Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 09.3

09 Tháng Ba
"Hãy Làm Một Cái Gì Ðẹp Cho Chúa"

Mẹ Têrêxa Calcutta thường hay nói: "Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Chúa". Sau tên cực trọng của Chúa Giêsu, hai chữ thường nằm trên đầu môi chót lưỡi của Mẹ là "tốt đẹp và kỳ diệu". Hai tiếng ấy là một tóm gọn của bài ca ngợi khen của Ðức Maria mà Mẹ Têrêxa đã lấy làm tâm tình của mình. Tốt đẹp và kỳ diệu thay Tình Yêu Quan Phòng của Chúa được thể hiện qua những hy sinh và phục vụ của Mẹ dành cho những người cùng khổ ở Ấn Dộ và trên khắp thế giới...

Cách đây hơn 15 năm, Malcolm Muggerridge, một ký giả và bình luận gia nổi tiếng của đài BBC, đã cùng với một nhóm chuyên viên của đài đến Ấn Ðộ để làm một cuộc phỏng vấn về Mẹ Têrêxa, về các hoạt động của Mẹ. Sau năm ngày làm việc, đến lúc cắt xén và tháo ráp để dựng thành cuốn phim, Mẹ Têrêxa đã thốt lên: "Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Chúa". Câu nói của Mẹ đã được ký giả Muggerridge lấy làm tựa đề của cuốn phim thời sự về Mẹ và các nữ tu của Mẹ. Cuốn sách ghi lại cuộc phỏng vấn cũng mang cùng một tựa đề. Sau khi cuốn phim được trình chiếu trên đài BBC, thế giới bỗng chú ý đến người nữ tu đã từ mấy chục năm qua âm thầm chăm sóc những người cùng khổ nhất trong các khu ổ chuột ở Calcutta. Tốt đẹp và kỳ diệu thay! Khuôn mặt đau khổ của nhân loại được phơi bày, nhưng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng được thể hiện qua những âm thầm hy sinh phục vụ của Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ.

Ngày nay, khi đi qua một số thành phố lớn trên thế giới, thỉnh thoảng người ta đọc được bảng hiệu: "Hãy gìn giữ cho thành phố được sạch" hoặc "Hãy làm đẹp thành phố". Những khẩu hiệu ấy nhắc nhở cho kiều dân và khách qua đường về nghĩa vụ tôn trọng trật tự, cũng như giữ cho thành phố được sạch sẽ và đẹp đẽ.

Mỗi người Kitô cũng là một thành phố của Thiên Chúa. Họ luôn được mời gọi để giữ thơm và làm sạch cho thành phố ấy. Thay vì vứt bừa bãi ra bên ngoài những rác rưởi của những hành vi bất chánh, họ luôn được mời gọi để bày tỏ một bộ mặt tốt đẹp và kỳ diệu để qua đó thiên hạ sẽ nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời...

"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa": đó phải là câu tâm niệm mà người Kitô thốt lên khi vừa thức giấc đón chào một ngày mới. "Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách dâng lên Ngài hy sinh trong những công việc nhỏ bé hằng ngày.

"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng những cử chỉ quảng đại, hy sinh phục vụ đối với những người cùng khổ nhất trong xã hội.

"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách sống tử tế và không ngừng tha thứ cho những người xúc phạm đến mình.

"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng chứng tích của một cuộc sống đầy lạc quan và vui tươi ngay cả khi chỉ gặp toàn đau khổ, thử thách...

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

BỤI TRO

Suy tư Mùa Chay

“Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về bụi tro” (Thánh ca)

Bài thánh ca đã trở thành quen thuộc mỗi khi Mùa Chay về. Lời ca đơn sơ mà da diết, bi ai mà thiết thực, nhắc chúng ta nhớ về thân phận con người.

Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu công giáo, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu. Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, hết thảy đều nhận mình là thân phận bụi đất, hư vô. Nghi thức này thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của mình. Bụi tro xem ra đơn giản là thế mà lại gợi ý suy tư với bao điều sâu sắc.

1- Bụi tro nhắc nhở chúng ta sự mỏng giòn của kiếp người

Tro là phần còn lại của một số chất liệu sau khi đã bị lửa thiêu rụi. Tiền thân của tro có thể là những đồ vật một thời quý giá, sang trọng, có thể là những bông hoa một thời kiêu sa, rực rỡ. Thế rồi, với tác động của ngọn lửa, những gì là rực rỡ không còn, những gì là kiêu sa đã mất, còn lại chỉ là nắm tro tàn vô dụng. Phụng vụ khuyên đốt những cành lá sử dụng trong chúa nhật lễ Lá năm trước để lấy tro dùng trong nghi thức làm phép và xức tro. Những cành lá nhắc lại lời tung hô của người dân thành Giêrusalem khi Đức Giêsu tiến vào thành thánh. Như những cành lá xanh tươi mau khô héo do tác động của thời gian, những lời ca tụng con người dành cho nhau sớm bị lãng quên vì chỉ nhất thời. Nếu có rất nhiều người tung hô Đức Giêsu khi Người vào thành thánh ngày chúa nhật lễ Lá, thì cũng có khá đông những cánh tay giơ lên chiều thứ sáu để đòi lên án tử cho Người. Khoảng cách cho một cành lá từ lúc xanh tươi đến lúc héo tàn mỏng manh là thế.

Khi tham dự nghi thức hỏa táng một người thân, chúng ta cảm nghiệm cách sâu xa sự mỏng giòn của thân phận con người. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, ngọn lửa đã biến thân xác con người trở thành tro bụi. Vẻ đẹp đẽ xinh tươi sẽ không còn; giàu sang phú quý sẽ biến mất. Những hộp hài cốt đặt để gần nhau trong ngôi “nhà tưởng niệm” cho thấy, sau khi chết, con người chẳng còn chi khác biệt. Giàu sang, nghèo hèn có cùng một địa chỉ; yêu thương thù ghét cùng một chốn đi về.

Như một đoá hoa vô thường, cuộc đời mỏng manh, nay còn mai mất. Mỗi ngày qua đi, thân xác con người thay đổi, rồi đến mùa thu cuộc đời, họ trở nên tàn tạ.

Vượt lên thân phận mỏng giòn chóng qua của kiếp con người, đức tin công giáo hướng chúng ta về những giá trị vĩnh cửu. Quả vậy, nếu thân xác con người như đoá phù dung sớm nở tối tàn, thì linh hồn con người lại trường tồn bất tử. Nếu cuộc sống thế gian dừng lại khi con người nhắm mắt xuôi tay, thì cuộc sống vĩnh cửu lại khởi đầu lúc con người giã biệt trần thế. Phủ nhận linh hồn bất tử, con người sẽ bất hạnh, vì sau khi chết, họ trở về với hư vô. Không tin Thiên Chúa hiện hữu, người ta sẽ sống trong vô vọng, vì không tìm đâu được lý tưởng cuộc đời .

