đến cho Sri Lanka vị thánh đầu tiên nhưng ngài còn thu hút một đám đông khổng lồ lớn chưa từng có trong lịch sử Sri Lanka, làm choáng váng ngay cả Vatican. Đó là nhận định của NBC News về hai biến cố lớn đã diễn ra hôm thứ Tư 14 tháng Giêng.

Kitô hữu chỉ chiếm bảy phần trăm dân số ở Sri Lanka, nơi đa số dân là Phật giáo (ít nhất là 70 phần trăm) và gần 13 phần trăm là người Ấn Giáo.

Trong số hàng trăm ngàn người Sri Lanka ở Colombo xếp hàng để chào đón Đức Giáo Hoàng có một số đông đảo các tín đồ của các giáo phái ngoài Kitô giáo, những người đã nhiệt thành chào đón chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng.

"Ngay cả những người Phật tử cũng vẫy cờ hân hoan chào đón Đức Thánh Cha từ các bậc thềm của một ngôi chùa Phật giáo, khi xe ngài đi qua," Amal Nanayak Kata, một Phật tử 56 tuổi, nói với NBC News. "Chúng tôi đều rất vui mừng thấy vị Giáo Hoàng này đến chúc phúc cho hòn đảo xinh đẹp của chúng tôi."

Shyamala Rasarantnam, một người Ấn giáo 55 tuổi, cho biết ông rất ấn tượng trước hàng loạt những thông điệp của Đức Giáo Hoàng và thái độ của ngài.

"Ngài linh hứng hòa bình khích lệ lòng khoan dung, sự đa dạng trong văn hóa của lòng tốt và sự cảm thông," Rasarantnam nói với NBC News. "Trên tất cả ngài nhấn mạnh rằng tất cả các tôn giáo phải nên sống chung trong hòa bình."

Chuyện Đức Giáo Hoàng Phanxicô được người ta nồng nhiệt chào đón không phải là chuyện lạ, nhưng mức độ cuồng nhiệt của đám đông thậm chí đã làm các viên chức Vatican bất ngờ.

"Có rất nhiều người trên đường từ sân bay vào thành phố, một điều thật ấn tượng", Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Đức Thánh Cha, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba. "Chúng tôi không mong đợi sự chào đón nồng nhiệt như thế ở một nước người Công Giáo không phải là đa số."

Đối thoại liên tôn đã luôn là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của Đức Giáo Hoàng sau khi ngài được bầu kế vị Thánh Phêrô vào năm 2013. Lời kêu gọi hòa giải giữa các tôn giáo và các sắc dân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chạm đúng dây thần kinh của người dân ở Sri Lanka - một đất nước đã chìm sâu trong những căng thẳng tôn giáo sau khi vừa trải qua gần 26 năm nội chiến.

Đức Thánh Cha đã hùng hồn nói với các nhà lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo ở Sri Lanka rằng: “Vì thiện ích của hòa bình, niềm tin tôn giáo không bao giờ được phép lạm dụng làm cớ gây ra bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát thách thức các cộng đồng của chúng ta sống trọn vẹn những giáo lý về hòa bình và chung sống được tìm thấy trong mỗi tôn giáo, và tố cáo những hành vi bạo lực một khi chúng xảy ra.”

Vạch trần sự thống khổ của dân lành vô tội trước những sách động hận thù của một thiểu số tăng ni quá khích, Đức Thánh Cha nói: “Trong nhiều năm qua, những người nam nữ của đất nước này đã là nạn nhân của xung đột dân sự và bạo lực. Điều cần thiết hiện nay là chữa lành và đoàn kết, chứ không phải là gia tăng thêm những xung đột và chia rẽ.”

Thông điệp này làm Gazalli Mohideen, một người Hồi Giáo 53 tuổi, hết sức phấn chấn.

"Thật là một cơ hội tuyệt vời, nhờ vào vị giáo hoàng này, là người làm hết sức hướng tới sự hài hòa đa tôn giáo. Và một khi nói đến Sri Lanka, hài hòa đa tôn giáo là nhu cầu từng giờ từng phút."

