Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

VIDEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII

HIỆP THÔNG VỚI HỘI NGHỊ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM KỲ I NĂM 2014

Tòa Tổng Giám mục, ngày 22 tháng 4 năm 2014

Kính gởi Quý cha, Quý tu sĩ nam nữ
và anh chị em giáo dân
thuộc Đại gia đình Tổng giáo phận Sài gòn

Thừa ủy nhiệm của Đức Tổng Giám mục Phaolô, tôi đã đại diện toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận để chào mừng Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Thực vậy, trong niềm vui lớn của Đại lễ Chúa Phục sinh, tối hôm qua, các Đức Giám mục của 26 giáo phận cả nước đã có mặt tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận chúng ta để họp Hội đồng Giám mục kỳ 1 của năm 2014.

Cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận chúng ta cùng hiệp lòng hiệp ý với Cộng đồng Dân Chúa cả nước tha thiết cầu nguyện cho các Đức Tổng Giám mục và Giám mục tham dự kỳ họp này, được tràn đầy Niềm Vui, Ánh Sáng và Sức Mạnh của Thánh Thần Chúa Kitô Phục sinh từ cõi chết, chiến thắng mọi tội lỗi trần gian, chiến thắng Ác thần Satan.

Vậy từ hôm nay đến ngày bế mạc kỳ họp này của Hội đồng Giám mục Việt Nam, xin quý Cha vui lòng mời gọi tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong mỗi Thánh lễ, cũng như các cử hành phụng vụ và á phụng vụ, cùng đặc biệt hướng về Hội đồng Giám mục của chúng ta.

Nguyện xin Bình An của Chúa Giêsu Kitô Phục sinh luôn ở cùng tất cả chúng ta.

T.U.N. Đức Tổng Giám mục Phaolô,
Linh mục G.B. Huỳnh Công Minh
(WGPSG)

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA MỪNG CHÚA PHỤC SINH 2014

Tin Mừng về sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô bắt đầu với hành trình của những người phụ nữ đến mộ vào lúc bình minh vào ngày kế tiếp ngày Sa-bát. Họ đi đến ngôi mộ để chăm sóc cho thi hài của Chúa, nhưng họ nhận thấy ngôi mộ đã mở toang ra và trống rỗng. Một thiên thần oai vệ nói với họ: "Đừng sợ !" (Mt 28:5 ) và truyền cho họ hãy đi và nói với các môn đệ rằng "Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Galilê trước các ông." ( câu 7). Những người phụ nữ vội vã lên đường và trên đường đi Chúa Giêsu đã gặp họ. Ngài nói: "Đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó" (câu 10).

Sau cái chết của Thầy, các môn đệ đã tản mác; đức tin của họ đã bị lung lay hoàn toàn, tất cả mọi thứ dường như đã kết thúc, tất cả những xác tín của họ đã sụp đổ và hy vọng của họ đã chết. Nhưng giờ đây thông điệp của những người phụ nữ, tự nó là không thể tin được, đến với họ như một tia sáng trong bóng tối. Tin tức loan đi: Chúa Giêsu đã sống lại như Ngài đã phán. Và sau đó có cả lệnh truyền của Ngài hãy đi Galilê. Những người phụ nữ đã nghe lệnh truyền này hai lần, lần đầu tiên từ thiên thần và sau đó từ chính Chúa Giêsu: "báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó ".

Galilê là nơi mà các tông đồ lần đầu tiên gặp Chúa, nơi mà mọi thứ bắt đầu! Trở lại đó, tức là quay trở lại nơi mà họ được kêu gọi ban đầu. Chúa Giêsu đã đi bộ dọc theo bờ hồ trong khi những ngư phủ này đang thả lưới. Ngài đã kêu gọi họ, và họ đã bỏ mọi sự mà theo Người (x. Mt 4:18-22 ).