2- Bụi tro nhắc nhở chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng Vĩnh cửu

Tác giả sách Sáng thế nói với chúng ta, thân xác con người được tạo thành từ bùn đất, rồi con người sẽ trở về với đất, vì từ đất mà ra. “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật”
(St 2,7). “Con người” chỉ khác với đất là có hơi thở. Chính Thiên Chúa đã “thổi hồn” cho đất để đất trở nên người. Đất với người từ đó mà có duyên nợ, luôn gắn liền với nhau. Con người sống nhờ đất khi thọ hưởng biết bao hoa màu từ đó, rồi cũng chết vì đất khi đổ mồ hôi trán để tồn tại và mưu sinh. Đất là chỗ đứng chắc chắn cho bước chân người khi họ còn sống; Đất mở rộng vòng tay đưa con người trở về an nghỉ khi họ từ giã cuộc đời. Hành trình con người khởi đi từ đất, qua một chuỗi những tháng ngày vui tươi đau khổ, hân hoan, thất vọng, rồi con người lại trở về với… đất. Cách trình bày của tác giả sách Sáng thế cho ta thấy tình thương bao la của Thiên Chúa. Con người là một tác phẩm do chính Chúa tạo nên. Ngài như một người thợ thủ công lành nghề, khéo léo nhào nắn đất để tạo nên hình dạng con người. Với tình yêu thương, Ngài chăm sóc và ban cho con người hơi thở. Hơi thở ấy chính là hơi thở của Ngài. Thật kỳ diệu khi được biết sự sống của chúng ta chính là hơi thở của Thiên Chúa. Nhờ hơi thở của Chúa mà con người trở nên cao cả, tuy được nắn từ bùn đất. Sau cuộc đời lo toan giữa nhân tình thế thái, con người trước khi về với đất “trút linh hồn”, trả lại “hơi thở” cho Chúa, trong tâm tình biết ơn trìu mến, như người con phó thác trọn vẹn nơi Cha mình.

3- Bụi tro nhắc chúng ta sống tốt cuộc đời tạm này

Khi ý thức được sự mỏng giòn chóng qua của thân phận con người, chúng ta chọn lựa và gắn bó với những giá trị trường tồn vĩnh cửu. Của cải vật chất chỉ là phương tiện Chúa ban để chúng ta sống xứng với phẩm giá con người và để giúp đỡ anh chị em. Chúng ta không thể mang theo chúng khi giã biệt cõi đời. Cánh tay buông thõng của người vừa trút hơi thở cuối cùng cho thấy, con người đến thế gian với hai bàn tay trắng, nay trở về với cát bụi cũng chỉ là tay không. Thật bất hạnh cho những ai coi tiền bạc của cải như những chiếc “phao cứu hộ” vào lúc cuối đời.

Vì những lợi lộc trần gian mà không thiếu người dùng mọi mưu mô mánh lới. Vì vinh quang nhất thời mà có người đã coi nhẹ lương tâm. Bụi tro nhắc chúng ta những vinh quang trần thế cũng chỉ như đoá hoa rực rỡ hôm nay, ngày mai sẽ trở thành tro bụi. Chỉ có tình Chúa tình người mới lâu bền tồn tại, mãi đến thiên thu.

Nếu bàn bay buông thõng của người vừa nằm xuống chẳng mang theo được gì khi tạm biệt cõi đời, thì những công phúc họ đã thực hiện ở đời này lại theo họ mãi mãi (x. Kh 14,13). Vì vậy, trong cuộc đời quá ngắn ngủi này, chúng ta được kêu gọi tận dụng thời gian để sống tình nhân ái với nhau. Hãy thôi những bon chen lừa lọc vì cuộc đời chẳng là mấy. Hãy dừng những toan tính nhỏ nhen vì chẳng ai sống mãi trên đời. Thấy rõ cuộc sống chóng qua giúp ta thiện chí sống bao dung quảng đại. “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”. “Tiếng” đây là lòng nhân hậu, là đạo đức của con người. Một người sống tốt lành, khi thân xác của họ đã an nghỉ trong lòng đất, cái đức của họ vẫn còn. Họ vẫn được lưu danh với thời gian.

“Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về bụi tro”

Lời ca đơn sơ mà da diết, bi ai mà thiết thực, nhắc chúng ta nhớ về thân phận con người, hướng chúng ta về với Đấng Vĩnh Cửu qua những thực hành cụ thể của cuộc sống hôm nay.

+ Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
(nguồn : WHD)

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2011 CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Sứ điệp Mùa Chay 2011
của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI


“Anh em đã được mai táng với Chúa Kitô trong Phép Rửa,
anh em cũng sẽ được cùng sống lại với Người”
(x. Cl 2, 12)

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay dẫn chúng ta tiến đến việc cử hành Lễ Phục sinh Rất Thánh, đem lại cho Giáo Hội một mùa phụng vụ thật sự quý giá và quan trọng. Chính vì thế, tôi vui mừng gửi đến anh chị em Sứ điệp này, giúp anh chị em sống Mùa Chay sốt sắng. Trong khi chờ cuộc gặp gỡ mang tính quyết định với Vị Hôn phu trong cuộc Vượt qua vĩnh cửu, Cộng đoàn Hội Thánh chuyên cần cầu nguyện và làm việc bác ái, ra sức làm cho tinh thần được nên thanh sạch, để trong Mầu nhiệm Cứu chuộc, múc thêm nguồn sống mới dồi dào nơi Chúa Kitô
(Kinh Tiền tụng Mùa Chay I).

Tái khám phá ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy

1. Trong ngày chịu Phép Rửa tội, chúng ta đã được ban cho sự sống mới, khi “tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô”, chúng ta đã bắt đầu “cuộc hành trình vui mừng và hân hoan của người môn đệ”
(Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa 10-01-2010). Trong các Thư của mình, thánh Phaolô nhiều lần nhấn mạnh về sự kết hiệp rất đặc biệt với Đấng Con Chúa khi được dìm trong nước rửa tội. Quả thật, Bí tích Thánh tẩy, thường được lãnh nhận khi còn rất nhỏ, đã cho chúng ta thấy rõ ràng đây là ơn Chúa ban cho: với sức riêng của mình chẳng ai có thể được hưởng sự sống đời đời. Lòng thương xót của Chúa đã xóa hết tội lỗi, cho chúng ta được sống với “chính những tâm tình trong Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2, 5) và con người được Chúa ban cho lòng thương xót ấy cách nhưng không.

Trong Thư gửi các Tín hữu Philipphê, Vị Tông đồ dân ngoại đã giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của sự biến đổi qua việc dự phần vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, bằng cách chỉ ra cho chúng ta thấy mục đích của sự dự phần này, là: “Nhận biết Người là Đức Kitô, biết Người là Đấng quyền năng qua việc Người đã sống lại và được thông phần vào những đau khổ của Người, trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, để có thể được sống lại từ giữa những kẻ đã chết”
(Pl 3, 10-11). Vậy bí tích Thánh tẩy không phải là nghi thức của thời đã qua, mà là cuộc gặp gỡ Đức Kitô, Đấng ban cho người lãnh nhận bí tích một cuộc sống toàn vẹn, được thông truyền sự sống thần linh, được mời gọi thành tâm trở về, được ân sủng thúc đẩy và nâng đỡ, nhờ đó người lãnh nhận bí tích đạt đến tầm vóc trưởng thành của Chúa Kitô.