Để thực hành những gì ngài đã rao giảng, Đức Thánh Cha đã đến Madhu – một khu vực phía Bắc nơi đã từng là một chiến trường đẫm máu trong 25 năm nội chiến của Sri Lanka.

Tại đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, kêu gọi sự thật để 'chữa lành'

"Có những gia đình ở đây hôm nay đã chịu biết bao đau khổ trong cuộc xung đột lâu dài xâu xé con tim Sri Lanka," Đức Giáo Hoàng nói với đám đông dân chúng, khích lệ tinh thần hòa giải đối với "tất cả các điều ác nào đã xảy ra trên mảnh đất này."

"Chỉ khi chúng ta nhận thức, trong ánh sáng của thập giá, về sự ác chúng ta có thể phạm và thậm chí còn là một phần của sự ác ấy, chúng ta mới có thể trải nghiệm lòng ăn năn và hối hận thật sự. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhận được ân sủng để chào đón nhau với một cõi lòng thống hối thật sự, tha thứ và tìm kiếm sự tha thứ chân thật."

Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

NHỮNG BUỔI GẶP GỠ Ở COLOMBO, SRI LANKA

Những buổi gặp gỡ ở Colombo, Sri Lanka
Sâu đậm tình đồng hương và tình người

Sau thánh lễ phong vị thánh TIÊN KHỞI JOSEPH VAZ - FIRST SAINT of or for Sri Lanka – của Đất Nước và Giáo Hội Sri Lanka, chúng tôi cùng theo dòng lũ người rời Galle Face Green, Colombo về lại khách sạn. Địa điểm phong thánh, nếu ngày thường, chỉ mất khoảng 10 phút lái xe hay đi taxi, nhưng chúng tôi cứ theo dòng lũ đẩy đưa cho đến khi ra ngoài khu vực hành lễ và về đến khách sạn mất hơn 2 tiếng đồng hồ.

Dòng lũ người theo như báo chí hay những thông tấn xã nhận định đã đến tham dự lễ nghi Phong Thánh Joseph Vaz do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ phong có thể ước lượng khoảng 1 triệu người hiện diện. Đó là chưa kể đến số người theo dõi Lễ Nghi Phong Thánh ở nhà, nơi công cộng hay công sở do các kênh truyền hình trực tiếp truyền thanh và truyền hình toàn bộ lễ nghi phong thánh. Buổi chiều, chúng tôi nghỉ ngơi.

Như chúng tôi đã đề cập trong hai bài viết trước là nếu không có Đức TGM Pierre Nguyễn vănTốt ở đây thì chúng tôi đã không có mặt ở Tích Lan. Và thêm vào đó, lại có một số giáo dân Sri Lanka đang sinh sống và là thành viên trong những giáo xứ chúng tôi phục vụ ở Úc, khi biết chúng tôi sẽ sang Sri Lanka thì họ ước ao những người thân của họ gặp gỡ chúng tôi khi sang Colombo. Vâng đúng vậy, qua dịp đến đây, chúng tôi có được những kinh nghiệm quý báu để viết tiếp bài 3 với tựa đề: “Những Buổi Gặp Gỡ Ở Colombo, Sri Lanka - Sâu Đậm Tình Người Đồng Hương và Tình Người"

Chúng tôi cảm nhận sâu sắc về ‘Tình Người Đồng Hương’ Việt Nam vì đã đề cập nhiều trong 2 bài viết trước đây. Dù bận rộn với công việc của một Sứ Thần Tòa Thánh, nhưng ĐTGM Pierre đã dành thời gian cho chúng tôi dù không tiếp xúc trực tiếp chúng tôi trong những 2 ngày trước đây, nhưng ngài vẫn liên lạc với anh em chúng tôi qua những emails. Cụ thể nhất là trong ngày lễ Phong Thánh, ngài gởi cho chúng tôi email lúc 1.00am tức là sáng sớm ngày hôm qua Thứ Tư. Tính từ lúc chúng tôi đặt chân đến phi trường Colombo rạng sáng thứ Ba vừa qua cho đến hôm nay là thứ Năm, dường như mỗi ngày, ngài dành thời gian để liên lạc với chúng tôi qua emails.

