Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP THỦ TƯỚNG VIỆT NAM

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Thủ tướng Việt Nam

Đức giáo hoàng tiếp Thủ tướng Việt Nam (Ảnh: VNA)

WHĐ (19.10.2014) – Hôm thứ Bảy 18-10-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ​​Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Đây là lần thứ hai Thủ tướng Việt Nam đến thăm Toà Thánh Vatican.

Sau cuộc gặp gỡ, Phòng Báo chí Toà Thánh đã ra thông cáo:

“Trưa hôm nay Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ​​Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó, Thủ tướng đã hội đàm với Đức hồng y Pietro Parolin - Quốc vụ khanh Toà Thánh, cùng với Đức Tổng giám mục Dominique Mamberti - Thư ký phụ trách quan hệ với các quốc gia.

Hai bên đã bày tỏ sự hài lòng về cuộc gặp gỡ này, đánh dấu một bước quan trọng trong việc củng cố các quan hệ song phương. Quả vậy, sau chuyến viếng thăm hồi năm 2007, đây là chuyến viếng thăm thứ hai của người lãnh đạo chính phủ Việt Nam đến Vatican. Sau khi nhấn mạnh vai trò xây dựng của Giáo hội Công giáo trong sự phát triển đất nước, nhờ sự hiện diện của Giáo hội trong nhiều lĩnh vực xã hội, hai bên đã hài lòng về sự giúp đỡ của Chính quyền dành cho cộng đồng Công giáo trong khuôn khổ chính sách tôn giáo được Hiến pháp năm 2013 dự liệu, đặc biệt sự trợ giúp dành cho vị Đại diện Toà Thánh. Mặc dù không thường trú tại Việt Nam, ngài phục vụ cho việc phát triển mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, trong triển vọng chung là xây dựng các quan hệ ngoại giao. Sau đó hai bên đã đề cập một số vấn đề, với hy vọng sẽ được đào sâu và giải quyết thông qua kênh đối thoại hiện có.

Sau cùng, hai bên đã trao đổi về các vấn đề thời sự trong khu vực cũng như quốc tế, đặc biệt là các sáng kiến thúc đẩy hoà bình và ổn định ở châu Á”.

(Nguồn: press.vatican.va –
Dịch theo bản tiếng Pháp)

Huy Hoàng chuyển ngữ
 
(WHĐ)

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

SUY TƯ NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Suy tư nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo:
 ''Cái đạo ấy hay thật''

Đêm qua, 16-10, tôi nhận một email chuyển tiếp, nội dung được chép lại từ một trang facebook với tựa đề “Cái Đạo Ấy Hay Thật”. Nội dung như sau:

“Xin cầu cho linh hồn Maria mới qua đời. Maria Nguyễn Thị Liên. Sinh năm 1982. Thôn Tân Mỹ, Xã Nghĩa An, Huyện Tư Nghĩa, Tỉnh Quảng Ngãi. Chiều nay đúng 17h15 ngày 16-10-2014 em đã trút hơi thở cuối cùng về với Chúa sau hai năm dài đằng đẳng sống chung với bệnh tật. Xin mọi người hãy hiệp ý cầu nguyện cho em.

CÁI ĐẠO ẤY HAY THẬT !!!

“Cái đạo ấy hay thật !”. Đó là câu nói của Dì em Liên, bởi gia đình em không có đạo. Liên sinh ra, được lớn lên trên miền biển đầy gió, nắng và cát. Gia đình khó khăn, em là con gái lớn, nên phải xa quê vào thành phố kiếm tiền phụ bố mẹ lo cho đàn em bốn đứa ở quê nhà. Em may mắn xin được một chân làm công nhân trong một xí nghiệp may giầy da xuất khẩu ở Bình Dương. Tiền lương cũng tạm ổn đủ lo cho bản thân còn dư chút ít gởi về cho mẹ. Em chăm chỉ làm việc lại ngoan hiền nên không mấy lâu đã có người để ý và rồi hai người ấy đã yêu nhau, chàng thanh niên có đạo chính dân sài thành lại không chê cô gái quê đen đúa. Họ yêu nhau đến 7 năm mới tính đến chuyện kết hôn, vì em ấy phải đợi các em mình khôn lớn mới dám nghĩ đến hạnh phúc của mình. Nào ngờ, vừa học xong giáo lý, chịu phép rửa tội để chuẩn bị làm lễ đính hôn thì em ấy phát hiện mình bị bệnh nan y: phải cắt bỏ toàn bộ tử cung, không thể sinh con được, nhưng chàng thanh niên ấy và gia đình anh vẫn không thay đổi việc cưới hỏi…Nhưng rồi, bệnh em vẫn không qua khỏi. Hai năm điều trị, gia đình em khó khăn nên em phải phụ thuộc hoàn toàn vào bạn trai. Mẹ và bà ngoại của người yêu vẫn luôn đồng hành ủng hộ hai đứa mặc dù biết em bệnh tật, có chữa khỏi cũng không thể sinh con…Nhưng mọi cố gắng đều vô nghĩa, con vi rút đã phá hủy toàn bộ trong cơ thể em. Em quằn quại đau đớn và trút hơi thở cuối trên tay người yêu. Cha chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền biết được, nên cho người đến lo toàn bộ đám tang cho em, từ cái ly nhang, bàn thờ, đèn cho đến hòm, đồ tang, liệm…v..v…Mấy đêm liền trước ngày em mất, giáo xứ lại đến đọc kinh, mặc dù nhà em ấy cách nhà thờ cả mười cây số. Thế nên Dì em ấy và gia đình em ấy mới nói “cái đạo ấy hay thật”.

Lạy Chúa, xin thương xót linh hồn Maria mới qua đời, xin dẫn đưa em về nước trời vĩnh cửu, nơi chỉ có tiếng cười và niềm hạnh phúc… và cũng xin cho chúng con luôn ý thức thực tại trần gian là cõi vô thường để chúng con học theo gương Chúa sống khiêm nhường, yêu thương, bác ái như chính gia đình của người bạn trai em ấy để cho mọi người xung quanh đều thốt lên rằng: CÁI ĐẠO ẤY HAY THẬT. Amen.”


