Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

BỔ NHIỆM GIÁM QUẢN TÔNG TÒA GIÁO PHẬN HÀ TĨNH

 

BỔ NHIỆM GIÁM QUẢN TÔNG TÒA GIÁO PHẬN HÀ TĨNH

WHĐ (19.03.2021) - Hôm nay, ngày 19 tháng 03 năm 2021, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức thánh cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P. từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính toà Giáo phận Hà Tĩnh; đồng thời, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục hiệu tòa Catrum và đang là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh “trống tòa và theo ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
 
Tiểu sử Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P.
  • Sinh ngày 02 tháng 02 năm 1945 tại giáo xứ Làng Anh (Nghi Phong, Nghi Lộc) Nghệ An
  • Ngày 15 tháng 8 năm 1964: Vào Tập viện dòng Đa Minh tại Vũng Tàu
  • 1965 - 1972: Học triết học và thần học tại Học viện Đa Minh Vũng Tàu và Thủ Đức
  • 1968 - 1971: Học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp Cử nhân Triết học Đông Phương
  • Thụ phong linh mục ngày 08 tháng 8 năm 1972 tại Sài Gòn
  • 1972 - 1978: Du học tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học Tây phương
  • 1978 - 1979: Học chính trị kinh doanh tại Đại học Genève, Thụy sĩ
  • 1981 - 1986: Giáo sư tại Phân khoa Thần học Lima, Péru.
  • 1984 - 1991: Giáo sư và Giám đốc Học vụ của Học viện Thần học Gioan XXIII, Lima, Péru
  • 1989 - 1994: Trung tâm nghiên cứu Bartolomé de Las Casas, Lima, Péru
  • Năm 1994: Tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Phân khoa Thần học Đức Mẹ Lên Trời, São Paulo, Brazil
  • 1996 - 2004: Giáo sư tại Phân khoa Xã hội thuộc Đại Học Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô, Roma
  • 2004 – 2007: Giám Đốc Học vụ của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam
  • Ngày 13 tháng 5 năm 2010, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vinh. Được truyền chức Giám mục ngày 23 tháng 7 năm 2010, khẩu hiệu Giám mục: “Sự thật và Tình yêu”
  • Ngày 22 tháng 12 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, tách ra từ Giáo phận Vinh và Đức cha Phaolô được bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa tiên khởi của Giáo phận Hà Tĩnh
  • Tại Đại hội lần thứ XI (4-8/10/2010) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Công lý và Hòa bình được thành lập, Đức Cha Phaolô được bầu làm Chủ tịch Ủy ban trong nhiệm kỳ đầu tiên, 2010 - 2013. Tại các Đại hội lần thứ XII (7-11/10/2013) và XIII (3-7/10/2016), Đức Cha Phaolô tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
********
 Tiểu sử Đức Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn
  • Sinh ngày 26 tháng 12 năm 1962 tại Quảng Nam, Đà Nẵng
  • 1969 - 1979: Học các trường Lasan Mossard, Lasan Taberd Saigon, Trần Quốc Tuấn
  • 1979 - 1984: Học Đại học Tổng hợp (Khoa học Tự nhiên) Tp. HCM, tốt nghiệp Cử nhân Toán-Tin học
  • 1993 - 1999: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon
  • Thụ phong Linh mục ngày 30 tháng 6 năm 1999 tại nhà thờ Chánh Toà Đức Bà Saigon
  • 1999 - 2001: Linh mục phụ tá giáo xứ Phú Nhuận, trợ giảng sinh ngữ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon
  • 2001 - 2006: Học tại Học viện Gia Đình Gioan-Phaolô II (Đại học Lateranensis), Roma; tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học (S.T.D) chuyên biệt về Hôn nhân và Gia đình
  • 2006: Học về Đào tạo Ơn gọi tại Đại học Gregoriana, Roma
  • 2006 - 2014: Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Saigon - Tp. HCM
  • 2007 - 2013: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Saigon - Tp. HCM
  • 2007 - 2017: Trưởng ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Saigon - Tp. HCM; Thư ký Uỷ Ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
  • 2007 - 2017: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của TGP Saigon - Tp. HCM
  • 2009 - 2014: Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (Giáo tỉnh Saigon)
  • 2014 - 2018: Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam
  • Ngày 25 tháng 8 năm 2017 được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh (hiệu toà Catrum). Được truyền chức Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 2017, khẩu hiệu Giám mục: “Này con đây”
  • Ngày 19 tháng 3 năm 2021, Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Hà Tĩnh
  • Tại Đại hội lần thứ XIV (30/9/2019 - 04/10/2019) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
 (WHĐ)

CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG - MỘT TÌNH YÊU & GIA ĐÌNH ĐẸP


LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM B (Ga 12, 20-33)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 20.3.2021


Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

TU SĨ KHÔNG TU PHỤC: NGƯỜI MẸ THỨ HAI CỦA TÔI

 

TU SĨ KHÔNG TU PHỤC: NGƯỜI MẸ THỨ HAI CỦA TÔI 

TGPSG -- Mang danh là tu sĩ mà dường như chẳng mấy ai biết, vì chẳng có tu phục lẫn đời sống cộng đoàn. Cùng chiến đấu sống giữa thế gian mà chẳng thuộc về thế gian để sống trọn vẹn ba lời khuyên Phúc âm.

Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo, ở vùng quê, hằng ngày vất vả mưu sinh trên cánh đồng lúa. Dù chẳng được sống trong gấm vóc lụa là, mâm cao cỗ đầy, nhưng gia đình tôi luôn tràn đầy niềm vui, bình yên và hạnh phúc. Tôi được cha mẹ giáo dục, dạy dỗ trở nên người tốt và nhất là được học biết về Thiên Chúa là người Cha đầy nhân hậu và từ bi.

Nơi tâm trí của tôi, luôn có hình ảnh một người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra tôi. Tôi vẫn thầm cảm tạ Chúa đã cho tôi được làm con của mẹ, và qua mẹ, tôi được làm con của Chúa. Ngoài ra, tôi còn có một người mẹ thứ hai, chẳng phải là người đã sinh ra tôi, nhưng lại có tầm ảnh hưởng rất lớn trên cuộc đời tôi. Đó là cô của tôi. Tuy cô là chị gái của mẹ tôi, nhưng chúng tôi vẫn quen gọi là cô, vì những người trong giáo xứ vẫn quen gọi cô như thế.

Trong nhà ngoại, cô là người con thứ hai, nên việc chăm sóc các em và các cháu đã trở thành như là một bổn phận mà Chúa muốn cô phải chu toàn. Cô không lập gia đình, cô sống với ông bà ngoại để chăm sóc ông bà. Hằng ngày cô làm việc nhà, nấu nướng và làm ra những sản phẩm từ tre, nứa, mây… Với công việc như thế, cô có nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho các cháu.

Cô chọn cho mình một hướng đi là sống độc thân vì Nước Trời theo linh đạo của tu hội ‘Tôi tá Thánh Tâm Chúa Giêsu’. Mang danh là tu sĩ mà dường như chẳng mấy ai biết, vì chẳng có tu phục lẫn đời sống cộng đoàn. Cùng chiến đấu sống giữa thế gian mà chẳng thuộc về thế gian để sống trọn vẹn ba lời khuyên Phúc âm. Điều đó phần nào nói lên tính cách khiêm nhường, âm thầm, nội tâm sâu xa nơi con người cô tôi. Và đặc biệt hơn hết, cái tên cúng cơm “cô Thép” mà mọi người gọi cô làm cho cô thêm cứng cỏi trong hành trình lữ thứ trần gian của mình.

Tuổi thơ của tôi hầu hết là được ở bên cạnh cô. Vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ tôi phải vất vả với cuộc sống mưu sinh, lặn lội với cánh đồng lúa kiếm miếng cơm từng ngày từ sáng sớm đến khi chiều tà, nên phần lớn thời gian tôi ở bên nhà ngoại với sự chăm sóc của cô. Ngay từ những ngày còn nằm trên nôi, tôi đã được nghe cô ru ngủ, với giọng ca trầm ấm. Lớn lên một chút, cô bắt đầu kể chuyện cho tôi nghe, những câu chuyện về nhiều khía cạnh của cuộc sống như lòng hiếu thảo, đền ơn đáp nghĩa, yêu thương… và nhất là những câu chuyện về hạnh các thánh giúp cho tôi dần dần nhận biết về Thiên Chúa, về con đường mà Thiên Chúa mời gọi các Kitô hữu là hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô trên quê hương vĩnh cửu Nước Trời.

Vì sống đời tu nên cô tôi rất yêu mến Chúa. Cô tham dự thánh lễ mỗi ngày. Cô là ca trưởng một ca đoàn trong giáo xứ nên lời ca tiếng hát trở nên như lời ngợi khen, chúc tụng tuyệt hảo mà cô dành cho Chúa, qua đó, giúp tôi ý thức tham dự phụng vụ cách sinh động và kết hiệp mật thiết với Chúa, như lời Thánh Augustinô đã nói: “Hát hay là hai lần cầu nguyện”.
 