Một cử chỉ ‘Đồng Hương’ đáng cho chúng tôi học hỏi và cảm phục ở nơi ngài là sau thánh lễ phong thánh một người trong anh em chúng tôi cố gắng lên gần khán đài để chụp hình ĐGH Phanxicô khi Ngài rời khán đài đi xuống và vô phòng thay lễ phục - ĐTGM Pierre cùng đi với ĐGH Phanxicô, lúc đi ngang qua chỗ người bạn chúng tôi đang đứng… người bạn chúng tôi thấy ngài Pierre thì gọi… “Đức Tổng…” trong ngôn ngữ Mẹ Việt Nam… ĐTGM Pierre nghe và thấy chúng tôi là người ‘Đồng Hương Việt Nam’ liền nói ngay một câu mà không cần suy nghĩ: “Hẹn gặp Cha…..ngày mai… cho dù ĐTGM Pierre không hề gặp anh em chúng tôi trước đây bao giờ và ở bất cứ nơi đâu. Chính điều nầy đã cho chúng tôi một cảm nghiệm, dù bận rộn…. nhưng khi gặp người Đồng Hương Việt Nam, ngài đã nhận diện và còn nhắc là ngày mai - tức hôm nay để ‘Phỏng Vấn Ngài Về Biến Cố ĐGH Phanxicô đến Sri Lanka và dùng bữa với ngài Pierre trong sự hiếu khách dành cho người ‘Đồng Hương Gặp Gỡ Nơi Xứ Lạ Quê Người’.

Tối hôm qua, chúng tôi được một gia đình có người thân trong giáo xứ của chúng tôi đến khách sạn đưa chúng tôi đi tham quan những thắng cảnh của thành phố Colombo về đêm qua nghệ thuật trang trí đèn và tham quan những ngôi chùa nổi tiếng mà những du khách đã đặt chân đến thành phố ‘Hòn Ngọc của Ấn Độ Dương’ mà không đến tham quan là một thiếu sót rất lớn khi đã đến Đảo Quốc tuyệt đẹp với biển xanh bao quanh.

Hai ông bà đưa chúng tôi đi tham quan thành phố Colombo, người vợ là Công Giáo, người chồng là Phật Giáo. Họ đã đưa chúng tôi đến viếng một Đền Phật nổi tiếng với nhiều ‘Tượng Phật Vàng’ sưu tầm từ nhiều quốc gia mà Phật Giáo là Quốc Giáo. Nhiều Tượng Phật Quý Báu, Tiền Kim Loại của nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt hơn nữa là ‘Ngà Voi’ và những đồ vật biến chế từ ngà voi để làm đồ trang sức hay trang trí trong nhà.

Người Sri Lankans có tâm tình ‘Hiếu Khách’ như ‘Đồng Hương Việt Nam’. Chỉ một ‘Tin Nhắn-SMS’ một ‘Email’ cho thân nhân ở Colombo mà chúng tôi nhận được sự đón tiếp niềm nở: từ gia đình đi đón chúng tôi rạng sáng ngày thứ Hai…. cho đến gia đình đưa chúng tôi đi tham quan thành phố ‘Colombo về đêm-Colombo By Night’ đêm thứ Ba và sẽ còn tiếp tục đưa đón chúng tôi nếu như chúng tôi cần đến sự giúp đỡ của họ.

