Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 08.02

08 Tháng Hai
Sống Lạc Quan

Năm 1989, một cuộc thi toán quốc tế đã được tổ chức cho các thiếu nhi 13 tuổi thuộc sáu quốc gia trên thế giới. Kết quả cuộc thi đó cho thấy giỏi toán nhất là các em Ðại Hàn, kế đó là các em Tây Ban Nha, Anh Quốc, Ailen, Canada và đội sổ là các thiếu nhi Hoa Kỳ.

Song song với cuộc thi toán ấy, người ta cũng làm một cuộc thăm dò với chính các thiếu nhi cũng thuộc lứa tuổi ấy. Người ta đặt một câu khẳng định như sau: "Tôi là người giỏi toán". Kết quả cuộc thăm dò cho thấy lạc quan nhất là các trẻ em Hoa Kỳ và bi quan nhất lại chính là các em Ðại Hàn. Gần 70% các em Hoa Kỳ tự nhận mình là giỏi toán trong khi đó chỉ có khoảng 20% các em Ðại Hàn tự nhận mình có thực tài.

Qua cuộc thi toán và thăm dò trên đây, người ta thấy rằng có thể các thiếu nhi Hoa Kỳ không phải là những trẻ em giỏi toán, nhưng chúng đã tiếp thu rất kỹ bài học về tính lạc quan do các thầy cô không ngừng giảng dạy tại trường. Nhiều nhà giáo dục người Mỹ muốn chứng minh rằng nghiện ngập, chửa hoang, bỏ học và hầu hết các tệ đoan xã hội khác đều có thể được giảm bớt nếu con người biết sống lạc quan, nghĩa là biết tự nhận và cảm thấy mình là những con người tốt.

Lạc quan là đức tính cơ bản nhất để thành công trong cuộc sống. Có tin tưởng nơi chính mình, có tin đời, có tín nhiệm nơi người khác, người ta mới dám bắt tay vào việc. Ngay cả khi gặp thất bại, thử thách, người lạc quan cũng không lùi bước, bỏ cuộc.

Trong cuộc sống đức tin, lạc quan là một trong những nhân đức quan trọng nhất. Người tín hữu lạc quan là người luôn đặt tất cả tin tưởng nơi Thiên Chúa. Người tín hữu lạc quan là người không bao giờ thất vọng về chính mình. Người tín hữu lạc quan cũng là người không bao giờ thất vọng về người khác.

Ðá tảng để người tín hữu xây dựng sự lạc quan của chính mình là Tình Yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vượt lên trên mọi tính toán, đo lường và sự tưởng tượng của con người, một tình yêu thủy chung.

Tình yêu ấy nói với con người rằng, không có một con người nào đốn mạt, yếu hèn, xấu xa đến nỗi Thiên Chúa đành phải bó tay.

Tình yêu ấy nói với con người rằng, nơi nào có tội lỗi và phản bội càng nhiều, thì nơi đó ân phúc được thi ân dồi dào hơn.

Tình yêu ấy nói với con người rằng, đau khổ, cái chết chưa là tận cùng mà là khởi đầu của vinh quang, của sự sống. Tình yêu ấy mạnh hơn sự chết, tình yêu ấy không bao giờ bỏ cuộc, đầu hàng.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 07.02

07 Tháng Hai
Một Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi

Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.

Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.

Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những người bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.

Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.

Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitô hay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?".

Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5 MÙA THƯỜNG NIÊN A (Mt 5, 13-16)

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
Cá không ăn muối cá ương
“Các con là muối đất”
(Mt 5, 13)

Muối, một hình ảnh rất bình dân mà minh họa cho cả một sứ mệnh quan trọng của Chúa Giêsu trong đời sống tín hữu và của các tín hữu trên hành trình dương thế về Thiên quốc..

Đời sống tín hữu phải là một cuộc đời có sự sống, sự sống thật, trong cái thân xác dễ hư, dễ thối, dễ ương ỉnh nầy. Sự sống thật là sự sống của Thiên Chúa mà mỗi tín hữu đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy. Và đế giữ được sự sống ấy cho đến ngày sau cùng, các tín hữu phải được ướp bằng chính Chúa Kitô. Chính đức tin vào Chúa Kitô, niềm cậy trông nơi Chúa Kitô, và lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô mà mỗi tín hữu được sống trong sự sống của Thiên Chúa. Như vậy, trong khi yêu cầu các môn đệ “các con là muối đất’ thì chính Chúa Giêsu đã là muối ướp chúng ta cho chúng ta khỏi hư thối, giữ cho chúng ta sự sống thật, sự sống đời đời.