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô dạy tôi làm dấu thánh giá khi tôi mới biết phân biệt bên phải bên trái. Như một số đứa trẻ khác, tôi cứ quen tay làm dấu bên trái. Không một lời la mắng, hay thất vọng, cô vẫn kiên nhẫn cầm tay tôi và giúp tôi làm dấu, như Chúa Giêsu kiên nhẫn giảng giải cho các môn đệ những dụ ngôn mà các tông đồ không hiểu. Cô nói: “Khi con làm dấu là lúc con tôn vinh danh Chúa Ba Ngôi và xác tín niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Nếu con nhìn thấy ai làm dấu thánh giá thì đó là dấu chỉ cho thấy người đó là Kitô hữu, là anh chị em với chúng ta”. Những lời nói đó, khi ấy, tôi chưa hiểu hết. Lớn lên rồi, mỗi lần làm dấu thánh giá, tôi lại nhớ đến cô. Qua cô, tôi nhận ra được Thiên Chúa mà tôi tôn thờ cũng yêu thương con người như thế.

Chính từ nơi cô, tôi được nhận biết về tình yêu Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng những hành động cụ thể dù rất nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày mà đôi khi tôi đã đánh mất cơ hội không làm.

Cô hay nhắc câu lời Chúa mà cô đã chọn làm phương châm cuộc sống của mình: “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này, dù chỉ một chén nước lã thôi vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42). Cô sẵn sàng chia sẻ vật chất cho những người nghèo khổ sống bên cạnh cô, dù cuộc sống của chúng tôi chẳng khá giả gì. Hằng tháng, cô dành ít chút thời gian để đi thăm viếng những người ốm đau bệnh tật trong giáo xứ. Những điều đó đã khắc ghi vào trong tâm trí của tôi rất nhiều, nó ảnh hưởng cả đến ơn gọi tu trì của tôi sau này.

Bây giờ, là nữ tu của Hội Dòng với linh đạo ‘sứ mạng trợ thế’ - chăm sóc các bệnh nhân tâm thần, khuyết tật - tôi mới nhận ra điều cô dạy thật hữu ích. Việc chăm sóc các bệnh nhân đòi hỏi tôi phải nhận ra được hình ảnh của Đức Kitô nơi những khuôn mặt xấu xí, tính tình thất thường… Điều này thật chẳng dễ chút nào. Để làm được điều đó, tôi phải có một niềm tin mạnh mẽ vào tình yêu của Chúa Giêsu. Chính những việc làm bác ái của cô tôi đã chuẩn bị cho tôi hành trang của con đường tu trì. Đây là điều quan trọng mà cô luôn muốn tôi nhớ đến hằng ngày: “Là con cái Chúa, tôi phải biết sống điều răn mới của Chúa: Hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em.”

Suốt cuộc đời, cô đã nỗ lực hoạt động tông đồ như không biết mệt mỏi: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 2,17). Ngoài những giờ làm việc bổn phận ở nhà, hầu hết khoảng thời gian còn lại cô dành cho công việc nhà Chúa: phụ trách giáo lý, tham gia ca đoàn, thăm viếng bệnh nhân và người nghèo... Từng việc, cô chu toàn cách âm thầm khiêm tốn, với tất cả lòng yêu mến, không hề mong được ca ngợi hay cám ơn. Cô noi gương thánh bổn mạng Têrêsa nhỏ bé của mình, thao thức mang Lời Chúa đến cho mọi người bằng chính những việc nhỏ bé hằng ngày, ngay cả việc chăm sóc các cháu, mà cô đã chăm sóc như một người mẹ thực sự. Cô luôn ý thức mình là người tông đồ của Chúa, được Chúa tha thiết mời gọi: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) và loan báo bằng những việc làm cụ thể, dù rất nhỏ bé, chẳng được ai biết đến.

Cô tâm đắc lời của thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,8-9)

Mỗi buổi tối, tôi vẫn thấy cô cặm cụi cần mẫn ghi chép, soạn bài giáo lý, hay những bài hát được cô kẻ nhạc, vì thời đó, nơi tôi ở là vùng quê, không có máy in, nên tất cả đều phải viết tay. Cô ý thức công việc cô làm không chỉ là để hướng dẫn một thế hệ con người phát triển về nhân cách, nhưng còn đem con người đó đến với Chúa, kết hợp với Ngài, và chu toàn bổn phận là người con của Chúa. Cô đã gieo vãi hạt giống đức tin cho thế hệ trẻ và chính bản thân tôi cũng được đón nhận niềm tin ấy đang ngày càng lớn dần lên trong sự hướng dẫn của cô. Nhờ cô, tôi nhận biết về Thiên Chúa nhiều hơn, về tình yêu Ngài dành cho tôi. Cô không chỉ là một người mẹ hiền chăm lo từng chút cho tôi, mà còn là người cha cho tôi chỗ dựa vững chắc trong đức tin nữa.