Một mối liên hệ đặc biệt nối kết giữa bí tích Thánh tẩy với Mùa Chay, mùa sống kinh nghiệm về ơn cứu độ. Các nghị phụ Công đồng Vatican II đã đưa ra lời kêu gọi mọi mục tử trong Giáo Hội “biết dùng những yếu tố của bí tích Thánh tẩy trong Phụng vụ một cách dồi dào hơn nữa”
(Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 109). Vì vậy, ngay từ ban đầu, Giáo Hội đã liên kết việc cử hành Vọng Phục sinh với Bí tích Thánh tẩy: trong Bí tích này, gồm trọn Mầu nhiệm lớn lao về con người đã chết cho tội lỗi, được dự phần vào cuộc sống mới trong Chúa Kitô Phục sinh, và lãnh nhận cùng một Thần khí của Thiên Chúa, Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ giữa những kẻ đã chết (x. Rm 8, 11). Ơn huệ được ban cho nhưng không này phải luôn được khơi dậy nơi mỗi người chúng ta, và Mùa Chay mang lại cho chúng ta một cuộc lên đường, một dịp quý báu học hỏi đức Tin và cách sống làm người Kitô hữu, như các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai cũng như các dự tòng ngày nay học hỏi và luyện tập để thực sự sống Bí tích Thánh tẩy như một hành động mang tính quyết định đối với cả cuộc đời mình.

Suy gẫm Lời Chúa qua năm bài Phúc Âm Mùa Chay

2. Để thực hiện một cách nghiêm chỉnh hơn nữa cuộc hành trình tiến đến Lễ Phục sinh và chuẩn bị cho việc cử hành sự Sống lại của Chúa – ngày lễ trọng và hân hoan nhất của năm phụng vụ -, còn gì thích hợp hơn việc chúng ta được Lời Chúa hướng dẫn? Vì thế, qua những bài Phúc âm được công bố trong các Chúa nhật Mùa Chay, Giáo Hội dẫn chúng ta đến gặp Chúa trong lắng sâu, đưa chúng ta một lần nữa bước vào những chặng đường khai tâm Kitô giáo: đối với các dự tòng, đây là việc lãnh nhận bí tích khai sinh cuộc sống mới, còn đối với những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, đây là những bước đi dứt khoát theo Chúa Kitô trong ân sủng tràn đầy hơn nữa.

Chúa nhật I của hành trình Mùa Chay cho chúng ta thấy thân phận con người trần thế của mình. Cuộc chiến đấu vinh quang của Chúa Giêsu chống lại những cám dỗ, khởi đầu sứ vụ của Người, là một lời kêu gọi chúng ta ý thức về thân phận mỏng giòn của mình để lãnh nhận Ơn giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cho chúng ta được nên mạnh mẽ với một cách thức mới trong Đức Kitô, Đấng là Đường, là sự Thật và là sự Sống (
x. Ordo Initiationis Christianae Adultorum - Nghi thức Khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn, số 25). Đây là lời mời gọi thôi thúc chúng ta, theo gương Chúa Kitô và kết hiệp với Người, nhớ rằng đức tin Kitô giáo là một cuộc chiến đấu chống lại “các lực lượng bóng tối của thế gian này” (Ep 6, 12), nơi ma quỷ đang hoạt động, và ngay lúc này vẫn cám dỗ mọi người đang muốn tiến đến gần Chúa: Đức Kitô đã ra bước ra khỏi cuộc chiến này trong vinh quang, để mở lòng chúng ta hướng đến hy vọng và dẫn dắt chúng ta đi đến cuộc chiến thắng đối với mọi cám dỗ của sự dữ.

Bài Tin Mừng thuật lại cuộc biến hình của Chúa cho chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Đức Kitô, tiên báo về sự sống lại và loan báo loài người sẽ được nên giống Chúa. Cộng đoàn Kitô hữu nhận ra rằng, tiếp theo các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, mình cũng được đưa vào “một nơi riêng, trên núi cao”
(Mt 17, 1) để lãnh nhận Ân sủng của Thiên Chúa, theo một cách thức mới, trong Đức Kitô, với tư cách những người con trong Con Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, làm đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5). Những lời này mời gọi chúng ta rời bỏ những ồn ào của cuộc sống thường nhật, dìm mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa: Chúa muốn chúng ta mỗi ngày hãy truyền đi một Lời của Chúa đã đưa chúng ta đi vào chiều sâu của tinh thần, giúp chúng ta phân định được Thiện và Ác (x. Dt 4, 12) và củng cố cõi lòng chúng ta muốn được bước đi theo Chúa.

“Cho tôi xin nước uống”
(Ga 4, 7). Lời xin này của Chúa ngỏ cùng người phụ nữ xứ Samari, được thuật lại cho chúng ta trong Phụng vụ Chúa nhật III Mùa Chay, diễn tả niềm thiết tha của Chúa đối với mọi người và khơi lên trong lòng chúng ta niềm khát khao được ban cho “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 14): Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu để trở nên “Những người thờ phượng đích thực”, có thể cầu xin Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4, 23). Chỉ có nguồn nước này mới có thể làm thỏa cơn khát Chân, Thiện, Mỹ của chúng ta! Chỉ có nguồn nước được Chúa Con ban cho chúng ta mới có thể tưới đẫm sa mạc linh hồn lo âu và chưa được mãn nguyện “cho đến khi nào nghỉ yên trong Chúa” như câu nói nổi tiếng của Thánh Augustinô.

Chúa nhật “Người mù từ lúc mới sinh” giới thiệu với chúng ta Đức Kitô là Ánh sáng cho trần gian. Phúc âm đặt câu hỏi cho mỗi người chúng ta: “Con có tin vào Con Người không?”, “Vâng, lạy Chúa, con tin!”
(Ga 9, 35-38), câu trả lời hân hoan của người mù từ lúc mới sinh đã nói thay cho mọi người có lòng tin. Phép lạ chữa lành này là dấu chỉ cho thấy Đức Kitô, khi cho người mù nhìn thấy được, thì cũng muốn chúng ta mở đôi mắt nội tâm để đức tin của mình đi vào chiều sâu và nhận ra chính Người là Đấng Cứu độ duy nhất. Chúa Kitô chiếu ánh sáng vào mọi nơi tăm tối của cuộc đời và cho con người được sống làm “con của Ánh sáng”.

Đọc Phúc âm Chúa nhật V Mùa Chay thuật việc Chúa cho Lazarô sống lại, chúng ta nhận thấy mình đang đứng trước mầu nhiệm tối hậu của đời sống: “Thầy là sự sống lại và là sự sống… con có tin điều đó không?”
(Ga 11, 25-26). Cùng với Macta, đã đến lúc cộng đoàn Kitô hữu, một lần nữa với tất cả ý thức, phải biết đặt hy vọng nơi Đức Giêsu Nazareth: “Vâng, lạy Chúa, con tin Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian” (Ga 11, 27). Sự kết hiệp với Đức Kitô, trong cuộc đời này, chuẩn bị cho chúng ta vượt qua chướng ngại vật là cái chết để được sống trong Chúa đời đời. Tin rằng kẻ chết sống lại và hy vọng vào sự sống đời đời sẽ mở lòng trí chúng ta hướng đến ý nghĩa tối hậu của đời sống: Chúa dựng nên con người để con người được sống lại và được sống; sự thật này mang lại một chiều kích đích thực và mang tính quyết định cho lịch sử nhân loại, cho cuộc sống cá nhân con người, cho xã hội, cho nền văn hóa, chính trị, kinh tế. Không có ánh sáng của đức Tin, toàn thể vũ trụ đã bị diệt vong, bị giam cầm trong nấm mồ không có tương lại và chẳng còn chút hy vọng.

