Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ AN TOÀN GIAO THÔNG #2

Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc trả lời phỏng vấn 
về vấn đề An toàn giao thông

Nhân việc ký kết Chương trình Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động “chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” giữa Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Hội đồng Giám mục Việt Nam, Phóng viên Uỷ ban Truyền thông Xã hội của HĐGMVN (PV) đã đến gặp và phỏng vấn Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (ĐTGM), Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp. HCM, Chủ tịch HĐGMVN.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Chiều Chúa nhật 09/11 vừa qua, Đức Tổng giám mục đã thay mặt HĐGMVN ký kết với Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Chương trình Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động “chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”’ việc đó có ý nghĩa gì?

  • ĐTGM: Giáo hội tại Việt Nam luôn ở trong hướng đi mục vụ của Giáo hội trong thế giới ngày nay mà Công đồng Vatican II đã dạy: “Vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ” (Gaudium et Spes, 1). Hơn nữa, như Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nhắc nhở, Hội Thánh của Chúa Giêsu phải “đi ra” khỏi nơi ẩn náu tiện nghi, an toàn của mình để đến những “vùng ven” nơi những giá trị của Tin mừng chưa hiện diện, mà một trong những vùng ven này là các thực tại văn hóa, xã hội, còn đầy những bóng tối của sự chết. Tham gia vào Chương trình vận động người dân nói chung, và người Công giáo nói riêng, về bảo đảm an toàn giao thông, là một hành động cụ thể để thực hiện lệnh truyền loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu và lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha nói trên.

PV: Nhưng giữa bao nhiêu chương trình xã hội, tại sao Giáo hội lại chọn dấn thân ký kết Chương trình này?

  • ĐTGM: Cách đây một ít ngày, tôi nhận được một lá thư của một chuyên viên người Uganda về Phân tích và Tình Nguyện viên Tổ chức An toàn Giao thông và An toàn tại sở làm (Road Safety and Workplace Safety Analyst / Volunteer) gởi tất cả các hồng y, tổng giám mục và giám mục thuộc Liên HĐGM Á châu, nhắc nhở trong tình hình hiện nay số người tử nạn vì giao thông gia tăng, đặc biệt cao nhất tại châu Á cũng là nơi sản xuất xe cộ lưu thông cao hàng đầu, hơn bao giờ hết cần phải phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo hội về vấn đề này, cụ thể là văn kiện “Hướng dẫn Chăm sóc Mục vụ Đường phố” (“Guidelines for the Pastoral Care of the Road”) (Phần I, từ số 01-84) của Hội đồng Toà Thánh về Mục vụ Di Dân và Người Lưu động, ngày 24/05/2007 [1]. ĐHY Renato Raffaele Martino, Bộ trưởng Hội đồng Toà Thánh về Công Lý và Hòa Bình, khi giới thiệu văn kiện này cũng đã nói lên quan điểm: “Giáo hội và Nhà Nước, mỗi bên trong lãnh vực của mình, cần phải cố gắng tạo ra nơi công chúng một ý thức chung về vấn đề an toàn giao thông, và dùng mọi phương tiện trong khả năng để cổ võ việc giáo dục thích hợp ý thức đó nơi người điều khiển các phương tiện lưu thông, các khách du hành, người đi bộ”. Hơn nữa, kể từ tháng Năm 2011, Liên Hợp Quốc đã phát động Chương trình Thập Kỷ Hành Động vì An Toàn Giao thông (2011-2020) trên toàn thế giới mà Việt Nam là một nước thành viên tích cực.

  • Tại Việt Nam và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, vấn đề tai nạn giao thông do ý thức và thói quen giữ luật của người dân di chuyển trên đường, đường bộ cũng như đường sắt, chưa cao. Vì thế, đây là một vấn đề không chỉ về mặt xã hội, mà còn về giáo dục ý thức đạo đức, lương tâm, tôn trọng sự sống của con người.

PV: Trong thực tế, khi thi hành sự phối hợp đã được đề nghị, Đức Tổng thấy có điều gì cần lưu ý?

  • ĐTGM: Khi được Chính quyền đề nghị phối hợp trong công tác truyền thông và vận động các tín hữu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tôi thấy không có gì trở ngại, trái lại, là việc đáng phải làm, chỉ cần nhớ rằng, trong khi thực hiện, Giáo hội và Chính quyền, “mỗi bên trong lãnh vực của mình”, thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình. Đối với Giáo hội, điều quan trọng là giáo dục đức tin, một đức tin nhập thể vào mọi mặt đời sống con người, cách riêng ở đây chính là giáo huấn về luân lý sự sống con người.

