Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

NGHI THỨC ĐƯA TIỄN VÀ THÁNH LỄ NHẬM CHỨC CHA PHÊRÔ PHẠM VĂN LONG







* Vào lúc 8 giờ 30 ngày 22-7-2010 Giáo Xứ Thuận Phát đã tổ chức Nghi Lễ tiễn Cha Chánh Xứ Phêrô Phạm Văn Long đi nhận nhiệm sở mới tại Giáo Xứ Bình Xuyên, Giáo Hạt Bình An. Nghi Lễ diễn ra thật cảm động, sau khi hát Thánh Ca, đọc kinh, nghe Lời Chúa và bài suy niệm, lần lượt các vị trong HĐMVGX (tân và cựu ) cùng toàn thể cộng đoàn hiện diện tiến lên bắt tay chào tạm biệt Cha Chánh Xứ. Trong giây phút chia tay đầy luyến nhớ, Cha Chánh Xứ và tất cả mọi người đều không cầm được nước mắt.

Sau đó mọi người ra xe theo Cha Chánh Xứ đến nhiệm sở mới và hiệp dâng Thánh Lễ nhận nhiệm sở mới của Cha. Sau Thánh Lễ các vị được mời đã dự tiệc mừng do Giáo Xứ Bình Xuyên tổ chức, mọi người dự tiệc mừng nhưng trong lòng không mấy vui.

Kết thúc tiệc mừng mọi người chia tay Cha Phêrô trong lưu luyến.


* Mời xem hình TẠI ĐÂY.


Hữu Toàn.

VIẾNG BÀ CỐ SOEUR MARIA NGUYỄN THỊ TƯƠI




* Được tin Bà Cố Soeur Maria Nguyễn Thị Tươi được Chúa gọi về lúc 16 giờ ngày 20-7-2010 tại tư gia 204 Thôn Thanh Bình 1, Đức Trọng, Lâm Đồng. 01 giờ 21-7-2010 HĐMVGX Thuận Phát đã tổ chức chuyến xe cùng cộng đoàn đi viếng Bà Cố Têrêsa Bùi Thị Tuyết, thân mẫu Nữ tu Maria Nguyễn Thị Tươi đang phục vụ tại Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Thuận Phát thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.

* Mời xem hình cộng đoàn Viếng Bà Cố.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CN 17 THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 11, 1-13)

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 24.7

24 Tháng Bảy
Một Lời Thề Hứa

Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu... Việc diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành giữ từ trên 400 năm nay.

Năm 1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng... Chẳng may, một người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng...

Chỉ trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần... Năm 1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về Oberammergau...

10 năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng... Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều... Và vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.

Kinh thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành... Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.

Một cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân...



Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 23.7

23 Tháng Bảy
Những Lọ Ðựng Muối Tiêu

Sưu tầm là một giải trí rất phổ thông hiện nay. Người ta sưu tầm tem, nhãn hiệu, lon bia, chai lọ, sách quý... và lâu lâu đem triển lãm.


Tại một nhà thờ nọ tại Chicago bên Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm các vật sưu tầm, người ta thấy có cả một khu dùng để triển lãm các lọ đựng muối tiêu. Một ông khách nọ vừa bước vào, sau khi mua một cái bánh Hamburger ở cửa vào, đã vội vã đi một vòng quan sát. Khi tới khu triển lãm các lọ đựng muối tiêu, ông mới sực nhớ ra cái Hamburger của mình nhạt quá. Thế là ông đã cầm lấy một lọ muối và xốc nhiều lần. Nhưng xốc đến lọ thứ mười hai mà ông vẫn chưa thấy muối. Ông đành phải trở lại cửa xin người bán hàng cho ít muối và phàn nàn: "Gần hai trăm cái lọ muối thế kia mà không có lấy một hột muối".

Ðó là hình ảnh của cuộc đời Kitô chúng ta. Mang lấy danh hiệu là muối đất, nhưng lắm lúc chúng ta chỉ là những lọ trống không. Muối dùng để ướp đồ ăn cho khỏi ươn thối. Muối dùng để sát trùng, chữa những vết thương. Muối dùng để nêm cho thức ăn được thêm đậm đà...