Cuộc hành trình Mùa Chay được hoàn tất với Tam nhật Vượt qua, đặc biệt với đêm Đại Canh thức Cực Thánh; bằng cách nhắc lại những lời hứa khi chịu Phép Rửa tội, một lần nữa chúng ta tuyên xưng Đức Kitô là Chúa của đời mình, là chủ tể của sự sống Chúa ban cho chúng ta khi được tái sinh “từ nước và từ Chúa Thánh Thần”, và chúng ta tái khẳng định cam kết đáp lại ơn Chúa ban cho được làm môn đệ của Người.

Ăn chay, làm việc bác ái và cầu nguyện

3. Việc chúng ta được dìm trong cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, qua bí tích Thánh tẩy, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày phải giải phóng tâm hồn mình thoát khỏi sức nặng của những điều thuộc về vật chất, khỏi mối liên hệ vị kỷ với “cõi trần” đang làm chúng ta nghèo đi và cản trở chúng ta sẵn sàng để Chúa sử dụng, đồng thời mở lòng đón Chúa và tha nhân. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa mặc khải Ngài là Tình yêu (
x. 1Ga 4, 7-10). Thập giá của Đức Kitô, “ngôn ngữ Thập giá” biểu hiện quyền năng cứu độ của Chúa (x. 1Cr 1, 18), Đấng tự hiến mình để nâng con người lên và dẫn dắt đến ơn cứu độ: đó là hình thái triệt để nhất của tình yêu (Tđ Deus Caritas est – Thiên Chúa là Tình yêu, 12). Qua việc giữ truyền thống ăn chay, làm việc bác ái và cầu nguyện, những dấu chỉ của ước muốn hoán cải, Mùa Chay dạy chúng ta biết phải luôn sống tình yêu của Đức Kitô một cách triệt để nhất. Việc giữ chay, dù có thể vì nhiều động cơ khác nhau, đối với người Kitô hữu cũng là cách biểu lộ sâu xa về tôn giáo: khi ăn uống thanh đạm, chúng ta học biết cách chiến thắng lòng ích kỷ để sống đúng với ơn Chúa ban và đúng với tình yêu; khi chấp nhận sống thiếu thốn – không phải chỉ bỏ đi những gì dư thừa – chúng ta học biết khám phá có một Ai đó bên cạnh chúng ta và nhận ra Thiên Chúa trên gương mặt của biết bao anh chị em của mình. Đối với Kitô hữu, việc ăn chay không hề mang tính chất não nề nhưng giúp chúng ta mở lòng hướng đến Chúa và những nỗi khốn cùng của con người, để tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở thành lòng thương yêu tha nhân (x. Mc 12, 31).

Trên đường đi, chúng ta cũng phải đối mặt với cám dỗ tích góp của cải, ham mê tiền bạc, không tin Chúa là Đấng Tối cao trong cuộc đời. Tham vọng chiếm hữu sinh ra bạo lực, lạm dụng và sự chết; vì lẽ đó, Giáo Hội, nhất là trong Mùa Chay, kêu gọi các tín hữu làm việc bác ái, nghĩa là biết chia sẻ. Ngược lại, việc sùng bái của cải không chỉ khiến con người xa lìa tha nhân mà còn tước đoạt nhân cách, khiến con người trở nên bất hạnh, đồng thời lừa dối, gạt gẫm con người, không làm đúng những gì đã hứa hẹn với con người, bởi vì thói sùng bái này đã đặt của cải vật chất thay vào chỗ của Thiên Chúa, Đấng là nguồn duy nhất phát sinh sự sống. Như vậy làm sao chúng ta hiểu được tấm lòng người cha nhân từ của Thiên Chúa nếu cõi lòng chúng ta chỉ dành trọn cho bản thân và tin vào những dự định đầy ảo tưởng sẽ bảo đảm cho tương lai mình? Lối suy nghĩ như người phú hộ trong dụ ngôn cũng là một kiểu cám dỗ: “Linh hồn ta ơi, ngươi có nhiều của cải ê hề, đủ xài trong nhiều năm…”. Chúng ta biết Chúa đã trả lời: “Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại linh hồn ngươi…”
(Lc 12, 19-20). Việc làm phúc giúp người nghèo đưa chúng ta trở về tin nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa và biết quan tâm đến tha nhân, đồng thời giúp chúng ta lại nhận ra được lòng nhân từ của Chúa Cha và lãnh nhận lòng thương xót của Ngài.

Trong suốt Mùa Chay, Hội Thánh tặng chúng ta món quà Lời Chúa rất dồi dào. Suy ngẫm và để cho Lời Chúa thấm vào nội tâm rồi đưa vào cuộc sống đời thường, chúng ta sẽ nhận ra đây chính là một hình thức cầu nguyện quý giá, không gì thay thế được. Vì thế chăm chú lắng nghe chính Thiên Chúa không ngừng nói với trái tim chúng ta, nuôi dưỡng con đường Đức Tin được khởi sự vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Việc cầu nguyện cũng cho phép chúng ta có cái nhìn mới về thời gian: nếu không hướng vào vĩnh cửu và thực tại siêu việt, thời gian chỉ là nhịp điệu theo mỗi bước chân chúng ta đang đi về chân trời vô định. Ngược lại, khi cầu nguyện, chúng ta dành thời gian cho Thiên Chúa để nhận ra những lời Chúa nói “sẽ không hề qua đi”
(Mc 13, 31) và bước vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa “sẽ không ai lấy mất được” (Ga 16, 22) và chính Ngài mở ra cho chúng ta niềm hy vọng vào sự sống đời đời chẳng hề làm thất vọng.

Kết luận

Tóm lại, trong hành trình Mùa Chay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm Thập giá, trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cái chết của Người”
(Pl 3, 10) để thực hiện một cuộc hoán cải sâu xa cuộc đời của mình: hãy để Chúa Thánh Thần tác động biến đổi chúng ta, như Thánh Phaolô trên đường đi Damas; hãy kiên vững sống theo ý Chúa muốn; hãy thoát khỏi cái tôi ích kỷ bằng cách vượt qua bản năng muốn thống trị người khác và mở lòng đón nhận tình yêu của Đức Kitô. Mùa Chay cũng là thời gian thích hợp để chúng ta nhìn nhận bản tính mỏng giòn của mình, đồng thời qua việc thành tâm kiểm điểm đời sống, chúng ta lãnh nhận Ơn đổi mới từ Bí tích Hòa giải và dứt khoát bước đến với Chúa Kitô.

Anh chị em thân mến,

Qua việc gặp gỡ cá nhân với Đấng Cứu chuộc và qua việc ăn chay, làm phúc giúp người nghèo và cầu nguyện, cuộc hành trình hoán cải hướng đến lễ Phục sinh sẽ giúp chúng ta tái khám phá ý nghĩa của bí tích Thánh tẩy mình đã lãnh nhận. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy canh tân việc lãnh Ơn Chúa ban khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, để nguồn ơn này luôn soi sáng và dẫn dắt mọi việc chúng ta làm. Mỗi ngày chúng ta đều được mời gọi sống ý nghĩa và hiện thực của bí tích Thánh tẩy, bằng cách luôn thực sự tiến bước theo Đức Kitô một cách quảng đại hơn. Trong cuộc hành trình này, chúng ta phó thác nơi Đức Trinh nữ Maria, Đấng đã sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa trong Đức Tin và thể xác, để cũng như Mẹ, chúng ta dìm mình trong sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, Con của Mẹ và được sống đời đời.

