Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII TN NĂM B - CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN 18-11-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXXIII thường niên năm B - Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo VN
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO 13.11.2012

Hành Hương Đức Mẹ Tàpao Tháng Các Linh Hồn 11/2012

Tối 12 và sáng 13/11/2012, khách hành hương từ muôn nơi tìm về hiệp cùng với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết tham dự ngày hành hương kính viếng Đức Mẹ tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao như thường lệ. Cả không gian ngập tràn trong lời kinh tiếng hát chúc tụng, ngợi ca Thiên Chúa, tạ ơn Mẹ và khẩn cầu cho các linh hồn. 


Trong sự yên bình của màn đêm, tối ngày 12 muôn con tim với nhịp đập rộn ràng hướng về Thánh Thể Chúa ngự trên bàn thờ vừa linh thiêng vừa gần gũi. Cùng với Mẹ Maria, cộng đoàn thờ lạy Chúa Giêsu và cùng nhau suy ngắm mầu nhiệm Năm Sự Vui. Tràng Mân Côi dâng lên Mẹ với tâm tình hướng về những người thân yêu đã ra đi trước trong tháng cầu các linh hồn xin Mẹ ra tay bênh đỡ. Đức Cha Giuse kiệu Mình Thánh Chúa đi xung quanh quảng trưởng để cộng đoàn thờ lạy.

 

Thánh lễ Mừng Kính Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh sáng 13 do Đức Cha Giuse chủ tế. Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan và quý cha trong ngoài Giáo phận Phan Thiết đồng tế. Cha Tổng đại diện GP Phan Thiết thay mặt cộng đoàn chào mừng Đức Cha Giuse là một trong hai Giám mục thay mặt HĐGM Việt Nam đi tham dự Thượng HĐGM Thế Giới 2012 vừa trở về bình an và chúc mừng Đức Cha Phaolô nhân dịp Thượng Thọ Bát Tuần của ngài

Đức Cha Giuse cám ơn tất cả mọi người đã cầu nguyện cho chuyến đi của ngài được bình an và tốt đẹp suốt thời gian Thượng HĐGM Thế Giới diễn ra. Cùng với nhiều niềm vui tạ ơn Thiên Chúa, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cùng với Mẹ Maria tham dự thánh lễ sốt sắng và cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn.


Bài giảng lễ, Đức Cha nhắc đến một đề tài được các nghị phụ trong Thượng HĐGM Thế Giới thảo luận và nhất trí về các Trung Tâm Thánh Mẫu dâng kính Đức Trinh Nữ Maria dù là của Giáo hội địa phương như Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao này hay của thế giới đều là cửa ngỏ dẫn vào đời sống đức tin của các Kitô hữu. Ba lý do được ngài diễn giải: các Trung Tâm Thánh Mẫu là nơi biểu hiện đức tin qua việc hiệu triệu con cái của Đức Mẹ; Là nơi đức tin có sức thông truyền và lan tỏa mang lại hiệu ứng nhanh và tích cực đối với mọi người nhờ vào các việc đạo đức bình dân như lời các tiền nhân nói: “Một lời kinh chung bằng thùng kinh riêng”; Và là nơi biểu hiện tình thương của Lòng Thương Xót Chúa qua việc những người đến hành hương với lòng thành tin đều trở về với “một con tim mới” thể hiện rõ nơi các toà giải tội tháng nào cũng có các hối nhân chờ lãnh bí tích Hoà giải, biết bao tâm hồn và thân xác được chữa lành qua những ý khấn tạ ơn .v.v.


Trong Năm Đức Tin, Đức Cha mời gọi mỗi người rà soát lại đức tin của mình, đào sâu đức tin và làm chứng đức tin của mình trong môi trường sống của mình theo chân Mẹ Maria là thầy dạy và mẫu gương của đời sống đức tin. Ngài xin cộng đoàn gia tăng việc hy sinh – bác ái – kinh nguyện để chuyển cầu cho các linh hồn.


Lạy Mẹ Tàpao, cùng với Giáo Hội toàn cầu sốt sắng cử hành năm đức tin, xin Mẹ giúp chúng con hôm nay cũng vận dụng hết tâm tình, biết sống đức tin công giáo cách trọn vẹn, để được trở nên những "tín hữu" gương mẫu giữa lòng xã hội địa phương. Amen. 
(gpphanthiet.com)

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

KỶ NIỆM 100 NĂM CÔNG ĐỒNG KẺ SỞ


Thánh lễ kỷ niệm 100 năm công đồng Kẻ Sở 
tại Sở Kiện 


WTGPHN - 10g00, ngày 10 tháng 11 năm 2012, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo Sở Kiện tại Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam đã diễn ra Thánh lễ kỷ niệm công đồng Kẻ Sở được "bách chu niên" (1912-10/11-2012), do Đức Tổng Giám Mục Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự. 
 
 
 Đây là một sự kiện quan trọng đối với mọi thành phần Dân Chúa thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội. Khoảng 18 ngàn tín hữu từ nhiều phương trời quy tụ nơi đây để tham dự sự kiện đặc biệt này, trong đó có 11 Đức cha thuộc các giáo phận miền Bắc, 300 linh mục, 200 chủng sinh, đông đảo nam nữ tu sĩ của nhiều Dòng tu và bà con giáo dân. Ngoài việc mọi người đến đây cùng nhau ôn lại đời sống đức tin của cha ông, hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa; thì hết thảy thành phần dân Chúa còn bày tỏ sự hiệp thông với những chủ chăn của mình để cầu nguyện cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa trong Giáo Tỉnh Hà Nội hôm nay và ngày mai.
 
