Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

ĐỜI LINH MỤC

Nhân sự kiện giáo xứ thay đổi Cha Chánh Xứ, xin mời quý độc giả đọc bài viết sau để thông cảm và giúp đỡ các ngài chu toàn sứ vụ như lòng Chúa mong ước. Bài được trích từ nuvuongcongly.net.
Thuanphat's blog

Theo lịch năm thánh thì ngày 30 tháng 06 kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là ngày thánh hóa linh mục. Nhân thể xin viết đôi điều vụn vặt về chuyện này.

Đề tài Linh mục, cho đến bây giờ vẫn còn lạ lẫm đối với nhiều người, do vậy lâu lâu nó lại được leo lên sân khấu, phim ảnh hay sách vở. Mỗi lần như thế nó gây nhiều ấn tượng, nhiều chú ý, nhiều ồn ào. Trước 30/4/75, nhà văn nữ Lệ Hằng đã viết cuốn tiểu thuyết “Tóc mây” nói về cuộc tình của Tố Kim, cô gái trẻ sinh viên Đà Lạt với Hà Vĩnh Duy, linh mục nhạc sĩ (?).

Tác phẩm này đã tạo nên một cơn lốc dữ dội, lúc bấy giờ gọi là “hiện tượng tóc mây”. Hình như trước hoặc sau đó không lâu nhạc phẩm “Vì tôi là linh mục” cũng ra lò và chuyền làng. Bài hát này đã tạo nên cơn bão cuốn hút luôn linh hồn của các cô gái nhỏ ngây thơ, thậm chí đến “ma sơ” cũng nghêu ngao khi rảnh việc, lúc buồn buồn:

Vì tôi là linh mục

Không mặc chiếc áo dòng

Nên chi đời đau khổ

Nên trót đời lang thang…

Diễn giải tâm sự buồn của một linh mục đã trót dại yêu một tín đồ, nên cởi bỏ chiếc áo dòng mà đi bụi đời?

Từ đó hễ nghe có cuốn truyện nào viết về Linh mục là vội vã đi mua hay mượn về coi cọp, như: “Bão biển” của Chu Văn, “Người mục tử trong sương mù”… Lúc đầu thì đọc ngấu nghiến vì tò mò, nhưng chỉ đọc năm bảy trang là bản thân làm cách mạng, ngáp dài, ngán tận cổ, nuốt không trôi. Bởi vì ngay từ đầu đã ngửi thấy sặc sụa mùi bôi bác và ý đồ đen tối của tác giả trong luồng. Họ chụp lên đầu những Linh mục tội nghiệp ấy cái mũ “phản động” hay cái mũ “đồi trụy”. Cũng chính vì những toan tính bẩn thỉu và lộ liễu ấy mà nó mau chóng bị bỏ rơi vào quên lãng, thậm chí còn phản tác dụng. Thiên hạ ngày càng thương ông Cha hơn.

Xét về nguyên nhân tu trì thiên hạ thường bảo: Trốn việc quan đi ở nhà Chùa, chán đời hay thất tình đi tu, bởi vì “tu là cõi phúc, tình là dây oan”… Các nhà văn, soạn giả khai thác tận tình chủ đề này như: “Hồn bướm mơ tiên. Hay dàn dựng những vở kịch ăn khách như: “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Lá sầu riêng” v.v.…nên nhạc sĩ P. D. có bài thơ:

Ngày em đi lấy chồng

Anh nằm cuộn trong chăn

Như con sâu làm tổ

Trong trái vải cô đơn.

Hay thẫn thờ, lang thang, miệng lẩm nhẩm như kẻ mất hồn:

Ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá

Cuộc tình lớn quá ôi biết nói gì

Cuộc tình quá lớn…

Sau cú sốc quá đau vì cuộc tình quá lớn, anh chàng lặng lẽ khăn gói, âm thầm vào nhà dòng nào đó tu thân cho đỡ lẻ loi. Ơn Chúa tuôn đổ, một thời gian sau, anh chàng được thụ phong Linh mục. Trong ngày lễ mở tay, cô này dắt con mình tới và nói:

- Con ạ, gọi cha đi con!

Não nuột!

Cha chớp chớp đôi mắt “mơ huyền” nhìn về chốn xa xăm… Bây giờ mỗi lần nhắc lại chuyện này, linh mục mỉm cười nói với bạn bè: “Nếu không bị cô nàng đá lên đá xuống chắc bây giờ đã là bố cu Ti cu Tèo… chứ đâu có làm cha “thiên hạ” như các bạn thấy đó. Chúa chọn con như sét chọn cây tầm thường. Quả ý Ngài nhiệm mầu hết xẩy!”.

Bên đạo ta lý do thất tình đi tu chẳng phải là không có, nhưng rất hiếm vì chú nhóc vào chủng viện hay nhà dòng hồi tóc còn để chỏm. Thật khó mà hiểu được vì sao chú lại đòi đi tu? Cũng dễ hiểu thôi! Chỉ vì thằng nhóc thấy được các “Cụ” đi giầy Tây, ăn bánh Tây, ở nhà Tây. Ra ngoài đường được cả thiên hạ khoanh tay cúi đầu chào:

- Con xin phép lạy cha ạ!

Có những bậc cha mẹ muốn con cái đi tu cốt để con được nhàn hạ, làm sán lạn tông môn. Như lời hiền mẫu nọ nói với cha phó kia trong cuộc họp hằng tháng:

- Đi tu như các Cha, các Dì thế mà sướng, chứ đèo bòng ở ngoài như chúng con khổ lắm cha ạ!

Đôi khi ông bà già đẩy con mình đi tu chỉ thầm mong có ngày thiên hạ gọi mình “ông cố, bà cố” cho le lói đời với người ta. Ấy vậy mà khi chú nhóc giở chứng muốn từ giã đời tu, ông “chuẩn cố” mắng như ri: “Thà làm con chó nhà Đức Chúa Trời còn hơn làm vương làm tướng ngoài thế gian”.