Tôi bỗng nhớ một câu chuyện khác ở Xuân Lộc. Cũng hai người yêu nhau, chàng là quí tử của một gia đình hôn nhân dị giáo. Bố chàng là một cán bộ. Mẹ chàng là một Ki-tô hữu đạo dòng, sốt sắng. Nàng là một lương dân. Hai người yêu nhau đã ba năm trời. Và khi họ định kết hôn với nhau thì chuyện không vui xảy đến: nàng có dấu hiệu ung thư… Buồn vời vợi. Mẹ chàng nói với con trai yêu quí: “Đây chính là lúc mà con phải yêu em nhiều nhất, để chứng tỏ mình là người có đạo”. Thế là chàng đã lên kế hoạch dắt nhau khấn xin Mẹ Tapao hằng tháng. Suốt ba năm viếng Mẹ Tapao, cùng với ba năm chạy thầy chạy thuốc cho người yêu… cô nàng không còn dấu hiệu bịnh ung thư nữa vào lần khám cuối cùng tháng 7 năm 2013. Và họ đã nên vợ thành chồng trước mặt Chúa và Giáo Hội vào tháng Mân Côi 2013. Phép lạ của niềm tin, của tình yêu khởi đầu từ việc anh dũng làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa, để một cán bộ trong nhà mình, một đại gia đình lương dân nhận ra rằng: “Cái đạo ấy hay thật”.

Tôi muốn hiểu từ “hay” trong câu nói của Dì em Liên, và của dân gian, mang nghĩa “tốt”, “lạ lùng”, “khác thường”. Và câu chuyện “Cái Đạo Ấy Hay Thật” đến với tôi trong những ngày chuẩn bị cho ngày “Khánh Nhật Truyền Giáo” gợi lên cho tôi nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều thao thức.

-Vui, vì vẫn đang có rất nhiều anh chị em Giáo Dân sống giữa đời thường đang anh dũng làm chứng về Thiên Chúa bằng một tình yêu thương “lạ lùng”, “khác thường”, đến nỗi có thể có một vài lời ra tiếng vào cho là ngu dại! Thiết nghĩ, Thiên Chúa luôn ủng hộ cho những ai yêu ngu dại theo kiểu ấy. Và những ai ủng hộ cho một tình yêu hết lòng, hết sức, hết mình vì hạnh phúc của người mình yêu, ấy là những người đang sống đẹp lòng Thiên Chúa và làm chứng cho Thiên Chúa trước mắt người đời.

Vui, vì không thiếu những tình cảnh oái ăm trở nên thách đố nặng nề lớn lao cho người giáo dân trong thời đại gian dối này, nhưng các tín hữu Chúa vẫn tin tưởng và vượt qua. Có một chị ở đâu mới đến đây hơn năm nay. Chị nghèo khổ, nuôi ba đứa con dại. Ai thấy cũng thương. Kẻ ít, người nhiều giúp vốn cho chị để chị bán bánh xèo qua ngày. Quán bánh xèo của chị mỗi ngày mỗi đông khách. Khoảng 3 tháng trở lại đây, chị có chơi hụi và vay mượn của nhiều người để thêm vốn liếng làm ăn. Bất ngờ, chị biến mất. Nghe đâu số nợ của chị giựt đi khoảng hai, ba trăm triệu. Trong số những người cho chị vay mượn, không ít là người Công Giáo. Sau giờ kinh Mân Côi tại nhà nọ, sẵn câu chuyện chị bánh xèo giựt hụi, quịt nợ bỏ đi, mấy người đang nói chuyện với nhau về việc giữ “mười bốn mối thương người”: biết ai thực mà thương, biết ai gian mà tránh! Chẳng biết ai thực, chẳng biết ai gian, nhưng chính mình phải là người sống thực. Có một bà già đã cho chị ấy mượn 12 triệu nói: “Tiền để dành uống thuốc, cho ả mượn. Hồi cho mượn thì tui nghĩ vì thương ả, giúp ả làm ăn nuôi mấy đứa nhỏ. Ngờ đâu… Nhưng cũng không sao. Đã thương thì thương cho trót. Biết đâu mà đòi. Chúa cho cái khác”.

“Chúa cho cái khác”. “Cái đạo ấy hay thật”

Có người nói vui: “Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhờ. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết”… may ra, chỉ có chôn xác kẻ chết là không bị lừa trong thời này thôi.

Có người lại nói: “Chúa bảo cứ cho”. Chúa không có dặn trước khi cho phải hỏi xem người ta đói thật hay đói giả, đỗ nhờ thật hay giả vờ đỗ nhờ để rồi khuya khoắt cuỗm hết của cải nhà ta đi mất”.

-Thao thức, vì chúng ta đang sống trong một xã hội nghiêng lún về tiền bạc, vật chất, dẫn con người ta dần dần đến chỗ vô cảm, và còn tệ hơn thế nữa, dẫn đến chỗ tham lam, ác độc, có thể làm bất cứ chuyện bất nhân bất nghĩa miễn sao cho mình có lợi, có lộc, có dư giả, thoải mái, sung sướng.

Thao thức vì, liệu mỗi chúng ta có đứng vững trước trào lưu duy vật mỗi ngày mỗi cuốn chúng ta vào chỗ vô cảm với nhau, cuốn vào tình trạng không còn biết chạnh lòng xót thương những mảnh đời nghiệt ngả, hoặc cuốn vào chỗ từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa và Tình Yêu Quan Phòng của Ngài.

Thao thức vì chúng ta phải lội ngược dòng chảy của những xu hướng vật chất để sống “tốt”, sống “khác thường”, sống “lạ lùng” như Con Thiên Chúa đã sống và đã yêu, để mọi người có thể nói “CÁI ĐẠO ẤY HAY THẬT !”.

Lạy Chúa, Tình Yêu luôn có một tiếng vọng xa ngàn. Xin cho chúng con biết sống yêu như Chúa đã yêu, để làm chứng cho mọi người về một Thiên Chúa Quyền Năng nhưng Giàu Lòng Thương Xót. A men.
 
PM. Cao Huy Hoàng
(VietCatholic News)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO (Mt 28, 16-20)


Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

R.I.P MARIA LÃ THỊ DUYÊN

XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ,
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Giuse
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Bà MARIA
LÃ THỊ DUYÊN
Sinh năm 1956 tại Ninh Bình

Cư ngụ tại : 30/69 Lâm Văn Bền
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Giuse - Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 12g30 Thứ Tư ngày 15.10.2014
(Nhằm ngày 22 tháng Chín năm Giáp Ngọ)


Hưởng dương 59 tuổi

 
CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ


Thứ Năm  16.10.2014
  • 08g15 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan. 
 Thứ Sáu  17.10.2014
  • 18g30 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
Thứ Bảy  18.10.2014
  • 04g15 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ.
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát.
Sau đó di quan đi mai táng
tại Đất thánh Giáo xứ Đức Giang
Giáo hạt Bảo Lộc, Giáo Phận Đà Lạt.