(WTGPHN)

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B 11-11-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXXII thường niên năm B.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 12, 38-44)



DÂNG CHO CHÚA

Nếu bà góa Sareptha không lấy chút bột, chút dầu nhỏ bé kia mà làm bánh cho Êlia ăn, thì mẹ con bà cũng chỉ ăn được trong ngày ấy mà thôi, rồi sẽ chết. Nhưng vì lòng tin và lòng quảng đại, bà nghĩ rằng: nếu ta không lấy chút bột chút dầu kia mà cứu người đang đói là Êlia, thì hẳn Êlia sẽ chết. Việc cần làm ngay là phải cứu người. Còn việc của mình: Chúa sẽ liệu lo.

Và khi bà đã thực hiện như lòng tin và quảng đại, phép lạ đã xảy ra, đó là, hũ bột không vơi, bình dầu không cạn, mẹ con bà không chết đói. “Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Êlia mà phán” (1 V 17, 15 – 16).

Thiên Chúa thật công bằng ! Và công bằng của Ngài không chỉ là trả lại vừa đủ cho ta những gì ta cho đi, mà còn trả lại gấp trăm.

Hình ảnh bà góa Sareptha được nhắc lại trong Tin Mừng theo Thánh Marcô, Nhưng ở đây, đồng tiền của bà góa, đồng tiền nuôi sống bà ta một ngày đời, được kể là đồng tiền có giá trị nhất trước mắt Thiên Chúa. Trong mắt những người bỏ tiền dâng cúng vào hòm, thì có thể họ khinh miệt bà góa ấy, hoặc họ chê trách bà ấy thà đừng bỏ vào hòm tiền thì hơn, nhưng chỉ có Chúa Giêsu mới nhìn thấu tận cõi lòng bà, hiểu được tấm lòng quảng đại của bà, vì đồng tiền ấy là cả sự nghiệp của bà. Bà không đợi đến lúc có dư ra 5 bảy đồng mới dâng cúng được một đồng, nhưng bà dâng ngay tất cả những gì mình có trong lúc cùng cực nhất, bế tắc nhất. “Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống" (Mc 12, 44).

Có vài người không bao giờ xin lễ cho các linh hồn, vì cho rằng chưa có lúc nào nhà mình thong thả dư ra được vài chục nghìn.

Cũng có người không thể dâng cúng cho công việc xây dựng Nhà Thờ, vì người ta dâng tiền triệu, há lẽ tôi lại dâng tiền trăm, tiền chục ngàn. Khó coi quá !

Còn có người không thể giúp kẻ hoạn nạn, bởi vì cho rằng tôi còn chưa lo được cho tôi, nói gì đến chuyện giúp người.

Không phải tất cả như thế đâu. May quá, tôi tìm thấy trong danh sách công khai của cha Quang Uy về việc xin trợ giúp các trường hợp bệnh hoạn khẩn cấp của Trung Tâm Mục Vụ DCCT, có cả những người đã giúp 500 USD và cũng có người từng giúp 50.000 VND. Đành rằng có khoản nhiều hơn và ít hơn gấp 200 lần nhưng giá trị trước mặt Chúa không nằm ở những con số. 50.000 VND kia có thể là một ngày công của chị bán bắp, của cô bán xôi, của những người xa quê bán bánh tráng, lạc rang đi suốt một ngày mòn mỏi trên các ngõ phố.

Uống nước trước Bệnh Viện Tim Việt-Pháp, bạn có thể gặp cả trăm người từ miền Trung vào buôn bán nhỏ. Trước mắt tôi, một chị khoảng 45 tuổi, người Quảng Ngãi, bán bánh tráng, lạc rang, gặp người quen ở quê vào chữa bệnh tim cho con. Sau mấy câu thăm hỏi, chị dúi vào tay chị bạn 80.000 đồng: “Em gửi cho cháu vài hộp sữa. Cầm đi chị, mang tiếng vào Sàigòn làm ăn, nhưng một ngày của em chỉ được chừng ấy”. 80.000 so với ca mổ tim vài chục triệu thì có thấm vào đâu. Nhưng chị kia nắm tiền trong tay mà rưng rưng nước mắt. Tôi tò mò đi theo chị đã làm từ thiện dò hỏi, mới biết, chị vào trong nầy thuê nhà trọ ở chung với con gái đi học đại học. Một là “trông nom con gái, sợ xa cha mẹ ở đất Sàigòn này dễ hư lắm anh ạ”, hai là “kiếm thêm và để dành đóng tiền nhà và tiền học phí cho con”... “Mẹ con em quen ăn mì tôm rồi anh ạ. Ăn mì tôm vài hôm thì cũng dư ra được gần trăm ngàn”. Hỏi chị theo đạo nào, chị nói: “Nhà em không theo đạo nào cả, thờ Ông Bà”.

Như vậy, cũng có người chắt bóp giảm chi tiêu để có được chút gì mà giúp đỡ kẻ khác. Người ấy chắc chưa từng nghe những đoạn Lời Chúa hôm nay, nhưng tấm lòng của họ thật đáng quí. Người Công Giáo vẫn gọi họ là người “lương” đúng nghĩa lương thiện, tốt lành.

Còn người Công Giáo chúng ta thì sao ? Đoạn Tin Mừng về đồng tiền của bà góa nghe đi nghe lại nhiều lần trong đời, nhưng chúng ta vẫn chưa đem ra thực hành chỉ vì một lý do rất đơn giản: Chưa đủ tin vào quyền năng của Thiên Chúa, hoặc tồi tệ hơn, vì vẫn kiêu ngạo mà quá tin vào sức riêng của mình.