Những lý do lấn cấn ban đầu, dần theo năm tháng được mài giũa, đẽo gọt, tinh luyện kết tinh thành lý tưởng phục vụ thiên Chúa và tha nhân.

Trong thánh lễ mở tay của cha mới, các vị giảng thuyết thường hùng hổ đến sùi cả bọt mép đề cao vẻ đẹp cao quí của thiên chức Linh mục. Chẳng mấy ai dám cả gan bàn thẳng vào thập tự giá của chức vị này. Làm cho cha mới chỉ thấy bông hồng phía trước mặt mà quên cảnh giác gai nhọn của nó.

Nhưng… tiệc rượu chóng tàn, ngày vui qua mau, vinh quang thoáng chốc. Cuộc sống đời thường phải đối đầu với chướng ngại với thập giá. Các bậc lão thành thường đề cập đến ảnh hưởng của Linh mục như sau:

Linh mục đạo đức thì giáo đân loàng xoàng

Linh mục loàng xoàng thì giáo dân nguội lạnh

Linh mục nguôi lạnh thì giáo dân xấu xa

Linh mục xấu xa thì giáo dân biến thành quỉ dữ.

Giáo dân luôn bị tụt một bậc so với Linh mục. Cũng dễ hiểu, bởi giáo dân là đệ tử, Linh mục là sư phụ về đàng thiêng liêng. Linh mục là người hướng dẫn. Hướng dẫn sai lầm, lời Chúa dạy như sau: Mù dẫn mù cả hai sẽ rơi xuống hố. Cùng với ý tưởng trên, ta cùng nhau suy nghĩ bài giảng nhân ngày mở tay của cha mới. Đại khái như sau:

Hãy cột một chiếc nút để se kết hai đầu vì Linh mục là trung gian se kết con người với Thiên Chúa.

Hãy xây cầu nối liền hai bờ xa cách vì Linh mục nối liền Đất với Trời. .

Nói cách khác Linh mục là trung gian nối liền giữa Nhân loại và đấng Tối cao. Vì vậy Linh mục một bên phải nắm chặt Thiên Chúa, bên kia nắm chặt bàn tay con người. Đem bàn tay con người đặt vào lòng bàn tay Thiên Chúa, cho tình yêu đơm bông kết trái và ơn tha thứ được tuôn chảy ra. Phải cố gắng giữ vững thế tay trong tay vì đó là điều mọi người mong đợi nơi các Linh mục. Cái thế tay trong tay Linh mục không có con đường khác để chọn bởi lẽ buông một trong hai Linh mục sẽ không chu toàn chức vụ của mình .

Muốn chu toàn bổn phận Linh mục phải gắn bó với Thiên Chúa. Có gắn bó với Thiên Chúa Linh mục mới đem Chúa đến với mọi người. Muốn đem Chúa đến cho mọi người, bản thân linh mục phải có Chúa trước đã: Có Chúa trong tâm hồn và có Chúa ngay trong cuộc đời vì Linh mục không thể cho người khác cái mình không có. Linh mục phải chọn Đức Kitô là điểm khởi đầu và kết thúc của cuộc đời. Trái đất xoay quanh mặt trời như thế nào thì Linh mục cũng xoay quanh Đức Kitô như vậy. Được vậy Linh mục có thể hãnh diện nói lên như thánh Phaolô: “Tôi sống không còn là tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi”.

Gắn bó với Thiên Chúa, đồng thời cũng gắn bó cảm thông với con người Phải luôn luôn giữ cho được thế tay trong tay, lưng liền lưng, ý liền ý.

Tội lớn nhất của Linh mục không phải trót sa ngã, trót vấp phạm, bởi Thiên Chúa đã không chọn các Thiên thần mà chọn những con người tầm thường, yếu đuối làm Linh mục của Ngài. Tội lớn nhất của Linh mục là bỏ rơi một trong hai bàn tay hoặc thờ ơ với anh em đồng loại, hoặc quây lưng lại chống Thiên Chúa. Lúc này Linh mục chỉ là nhịp cầu đã gãy, nút dây đã đứt. Liên lạc đã bị cắt, giao thông gián đoạn. Kẻ thù reo vui.

Từ đó ta không còn ngạc nhiên khi thấy người ta cố ý bôi nhọ, bêu riếu các Linh mục. Bởi đó là mưu thâm chước độc của “địch”. Tuy nhiên không phải chỉ có “địch” mới bôi nhọ, bêu riếu. Hãy coi chừng! Đôi khi chính con cái ngay trong nhà cũng bạo miệng chỉ trích Linh mục đầy ác ý. Họ hỏi rằng: Linh mục đã làm gì cho tôi?

Nhưng chẳng bao giờ dám quay lại nhìn thẳng vào lương tâm mình và tự hỏi:

- Tôi đã làm gì cho Linh mục?

Hễ thấy Linh mục có chút gì sai lỗi, lập tức xì xầm bàn tán, mím môi thổi phồng bong bóng. Họ đâu ngờ rằng rất nhiều khi chính giáo dân đã làm hư Linh mục. Sau đây chỉ xin trình bày hai trường hợp, hai thái cực nho nhỏ mà giáo dân đã xô Linh mục vào chân tường, tới chỗ bất ổn hay làm hư Linh mục.

Trường hợp 1: Thái độ quá trọng kính, trước mặt tỏ vẻ khúm núm… Coi LM như người thông biết mọi sự và chẳng hề sai lỗi bao giờ. Mới ngày nào còn “mày tao mi tớ” với nhau. Khi đã thụ phong LM, từ cục đất cất lên ông Bụt thì lập tức được gọi là Cha, là Cụ, là Cố… khiến cho thiên hạ, kể cả những người thân yêu nhất cũng phải “Kính nhi viễn chi”.

