Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY B (Mc 1, 12-15)



CHIẾN THẮNG LÒNG THAM

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Thông thường con người chúng ta thường hay ghen ghét, bất hoà, tranh chấp và có khi giết hại lẫn nhau vì những điều gì?

Thưa, về danh vọng và tiền tài. Ngay trong gia đình cũng có thể bị đảo lộn tất cả những nề nếp gia phong vì danh vọng và đồng tiền. Con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái. Vợ kết án chồng, chồng ruồng bỏ vợ, anh em bạn hữu chém giết nhau cũng chỉ vì đồng tiền, bát gạo, và người ta cũng có thể chà đạp nhau, bất kể là thân hay quen, là bạn hữu xa gần chỉ vì một ngai vàng là địa vị, là quyền lực trong xã hội.

Thực vậy, có những kẻ vì tiền mà mê muội. Có những người vì tình mà hoá dại. Có những người vì quyền lực mà đánh mất tính người. Nhưng có lẽ, cái cám dỗ lớn nhất của con người qua mọi thời đại chính là đồng tiền, vì có tiền là có tất cả.

Vì tham lam đồng tiền mà họ sẵn sàng đánh đổi tất cả: danh dự, phẩm giá và tình làng nghĩa xóm, tình cha nghĩa mẹ, tình nghĩa thầy trò cũng không bằng ma lực của đồng tiền, như cha ông ta đã từng nói : “Còn tiền còn bạc còn đệ tử – Hết cơm hết gạo hết ông tôi”. Thật vậy, có biết bao kẻ đã bạc tình, bạc nghĩa chỉ vì đặt đồng tiền lên trên mọi mối quan hệ giữa người với người. Đồng tiền là đối tượng duy nhất để tôn thờ vì thế dân gian mới có câu: “Ông tiền , ông Phật, ông Tiên – Ba ông đứng lại, ông tiền cao hơn”.

Ngày xưa, có người ở nước Tề thích vàng đến mê vàng. Sáng sớm thay áo quần đi ra chợ. Tới hàng đổi tiền, thì liền chộp vội một khối vàng rồi chạy đi. Người ta bắt anh ta lại và hỏi :

- Tại sao giữa đám đông mà anh lại dám cướp vàng của kẻ khác như thế?

Anh ta trả lời :

- Lúc thấy vàng, tôi đâu còn thấy thiên hạ chung quanh nữa. Trước mặt tôi, chỉ có vàng mà thôi.

Đồng tiền liền khúc ruột nên họ lao mình vào lửa, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, bất chấp mọi thủ đoạn mánh mung, cho dù phải chà đạp lên người khác bằng những phương thế bóc lột và bất công, miễn sao vơ vét, vun quén về cho đầy túi tham của mình.

Bài Phúc Âm hôm nay, thánh Marco nói về việc Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Vậy ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu điều gì? Thưa, ma quỷ đã tìm cách lôi kéo Chúa Giêsu quay lưng lại với Chúa Cha. Từ khước sống vâng phục thánh ý Chúa để được thoả mãn cái bụng của mình. Nó hướng mở cho Chúa một tương lai đầy hứa hẹn không chỉ có của ăn dư đầy từ những hòn đất hòn đá cũng biến thành của ăn, từ sỏi đá cũng thành cơm, mà vượt xa hơn nữa là nắm gọn trong tay thiên hạ, kẻ hầu người hạ và thừa hưởng mọi vinh hoa lợi lộc trần gian. Năm xưa trong vườn địa đàng nó đã thắng ông bà nguyên tổ, khi nó đưa ra những lời dụ dỗ đầy ngọt ngào, đầy hấp dẫn, nhưng hôm nay, màn trình diễn này đã hoàn toàn thất bại bởi người Con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Ngài không những đã khước từ những lời mời mọc của ma quỷ nhưng còn cho ma quỷ nhận ra rằng không có gì cao quý hơn là được sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa, sống trong sự quy phục Thiên Chúa, vì người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Những cám dỗ mà ma quỷ tuy đã thất bại với Chúa Giêsu nhưng nó vẫn dùng những chiêu thức đó để tấn công con người hôm nay. Trước tiên nó gieo vào lòng ta mối nghi ngờ Thiên Chúa, về lòng thương xót và quan phòng của Thiên Chúa. Nó mở ra cho chúng ta một sự so sánh, tính toán thiệt hơn và cuối cùng là đưa ra một con mồi để quyến rũ chúng ta là: danh vọng, tiền tài, địa vị, thú vui. Kết quả là nhiều người vì ham tiền, ham lợi lộc đã trở thành tay sai cho ma quỷ, không chỉ mình làm điều ác mà còn lôi kéo, dẫn dụ nhiều người khác đi vào con đường tội lỗi. Ma quỷ đã thành công khi sai khiến chúng ta làm sự dữ, là những điều trái với luân thường đạo lý như: trộm cắp, đánh nhau, hận thù ghen ghét, tự cao tự đại... Đó là những mối tội đầu đã gây nên biết bao đau khổ cho chính mình và những người chung quanh.