Ông C. tim bị hẹp động mạch vành, hay mệt và đã có lần thoát cơn tai biến nhờ cấp cứu kịp. Chị H. mới quen biết ông, nhưng nghe tin ông cần tiền thuốc hằng tháng, chị hẹn xin gặp và trao cho ông bì thư với 3 triệu đồng. Ông C. ngần ngừ không dám nhận. Chị nói: “Có người gửi cho em để giúp kẻ khó. Em đâu được giữ mãi cho em”. Thiết nghĩ đây chỉ là cách nói. Vừa cầm tiền về đến nhà, ông C. nghe tin có một cháu cạnh nhà đi làm về bị tai nạn, bệnh viện trên tỉnh chê rồi, chuyển Chợ Rẫy gấp. Ông C. sang nhà và trao ngay bì thư 1 triệu rưỡi. “Có người mới gửi cho cháu”. Về nhà, ông nghe tim mình nhịp đều những nhịp hạnh phúc.

Ước gì có nhiều người Công Giáo như chị H, như ông C. Những người luôn biết cho đi là những người hạnh phúc.

Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta được hạnh phúc nhờ ĐỨC TIN mà tín thác vào Đấng có thể ban cho chúng ta mọi sự cần. Ngài biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết chúng ta. Ngài lo lắng cho chúng ta nhiều hơn chúng ta lo lắng cho bản thân mình.

Không chỉ dừng lại ở suy nghĩ “ở hiền, gặp lành” như chị bán bánh tráng, lạc rang, mà các Kitô hữu còn phải biết vượt lên trên cách sống tự nhiên ấy, để mỗi dâng cúng của ta cho người, là một lần minh chứng Đức Tin của chúng ta rằng Thiên Chúa luôn quan phòng gìn giữ những ai sống và thực thi ý muốn của Chúa.

Lời Chúa còn nhắc nhớ mỗi chúng ta đừng đánh giá sai lầm những cống hiến âm thầm, nhỏ nhoi, nhưng hãy xét lại những cống hiến của mình xem có phải đã cống hiến vì lòng tin, vì lòng quảng đại hay không.

Trong những cống hiến âm thầm cho nhân loại, tôi phải nghĩ tới những lời nguyện ít ai biết đến, không ai nghe, chẳng ai thấy của những kẻ đau khổ trên giường bệnh, cùng cực trên đường đời, bị áp bức trong nơi tù đày côi cút… Những lời nguyện ấy là sự dâng hiến cho Thiên Chúa cách đáng trân trọng, để Thiên Chúa ban muôn hồng phúc cho mọi người.

Như chú thích cho sự dâng hiến của bà góa, của chúng ta, Thánh Phaolô nhắc đến việc Chúa Giêsu đã “tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (x. Dt 9, 24 – 28). Vậy mỗi lần chúng ta tín thác vào Thiên Chúa và sẵn lòng mất đi, sẵn lòng chia sẻ sự sống, niềm vui cho người khác, hẳn là chúng ta đang góp phần vào việc tiêu diệt các tội lỗi trong chúng ta để mỗi ngày chúng ta được xứng đáng lãnh hồng ân cứu độ hơn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thoát khỏi căn bệnh chần chừ, nghi ngại. Xin ban thêm Đức Tin cho chúng con, để chúng con biết tín thác vào lòng thương xót và sự quan phòng của Chúa mà dâng hiến cuộc sống của chính mình cho Chúa, cho mọi người. Amen. 
 
PM. Cao Huy Hoàng
(tinmung.net)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 02 - 08.11.2012

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

NGƯỜI TỪ HOẢ NGỤC HIỆN VỀ

Chứng Tích Người Từ Hỏa Ngục Hiện Về

Nhân dịp tháng 11, Tháng Các đẳng linh hồn, xin thuật lại câu chuyện tại Cái Mơn
Hiện nay nhà xứ Cái Mơn còn lưu giữ một miếng ván có kích thước: 2,05 x 0,82 mét, dầy hơn 4,5 cm. Trên miếng ván có một chỗ bị cháy đen và khuyết xuống giống như "phần mông" của một người ngồi để lại. Miếng ván này được lưu giữ như là một chứng tích của việc có hỏa ngục và sự thưởng phạt đời đời.
Bà Tám (vợ của ông Biện Nguyễn Văn Nhung) và tấm ván hiện giờ.
Ảnh chụp ngày 8 / 10 / 2011, tại khuôn viên nhà thờ Cái Mơn.
Bài viết này được người trực nhà xứ, thời Cha Sở Gs Thích còn sống, ghi lại theo lời tường thuật của ông biện Nguyễn Văn Nhung, cháu cố của ông biện Đài và của ông Nguyễn Văn Thật. Nay xin mạn phép tóm lại như sau:
 
Tấm ván khi mới được đưa về nhà xứ Cái Mơn
(không rõ năm nào)
Khoảng đầu thế kỷ 18, tại Cái Mơn, có một bà lão nọ là người tu xuất đã ngoài bảy mươi. Đời sống của bà không tốt lắm. Bà bệnh nặng và liệt giường khoảng ba tháng, không ăn uống. Gia đình giữ linh hồn cho bà suốt thời gian ấy đã mệt mỏi. Hôm ấy, ông Biện Nguyễn Văn Đài (sau là Trùm Họ) đến đọc kinh giữ linh hồn cho bà. Ông bảo gia đình đi ngủ để ông giữ thay cho một hôm.