Thuận Phát, ngày 16 tháng 10 năm 2014


Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Thánh Giuse
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2014 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Sứ điệp ngày Thế giới Truyền giáo 2014

Anh chị em thân mến,

Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng ad gentes vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”. Ngày Thế giới Truyền giáo là giờ phút đặc biệt để các tín hữu trên khắp các châu lục dấn mình cầu nguyện và có những hành vi liên đới cụ thể để nâng đỡ các Giáo hội trẻ tại các xứ truyền giáo. Đây là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui. Một cuộc biều dương ân sủng, bởi vì Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến đang ban phát sự khôn ngoan và sức mạnh cho những ai vâng theo hành động của Người. Một cuộc biểu dương niềm vui, vì Chúa Giêsu Kitô, Người Con được Chúa Cha sai đến Phúc Âm hoá thế gian, đang nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong các nỗ lực truyền giáo. Niềm vui này của Chúa Giêsu và các môn đệ truyền giáo là lý do để tôi đề nghị một biểu tượng Kinh Thánh mà chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (xem 10,21-23).

1. Tác giả Tin Mừng kể lại cho chúng ta rằng Chúa sai 72 môn đệ từng hai người một đi vào các thành thị và làng mạc loan báo Nước Thiên Chúa đã gần, và chuẩn bị cho dân gặp Chúa Giêsu. Sau khi chu toàn sứ mạng rao giảng này, các môn đệ trở về lòng ngập tràn niềm vui: niềm vui là một chủ đề nổi bật của kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên và khó quên này. Nhưng Thầy chí thánh nói với họ: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha...” Rồi Ngài quay sang các môn đệ và bảo riêng các ông, “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!” (Lc 10,20-21.23).

Luca trình bày ba cảnh. Đức Giêsu trước tiên nói với các môn đệ, sau đó nói với Chúa Cha, rồi lại nói với các môn đệ. Đức Giêsu muốn chia sẻ cho các môn đệ niềm vui của Ngài, một niềm vui khác hẳn và lớn hơn bất cứ niềm vui nào họ đã trải nghiệm trước kia.

2. Các môn đệ tràn trề niềm vui, phấn khích vì họ có quyền năng giải thoát người ta khỏi ma quỷ. Nhưng Đức Giêsu cảnh giác họ đừng quá mừng vì quyền năng họ đã nhận được, nhưng mừng vì tình thương họ nhận được, “vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Chúa cho các môn đệ trải nghiệm tình thương của Thiên Chúa, nhưng cũng cho họ khả năng chia sẻ tình thương ấy. Và trải nghiệm này là một lý do để Đức Giêsu biểu lộ tâm tình tạ ơn và niềm vui trong lòng Ngài. Luca nhìn niềm hoan lạc này trong ý nghĩa của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi: “Được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng”, Ngài nhìn lên Chúa Cha và chúc tụng Người. Giờ phút vui mừng sâu xa này phát sinh từ mối tình con thảo của Đức Giêsu đối với Chúa Cha là Chúa Tể trời đất, Đấng che giấu những điều này đối với những người tài trí khôn ngoan, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn (x. Lc 10,21). Thiên Chúa vừa che giấu vừa mặc khải, và trong lời kinh chúc tụng này, sự mặc khải của Người nổi bật lên. Thiên Chúa đã mặc khải và che giấu điều gì? Các mầu nhiệm Nước Chúa, sự tỏ lộ quyền làm Chúa của Đức Giêsu và chiến thắng Satan.

Thiên Chúa đã giấu điều này với những kẻ quá tự mãn và những kẻ tự phụ rằng đã biết mọi sự rồi. Họ bị thói tự mãn làm cho mù, và không còn dành chỗ nào cho Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng tới những người đương thời của Chúa Giêsu mà Ngài không ngừng cảnh cáo, nhưng đây cũng là mối nguy luôn luôn rình rập chúng ta. Về phần mình, những “kẻ bé mọn” là những người khiêm nhường, những người đơn sơ, những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề, những người không có tiếng nói, những người nhọc mệt và gánh nặng, họ được Chúa Giêsu tuyên bố là “những người có phúc”. Chúng ta dễ dàng nghĩ tới Đức Maria, Thánh Giuse, các ngư phủ xứ Galilêa và các môn đệ được Chúa Giêsu gọi khi Ngài đi rao giảng.

3. “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc 10,21). Chúng ta phải hiểu những lời này của Chúa Giêsu là diễn tả niềm hoan hỉ trong tâm hồn Ngài. Chữ “đẹp ý” mô tả kế hoạch cứu độ và nhân từ của Chúa Cha đối với loài người. Chính lòng nhân từ này của Thiên Chúa làm cho Chúa Giêsu hoan hỉ, vì Chúa Cha muốn yêu thương loài người bằng cùng một tình yêu Người dành cho Con của mình. Luca đồng thời cũng ám chỉ một niềm hoan hỉ tương tự nơi Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,thần trí tôi hớn hở vui mừngvì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Đây là Tin Mừng đem ơn cứu độ. Mang trong lòng mình Đức Giêsu, người rao giảng Tin Mừng tuyệt vời, Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, và hoan hỉ trong Thánh Thần, Mẹ đã xướng lên bài Magnificat. Khi thấy các tông đồ mừng rỡ vì đã thành công trong sứ mạng, Đức Giêsu hoan hỉ trong Thánh Thần và dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Niềm vui trong cả hai trường hợp này là niềm vui vì ơn cứu độ, vì tình thương của Chúa Cha đối với Con của Người được ban xuống cho chúng ta, và nhờ Chúa Thánh Thần niềm vui ấy được đổ đầy lòng chúng ta và cho chúng ta chia sẻ sự sống của Chúa Ba Ngôi.

Chúa Cha là nguồn mạch niềm vui. Chúa Con là sự tỏ lộ niềm vui và Chúa Thánh Thần là Đấng ban phát niềm vui. Tác giả Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta biết rằng, ngay sau khi ca tụng Cha, Đức Giêsu nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (Evangelii Gaudium, 1).

Đức Trinh Nữ Maria có một trải nghiệm độc nhất vô nhị về sự gặp gỡ này với Chúa Giêsu, vì thế Mẹ đã trở thành “causa nostrae laetitiae” (“nguyên nhân niềm vui của chúng ta”). Về phần các môn đệ, họ được Chúa Giêsu gọi đi theo Ngài và được Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng (xem Mc 3,14), vì thế họ tràn ngập niềm vui. Tại sao chúng ta không cùng đi vào dòng thác của niềm vui này?