Chúa Giêsu ướp chúng ta bằng những hạt muối là lời dạy của Chúa, là chính cuộc sống hiến tế của ngài trong Thánh Thể.

Ngày đầu năm mới, mỗi gia đình nhận được Lộc Xuân là những câu Lời Chúa, không phải là nhận thêm những hạt muối mới để ướp cuộc đời chúng ta luôn tươi, luôn mới, luôn tràn đầy sức sống trong năm mới đó sao? Năm nay, Giáo xứ chúng tôi tổ chức nhận Lộc Xuân ngay lễ Giao Thừa, thay vì lễ minh niên như mọi năm, cũng là điều hợp lý. Sau khi dự thánh lễ Giao Thừa, các gia đình trở về nhà đón giao thừa bằng một giờ kinh gia đình. Và sau giờ kinh gia đình, cha mở Lộc Xuân ra dõng dạc công bố Lời Chúa cho cả gia đình trong cả năm. Mọi người vỗ tay. Út Hữu nhanh miệng: “Chúa lì xì năm mới rồi đó, cha mẹ lì xì cho út đi”. Không để ý đến yêu cầu của út, Cha tiếp tục giải thích Lộc Xuân Lời Chúa một chút và nhắc nhở các con về việc sống Lời Chúa trong năm.

Lời Chúa đó. Muối đó. Muối ướp cho tâm hồn chúng ta khỏi ra ương ỉnh, hư thối. Ngôi Lời đã hóa thân thành nhục thể, và có thể nói, đã hóa thân thành muối cho đời. Nếu tính chất của hạt muối là phải mặn, thì hạt muối Giêsu cũng đã mặn nồng tình yêu của mình với Chúa Cha, với nhân loại, cũng đã mặn một niềm tin tưởng phó thác vào tay Cha, mặn nghĩa mặn tình với những con người cùng khổ, tội lỗi…

Đến lượt chúng ta, khi đã được hạt muối Giêsu ướp mặn, ướp cho tươi mới, chúng ta lại trở nên những hạt muối mới, những hạt muối mặn nồng tình yêu để ướp bao tâm hồn khác sống trong sự sống của Thiên Chúa. Sứ mệnh của Chúa Giêsu được chuyển giao cho chúng ta, để chúng ta duy trì sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta và trên trần gian này cho đến ngày tận thế.

Như vậy, nếu niềm tin của chúng không mặn, đức cậy của chúng ta không mặn, đức Mến Chúa Yêu Người của chúng ta không mặn, không nồng, thì làm sao có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã giao phó.

Cũng thế, “các con là ánh sáng trần gian”
(Mt 5, 14), một ý tưởng chuyển giao thứ hai của Chúa Giêsu trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, khi ta nhận được ánh sáng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, cũng là lúc chúng ta phải chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian: “Sự sáng của các con phải chiếu dọi để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5, 16).

Làm sao chúng ta có ánh sáng, có Tin Mừng hướng về phía ánh sáng, nếu chúng ta đã không khiêm cung nhận lấy ánh sáng từ trời là Chúa Giêsu chiếu dọi và soi dẫn lòng chúng ta.


Nếu bài dạy của Chúa Giêsu trên núi, là hiệp nhất trọn vẹn, là kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu chí thánh chí thiện, kết hợp với Con Thiên Chúa, để được Nước Thiên Chúa, thì chính Nước Thiên Chúa mà mỗi tín hữu đã nhận được, sẽ như ánh sáng muôn đời, sẽ là ánh sáng chiếu soi, ánh sáng làm chứng cho Thiên Hạ biết rằng có một Nước Thiên Chúa đang ngự trị ở trần gian.

Điều Chúa Giêsu cẩn trọng dặn dò chúng ta là “để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”. Tiếc là, cũng có nhiều cái tỏa sáng, mà không tỏa sáng vì danh Chúa Giêsu.

Có người nào đó đã tự phụ quá chăng, khi làm một vì sao, có chức quyền, trong Giáo Hội, trong xã hội … Để mà chi… nếu không phải “để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”.