Khi ông biện Đài đang sốt sắng nhìn sách đọc kinh, thình lình bệnh nhân ngồi phắt dậy, thổi tắt đèn, rồi ôm lấy cổ ông và đeo cứng người ông. Ông bình tĩnh không la lên sợ làm rối gia đình, và ông cứ mang bà lão trên mình để đi đốt đèn. Đốt đèn xong, ông trở lại giường, gỡ hai tay bà ra khỏi cổ ông và để bà nằm xuống. Bà nằm trong tư thế như thường lệ: hai chân duỗi thẳng, hai tay để lên ngực và vẫn im lặng như người đang hấp hối
Dấu bị cháy khuyết xuống do mông của người chết hiện về để lại trên tấm ván.
Cũng nên biết, vào thời điểm này chưa có dầu lửa và đá lửa. Người ta dùng dao đánh vào hòn đá đen cho lửa xẹt vào bông gòn trong ống tre. Khi bông gòn bén lửa, người ta thổi lên cho có lửa ngọn rồi mới dùng cây rọi lấy lửa mồi vào đèn. Cây rọi là mảnh vải bằng hai ngón tay, nhúng dầu mù u, xe xoắn lại phơi khô. Đèn dầu mù u thì không bắt lửa nhanh như đèn dầu ngày nay. Nhắc chuyện này để hiểu rằng thời gian ông biện mang bệnh nhân trên cổ là khá lâu.

Ngày hôm sau bà này chết. Việc an táng theo nghi thức đạo như thường lệ. Sau khi an táng, gia đình và hàng xóm tập trung để cầu lễ cho bà. Theo như tập tục thường kéo dài một tuần, lâu hơn hay ít hơn là tùy hoàn cảnh gia đình.

Một tối no, khi mọi người đang sốt sắng cầu lễ, bỗng dưng đèn tắt hết. Người chết xuất hiện, mình đầy lửa, mang dây xích, đến ngồi trên bộ ván, nói lớn tiếng: "Các người đừng cầu nguyện cho tôi nữa, bởi vì đã lỗi đức công bằng, tôi xuống Hỏa ngục rồi". Nói bây nhiêu lời rồi biến mất. Mọi người có mặt chết điếng người, lặng thinh và ngưng đọc kinh nhưng không dám đi một mình về nhà.

Ông chủ nhà nói: "Tôi không dám để bộ ván này trong nhà nữa, đem ra sông cái liệng cho nó trôi khuất cho rồi". Nói vậy nhưng có lẽ do quá sợ, ông không dám chở đi nên đã liệng xuống rạch bên hông nhà. Nhà ông ở trên ngọn, nhà ông biện Đài ở cuối nguồn, nên nước ròng ông biện đã vớt được tấm ván ghi dấu cái mông của linh hồn sa hỏa ngục, tấm kia trôi mất (bộ ván gồm hai miếng).

Ông biện Đài cố ý giữ tấm ván lại trong nhà để nhắc nhở con cháu và người đời sau nhớ rằng có Hỏa Ngục. Ông dặn con cháu sau này không được nói tên người bất hạnh cho ai biết, để giữ thanh danh cho họ.

Bộ ván này dài gần 3 mét, dầy khoảng 8 cm, bằng gỗ sao gồm hai tấm. Linh hồn hiện về ngồi bên tấm ván này, chống hai chân và hai tay qua tấm ván bên kia. Tấm ván bên này để lại dấu mông, và tấm ván kia là dấu hai bàn chân và hai bàn tay úp xuống. Dấu lửa cháy ăn sâu xuống cả hai tấm ván. Không biết ngày xưa gìn giữ thế nào nhưng mấy mươi năm sau này, gia đình ông Nguyễn Văn Nhung bỏ phế ngoài vườn cây. Thời chiến tranh Ông Nhung đã dùng để làm hầm núp bom đạn. Chiến tranh chấm dứt, ông lại quăng tấm ván ra bờ mương. Một hôm có người đến ngỏ ý xin miếng ván, gia đình mới cạo rửa và định tống khứ nó đi. Khi hay được sự việc, cha sở Gs Thích đã ngỏ ý xin và đã đem về lưu giữ tại nhà xứ. Theo lời ông Thật thì có ai đó đã cưa tấm ván mất mấy tấc. Có lẽ vì nó dài và nặng nề, khó di chuyển, nên đã vô tình cưa bớt đi.

Ông biện Nguyễn Văn Nhung thuật lại theo truyền khẩu của gia đình. Phần ông Nguyễn Văn Thật thì nói theo lời kể của ông Isiđôrô Võ Văn Vạn, thường gọi là Sáu Vạn, thầy tuồng của Cái Mơn ngày xưa. Ông là con đỡ đầu của Đức Cha Isiđôrô Đượm, tên Pháp là Dumortier, cha sở Cái Mơn, sau là Giám Mục Địa Phận Sài Gòn. Ông Vạn mất hơn 30 năm nay, thọ 90 tuổi.

Theo một số thông đáng tin cậy, thì người đã chết hiện về này có thể cùng thời với Thánh Philipphê Phan Văn Minh. Thánh nhân sinh năm 1815, như vậy, câu chuyện xảy ra cũng khoảng gần 200 năm có rồi.

Đối chiếu với gia phả của ông biện Nguyễn Văn Đài thì thời gian như vậy là đúng.

Ông biện Đài, sau thăng chức là Trùm Đài, không biết tuổi.

Con của ông Trùm Đài là ông Trùm Thiệu, sống 92 tuổi.

Con ông Biện Thiệu là ông biện Gioang, sống 72 tuổi.

Con ông Biện Gioang là ông Biện Nguyễn Văn Nhung đã mất, còn bà Nhung hiện nay trên 80 tuổi và đã có cháu cố. 
Lm Phêrô Phạm Bá Trung
 (giaophanvinhlong.net)

VIDEO ĐẦY XÚC ĐỘNG

Video đầy xúc động để suy nghĩ về cuộc đời mình

- Đừng đợi bao giờ nhìn thấy nụ cười rồi mới cười lại.

- Đừng đợi đến khi được yêu thương rồi mới yêu thương lại.