Sau khi đi tham quan những ‘Danh Lam Thắng Cảnh’ họ đưa chúng tôi đến một quán ăn và chúng tôi thưởng thức những món ăn truyền thống của đất nước họ… và phải ăn bằng ‘Tay Phải’ thì mới đúng… Trong giáo xứ của chúng tôi, có rất nhiều nhiều sắc dân như Miến Điện, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore, Ấn Độ, Tích Lan…đều ăn bằng tay… thật ra từ trước đến nay, chúng tôi từng đến nhà và dùng bữa với họ, họ thường ăn bằng tay. Ông Bà luôn nhắc nhở con cháu: ‘Nhập Gia Tùy Tục - Đáo Giang Tùy Khúc’ để phần nào ám chỉ là qua những câu ca dao tục ngữ để đời nầy sẽ giúp chúng ta có cuộc sống thích nghi với những người chung quanh và đặc biệt những người gần gũi chúng ta trong cuộc sống chung hay qua những giao tế hằng ngày và nhất là những gia đình Công Giáo có người kết hôn với những tôn giáo bạn, con cái có bạn bè khác nhau trong nước có Đa Văn Hóa như Úc Châu. Dĩ nhiên họ cũng muốn bảo vệ những truyền thống của họ trong cách ăn mặc cũng như ăn uống.

Trong những năm tháng gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều người ngoại quốc láng giềng đến nhà của Việt Nam dùng bữa hay theo chúng ta hay phái đoàn về tham quan-du lịch Quê Mẹ Việt Nam, họ cũng học cách ăn canh chua cá lóc, cá rô hay cá trê… kho tộ và cầm đũa như chúng ta.

Mọi sự có thể thay đổi và thích nghi vì ‘Yêu Thương-Cảm Thông’. Đó là khí cụ mang sự bình an và niềm vui cho người đón tiếp chúng ta, khi chúng ta biết thích nghi phong tục tập quán của họ khi cùng đi hay cùng sinh hoạt với họ. Chỉ trừ chúng ta không muốn thay đổi hoặc thích nghi mà thôi. Đừng vì cố chấp trong sự bảo vệ những truyền thống xem ra có thể ‘giảm thiểu’ vì xã giao trong một xã hội phát triển và đổi mới nhanh mà chúng ta đánh mất tình láng giềng.

Nhóm Phóng Viên VietCatholic.net, Colombo, ngày 15.1.2015
(VietCatholic News)

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #5

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
ĐỀN PHI TRƯỜNG MANILA, PHILIPPIN

Bắt đầu lúc 17g45 giờ địa phương (16g45 giờ Việt Nam)
Thứ Năm  ngày 15.01.2015



ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VIẾNG THĂM ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ MADHU, BẮC SRI LANKA

MADHU. Chiều ngày 14-1-2015, ĐTC Phanxicô đã kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi ở Madhu, bắc Sri Lanka, cầu nguyện với hơn 100 ngàn tín hữu và tái kêu gọi hòa giải giữa mọi người dân Sri Lanka.


Sau thánh lễ phong thánh với sự tham dự của hơn nửa triệu người tại thủ đô Colombo vào ban sáng, lúc 2 giờ chiều cùng ngày 14-1, ĐTC đã đáp trực thăng của không lực Sri Lanka từ thủ đô Colombo để bay đến Đền thánh Đức Mẹ Madhu, cách đó 250 cây số về hướng bắc và là miền có đại đa số dân thuộc sắc tộc Tamil.

Đền thánh Madhu thuộc giáo phận Mannar, hiện có 90 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 270 ngàn dân cư, với 34 giáo xứ do 55 LM giáo phận coi sóc và 330 LM dòng và 183 nữ tu.

Lịch sử Đền Thánh

Đền thánh Đức Mẹ Madhu đã có từ hơn 4 thế kỷ, tức là từ năm 1544 khi vua Sankili ở thành Jaffna tàn sát 600 tín hữu Công Giáo ở Mannar, vốn do các thừa sai Bồ đào nha hoán cải, vì nhà vua sợ người Bồ bành trướng ảnh hưởng. Có một số tín hữu tránh thoát được cuộc thảm sát và trong rằng họ thiết lập một nhà nguyện nhỏ bé và đặt trong đó tượng Đức Mẹ hiện nay ở trong Đền Thánh. 4 thập niên sau đó, một số tín hữu Công Giáo lại phải chạy khỏi Mannar và bắt đầu kiến thiết các thánh đường ở các vùng lân cận. Một trong các nhà thờ đó được thiết lập tại Mantai và là nơi đầu tiên được đặt tượng Đức Mẹ Madhu.