Trọng kính LM là điều quí. Nhưng cử chỉ khúm núm là điều nguy hiểm vì nó dễ làm cho LM quên đi mình là cục đất, mình chỉ là một dụng cụ tầm thường trong tay Chúa. Đôi khi ảo tưởng mình là ông Bụt thật, là cái rún của vũ trụ, rồi từ đó trở thành quan liêu, độc tài, độc đoán và… “mất dạy”!

Đọc tới đây hẳn có người sẽ thì thầm: thằng nào con nào lếu láo, dám cả gan nói mấy cố mất dạy, thiệt hết thuốc chữa! Xin thưa: Mất dạy ở đây không phải là vô phép hỗn hào… mà đơn giản chỉ là không còn được dạy bảo nữa mà thôi. Hiểu như thế, suy nghĩ thêm chút nữa ta sẽ phần nào nhận ra sự thật.

– Con ơi ! kể từ ngày hôm nay, nếu con không ý tứ thì con sẽ trở nên người mất dạy, bởi vì với thiên chức LM con sẽ không còn ai dạy bảo nữa. Đó là lời tâm tình của bà cố vừa có con đỗ Cụ.

Xuất phát từ quan niệm cho rằng: LM là người thông suốt mọi sự cộng với bối cảnh xã hội, người LM phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau. Từ một người chuyên rao giảng lời Chúa, cử hành các bí tích, nay phải đứng ra hòa giải các vụ tranh chấp, kiện tụng. Cố vấn hôn nhân gia đình, kỹ sư kiêm đốc công các công trình xây dựng, quân sư quạt mo về cung cách làm ăn. Ấy là chưa nói LM còn phải đảm nhận những chức vụ phần đời như: Thành viên tổ chức này, tổ chức nọ, đứng đầu hợp tác xã, chủ máy cày máy xay v.v…

Với những công việc như thế, LM sẽ không còn thời gian để tâm tình cầu nguyện, gắn bó với Thiên Chúa nữa. Rốt cuộc trở nên người mất dạy dưới cái nhìn xót xa của Chúa. Tiếp đến do những thành công gặt hái được liên tiếp, và nhất là do những trọng kính thái quá người khác dành cho mình, Lm cứ ngỡ mình là bậc thầy lỗi lạc, trỗi vượt lên trên mọi người, ý kiến của mình luôn luôn đúng, dần dần gạt bỏ mọi ý kiến đóng góp và những đề nghị xây dựng khác với đường lối chủ trương cúa mình. Từ đó dễ rơi vào tình trạng độc tài, độc đoán. Phải chăng Lm đã tự làm cho mình trở nên “mất dạy”?

Trường hợp 2: Thái độ vô ơn và nghiêm khắc, thiếu cảm thông của giáo dân, đôi khi làm cho Lm buồn đau… âm thầm rơi nước mắt. Cách cư xử thông thường của người đắc nhân tâm: Nghiêm khắc với bản thân mà khoan dung với người khác. Thế nhưng, thiên hạ thường hành động ngược lại: Nghiêm khắc với người khác mà khoan dung với chính bản thân mình. Quan niệm này cũng được áp dụng vào mối liên hệ với Lm. Nhân vô thập toàn, đã là con người thì ai cũng có lầm lỗi của mình, kể cả Lm vì Lm cũng mang thân mỏng giòn. Bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài, bá nhân bá tánh, chín người mười ý, hay như tục ngữ có câu:

Ở sao cho vừa lòng người. Ở rộng người cười. Ở hẹp người chê.

Cao chê ngỏng, thấp chê lùn. Béo chê béo trục, béo tròn.

Gầy chê xương sống, xương sườn bày ra.

Lm giống như người làm dâu trăm họ, rất khó làm vừa lòng mọi người, nếu cố gắng làm vừa lòng mọi người thì rốt cuộc sẽ chẳng vừa lòng ai. Nói chi, ngay trong gia đình chỉ vỏn vẹn có năm, bảy người cùng chung máu mủ còn chưa vừa lòng nhau, huống chi Lm phải xử sự với hàng trăm hàng ngàn người. Giáo dân thường hay quên mất công ơn Lm đã làm, chỉ nhìn thấy khuyết điểm để lớn tiếng phê bình chỉ trích một cách gắt gao. Kéo nhau lên Tòa Giám mục tố cáo hoặc nộp đơn cho chính quyền kiện tụng linh tinh.

Có những nơi họ đạo nghèo mái tranh vách đất, hoặc còn hoang vu chưa có nhà thờ, Lm về bỏ công sức, huy động tiền bạc, xây dựng: nhà thờ, nhà xứ, trường học v.v… Rồi một ngày Lm già, sức yếu cùng với một vài lẩm cẩm của tuổi già thì người ta bàn tán xì xào, viết thư nặc danh ném vào phòng tố cáo này nọ, chỉ vì sự già nua của Lm.

Tòa Giám mục biết được liền đổi cha đi chỗ khác. Nhận được tin họ mừng ra mặt. Mặt khác họ cử đại diện lên gặp Giám mục để xin Lm ở lại với bộ mặt đầy thểu não. Thế nhưng khi được hỏi:

- Bộ các ông không muốn cha đi hay sao? Họ trả lời:

- Cha đi mình chẳng níu kéo, coi sao được. Đời mà! Lời bất tòng tâm!

“Bạc như dân, bất nhân như lính”. Bao lâu Lm còn khỏe mạnh phục vụ cho giáo xứ thì là cha đáng mến đáng trọng. Một khi đau yếu già nua, là gánh nặng, là cái gai cần nhổ đi. Nói như vậy có quá đáng không? Trên đời chuyện gì cũng có, chứng kiến thực tế có những chuyện khiến ta phải đau lòng.