Trở về Galilê có nghĩa là đọc lại tất cả mọi thứ trên cơ sở của thánh giá và vinh quang của thánh giá. Đọc lại tất cả mọi thứ - những lời rao giảng của Chúa, các phép lạ của Ngài, cộng đoàn mới, những phấn khích và đào tẩu, ngay cả sự phản bội - đọc lại tất cả mọi thứ bắt đầu từ cái sau cùng, dưới ánh sáng của hành động là tuyệt đỉnh của tình yêu. Đó là một khởi đầu mới.

Đối với mỗi người chúng ta cũng có một "Galilê" là nguồn gốc cuộc hành trình của chúng ta với Chúa Giêsu. "Đi đến Galilê " có nghĩa là một cái gì đó rất đẹp, nó có nghĩa là tái khám phá bí tích rửa tội của chúng ta như một suối nguồn sự sống, là kín múc năng lượng mới từ nguồn mạch đức tin và kinh nghiệm Kitô của chúng ta. Trở về Galilê trên tất cả có nghĩa là trở về với ngọn lửa mà ân sủng của Thiên Chúa đã chạm vào tôi lúc bắt đầu cuộc hành trình với Ngài. Từ ngọn lửa đó tôi có thể đốt lên ngọn lửa cho ngày hôm nay và cho mỗi ngày, và mang lại sức nóng và ánh sáng cho anh chị em của tôi. Ngọn lửa này loé lên một niềm vui khiêm nhường, một niềm vui mà u sầu và đau khổ không thể làm mất tinh thần, một niềm vui tốt lành và nhẹ nhàng.

Trong đời sống của mỗi Kitô hữu, sau phép rửa tội cũng có là một “Galilê” hiện sinh hơn: đó là kinh nghiệm của một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô Đấng đã gọi tôi theo Ngài và chia sẻ sứ mệnh của Ngài. Theo nghĩa đó, trở về Galilê là lưu giữ trong trái tim tôi ký ức sống động về lời mời gọi, khi Chúa Giêsu đi ngang qua tôi, nhìn tôi chăm chú với lòng thương xót và gọi tôi theo Ngài. Nó có nghĩa là làm sống lại ký ức về thời điểm khi mắt Ngài gặp gỡ mắt tôi, thời điểm khi Ngài làm tôi nhận ra rằng Ngài yêu thương tôi.

Hôm nay, tối nay, mỗi người chúng ta có thể hỏi: Galilê của tôi là gì ? Galilê của tôi ở đâu? Tôi có nhớ nó không? Hay tôi đã quên nó rồi? Hay tôi đã đi chệch khỏi những con đường cho nên tôi đã quên nó? Lạy Chúa, xin giúp con: cho con biết Galilê của con ở đâu; vì Chúa muốn con trở lại đó gặp Chúa và để cho con được ôm ấp bởi lòng thương xót Chúa.

Tin Mừng Phục Sinh rất rõ ràng: chúng ta cần phải trở lại đó, để thấy Chúa Giêsu phục sinh, và trở thành chứng nhân phục sinh của Người. Điều này không phải là đi ngược thời gian; nó không phải là một loại hoài niệm quá khứ. Nó là trở lại với mối tình đầu của chúng ta với Chúa, để nhận được ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã nhen nhóm trong thế giới này và mang ngọn lửa ấy đến cho tất cả mọi người, khắp cùng bờ cõi trái đất.

"Galilê của dân ngoại" (Mt 4:15; Is 08:23 ) ! Chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; mong muốn mãnh liệt của cuộc gặp gỡ. .. Nào chúng ta hãy lên đường! "

 J.B. Đặng Minh An dịch 4/20/2014
(VietCatholic News)

VIDEO THÔNG ĐIỆP PHỤC SINH URBI ET ORBI 2014 CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT LỄ PHỤC SINH NĂM A 20-4-2014

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh năm A
06g00 Chúa Nhật ngày 20.4.2014
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

THƯ MỤC TỬ MÙA PHỤC SINH 2014

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


THƯ MỤC TỬ MÙA PHỤC SINH 2014
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT! ALLELUIA!