4. “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ” (Evangelii Gaudium, 2). Nhân loại rất cần nắm lấy ơn cứu độ do Đức Kitô đem đến. Các môn đệ ngài là những người để cho mình được xâm chiếm bởi tình yêu của Chúa Giêsu và được đóng dấu bởi ngọn lửa say mê Nước Thiên Chúa và nhiệt tình rao giảng niềm vui của Tin Mừng. Tất cả các môn đệ của Chúa được mời gọi nuôi dưỡng niềm vui rao giảng Tin Mừng. Là những người chịu trách nhiệm chính về việc rao giảng này, các Giám mục có nhiệm vụ cổ vũ sự hợp nhất của Giáo hội địa phương trong nỗ lực truyền giáo của mình. Họ được mời gọi nhìn nhận rằng niềm vui của việc thông truyền Đức Giêsu Kitô được biểu hiện trong mối quan tâm loan báo về Ngài tại những vùng đất xa xôi nhất, cũng như không ngừng vươn ra những vùng ngoại vi của giáo phận mình, ở đó có biết bao người nghèo đang mong đợi sứ điệp này.

Nhiều vùng trên thế giới đang trải qua tình trạng thiếu hụt ơn gọi linh mục và tu sĩ. Nguyên nhân thường là do thiếu một nhiệt tình tông đồ lan toả trong các cộng đoàn không có niềm phấn khởi khiến các cộng đoàn này không thể có sức hấp dẫn. Niềm vui của Tin Mừng phát sinh từ việc gặp gỡ Đức Kitô và việc chia sẻ với người nghèo. Vì lý do này, tôi khuyến khích các cộng đoàn giáo xứ, các hội đoàn và các nhóm hãy sống một đời sống huynh đệ đậm đà, đặt nền trên tình yêu đối với Đức Kitô và quan tâm tới các nhu cầu của những người yếu thế nhất. Ở đâu có niềm vui, sự phấn khởi và ước muốn đem Đức Kitô đến với người khác, ở đấy sẽ phát sinh nhiều ơn gọi đích thực. Trong số các ơn gọi này, chúng ta không được quên các ơn gọi truyền giáo. Ngày càng có một ý thức gia tăng về căn tính và sứ mạng của tín hữu giáo dân trong Hội Thánh, cũng như một sự nhìn nhận rằng họ được gọi để gánh vác một vai trò ngày càng tăng trong việc truyền bá Tin Mừng. Do đó cần cống hiến cho họ một sự đào tạo thích hợp để hoạt động tông đồ đạt hiệu quả.

5. “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7). Ngày Thế giới Truyền giáo cũng là dịp để làm bùng cháy lên ước muốn và nghĩa vụ tinh thần của việc hân hoan tham gia vào sứ mạng ad gentes. Các cá nhân đóng góp tiền bạc là một dấu chỉ của sự hiến dâng, trước là cho Chúa và rồi cho đồng loại; bằng cách này, sự đóng góp của cải vật chất có thể là một phương tiện để loan báo Tin Mừng cho nhân loại dựa trên tình thương.

Anh chị em thân mến,

Trong Ngày Thế giới Truyền giáo này, tâm tư tôi hướng về tất cả các Giáo hội địa phương. Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em. Tôi kêu gọi anh chị em, như thể đang làm một cuộc hành hương nội tâm, hãy nhớ lại “mối tình đầu” mà Đức Giêsu Kitô đã dùng để sưởi ấm lòng anh chị em, không phải vì tiếc nuối quá khứ, nhưng để kiên trì trong niềm vui. Các môn đệ của Đức Kitô luôn luôn vui mừng khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, khi thi hành ý Ngài và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm của mình cho người khác.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, mẫu gương loan báo Tin Mừng một cách khiêm nhường và vui vẻ, chúng ta cầu xin cho Hội Thánh trở nên một mái nhà niềm nở tiếp đón, một người mẹ cho mọi dân tộc và nguồn suối tái sinh cho thế giới chúng ta.

Vatican, 8 tháng 6, 2014, Đại lễ Hiện Xuống

PHANXICÔ

(Bản tiếng Việt của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng / HĐGM Việt Nam)
Đức giáo hoàng Phanxicô
(WHĐ)

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TẠI GIÁO XỨ RẠCH SÚC GIÁO PHẬN CẦN THƠ

DẤU LẠ TỐT LÀNH 
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ RẠCH SÚC 13/10/2014 
 
 
Như mọi năm, chương trình hành hương Đức Mẹ Rạch Súc giữa tháng 10 mưa bão lần này được nhiều người (nhất là các em sinh viên lưu xá nhà thờ) chuẩn bị cách kỹ lưỡng từ rất lâu. Chỉ riêng năm nay không dựng cây dù lớn nữa, vì dây dù đã bị yếu và gió rất to. Nếu có chuyện gì chẳng may, hậu quả sẽ khó lường. Cha sở Franxico bảo chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào tình thương của Đức Mẹ phù hộ để trời không mưa.

Giờ G đã điểm. Cha giáo sư Gs Nguyễn Bá Long và quý cha đã đến đông đủ. Mọi người đều lo lắng khi dự báo thời tiết nói 13/10 tại Cần Thơ có mưa giông, gió giật. Quả đúng như thế, bầu trời lúc này kéo mây đen u ám, trời không một ánh sao. Đã bắt đầu có vài hạt mưa rơi xuống... có vài người đã bắt đầu che dù. Đức Cha va quý cha cũng như tất cả bà con đều lo lắng. Cha phó phải nhờ quý soeur và cộng đoàn lần chuỗi đọc kinh. Cha giáo sư chủ đạo chương trình lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt, hỏi cha phó Micae rằng: Bây giờ sao đây? Cha Micae cũng đành bó tay không biết thế nào. Ngài liền chạy vào xin ý kiến chỉ đạo của cha sở. Cha sở Phanxico từ tốn đáp: chúng ta cứ bắt đầu cử hành diễn nguyện đi, mình đã phó thác và tin tưởng vào Chúa và Mẹ rồi. Lời nói như ánh lửa truyền hơi ấm và niềm hy vọng cho cha giáo sư Giuse và tất cả mọi người.

 
Cha Giuse bắt đầu cho mọi người khai mạc đêm diễn nguyện hành hương tôn vinh Mẹ. Trong khi mọi người đang tung hô mừng kính Mẹ, cha sở Phanxico âm thầm vào nhà thờ lặng lẽ quỳ gối sấp mình cầu nguyện một mình. Như một phép lạ, trời dần tan mây, gió trở nên hiền hoà vừa đủ làm mát mẻ cho cả ngàn người. Trong lúc đó, ngoài Cần Thơ mưa bão ầm ầm riêng tại nhà thờ Rach Súc có hàng ngàn người đang tôn vinh Đức Mẹ mà không hề hấn gì cho đến kết thúc buổi lễ với phép lành của Đức Giám Mục.