Ở khởi đầu Mùa Chay khi cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình và sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ luôn rình rập để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi trong tối tăm của đam mê lầm lạc. Vì thế, chúng ta luôn phải sám hối và tin vào tình yêu của Chúa. Sám hối để nhận ra sự khiếm khuyết của mình mà cầu xin ơn Chúa bổ túc những thiếu sót của chúng ta. Sám hối để canh tân đời sống sao cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Sám hối để chúng ta nhận ra sự giới hạn của kiếp người để nhờ ơn Chúa giúp chúng ta sẽ hoàn thiện con người của mình nên thánh thiện tinh tuyền như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con giống hình ảnh Chúa. Xin cho con biết gìn giữ phẩm giá con người của mình bằng việc tránh xa những thói hư tật xấu, luôn nói không với tội lỗi và luôn giữ lòng trong sạch để xứng đáng nhìn xem Thiên Chúa. Amen

(tinmung.net)

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 03

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

GIỖ MÃN TANG ĐỨC CỐ HỒNG Y PHAOLÔ-GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG

Lễ Giỗ Mãn Tang Đức Cố Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng 
tại Nhà Thờ Chính Toà Hà Nội


WTGPHN - Lúc 10h00, Thứ Ba, ngày 21 tháng 02 năm 2012, tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội đã diễn ra Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Cố Hồng Y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng, nhân dịp mãn tang của Ngài. Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn chủ tế, cùng đồng tế có 10 đức Giám Mục thuộc giáo tỉnh Hà Nội và hơn 100 linh mục trong và ngoài Tổng giáo phận Hà Nội. Tham dự thánh lễ có đông đảo các tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa.

Trong lời mở đầu, Đức Tổng Giám Mục Phê-rô có nói: "Chúng ta quy tụ lại đây trong ngày giỗ mãn tang của một người Cha, một người Thầy của Tổng Giáo Phận, Đức Hồng Y Phao-lô Giu-se. Mỗi người chúng ta vẫn còn nghi nhớ đậm nét nhiều kỷ niệm về ngài: một con người thánh thiện, sống giản dị, hài hoà với hết mọi người, một mục tử đầy yêu thương vì đoàn chiên, đã chung thành sống khẩu hiệu "Tôi tin vào Tình Yêu Thiên Chúa". Ngài là một trong những gương mặt vĩ đại của Giáo Hội Việt Nam, là chứng nhân lịch sử của Giáo Hội ở Miền Bắc trong hơn 70 năm qua. Ngài đã góp phần to lớn và quan trọng trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là trong các lãnh vực tông đồ và đào tạo, tổ chức nhân sự. Cuộc đời phục vụ của ngài còn để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công cuộc xây dựng Giáo Hội hôm nay. Chúng ta hướng về ngài với lòng biết ơn, cầu nguyện cho Ngài và cầu nguyện với ngài cho Giáo Hội Việt Nam và Tổng Giáo Phận thân yêu của chúng ta..."