Điều khiến tôi suy nghĩ và ái ngại nhiều đó là: việc cô hoàn thành xuất sắc công việc, lại khiến cho nhiều người ganh tị. Có những ca viên, vì ganh ghét, đã nói xấu, giận dỗi với cô. Họ muốn cô tôi không giữ chức ca trưởng nữa.

Trước những thái độ ấy, cô vẫn giữ thái độ ân cần, lắng nghe, đón nhận những lời đóng góp, nhưng cũng rất cương quyết giữ vững lập trường của mình. Cô làm mọi việc không vì lợi ích cá nhân, nhưng là vì tập thể và nhất là vì đó là công việc nhà Chúa mà Chúa muốn cô thi hành. Như cái tên “Thép” của mình, nhờ niềm tin vào ơn trợ giúp của Chúa, cô vượt qua mọi rào cản của cuộc sống, như lời Chúa nói trong thư của thánh Phaolô tông đồ: “Ơn ta đủ cho con”.

Nhưng dù luôn mang khuôn mặt cứng cỏi, bình tĩnh bên ngoài, bên trong của cô lại là một tâm hồn nhạy cảm. Tôi đã từng thấy cô khóc trước tượng Chúa Kitô chịu nạn. Cô đang cô đơn, và chỉ có Chúa mới thấu suốt tâm hồn cô. Chắc có lẽ lúc đó cô đang nhủ thầm cùng Chúa “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?”.

Qua những sự việc diễn ra trong ca đoàn, tôi thấy cô rất vững chắc trong cách ứng xử với mọi người. Cô im lặng hơn là phản kháng, có lẽ cô muốn để thời gian trả lời cho những gì cô làm: không phải vì lợi ích cá nhân nhưng là để thực thi thánh ý Chúa.

Cuối cùng, điều thật buồn đã đến: Chúa đã gọi cô rời trần gian về cùng Chúa, khi tuổi đời của tôi chưa đủ lớn. “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”, đúng thế, nhưng làm sao vui được đối với một đứa trẻ như tôi. Tất cả các thành viên trong gia đình chúng tôi đã trải qua một cơn sốc nặng. Chúa đã thử thách niềm tin của chúng tôi qua biến cố này. Dù sao, với sự ra đi mãi mãi của cô, Chúa đã muốn chúng tôi phải sống thật tốt những lời cô dạy, noi gương bắt chước các nhân đức cô để lại, nhất là đức ái tuyệt hảo đối với tha nhân.

Những lời cuối cùng cô dặn dò tôi: “Hằng ngày con phải tham dự thánh lễ và chăm sóc các em thật tốt nhé!” Mỗi khi bước chân vào nhà thờ, tôi lại nhớ đến cô. Dù không có người con nào, nhưng sự ra đi của cô đã để lại cho biết bao người sự luyến tiếc. Các ca viên, huynh trưởng, giáo lý viên cùng các em thiếu nhi mà cô đã hướng dẫn, dạy dỗ, đã khóc thật nhiều trước linh cữu của cô. Thánh lễ an táng, là thánh lễ cuối cùng chúng tôi cùng cô tham dự, đã diễn ra thật sốt sắng nhưng cũng đầy nghẹn ngào, đau đớn. Trước khi nấm mồ của cô khép lại, chúng tôi đã có những lời cuối cùng với cô, vì chúng tôi tin cô đang ở bên chúng tôi trong vào lúc ấy.

 “Nhìn lại quá khứ với tâm tình biết ơn”, đó là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxixô trong năm Đời sống thánh hiến 2015. Vâng, nhìn lại những năm tháng sống bên cô, tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi một người cô thật tuyệt vời. Giờ đây, khi chọn cho mình con đường theo Chúa trong ơn gọi tu trì, nhiều bài học mà tôi nhận lãnh từ nơi cô đã trở nên hữu ích cho tôi trong đời sống cộng đoàn. Tôi chỉ biết đáp đền tấm lòng của cô bằng lời cầu nguyện mỗi ngày. Xin cho linh hồn cô tôi được hưởng ánh sáng vinh quang của Chúa. Tôi quyết tâm sống thật tốt sự lựa chọn của mình, và chắc chắn đó cũng chính là điều cô hằng mong ước nơi tôi.

Agata Kiều Minh Thư, HSC (TGPSG - NSTM 43)

(WGPSG)

CHÚC MỪNG ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI


BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 7: DÃ QUỲ HƯƠNG


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 17.3.2021


Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

CHUYỆN ĐỜI TU: MẸ TÔI

MẸ TÔI

TGPSG -- Hình dáng mẹ vội vàng đến đón tôi với những giọt mồ hôi nhễ nhại, ướt cả áo, luôn in đậm trong trái tim tôi.