- Đừng đóng cửa trái tim và ngăn cản tình yêu đến chỉ vì bạn nghĩ không thể nào tìm ra nó. Cách nhanh nhất để nhận ra tình yêu là cho, cách mau lẹ để mất tình yêu là giữ nó quá chặt, cách tốt nhất để giữ gìn tình yêu là cho nó đôi cánh tự do.
….

- Đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần. Bởi vì con cháu đời sau sẽ xem bạn như tấm gương sáng của chúng. Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá. Hãy cho đi và bạn sẽ nhận được thật nhiều…

1 – Xem và cảm nhận:



2 – Đem ra thực hành trong cuộc sống: 


(giaophanbacninh.org)

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B 04-11-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXXI thường niên năm B 04-11-2012.
Cha khách dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng ).
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 12, 28b-34)



MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Sưu tầm
Vào một buổi sáng mùa đông, nhóm tù công giáo quây quần bên nhau, chia sẻ Lời Chúa với dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành. Họ trao đổi với nhau và tìm cách áp dụng tinh thần yêu thương vào cuộc sống hằng ngày. Căn phòng không đủ ấm vì từng cơn gió lạnh thổi tới. Một tù nhân nghèo túng, trên người chỉ có một bộ quần áo mỏng manh, đang ngồi mà cứ run lập cập. Bên cạnh đó, một bạn tù khoác những hai chiếc mềm. Và thế là, trong lúc mọi người bàn luận về cách thức tương trợ lẫn nhau, người bạn tù đột nhiên đúng dậy, tiến đến và choàng một chiếc mềm lên người tù nghèo túng. Cử chỉ của người bạn tù đã gây được một ấn tượng mạnh mẽ cho cả nhóm hơn bất cứ lời nào họ nói ra để chia sẻ.

Và cũng từ mẩu chuyện này, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Thực vậy, chúng ta thường nói: Con người đầu đội trời, chân đạp đất, vì thế sống trên đời chúng ta có hai bổn phận phải chu toàn, đó là mến Chúa và yêu người. Hai bổn phận này phải luôn luôn đi đôi với nhau, như hai mặt của một đồng tiền. Nói cách khác, đó chỉ là hai phương diện của một giới luật duy nhất, giới luật yêu thương. Chúng ta không thể cầu nguyện và gắn bó mật thiết với Chúa, nếu như chúng ta không đối xử với những người bên cạnh chúng ta bằng những hành động bác ái. Thánh Gioan Tông đồ đã xác quyết: Nếu ai nói rằng mình kính mến Chúa là lại ghét bỏ anh em, thì quả thật kẻ ấy chỉ là một tên nói dối, bởi vì hắn ta không thể kính mến Chúa là Đấng hắn chẳng hề trông thấy bao giờ, nếu hắn không yêu thương anh em, là những người hắn luôn thấy được. Chính Đức Kitô cũng đã dạy: Ai kính mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em. Hai lệnh truyền này tương quan mật thiết với nhau đến nỗi nếu chúng ta không yêu thương anh em thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ không còn kính mến Thiên Chúa nữa. Có một câu danh ngôn đã bảo: Tôi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng làm sao thấy được bởi vì Ngài là Đấng thiêng liêng. Thế nhưng khi tôi tìm kiếm người anh em, thì tôi sẽ gặp được chính Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với những người anh em nghèo khổ: mỗi khi chúng ta cho người đói được ăn, người khát được uống, người trần trụi được mặc, người đau yếu và bị cầm tù được viếng thăm là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy.

Thế nhưng, việc yêu thương tha nhân của chúng ta thường lại gặp thất bại từ đầu ngay trong chính gia đình của chúng ta. Không yêu thương những người thân cận ruột thịt, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ khó mà yêu thương những kẻ xa lạ cho được. Vậy chúng ta đã dành tình yêu thương cho những người thân cận trong gia đình thế nào? Nếu chúng ta trả lời là chưa đậm đà cho lắm, thì có lẽ tình yêu thương chúng ta dành cho bà con lối xóm cũng sẽ chẳng khá hơn. Và nếu chúng ta chẳng yêu thương bà con lối xóm cho mặn nồng thì chắc chắn chúng ta cũng không thể kính mến Thiên Chúa một cách nồng nàn được.

Trái lại, nếu chúng ta yêu quý những người thân cận trong gia đình, thì chúng ta mới có thể yêu quý những người bà con lối xóm. Và một khi đã yêu quý những người bà con lối xóm, thì chắc chắn, chúng ta cũng sẽ dễ dàng kính mến Thiên Chúa. Dấu chỉ và bộ đồng phục của người môn đệ Chúa phải là lòng bác ái, và ngôn ngữ của người Kitô hữu, thứ ngôn ngữ mà nhờ đó bất cứ ai cũng có thể hiểu được về Thiên Chúa và về bản thân chúng ta, đó phải là ngôn ngữ của tình yêu thương.

(tinmung.net)

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI GIÁO XỨ THUẬN PHÁT


Sáng ngày 02-11-2012 sau khi Dâng Thánh Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, Cha Chánh Xứ và công đoàn giáo xứ đã đến Nhà Vĩnh Hằng ( nhà tạm thời ) đọc kinh cầu nguyện cho Linh Hồn Cha Cố Antôn và các tín hữu đã qua đời hiện đang lưu hài cốt tại giáo xứ.

8 giờ sáng cùng ngày HĐMVGX Thuận Phát đã tổ chức 1 chuyến xe cùng với cộng đoàn đi viếng mộ và đọc kinh cầu nguyện cho LH Cha Cố Antôn tại Gò Vấp.

Hữu Toàn.

MỘT LỜI CẢNH BÁO ĐÁNG SUY TƯ

Một lời cảnh báo đáng suy tư

Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.


“Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.

Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì ? ”.

Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” :

Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.