(tonggiaophanhanoi.org)

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 01


Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2012

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2012

Kính gửi: Anh Em linh mục, Anh Chị Em tu sĩ và giáo dân trong gia đình giáo phận

Anh Chị Em rất thân mến,
1.     Vào cuối năm 2011, chúng ta đã tổ chức Công Nghị giáo phận, tạo cơ hội cho mọi thành phần trong giáo phận ý thức tham gia xây dựng ngôi nhà gia đình, cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, giáo phận, thành Giáo Hội Mầu Nhiệm-Hiệp Thông-Sứ Vụ. Từ những đề nghị của Công Nghị giáo phận, tôi mong muốn gia đình giáo phận chúng ta khai triển kế hoạch mục vụ cho những năm tới như sau:
- Trọng tâm của năm 2012 và 2013 là củng cố mối hiệp thông với Thiên Chúa và đời sống đức tin trên nền tảng Lời Chúa.
- Trọng tâm của năm 2014 và 2015 là vun đắp sự hiệp thông yêu thương hợp nhất trong gia đình, giáo xứ, dòng tu, giáo phận.
- Trọng tâm của năm 2016 và 2017 là mở rộng sự hiệp thông, đồng cảm, chia sẻ để loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống.
2.     Lời Chúa chính là nền tảng vững chắc cho việc xây ngôi nhà Giáo Hội Mầu Nhiệm-Hiệp Thông-Sứ Vụ. Ngay từ Chúa nhật I Mùa Chay, Giáo Hội đã mời gọi con cái mình ý thức về tầm quan trọng của Lời Chúa khi công bố Tin Mừng về Chúa Giêsu chiến thắng những cơn cám dỗ (Mt 4,1-11) :
- Lời Chúa là lương thực nuôi dưỡng đời sống con người toàn diện: Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”;
- Lời Chúa là thành trì bảo vệ và khí giới giúp chúng ta chống trả những cơn cám dỗ muốn lôi kéo chúng ta xa đường lối Chúa: Ngươi chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi”;
- Lời Chúa là chuẩn mực hướng dẫn mọi chọn lựa và quyết định của người Kitô hữu: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
Do đó, trong Mùa Chay cũng như trong suốt năm 2012 này, gia đình giáo phận chúng ta phải chú tâm đặc biệt đến việc lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ sức sống của Lời Chúa cho nhau trong thánh lễ của giáo xứ, trong giờ kinh tối gia đình, trong các giờ giáo lý và sinh hoạt nhóm, để cùng nhau đem Lời Chúa vào cuộc sống. Lời Chúa được đón nhận trong tâm thế cầu nguyện, dưới ánh sáng và tác động của Thánh Thần Chân Lý, sẽ trở nên nguồn nước trong lành, vun tưới cho hạt mầm ơn thánh phát triển và trổ sinh hoa thơm trái ngọt trong đời sống gia đình và cộng đoàn tín hữu, cũng như cho đời sống xã hội.
3.     Cách cụ thể, tôi đề nghị với Anh Chị Em:
a) Gia đình. Xây dựng đời sống gia đình trên nền tảng Lời Chúa là xây nhà trên nền đá, nhờ đó gia đình vững vàng trước những sóng gió và thử thách trong cuộc đời, trở nên mái ấm của tình thương, thành trì bảo vệ sự sống và sự thiện, ngôi trường đầu tiên dạy dỗ những đức tính căn bản của đời sống làm người. Để được như thế:
- Mỗi gia đình cần có sách Kinh Thánh, được đặt ở nơi xứng hợp, không phải để trưng bày cho đẹp nhưng để đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, nhất là trong giờ kinh chung của gia đình.
- Kinh tối gia đình: Việc cầu nguyện chung trong gia đình vừa củng cố sự hiệp thông của mỗi người với Thiên Chúa, vừa liên kết mọi thành viên trong gia đình với nhau. Đây là điều hết sức cần thiết trong một thời đại mà đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn và thử thách. Vì thế, xin Anh Chị Em cố gắng duy trì giờ kinh chung trong gia đình, nhất là đem Lời Chúa vào giờ kinh đó.
- Để giúp đỡ các gia đình thực hiện điều này, giáo phận sẽ phổ biến những mẫu Kinh tối gia đình, đồng thời tái bản cuốn Sống Lời Chúa hằng ngày. Mong Anh Chị Em đón nhận và áp dụng.
b) Giáo xứ. Trong mỗi giáo xứ, thánh lễ là nơi thuận lợi nhất cho các tín hữu lắng nghe Lời Chúa. Vì thế, các linh mục cần chuẩn bị bài giảng cách kỹ lưỡng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể trình bày Lời Chúa cách xứng hợp, rõ ràng và cụ thể, nhờ đó Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho đời sống hằng ngày của các tín hữu. Ngoài ra, các linh mục trong cùng một giáo hạt nên chia sẻ với nhau những kinh nghiệm mục vụ, nhằm giúp Anh Chị Em giáo dân tiếp cận Lời Chúa nhiều hơn, ví dụ : học thuộc lòng những câu Kinh Thánh quan trọng, mở các khoá hướng dẫn học Kinh Thánh và chia sẻ Lời Chúa.
c) Các đoàn thể tông đồ. Các hội đoàn và phong trào tông đồ nên thúc đẩy các thành viên tiếp cận Lời Chúa bằng cách đọc và suy niệm hằng ngày, cầu nguyện với Lời Chúa và để cho Lời Chúa hướng dẫn mọi hoạt động của mình.
d) Tu sĩ, chủng sinh. Tôi cũng xin các học viện dòng tu cũng như chủng viện quan tâm đến việc đào tạo chủng sinh và tu sĩ trẻ về Kinh Thánh, không những về kiến thức chuyên môn nhưng còn giúp họ tập đọc Kinh Thánh với đức tin, cụ thể là bằng phương pháp lectio divina.
Kết luận
Mùa Chay là thời gian thuận lợi cho việc canh tân đời sống đức tin, cá nhân cũng như cộng đoàn. Việc đổi mới đó chỉ thành hiện thực nhờ ơn Chúa ban qua các bí tích và nhờ Lời hằng sống mà chúng ta lắng nghe, suy niệm và đem ra thực hành. Ước gì Mùa Chay thánh này trở thành cơ hội thuận lợi thúc đẩy chúng ta yêu mến, gắn bó với Lời Chúa nhiều hơn, ngày càng trở nên những Kitô hữu đích thực theo gương Đức Maria là người “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”, nhờ đó Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc: Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện.
Toà Tổng Giám Mục, thứ Tư lễ Tro,
đầu Mùa Chay Thánh, 22-02-2012
Gioan Bt Phạm Minh Mẫn
Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám Mục của Anh Chị Em