Vatican, ngày 4 tháng Mười Một 2010
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng

Đức Thành chuyển ngữ
(theo bản Pháp ngữ, tham khảo bản Anh ngữ
của Libreria Editrice Vaticana
– Các tiểu đề do người chuyển ngữ đặt)
(Nguồn : WHD)

LẼ SỐNG 08.3

08 Tháng Ba
Phục Sinh

Một linh mục Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau: "Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một người đàn ông còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được".

Nhưng một ngày kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: "Ông có thể đứng dậy được không? Ông có muốn đi không?". Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói: "Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi với tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi được".

Nghe xong tâm sự của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: "Một ngày gần đây, giấc mơ của ông sẽ thành sự thật".

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị cộng đoàn hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạng và đôi chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông cố gắng tập đi đứng một mình.

Lễ Phục Sinh đến. Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài giảng hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: "Chúa Giêsu đã Phục Sinh để sống một cuộc sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào khả năng trao tặng nhau những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em, ông bạn của chúng ta đã được ban cho một cuộc sống mới". Nói đến đây, tôi mời ông đứng dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên một phần tử. Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy bầu khí nhà thờ lúc ấy tràn đầy sức sống".

Tin mừng thuật lại như sau: sau mẻ lưới đầy cá, Chúa Giêsu mời các môn đệ cùng điểm tâm với Ngài và Ngài đã cầm lấy bánh và cá trao cho các ông ăn. Phần các môn đệ, tuy không dám hỏi, nhưng họ biết rõ đó là Ngài. Ðây là phương thế Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào Ngài trải qua mọi thời đại: tự nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 07.3

07 Tháng Ba
Dachau

Dachau: đó là một địa danh mà dân Âu châu không bao giờ xóa bỏ khỏi ký ức của họ. Nơi tập trung và sát hại hàng triệu người Do Thái dưới thời Ðức Quốc xã, Dachau vừa là hỏa ngục của hận thù, độc ác nhưng cũng là khung trời rực sáng những vì sao của yêu thương, tin tưởng.

Edmond Michelet, văn sĩ Pháp bị giam tại đây và sau này trở thành bộ trưởng Tư Pháp, đã viết lại ký sự của những ngày bị giam trong địa ngục Dachau. Ông kể lại rằng: mỗi buổi sáng, các linh mục bị giam tù lén lút cử hành Thánh lễ. Các tù nhân Công giáo, bất chấp mọi đe dọa đến mạng sống, chen chúc sát cánh bên nhau để tham dự Thánh lễ.

Phẩm phục của linh mục chủ tế chỉ là một mảnh áo tù rách rưới thảm thương. Cái tách uống nước được dùng làm chén thánh, hộp thuốc ho được dùng làm bình đựng bánh lễ.

Sau Thánh lễ, một số người được chia công tác mang Mình Thánh đến cho những người đang hấp hối được giam riêng trong phòng đặc biệt... Edmond Michelet kể lại rằng: hình ảnh ông vẫn luôn ghi nhớ đó là nụ cười rạng rỡ của những người đang tiến đến cõi chết.

Vào khoảng cuối năm 1944, một nghi lễ đặc biệt đã diễn ra ngay trong trại Dachau. Một phó tế người Ðức, bị lao phổi, đang hấp hối... Các linh mục đang bị giam bèn nghĩ đến chuyện phong chức linh mục cho thầy... Một vị giám mục cùng bị giam đã chấp thuận tiến hành nghi thức. Người ta làm mọi cách để che mắt người lính canh. Một người Do Thái đã chấp nhận chơi đàn vĩ cầm để đánh lạc hướng sự chú ý của công an, vị giám mục người Pháp, trong bộ đồng phục rách rưới của tù nhân, đã phong chức linh mục cho một chủng sinh người Ðức.

Vị tân linh mục đã cử hành Thánh lễ đầu tiên ít ngày sau đó. Và đó cũng là Thánh lễ cuối cùng của Ngài... Trong quyển nhật ký của Ngài, người ta đọc thấy hai chữ: Tình Yêu, Ðền Bù...

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chân lý này sáng ngời một cách mãnh liệt ngay trong những nơi mà hận thù chết chóc ngự trị như luật tối thượng của cuộc sống. Hận thù càng dâng cao, chết chóc càng đe dọa người ta càng thấy những tấm gương của hy sinh, xả kỷ và tin tưởng.

Dạo tháng 6 năm 1989, một số linh mục, giám mục người Ba Lan đã hành hương đến trại tập trung Dachau để kỷ niệm 50 năm ngày thế chiến thứ hai bùng nổ và nhất là để tưởng niệm gương hy sinh của gần 3,000 linh mục thuộc 9 quốc tịch khác nhau bị giam giữ tại đây. Trên ngôi mồ chôn lớn nhất, một Thánh lễ đã được cử hành không phải để gợi lại hận thù, nhưng họ còn được mời gọi để chỉ thấy Yêu Thương và tha thứ giữa hận thù.

Ðó cũng chính là lời mời gọi của Ðức Kitô trong Thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày. Chúng ta không tưởng niệm những độc ác dã man trong cái chết của Chúa, chúng ta không gợi lại hận thù trong cuộc tử nạn của Ngài, nhưng chỉ nhìn thấy Yêu thương và tha thứ vô bờ của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy chỉ nhìn thấy yêu thương và tha thứ giữa hận thù, hãy múc lấy yêu thương và tha thứ để đáp trả lại hận thù...

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT IX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật IX mùa thường niên năm A.
Cha Chánh xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Cuối Lễ Chầu MTC ( Chúa Nhật đầu tháng ).

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.


Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 06.3

06 Tháng Ba
Những Tác Phẩm Ðể Ðời

Nguyện đường Sixtina trong nội thành Vatican đã được Ðức Giáo Hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Không những là nơi các vị Hồng Y tụ họp để bầu Giáo Hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi hội họp quan trọng khác có tính chất thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michelangelo.

Bất cứ du khách nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sỹ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Kinh thánh.

Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng mặt về trần bản ròng rã không biết bao nhiêu năm tháng. Nóng lòng chờ đợi các tác phẩm của ông, ngày kia, đức Sixto đã to tiếng hỏi vọng lên từ dưới đất: "Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc?". Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại: "Chừng nào con có thể!". Vị Giáo Hoàng dường như mất hết kiên nhẫn: "Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết...". Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời: "Thưa Ðức Thánh Cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau...".

Có những bản nhạc, có những tác phẩm văn chương, có những công trình kiến trúc đã trở thành bất hủ. Nghĩa là, qua dòng thời gian, người ta sẽ không bao giờ quên được những kiệt tác ấy. Nhiều khi chính tác giả của những công trình bất hủ ấy không bao giờ dám nghĩ đến sự trường tồn của tên tuổi mình như thế.

Danh họa và điêu khắc gia Michelangelo đã tiên đoán về những tác phẩm của mình. Quả thực, ông đã để lại muôn thế hệ tên tuổi của ông qua các sáng tác của ông. Tượng Pieta, tượng Maisen, tượng David và các bức bích họa trong nguyện đường Sixtina sẽ không bao giờ mai một với thời gian.