Kính gởi : Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ
Và Anh Chị Em giáo dân
trong Gia đình Giáo phận

Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,

Chúa đã sống lại thật! Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội Thánh! Chúng ta hãy hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

1. Trong Mùa Phục Sinh, các Kitô hữu thuộc Giáo hội Chính thống có thói quen chào nhau bằng câu nói “Chúa đã sống lại”. Đức Giêsu Kitô đã chết, Người đã được mai táng trong mộ, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ trong cõi chết, Người đã chiến thắng sự chết và đã sống lại thật. Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Cứu Thế. Đó là chân lý, là sự thật, một sự kiện độc nhất vô nhị đã xảy ra! Nhưng đó cũng là một “thông điệp từ trời”: sự kiện và chân lý này vừa mang tính lịch sử, vừa vượt lên trên lịch sử. Đó cũng là “nội dung cốt yếu” của đức tin Kitô giáo. Chúng ta tin vào một con người, một nhân vật lịch sử quê thành Nazareth xứ Galilê, bị đóng đinh vào thập giá thời quan Phongxiô Philatô, có tên là “Giêsu”. Nhưng chúng ta tin con người ấy là “Con Một của Thiên Chúa”.

Giáo Hội luôn rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, như Thánh Phaolô và các Thánh Tông Đồ: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1Cr 15, 3-5). Trong bài giảng đầu tiên được ghi lại nơi sách Công vụ Tông đồ, Thánh Phêrô kết thúc bằng lời tuyên tín: “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2, 36). Theo sách Tin Mừng Gioan, buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ, trao sứ vụ cho họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em”, rồi ban cho họ Thần Khí Phục Sinh của Người và trao quyền “tha tội”: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20, 21-23).

2. Trong cái nhìn quy về Chúa Cha, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II gọi “Đấng Cứu Thế là Lòng Thương Xót của Chúa Cha”. Chúa Kitô là hiện thân của Chúa Cha (bản thân Chúa Cha hiện diện). Mà Thiên Chúa là “Tình Yêu” như lời thư 1 của Thánh Gioan (x. 1 Ga 4, 8. 16), nên Chúa Giêsu là hiện thân của Tình Yêu, là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hiện diện. Biến cố Chúa Kitô Phục Sinh là sự chiến thắng của tình yêu, là chiến thắng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin vào Chúa Phục Sinh là tin vào sức mạnh của tình yêu thần linh: Tình yêu chiến thắng tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa chỉ có một sức mạnh, và sức mạnh đó là yêu thương. Tình Yêu chiến thắng là Chúa chiến thắng, Lòng Thương Xót chiến thắng.

Là môn đệ của Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta được kêu gọi trở thành “tông đồ”, sứ giả của Chúa Kitô, đi khắp mọi nơi loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn nơi “sự chết và sự sống lại” của Chúa. Vậy điều quan trọng nhất trong Mùa Phục Sinh là “làm sống lại niềm tin Phục Sinh”; một niềm tin có khi đã chết, hoặc đã suy yếu đến mức không còn hoạt động hay không có khả năng hành động. Hãy làm sống lại, khơi lại niềm tin ấy. Làm thế nào để chúng ta có thể trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Phục Sinh? Cần phải có ơn Chúa, và ơn Chúa lúc nào cũng tràn đầy chan chứa, nhưng chúng ta phải đón nhận. Hãy tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhớ lại “Phép Rửa” mà chúng ta đã lãnh nhận. Bấy giờ “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).

3. Mùa Phục Sinh là mùa làm sống lại ơn đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cùng chết với Chúa Kitô để cùng sống lại với Người. Chúng ta chết cho con người cũ, đầy những thương tích vì tội lỗi, chúng ta đóng đinh “tính xác thịt” vào Thánh giá Chúa. Chúng ta “đi ra khỏi mồ chôn” là con người ích kỷ và tội lỗi của mình, đáp lại tiếng gọi của Chúa “hãy đi ra”, mà Đức Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên nhắc lại. Hãy đi ra khỏi con người của mình, đến với Chúa và mọi người. Hãy đến với những ai cần chúng ta, hãy làm cho nhiều người, đặc biệt là những người nghèo và khốn khổ trở nên những người thân cận. Đừng sợ Chúa, đừng sợ những người nghèo, vì nhiều lúc nhờ những anh chị em đó mà chúng ta được gặp Chúa. Hãy làm cho Giáo Hội của chúng ta thực sự trở thành Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo.