GIỜ LỄ THỨ TƯ LỄ TRO 22.02.2012


GIỜ LỄ THỨ TƯ LỄ TRO
22.02.2012
(KHAI MẠC MÙA CHAY)

GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT
  • 05g00 : Thánh Lễ Sáng - Làm Phép Tro và Xức Tro
  • 17g30 : Thánh Lễ Chiều - Làm Phép Tro và Xức Tro
  • 19g00 : Thánh Lễ Tối - Làm Phép Tro và Xức Tro
Thuanphat's blog

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

KÍNH VIẾNG CỤ MARTHA



Trong tinh thần liên đới, hiệp thông và trong niềm tin "Trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau", vào lúc 18g30 ngày Chúa Nhật 19.02.2012, Cha Chánh xứ, Quý Sơ cộng đoàn Mến Thánh Giá và Quý Chức Tân Cựu Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Thuận phát đã đến kính viếng linh cửu Cụ Bà MARTHA VŨ THỊ THỊNH (Nhạc Mẫu Ông Tôma Đinh Khắc Điện, Cựu Trưởng Giáo Họ Thánh Têrêsa Giáo xứ Thuận Phát). Linh cửu Cụ Bà MARTHA được quàn tại tư gia thuộc Giáo xứ Tân Đức, P.Phước Bình, Quận 9.