  • Tuy nhiên, cũng xin lưu ý không nên dùng thời gian của bài giảng lễ (homélie) để truyền giảng bằng “ngôn ngữ thuần túy đời” những nội dung luật pháp của xã hội, vì giảng lễ là giải thích các bài đọc Kinh Thánh của Phụng vụ Lời Chúa trong ngày lễ. Giảng lễ thuộc về cơ cấu của Phụng vụ Lời Chúa, dành để nói về Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài cho con người được sống và sống viên mãn, thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Để thông truyền và giáo dục ý thức trách nhiệm trong giao thông và luật pháp như đã nói, có thể thực hiện trong một hoàn cảnh khác thích hợp hơn.


––––––––––––––––––––––––


 Phóng viên Uỷ ban Truyền thông Xã hội thực hiện

(WHĐ)

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ AN TOÀN GIAO THÔNG #1


Chương trình 
Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, 
vận động “chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo 
tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”


WHĐ (10.11.2014) – Chiều Chúa nhật 09-11-2014, tại Toà Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ và ký kết Chương trình Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động “chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” giữa Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thay mặt cho Hội đồng Giám mục Việt Nam là Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục; phía Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia có ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.


(WHĐ)

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO THÁNG 11.2014

Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình 11/2014
 
 
Sống tâm tình tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn, tối 12 và sáng 13/11/2014, khách hành hương từ muôn nơi tìm về hiệp cùng với Đức Giám mục GP Phan Thiết tham dự ngày hành hương kính viếng Đức Mẹ tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao. Cả không gian ngập tràn trong lời kinh tiếng hát chúc tụng, ngợi ca Thiên Chúa, tạ ơn Mẹ và khẩn cầu cho các linh hồn.
 
 
Đến Tàpao tháng này, khách hành hương nhìn thấy Lễ đài tại quảng trường Tàpao đang được mở rộng và nâng cao để phục vụ cho việc cử hành thánh lễ. Một con kênh đang thi công ngang qua đường rước kiệu nay mai sẽ là dòng nước trong xanh mang lại một nét thi vị mới cho nơi hành hương này.
 
 
Trong sự yên bình của màn đêm, tối ngày 12 muôn con tim với nhịp đập rộn ràng hướng về Thánh Thể Chúa ngự trên bàn thờ vừa linh thiêng vừa gần gũi. Cùng với Mẹ Maria, cộng đoàn thờ lạy Chúa Giêsu và cùng nhau suy ngắm mầu nhiệm Mân Côi. Tràng kinh Kính mừng dâng lên Mẹ với tâm tình hướng về những người thân yêu đã ra đi trước trong tháng cầu các linh hồn xin Mẹ ra tay bênh đỡ. Đức Cha Giuse kiệu Mình Thánh Chúa đi xung quanh quảng trưởng để cộng đoàn thờ lạy.

 
Thánh lễ Mừng Kính Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh sáng 13 do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP. Phan thiết chủ tế. Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục GP. Lạng Sơn – Cao Bằng, cùng quý cha trong ngoài Giáo phận Phan Thiết đồng tế. Cùng với nhiều niềm vui tạ ơn Thiên Chúa, Đức Giám mục chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng với Mẹ Maria tham dự thánh lễ sốt sắng cầu nguyện cho các người sống đời thánh hiến, cầu nguyện cho các gia đình và bản thân từng người hiện diện. Cách đặc biệt hiệp thông nhớ đến các linh hồn trong luyện tội.
 
 
 
(gpphanthiet.com)

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 06 - 12.11.2014

CHỦ CHĂN KHÔNG ĐƯỢC ĐỘC ĐOÁN NHƯNG PHẢI KHIÊM TỐN VÀ BIẾT LẮNG NGHE


ĐTC: Chủ chăn không được độc đoán 
nhưng phải khiêm tốn và biết lắng nghe

Ý thức chức thừa tác là một ơn Chúa ban chứ không phải vì mình thông minh, tài giỏi, tốt lành hơn người khác, giúp các Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế biết sống khiêm tốn, cảm thông, thương xót, biết lắng nghe và học hỏi từ người khác, chứ không độc đoán, làm như thể cộng đoàn là của riêng mình và mọi người phải quỳ phục dưới chân mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với háng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi găp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 12-11-2014.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý các đức tính mà các vị thừa tác của Giáo Hội phải có để sống việc phục Giáo Hội một cách đích thực và phong phú.