Không thể gọi là tín hữu Kitô Công giáo, nếu không biết đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Việc “đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người”, thiết tưởng, đến nay đã có nhiều người thi hành, nhưng, đem niềm vui đến cho nhiều người để danh Cha được cả sáng, thì có lẽ, phải cần xem lại.

Ấy vậy, mới hiểu ra, thân phận làm muối của Chúa Giêsu và của chúng ta, là ướp cho đời mặn lên tình yêu, mặn lên lòng trung tín, mặn lên ý nghĩa mở đường và bảo vệ cho công lý cho hòa bình, cho sự thật của Chúa Kitô, của Thiên Chúa. Tuyệt đối, không vì một lý do nào khác. Và thân phận làm ánh sáng của mỗi chúng ta, là một thân phận được chúc phúc, đáng vui mừng. Nhưng đáng được chúc phúc và vui mừng hơn khi ta sẻ chia ánh sáng, tình yêu, chân lý cho người khác.

Cụ thể hơn, sứ mạng rất đặc biệt của thân phận hạt muối, thân phận ngọn đèn giữa bão tố phong ba, được Lời Chúa CN 5 TN A nhắc nhớ mỗi chúng ta: chính chúng ta phải được ướp bằng tình yêu mặn nồng của Chúa Giêsu, và được sống trong niềm vui đại Gia đình Thiên Chúa, qua Lời Tiên Tri Isaia rằng: “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”
(Is 58, 7)

Thánh Phaolô khẳng định về sứ mệnh hạt muối, ánh sáng nhờ Chúa Giêsu Kitô: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Ki-tô Giê-su, Ðấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa, Ðấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em”.
(x Cor 1, 30)

Và vì đã được thánh hóa trong Đức Giêsu Kitô, nên mỗi người nhận lãnh một sứ mạng muối đất, đèn trời như Chúa Giêsu Kitô. Sứ mạng ấy, là ơn gọi đặc biệt trước mắt Thiên Chúa, trong thân phận nhỏ bé tầm thường “ Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa”
(1Cor 2, 1-5) .

Lời thư thánh Phaolô gửi Corinto, cách nào đó, đã nói lên cho mỗi người niềm vinh dự được là muối đất, là đèn trời cho Nước Thiên Chúa.

Chúng con là muối đất, đèn trời. Là muối đất, chúng con phải được ướp bằng chính muối của Chúa Giêsu, phải có vị mặn của tình yêu như muối thương hiệu Giêsu số một: Tình yêu hy sinh dâng hiến.

Là đèn trời, vì chúng con đã nhận lấy ánh sáng của Tin Mừng, của Chúa Giêsu, ánh sáng xua tan bóng tối tội lỗi, ánh sáng ban bình an, sự sống. Và khi đã mặc lấy ánh sáng, thì ánh sáng ấy phải chiếu giãi cho mọi người, để mọi người biết Nguồn Ánh sáng thật là Chúa Giêsu, mà ngợi khen Cha ở trên trời.

Độ mặn của Muối tình yêu và lòng nhạy cảm của tình thương, Ánh sáng tiếp nhận chân lý của Chúa Giêsu Kitô phải là hành trang trong cuộc sống chứng nhân của các tín hữu vậy. Lạy Chúa, muối của con đã nhạt vì lòng mến Chúa Chúa Giêsu đã bị các thực tại trần thế hấp dẫn cuốn hút. Ánh sáng của chúng con mờ dần đi, vì chúng con không chịu kết hiệp với Chúa, chúng con lìa xa ánh sáng Chúa

Xin cho chúng con biết mến yêu Chúa nồng nàn hơn và nồng nàn yêu Chúa hơn những việc của chúng con làm. A men.

PM. Cao Huy Hoàng
Mùng 1. Tết Tân Mão
(nguồn : thanhlinh.net)


LẼ SỐNG 06.02

06 Tháng Hai
Hướng Về Nagasaki

Nagasaki là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với hàng trăm ngàn sinh linh vào năm 1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1597, 26 vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về thành phố Nagasaki. Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những người thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxico. Họ thuộc loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người giúp việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một đức tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội.

Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữa. Nhưng sau khi đã thiết lập được vài công đoạn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín hữu sinh sống quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà 26 vị tử đạo đã anh dũng tuyên xưng.

Vào năm 1617, 26 vị này được phong á thánh và cuối cùng được tôn phong hiển thánh vào năm 1862.

"Bản án tử hình của chúng tôi có để lại: những người bị hành quyết này đã đến từ Phi Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật chính tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng như vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao truyền danh Ngài. Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn nói với các bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn được hạnh phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không hờn ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất cả các bạn và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt mưa giúp phát sinh nhiều hoa trái".

Ðó là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô Miki, người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị tử đạo tại Nhật.

Ngày nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số khiêm nhường, nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được hưởng tự do hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và Niềm tin Thánh Phaolô Miki đã rao giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần.

Ước gì sự xác tin, lòng can đảm và sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp tục sống mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 05.02

05 Tháng Hai
Một Cách Tỏ Tình

Du khách viếng thăm hành lang nổi tiếng của nhà thờ chánh tòa Thánh Phaolô ở Luân Ðôn có thể nghe tiếng của người hướng dẫn đang thuật lại lịch sử của nhà thờ truyền đi khắp nơi chung quanh vòm mái tròn to lớn ở chánh điện, nhờ các kiến trúc đặc biệt làm tiếng nói vang dội mang âm thanh đi rất xa. Cũng vì thế, nên nếu áp tai vào tường người ta có thể nghe được những gì một người nói từ phía bên kia của vòm mái tròn, mặc dầu đó chỉ là một giọng nói thì thầm tâm sự.

Cách đây đã lâu, mượn nhà thờ chánh tòa làm nơi hẹn hò, một người hành nghề đóng giày than vãn với người yêu là chàng chưa thể tiến hành lễ cưới ngay bây giờ được. Hiện tại chàng không có cả tiền để mua da và các vật liệu cần thiết để có thể tiếp tục hành nghề, vì thế chàng đang phải thất nghiệp dài dài, đào đâu ra tiền để làm đám cưới. Nghe tin bất lành, ý trung nhân của anh chỉ biết sụt sùi khóc.

Ðang lúc ấy, một người tình cờ đi qua hành lang phia bên kia nghe được câu chuyện thương tâm và những lời cầu nguyện của anh thợ đóng giày. Ông ta quyết định làm một cái gì để giúp đôi trai gái được thành gia thất. Vì thế, khi chàng trai từ giã người bạn gái thất thểu ra về, ông ta cũng tiến bước theo sau để biết chỗ ở của anh ta và lập tức cho người mang đến tặng cho anh một số da. Chàng đóng giày phấn khởi bắt tay vào việc và không bao lâu công việc làm ăn phát đạt tạo đủ điều kiện để anh có thể tiến hành hôn lễ với người yêu. Mãi đến mấy năm sau, hai vợ chồng mới biết vị ân nhân của mình là ông William Gladston, vị thủ tướng Anh quốc lúc bấy giờ.

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hai tư tưởng chúng ta có thể đào sâu để củng cố niềm tin Kitô của chúng ta. Ðó là: Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người luôn lắng nghe và sẵn lòng ban cho chúng ta, con cái của Người, mọi ơn lành Người biết là sẽ mang lợi ích thật sự cho chúng ta, như vị thủ tướng Anh quốc nghe những lời tâm sự thì thầm của đôi trai gái trên và ra tay giúp đỡ họ. Vì thế, chúng ta hãy kiên tâm, bền chí trong lúc cầu xin.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

THƯ CỦA VỊ ĐẠI DIỆN KHÔNG THƯỜNG TRÚ

Thư của vị Đại diện không thường trú của Toà Thánh gửi ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn

Khâm sứ Toà Thánh ở Inđônêsia






Kính gửi

Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh
Toà Tổng Giám mục,
180 Nguyễn Đình Chiểu, Q3,
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Ngày 13-1-2011

Trọng kính Đức Hồng Y,

Hôm nay, nhân dịp công bố việc bổ nhiệm tôi làm Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, tôi vui mừng viết thư này gửi Đức Hồng Y để diễn tả niềm vui sâu xa của tôi đối với sứ vụ mới và khẳng định rằng, tôi coi đây là một vinh dự được đại diện Đức Thánh Cha tại Giáo Hội địa phương trong đất nước tuyệt vời này.