Một cha sở chẳng may bị ung thư qua đời. Thuốc thang mai táng tốn khá nhiều. Tiền túi bỏ ra hết, rốt cùng tồn đọng một món nợ. Sau khi “mồ yên mả lặng”, người ta cãi nhau chí chóe về món nợ này. Giáo xứ, dòng họ không ai nhận trả. Cuối cùng Tòa GM đành ép lòng ép xác nhận vậy!

Thấm thía nhất , thâm sâu tận cõi lòng có lẽ là Nỗi cô đơn của đời Lm.

Một chiều Chúa nhựt đẹp trời. Mọi người ra về. Cửa nhà thờ khép lại. Một mình trong nhà xứ rộng mênh mông. Thưa chuyện với Chúa thì hình như Chúa cũng xa vời. Còn một mình Tôi nhìn tôi trơ vơ trên vách. Nỗi cô đơn sẽ đậm đặc hơn khi Lm đau yếu. Có một cha đã than thở như sau:

Có một ngày mình đau, nhờ chú nhỏ giúp lễ tìm người cạo gió. Nhờ bà này cô kia thì không ổn. Thiên hạ không cho phép, bởi đó là chước ma quỉ. Các bà các cô, hiền thì hiền đôi khi cũng chẳng thua sư tử Hà Đông. Máy móc điện tử hiện đại nhất chưa chắc đã nhanh hơn chiến thuật rỉ tai của đoàn nữ binh hùng hổ này. Đàn ông ai cũng bận, sau cùng tìm được một “anh ba xị đế” về. Khi cạo gió thân thể đang nóng bừng vì được thoa dầu, bỗng dưng thấy lạnh toát ở xương sống. Quay lại nhìn: hóa ra nước mũi của ông vô tư rơi thánh thót trên lưng mình. Dân ghiền thường bảo: một xị khai môn trí hoá, hai xị giải phá cơn sầu, ba xị mũi chảy đầy râu, bốn xị… Lần khác ông đổ dầu hôi vào ống giác, châm lửa rồi ụp lên lưng, dầu loan ra, lửa bùng cháy bỏng cả lưng. Nhiều khi đau ốm đành âm thầm chịu đựng hoặc nhìn lên trần nhà xem hai con thằn lằn đuổi nhau. Không người thân, chẳng ai thăm hỏi, nằm một mình co rút lại như “Con chim ẩn mình chờ chết”!

Sau cùng, nỗi cô đơn sẽ đặc quánh khi Lm về già. Nhà hưu nơi có nơi không. Về ở với con cháu, ít ra phải có tí tiền thì họ mới hăm hở nhiệt tình. Khi tiền đã hết, tình cũng bay luôn. Bấy giờ sự chăm sóc trở thành gánh nặng.

Chuyện còn dài nhưng xin “xì tốp” nơi đây bằng vài mẩu chuyện ngắn để ta cho bộ não làm việc một chút cho bỏ tật lười:

1- Đức Giáo Hoàng Piô X, ngay sau khi được tấn phong Giám mục Montava liền khoe chiếc nhẫn GM của mình với mẹ: Mẹ xem chiếc nhẫn có đẹp không?

Bà mẹ bèn giơ chiếc nhẫn cưới trên tay và bảo: Nếu không có chiếc này thì làm gì có chiếc kia.

2- Giáo xứ nọ, giáo dân hay đâm đơn tố cáo cha lên TGM. Đức Cha quyết định đổi ngài đi xứ khác, thay cha mới về. Ngày bàn giao, chính GM cử hành thánh lễ nghinh tân tống cựu. Ngài sắp đặt mọi thứ, không cho hai cha và giáo dân biết. Đến giờ cử hành thánh lễ: cửa mở ra, mọi người bàn tán xì xèo… Thánh lễ xong, trước khi ban phép lành, GM chỉ tay xuống cái quan tài đặt giữa nhà thờ:

- Đây là quan tài của một người mà ai cũng quen biết. Mọi người hãy theo thứ tự tới từ giã lần cuối.

Ai ai cũng ngỡ ngàng… mở to mắt nhìn vào, không thấy xác ai, chỉ thấy một tấm gương to. Từng người đến viếng ai ai cũng thấy chính mình bên trong quan tài.

Khi mọi người đã về chỗ của mình, GM nói lớn: Con người ai cũng phải nằm trong chốn ấy. Sống chung, hòa thuận vui vẻ rồi chết. Tố cáo, kiện tụng, gây chia rẽ bất hòa rồi cũng chết. Ai muốn theo con đường nào tự mình chọn lấy!

Nhìn về phía hàng ghế giáo dân nhấp nhô những bóng khăn chặm nước mắt…

Đời sống LM không phải dễ đi. LM phải đồng hành, sẵn sàng đưa vai vào thập giá cùng vác, chia sớt gánh nặng với Đức Giêsu. Hãy tìm lại những dấu chân, những giọt mồ hôi khi Ngài đi rao giảng. Hãy trả lại cho Ngài những giọt máu hồng tươi khi ta tiếp tay đẩy lưỡi gươm đâm sâu vào cạnh sườn Ngài. Nếu tu là cõi phúc tình [Phan Sinh] cũng là cõi phúc vậy. Chiếc nhẫn trên tay từng người Phan Sinh cũng là chiếc nhẫn tu “LM”. Ở đấng bậc nào cũng tốt, cũng là cõi phúc, miễn ta đi đúng con đường Chúa đã dạy.

Huynh Nguyen

LẼ SỒNG 18.7

18 Tháng Bảy
Tình Yêu Mời Gọi

Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy khó tính. Ông không thích những nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm với bất cứ một sự xúc phạm nào của thần dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông, ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi vào người đó. Thành ra, khi thấy đức vua đang đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh.