Mẹ đã chạy hơn hai chục cây số đường rừng để ra nhà trọ đón tôi về. Trông thấy mẹ lòng tôi quặn đau, muốn khóc nức lên nhưng không sao phát ra thành tiếng được.

Tôi ngồi lên chiếc yên xe - vẫn còn đó dấu cột những sợi kẽm mà trước khi đi, ba đã làm cho mẹ để ở nhà chở hàng.

Ngồi sau lưng mẹ tôi nghe thấy mùi mồ hôi, mùi của đất đỏ bazan, mùi của tháng ngày gian khổ và cả mùi của một tình yêu trọn vẹn. Nhiều lúc mẹ phải cố đứng thẳng lên để gồng đạp hết sức, khi chở tôi vượt qua những con dốc đầy đá lởm chởm. Áo đẫm mồ hôi, nhưng mẹ vẫn mỉm cười nói với hơi thở dồn dập: “Cố một chút, sẽ qua hết con à!” Đằng sau lưng mẹ, tôi nín thở bởi nỗi nghẹn ngào đang chặn ngang cuống họng.

Mẹ kể cho tôi nghe nhiều về ba, về những kỉ niệm của ba và mẹ. Vẫn con đường quen thuộc nhưng hôm nay, bỗng dưng tôi thấy nó như dài hơn bởi lòng tôi đang chất chứa những hình ảnh về ba và mẹ với những đôi tay đã chai sần theo năm tháng vì bốn anh em chúng tôi. Thương ba mẹ quá!

Con đường dài đăng đẳng và đáng nhớ cũng đã bị khuất phục và lui lại phía sau, chịu thua ý chí kiên cường của mẹ. Mẹ thắng chiếc xe đạp bằng chiếc dép lào cao su đã hao mòn. Tôi bước vào căn nhà thân quen với những tấm phên đan bằng tre đã mục nát và mái tranh tả tơi đang chờ ba tôi về lợp lại. Bà nội ôm tôi sau những tháng ngày xa nhớ và rưng rưng dòng nước mắt. Tôi mỉm cười:

- Con chào nội, con mới về!

- Cha mày! Cứ ốm nhom ốm nhách vậy à!”

Bữa cơm tối của gia đình tôi bắt đầu cũng là lúc mặt trời đã lặn từ rất lâu. Ngọn đèn dầu mờ ảo được đặt trên cái tủ nhỏ duy nhất của gia đình để thờ ông nội. Nội cho tôi chén cơm tốt nhất, chén cơm có trộn ít khoai lang hơn chén bé Út và anh hai. Suốt hai năm rồi nhà tôi hiếm khi được ăn cơm trắng một lần. Mẹ gắp cho tôi vài cái tóp mỡ được kho mặn cùng đu đủ non, với giọng nói trìu mến:

- Ngon lắm! Con ăn đi! Hôm nay nội biết con về nên để dành cho con”.

Tôi được nghỉ ở nhà hơn một tháng. Ba tôi và anh ba cũng trở về sau nhiều năm đi làm thuê ở Phan Rang. Tôi cảm thấy vui lắm khi được đoàn tụ bên gia đình, đã lâu rồi tôi chưa được hơi ấm gia đình bao bọc như thế…

Mỗi sáng, khi tiếng gà chưa kịp gáy là ba, mẹ tôi và cả bà nội cùng dậy để kịp làm mì quảng đi giao cho người ta ở ngoài thị trấn cách nhà tôi chừng chục cây số, trong khi bốn anh em tôi còn đang say giấc ngủ.

Khoảng ba giờ sáng tôi thức dậy là lúc ba tôi ràng hai thúng mì đằng sau chiếc xe đạp để mẹ kịp chở đi. Cũng từ thị trấn, mẹ bắt đầu lấy ít cá để chạy vòng về có gì bán thêm trong chợ nhỏ quê tôi để cải thiện cho cuộc sống của gia đình.

Dù nghèo, dù khổ nhưng gia đình tôi không thiếu tiếng cười bao giờ. Dù phải đi học xa nhưng mỗi lần tôi trở về nhà, luôn luôn hưởng niềm vui của sum họp đầm ấm như thế.

Bước sang tuổi mười lăm, tôi đậu vào trường cấp III, được tuyển vào lớp chọn vì điểm thi khá cao, nhưng bao nỗi ưu tư lại chồng chất trong tâm trí tôi: ba mẹ sẽ vui như thế nào khi biết tôi học tốt nhưng lại phải tốn thêm một khoản tiền không ít để lo cho tôi ăn học. Tôi im lặng trước niềm vui lẫn nỗi lo lắng của ba lẫn mẹ.