Năm 1656 người Hòa Lan theo Tin Lành Calvin đổ bộ lên đảo Tích Lan và bách hại các tín hữu Công Giáo. Có 30 gia đình Công Giáo chạy trốn từ làng này sang làng khác, họ mang theo pho tượng Đức Mẹ và 14 năm sau đó, họ định cư tại nơi ngày nay là Đền thánh Đức Mẹ Madhu. Một số tín hữu Công Giáo khác, trốn tránh cuộc bách hại của người Hòa Lan cũng chạy đến nơi này, trong số họ có một phụ nữ Bồ đào nha tên là Helena, và bà đã khởi công xây cất thánh đường nhỏ đầu tiên dâng kính Đức Mẹ Madhu.

Đức Mẹ tại đây được biết đến trên toàn đảo Tích Lan và được tôn kính như vị bảo vệ và chữa lành những người bị rắn cắn.

Khi cha Joseph Vaz từ Ấn độ đến hoạt động tại Tích Lan từ năm 1687, Công Giáo được phát triển và năm 1706, Đền thánh Đức Mẹ Madhu trở thành một trung tâm truyền giáo. Thánh đường hiện nay ở Madhu được khởi công xây cất hồi năm 1872 và năm 1824, vị Đặc Sứ của ĐGH Piô 11 đã chủ sự nghi thức đội triều tiên cho tượng Đức Mẹ.

Đền thành Đức Mẹ Mân Côi ở Madhu vẫn luôn là nơi hành hương và cầu nguyện của cac tín hữu Công Giáo và cả tín đồ các tôi giáo khác. Và mặc dù vùng này trong quá khứ đã xảy ra những cuộc giao tranh giữa phiến quân Tamil và quân đội chính phủ Sri Lanka, các GM nước này đã thành công trong việc yêu cầu cả hai phe lâm chiến chấp nhận Madhu là vùng phi quân sự, đảm bảo an ninh cho các tín hữu hành hương và nhiều người tị nạn chạy tới miền này để tránh các cuộc giao tranh. Thực vậy, từ năm 1990, khu vực 160 hécta quanh Đền thánh Đức Mẹ Madhu đã tiếp đón hàng ngàn người tị nạn chiến tranh. Sau chiến tranh, tháng 4 năm 2008, Đền Thánh Đức Mẹ được giao lại cho giáo phận Mannar va việc thờ phượng được mở lại từ tháng 12 năm 2010.

Viếng thăm

Đến Madhu lúc 3 giờ rưỡi chiều, sau 1 giờ 15 phút bay, ĐTC đã đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm hàng trăm ngàn người tụ tập dọc theo hai bên đường và nhất tại khu vực trước Đền thánh. Tại cổng chào ngài được Đức GM địa phương, Joseph Rayyappu và chính quyền đón tiếp.

Buổi cầu nguyện tiếp đó được cử hành bằng 3 thứ tiếng: Anh, Singalais và Tamil. Vì nhà thờ nhỏ, nên lớn các tín hữu tham dự buổi cầu nguyện từ các khu vườn bên ngoài. Có một khu vực riêng dành cho các vị sư phật giáo đến tham dự buổi cầu nguyện.

Trong lời chào ĐTC, Đức GM sở tại đã gợi lại lịch sử đền thánh Đức Mẹ Madhi và cho biết Đền thánh này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Và mỗi năm vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, hơn 600 ngàn tín hữu từ các nơi vẫn đề đây hành hương kính Đức Mẹ. Cũng vậy có đông đảo tín hữu đến kính viếng vào những dịp lễ khác và cuối tuần.