Lần kia, khi ông dang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao ông ta lẩn tránh đi nơi khác. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải thú nhận rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì sợ hãi. Nghe đến đó, vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai người đàn ông đáng thương, vừa lắc mạnh, vừa thét lên: "Tại sao ngươi dám sợ ta. Ta là vua của ngươi. Ngươi phải yêu mến ta. Ngươi phải yêu mến ta, ngươi có biết điều đó không?".

Chỉ có con người mới biết yêu bởi vì chỉ có con người mới có tự do. Không ai có thể cưỡng bách người khác phải yêu mình... Tạo dựng con người có tự do, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do ấy. Ngài không cưỡng bách con người phải yêu mến Ngài, nhưng chỉ mời gọi và tỏ tình. Bằng công cuộc tạo dựng, bằng cuộc sống và cái chết của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người... Tình yêu luôn đi bước trước. Bước trước ấy là một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một món quà, một nghĩa cử.


Trích sách Lẽ Sống

LỜI CHÚA CN 16 THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 10, 38-42)

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 17.7

17 Tháng Bảy
Ðiều Quý Giá Nhất Trên Ðời

Có hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngả và thề thốt sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quý giá nhất ấy.

Người thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trên trần gian này. Ông băng rừng, vượt biển và không bỏ sót thành phố, làng mạc nào mà không ghé qua. Bất cứ nơi nào có bán đá quý, ông đều tìm tới. Cuối cùng, ông mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trần gian. Ông trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.

Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúa.

Ngày nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Ðàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Ði tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.

Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước: "Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đa tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy".

Con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời: "Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Ðấng đi tìm tôi".

Có con vịt mẹ đi tìm con không biết mệt mỏi, có lời loan báo của sứ thần cho các mục tử trong đêm Giáng Sinh, có ánh sao lạ dẫn đường chỉ lối cho các nhà đạo sĩ... Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ lời với con người.

Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình người của chính con người... Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu những vì sao dẫn đường chỉ lối cho con người.

Nhưng Thiên Chúa không dẫn đường chỉ lối bằng những ánh sao lạ, Ngài còn mời gọi chúng ta bằng những tiếng gọi âm thầm. Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh, của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của những mất mát, đổ vỡ.

Mỗi một khoảnh khắc qua đi là một tiếng gọi âm thầm. Phải, Ngài đang có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, bởi vì tên của Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 16.7

16 Tháng Bảy
Không Gì Ðẹp Bằng...!

Trả lời cho một thanh niên mong mỏi được biết rõ về mình, một cụ già nọ đã kể một câu chuyện như sau:

Ngày nọ, từ một đỉnh núi cao, người ta thấy ở một chân trời xa tắp có hai bóng đen ôm lấy nhau. Một em bé thơ ngây buộc miệng nói: "Hai bóng đen đó là ba với má đang ôm nhau". Một chàng thanh niên đang mơ mộng phát biểu: "Ðó là hai tình nhân đang quấn quýt nhau". Người có tâm hồn cô đơn thì nhận xét: "Hẳn phải là hai người bạn gặp lại nhau sau hằng vạn thế kỷ xa nhau". Kẻ có lòng tham lam chỉ nghĩ đến tiền bạc thì lại quả quyết: "Ðây hẳn phải là hai thương gia vừa ký với nhau một giao kèo làm ăn". Một người đàn bà có quả tim trìu mến thì thào thốt lên: "Ðây là một người cha trở về từ chiến trận đang ôm lấy đứa con gái của mình". Một tên sát nhân đứng gần đó góp ý: "Ðây phải là hai người đàn ông đấm đá vật lộn nhau trong một cuộc giao chiến một mất một còn". Một người đàn ông không màng đến những gì đang xảy ra xung quanh mình lên giọng gắt gỏng: "Ai mà biết được họ ôm nhau hay cắn xé nhau".. Nhưng cuối cùng, một vị thánh có quả tim chứa đầy Thiên Chúa mới mỉm cười giảng hòa: "Không có gì đẹp bằng hai người ôm nhau".

Kể xong câu chuyện trên đây, cụ già kết luận: "Mỗi một tư tưởng của bạn để lộ bạn là ai. Bạn nên tự vấn lương tâm xem thử bạn thường tưởng nghĩ đến những gì. Hơn bất cứ một bậc thầy nào, những tư tưởng của bạn có thể nói cho bạn biết bạn là ai".

"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", chúng ta thường trích dẫn câu thơ này của cụ Nguyễn Du để nói lên hình ảnh của tư tưởng, của tâm cảnh đối với ngoại giới. Khi chúng ta vui, cảnh cũng vui lây, người cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh cũng buồn, mà người cũng buồn lây. Khi chúng ta vui, chúng ta muốn cho mọi người cùng vui với chúng ta. Khi chúng ta buồn, chúng ta cũng cảm thấy khó chịu khi người khác vui.

Hãy chất đầy tâm hồn bằng những tư tưởng vui tươi, lạc quan: đó là một trong những bí quyết để được hạnh phúc trên đời này. Riêng đối với người Kitô hữu chúng ta, bí quyết sống hạnh phúc của chúng ta chính là: trở thành Ðền thờ sống động của Chúa. Có Chúa ngự trị trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn đời, nhìn người bằng chính cái nhìn của Ngài.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

THUYÊN CHUYỂN LINH MỤC

Ngày 24.6.2010 Đức Hồng Y Gioan Bt Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo Phận TP.HCM đã bổ nhiệm :
  • Linh mục PHÊRÔ PHẠM VĂN LONG, Chánh xứ Giáo Xứ Thuận Phát, Quận 7, Giáo Hạt Xóm Chiếu làm Chánh xứ Giáo Xứ Bình Xuyên, Quận 8, Giáo Hạt Bình An.
  • Linh mục GIOAKIM LÊ HẬU HÁN, Phó xứ Giáo Xứ Xóm Chiếu, Quận 4, Giáo Hạt Xóm Chiếu làm Chánh xứ Giáo Xứ Thuận Phát, Quận 7, Giáo Hạt Xóm Chiếu.
- 08g30 Thứ Năm 22.7.2010 linh mục Chánh xứ Thuận Phát đương nhiệm sẽ rời giáo xứ đi nhận nhiệm sở mới.