Lời bàn: Những lời cảnh báo này thật đáng suy nghĩ. Bao nhiêu lần tôi đi dự lễ ngày Chúa Nhật mà chỉ mong cha làm cho nhanh nhanh để tôi về còn lo làm chuyện khác. Tôi có chuyện gì đáng lo hơn là phần rỗi linh hồn của tôi.

Tôi có một công việc rồi, còn muốn kiếm thêm một công việc nữa đến nỗi không còn có giờ cầu nguyện nữa. Sống như điên, cày như điên như thế có phải là cuộc sống được chúc phúc không.


Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

LỜI CHÚA LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI 02.11.2012 (Ga 6, 37-40)


Giờ Lễ :
  • Sáng : 05g00
  • Chiều : 17g30
  • Tối : 19g00
08g00 : Đi viếng mộ Cha Cố Antôn

Chết Không Phải Là Xa Cách Vĩnh Viễn

Lm Trần Bình Trọng
Hằng ngày người ta chứng kiến hoặc nghe nói hoặc đọc trên báo chí về những cái chết do già yếu, bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chiến tranh, bạo động.. gây ra. Và người ta nghĩ chết chóc là chuyện xẩy ra cho người khác, chứ chưa xẩy ra cho chính mình. Ða số loài người có thể đương đầu với cuộc sống dù có vất vả khổ cực đi nữa. Tuy nhiên ít ai muốn đương đầu với cái chết. Người ta cũng cảm thấy khó chấp nhận cái chết của người còn trẻ tuổi và người thân yêu. Tâm trạng đó có nghĩa là người đời sợ chết hay chưa muốn chết vì người ta sợ đối diện với những gì xẩy ra ở đời sau mà người ta không biết trước được. Có những người sợ chết đến nỗi dặn những người thân yêu phải nắm chặt tay chân mình trong lúc hấp hối.

Trong thực tế, chết có thể xẩy đến cho bất cứ ai: già trẻ, lớn bé, hoặc bất cứ lúc nào: ngày cũng như đêm, hay bất kì ở đâu, ngay cả tại những nơi mà người ta tưởng là an toàn nhất, người ta vẫn có thể chết. Như vậy, chết không kiêng nể một ai. Khi nào thiên thần Chúa đến gõ cửa nhà linh hồn, gọi linh hồn ra khỏi xác, là một điều bí mật. Như vậy sống và chết gắn liền với nhau. Có thể nói được là người ta sinh ra để mà chết. Và tất cả cuộc sống là một tiến trình đi về cái chết.

Ðối với người tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa Kitô, Ðấng cứu độ trần gian, thì chết không phải là hết, cũng không phải là xa cách vĩnh viễn. Chết chỉ là một biến đổi từ đời này qua đời khác. Người thân nhân còn sống cần đem sự hiện của người khuất bóng vào đời sống gia đình bằng hình ảnh của người quá cố, bằng công nghiệp của người quá cố để lại, bằng những kì niệm có được với người quá cố và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng cho người quá cố.

Phụng vụ lễ các linh hồn nhắc nhở cho người tín hữu là người lữ hành trên cuộc hành trình đi về nhà Chúa, họ không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với toàn thể dân Chúa, cùng với Mẹ Maria và các thánh, cùng với người tín hữu tại thế và các linh hồn nơi luyện ngục.

Theo tín điều Các Thánh cùng Thông công, thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể cầu bầu cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế có thể cầu nguyện cho nhau, ủng hộ tinh thần cho nhau và cầu nguyện các linh hồn nơi luyện ngục. Giáo lí về việc người tín hữu tại thế cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục được các Công Ðồng Nicea II, Firenze và Triđentinô gọi là Tín Ðiều Các Thánh cùng Thông Công thì Công Ðồng Vaticanô II gọi là sự hiệp thông sống động (GH #51).

Như vậy đức tin của người công giáo được hỗ trợ một cách tối đa bằng lời bầu của Mẹ Maria và các thánh và lời cầu nguyện, hi sinh và gương sáng của người khác. Và ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, người quá cố vẫn còn được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của họ hàng, thân nhân và bạn hữu và của toàn thể Giáo hội và bằng ý chỉ của thánh lễ dâng. Biết được như vậy, nghĩa là biết được rằng sau khi chết mà còn có những người thân yêu, bạn bè nhớ đến mình trong lời cầu nguyện và thánh lễ, là điều sưởi ấm tâm hồn biết bao.

Ngay trong thời Cựu ước ngôn sứ Isaia đã có thể nhìn đến một viễn tượng khi Ðấng cứu độ trần gian sẽ đến: tiêu diệt tử thần (Is 25:8). Còn thánh Phaolô thì bảo tín hữu Rôma phải cậy trông vào ngày mà họ: sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (Rm 8:21). Kinh Tiền tụng I trong Thánh lễ cầu cho những người đã qua đời nhắc nhở cho người tín hữu: Sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan, thì được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời. Chết là một biến đổi vì Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết bằng việc phục sinh của Người. Bằng việc sống lại Chúa đã xoá bỏ tội lỗi và toàn thắng sự chết.

Trước khi về trời, chính Chúa Giêsu cũng hứa với ta qua các tông đồ: Thầy đi dọn chỗ cho chúng con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho chúng con thì Thầy sẽ trở lại và đón chúng con về với Thầy, để Thầy ở đâu, chúng con cũng được ở đó (Ga 14:2-3). Lời hứa đó đã được thực hiện cho người gian phi cùng chịu đóng đanh với Chúa Kitô mà có lòng ăn năn sám hối: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng (Lc 23:43).