Nhân cơ hội này, tôi muốn nói lên ý muốn và niềm ước mong chân thành được hỗ trợ ngài và Giáo Hội nơi ngài thi hành thừa tác vụ Giám mục. Ngay từ thời điểm này, tôi muốn đoan chắc với ngài rằng, tôi sẵn sàng phục vụ và cộng tác vì ích lợi của Giáo Hội.

Với sự trợ giúp của Chúa, tôi rất hy vọng củng cố mối dây hiểu biết huynh đệ và trợ giúp lẫn nhau giữa Đại diện Toà Thánh và Tổng Giáo phận của Ngài.

Với tư cách Đại diện của Đức Giáo Hoàng, Đấng là trung tâm hiệp nhất trong Giáo Hội, tôi sẽ hết sức vui mừng góp phần vun trồng ý thức hiệp thông giữa Đấng kế vị Thánh Phêrô và Đức Hồng Y, là mục tử mà Chúa Thánh Thần đã chỉ định để hướng dẫn Giáo Hội địa phương ở đây. Đồng thời, tôi hy vọng là khí cụ hiệp thông giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Hội Thánh, cũng như giữa đồng bào Việt Nam.

Xin gửi đến ngài lời cầu chúc cầu nguyện tốt đẹp nhất và lòng kính trọng chân thành.

Leopoldo Girelli
Khâm sứ Toà Thánh
(nguồn : WGPSG)


LỜI CHÚC XUÂN ĐÊM GIAO THỪA TÂN MÃO

Kính thưa anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô,

Xuân mới đã về trên quê hương đất nước với muôn hoa tươi thắm, mang theo muôn ơn lành của Chúa đến cho mọi người, mọi nhà. Vào thời điểm giao thừa rất linh thiêng này, tôi xin gửi đến mọi gia đình và mọi người Lời Chúc Năm Mới: “Người người đón nhận vạn ơn lành, nhà nhà dư đầy muôn phúc lộc”.

Đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam, năm mới Tân Mão cũng được coi là năm triển khai và thu hoạch những thành quả của Năm Thánh và Đại Hội Dân Chúa 2010. Vì thế, trong năm mới, xin anh chị em chuyên cần cầu nguyện cho mọi thành phần trong gia đình giáo phận nỗ lực canh tân, đổi mới như ý Chúa mong muốn và xã hội mong đợi. Đặc biệt, xin các gia đình, các giáo xứ, các dòng tu, các tổ chức mục vụ và tông đồ, hãy cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần liên kết mọi người một lòng một ý vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương trong giáo phận cũng như trong Thành phố này. Ước mong “Xuân mới hiệp thông nở hoa trên đất nước; Ánh quang Tin Mừng toả sáng khắp muôn phương.”

Xin Chúa ban mọi ơn lành hồn xác, và ban bình an hạnh phúc tròn đầy cho tất cả mọi người chúng ta trong năm Tân Mão này. Xin chân thành kính chúc.

ĐHY Gioan Bt Phạm Minh Mẫn
(nguồn WGPSG)

LẼ SỐNG 04.02

04 Tháng Hai
Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời

Con gái ông Karl Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thuở nhỏ bà không được huấn luyện cho biết có Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng như chính bà không cảm thấy mình có một tâm tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào.

Nhưng bà tâm sự tiếp: mộ ngày kia bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô mà bà thầm mong ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.

Nghe nói thế, người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Kinh gì mà hay thế?". Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông Karl Marx chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: "Vater unser im Hinmel? Lạy Cha chúng con ở trên trời?".

Có một Giám Mục kia trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà lão. Người ta nói bà là một tấm gương cho cả làng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám Mục hỏi:

- Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất?

- Thưa Ðức Cha con không biết đọc, bà cụ trả lời. Nghe nói thế, vị Giám Mục tiếp tục hỏi: "Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?". Thấy Giám Mục đã biết bí quyết của mình, bà cụ thật thà thưa:

- Thưa Ðức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Một ngày con khởi sự đọc đến mười lần nhưng thường thì con không đọc xong.

- Tại sao thế? Vị Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp:

- Tại vì khi con bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con? Con bỗng không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến mực cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi ngài là Cha. Ðiều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:

- À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo câu đó.