Cuối thánh lễ, cha sở Francixo chậm rãi bước lên cung thánh cám ơn Chúa và Mẹ đã thương ban cho buổi lễ hành hương được tốt đẹp, và ngài làm dậy sóng cà biển người khi mời mọi người hô vang 3 lần lời dạy của Đức Thánh Cha: Xin Lỗi, Xin Giúp Đỡ, Xin Cám Ơn.

Trong lời đáp từ sau phép lành, Đức Giám Mục giáo phận cũng hết lòng cám ơn cha sở Phanxico, nhờ Ngài mà buổi lễ hành hương hôm nay được diễn ra tốt đẹp. Không có Cha sở Phanxico thi không có được ngày lễ hành hương tốt đẹp thế này. Đức Cha cũng nói công khai cho mọi người biết rằng Đức Cha cũng lo lắng khi thấy trời âm ám mây đen kéo giông bão, nhưng cha sở Francis khiêm hạ xin thưa với Đức Cha là con tin cậy vào Chúa. 
 

Lễ hành hương Đức Mẹ năm nay tại Rach Súc tổ chức đến 2 ngày, và ngày càng có nhiều bà con giáo dân ở nhiều nơi xa đến kính viếng Đức Mẹ, như Cà Mau, Trà Lồng Sóc Trăng, Tân Phú, Thới Lai, Châu Đốc, Ngã Bảy, Đại Hải, Thái Hải... Cha sở cũng mở cửa phòng khám bệnh phát thuốc châm cứu Đông-Tây Y miễn phí cho bà con. Ngoài ra Ngài con lo ẩm thực suốt những ngày hành hương hoàn toàn miễn phí

Hành hương năm nay, thờ Rạch Súc còn hân hạnh đón cha quản hạt Sóc Trăng, cha Thiện (Ban Mê Thuột), quý cha giáo sư và quý cha gần xa. Đặc biệt còn có sự hiện diện của cha chuyên về giới trẻ dòng Don Bosco Phêro Phạm Huy Hoàng và ca sĩ Hồng Ân, Ca sĩ Mạnh Tuấn, và nhóm múa SDB Sài Gòn...

Hành hương Đức Mẹ Rạch Súc năm nay thật nhiều sự lạ. Nhưng sự lạ đặc biệt nhất đó chính là trời không mưa, dù xung quanh mưa giông bão ầm ầm. Đó chắc chắn phải là ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ thương ban, cũng như nhờ lời cầu nguyện của Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và của tất cả mọi người. Giữa mọi người đó, có lẽ cha sở Phanxico Đinh Trọng Tự là người đã giang tay quỳ gối cầu nguyện nhiều nhất. 
 

Xin Tạ Ơn Chúa và Mẹ, xin cám ơn mọi người. Và xin hân hạnh được hẹn lại lần sau.

Ánh Minh Đăng
(gpcantho.com)

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO THÁNG 10.2014

Hành Hương Đức Mẹ TàPao, tháng 10 năm 2014

Trong Năm Phụng Vụ, tháng 10 là tháng Mân Côi. Lòng sùng kính của người tín hữu đối với Đức Maria suốt thời gian này mang một tâm tình đạo đức thảo hiếu là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi và đến các Trung Tâm Thánh Mẫu cầu nguyện bên Mẹ.
 
 
Từ chiều 12.10, mưa to gió lớn, nước ngập mọi lối. Lạ lùng khi đến Tàpao, 5 giờ chiều trời tạnh cơn mưa, đường vào lễ đài bùn lầy tung tóe lấm láp áo quần.
 
Quảng trường Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã được chuẩn bị chu đáo cho đêm diễn nguyện “Kinh Mân Côi”. Các Nữ Tu MTG Phan Thiết đang tổng dợt chương trình. Từng đoàn hành hương lên núi cầu nguyện bên Mẹ. 
 
 
Cung nghinh Mẹ

Hàng chục ngàn người với nến sáng trên tay hòa vang những khúc ca ngợi khen Mẹ. Đoàn kiệu thánh tượng Đức Mẹ Tàpao tiến lên lễ đài. Ngàn ngàn ngọn nến lung linh cháy sáng sưởi ấm tâm hồn đoàn con cái.Giữa trời đêm núi rừng, lời kinh tiếng hát âm vang quyện đan trong gió ngàn dâng lên Mẹ. Huyền nhiệm và ấm cúng biết bao.


Diễn nguyện Chuỗi Mân Côi.

Đêm nay người người từ khắp phương trời quy tụ về bên Mẹ giữa núi rừng Tàpao.
 
Tàpao hôm nay không âm u như trước đây nhưng vẫn mang nét đẹp của núi rừng trùng điệp ngát xanh.
 
Tàpao đúng là một giấc mơ đẹp. Mẹ ơi, một giấc mơ mà nhiều khi chúng con không thể ngờ tới. Nếu ai đã một lần đặt chân đến Tàpao cách đây 25 năm mới thấy sự đổi mới thật lạ lùng.
Tàpao có nhiều thay đổi, vì cuộc sông bà con dân làng nơi đây đã khá hơn. Chung quanh linh địa Mẹ đã thoáng mát và khang trang hơn. Đường lên núi không còn cheo leo vất vả như trước. Nhưng cái không hề đổi thay là Mẹ vẫn đứng đó để lắng nghe, để thông chia những vui buồn trong cuộc sống mỗi khi chúng con đến với Mẹ.

Giây phút này, chúng con xin dâng lên Mẹ tất cả những ai đang gặp khó khăn, đau khổ về tinh thần lẫn thể xác; những ai đang bơ vơ lạc lõng giữa biển đời mà chưa tìm được nơi nương tựa; những ai đã vì danh vọng, vì lợi ích cá nhân, vì những thú vui chóng qua đã bán rẻ nhân phẩm mình và còn nhiều nỗi lo buồn khác.

Lạy Mẹ Maria, Mầu Nhiệm Vui họa lại cuộc đời của Mẹ trong những tháng ngày hiệp thông trong Ơn Cưú Chuộc của Ngôi Hai Con Thiên Chúa. Chúng con mượn lại những hình ảnh ấy cùng với lời Kinh Kính Mừng để nhờ Mẹ chuyển cầu lên Thiên Chúa cho những ý nguyện chúng con tiến dâng.


Các Nữ Tu Dòng MTG Phan Thiết phụ trách chương trình.Với những gợi ý suy niệm giúp cộng đoàn sốt sắng lần chuỗi Mân Côi Năm Sự Vui. Qua mỗi ngắm đều có múa phụ họa và diễn cảnh cùng những lời cầu nguyện dâng lên Mẹ mến yêu.