Hôm nay vì lòng hiếu thảo và tình bác ái Kitô, ta đến nhà thờ dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, những linh hồn tổ tiên, ông bà cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân quyến và bạn hữu đã khuất bóng. Xin Chúa vì lòng nhân hậu, khoan dung và hay tha thứ xét nhử nhân hậu với các linh hồn, đưa các linh hồn về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa.

Lời cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời:

Lạy Chúa cả nhân lành hay thương xót.
Chúa không muốn cho loài người phải chết đời đời, nhưng được sống.
Xin Chúa dủ lòng thương xót các linh hồn đã qua đời.
Xin dùng máu thánh Con Chúa đã đổ ra vì tội lỗi loài người
mà tẩy sạch vết nhơ tội lỗi cho các linh hồn
cho được hưởng phúc trường sinh. Amen.

(tinmung,net)

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 01.11 (Mt 5, 1-12a)


GIÁO HỘI KHẢI HOÀN
Trần Đình Phan Tiến
Chúa Giêsu đến trần gian không để thiết lập một vương quốc tại thế trần, nhưng để thiết lập một vương quốc vĩnh cửu cho phàm nhân tại một nơi vĩnh cửu. Đó là vương quốc “TÌNH YÊU”, thật vậy để được vào vương quốc nầy, đòi hỏi con người phải có một tấm thẻ thông hành đặc biệt, đó là tấm “THẺ TÌNH YÊU”.

Thật vậy, vương quốc vĩnh cửu phải là một vương quốc không có khổ đau, vương quốc không có khổ đau tất nhiên phải là một vương quốc dựa trên TÌNH YÊU. Vinh quang nơi vương quốc nầy không phải là vinh quang của trần thế, không có chổ đứng, chổ ngồi như trần gian, cũng không có chổ dựa, vì vương quốc ấy không có sự mất thăng bằng, nên không sợ té, sợ ngã.

Vương quốc ấy là một giáo hội viên mãn, còn được gọi là gíao hội chiến thắng,giáo hội ấy đã vượt qua những gian truân và đã trung thành với sứ mạng của mình, một sứ mạng của tình yêu.

Mọi thành phần được vào vương quốc ấy, được gọi là các Thánh, các ngài đủ mọi thành phần nhưng chỉ có hai giới tính là nam và nữ, nên gọi là các Thánh nam nữ.

Các Thánh nam nữ là những Kitô hữu, những người có niềm tin vào Đức Giêsu- Kitô, không phân biệt cấp bậc địa vị, chủng tộc ,sang hèn, lớn nhỏ. Vinh quang của vương quốc ấy không ai biết được, trừ Thiên Chúa và những kẻ mà Thiên Chúa cho biết. Như vậy , các Thánh nam nữ mà Giáo Hội mừng kính trọng thể hôm nay, là những người đang được hưởng phúc vinh quang ấy. Họ là những người đủ mọi dân nước, đủ mọi thành phần, tuổi tác (Kh 7,9-10), quy phục trước ngai vàng và “Con Chiên”. Họ là những người mà thánh Gioan gọi là : “con Thiên Chúa”.Thật vậy, Đức Giêsu- Kitô, Đấng đã cứu chuộc họ, Đấng đã dẫn đầu trong vương quốc sự thật,và tình yêu. Nhưng vương quốc ấy là vương quốc khổ nạn cho đến chết và phục sinh vinh hiển. Có nghĩa là vương quốc của Đức Kitô là vương quốc tử nạn và phục sinh. Không thể có phục sinh nếu như không có tử nạn, cũng vậy, nếu như không có tử nạn thì không có phục sinh , vì hai mầu nhiệm nầy là một đối với Đấng Cứu Thế, vì tử nạn là điều kiện để được phục sinh. Nhưng đồng thời phục sinh cũng là điều kiện để được tử nạn, vì khi đã sống lại là sống cho Thiên Chúa, nên chi tử nạn là chết cho tội lỗi, và chỉ chết một lần

Thật vậy, Thiên Chúa.đã yêu thương và ban cho thế gian một “Người Con” để ai tin vào “Người Con” đó, thì không phải chết nhưng được sống đời đời. (Ga 3, 16).

Quả thật, đây là trọng tâm của vấn đề. Phàm nhân, ai cũng phải chết, không những chết về mặt thể xác, mà còn phải chết về mặt tâm linh nữa, đó là án phạt tội nguyên tổ, nếu như Thiên Chúa không yêu thương và xóa giải bởi “ Một Con Người”, nhưng Người Con ấy chính là một Ngôi Vị của Thiên Chúa, đã mang lấy án phạt của nhân loại là sự chết, Người đã làm Người, trong kiếp phàm nhân, và đã chết cho phàm nhân, nghĩa là Người đã mang lấy cuộc tử nạn của phàm nhân. Và nhờ đó án phạt phải chết được gỡ bỏ, vì Người không chết bởi tội mà Người chết vì tình yêu, vì thế, Người đã phục sinh.

Phục sinh là mầu nhiệm của sự sống. Vì Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, Vì vậy, người đã thiết lập một vương quốc vĩnh cửu cho những ai Tin vào người, gọi là ơn cứu độ.

Ơn cứu độ hay một dòng dõi mới, tinh tuyền không tỳ ố, đó là tiêu chuẩn dành cho những phàm nhân trung tin với Thiên Chúa. Như vậy, tâm linh của những phàm nhân nầy đang sống cùng Thiên Chúa, nhưng về mặt thân xác, họ cũng đang đợi chờ một sự phục sinh trọn vẹn.

Như vậy, Giáo Hội tại thế mới là những con người còn đang sống cả thể xác lẫn tâm linh, giai đoạn nầy đối với giáo hội lữ hành là một ân huệ vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Họ đang sống giữa hiện tại và quá khứ cùng hướng về tương lai.