Tại tang gia, sau phần giới thiệu phái đoàn của Ông Phó Trần Văn Nam, Cha Chánh xứ đã  chia sẻ về sự ra đi của Cụ Bà MARTHA trước khi dâng giờ kinh cầu nguyện cho Linh Hồn Cụ. Kết thúc giờ cầu nguyện, Ông Phó Trần Anh Tuấn đã đại diện đoàn Phân Ưu cùng tang quyến và trao tiền phúng điếu (do các thành viên trong đoàn tự nguyện đóng góp) để tang gia xin lễ cầu nguyện thêm cho Cụ Bà.

Ông Cựu Trùm Tôma đã thay mặt tang quyến phát biểu cám ơn Cha Chánh xứ, Quý Sơ, Quý Chức Tân Cựu và cộng đoàn giáo xứ Thuận Phát và xin Cha, Quý Sơ và cộng đoàn thêm lời cầu nguyện cho Cụ Bà MARTHA được chóng về Thiên Đàng.

Hữu Toàn & Anh Tuấn

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

ĐỨC THÁNH CHA CỬ HÀNH THÁNH LỄ VỚI CÁC TÂN HỒNG Y

Phóng sự Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với các Tân Hồng Y




Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cử hành Thánh Lễ Sáng Chúa Nhật 19 tháng 2 nhân Lễ Kính Ngai Tòa Thánh Phêrô cùng với Hồng Y Đoàn, trong số đó có 22 vị Hồng Y mới được tấn phong hôm thứ Bẩy.

Trước thánh lễ, Đức Hồng Y Fernando Filoni,Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, đã đọc diễn từ bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha thay mặt cho 22 vị vừa được tấn phong một ngày trước đó.

Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của cụm từ “đá tảng của đức tin”, mà Chúa Kitô đã ban cho thánh tông đồ Phêrô. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả mọi thứ trong Giáo Hội phụ thuộc nơi đức tin. Các bí tích, phụng vụ, sứ vụ truyền giáo, các hoạt động từ thiện, kỷ cương, thẩm quyền vân vân đều phụ thuộc vào đức tin. Đó là một đức tin ràng buộc với yêu thương vì đức tin ích kỷ chỉ là một thứ đức tin phù phiếm, không có thật. Ngài nhận xét là đức tin của Giáo Hội như một cánh cửa sổ qua đó Thiên Chúa tiến vào trong thế giới chúng ta. Giáo Hội không tồn tại cho chính mình, Giáo Hội không phải là cùng đích, nhưng Giáo Hội phải hướng lên trên đến những phạm trù cao hơn.

Đức Thánh Cha cũng đã tập trung vào vai trò của các "trưởng lão" của Giáo Hội. Ngài mời gọi các vị trở nên những "mục tử nhiệt thành, quan tâm đến đàn chiên của Chúa Kitô".

Nhân dịp lễ tấn phong Hồng Y, Tòa Thánh đã mở rộng cửa để các tín hữu có thể chúc mừng các vị tân Hồng Y trong một số hành lang đẹp nhất của Vatican. Trong hai tiếng đồng hồ, các vị Hồng Y đã có thể gặp gỡ các bạn bè cũ và cả những người xa lạ chưa từng quen biết đến chúc mừng các ngài.

Tám vị Hồng Y đã gặp gỡ các khách của mình tại Dinh Tông Tòa. Trong khi đó, mười bốn vị Hồng Y còn lại đã tiếp khách trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, là nơi Đức Thánh Cha thường gặp gỡ các tín hữu trong buổi triều yết chung mỗi thứ Tư hàng tuần. 

(vietcatholic.net)

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :
 

Cụ Bà MARTHA VŨ THỊ THỊNH
Sinh năm 1914

  Nhạc mẫu Ông Tôma Đinh Khắc Điện
 
Cựu Trưởng Giáo Họ Thánh Têrêsa
Giáo Xứ Thuận Phát

đã an nghỉ trong Chúa lúc 11giờ10,
ngày Thứ Sáu 17.02.2012,
tại tư gia : đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Bình, Quận 9, Tp.HCM.
hưởng thọ 98 tuổi.