Tuy nhiên, cái bất hủ nơi con người chỉ là một cái bóng mờ đối với cái vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Một cuộc chiến tranh tàn phá, một thiên tai vùi dập: tất cả mọi tên tuổi và dấu vết của con người cũng đều tan biến. Duy chỉ có những gì được xây dựng trên nền tảng của Vĩnh Cửu mới được trường tồn.

Thiên Chúa không tạo dựng tất cả mọi người đều là thiên tài để ai cũng có thể để lại cho hậu thế danh thơm tiếng tốt của mình. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được tạo dựng như một kiệt tác của vũ trụ. Kiệt tác đó sẽ mãi mãi đi vào Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Nhưng mỗi đời người là một công trình cho vĩnh cửu. Mỗi một việc làm vô danh và nhỏ bé nhất cũng đều mang một giá trị vĩnh cửu.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 9 MÙA THƯỜNG NIÊN A (Mt 7, 21-27)


Mời xem videoclip

NGÔI NHÀ ĐỨC TIN CỦA TÔI

Về đâu nơi cuối cuộc đời.?
Tiền rừng bạc vạn vãn hồi được không?.
Thế mà ta lắm đèo bồng,
Đắm say tình thế không mong ngày về.

Ngôi nhà tình ái chỉnh tề,
Ta xây viên gạch vỗ về yêu thương.
Lời thiêng của Chúa vấn vương,
Đó là nền móng kỷ cương vững bền.

Ngày mai rồi lại ngày mai, giờ chết nó đến vỗ về bên ta, có ai tránh khỏi giây phút sinh thì. Các nhà bác học có trừ được không.?

Tôi sẽ đem theo gì khi về bên kia thế giới? luân hồi ư? Tôi không nghĩ thế và tôi không thích thế. Đức Phật bảo đời là bể khổ, vì thế tôi không muốn luân hồi trong bề khổ, sống với cảnh đời gian dối điêu ngoa của thần tài tình quỷ, táng tận lương tâm, gây nên bao cảnh tang thương gia đình tan nát, lương tâm chết đứng lặng im như tờ, chỉ nghe tiếng quỷ vo ve, tình khúc đoạn trường ngân nga, đêm về phải dùng thuốc ngủ cho qua ngày giờ, nào đâu tránh khỏi giây phút sinh thì, phải về trả lẽ cuộc đời cho Chúa GIÊSU KITÔ.

Đức tin Kitô Giáo là một ngôi nhà tình ái, sống nơi trần gian…

Đời ta nắng sớm mưa chiều,
Quỷ ma phun khói lắm điều đam mê.
Căn nhà tình ái tỉ tê,
Cho ta ẩn núp vỗ về sớm hôm.

Sắm bao kỷ vật hồi môn,
Tự ta làm lấy lãnh ơn ngày về.
Hồng ân Thiên Chúa vỗ về,
Giêsu đá tảng chỉnh tề đỡ nâng.

Lắng nghe lời Chúa thực hành, xây cất ngôi nhà tình ái của ta. Mai ngày kết thúc đời tạm, hai tay mang nặng kim cương vàng ròng, về trình lên Chúa thiên đình lãnh ân.

Người Kitô hữu là môn đệ chân chính của Đức Giêsu Kitô, không phân biệt nam, nữ, linh mục hay tu sĩ. Mỗi một người là một thành phần trong thân thể của Đức Kitô, không có bộ phận nào là không quan trọng hay bị cắt bỏ đi, mỗi người phải tự mình xây ngôi nhà tình ái cho Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ.

“Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng”
(1Pr 2, 4-5).

“Hồng ân Chúa bao la,
Muôn đời con sẽ ngợi ca ơn người.”

“Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy.”
(1Pr 2, 7-8)

Thương con qua phút dại khờ,
Quỷ ma phun khói mịt mờ lối đi.
Hôm nay con quyết vinh quy,
Trở về bên Chúa thực thi Lời Ngài.

Cất lên tiếng hát hòa hài,
Quyết tâm ôm Chúa van nài yêu thương.
Lắm gai trên bước đường trường,
Tay con, Cha nắm can trường sống ngoan.

“Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương.”
(1Pr 2, 9-10)

Xin cho con biết yêu thật lòng Thánh kinh Lời Chúa theo con tháng ngày.

Môn đệ chân chính
(Lc 6, 47-49; 13, 25-27)

21 "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!

24 "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành". Đó là Lời Chúa.

Gẫm suy tình Chúa mà mê,
Nhìn lên đồi tím Can-vê đó còn.
Thế mà Chúa vẫn không hờn,
Chờ con đến phút đời con héo tàn.

Tỉnh đi kẻo phải buồn phiền, ngôi nhà trần thế có theo ta cùng.? khi mà tay cứng mình trần, uổng công ta đã xây đắp tháng ngày…

Còn giờ hồng phúc gọi mời, cho con can đảm dứt chừa thói hư, can trường yêu Chúa trung chuyên, xây ngôi nhà đẹp hòa âm tình Ngài, Chúa sẽ cùng con làm thơ tình ái. Đời con yêu Chúa say mê.

Thánh kinh lời Chúa thực thi. Tham dự Thánh lễ đỉnh nguồn yêu thương.

Sợ gì bão táp mưa sa,
Nắm bàn tay Chúa hoan ca ngày về.
Được tình yêu Chúa vỗ về,
Sợ gì gian khổ, không chê khó nghèo.

Tình đời phủ sóng cheo leo,
Nhưng mà tình Chúa, ta neo cuộc đời
Thánh Thần tình mến đầy vơi.
Tâm hồn ngay chính thắm tươi an bình.

Thánh Gioan Kim Khẩu chú giải: “Mưa sa, nước lũ, gió lùa là những ẩn dụ ám chỉ những tai họa và cảnh khổ ở đời…”

Người Kitô hữu hãy thức tỉnh, dấu chỉ thời đại quanh chúng ta rõ ràng, mưa sa, nước lũ, sóng thần dấy động khắp nơi, lòng người theo quỷ trung thành tìm mồi cắn xé cho tan nát đàn chiên của Chúa…

Xin cho chúng con trung thành, đứng trên nền móng đức tin của mình, chúng ta có Chúa Thánh Thần, đốt lòng chúng ta yêu mến Chúa trung thành, cùng với Mẹ Maria, chúng ta ra khơi, sợ gì gian khổ, sợ gì chông gai, cho dù bão táp mưa sa, nắm bàn tay Chúa hoan ca tình Ngài.

Ngôi nhà tình ái yêu thương,
Thánh kinh Lời Chúa vấn vương đêm ngày.
Đời người một thoáng mây bay,
Nhìn lên trời thẳm chắp tay nguyện cầu.

Từ nay quyết chí theo hầu,
Năng đi viếng Chúa Giêsu vui mừng.
Đời ta không sống lưng chừng,
Xây bao viên gạch bao dung tình người.


Nam Giao
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 05.3

05 Tháng Ba
Bệnh Quên

Trưa ngày 25.12.1985, sau khi dự lễ Giáng Sinh ở nhà thờ về, bà cụ Anne Mc Donnell ở tiểu bang New York, thấy một ông cụ già râu tóc bạc phơ như ông già Noel đang đứng trước cửa nhà. Thoạt nhìn, bà cụ tưởng một người nào đó giả dạng ông già Noel để đùa, nhưng sau khi nhìn kỹ, bà cụ nhận ra đó là chồng mình, đã biệt tích từ 15 năm qua...