Trong một xã hội đang thối rữa vì những tệ đoan, người Kitô cần phải là muối để thanh tẩy và đem lại cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị. Một lời nói, một hành động của chúng ta, nếu có chút muối của Ðức Tin, Ðức Ái sẽ mang lại cho những người xung quanh niềm vui và sức sống.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 22.7

22 Tháng Bảy
Người Bị Mạo Nhận

Ngoại trừ Mẹ của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viét đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.

Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.

Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi "7 quỷ dữ". Cách nói "7 quỷ dữ" này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.

Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: "Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài".

Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Maria Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: "Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em".

Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời.

Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: "Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta".


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 21.7

21 Tháng Bảy
Lúa Mì và Hoa Mồng Gà

Hòa Lan là một nước nổi tiếng về hoa. Ở phía bắc Hòa Lan, có những cánh đồng hoa chạy dài tắp tít vượt cả tầm nhãn giới. Nhiều loại hoa sặc sỡ tuyệt đẹp làm say mê khách du lịch. Phía nam của Hòa Lan, trái lại, chỉ có những cánh đồng lúa mì bát ngát và khi lúa chín thì khắp nơi chỉ còn là một màu vàng ối làm nổi bật màu đỏ tím của những bông hoa mồng gà.

Cảnh đó đẹp với thi sĩ và họa sĩ nhưng rất đáng buồn đối với nông gia vì mồng gà càng sặc sỡ thì vụ lúa càng kém. Chẳng có cách nào nhổ hết được những cây mồng gà này mà không làm hư hại lúa, đằng khác hoa mồng gà càng nhiều và càng đẹp thì khách du lịch càng làm hư hại lúa nhiều, mỗi khi họ nhảy xuống ruộng để hái hoa.

Sự chung đụng của lúa mì và hoa mồng gà: đó là bức tranh tuyệt hảo của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng lúa mì để nuôi sống chúng ta, nhưng Người cũng cho hoa mồng gà mọc lên để làm vui mắt chúng ta. Có lúa mì thì cũng có hoa mồng gà. Có nhà nông thì cũng có thi sĩ, họa sĩ.

Thiên Chúa cho nắng mưa hòa nhịp với nhau. Người nông gia không thể đòi hỏi chỉ có mưa cho lúa tốt. Người nghệ sĩ không thể đòi hỏi chỉ có ánh mặt trời... Sống là biết chấp nhận sự đa diện của vũ trụ như một bức tranh tuyệt hảo. Sống là biết lấy đau khổ, mất mát của mình làm hạnh phúc cho người khác.


Trích sách Lẽ Sống

TÂM THƯ

09g00 sáng nay 22.7.2010, Cha Chánh Xứ lên đường đến nhận nhiệm sở mới : Giáo xứ Bình Xuyên, Q.8. Sau đây là tâm tình của ngài nhắn gởi cộng đoàn trước khi rời giáo xứ sau gần 7 năm quản nhiệm.


TÂM THƯ
của Linh mục Phêrô Phạm Văn Long,
cựu Chánh xứ Thuận Phát
gửi cộng đoàn Giáo Xứ Thuận Phát

Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô,

Sáng thứ bảy ngày 26.6.2010, tại Tòa Tổng Giám mục, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã trao cho tôi “BỔ NHIỆM THƯ” ký ngày 24.6.2010. Bổ nhiệm tôi làm Linh mục Chánh xứ GIÁO XỨ BÌNH XUYÊN.

Địa chỉ Nhà Thờ: 68 Dương Bá Trạc, phường 2, Quận 8.

Thưa anh chị em, như ACE đã biết trong suốt 7 năm qua cùng đồng hành, được sống và làm việc với ACE, một thời gian tương đối, thế nhưng tôi chưa làm được gì nhiều, chưa làm được gì lớn lao cho giáo xứ, ngoài mấy việc nho nhỏ, be bé, việc làm không tên. Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình có 3 cái ít.

- Ít thứ nhất: Ít Đức, - Ít thứ hai: Ít Tài, - Ít thứ ba: Ít Khỏe.

Chỉ có một cái nhiều (không dễ thương chút nào) đó là nhiều thiếu xót.