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Gần chùa gọi bụt bằng anh". Ðó là tâm tình thông thường của con người. Bởi lẽ những thực tại dù to lớn đến đâu, nếu đã trở nên những công việc hằng ngày thường bị hạ thấp giá trị.

Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng ta ý thức thật sâu đậm về sự thật: Thiên Chúa là Cha chúng ta, như bà cụ đơn sơ trong câu chuyện trên đã cảm nghiệm được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực hành những gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong kinh Lạy Cha.

Trích sách Lẽ Sống

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ MỒNG 2 TẾT KÍNH NHỚ TỔ TIÊN, ÔNG BÀ CHA MẸ VÀ CÁC SINH HOẠT TRONG GIÁO XỨ



Thánh Lễ sáng ngày 04-02-2011 Mồng 2 Tết Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ do Cha Chánh Xứ dâng Lễ.

Cuối Lễ Chầu Thánh Thể (Thứ Sáu đầu tháng).

Cha Chánh Xứ và Ông Chủ Tịch HĐMVGX chúc tuổi và tặng quà các Vị Cao Niên trong và ngoài giáo xứ.

Ca đoàn Giới Trẻ hát Lễ và dâng Lễ Vật.

Mời xem thêm hình Ở ĐÂY.


Hữu Toàn.

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ MỒNG 1 TẾT CẦU BÌNH AN CHO GIÁO XỨ VÀ CÁC SINH HOẠT TRONG GIÁO XỨ


Thánh Lễ Tân Niên (Xuân Tân Mão) Giáo Xứ Thuận Phát do Cha Chánh Xứ cữ hành vào lúc 6 giờ ngày 03-02-2011.

Cuối Lễ Chầu Thánh Thể (Thứ năm đầu tháng)

Ông Chủ Tịch HĐMVGX chúc Tết Cha Chánh Xứ, Cha giáo Gioan B. Nguyễn Văn Đán, Quý Tu Sỹ và cộng đoàn giáo xứ.

HĐMVGX và cộng đoàn chúc Tết các Soeurs Dòng MTG Thuận Phát.

Ca đoàn Cécilia hát Lễ, Thiếu Nhi TT dâng Lễ Vật.

Xem thêm hình Ở ĐÂY.


Hữu Toàn.

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 03.02

03 Tháng Hai
Ngôn Ngữ Của Tình Yêu

Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô.

Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với cô gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Ðại Học, tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ.

Cho người mù lòa và câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn sách, cành cây, con chó, xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn tả cho Helen hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn?

Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan đã viết lên tay của Helen Keller hai chữ "Tình Yêu" rồi ôm trầm lấy cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu tiên trong đời, cô gái câm điếc mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu được thế nào là Yêu Thương.

Ngôn ngữ của Tình Yêu là những hành động cụ thể.

Ánh mắt trìu mến, những âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy sinh hằng ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất cứ lời dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai người yêu nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn hơn những lời nói hoa mỹ, những trống rỗng.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời nói suông, mà bằng cả lịch sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể.

Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp.

Ðạo Kitô của chúng ta là Ðạo của Tình Yêu. Một người Kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ Tình Yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu, một Ðức Tin không việc làm là một Ðức Tin chết. Một lòng Mến không được thể hiện bằng hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Chân Thành Kính Chúc
Quý Linh Mục - Tu Sĩ Nam Nữ
Quý Cụ Ông Bà
và Toàn Thể Dân Chúa
Giáo Xứ Thuận Phát
cùng Quý Độc Giả khắp nơi

NĂM MỚI TÂN MÃO 2011
PHÚC-LỘC-THỌ-KHANG-NINH
TRÀN ĐẦY MUÔN HỒNG ÂN THIÊN CHÚA

Linh Mục Chánh Xứ
và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

LẼ SỐNG 02.02

2 Tháng Hai
Người Mẹ Bồng Con

Một buổi trưa hè nóng bức. Những người hành khách trên chuyến xe đò lặng lẽ nhìn con đường độc điệu. Cái nắng chói chang và cuộc sống buồn tẻ như giam hãm mọi người trong một thứ thinh lặng nặng nề.