Mở đầu bài huấn Đức Thánh Cha nói: Trong bài giáo lý trước chúng ta đã minh nhiên sự kiện Chúa tiếp tục chăn dắt đoàn chiên Ngài qua chức thừa tác của các giám mục, linh mục và phó tế. Chính nơi các vị Chúa Giêsu hiện diện, trong quyền lực của Thần Khí Ngài, và tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng cách dưỡng nuôi đức tin, đức cậy, đức mến trong Giáo Hội. Như thế, các chức thừa tàc này là một ơn lớn lao Chúa ban cho mỗi cộng đoàn kitô và cho toàn thể Giáo Hội, trong nghĩa nó là một dấu chỉ sống động sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Vậy chúng ta có thể tự hỏi đâu là điều được đỏi hỏi nơi các vị thừa tác này của Giáo Hội, để họ có thể sống việc phục vụ của mình một cách đích thật và phong phú?

Trong các ”Thư mục vụ” gửi các môn đệ của mình là Timoteo và Tito, tông đồ Phaolô cẩn thận đừng lại trên gương mặt của các giám mục, linh mục và phó tế, bằng cách phác họa ra ơn gọi của các vị và các đức tính cần được nhận ra nơi những người được chọn và trao phó cho các chức thừa tác này.

Thật là biểu hiệu, cùng với các ơn gắn liền với đức tin và cuộc sống tinh thần, có vài đức tính rất nhân bản được liệt kê ra: sự tiếp đón, thanh đạm, kiên nhẫn, hiền dịu, có thể tin cậy, có con tim tốt. Đó là mẫu tự, đó là văn phạm nền tảng của mỗi chức thừa tác. Nó phải là văn phạm nền tảng của mỗi giám mục, mỗi linh mục, mỗi phó tế. Phải, vì nếu không có bẩm chất xinh đẹp và thật sự này để gặp gỡ, hiểu biết, đối thoại, trân qúy và liên lạc với các anh em khác một cách tôn trọng và chân thành, thì không thể cống hiến một phục vụ và một chứng tá thực sự tươi vui và đáng tin cậy.

Thế rồi còn có một cung cách nền tảng mà thánh Phaolô khuyên nhủ các môn đệ của người và tất cả những ai được thụ phong chức thừa tác mục tử. Thánh tông đồ khích lệ họ liên tục làm sống lại ơn đã nhận lãnh (X. 1 Tm 4,14; 2 Tm 1,6). Điều này có nghĩa là họ phải luôn luôn sống trong ý thức rằng mình không phải giám mục, linh muc hay phó tế bởi vì mình thông minh hơn, tài giỏi hay tốt hơn các người khác, nhưng chỉ vì đó là một ơn, một ơn của tình yêu Thiên Chúa đã rộng ban, trong quyền năng Thần Khí của Người, cho thiện ích của dân Người. Ý thức này thật là quan trọng, và nó là một ơn cần phải xin mỗi ngày.

Thật thế, một Mục tử ý thức được rằng chức thừa tác của mình chỉ nảy sinh duy nhất từ lòng thương xót và từ con tim của Thiên Chúa sẽ không bao giờ có thái độ quyền uy, làm như thể là tất cả mọi người phải qùy dười chân mình và cộng đoàn là của riêng mình, là vương quốc của mình.

Ý thức rằng tất cả là quà tặng, tất cả là ơn thánh, cũng giúp một Mục tử không rơi vào chước cám dỗ đặt mình làm trung tâm sự chú ý và chỉ tin tưởng nơi chính mình. Thật khốn cho một giám mục, một linh mục, hay một phó tế nghĩ rằng mình biết hết mọi sự, luôn luôn có câu trả lời đúng cho mọi chuyện, và không cần tới ai hết! Trái lại, ý thức mình là người đầu tiên là đối tượng lòng thương xót và cảm thương của Thiên Chúa phải dẫn đưa một vị thừa tác tới chỗ luôn luôn khiêm tốn và cảm thông đối với người khác. Tuy ý thức là mình được mời gọi can đảm giữ gìn kho tàng đức tin (x. 1 Tm 6,20) người ấy sẽ lắng nghe dân chúng. Thật vậy, họ ý thức được rằng mình luôn luôn học hỏi được điều gì đó, cả từ những người còn xa đức tin và xa Giáo Hội. Rồi với các anh em mình tất cả phải đưa tới chỗ có một cung cách hành xử mới, mang dấu vết của sự chia sẻ, tinh thần đồng trách nhiệm và sự hiệp thông.