Trước khi tạm biệt Giáo xứ Thuận Phát thân yêu, tôi muốn được chia sẻ với anh chị em 3 tâm tình của tôi:

  • Tâm tình thứ nhất là “Lời cám ơn”. Cám ơn anh chị em đã dành cho tôi mọi sự ưu ái, vì tình thương mến thương, và xem tôi như người nhà thân thuộc, người bạn thân thiết của ACE. Nhờ đó, tôi đã được học nơi ACE nhiều điều hữu ích, để tăng thêm vốn kinh nghiệm mục vụ cho mình. Đặc biệt cám ơn Quý Soeur, những người đồng chí trong đời tu đã hết mình, hết tình, hy sinh thời giờ, tận tâm phục vụ giáo xứ.
  • Tâm tình thứ hai là “Lời xin lỗi”. Xin lỗi anh chị em, về những thiếu xót, lầm lỗi của tôi khi ít khi nhiều đã là cho ACE phải phiền lòng, đau buồn, cách này hay cách khác. Ngoài ra, nhiều góp ý, đề nghị của ACE, đã chưa thể được đáp ứng hết được, hoặc do luân lý Kitô giáo không cho phép; hoặc do trách nhiệm và lương tâm linh mục đòi buộc; hoặc do chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Vì thế, xin anh chị em thông cảm cho.
  • Tâm tình thứ ba là “Lời cầu nguyện”. Xin ACE cầu nguyện cho tôi. Người xưa thường nói: “Đã thương thì thương cho trót”. Biết được ACE thương mến tôi, đó là một ân ban, là một phần thưởng, xin tiếp tục thêm lời cầu nguyện cho tôi, như ACE đã dành cho các linh mục, giúp chúng ta luôn hiệp thông với nhau trong thánh lễ và kinh nguyện hàng ngày.

Chúc anh chị em ở lại luôn tràn đầy ơn Chúa, dồi dào sức khỏe, bình an hạnh phúc, may mắn và thành đạt trong mọi công việc. Xin gởi đến ACE tâm tình của Mẹ Têrêsa Calcutta. Tâm tình mà tôi đã chọn để cố gắng theo mẫu gương của ngài: tâm tình đó là :

“Này con chỉ là: cây bút chì nhỏ bé,
Trong tay Thiên Chúa, Ngài đã vẽ đời con.
Này con chỉ là: một con người bé nhỏ,
Trong tay Thiên Chúa, con phục vụ anh em”

Chào thân ái, Linh mục Phêrô Phạm Văn Long

Xin trân trọng giới thiệu với anh chị em:
Linh mục TÂN CHÁNH XỨ THUẬN PHÁT
Cha GIOAKIM LÊ HẬU HÁN

  • Sinh ngày 12 tháng 11 năm 1969 (Kỷ Dậu)
  • Học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse, Khóa 5 (1997-2003)
  • Chịu chức Linh mục ngày 28.06.2003
  • Linh mục Phụ tá Nhà thờ Xóm Chiếu từ năm 2003 – 2010
  • Được Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục Sàigòn, Bổ nhiệm làm Linh mục CHÁNH XỨ THUẬN PHÁT ngày 24.06.2010

Thánh lễ Nhậm chức ngày thứ Bảy 24.07.2010


Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :


Cụ Cố TÊRÊSA BÙI THỊ TUYẾT
(Cụ Cố Mạch)
Sinh năm 1914

Thân mẫu Nữ tu Maria Nguyễn Thị Tươi
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Thuận Phát
thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp


đã an nghỉ trong Chúa lúc 16 giờ 00,
ngày Thứ Ba 20.7.2010,
tại tư gia : 204 thôn Thanh Bình 1,
Đức Trọng, Lâm Đồng
hưởng thọ 97 tuổi.

Nghi thức tẩn liệm
lúc 16giờ 00 ngày Thứ Năm 22.7.2010.

Thánh lễ an táng tại Nhà thờ Giáo Xứ Thanh Bình,
Giáo Hạt Đức Trọng, Giáo Phận Đà Lạt,
lúc 05giờ30, ngày Thứ Sáu 23.7.2010.

Sau đó mai táng tại nghĩa trang Giáo xứ Thanh Bình, Đức Trọng.

Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Cụ Cố TÊRÊSA sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo

R.I.P


XIN CẦU CHO LINH HỒN
ANNA


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 2
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :

Bà ANNA ĐỖ THỊ THƠM
Sinh năm 1928 tại Ninh Bình

Cư ngụ tại : 46/1 Lâm Văn Bền
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 2 – Giáo xứ Thuận Phát

Hội viên Hội Tương Tế

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 15g00 ngày Thứ Ba 20.7.2010
(Nhằm ngày 09 tháng 6 năm Canh Dần)

Hưởng thọ 83 tuổi


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Tư 21.7. 2010

  • 10g30 : Nghi Thức Tẩn Liệm - Nhập Quan
Thứ Năm 22.7.2010
  • 17g00 : Thánh Lễ tại gia
Thứ Sáu 23.7.2010
  • 04g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 05g00 : Thánh lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát

Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM

Thuận Phát, ngày 21 tháng 7 năm 2010
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 2
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

LẼ SỐNG 20.7

20 Tháng Bảy
Ai Cũng Có Lý

Cách đây không lâu, tại nhà của một quan tòa ở Milano, bên Italia, đã xảy ra một câu chuyện như sau: Có hai người tranh chấp với nhau lâu ngày, cuối cùng đã đưa nhau đến quan tòa của thành phố nhờ phân xử dùm. Người thứ nhất trình bày câu chuyện và tự biện hộ cho mình. Anh vừa dứt lời thì quan tòa dõng dạc tuyên bố: "Anh có lý". Ðến lượt người thứ hai phân trần, anh cũng đem ra mọi lý lẽ để làm nghiêng cán cân công lý về phía mình. Sau khi nghe anh trình bày dông dài, quan tòa cũng tuyên bố: "Anh có lý".

Cậu con trai nhỏ của quan tòa theo dõi câu chuyện từ đầu. Nó ngạc nhiên vô cùng: làm thế nào cả hai đều có lý cả? Quan tòa cũng đưa ra phán quyết về nhận xét của con mình như sau: con cũng có lý. Mỗi người chúng ta ai cũng có lý của mình, nhưng có lẽ chúng ta không muốn nhận ra phần có lý của người khác cũng như chính phần lỗi của mình. Và đó chính là đầu mối của mọi bất hòa.

Vô nhân thập toàn, nhưng cũng không có ai là người xấu hoàn toàn. Nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận giá trị của người khác, thì có lẽ chúng ta sẽ không bất mãn về người khác cũng như đối với chính mình. Cuộc sống chỉ có thể thở được nếu mỗi người chúng ta biết cư xử bằng sự cảm thông và tha thứ.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

THÔNG BÁO ĐƯA TIỄN CHA CHÁNH XỨ ĐẾN NHIỆM SỞ MỚI

Hội Đồng Mục Vụ xin trân trọng thông báo :
08g30 sáng ngày Thứ Năm 22.7.2010, Cha Chánh Xứ sẽ lên đường đi nhận nhiệm sở mới. Trước khi rời giáo xứ, Cha sẽ cùng với cộng đoàn vào nhà thờ viếng Thánh Thể và cầu nguyện khoảng 15 phút. Sau đó Cha lên xe đến nhà thờ Bình Xuyên số 68 Dương Bá Trạc, Phường 2, Quận 8 (ngay dốc cầu Nguyễn Văn Cừ phía bên Quận 8).
Xin mời cộng đoàn dành thời giờ đến tham dự. Sau đó đưa Cha đến nhà thờ Bình Xuyên (những ai đăng ký sẽ có xe đưa đón) và hiệp dâng thánh lễ nhậm chức Chánh Xứ Bình Xuyên của Cha sẽ cử hành lúc 09g30. Ai vướng bận, có thể đến tham dự thánh lể bằng phương tiện di chuyển cá nhân. Xin chân thành cám ơn.

Ngày 18.7.2010
Hội Đồng Mục Vụ
Giáo xứ Thuận Phát

LẼ SỐNG 19.7

19 Tháng Bảy
Ðôi Cánh Thiên Thần

Một người Nga, sau khi mãn tù, đã kể lại tâm trạng mình như sau: Dáng vẻ bên ngoài của tôi xấu xí đến độ không có ai muốn gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo, thay vì làm trại chung với các trại viên khác, tôi đã tự giam mình dưới hầm... Tình cờ một tai nạn xảy ra, khiến tôi bị gù lưng.