Giờ diễn nguyện kết thúc bằng bài thánh ca cộng đồng “Nguồn cậy trông”. Cộng đoàn cùng quỳ gối tôn thờ Thánh Thể
.



 


(gpphanthiet.com)

VIDEO PHÉP LẠ MẶT TRỜI TẠI FATIMA

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGOẠI THƯỜNG VỀ GIA ĐÌNH #8

Thượng Hội đồng Giám mục kết thúc giai đoạn một


WHĐ (12.10.2014) – Giai đoạn một của Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình đã kết thúc vào chiều thứ Sáu 10-10. Tổng cộng có 180 nghị phụ đã phát biểu. Sáng thứ hai 13-10, Đức hồng y Péter Erdő, Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng sẽ đọc Bản tổng kết (Relatio post disceptationem). Trước đó, trong phiên họp khoáng đại I, Đức hồng y Erdő đã trình bày bản Báo cáo đề dẫn (Relatio ante disceptationem) để xác định phương pháp làm việc của Thượng Hội đồng và nêu lên các nội dung thảo luận chính.

Ở giai đoạn tiếp theo, công việc của Thượng Hội đồng sẽ tiếp tục trong mười nhóm ngôn ngữ (tiếng Anh: 3 nhóm, tiếng Ý: 3, tiếng Pháp: 2 và tiếng Tây Ban Nha: 2). Theo chuyên gia Jocelyne Khouery người Liban, trách nhiệm nặng nề của các nghị phụ là đưa ra các đề nghị, kể cả “phát kiến” các giải pháp mục vụ đối với những thách đố trong việc chăm sóc mục vụ cho người ly dị và tái hôn.

Nếu các chủ đề được đề cập từ hôm thứ Hai rất nhiều và đa dạng theo các bối cảnh của các địa phương, thì vấn đề phức tạp và nhạy cảm, vấn đề trung tâm của Thượng Hội đồng này, là việc rước lễ của những người ly dị và tái hôn.

Các tham dự viên Thượng Hội đồng biết rằng đó chính là điểm mà người ta mong đợi ở Thượng Hội đồng và đánh giá Thượng Hội đồng.

Ngay từ đầu, trong phòng hội của Thượng Hội đồng đã có nhiều tiếng nói từ châu Phi tố giác hành động du nhập, thậm chí là áp đặt các mô hình phương Tây không phù hợp với các nền văn hoá địa phương và với giáo lý Công giáo.

Có giám mục đã chỉ ra rằng người ta đã chi những khoản tiền rất lớn trong các chiến dịch kế hoạch hoá gia đình và các thuốc ngừa thai đã được phân phối đến tận các ngôi làng hẻo lánh nhất.

Một vị khác quả quyết rằng các tổ chức quốc tế đã đe dọa đình chỉ viện trợ nếu chính quyền địa phương từ chối hợp thức hóa sự kết hợp giữa những người cùng giới tính.

Một người mẹ phát biểu: sức khỏe sinh sản, tư tưởng về giới tính... chúng tôi phải chịu thua một cuộc tấn công thực sự của quốc tế.

Châu Phi có những vấn đề của mình và mối quan tâm hàng đầu của châu Phi không phải là những mối quan tâm của phương Tây. Đến từ mọi châu lục, các nghị phụ và các giáo dân kêu gọi Giáo hội dấn thân hơn nữa vào các lĩnh vực xã hội để bảo vệ giá trị của mình về gia đình, đang bị đe dọa bởi một số hệ thống pháp luật và bởi tính mơ hồ trong các văn bản của Liên hiệp quốc.

Một dự thính viên lấy làm tiếc rằng Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng chỉ có một lần đề cập cách yếu ớt về việc đối thoại giữa Giáo hội và Nhà nước, và giữ im lặng về tình trạng cấp bách của người Công giáo phải bảo vệ quyền tự do lương tâm chống lại các định chế chính trị.

Các mục tử phải lên tiếng mạnh mẽ và dứt khoát trước công luận để bảo vệ phẩm giá con người và các quyền của gia đình.

Và đang khi vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn không ngừng trở lại trên bàn thảo luận và độc chiếm các buổi trao đổi, gây lo lắng và tạo sự phân hoá, một dự thính viên đã đặt câu hỏi cho Thượng Hội đồng rằng có lẽ có hai loại thương xót chăng: lòng thương xót của Đấng Chăn Chiên Lành săn sóc và ban sự sống, và lòng thương xót của người bác sĩ gian ác che đậy vết thương để đừng ai nhìn thấy hoặc chỉ làm giảm đau mà không trị bệnh.

Liệu Thượng Hội đồng này có dung hoà được chân lý với lòng thương xót và hoà giải được các quan điểm khác nhau không? Liệu Thượng Hội đồng có bảo vệ được giáo lý mà vẫn chứng tỏ được rằng Hội Thánh, vốn ở kề bên hiện thực tội lỗi, luôn đến với con cái mình khi chúng gặp khó khăn không? Đó là một lộ trình đầy thách đố cần có thời gian để hoàn tất.

Trong giai đoạn một, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự hầu hết các phiên họp khoáng đại của Thượng Hội đồng, trừ phiên họp thứ V ngài vắng mặt, vì bận chủ tọa buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hằng tuần. Sáng Chúa nhật, 12-10 (Chúa nhật 28 Thường niên), vào lúc 10g00, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ tạ ơn về việc tuyên thánh hai vị Chân phước: Thánh Maria Chúa Nhập Thể, Dòng Ursuline (1599-1672), và Thánh François de Montmorency-Laval, Hội Thừa sai Paris (1623-1708), tại Vương cung thánh đường Vatican. Đây là hai vị thánh mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chính thức ghi tên vào sổ bộ các thánh của Giáo hội Công giáo hồi đầu tháng Tư vừa qua, theo thể thức tuyên thánh tương đương (canonisatio aequipollens). Sau đó, vào lúc 12 giờ, Đức Thánh Cha sẽ đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật như thường lệ tại Quảng trường Thánh Phêrô với các khách hành hương.
 
Minh Đức
(WHĐ)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ SẼ TIẾP THỦ TƯỚNG VIỆT NAM

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
 
Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI tiếp Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
hồi tháng 01.2007

WHĐ (12.10.2014) – Công báo của Toà Thánh ra ngày 11-10-2014 đã đăng tuyên bố sau đây của cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh:

“Trả lời câu hỏi của các nhà báo về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cha Federico Lombardi, S.J., đã đưa ra tuyên bố sau đây:

Như đã thỏa thuận, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vào ngày thứ Bảy 18 tháng Mười 2014. Cuộc hội kiến này nhằm giúp đào sâu mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Toà Thánh”.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, chuyến thăm Toà Thánh Vatican của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là chặng cuối cùng trong chuyến công du châu Âu từ ngày 13 đến 15-10 đến Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu và Cộng hòa Liên bang Đức. Thủ tướng Việt Nam cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milano, Cộng hòa Italia từ ngày 16 đến 17-10.
 