Hãy có đôi mắt của lòng thương xót, để không nghi ngờ và phê phán người khác dựa vào bên ngoài, nhưng biết nhìn thấy vẽ đẹp tâm hồn của người thân cận. Hãy có đôi tai của lòng thương xót, để lắng nghe những nhu cầu của người thân cận, không lãnh đạm với những khổ đau của người ấy. Hãy có miệng lưỡi của lòng thương xót, để đừng bao giờ nói xấu người thân cận, nhưng biết nói lời an ủi và tha thứ. Hãy có những bàn tay của lòng thương xót, để làm điều lành cho người thân cận, và đón nhận những nhiệm vụ nặng nề thay người khác. Hãy có đôi chân của lòng thương xót, để mau đến với những người khốn khổ đang chờ đợi chúng ta.

4. Trong Mùa Phục Sinh có tháng Đức Mẹ, “tháng Hoa”. Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức bình dân trong Giáo Hội dành cho việc sùng kính Đức Mẹ. Tôn vinh Mẹ Maria, chắc chắn chúng ta sẽ làm đẹp lòng Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Tôn vinh Mẹ Maria là một cách để chúng ta tuyên xưng rằng Mẹ xứng đáng thông phần vinh quang của “Chúa Giêsu Phục Sinh”. Hãy dâng hoa cho Đức Mẹ với tất cả lòng sốt sắng kính yêu, không dừng lại hình thức bên ngoài. Những giáo xứ nào có thói quen dâng hoa, hãy làm cho thật tốt, không nên bỏ đi một tập tục lành thánh như thế. Hãy tập cho thiếu nhi và giới trẻ biết dâng những hoa thiêng trong đời sống cho Mẹ Maria. Nhưng quan trọng hơn cả là hãy tập cầu nguyện cùng với Đức Mẹ, như ngày xưa các tông đồ tập cầu nguyện với Đức Mẹ và chờ đợi Chúa Thánh Thần. Hãy noi gương Đức Mẹ, không ngừng lắng nghe Lời Chúa, đón nhận “Ngôi Lời Hằng Sống” vào trong tâm hồn. Hãy làm gương sáng cho những người khác, mặc dù bản thân mình còn yếu đuối.

Hãy chạy đến cùng Mẹ và lôi kéo nhiều người khác chạy đến cùng Mẹ. Có thể tựa vào Mẹ Maria trong việc đối thoại với các tôn giáo bạn, với những anh em Tin Lành, thậm chí với cả những người chưa tin. Hãy cùng với Mẹ Maria và Giáo Hội, thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tông đồ, chắc chắn Mẹ sẽ chúc phúc cho công việc tông đồ truyền giáo của chúng ta. Mẹ sẽ giúp chúng ta trở thành “cộng đoàn các môn đệ truyền giáo”, không ngại dấn thân đi bước trước, mạnh dạn có sáng kiến đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngã đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề. Nhờ Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công việc truyền giáo, Giáo phận của chúng ta trở thành “một cộng đoàn sinh hoa trái và vui mừng” (x. Ev. Gaudium, số 24). Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, bất cứ ai dấn thân loan báo Tin Mừng, sẽ có niềm vui của Tin Mừng.