Một ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: "Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?". Tôi nghĩ rằng cậu bé chế nhạo tôi, dù vậy tôi bình thản trả lời: "Cục bướu đấy cháu ạ".

Tôi chờ đợi cậu bé tiếp tục trò chơi gian ác của nó... Nhưng không, nó nhìn tôi một cách trìu mến và nói: "Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có dấu đôi cánh của Thiên Thần... Rồi một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó". Ý nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.

Biết nhìn xa hơn đằng sau mặt nạ của mỗi người: đó là cái nhìn của thánh nhân. Thánh nhân là người biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh, là người biết nhìn thấy sự may mắn ngay cả trong những mất mát, thua thiệt và nhất là biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến... Nhưng để được cái nhìn ấy, người ta cần có cái nhìn thông suốt và tràn ngập ánh sáng của Thiên Chúa.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

TIỆC CHIA TAY CHA CHÁNH XỨ






Xem thêm hình tiệc chia tay Cha Chánh Xứ TẠI ĐÂY.

Vào lúc 18g30 tối Chúa Nhật 18.7.2010, HĐMV Giáo xứ Thuận Phát đã tổ chức bữa tiệc đơn sơ trong nội bộ giáo xứ để tri ân và chia tay Cha Chánh Xứ Phêrô Phạm Văn Long trước ngày Cha rời giáo xứ lên đường nhận nhiệm sở mới theo quyết định của Đức Hồng Y Gioan Bt, Tổng Giám Mục Giáo Phận.

Thành phần tham dự gồm có :
  • Quý nữ tu các cộng đoàn nhà dòng trên địa bàn giáo xứ.
  • Quý vị HĐMV cựu và đương nhiệm
  • Đại diện các nhóm, hội đoàn, đoàn thể trong giáo xứ.
Trong tâm tình cảm mến Cha Chánh xứ, cộng đoàn đã tham dự rất đông đủ và đúng giờ. Đúng 18g30 bữa tiệc được khai mạc với chương trình :
  1. Ông Chủ tịch HĐMVGX phát biểu khai mạc
  2. Phút tưởng niệm Cha Cố Antôn
  3. Chia sẻ tâm tình
  4. Cám ơn - kết thúc.
Tiệc chia tay Cha Chánh xứ đơn sơ, gọn nhẹ như ý muốn của ngài nhưng phong phú, dạt dào tình cảm của nỗi lòng "con ở Cha đi!" trong bầu khí trầm lắng của sự chia ly, mặc cho người điều khiển chương trình hoặc các nhóm Giới Trẻ, Giáo Lý Viên, Huynh Trưởng cố gắng làm cho nóng lên. Những tiếng cụng ly và hô hào 1,2,3 dzô... hôm nay bỗng trở nên quá rời rạc khác với những bữa tiệc thường thấy.

Các thành phần trong cộng đoàn đã lần lượt lên diễn đàn để nói lời cám ơn, bày lòng cảm mến và cầu chúc Cha được dồi dào ơn Chúa, mọi sự tốt đẹp trong hành trình phục vụ mới. Nhiều kỷ niệm, nhiều cảm nhận của từng người đối với Cha Chánh xứ trong suốt thời gian 7 năm Cha phục vụ giờ đây mới được bật mí.

Cố gắng kìm nén cảm xúc, Cha Chánh xứ đã có những lời chân tình đáp lại tấm lòng quý mến của cộng đoàn. Buổi tiệc cứ thế êm ả trôi qua và được kết thúc với tâm tình cám ơn của ông Chủ tịch HĐMVGX vào lúc 20g15. Mọi người nặng nề bước đi như không muốn rời phòng tiệc ra về.

Sau đây, xin giới thiệu tâm tình của quý Sơ Cộng Đoàn Mến Thánh Giá được Sơ Phụ trách phát biểu trong bữa tiệc :

Trọng kính cha Phêrô rất quý mến.

Kính thưa Quý tu sĩ, Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ cùng toàn thể mọi người đang hiện dĩện.