Ngày tháng trôi qua, dãy nhà trọ vẫn còn đó. Mỗi tháng mẹ vẫn gửi cho tôi bảy chục ngàn tiền trọ và một ít tiền nấu cơm chung với bạn bè. Chương trình học ngày càng nhiều, nhu cầu học thêm theo yêu cầu của giáo viên ngày càng phổ biến. Tôi phải có tín chỉ tin học mới được ra trường, nhưng làm sao có thể ngỏ lời khi gia đình tôi vẫn nghèo khổ?

Đôi lần tôi tự nhủ hay là xin nghỉ học! Nhưng như thế, chắc tôi sẽ làm cho cả nhà thất vọng, vì thế, tôi cố gắng vươn lên vì mẹ tôi đã từng nói: “Cố một chút, sẽ qua hết con à”.

Tôi giấu ba mẹ đi làm thêm, tôi kiếm giờ làm bánh flan và đi bán với ước mong rằng sẽ bớt gánh nặng cho ba mẹ một chút. Mỗi ngày trôi qua tôi vẫn thấy ổn nhưng có vẻ vấn đề học tập thì không. Tôi bắt đầu sa sút việc học, hạng điểm của tôi bắt đầu rớt từ từ… Tất nhiên là tôi không dám đem kết quả về nhà, điều tệ hơn là tôi bắt đầu có những buổi vắng học không phép và nhiều lần ngủ trong giờ học bị phạt quỳ trước cửa lớp.

Một ngày bất ngờ đã đến, mẹ lên trường tôi có việc nhưng không có sự hiện diện của tôi trong lớp. Mẹ lo lắng không biết rằng tôi có bệnh gì không, mẹ chạy nhanh về nhà trọ nhưng phòng trọ vẫn lạnh lẽo vì vắng bóng tôi. Mẹ tôi bắt đầu nôn nao, lo lắng gấp bội. Bà chủ nhà trọ than thở:

- Con bé ngày nào mới lên ở rất dễ thương, nói dạ thưa nghe lễ phép nhưng dạo này thấy nó lì quá, bỏ học ở nhà ngủ, đi đâu cũng không nói tiếng nào. Có hôm nó đi tới mười giờ đêm rồi trèo rào nhảy vào làm chó sủa um sùm không ai ngủ được…

Tôi trở về phòng khi mặt trời đứng bóng, tôi cảm thấy chao đảo khi nhìn thấy mẹ tôi ngồi co ro trước cửa phòng. Tôi đang rất đói nhưng lại quên ngay bởi vì một sự lạnh lùng ẩn hiện trên khuôn mặt của mẹ. Không một lời, mẹ nhìn tôi và tôi hiểu điều gì đang xảy ra…

Ngồi sau lưng mẹ trên con đường về nhà hôm nay không giống như mọi khi nữa, mẹ chở tôi bằng chiếc xe máy city cũ rích mà ba mẹ dành dụm mua được, mẹ không hề nói với tôi tiếng nào. Sự lo lắng của tôi càng nặng hơn, trái tim tôi hồi hộp nhưng nghẹn thở quá, mẹ không nói gì sao? Mẹ sẽ nói gì khi về nhà? Rồi bao nhiêu hình ảnh mà tôi tưởng tượng ra… Tôi đã biết sai nhưng sao khó mà nói lời xin lỗi mẹ, tôi bắt đầu nghĩ đến những lí do những biện luận mà tôi nghĩ rằng mình có thể nói để bớt cơn thịnh nộ mà tôi đang làm tổn thương mọi người hay nói cách khác tôi đang muốn lẫn trốn…

- Ngày mai, ở nhà.

Sau cùng mẹ cũng đã nói nhưng lại chỉ là một câu nói thót tim tôi. Chưa bao giờ mẹ như thế, tôi lại cố giải thích theo cái non nớt của tuổi khó dạy khó bảo. Tôi nói nhiều, tôi đưa ra những lời giải thích để mẹ tôi thôi giận và bớt đau nhưng càng nói càng giải thích tôi lại càng làm mẹ khó chịu và làm tổn thương trái tim người mẹ hiền.

- Con nói là sợ ba mẹ vất vả nên con mới đi làm thêm để kiếm tiền đi học. Con nói đi, có bao giờ ba mẹ để con thiếu chưa?

Tôi đã cố gằn giọng:

- Nhưng con phải học thêm, bạn bè con đi học thêm và được thầy ưu tiên cho điểm cao, con không phục, con phải có tiền, con học thêm thầy mới không ‘đì’ con”.