Nghi thức phát tang - tẩn liệm - nhập quan
lúc 20giờ00 ngày
Thứ Sáu 17.02.2012.

Thánh Lễ An Táng 
lúc 06giờ00 ngày Thứ Hai 20.02.2012 
tại Nhà thờ Giáo xứ Tân Đức, Giáo hạt Thủ Thiêm, Giáo phận Saigon.

Sau đó di quan đi hoả táng tại Dĩ An, Bình Dương.

Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Cụ Bà MARTHA sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VII thường niên năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.




Hữu Toàn.

LỄ TẤN PHONG HỒNG Y

 Phóng sự Lễ Tấn Phong 22 vị Hồng Y


Sáng thứ Bẩy 18 tháng 2, Đức Thánh Cha đã cử hành nghi thức đón nhận vào Hồng Y Đoàn 22 tiến chức Hồng Y.

Trong lời nguyện khai mạc, Đức Thánh Cha đã mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa là Thiên Chúa, Cha của vinh quang, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, Đấng không ngừng làm phong phú Giáo Hội trên khắp thế giới với một sự dư dật các ân sủng, và với lòng từ ái còn lớn hơn nữa trên Ngai Tòa của Thánh Phêrô Tông Đồ, mà Ngài đã thiết lập vượt trỗi trên tất cả những chức vụ khác: với sự quan phòng của Chúa xin ban cho con là người tôi tớ Chúa đây, có thể thực hiện một cách khôn ngoan chức vụ Ngài ủy thác cho con, trong niềm tin kiên vững rằng Chúa sẽ ban cho Giáo Hội phổ quát của Ngài tất cả những điều Chúa đã hứa.

Trước khi trao mũ đỏ, chiếc nhẫn và tước hiệu liên kết với một nhà thờ trong giáo phận Rôma hoặc giáo phận phụ cận, Đức Thánh Cha đã chia sẻ Tin Mừng Thánh Máccô đoạn 10 từ câu 32 đến câu 45 trong đó hai tông đồ Gioan và Giacôbê đã xin Chúa Giêsu cho ngôi bên trái và bên phải ngai tòa của Ngài trên thiên quốc.

"Từ yêu cầu này, hai vị tông đồ Giacôbê và Gioan đã cho thấy là họ không hiểu được luận lý của cuộc sống mà Chúa Giêsu đã nêu gương, là luận lý phải đặc trưng cho các môn đệ trong tinh thần và hành động. Không chỉ có hai người con ông Dêbêđê sai lầm, vì như vị Thánh Sử kể lại, luận lý sai lầm ấy cũng lan đến "mười" tông đồ là những người "bắt đầu bất bình với Giacôbê và Gioan ". Họ phẫn nộ, bởi vì thực không dễ gì để bước vào luận lý của Tin Mừng, và chối bỏ đi quyền lực và vinh quang. "

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, “Các vị tân Hồng Y được ủy thác sứ vụ yêu thương: tình yêu đối với Thiên Chúa, tình yêu đối với Giáo Hội của Người, một tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện cho anh chị em của mình, thậm chí đến mức đổ máu, nếu cần thiết, như khẩu hiệu được ghi trên mũ của họ và màu sắc trên áo choàng của họ ".

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y. Ngài nhắc nhở các tân hồng y: “Mang phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng, của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Giáo Hội Roma.”

Đức Thánh Cha lần lượt xướng tên 22 Hồng Y, trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, phần còn lại gồm các Tổng Giám Mục, và Giám Mục cai quản các giáo phận trên thế giới và 3 vị lão thành đã dầy công phục vụ Giáo Hội. Ngài cũng ấn định 13 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế, trong số này có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh. 9 vị còn lại là các Hồng y thuộc đẳng Linh Mục. Các vị là những người đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Tiếp đến, các tiến chức Hồng Y đã tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.