Như vậy theo giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, thì Giáo Hội có ba thành phần, thành phần giáo hội lữ hành (tại thế), khải hoàn (chiến thắng), thanh luyện (khổ đau).

Do vậy, tháng cuối của năm phụng vụ, giáo hội dành ra để tưởng nhớ những linh hồn đang chịu thanh luyện, họ cũng đủ mọi thành phần như giáo hội lữ hành và giáo hội khải hoàn. Vì giáo hội nói chung chỉ có hai thành phần là giáo sĩ và giáo dân.Nhưng ngày đầu tháng 11 là ngày để mừng kính tất cả những linh hồn đang hiện diện trong vinh quang cuả Thiên Chúa. (dù thân xác chờ ngày khải hoàn).Tức toàn thể các Thánh dù được tuyên hay chưa.

Hội Thánh Công Giáo, là một giáo hội hiệp thông, vì vậy, mọi thành phần dù ở hoàn cảnh nào cũng được xem là duy nhất. Giáo Hội lữ hành là thành phần chủ chốt, vì là thành phần ở giữa, thành phần còn cả hồn và xác, là thành phần có cơ hội lập công, một mặt luôn hướng về Trời, dưới Thiên Chúa là các Thánh, vì vậy cùng với việc phụng thờ Thiên Chúa, phụng vụ của giáo hội cũng hướng tới các Thánh. Vì đây là thành phần ưu tuyển của giáo hội, giáo hội lữ hành luôn hướng tới các ngài vì các ngài là gương sáng,dẫn dắt cho giáo hội trần thế, vì xưa kia các ngài là những thành phần như chúng ta.

Mọi Kitô hữu nói chung được Thánh hóa nhờ ân sũng của Thiên Chúa, họ được nên thánh cách chung nhờ vào Bí Tích Thánh Tẩy, họ được gia nhập và thông phần vào Thiên Tính của Đức Giêsu- Kitô Con Thiên Chúa làm Người. Trở nên một Hội Thánh hữu hình, ở trần gian để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô, nhưng bằng nhiều cách họ đã chiến đấu anh dũng ,hay bại trận là do bởi chính họ , trong quá trình còn hiện hữu trong thân xác, họ có cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng.

Vì vậy có vô số các Thánh, là những người đã bước vào đau khổ thân xác, để chịu sự thanh luyện cho linh hồn, và trong thời gian thanh luyện các ngài như vàng trong lửa. Và lửa tình yêu, lửa huyền siêu đã đốt cháy những con tim trần gian của họ để trở nên những con tim Nước Trời rạng ngời ân sũng. Và như thế, là vô số những con người bị thiêu đốt bởi “lửa ấy”, Như trên bàn thờ giáo hội không thể tuyên phong đầy đủ. Vì vậy, hôm nay là ngày tuyên phong chung cho tất cả thành phần giáo hội khải hoàn.

Bên cạnh đó, Hội Thánh không quên những thành phần đang chịu thanh luyện mà cầu nguyện cho họ, vì lửa thanh luyện cũng chính là lửa tình yêu.

Tóm lại ba thành phần của Giáo Hội Công giáo là một, chỉ có mọt con đường duy nhất muốn được vào vương quốc vĩnh cửu của Đức Kitô thì phải bước vào con đường đau khổ cùng với cuộc tử nạn của Người rồi mới được vào vinh quang phục sinh, nếu ai chưa được tử nạn với Đức Kitô, thì họ chưa được vào dự tiệc trong vinh quang của Người.

Tuy ba thành phần, nhưng một nhiệm thể duy nhất, đó là Đức Kitô chịu tử nạn và phục sinh. Vì vậy trần gian là nơi thanh luyện tích cực, khác với nơi thanh luyện bị động đó là nơi thành phần khổ đau đang chịu. Vì vậy, có nhiều định nghĩa về các thánh, nhưng có một định nghĩa dễ hiểu hơn là : Thánh là những người đã chịu thanh luyện ở trần gian. Sự thanh luyện nầy đã được nhìn nhận bởi những công thức của Tin Mừng.

Tiêu biểu là tám mối phúc thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời.
  • Sự nghèo khó được chúc phúc
  • Sự hiền lành được chúc phúc
  • Sự khóc lóc, sầu muộn được chúc phúc
  • Sự khao khát được chúc phúc
  • Sự xót thương được chúc phúc
  • Sự trong sạch được chúc phúc
  • Sự hòa bình được chúc phúc
  • Sự chịu bách hại được chúc phúc.
Tại sao những điều bất hạnh lại được kể là phúc, bởi vì những sự ấy được Thiên Chúa đền bù, sự gì phàm nhân cho là bất hạnh, thì trở nên sự thanh luyện trước Thánh Nhan Thiên Chúa và Thiên Chúa chúc phúc cho những điều ấy.Sự đền bù xứng đáng cũng là sự công bằng của luật tự nhiên cũng như siêu nhiên.

Như vậy, ai thực thi được một trong tám mối phúc, mà can trường chiến đấu, thì họ được thanh luyện và tất nhiên họ được vào nơi được chúc phúc, để hợp cùng Thần Thánh trên Thiên Quốc ngợi ca Thiên Chúa. Vương quốc chịu đau khổ là gồm tóm những mối phúc, chính Chúa Giêsu đã nêu ra và là những ngọn lửa thanh luyện nên những con người được gọi là Thánh, vì họ được nên Thánh nhờ sự gian luyện thánh thiện.

Thiên Chúa là Đấng công minh, không thiên tư tây vị ai, ai yêu mến Thiên Chúa và thực thi Lời dạy của Ngài thì được vào chốn vinh quang, chứ không phải những kẻ kêu: “Lạy Chúa ,lạy Chúa mà được vào Nước Trời… ” ( Mt 7,21).
 
(thanhlinh.net)