Vũ Bình
(WHĐ)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGOẠI THƯỜNG VỀ GIA ĐÌNH #7

Video: Kobane trong cơn hấp hối
 THĐGM gởi thư cho các nạn nhân khủng bố Hồi Giáo



(VietCatholic Network)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGOẠI THƯỜNG VỀ GIA ĐÌNH #6

Video Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình:
 Con cái trong các gia đình Công Giáo.


(VietCatholic Network)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 22,1-14)


Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 03 - 09.10.2014

HỘI NGHỊ BAN VẬN ĐỘNG QUỸ KIẾN THIẾT TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

THANH HOÁ (10.10.2014) – Tại Toà Giám mục Thanh Hoá, từ ngày 8 đến ngày 10-10-2014, Ban vận động Quỹ kiến thiết Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang đã tổ chức Hội nghị, với nội dung thảo luận và tìm phương hướng cho chương trình gây quỹ kiến thiết. 
 
Hiện diện trong cuộc họp này, có Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Huế, Trưởng Ban Kiến thiết Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang; Đức cha Mátthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Qui Nhơn, phó Ban Kiến thiết, đặc trách kiến trúc; Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hoá, phó Ban Kiến thiết, đặc trách tài chánh; Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, phụ tá ban tài chánh. Cùng với Quý Đức cha, còn có sự hiện diện của cha Vicentê Phạm Trung Thành, Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, và các linh mục đặc trách vận động gây Quỹ kiến thiết Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang của 24/26 giáo phận.


Hội nghị đã diễn ra trong bầu khí mát mẻ của mùa thu, cộng với sự mến khách vốn có của Đức giám mục và quý cha Toà Giám mục Thanh Hoá theo phương châm “mỗi vị khách là một hồng ân”. Được thúc đẩy do lòng yêu mến đối với Đức Mẹ La Vang và với Giáo hội Việt Nam, mọi tham dự viên đều ý thức đây là công trình chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam, là niềm tự hào và là nghĩa cử hiếu thảo đối với Đức Mẹ. Trong tinh thần trách nhiệm chung cùng cộng tác để hoàn thành công trình Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, nhiều vấn đề nêu ra được các tham dự viên góp ý thảo luận sôi nổi và chân thành.

Hội nghị đã bắt đầu bằng việc giới thiệu tổng quát về mặt bằng, cấu trúc công trình, và tiến độ thi công trong thời điểm hiện tại. Những thông tin về từng giai đoạn xây dựng và mức kinh phí dự tính cũng được trình bày chi tiết, với mục đích giúp các linh mục đặc trách gây quỹ hiểu rõ những chi tiết liên quan đến công trình để việc gây quỹ có hiệu quả thiết thực.

Nội dung chính của Hội nghị là phương pháp vận động gây quỹ. Quý Đức cha và các tham dự viên đều mong muốn có sự cộng tác đồng bộ của mọi thành phần Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn và khích lệ của các Đức Giám mục địa phương. Nhiều hình thức gây quỹ được đề nghị như: Hộp gây quỹ, tổ chức bữa tiệc gây quỹ, các buổi trình diễn thánh ca, các buổi diễn giảng, thùng gây quỹ đặt tại các nhà thờ… Một phương pháp được coi là thực tế và hiệu quả hơn, là hình thức gửi phong thư đến từng gia đình trong các cộng đoàn giáo xứ, kèm theo thư kêu gọi của Đức Giám mục. Những phong thư này sẽ được gửi về các cha xứ để chuyển về Toà Giám mục. Các tham dự viên cũng mong ước Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận hằng năm có một ngày gây quỹ trong tất cả các giáo phận cho công trình này.


Hội nghị được đánh dấu bằng thánh lễ trọng thể tại nhà thờ Chính toà Thanh Hoá lúc 5 giờ sáng thứ sáu 10-10, để tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi và cầu nguyện cho công trình xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang sớm được hoàn thành.

Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã kết thúc trong niềm vui và hy vọng của các tham dự viên. Sau bữa ăn huynh đệ, mọi người chia tay trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, tạ ơn Đức Mẹ La Vang, với niềm mong ước những điều thao thức của các tham dự viên sớm được thực hiện.
 
Gm Giuse Vũ Văn Thiên ghi chép
(WHĐ)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGOẠI THƯỜNG VỀ GIA ĐÌNH #5

VideoThượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình: 
Thảo luận về các trường hợp ly dị và tái hôn


(VietCatholic Network)

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

GIÁO PHẬN LẠNG SƠN TRUYỀN CHỨC LINH MỤC

Giáo Phận Lạng Sơn - Cao Bằng  
Thánh lễ truyền chức Linh mục. 

 
 Vào lúc 9g30 ngày 7 tháng 10 năm 2014, tại nhà thờ Chính Tòa giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân-Giám mục giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng đã truyền chức Linh mục cho thầy Phó tế Vinh-Sơn Vũ Văn Lễ.
 

Toàn thể giáo phận LS-CB từ hôm nay hân hoan cảm tạ Thiên Chúa đã ban thêm cho giáo phận một tân Linh mục phục vụ trên cánh đồng truyền giáo của giáo phận.

Cùng đồng tế với ĐGM giáo phận có cha Tổng Đại diện Giuse Trần Đức Hạnh và hơn 50 Linh mục trong và ngoài giáo phận.
 


Hiện diện trong thánh lễ còn có quý thầy Phó tế, quý chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ, quý Ông Bà cố, quý thân nhân, ân nhân của Tân Linh mục và các tín hữu đến từ 12 giáo xứ trong giáo phận. ngoài ra còn có khoảng 30 anh chị em tôn giáo bạn cùng tham dự thánh lễ. Tất cả đã làm cho bầu khí thánh lễ thêm tươi vui long trọng trong một buổi sáng với tiết trời se lạnh cùng ánh nắng chan hòa.
 


Khởi đầu thánh lễ, ĐGM mời gọi cộng đoàn: “Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta hiệp nhất trong ngôi nhà thờ Chính Tòa này để cùng với giáo phận, với gia đình của Tân chức và với mọi người cất tiếng tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Thiên Chúa đã thương chọn gọi người con, người anh em của chúng ta là người chẳng có công gì, hay gia đình của tân chức có công gì, nhưng chỉ vì tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa và toàn thể các Thánh cho Tân chức luôn trung thành trong sứ vụ mà Thiên Chúa và Giáo hội trao phó. Chúng ta cũng cầu nguyện cho chính mỗi người chúng ta nên những người có đời sống biết hy sinh, biết cầu nguyện và nâng đỡ Tân chức trong việc thi hành sứ vụ”.