Các bạn thân mến, chúng ta phải luôn luôn nhớ ơn Chúa, bởi vì nơi con người và trong chức thừa tác của các giám mục, linh mục và phó tế, Người tiếp tục hướng dẫn và đào tạo Giáo Hội Người, khiến cho nó lớn lên dọc dài con đường nên thánh. Đồng thới chúng ta cũng phải tiếp tục cầu nguyện, để cho các Mục Tử của các cộng đoàn chúng ta là hình ảnh sống động của sự hiệp thông và tình yêu thương của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nườc Âu châu và Bắc Mỹ cũng như tín hữu đến từ Nam Phi, Indonesia, Nhật Bản, Argentina, Mehicô và Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng Arập, đặc biệt đoàn hành hương đến từ Giordania, Đức Thánh Cha khẳng định rằng lời mời gọi của Thiên Chúa luôn luôn là hoa trái lòng quảng đại, cảm thông và thương xót của Người. Ngài xin họ cầu nguyện cho các chủ chăn, để các vị thi hành chức thừa tác với lòng khiêm nhường, tinh thần phục vụ và biết lắng nghe, và trở thành hình ảnh sống động của sự hiệp thông và tình yêu của Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa chúc lành cho họ và che chở họ khỏi kẻ dữ.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài nhắc tới kỷ niệm 25 năm lễ phong chân phước cho tu huynh Alberto Adam Chmielowski. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi người là ”Bổn mạng của sự thay đổi khó khăn của đất nước chúng ta và Âu châu”. Chúng ta hãy học hỏi nơi thánh nhân việc thực thi tình yêu thương xót đối với những người cần được trợ giúp là hình ảnh sống động của Chúa Kitô.

Với các tín hữu Mehicô Đức Thánh Cha chia buồn về vụ các sinh viên học sinh mất tích, nhưng thật ra là bị ám sát. Thực tại thê thảm này của nạn tội nằm phạm đàng sau việc buôn bán ma túy. Nó liên quan tới anh chị em và gia đình anh chị em.

Trông thấy một nhóm quân nhân Chile Đức Thánh Cha nói trong những ngày này chúng ta đang kỷ niệm 30 năm ký kết hiệp định hòa bình giữa Argentina và Chile, liên quan tới việc tranh chấp biên giới giữa hai bên. Hiệp định đã có thể ra đời nhờ ý chí đối thoại và sự can thiệp của Đức Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Samore. Đức Thánh Cha cầu mong tất cả các dân tộc đang xung khắc và tranh chấp nhau liên quan tới biên giới, văn hóa và mọi lý do khác tìm giải quyết chúng qua việc đối thoại, chứ không qua sự tàn ác của chiến tranh.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Ý Đức Thánh Cha đặc biệt chào các Nữ tu Scalabrini, các Nữ tu Cát minh thừa sai của Chúa Giêsu Hài đồng đang họp tổng tu nghị, các sinh viên và giáo sư Phân khoa Khoa học xã hội của Đại học giáo hoàng Salesien nhân kỷ niệm 25 năm thành lập; các gia đình có con cái là nạn nhân giao thông và những người bị mất tích. Ngài cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng vì các tai nạn lưu thông cũng như cho những người đã không bao giờ trở về với tình yêu thương gia đình.

Sau khi xướng tên của nhiều nhóm khác Đức Thánh Cha cầu chúc chuyến hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ củng cố nơi họ ý thức thuộc gia đình Giáo Hội.

Chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài nhắc cho mọi người biết hôm thứ ba vừa qua Giáo Hội mới mừng lễ thánh Martino thành Tours. Ngài xin cho gương bác ái lớn lao của thánh nhân nêu gương sống hiến thân cho các bạn trẻ; lòng tín thác của người nơi Chúa Kitô Cứu Thế nâng đỡ các người đau yếu trong những lúc khổ đau; và sức mạnh tinh thần của thánh nhân nhắc nhớ cho các cặp vợ chồng mới cưới lấy đức tin làm trung tâm điểm cuộc sống hôn nhân.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi người. 

Linh Tiến Khải
(VietCatholic News)

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

VIDEO THÁNH CA TÔN VINH VÀ TẠ ƠN THIÊN CHÚA

NHÌN CÕI ÂM

Những người thân thương từ cõi âm cứ nhìn tôi đi, xin cứ nhìn tôi đi!

Nhìn trong nhìn ngoài, nhìn ánh sáng trong tôi, nhìn bóng tối đang rơi, nhìn cuộc đời tôi trôi đi đâu?

WGPSG -- Khi thăm những nấm mộ lạnh lẽo hoặc nghi ngút khói hương và cả những lúc ngồi một mình ở nhà, những lời mời mọc pha chút thách thức trìu mến ấy chợt đôi lúc hiện ra trong đầu: "Những người thân thương từ cõi âm cứ nhìn tôi đi, xin cứ nhìn tôi đi!"

Những người cõi âm sẽ nghĩ gì khi nhìn những người thân thương của mình còn đang sống giữa ánh sáng và bóng tối cuộc đời? Sống trên trần gian, nhiều lúc rất phấn khởi vươn lên, nhưng cũng không ít lần chợt hốt hoảng như Phêrô có lần thấy đôi chân mình bỗng chìm dần xuống nước trong sóng gió và bóng đêm:

Những người thân thương từ cõi âm cứ nhìn tôi đi xin cứ nhìn tôi đi!
Nhìn tôi yêu Ngài, rồi có lúc buông lơi, để nhức nhối băn khoăn: đời chìm dần hay đang ngoi lên?


Thắp một nén hương cho người thân ở cõi âm, người cõi trần nhìn lên nấm mộ trước mặt rồi nhìn lại hồn mình, bỗng dưng giật mình thảng thốt:

Và tôi nhìn người, nhìn cái chết trong tôi mà thống hối ăn năn vì cuộc đời trôi nhanh, trôi nhanh…

Người cõi âm trước đây ở trần gian cũng từng có những trải nghiệm như thế về thân phận mong manh của mình nên cái nhìn của họ hẳn cũng sẽ bao dung thôi! Những cảm nhận trên khiến cho Âm-Dương dù xa cách vẫn muốn gắn vào nhau trong những ước mong:

Và tôi cùng người chợt muốn nắm tay nhau cầu Chúa giúp đi lên để cùng truyền thông muôn ơn thiêng.

Vạn lạy Chúa, đây bao người thân đã lìa cõi thế, tuy xa mà vẫn rất gần, hằng ở bên con, đang nhìn con!

Thì ra Âm và Dương vẫn hằng ở bên nhau, đặc biệt mật thiết là những người đã từng đồng bàn với nhau
trong những bữa tiệc Thánh Thể cùng nên một trong thân thể Đức Kitô cùng sống mãi trong Ngài:

Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống,không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời". (Ga 6,54-58)

Vâng,
Những người thân thương từ cõi âm cứ nhìn tôi đi xin cứ nhìn tôi đi!

Video clip “Nhìn Cõi Âm” dưới đây sẽ chia sẻ đôi chút những cảm nhận thoáng qua nhưng ấm nồng về những liên hệ Âm-Dương.

Cuộc đời này có phong phú hơn không khi con người có một lúc nào đó muốn đẩy cái nhìn và vòng tay của mình vượt qua những cõi bờ đa tạp mà vô thường của trần thế?

Để cõi trần sẽ luôn nhớ gửi đến cõi âm những việc lành và lời cầu nguyện trong khi cõi âm vẫn phủ lên cõi dương những hỗ trợ rất hữu hiệu tràn đầy tình thương dịu dàng của mình:

Và tôi cùng người chợt muốn nắm tay nhau cầu Chúa giúp đi lên để cùng truyền thông muôn ơn thiêng...


Linh Hữu
(WGPSG)

VIDEO TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON CẦU NGUYỆN CHO CÁC GIÁM MỤC VÀ LINH MỤC ĐÃ TỪ TRẦN