Nhưng ở một trạm dừng nào đó, mọi người bỗng ra khỏi sự thinh lặng của mình để đưa mắt nhìn về một người thiếu phụ trẻ vừa mới bước lên xe. Chuyến xe từ từ chuyển bánh trở lại. Người thiếu phụ bắt đầu cười và đùa giỡn với đứa con thơ dại chị đang bế trên tay. Cử chỉ của người thiếu phụ, tiếng cười hồn nhiên của đứa bé đã thu hút sự chú ý của mọi hành khách. Trong phút chốc một ngọn gió mát của hiếu kỳ của liên đới, của tham dự và của chính sức sống đã đem lại một bầu khí tươi mát cho mọi người. Mọi người như bừng tỉnh từ nỗi thinh lặng của oi bức, của ngái ngủ. Nơi đây, người ta nghe có tiếng người bắt đầu nói chuyện. Nơi kia có tiếng người cười. Sự đối thoại như một dòng điện chạy xuyên qua mọi người. Giờ thì chuyến đi không còn là một cuộc độc hành buồn tẻ nữa.

Trên chiếc xe già cỗi và buông tẻ của thế giới, một người đàn bà đã bước lên: Tình Yêu và Sự Sống đã bừng dậy. Người đàn bà đó chính là Mẹ Maria. Thế giới bắt đầu đi vào một giai đoạn lịch sử mới kể từ giây phút ấy. Mẹ đã bước lên chiếc xe cằn cỗi của thế giới cùng với Chúa Giêsu để biến nó trở thành một cuộc hành trình vui tươi và đầy ý nghĩa.

Thiên Chúa đã không ngừng tạo dựng Mẹ Maria như biểu tượng cao vời nhất của người đàn bà, của người vợ, của người mẹ, Ngài còn muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Mẹ con đường lý tưởng, mẫu gương lý tưởng mà mọi người phải noi theo để đạt đến cứu cánh vĩnh cửu.

Mẹ đã sinh ra như mọi người, Mẹ đã lớn lên như mọi người, Mẹ đã sống cuộc sống con người như mọi người, nghĩa là Mẹ cũng đã trải qua những tháng năm của buồn vui, của thử thách, của mất mát, cuộc hành trình đó là bởi vì lúc nào Mẹ cũng sống kết hiệp với Chúa và tin tưởng ở quyền năng Yêu thương của Ngài. Mang Chúa Giêsu đến cho trần thế, Mẹ đã biến cuộc hành trình buồn tẻ của thế giới thành một Ðại Lễ của gặp gỡ, của chia sẻ, của hân hoan và tin tưởng. Từ nay, tuyến đường mà nhân loại đang đi kết thúc bằng một điểm đến rõ rệt là chính Thiên Chúa.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 01.02

01 Tháng Hai
Rừng Mắm

Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Rừng Mắm", cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lợi của cây mắm qua mẩu đối thoại sau đây giữa hai ông cháu:

- Cây mắm sao con không nghe nói đến bao giờ?

- Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm lửa cũng không được nữa là.

- Vậy trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sinh ra hằng hà sa số như là cỏ vậy?

Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, Ông cụ vịn vai nó nói tiếp: "Ông với tía, má con là cây mắm, chân giam trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu con".

Mỗi lần nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta thường tự hỏi: "Tôi đã làm gì được cho tôi, cho quê hương, cho Giáo Hội?". Ý nghĩ về sự vô tích sự của mình có thể tạo nên trong tâm hồn chúng ta nỗi chua xót, đắng cay, thất vọng.

Chúng ta hãy nhìn lại đất phù sa và cây mắm trong câu chuyện trên đây. Cần phải có cây mắm, đất phù sa mới trở thành đất thịt, để rồi từ đó cây tràm và các loại cây khác mới có thể mọc lên.

Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này, dù tàn tật, dù dốt nát và xấu xa đến đâu, cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để cho đất đai trở thành màu mỡ, nhờ đó những cây ăn trái mới có thể vươn lên.

Ước gì ý nghĩa ấy giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về quá khứ, về chính bản thân của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng trong lịch sử nhân loại và đều có một giá trị bổ túc cho những thiếu sót của người khác.