Bữa cơm thân ái tối nay, chúng con và mọi người đều muốn dâng về Cha lời tri ân cảm tạ.

Kính thưa Cha, trong những năm tháng chị em chúng con được hạnh phúc sống và cùng đồng hành với Cha trong công việc mục vụ của giáo xứ, chúng con đã lãnh nhận được rất nhiều Hồng Ân quá cao quý mà Cha ban cho chúng con mỗi ngày. Đó là thánh lễ và Lời Chúa là lương thực nuôi sống chúng con. Cha đã khích lệ chúng con trong đời sống dâng hiến, nâng đỡ chúng con trong công việc mục vụ. Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy nói lên tâm tình của một người Cha luôn quan tâm đến từng con chiên, và còn rất nhiều, chúng con không thể nói và bày tỏ hết được. Chúng con chỉ biết nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu tình thương trả công thay chúng con.

Kính thưa cha, ngày 22.7 tới đây, Cha vâng lời để thi hành sứ vụ mới. Chúng con chỉ biết cúi đầu thờ lạy Thánh Ý Chúa, mặc dù ngoài ý muốn của chúng con và của giáo xứ.

Nguyện xin Thiên Chúa, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse tiếp tục tràn đổ muôn Hồng Ân xuống trên Cha, ban cho Cha sự khôn ngoan, sức mạnh. Nhất là Thánh Linh Chúa luôn ở với Cha trong mọi công việc để nơi Chúa đưa Cha đến sẽ trổ sinh hoa trái tốt đẹp như lòng Chúa ước mong.

Một lần nữa, chúng con vô vàn tri ân, cảm tạ Cha. Chị em chúng con đã vô tình làm phiền lòng Cha điều gì, xin Cha tha thứ.

Chúng con xin được kính tặng Cha bài thơ gói trọn tâm tình của chị em chúng con:

TRI ÂN

Hôm nay giáo xứ chúng con
hợp hoan dâng tiễn Cha lòng tri ân.
Niệm suy lòng Chúa từ nhân
đã cho giáo xứ Chủ Chăn dịu hiền.
Tháng năm hết dạ yêu chiên,
đem lời giáo huấn, triền miên nguyện cầu.
Đường dài ân nặng tình sâu,
Cha như bóng mát che đầu chúng con.
Tình Cha như núi Thái Sơn,
yêu chiên chẳng sợ thiệt hơn thân mình.
Khiêm nhường, nhẫn nhục, hy sinh,
Cha gieo hạt giống Đức Tin cho đời.
Quyết tâm mở rộng Nước Trời,
Cha tìm Ý Chúa, thưa lời xin vâng.
Đời Cha trọn nghĩa hiến dâng,
chuyển thông nguồn suối Thánh Ân tràn đầy.

Thuanphat's blog
Video Clip :
- Ca đoàn Cécilia phát biểu tâm tình.
- Đại diện Hội các BMCG tâm tình cám ơn Cha Chánh Xứ.
- Đại diện giáo chức phát biểu.
- HĐMVGX cám ơn Cha Chánh Xứ.
- Giới trẻ hát tặng Cha Chánh Xứ.
- Nhóm Huynh trưởng hát tặng Cha Chánh Xứ.
- Hát kết thúc.


Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

THÁNH LỄ CN XVI TN - CHIA TAY CHA SỞ








Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XVI thường niên năm C. Thánh Lễ Tạ Ơn cầu cho giáo xứ. Sau lời nguyện Hiệp Lễ Ông Chủ Tịch Hội Đồng MVGX thay mặt cộng đoàn giáo xứ cám ơn và dâng hoa, quà tri ân Cha Sở. Cha Sở nói lời từ giã cộng đoàn để đi nhận nhiệm sở mới. Sau Phép Lành và lời chúc cuối Lễ : các thành phẩn trong giáo xứ chụp hình lưu niệm với Cha.
HĐMVGX dâng Lễ vật.
Ca đoàn Cécilia hát lễ.

Mời nghe Thánh Lễ TẠI ĐÂY.
Mời nghe lời cám ơn Cha Chánh Xứ của ông CT HĐMVGX và lời từ giã của Cha Chánh Xứ
Xem hình Thánh Lễ TẠI ĐÂY.

Hữu Toàn.