- 08g30 Thứ Bảy 24.7.2010 linh mục GIOAKIM LÊ HẬU HÁN sẽ đến Giáo Xứ Thuận Phát nhận chức Chánh xứ.

HĐMV. Giáo Xứ Thuận Phát

LẼ SỐNG 15.7

15 Tháng Bảy
Dây Chuyền Của Liên Ðới

Một người Ả Rập nọ có một con ngựa rất đẹp... Ai thấy cũng gợi lòng tham muốn. Một người láng giềng tìm đủ mọi cách để mua cho kỳ được con ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ chối. Không còn biết làm cách nào để thuyết phục chủ nhân, người đó đành phải nghĩ ra mưu kế để chiếm đoạt.

Biết người chủ ngựa thường hay đi qua sa mạc, hắn mới cải trang thành một người hành khất nằm rét run bên vệ đường. Người chủ ngựa là một người tốt bụng, gặp bất cứ ai hoạn nạn cũng đều ra tay cứu giúp. Vừa thấy người hành khất, người đó cảm thấy thương hại, mới đề nghị trở về một quán trọ để săn sóc.

Khi người chủ ngựa vừa mở miệng đề nghị, thì tên bất nhân mới than thở: "Ðã mấy ngày nay, tôi không có được một hạt cơm trong bụng, lấy sức đâu để leo lên ngựa". Nghe thế, con người tốt bụng xuống ngựa để giúp người hành khất leo lên lưng ngựa. Nhưng vừa leo lên lưng ngựa, tên bất lương hiện nguyên hình... Hắn giựt dây cương và thúc vào hông ngựa mà chạy... Người chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết nhìn theo mà hối tiếc! Nhưng ông cũng cố gắng chạy theo và nói với tên bất lương như sau: "Ngươi đã ăn cắp con ngựa của ta. Nhưng ta sẵn sàng bỏ qua cho. Ta chỉ xin ngươi một điều là đừng bao giờ kể cho bất cứ ai nghe mưu mẹo ngươi đã dùng để cưỡng chiếm con ngựa của ta. Một ngày nào đó, sẽ có những người bệnh thật sự nằm rên rỉ bên vệ đường và kêu cầu sự giúp đỡ. Ta e ngại rằng sẽ không còn ai dám dừng lại để cứu giúp kẻ hoạn nạn nữa".

Dè dặt, thủ thế, nghi kỵ có lẽ là thái độ thường tình của tất cả những ai đang sống dưới chế độ độc tài. Lừa lọc, phản bội, tố cáo lẫn nhau đã khiến cho lòng người mỗi ngày một thêm khép kín... Sợi dây chuyền của khép kín mỗi lúc một dài ra và quấn lấy con người.

Mỗi một hành động xấu, trong dây chuyền của tình liên đới, đều gia tăng đau khổ cho người khác. Khi tôi lừa đảo, không những hành động của tôi chỉ trực tiếp hãm hại một vài người có liên hệ, nhưng nó cũng góp phần giảm thiểu niềm tin của không biết bao nhiêu người xung quanh. Khi tôi bạo động, không những tôi chỉ xúc phạm đến người trong cuộc, nhưng hành động của tôi cũng xóa mờ đi phần nào lòng tự ái của nhân loại... Tôi là một phần của nhân loại. Cả nhân loại sẽ đau đớn rên rỉ vì một vết thương của tôi cũng như vì một nhát gươm của tôi.

Người Kitô luôn được mời gọi để nhìn nhận hình ảnh của Chúa nơi mọi người và đón nhận mọi người như anh em của mình. Trong cái nhìn ấy, cuộc sống của chúng ta phải luôn hướng đến người anh em của chúng ta: niềm đau của người anh em cũng chính là niềm đau của chúng ta, hạnh phúc của người anh em cũng chính là hạnh phúc của chúng ta.



Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 14.7

14 Tháng Bảy
Tự Do Ðích Thực

Trong tập thơ mang tựa đề Gitanjali, thi hào Tagore đã có bài thơ về tù nhân như sau:

"Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã xiềng xích ngươi. Tù nhân đáp, thưa chính là chủ tôi. Tôi đã muốn thắng vượt mọi người, bằng của cải và quyền lực, cho nên tôi đã vơ vét vào kho tàng của tôi tất cả tiền bạc của chủ. Mệt mỏi vì cuộc chạy đua theo tiền của tôi, cuối cùng tôi đã thiếp ngủ ngay trên chính giường của chủ tôi. Khi thức dậy, tôi thấy mình đã bị giam hãm ngay trên kho tàng của tôi.

Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã rèn chiếc xích sắt này cho ngươi. Tù nhân đáp: tôi đã muốn giam hãm tất cả thế giới, vì như thế tôi sẽ được tự do và không còn ai quấy rầy. Ngày đêm, tôi đã dùng lửa, búa và chiếc dũa để rèn sợi xích này. Khi nó được hoàn thành, và chiếc mốc cuối cùng được nối lại, tôi đã để cho sợi xích giam hãm cả cuộc đời của tôi, khiến không có gì bẻ gãy được".

Năm 1989, nước Pháp đã mừng kỷ niệm 200 năm cuộc cách mạng 1789. Cùng với việc lật đổ chế độ quân chủ, bản tuyên ngôn nhân quyền được công bố ngày 04 tháng 8 năm 1789 đã đánh dấu một bước dài của nhân loại tiến đến tự do, dân chủ.

Nhưng oái oăm thay, người ta đã nhân danh tự do để chống lại tự do và phạm không biết bao nhiêu tội ác đối với con người. Nhân danh tự do, Robespierre đã giết hại 25 ngàn người cũng như cấm chế nhiều quyền tự do trong đó cơ bản nhất là quyền tự do tôn giáo.