Tiếp đến mọi người đã nghe đọc bài Tin Mừng theo Thánh Mathêu về các mối phúc thật: Phúc cho những người sầu khổ vì họ sẽ được an ủi. Phúc cho những người xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những người bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ (Mt 5,4.9-10).

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tại buổi cầu nguyện, ĐTC ghi nhận sự kiện, tại Đền thánh này, mọi người Sri Lanka, dù là thuộc sắc tộc Tamil hay Singalais, đều cảm thấy như ở nhà mình, cảm thấy an ninh như một gia đình trong nhà của Mẹ. Nơi đây cũng có sự hiện diện của các gia đình từ nam chí bắc, những gia đình đã chịu nhiều đau khổ, gợi lại thời kỳ chiến tranh đẫm máu tại Sri Lanka.

Từ thời kỳ đầu của Kitô giáo ở đất nước này, các tín hữu đã cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ nh[o bé này và ngày nay vẫn con tiếp tục. Mẹ là mẹ của đông đảo các gia đình đang tìm kiếm một cuộc sống an bình. Mẹ Maria bảo vệ nhân dân Sri Lanka khỏi những nguy hiểm quá khứ và hiện tại. Mẹ luôn gần gũi Chúa Con chịu đóng đanh và gần các con cái Sri Lanka của mình.

ĐTC nói: ”Ngày hôm nay tại đây có những gia đình đã chịu đau khổ rất nhiều trong cuộc xung đột lâu dài, tạo ra vết thương lớn trong con tim Sri Lanka. Nhiều người, từ bắc chí nam, bị giết trong bạo lực kinh khủng và đẫm máu trong những năm ấy. Không người Sri Lanka nào có thể quên những biến cố bi thảm gắn liền với chính nơi này, hoặc ngày đau buồn khi tượng Đức Mẹ đáng kính, có từ thời các tín hữu Kitô đầu tiên đến Sri Lanka, bị đưa ra khỏi đền thánh Đức Mẹ.”

Dầu vậy, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy cảm tạ Đức Mẹ vì Mẹ luôn mang Chúa Giêsu cho chúng ta và luôn ban cho chúng ta sức mạnh để tái lập an bình trong tâm hồn chúng ta. Sau bao nhiêu oán thù, bao nhiêu bạo lực và tàn phá, chúng ta hãy cảm tạ Mẹ, vì Mẹ tiếp tục mang Chúa Giêsu cho chúng ta, chỉ có Chúa mới có thể chữa lành những vết thương còn rộng mở và tái lập an bình cho những con tim bị tan vỡ.

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chỉ khi nào, dưới ánh sáng của thập giá, chúng ta hiểu được sự ác mà chúng ta có khả năng thực hiện, và thậm chí còn tham gia vào đó nữa, thì chúng ta mới có thể cảm thấy hối hận và thống hối thực sự. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể lãnh nhận ơn đến gần nhau với tâm tình thống hối chân thành, trao ban và đón nhận tha thứ. Chúng ta hãy cầu xin ơn từ bi của Chúa, ơn đền bù các tội lỗi và bao nhiêu sự ác mà đất nước này đã từng trải qua.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin Mẹ Maria tháp tùng tất cả mọi người, Tamil cũng như Singalais, trong công cuộc tái tạo hiệp nhất mà mọi người mong muốn. Ngài nhắc nhớ rằng trong tư cách là anh chị em với nhau, chúng ta luôn có thể đi về nhà Thiên Chúa trong một tinh thần đổi mới hòa giải và huynh đệ.

Buổi cầu nguyện kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC. Ngài cầm tượng Đức Mẹ Madhu và vẽ hình Thánh Giá trên các tín hữu. Ban quản đốc Đền thánh cũng tặng ĐTC pho tượng nhỏ bản sao tượng Đức Mẹ Madhu. Ngài cũng dâng tặng tượng Đức Mẹ xâu chuỗi quí giá và cúi đầu cung kính cầu nguyện. Rồi ngài trở lại sân bay trực thăng gần đó để về thủ đô Colombo vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày.

Lm. Trần Đức Anh OP
(VietCatholic News)