5. Cuối mùa Phục Sinh có hai lễ lớn là “Lễ Chúa Giêsu lên trời” và “Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống”. Chúng ta hãy chuẩn bị hai ngày lễ này cho thật kỹ lưỡng và tốt đẹp. Riêng ngày lễ Thăng Thiên được mừng trọng thể trùng với "Ngày Thế giới Truyền thông xã hội”, ngày mà mọi người chúng ta được mời gọi tích cực thông phần vào việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh, bằng những phương tiện truyền thông hiện đại. Mỗi người theo cương vị và điều kiện mình có, hãy trở thành sứ giả của Chúa Phục Sinh, sứ giả mang “sự thật về tình yêu của Thiên Chúa” đến cho mọi “cư dân trên mạng” trên khắp thế giới. Hãy thực hiện mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu Phục Sinh trước khi Người lên trời: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 19). Tổng Giáo phận Sài Gòn của chúng ta sẽ tổ chức cử hành "Ngày Thế giới Truyền thông xã hội" vào ngày 31 tháng 05, ngày thứ Bảy trước Chúa nhật Lễ Thăng Thiên. Tôi rất mong các giáo hạt và các giáo xứ sẽ tích cực tham gia ngày này tại Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận.

Trong nỗ lực không mệt mỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô và các chủ chăn, để canh tân triệt để bộ mặt Giáo Hội theo đúng tinh thần của Công đồng Vatican II mà Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã khởi xướng, chúng ta cần phải lưu tâm cách đặc biệt đến ngày lễ “Chúa Thánh Thần hiện xuống”. Chúa Thánh Thần là “Luồng Gió mới” thổi vào Giáo hội qua Công Đồng. Tất cả chúng ta đều mong đợi Chúa Thánh Thần, là tác nhân chính của công cuộc loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh; Ngài là sức sống của Hội Thánh, là tình yêu của Thiên Chúa trong lòng Hội Thánh, là ánh sáng không ngừng chiếu soi cho Hội Thánh. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta tiếp nhận các thành quả của Công Đồng, đưa vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh, kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh, và hợp nhất với nhau trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

6. Theo đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta không ngừng tiếp tục một cách nghiêm túc công việc Phúc Âm hóa gia đình. Gia đình phải là cộng đoàn đầu tiên đón nhận ánh sáng Tin Mừng từ mỗi Kitô hữu chúng ta, để rồi có thể trở thành một “cộng đoàn truyền giáo” hăng say loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta. Trước bao nhiêu những khó khăn thử thách của đời sống gia đình ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng và hướng dẫn để chúng ta cố gắng tìm ra những cách thức đáp ứng với thời đại, dưới ánh sáng của Tin Mừng. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh yêu thương của Thiên Chúa. Hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần và với nhau, làm thế nào để mỗi gia đình công giáo trở thành chiếc nôi cho tình yêu và chân lý trong lòng Giáo Hội và xã hội hôm nay. Tôi cũng xin anh chị em hãy cầu nguyện thật nhiều cho khóa họp đặc biệt của Thượng Hội đồng các Giám mục thế giới về gia đình, sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 04 đến ngày 18 tháng 10 sắp tới.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh chúc lành, ban dồi dào Ân sủng và Niềm vui cho Anh Chị Em. Tòa Tổng Giám mục TPHCM, Mùa Phục Sinh 2014
 (WGPSG)

VIDEO TRỰC TIẾP THÁNH LỄ CHÚA NHẬT PHỤC SINH 2014 TẠI VATICAN

ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ
THÁNH LỄ CHÚA NHẬT PHỤC SINH
TẠI QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
(Lúc 15g15)




LỜI CHÚA CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Ga 20, 1-9)


VIDEO TRỰC TIÉP ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA PHỤC SINH 2014 TẠI VATICAN

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

ĐỨC THÁNH CHA CỬ HÀNH LỄ LÁ 2014

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh

WHĐ (14.4.2014) – Hôm qua Chúa nhật 13-4-2014, khoảng 100.000 người đã quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Roma để tham dự cử hành Lễ Lá do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự. Lễ Lá cũng là Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 29 – năm nay được tổ chức ở cấp giáo phận. Cuối Thánh Lễ, các bạn trẻ Brazil đã trao Cây Thánh giá của Ngày Giới trẻ Thế giới cho các bạn trẻ Ba Lan để bắt đầu cuộc hành hương đến Krakow, Ba Lan, nơi diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 ở cấp quốc tế. Dịp này Đức Thánh Cha Phanxixô cũng công bố rằng từ nay Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II sẽ là Thánh bổn mạng chính của Ngày Giới trẻ Thế giới, và xác nhận ngày 15 tháng 8 sắp tới ngài sẽ gặp gỡ các bạn trẻ châu Á tại Hàn Quốc.