Nguyên do vào ngày 24.12.1971, ông James Mc Donnell bị té xuống thang lầu, rồi qua hôm sau bị tai nạn xe hơi. Gần một tháng sau ông lại bị tai nạn xe hơi một lần nữa, bị chấn động não và bất tỉnh. Vài ngày sau đó, ông đi bách bộ ngoài trời cho thoáng khí, rồi từ đó đi biệt tích luôn.

Về sau, ông Mc Donnell kể lại rằng: "Tôi không còn nhớ gì cả. Tôi không biết tôi đã đến Philadelphia bằng phương tiện gì và bằng cách nào". Ông cũng không nhớ tên họ hay địa chỉ của mình, nên khi đi ngang qua một cửa hiệu có tên là Peter, ông tự đặt tên cho mình là Jim Peter, rồi kiếm việc làm ăn trên đó gần 15 năm.

Ngày Giáng Sinh năm 1985 vừa qua, tình cờ va đầu vào trần nhà ở sở làm, ông Mc Donnell bỗng phục hồi được trí nhớ. Ông nhớ lại tên tuổi, nơi sinh, chỗ ở cũng như quãng đời trước đó 15 năm. Ông liền tìm đến cuốn niên giám điện thoại để xem vợ còn ở chỗ cũ không. Khi biết chắc vợ mình chưa thay đổi địa chỉ, ông Mc Donnell đã đáp xe lửa về lại nhà cũ vào đúng ngày lễ Giáng Sinh...

Trong vòng 15 năm, ông Mc Donnell đã mắc một chứng bệnh: đó là bệnh quên. Quên có thể là một chứng bệnh như trường hợp ông Mc Donnell bị té thang lầu, bị tai nạn xe hơi... Quên cũng có thể là những chứng bệnh thông thường của nhiều người lớn tuổi, như nhiều cụ già thường quên bẵng những sự việc vừa xảy ra, nhưng họ lại nhớ rất rõ ràng tỉ mỉ những việc đã xảy ra hằng ba bốn chục năm về trước. Nhưng cũng có những trường hợp con người muốn quên đi một dĩ vãng đau lòng nào đó, như trường hợp nhiều người tìm quên lãng trong men rượu khói thuốc...

Quên lãng có thể giúp con người tìm lại được đôi chút thanh thản trong tâm hồn, nhưng cũng có thể đưa con người đến chỗ vô ân. Người không còn muốn nhớ đến nguồn gốc và công ơn sinh thành của cha mẹ mình là người đáng trách. Người không còn muốn nhớ đến những liên hệ mình với người khác cũng là một người đáng trách. Người khép mắt bịt tai trước những nỗi đau khổ của người khác cũng là một người đáng thách...

Người Kitô luôn được nhắc nhở để tìm ra dấu chỉ của thời gian qua các biến cố, để nhờ đó luôn nhận ra sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa. "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Ðó là khẩu hiệu hàng đầu của người Kitô. Họ được mời gọi để ôn lại bước chân đi qua của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Ðó là thái độ tỉnh thức mà Ðức Kitô không ngừng mời gọi chúng ta hãy có trong từng giây phút.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 04.3

04 Tháng Ba
Các Con Hãy Nên Trọn Lành!

Người ta kể lại rằng thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người thợ giày đáp gọn: "Tôi chỉ biết đóng giày".

Ngạc nhiên vô cùng, thánh Antôn hỏi vặn lại: "Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa không?". Người thợ giày giải thích: "Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ".

Thánh Antôn vẫn chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây. "Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?". Người thợ giày bảo: "Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi". Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo hội và người nghèo...

Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: "Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói...".

Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ ra về. ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.

Có rất nhiều cách để nên thánh, nhưng dường như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi người. Có người nên thánh ngay trong bấc sống của mình giữa trần gian. Có người chịu tử đạo. Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.

Tuy nhiên giữa khung khác biệt đó vẫn có một mẫu số chung cho tất cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó là Tình Yêu. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái đã nói: "Dù tôi có thể nói được các tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm được phép lạ chuyển núi di sông, dù tôi có làm được không biết bao nhiêu công trình... nếu tôi không có tính đức bác ái, tôi chỉ là một thứ thùng rỗng...".

Không có đức bác ái, không có tình yêu thì tất cả tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây dựng trên hão huyền mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói với chúng ta: "Các con hãy nên trọn hảo như Cha các con trên trời". Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai. Và cuối cùng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta... Ðó là tận cùng của Tình Yêu!

Người thợ giày trong câu chuyện của thánh Antôn không những dành của cải của mình cho người nghèo, ông còn tưởng nghĩ đến người nghèo như chính lẽ sống của mình. Thánh Antôn đã nhận ra đó là bí quyết cao cả nhất để nên thánh. Bố thí tất cả của cải của mình, xa lánh tất cả các thú vui của cuộc sống, đêm ngày ăn chay cầu nguyện là điều tốt. Nhưng nếu sống như thế chỉ để tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn mà phải sợ người khác quấy rầy, thì một cuộc sống như thế chưa phải là lý tưởng nhất.

"Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời". Ðó phải là lý tưởng của người Kitô chúng ta. Cha trên trời yêu thương tất cả mọi người. Cha trên trời đã yêu thương con người đến nỗi đã phó ban chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa chỉ được gọi là Cha bởi vì Ngài sống cho con cái của mình... Sự sống Ngài ban cho chúng ta chỉ có thể triển nở và có ý nghĩa nếu nó cũng được sống cho tha nhân.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 03.3

03 Tháng Ba
Vàng Bạc Trong Tro Bụi

Trong kinh điển Phật giáo, có ghi lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Có một người giàu có và tham lam nọ bỗng thấy tiền bạc của cải của mình biến thành tro bụi. Người đó đau buồn đến độ không còn thiết gì đến ăn uống nữa. Hay tin ông đau liệt, một người bạn tìm đến thăm. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bạn đã nói như sau: "Anh đã không biết sử dụng của cải của anh. Chính vì thế mà anh càng thu tích, thì của cải của anh càng trở thành tro bụi. Xin anh hãy nghe lời khuyên sau đây của tôi: anh hãy đưa cả đống tro bụi vào hiệu buôn của anh. Anh ngồi trên đó và rao bán cho mọi người".

Người giàu có làm theo lời khuyên của người bạn. Ông ngồi trên đống tro và rao hàng. Có người hỏi tại sao ông bán tro, ông trả lời như sau: "Ðây là tất cả tài sản của tôi".

Một ngày kia, có một em bé gái mồ côi đi qua trước cửa hiệu. Em nghèo nhưng trong lòng không hề vương vấn đối với của cải. Thấy người giàu có ngồi trên đống tro, em bé mới nói: "Thưa ngài, ngài không biết là ngài đang bán vàng và bạc đó sao?". Ngạc nhiên trước lời nói chân thành của em bé, người đàn ông mới thành khẩn van xin: "Xin cháu hãy chỉ cho chú biết đâu là vàng, đâu là bạc trong đống tro này?". Ðứa bé đưa tay bốc lên một nắm tro. Tức khắc vàng hiện lên trên đôi tay em trước sự ngạc nhiên của người giàu có.