Càng nói mẹ tôi càng khóc, chưa bao giờ tôi thấy mẹ như thế. Bà nội tôi không biết chuyện gì xảy ra nhưng cũng khóc, có lẽ nội khóc vì nhìn thấy cái khốn cái khổ của con cái và cái xã hội xuống cấp này trong nền giáo dục. Chưa bao giờ tôi dám trả lời với mẹ như thế, tôi vẫn sống tốt sống ngoan, cả nhà đặt sự tin tưởng và hy vọng vào tôi nhiều thế nào nhưng sao hôm nay tôi lại như vậy chính tôi cũng không thể hiểu. Trước sự ngoan cố lì lợm của tôi lần đầu tiên nhưng cũng là lần duy nhất mẹ cho tôi ăn cây liên tục.

- Ba mẹ có cần con đi kiếm tiền không? Con nói con đi kiếm tiền để học nhưng kết quả là sao, con bỏ học rồi theo bạn làm thêm cái này cái kia, học thì không ra gì để cô giáo gửi thư mời về nhà. Con có biết mẹ xấu hổ như thế nào khi gặp cô giáo không? Tại sao con lại hư như thế, tại sao lại để ba mẹ thêm gánh nặng hả? Đã vậy mẹ dạy còn ngoan cố cãi cho bằng được, theo bạn theo bè chỉ học được cái cải bướng như thế thôi sao?

Tôi vẫn đứng yên cho mẹ tôi trút giận mà không hề kháng cự gì. Khi nghe những lời này từ con tim đang đau đớn của mẹ trái tim tôi như co thắt lại trong sự đau đớn tột cùng vì lỗi của mình. Tôi nghẹn ngào nói:

- Mẹ ơi! con đau quá.

Vừa dứt tiếng cũng là lúc mẹ buông cây roi và ôm lấy tôi. Bà ôm tôi trong nỗi đau không thể diễn tả. Tôi đã khóc với lời “con xin lỗi.” Có thể tôi đang dần cảm nghiệm mẹ tôi đã yếu dần theo những năm tháng tôi học xa nhà. Mẹ vắt chiếc khăn ướt để đắp lên những nơi tôi bị vết roi làm đỏ.

Tôi đã cảm nghiệm thật sự như thế nào về tình yêu của mẹ dành cho tôi, tôi đã hiểu như thế nào là ân nghĩa của đấng sinh thành và đã ý thức rằng không đại dương nào có thể đo thấu tình mẹ cha để rồi tôi dừng những ý riêng của mình lại cùng với sự nổ lực sống cho trọn chữ hiếu phận làm con.

***

Ngày tháng cũng trôi qua, tôi tốt nghiệp cử nhân hội họa và chọn cho mình một con đường để bước đi. Cánh cổng tu viện dòng thánh Phaolô mở ra cho tôi, tôi rời khỏi mái ấm gia đình nhưng một lần nữa tôi lại cảm nếm giọt nước mắt của hạnh phúc của tự hào và hy vọng. Mẹ ôm lấy tôi và nói: “kiên trì và bền đỗ, con nhé.”

Hình bóng mẹ đen đúa hao gầy khuất dần khi cánh cửa tu viện khép lại. Tôi đã muốn chạy theo để ôm mẹ thêm một lần, một lần thôi nhưng đôi chân tôi đã giữ tôi lại. Một lần nữa trái tim tôi thao thức muốn nói lời “Con cám ơn ba và mẹ”, những con người đã xây dựng cho tôi khát vọng vươn lên và ý lực kiên cường trong gian khổ. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng ba mẹ vẫn không một lời than thở để nuôi anh em chúng tôi ăn học nên người như người ta. Bé Út nhà tôi cũng tốt nghiệp y khoa, cám ơn Chúa vì giờ này ba và mẹ có thể thở nhẹ hơn một chút, nhưng thay vì có thể trả ơn ba mẹ bằng công việc của mình thì bé lại như tôi xây dựng đời mình trong tu viện Đa Minh Rosa. Sự vắng bóng của chị em chúng tôi, sự lo lắng làm sao cho hai đứa nhỏ trung thành đã làm mái tóc của ba và mẹ bạc trắng.

***

Thời gian chị em tôi chuẩn bị vào nhà tập thì cũng là thời gian Thiên Chúa nhân lành Ngài thử thách Đức tin của mẹ của gia đình tôi, lần lượt bà nội tôi và ba tôi ra đi trở về với Chúa để lại cho mẹ và bốn anh em tôi những nỗi đau và sự nhớ thương vô cùng. Khát vọng được nhìn con mặc chiếc áo dòng đã chôn theo thân xác của ba ngày an táng.