22 vị đã được trao mũ đỏ và nhẫn. Trên mặt nhẫn có hình hai Thánh Phêrô và Phaolô, mô phỏng theo bức tượng của các ngài trước đền thờ. Giữa hai vị Thánh, có một ngôi sao tám cánh, một tham chiếu rõ ràng về Đức Trinh Nữ Maria. Phía dưới mặt nhẫn là huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Trước khi kết thúc buổi lễ, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tuyên bố chuẩn y án phong thánh cho bảy vị thánh theo thỉnh nguyện của Đức Hồng Y Antonio Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh. 


(vietcatholic.net)

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

CÔNG NGHỊ TẤN PHONG HỒNG Y

Phóng sự Công Nghị Tấn Phong Hồng Y 17/2/2012


Lúc 10h sáng thứ Sáu 17 tháng 2, Đức Thánh Cha đã chủ tọa công nghị Hồng Y ngoại thường trong ngày đầu tiên gọi là “ngày suy tư và cầu nguyện của Hồng y đoàn” về đề tài: “Loan báo Tin Mừng ngày nay, giữa việc truyền giáo cho dân ngoại và tái truyền giảng Tin Mừng”.

Cùng tham dự với Đức Thánh Cha tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ở nội thành Vatican, có 111 Hồng Y từ các nơi tựu về và 22 tiến chức Hồng Y, tổng cộng là 133 vị. Ngày Suy Tư và cầu nguyện đã bắt đầu với kinh giờ Ba, tiếp đến là lời chào mừng của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn.

Với sự bổ sung của 22 tân Hồng Y, tổng cộng sẽ có 125 vị Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng. Các ngài từ 51 quốc gia trên thế giới.

Hơn một nửa số các vị Hồng Y, tức là 67 vị thuộc châu Âu. 22 vị từ Nam Mỹ, 15 vị từ Hoa Kỳ, 11 vị thuộc châu Phi, chín vị từ châu Á và một vị thuộc Châu Đại Dương.

Đất nước có nhiều vị Hồng Y nhất là nước Ý, với 30 vị. Tiếp đến là Hoa Kỳ với 12 vị. Đức và Brazil có sáu vị Hồng Y. Tây Ban Nha có năm vị, trong khi Pháp, Ba Lan, Ấn Độ và Mexico mỗi nước có bốn vị. 50 Hồng Y còn lại là thuộc các quốc gia khác nhau.

Sáu mươi hai trong số các vị Hồng Y đã được tấn phong bởi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II . Sáu mươi ba vị đã được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong bốn Công Nghị Tấn Phong Hồng Y được tổ chức từ năm 2006 đến nay.

Đức Hồng Y tân cử Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, đã thuyết trình dẫn nhập, gợi ý cho sự trao đổi của các Hồng Y. Ngài nhấn mạnh đến sự kiện sứ mạng truyền giáo trở thành điểm trung tâm và nòng cốt trong đời sống của mỗi Giáo Hội địa phương và mỗi tín hữu. Ngoài ra, không hề có sự đối nghịch giữa việc truyền giáo cho dân ngoại và việc tái truyền giảng Tin Mừng. Việc tái truyền giảng Tin Mừng tạo nên những thừa sai nhiệt thành, và những người dấn thân trong công cuộc truyền giáo phải để cho mình liên tục được phúc âm hóa”.

ĐHY Dolan dành phần lớn bài gợi ý để nói về một thách đố rất lớn đối với việc truyền giáo cho dân ngoại cũng như việc tái truyền giảng Tin Mừng, đó là trào lưu tục hóa, một trào lưu đang lan tràn trong mọi khía cạnh của đời sống thường nhật và tạo nên một não trạng trong đó Thiên Chúa vắng bóng, trong toàn thể hoặc một phần của đời sống và tâm thức con người.

Tiếp đến đã có 7 Hồng Y lên tiếng phát biểu và phiên họp thứ I kết thúc với Kinh Truyền Tin.

Ban chiều các Hồng Y đã họp lại với Đức Thánh Cha từ lúc 5 giờ và tiếp tục nghe các Hồng y lên tiếng chia sẻ.


(vietcatholic.net)