Trong một bài giảng hoàn toàn ứng khẩu, Đức Thánh Cha đã phân tích thái độ của các nhân vật trong cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu và mời các tín hữu tự vấn về thái độ của mình đối với Chúa Giêsu; tự hỏi trái tim mình đặt ở đâu và mình giống như nhân vật nào. Giống những người Pharisêu và các kinh sư là những người đã quyết định triệt hạ Chúa Giêsu? Giống Giuđa, kẻ giả vờ yêu Chúa và nộp Người để lấy ba mươi đồng bạc? Giống các môn đệ: chẳng hiểu gì và thiếp ngủ khi Chúa Giêsu gặp nạn? Giống một người trong số các môn đệ: muốn giải quyết mọi chuyện bằng thanh gươm? Hay giống như những người phụ nữ can đảm đón nhận khổ đau trong thinh lặng? Tôi là ai khi đứng trước Đức Giêsu đang chịu khổ nạn?

Đức Thánh Cha không đọc bài giảng soạn sẵn. Bằng một giọng chậm rãi và nghiêm nghị, ngài kể ra những loại người khác nhau trong phiên toà: những nhà lãnh đạo vội vã triệu tập toà án, tìm chứng gian và nghĩ rằng như thế là cứu dân; Philatô, trước tình thế khó khăn đã rửa tay phủ nhận trách nhiệm; đám đông chẳng biết chính xác mình đang tham dự một cuộc hội họp, một phiên toà, hay đang xem xiếc và đã chọn tha cho Baraba; các quân lính làm nhục Chúa Giêsu để vui đùa.

Trong số các nhân vật của cuộc Khổ nạn, Đức Thánh Cha cũng nói đến ông Simon thành Xirênê: ông vừa đi làm về, dù mệt mỏi nhưng vẫn sẵn lòng giúp đỡ Chúa vác thập giá; Joseph, người môn đệ âm thầm, đã hạ xác Chúa Giêsu và mai táng Người; hai chị Maria đứng ngoài cửa mộ.

Chúng ta sẽ vui mừng và chúc tụng Chúa Giêsu, hay chúng ta đứng xa xa? Cuộc sống của tôi có đang ngủ mê không? Đức Thánh Cha mong rằng những câu hỏi ấy sẽ đi theo các tín hữu trong suốt tuần.

Phụng vụ bắt đầu với nghi thức làm phép lá truyền thống. Cũng như mọi năm, các nhành lá do hai thành phố San Remo và Bordighera của Italia cung cấp: 3000 nhành lá được tết theo một truyền thống xa xưa của địa phương. Nhành lá dành cho Đức Thánh Cha tượng trưng cho Thiên Chúa Ba Ngôi. Các nhành ôliu và hoa trang hoàng Quảng trường Thánh Phêrô do vùng Puglia cung cấp. Khu vực chung quanh đài tháp gợi nhắc đến việc dân chúng đón rước Chúa Giêsu vào thành Jerusalem. Chiếc gậy mục tử Đức Thánh Cha sử dụng do các tù nhân nhà tù Sanremo làm từ gỗ cây ôliu.

Trong phần lời nguyện tín hữu, có lời nguyện bằng tiếng Pháp - cầu cho những người bị bách hại vì đức tin, xin Chúa nâng đỡ lòng trung thành và rộng lượng của họ trong cơn thử thách. Một lời nguyện khác bằng tiếng Hoa, cầu nguyện cho hòa bình giữa các dân tộc và công lý trên thế giới.