Đứng trước mộ ba với màu đỏ của đất Bazan, mẹ tôi hao gầy, tiều tụy… Một cặp đũa sánh chung vai suốt chặng đường dài thì giờ này mẹ tôi như một chiếc đũa lẻ cô đơn vắng lặng. Mẹ không nói gì, sự lặng thinh thật sự đau đớn và khó diễn tả. Chúng tôi nhìn mẹ nhưng không biết phải làm sao vì sự mất mát bất ngờ và rất lớn mà Thiên Chúa dành cho gia đình tôi lúc này. Ôm lấy mẹ, bốn anh em tôi khóc nhiều nhưng tiếng nói của mẹ lại cất lên cách mạnh mẽ “phó thác cho Chúa hết đi con à!” Lần này tôi mới thật sự hiểu sức mạnh trong trái tim Mẹ của tôi là gì.

Một lần nữa rời khỏi gia đình, tôi trở lại nhà tập; anh hai tiếp tục công việc ở phương xa, chỉ còn anh ba lủi thủi với mẹ trong những ngày tiếp theo của cuộc sống. Tôi không biết rõ sau ngày ấy mẹ tôi phải chịu nỗi nhớ ba và vất vả đau khổ như thế nào nhưng tôi hiểu mẹ sẽ phải chôn giấu nỗi đau này nhiều lắm.

Mẹ tôi là thế đó! Mẹ thật bình thường, giản dị. Mẹ chẳng được ăn học nhiều, rất vất vả và chịu thương chịu khó nhưng giàu nghị lực, kiên định và bao dung. Mẹ dìu tôi bước đi với cả kho kinh nghiệm quý báu mà mẹ đã trao lại cho tôi như một gói hành trang để tôi an tâm tiến tới ước mơ.

Cả cuộc đời tôi như chưa một lần giận hờn mẹ vì mẹ đánh tôi nhưng nó mang lại cho tôi một cảm nghiệm thiêng liêng, một tình yêu to lớn, một trách nhiệm trọn vẹn mà mẹ và ba đã dành cho anh em chúng tôi, cho những hoa trái của lời hứa hôn nhân ngày ba mẹ kết ước. Mẹ đã đi vào cuộc đời tôi và dệt nên trong tôi biết bao biến cố như là “chuỗi dài ân sủng của Thiên Chúa”. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ hồng ân của Chúa, Ngài đã dành cho tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất và ban xuống trên cuộc đời tôi qua bàn tay chăm sóc của mẹ, nhờ sự dạy dỗ ân cần của mẹ mà tôi được nên người. Trong tận sâu thẳm của cõi lòng tôi không biết lấy gì để nói lên lời cám ơn mẹ cho xứng.

***

Như bàn đạp của chiếc xe quay quanh trục rồi trở lại vị trí ban đầu và cứ liên tục để chiếc xe chạy không ngừng mệt mỏi, tôi trở lại kí ức đã qua như là động lực để tôi vượt qua những khó khăn trong đời sống dâng hiến: hiểu lầm, tổn thương, vấp ngã…

Tôi ôm tất cả trở về với Thiên Chúa, tôi chỉ có thể nói với Chúa như đứa trẻ năm nào “Chúa ơi! Con đau quá!”, rồi sau đó tôi đã vỡ òa như ngày nào trong vòng tay mẹ.

Thật là khó hiểu, tôi đã cảm nhận Thiên Chúa đang ôm lấy tôi, tôi cảm nhận sau mỗi vấp ngã, sau mỗi lần tôi gặp sự cố trong đời dâng hiến, mà khó khăn càng lớn thì tôi luôn nhận được lại một sức mạnh lớn lao về hồng ân Đức tin, niềm xác tín vào sự quan phòng của Đấng tôi yêu thương.

Các biến cố của gia đình như có một sức bật thật lớn đã nâng tâm hồn tôi tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và trưởng thành trong đức tin nhiều hơn. 
 

Tôi đã mất ba nhưng trong đức tin tôi trở thành một đứa con nhỏ luôn được Chúa ấp ủ yêu thương. Chính vì thế tôi thật sự thích câu Thánh vịnh “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta cũng an ủi các ngươi như vậy” (Is 66, 13). Tôi chỉ biết dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân vì Ngài quá yêu tôi nên đã ban cho tôi có một người mẹ thật tuyệt vời ở trần gian này để thay cho Chúa dạy dỗ tôi, nuôi dưỡng tôi, dù cho tôi có bước đi lối nào thì hình ảnh của mẹ vẫn luôn dõi bước theo tôi.

Giờ thì tôi đã hiểu: Cuộc sống của chúng ta không có gì mà không thể vượt qua, chỉ cần trong tâm hồn ta có tình yêu. Tình yêu sẽ chắp cánh cho tôi và cho những ai khao khát sống tấm lòng biết ơn đi đến đỉnh điểm tình yêu là chính Đức Giêsu Kitô.
Ngô Dung (TGPSG - NSTM 39)
(WGPSG)