Sau bài huấn dụ của ĐGM là nghi thức truyền chức Linh mục. Cha chưởng nghi Gioan Đỗ Khắc Doãn xướng danh tiến chức. Sau đó, cha Tổng Đại diện tiến lên xin ĐGM truyền chức Linh mục cho tiến chức và ĐGM đã chấp thuận việc truyền chức, lúc này cả cộng đoàn cùng vui mừng vỗ tay vang dội.
 


Nghi thức truyền chức Lnh mục diễn ra với lời tuyên hứa của tiến chức, kinh cầu các thánh, việc đặt tay và lời nguyện truyền chức của ĐGM; sau đó là nghi thức diễn nghĩa xức dầu, mặc áo lễ, trao chén thánh và ôm hôn bình an.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể sau nghi thức truyền chức kết thúc.

Sau thánh lễ, vị Tân chức đã dâng lời cám tạ Hồng Ân Thiên Chúa, cảm tạ ĐGM, quý Ông Bà cố, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý Chủng Sinh và tất cả cộng đoàn đã hiệp thông cầu nguyện, vất vả hy sinh phục vụ cho thánh lễ hôm nay được diễn ra tốt đẹp.
 



Như vậy, với thánh lễ truyền chức hôm nay, số Linh mục trong giáo phận LS-CB đã lên tới 19 Linh mục, trong đó có 9 Linh mục Dòng và 10 Linh mục Triều. Quả thực, đây là niềm vui cho giáo phận truyền giáo miền sơn cước này.

Chúng ta tiếp tục tạ ơn và cầu xin cho cánh đồng truyền giáo của giáo phận thêm nhiều Linh mục. Cầu nguyện cách riêng cho Tân chức hôm nay mỗi ngày một trở nên như lòng Chúa mong ước.
(giaophanlangson.org)

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC KHAI MẠC NĂM THÁNH 50 NĂM THÀNH LẬP

THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH KIM KHÁNH 
TẠI GIÁO PHẬN XUÂN LỘC 
 
(WGPXL : 05-10-2014) - Sáng ngày 04-10-2014, tại nhà thờ Chính Tòa Xuân lộc, Đức Cha Đaminh, Giám mục Giáo phận Xuân lộc đã long trọng chủ sự thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận Xuân lộc. Cùng đồng tế có Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Phụ Tá Xuân Lộc, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục giáo phận Bùi Chu, Đức Ông Vinhsơn Tổng Đại diện và hơn 300 linh mục.

Hiện diện trong thánh lễ còn có đông đảo Quí Bề trên, quí tu sĩ, chủng sinh, quí chức BHG, Ban trị sự các giới, các đoàn thể trong giáo phận xuân lộc và mọi thành phần dân Chúa.

Nghi thức khai mạc được cử hành tại tiền sảnh nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc. Với ánh nắng ban mai rực rỡ, mọi người đều vui mừng phấn khởi chờ đón một năm Hồng ân Thiên Chúa sắp tuôn đổ trên giáo phận.

Mở đầu nghi thức, Đức Cha Chính Đaminh làm phép 2 lá cờ Tòa Thánh. Lá cờ thứ nhất có diện tích 100m2 là bội số của 50. Tượng trưng cho 50 năm hồng ân Kim khánh giáo phận, lá cờ này được kéo lên tung bay trên tháp Nhà thờ Chính Tòa, biểu trưng cho một Năm Hồng ân được khai mở. Lá cờ thứ 2 có diện tích 500m2 cũng là bội số của 50, lá cờ này sẽ được kéo lên tung bay trên bầu trời Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi vào thánh lễ kết thúc Năm Thánh, tượng trưng cho lời cảm tạ và tri ân tình yêu Thiên Chúa.
 
 
Sau khi Đức Cha Chính làm phép lá cờ thứ nhất, Ngài đã ra lệnh cho lá cờ bay lên, toàn thể cộng đoàn vui mừng vỗ tay cùng với nhạc kèn và 5000 trái bong bóng bay lên rợp trời, diễn tả niềm vui mừng bước vào mùa hồng ân.

 
Tiếp đó, Đức Cha làm dấu khai mạc và dẫn vào ý nghĩa của Năm Thánh, Ngài nói : Anh chị em thân mến, Chúng ta họp nhau nơi ngôi Nhà Thờ Mẹ của Giáo Phận để Khai mạc Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo Phận. Chúng ta cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng ta hồng ân Đức Tin, và cách riêng, suốt 50 năm qua, Chúa đã hiệp nhất chúng ta trong gia đình Giáo Phận Xuân Lộc, đã chăm sóc, dẫn dắt chúng ta bằng một tình yêu hết sức nhiệm mầu.

Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo Phận là thời gian đặc biệt/ để chúng ta chúc tụng về tình yêu lạ lùng Chúa dành cho chúng ta.

Chúa Cha đã sáng tạo muôn loài và đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian, để khai mở cho nhân loại kỷ nguyên mới: kỷ nguyên cứu độ.

Trong mầu nhiệm nhập thể, Đức Kitô đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài hiện diện giữa dòng thời gian để thánh hóa thời gian. Ngài đến để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và cho chúng ta được thông dự vào sự sống vĩnh cửu của Ngài.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết tận dụng thời gian hồng phúc này, để canh tân đời sống đức tin trong nỗ lực hòa giải với Chúa và với tha nhân, đồng thời cộng tác với Chúa Giêsu để mang lại sự tự do cho mọi người, góp phần làm cho Giáo Phận chúng ta ngày càng trở nên dấu chỉ của tình yêu Chúa giữa cộng đồng nhân loại.
 

Sau lời mời gọi của Đức Cha, Đức Ông Vinhsơn đọc Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao về việc Tòa Thánh chấp thuận cho Giáo Phận Xuân Lộc cử hành Năm Thánh và Đức Cha chính thức công bố khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận Xuân Lộc : Tôi, Đaminh Nguyễn Chu Trinh, do thẩm quyền tối cao của Mẹ Hội Thánh, được đặt làm Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc, nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô và với quyền được trao, tôi CÔNG BỐ KHAI MẠC NĂM THÁNH trong Giáo Phận, bắt đầu từ hôm nay, ngày 04 tháng 10 năm 2014 đến cuối tháng 10 năm 2015.
 
 
(giaophanxuanloc.net)