Với ý nghĩ ấy, còn tâm tình nào xứng hợp hơn trong giây phút này cho bằng tri ân, cảm mến đối với Thiên Chúa Tình Yêu? Cảm tạ Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, cảm tạ ngài đã ban chúng ta được phục vụ Ngài, cảm tạ Ngài đã cho chúng ta được hữu dụng trong Tình Yêu Quan Phòng của ngài.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 31.01

31 Tháng Giêng
Kỳ Quan Của Thế Kỷ 19

Ngày 31 tháng 1, cách đây đúng một thế kỷ, thế giới mất đi một người mà ông Rattazzi, thủ tướng nước Italia, thời bấy giờ nổi tiếng là người chống báng Giáo Hội, đã phải thốt lên: "Ngài là kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 19. Cả nước Pháp đã suy tôn Ngài như một vị Thánh Vinh sơn đệ Phaolô của thế kỷ". Con người đó chính là Thánh Don Bosco.

Thánh nhân chào đời năm 1815 tại miền Piemonte, thuộc mạn bắc nước Italia. Mẹ Ngài là bà Magarita mong ước cho Ngài được làm linh mục. Nhưng bà đã dặn dò con mình: "Mẹ đã sinh ra trong nghèo khó, mẹ đã sống trong nghèo khó, mẹ cũng muốn chết trong nghèo khó. Nếu con muốn làm linh mục để giàu có, mẹ sẽ không bao giờ bén mảng đến với con".

Don Bosco đã thực hiện lời khuyên của mẹ. Không những Ngài đã sống nghèo, nhưng chỉ sống với người nghèo, nhất là trẻ em nghèo. Ngài đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu nhặt những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ.

Nếu mãi đến năm 1848, Karl Marx mới đưa ra tuyên ngôn kêu gọi giới công nhân đứng lên, đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi của họ, thì trước đó, Don Bosco cũng đã tranh đấu cho giới công nhân rồi.

Thời của Thánh nhân, kỹ nghệ mới phát triển, nhiều vấn đề xã hội được đặt ra. Thánh nhân chủ trương không chỉ mang lại cho giới trẻ một nền giáo dục về mặt tinh thần hay tu đức, mà còn giúp cho giới trẻ một nghề nghiệp trong tay. Thánh Don Bosco đã được xem như là cha đẻ của những trường huấn nghệ ngày nay.

Phương pháp sư phạm được Thánh nhân đề ra nhắm đến sự đề phòng hơn là trừng phạt. Thay vì chữa trị những sai trái, tốt hơn là đề phòng để những sai trái không xảy ra. Trong tất cả mọi sự, tình thương và sự dịu dàng là cơ sở cho tất cả mọi cư xử của Thánh Don Bosco.

Hiền lành và vui vẻ là hai nhân đức trội vượt trong sự thánh thiện của Thánh Don Bosco. Với sự hiền lành đầy cảm thông, Thánh nhân nhìn mọi người bằng chính cái nhìn của Chúa Giêsu. Cái nhìn đó muốn nói với tội nhân hay bất cứ một tâm hồn xấu xa nào rằng: "Bạn có một giá trị cao cả. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương bạn. Bạn đừng ngã lòng".

Ði đôi với sự hiền lành chính là vui vẻ. Châm ngôn của Thánh Don Bosco chính là: Phụng sự Chúa trong vui tươi. Sự vui vẻ của Thánh Don Bosco là liều thuốc hữu hiệu nhất cho thời đại đầy phiền muộn và chán nản của chúng ta. Niềm vui của Thánh nhân xuất phát từ một xác tín cơ bản trong Kitô giáo của chúng ta: Thiên Chúa là Tình Yêu. Do đó những người được Thiên Chúa yêu thương không thể nào buồn thảm được.

Sứ điệp của Thánh Don Bosco vẫn luôn hợp thời, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Giữa một xã hội mà tương quan con người được xây dựng trên thù hận, nghi kỵ, bon chen, giành giật, lừa đảo. Thánh Don Bosco nói với chúng ta rằng: Con người vẫn còn đáng thương yêu, vẫn còn đáng tôn trọng và tin tưởng.

Giữa một xã hội mà sự buồn thảm đang ngự trị, Thánh nhân muốn đem lại cho chúng ta nụ cười của lạc quan. Nụ cười lạc quan đó chỉ có thể nở rộ khi con người còn tin tưởng ở Tình Yêu của Thiên Chúa. Giữa những mất mát từng ngày, Thánh Don Bosco mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm lại mọi sự trong Tình thương của Chúa.

Trích sách Lẽ Sống