Sự vật luôn có hai mặt. Kẻ tham lam nhìn vào chỉ thấy tro bụi và những của cải chóng qua ở đời này, trái lại người có tâm hồn trong sạch sẽ nhìn thấy được những giá trị vĩnh cửu. Kẻ bi quan nhìn vào sự vật sẽ chỉ nhìn thấy bóng tối, nhưng người lạc quan lại nhìn thấy ánh sáng và vẻ cao đẹp của sự vật. "Hãy thử nghĩ đến những sự vật trên trời": đó là lời khuyên vàng ngọc của Thánh Phaolô. Tưởng nghĩ đến những sự trên trời không có nghĩa là sống trong thế giới của mơ mộng, ảo tưởng mà trái lại là sống tích cực trong thế giới này, sống bằng đôi mắt luôn tỉnh thức để nhìn ra chiều kích vĩnh cửu của cuộc sống, sống bằng tâm hồn trong sạch để nhận ra được những giá trị cao đẹp của cuộc sống. "Ðầu đội trời nhưng chân đạp đất": đó là thế đứng đích thực của con người. Cắm rễ trong lòng cuộc sống này, nhưng vẫn luôn hướng nhìn về trời cao. Sống một cách trọn hảo trong từng phút giây của cuộc sống. Sống với tất cả trân trọng từng sinh hoạt hằng ngày. Sống với cái thường nhật của tất cả tin yêu, cảm mến... Ðó chính là cách sống của người có niềm tin.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM

Đức Cha Chương, tân Giám Mục Đà Lạt; Đức Cha Vũ Tất, tân Giám Mục Hưng Hóa

VATICAN - Ngày 1-3-20
10, Phòng Báo Chí Tòa Thánh chính thức thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, cho đến nay là GM Hưng Hóa, làm tân GM giáo phận Đà Lạt, đồng thời ngài bổ nhiệm Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất làm tân GM chính tòa giáo phận Hưng Hóa.

Đức Cha Antôn Vũ Huy C
hương năm nay 67 tuổi, sinh ngày 14-9-1944 tại Bến Thôn, huyện Thạch Thất, giáo phận Hưng Hóa. Ngài học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô 10 Đà Lạt từ 1963-1971 và tốt nghiệp với bằng cử nhân thần học. Thầy Chương thụ phong linh mục ngày 18-12-1971, thuộc giáo phận Cần Thơ. Những năm sau đó, cha Chương làm giáo sư và linh hướng chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ, rồi làm Phó Giám đốc, giáo sư Đại chủng viện Cần Thơ cho đến khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục chính tòa Hưng Hóa ngày 6-7-2003 và thụ phong Giám Mục ngày 1-10 sau đó.

Giáo phận Đà Lạt trống tòa từ ngày 22-4 năm ngoái, sau khi Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng GM Phó Tổng giáo phận Hà Nội và ngày 13-5 sau đó ngài trở thành TGM chính tòa tại đây sau khi đơn xin từ chức của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt được ĐTC chính thức chấp nhận và công bố.

Giáo phận Đà Lạt có hơn 312 ngàn tín hữu Công Giáo, trong đó có gần 51.500 là ngừơi dân tộc. Theo thống kê năm 2008, giáo phận có 194 LM, 167 tu huynh và 690 nữ tu.

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, tân GM Hưng Hóa

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, tân GM Hưng Hóa, năm nay 67 tuổi, sinh ngày 10-3 năm 1944 tại Huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Sơn Bình, Hưng Hóa. Trong 8 năm, từ 1969 đến 1987, thầy Tất theo học riêng triết học và thần học tại tòa GM, đồng thời hành nghề để mưu sinh. Sau đó thày học bổ túc tại Đại chủng viện Hà Nội và thụ phong linh mục ngày 1-4-1987, khi đã 43 tuổi, sau thời gian dài chờ đợi phép của chính quyền.

Sau đó, cha Vũ Tất lần lượt đặc trách mục vụ ơn gọi trong Giáo phận Hưng Hóa (1987-1992), rồi phụ tá Giám quản Giáo Phận trong 4 năm từ 1992. Năm 1995 cha Vũ Tất được gửi sang Roma du học trong 2 năm và đậu cử nhân giáo luật tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, trước khi học thêm một năm về mục vụ tại Đại Học Công Giáo Paris (1997-1998).

Trở về nước, Cha Vũ Tất phụ tá tại Tòa GM đồng thời đặc trách mục vụ truyền giáo tại tỉnh Lào Cai (1998-2003). Từ năm 2003 đến năm 2009, cha làm chánh sở giáo xứ Bạch Lộc. Ngoài ra, cha dạy môn Giáo luật tại Đại chủng viện Hà Nội từ năm 1999 đến 2004. Sau cùng từ năm 2005, cha Vũ Tất làm Phó giám đốc Đại chủng viện Hà Nội, phụ trách cơ sở 2 tại Cổ Nhuế, Sở Kiện.

Giáo Phận Hưng Hóa có diện tích rộng nhất trong 26 giáo phận tại Việt Nam với hơn 54.350 cây số vuông bao gồm 10 tỉnh, với gần 223 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 7 triệu dân cư. Trong số các tín hữu Công giáo có 10 ngàn là người dân tộc.

Hồi năm ngoái, Tòa GM Hưng Hóa cho biết giáo phận này có 75 giáo xứ, 480 giáo họ, nhưng chỉ có 64 linh mục triều, 202 nữ tu Mến Thánh Giá Hưng Hóa. Số tu sinh nam nữ khá dồi dào. Hiện nay có khoảng 200 nơi chưa có nhà thờ và trên 100 nhà thờ xuống cấp cần tái thiết hoặc tu sửa. (SD 1-3-2011)

LM Trần Đức Anh OP
VietCatholic News (01 Mar 2011 11:24)

LẼ SỐNG 02.3

02 Tháng Ba
Bàn Thờ Cho Người Nô Lệ

Du khách đến viếng thăm nước Tanzania bên châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar.

Bước vào nhà thờ, người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người nô lệ".

Ngôi thánh đường này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán, người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.

Cột trụ ở ngay lối vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này. Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.

Mãi đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.

Cũng như một đan viện dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải có đối với tha nhân.

Cuộc sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả: đó là cái chết của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 01.3

01 Tháng Ba
Tro Tàn Của Lịch Sử

Một buổi sáng dạo đầu tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh khác thường tại quảng trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ tịch Georgi Dimitrov ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người thân của ông tham dự nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải táng bên cạnh phần mộ của mẹ ông.

Georgi Dimitrov đã từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát xít và sáng lập Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã ướp xác ông và đặt vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng vinh quang của quá khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch sử...

Người ra lệnh đưa ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng Cộng Sản Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội...

Con người bởi đâu mà ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ đi về đâu sau cái chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh tự đặt ra cho mình những câu hỏi lớn ấy thì có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh vọng, không ai còn nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát khỏi đống tro tàn của lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ bệ. Hôm nay người ta ướp xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...

Là người có niềm tin, chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh. Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn của đời người. Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để làm gì và biết mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải chăng đó không là điều chúng ta đang tìm kiếm?

Tin Mừng ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ bằng một lời nói, chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng ngàn người đói khát. Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây đũa thần để mang lại no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm người vì sứ mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức ăn sẽ không làm cho con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư vô của tiền của và danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống trường sinh... Ðó là lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi người ta muốn tôn vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời gọi con người hãy hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống bất diệt.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VIII thường niên năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.