Kết thúc thánh lễ, Đức Thánh Cha đã lên xe đi một vòng để chào các tín hữu, và ngài còn ra khỏi Quảng trường để chào thăm những người đứng dọc theo đại lộ Hoà giải.

(Vatican Radio)
(WHĐ)

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH - PHỤC SINH 2014


TUẦN THÁNH


CHÚA NHẬT LỄ LÁ
13.4.2014 
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

  • 05g30 : Thánh lễ sáng. Làm Phép Lá – Rước lá.  
  • 07g30 : Thánh lễ Thiếu Nhi. Làm Phép Lá.  
  • 17g00 : Thánh lễ chiều. Làm Phép Lá. 
  • 19g00 : Thánh lễ tối. Làm Phép Lá.

THỨ HAI TUẦN THÁNH
14.4.2014

  • 05g00 : Thánh lễ sáng
  • 17g30 : Thánh lễ chiều

THỨ BA TUẦN THÁNH
15.4.2014

  • 05g00 : Thánh lễ sáng
  • 17g30 : Thánh lễ chiều

THỨ TƯ TUẦN THÁNH
16.4.2014

  • 05g00 : Thánh lễ sáng
  • 17g30 : Thánh lễ chiều

TAM NHẬT VƯỢT QUA


THỨ NĂM TUẦN THÁNH
17.4.2014

  • 05g00 : Không có thánh lễ - Suy ngắm Sự Thương Khó Chúa
  • 18g00 : THÁNH LỄ TIỆC LY - Nghi Thức Rửa Chân (dành cho thiếu nhi)
  • 21g00 : THÁNH LỄ TIỆC LY - Nghi Thức Rửa Chân (dành cho người lớn)
  • 22g30 - 24g00 : CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA

THỨ SÁU TUẦN THÁNH
18.4.2014

GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT

  • 05g00 : Không có thánh lễ - Suy ngắm Sự Thương Khó Chúa
  • 07g00 : CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA
  1. 07g00 - 07g45 : Giáo họ Thánh Phêrô   
  2. 08g00 - 08g45 : Giáo họ Thánh Phaolô       
  3. 09g00 - 09g45 : Giáo họ Đức Mẹ       
  4. 10g00 - 10g45 : Giáo họ Thánh Giuse       
  5. 11g00 - 11g45 : Giáo họ Thánh Vinhsơn       
  6. 12g00 - 12g45 : Huynh Đoàn Thánh Thể       
  7. 13g00 - 13g45 : Giáo họ Chúa Kitô Vua      
  8. 14g00 - 14g45 : G.h Thánh Anna, G.h Thánh Têrêsa.       
  9. 15g00 - 15g45 : Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót.       

  • 18g00 : TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA (dành cho thiếu nhi)
  • 20g00 : Chặng đàng Thánh Giá trọng thể.
  • 21g00 : TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA (dành cho người lớn)


THỨ BẢY TUẦN THÁNH
19.4.2014

  • 05g00 : Không có thánh lễ - Suy ngắm Sự Thương Khó Chúa.
  • 07g00-11g00 : Các gia đình đưa con em đến kính thờ Thánh Giá.



BAN TỐI
CANH THỨC VƯỢT QUA
MỪNG CHÚA SỐNG LẠI

  • 18g00 : CỬ HÀNH CANH THỨC VƯỢT QUA MỪNG CHÚA SỐNG LẠI (dành cho thiếu nhi)
  • 21g00 : CỬ HÀNH CANH THỨC VƯỢT QUA MỪNG CHÚA SỐNG LẠI (dành cho người lớn)


CHÚA NHẬT PHỤC SINH
MỪNG CHÚA SỐNG LẠI
20.4.2014

  • 06g00 : Thánh lễ sáng,
  • 07g30 : Thánh lễ Thiếu Nhi.
  • 17g00 : Thánh lễ chiều.
  • 19g00 : Thánh lễ tối.

Thuận Phát's Blog