Lịch sử cũng đã được lập lại trong rất nhiều cuộc cách mạng sau này. Mới đây tại Trung Quốc, người ta đã nhân danh tự do dân chủ để đạp đổ Nữ Thần Tự Do và sát hại không biết bao nhiêu người đòi tự do.

Nhân danh tự do để chối bỏ tự do của người khác, nhân danh quyền con người để chà đạp quyền sống của người khác: đó là thảm trạng của không biết bao nhiêu cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay.

Chính khi con người chối bỏ tự do và chà đạp quyền sống của người khác là cũng chính lúc con người tự giam hãm mình trong nô lệ, nô lệ cho quyền lực, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho bất an... Lắm khi con người tự rèn lấy cho mình xích xiềng để tự chói lấy mình. Nhà tù ấy, sợi xích ấy chính là lòng tham lam nơi con người: tham lam tiền của, tham lam quyền lực, tham lam danh vọng.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 13.7

13 Tháng Bảy
Niềm Vui Và Kho Tàng

Theo một bảng thống kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.

Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.

Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây chết.

Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho hai câu hỏi: "Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui cho người khác không?". Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.

Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.

Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: "Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngòi bút của tôi". Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.

Trong quyển sách có tựa đề "Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần", Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Ðức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui".

Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh.

Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người "vui lòng", nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác "vui lòng" để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 12.7

12 Tháng Bảy
Những Niềm Vui Nhỏ

Biết tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống: đó là một trong những bí quyết của hạnh phúc.

Người Nhật Bản thường kể câu chuyện như sau: Một người đàn ông nọ đi qua một cánh đồng, thình lình bị cọp đuổi... Anh ta chạy bán sống bán chết mà vẫn không tìm ra chỗ dung thân. Anh chạy mãi để rồi cuối cùng thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Phía sau lưng, con cọp vẫn không buông tha. Không còn biết làm gì nữa, người đàn ông phải lấy sức để đu lên một cành cây bắc qua vực thẳm. Nhìn xuống dưới thung lũng, anh ta lại thấy một con cọp khác cũng đang nằm chờ chực. Người đàn ông đáng thương chỉ còn niềm hy vọng duy nhất: đó là nằm chờ đợi cho đến khi hai thú vật mệt mỏi bỏ đi... Chờ đợi trong lo sợ vẫn là cực hình lớn lao nhất đối với con người.

Giữa lúc anh ta đang phải chiến đấu với sợ hãi và mệt mỏi, thì tình cờ bỗng có hai con chuột bỗng từ đâu xuất hiện trên chính cành cây anh đang đu vào. Hai con vật bắt đầu gặm nhấm lớp vỏ xung quanh cành cây. Bình thường, chuột là một trong những loài thú mà anh gớm ghiếc nhất vì sự dơ bẩn của nó. Tiếng kêu của nó cũng là một âm thanh làm cho lỗ tai anh khó chịu. Thế nhưng, trong cơn sợ hãi tột cùng này, người đàn ông bỗng nhìn thấy hai con chuột thật đáng yêu. Những hàm răng mũm mĩm của chúng trông dễ thương làm sao! Tiếng kêu của hai con vật cũng trở thành một âm thanh êm dịu hơn tiếng gầm thét của hai con cọp.

Giữa lúc anh đang theo dõi từng động tác của hai con chuột, thì một con chim bỗng từ đâu bay lại, thả rớt trên cành cây một trái dâu rừng. Anh đưa tay nhặt lấy trái dâu và thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái rừng bỗng nên thơ đáng yêu lạ lùng.

Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Do đó, hạnh phúc không chỉ đến trong cuộc sống mai hậu, hạnh phúc không hẳn nằm ở ngoài tầm tay với con người. Kitô giáo không chỉ hướng chúng ta đến hạnh phúc đời sau, nhưng còn mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy trong cõi đời này.

Mang lấy thân phận con người, nhập cuộc vào trần gian này, Chúa Giêsu như mang hạnh phúc Thiên Ðàng đến với con người. Ngài mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy, Ngài nói với chúng ta rằng cuộc sống trần gian này là một cuộc đời đáng sống. Chấp nhận cuộc sống, chấp nhận chính bản thân, chấp nhận ngay cả những nghịch cảnh trong cuộc sống: đó chính là bí quyết của hạnh phúc trên đời này.

Bí quyết của hạnh phúc cũng chính là biết đón nhận những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Có những ngày tù đày, chúng ta mới thấy được giá trị của hai chữ tự do. Có sống xa gia đình, chúng ta mới nhung nhớ những ngày sống bên những người thân. Có những lúc nằm quằn quại trên giường bệnh, chúng ta mới thấy được giá trị của sức khỏe... Cuộc sống của chúng ta tràn ngập những niềm vui nhỏ mà chỉ khi nào mất đi, chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc.

"Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống": đó là lời kêu gọi Chúa Giêsu không ngừng nhắn gửi cho chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa huệ ngoài đồng và chim chóc trên rừng... Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống có nghĩa là đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với cảm mến và hân hoan. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống cũng có nghĩa là biết nhìn thấy xuyên qua những mất mát, thua thiệt, và ngay cả tội lỗi, bàn tay quan phòng nâng đỡ của Chúa... Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 11.7

11 Tháng Bảy
Một Quy Luật Ðơn Sơ

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Bênêđictô, bổn mạng của toàn thể Châu Âu.

Vào cuối thế kỷ thứ 5, đế quốc La Mã bị lung lay vì cuộc xâm lăng của những người mà thế giới Kitô tại Âu Châu gọi là dân man di.

Một người thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc tại miền trung nước Italia muốn trốn thoát khỏi cuộc loạn nhiễu nhương ấy, cho nên đã leo lên ngọn núi Subiaco để dìm mình trong cuộc sống ẩn dật. Chính giữa nơi thanh tịnh thoát tục ấy mà chàng đã nghe được tiếng Chúa phán trong tâm hồn: có nhiều giá trị của đế quốc La Mã cần phải được bảo tồn. Càng ra sức làm việc để đem lại sự thống nhất và văn minh cho các dân xâm lược ấy.

Lấy những thôi thúc ấy làm lý tưởng cho cuộc sống, Bênêđictô, người thanh niên quý tộc ấy đã quy tụ xung quanh mình một số người đồng chí hướng và thiết lập tu viện đầu tiên tại Montecassino.

Chàng đã nói với Mauro, Placido và những người môn đệ đầu tiên như sau: "Chúng ta giam mình trong bốn bức tường kiên cố không phải là để xa cách những người khác, nhưng là để tiếp nhận từ trên cao ánh sáng của Chúa và thông đạt cho thế giới, để học hỏi một cách sâu xa hơn nền văn minh vừa Kitô giáo vừa nhân bản và làm cho nền văn minh ấy chiếu sáng giữa những người anh em của chúng ta. Tôn chỉ của chúng ta là thập giá và cái cày, bởi vì một dân tộc chỉ có thể phát sinh và lớn lên với sự cầu nguyện, nghiên cứu học hỏi và lao động".

Những điểm chính trong quy luật của chúng ta là: Hát bảy lần một ngày để ca tụng Chúa và làm cho màn đêm tăm tối cũng được ấm cúng với lời ca tụng này. Thứ đến, mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ để lao động ngoài đồng áng, học hỏi những sự trên trời và dịch lại những tác phẩm cổ điển. Sau cùng, phục vụ nhau như những người anh em của nhau, nhất là tại bàn ăn, là nơi vừa nghe đọc sách vừa thưởng thức chút rượu.

Vị thánh đã đưa ra chút quy luật đơn sơ trên đây đã được chọn làm bổn mạng của toàn thể Âu Châu, bởi vì nền văn minh của Kitô giáo hiện nay, nền văn minh nhân bản của thế giới ngày nay đã phát sinh từ chính lý tưởng cao quý ấy: sống chung trong yêu thương để ca tụng Chúa và phục vụ con người.

Giữa cơn khủng hoảng của đời sống tu trì như người ta đang chứng kiến hiện nay tại hầu hết các nước Tây phương, người ta lại thấy một dấu hiệu đầy hy vọng: các tu viện sống đời chiêm niệm vẫn tiếp tục thu hút thanh niên thiếu nữ. Giữa một thế giới dư dật, nhưng trống rỗng, hơn bao giờ hết, người ta càng ngày càng cảm thấy có nhu cầu phải cầu nguyện, phải sống kết hợp với Chúa.

Ðời sống tu trì, dù bất cứ dưới hình thức nào đi nữa, cũng không là một lẩn trốn đầy sợ hãi trước thế gian... Người tu sĩ đích thực xa lánh thế gian, chứ không xa lánh con người. Người tu sĩ đích thực xa lánh sự sa đọa của thế gian, để rồi lại kiến tạo một xã hội nhân bản hơn, dễ thở hơn, dễ sống hơn.

Ðó không chỉ là sứ mệnh của người được Chúa chọn cho cuộc sống chiêm niệm và cầu nguyện, mà cũng là sứ mệnh của mọi người Kitô. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi để thoát tục, để đi ngược lại tinh thần của thế tục, để tiêu diệt nơi mình những sức mạnh của sự dữ để ra sức kiến tạo một thế giới đáng sống hơn. Sống giữa thế giới, nhưng không thuộc về thế gian: đó là thế đứng của người Kitô. Ơn gọi và sứ mệnh của họ là kiến tạo Nước Chúa nghĩa là xây dựng những giá trị vĩnh cửu ngay trên chính những cái chóng qua ở đời này


Trích sách Lẽ Sống

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN

*Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XV thường niên năm C.
Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông dâng lễ.
Ca đoàn Cécilia hát lễ.
Mời VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CN 15 THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 10, 25-37)

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 10.7

10 Tháng Bảy
Hạt Giống Của Hy Vọng

Văn hào Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất còn lại cho những người khốn khổ chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu con người muốn tiếp tục sống.

Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và những thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không biết thế nào là đau khổ. Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.

Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: "Má sẽ biết khi mùa xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra vườn để xới đất.

Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.

Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.

Câu chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức tranh của không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến hạt giống của niềm Hy Vọng. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Rôma như sau: "Chính trong niềm Hy Vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng hãy nhìn thấy Sức Sống đang chờ đợi chúng ta. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng ta hãy nhìn thấy những hoa trái của những hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi.

Một người Hòa Lan và một người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người Hoà Lan phát biểu một cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ, trắng, xanh. Chúng tôi tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế má. Chúng tôi run sợ đến trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy thuế má. Và chúng tôi xanh như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ cũng nói lên một cảm tưởng tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ, nhưng lại bảo rằng: bù lại, chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.

Sao trên bầu trời là biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử thách, bên kia những mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người Kitô chúng ta không được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

RIP

XIN CẦU CHO LINH HỒN
GIUSE

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,

Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 1
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Ông GIUSE ĐẶNG MINH GIA
Sinh ngày 08.6.1963 tại Saigon

Cư ngụ tại : 253/47 Trần Xuân Soạn
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 1 – Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 05g30 ngày Thứ Năm 08.7.2010
(Nhằm ngày 27 tháng 5 năm Canh Dần)

Hưởng dương 48 tuổi


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Năm 08.7. 2010

  • 16g00 : Nghi Thức Tẩn Liệm - Nhập Quan

Thứ Bảy 10.7.2010
  • 04g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 05g00 : Thánh lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát

Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM

Thuận Phát, ngày 08 tháng 7 năm 2010
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 1
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình