Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: LINH MỤC, TU SĨ RA TUYẾN ĐẦU TRONG NGÀY LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

 

LINH MỤC, TU SĨ RA TUYẾN ĐẦU 
TRONG NGÀY LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

TGPSG -- “Tình yêu của Chị Thánh Têrêsa vượt qua sự nhỏ bé giới hạn của con người... Hôm nay các cha, các tu sĩ cũng ra khỏi bức tường an toàn của nhà dòng để ra tuyến đầu...”

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã ngỏ lời như thế với các tình nguyện viên (TNV) trong lễ 'ra quân' đợt cuối, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM phối hợp tổ chức cho các TNV linh mục & tu sĩ lên đường phục vụ Bệnh viện Dã chiến số 12 - Chung Cư R5 Phường An Khánh. 
 
Buổi lễ 'ra quân' đã diễn ra vào lúc 10g ngày 1-10-2021. 

Đợt 'ra quân' này có 15 TNV, gồm:

- 2 linh mục: Lm Giuse Nguyễn Ngọc Tâm (Giáo xứ An Thới Đông,TGP Sài Gòn) và Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh (Dòng Tên);

- 7 tu sĩ của Dòng Anh Em Hèn Mọn;

- 1 tu sĩ Dòng Tên;

- 5 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức.

Trước lễ 'ra quân', chúng tôi có thực hiện 3 cuộc phỏng vấn với:
  • Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 12 - về hoạt động của TNV trong Bệnh viện Dã chiến (mời xem video);
  • Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh - Thành viên Ban Truyền Thông Dòng Tên - về vai trò Truyền thông trong thời gian dịch bệnh (mời xem video);
  • Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - chia sẻ hoạt động của UBMTTQVN/TPHCM với khối Tôn giáo (mời xem video).
Lễ 'ra quân' đã diễn ra trong bầu khí cởi mở và thân thương, vì nơi đây đã từng tiếp nhận 3 đợt TNV Công giáo ra phục vụ nơi ‘tuyến đầu’.
 
Mở đầu, Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM đặc trách thông tin hoạt động của UBMTTQVN/TPHCM - chia sẻ niềm vui:

“Hôm nay ngày 1-10, chúng ta thấy không khí trên đường đang trở lại trạng thái ‘bình thường mới’, tuy nhiên tại sao chúng ta cũng phải tiếp tục xuất quân?

“Bởi vì dịch Covid vẫn còn diễn biến khó lường nên không thể chủ quan. Hiện giờ các bệnh nhân vẫn còn chờ sự chăm sóc của các TNV. Cơ bản thì trong những tuần gần đây, tỷ lệ bệnh nhân xuất viện đã tăng lên. Giảm được tỷ lệ tử vong, đó là mục tiêu chúng ta mong muốn.

“Thay mặt cho Ban Dân vận, Ban Tôn giáo, UBMTTQVN Thành phố, chân thành cảm ơn sự tham gia của các TNV. Ước mong Ban Giám đốc Bệnh viện tạo điều kiện tốt nhất để các TNV cống hiến.”

Bà cũng cho biết, trong quá trình tham gia tổ chức các đợt TNV, lắng nghe những chia sẻ của các TNV, bà đều thấy “các TNV sẵn sàng làm hết mọi việc không phân biệt nặng nhẹ, giới tính… Các bệnh nhân rất vui khi gặp các TNV tu sĩ. Mặc đầu các TNV mặc đồ kín mít, nhưng họ vẫn biết các TNV là ai và mong các TNV cầu nguyện cho họ.”
 
Đại diện cho các TNV, Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh - Dòng Tên, chia sẻ tâm trạng ngày lên đường: 

“Chúng con cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì được chung tay góp sức với tổ quốc, với dân tộc mà phục vụ, khi dân tộc ta hiện đang thực hiện slogan: ‘Nỗ lực để không ai bị bỏ lại ở phía sau’.

“Sau những ngày giãn cách, lần đầu tiên ra khỏi Nhà Dòng, thấy xe cộ tấp nập hơn. Đó là dấu hiệu cho thấy đang có những tích cực. Thành phố đang hồi sinh, sau những nỗ lực của chính quyền các cấp, của giới y bác sĩ, của tất cả những người thành tâm thiện chí.

“Chúng con xin hưởng ứng lời Đức Tổng Giám mục Giuse kêu gọi: Hãy chạnh lòng thương như Chúa Giêsu thương xót những người nghèo, những người đau khổ bệnh tật…”

Linh mục Phêrô cũng chia sẻ hình ảnh trên chiếc thẻ đeo:

“MTTQVN TPHCM đã chọn hình ảnh rất đẹp: mọi người cùng nắm tay nhau, cùng nhau góp sức đưa TP trở về trạng thái ‘bình thường mới.”
 
Tiếp theo, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - Đại diện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn - có đôi lời với các TNV: 
 
“Đúng 24 giờ trước, tôi cũng có mặt tại đây, được bác sĩ Giám đốc dẫn đi thăm các bệnh nhân. Điều ngạc nhiên nhất là cơ ngơi, cơ sở rất tốt. Các bác sĩ rất tận tâm, bệnh nhân nhận được nhiều ưu ái, chăm sóc rất tốt.

“Nhưng đối với anh chị em linh mục tu sĩ thì, tôi chia sẻ kinh nghiệm này: Hôm qua bác sĩ Giám Đốc và một sơ - đã từng phục vụ ở đây 3 tháng - đã hướng dẫn tôi mặc đồ và cởi đồ bảo hộ khi đi vào thăm bệnh nhân. Điều đó cho thấy quy trình chuẩn bị trước khi phục vụ rất quan trọng; sự cộng tác, sự tỉnh táo trong khi làm việc rất cần thiết.

“Mong rằng, sau bao nhiêu năm tu luyện, thời gian này sẽ không phải là lúc mang sức của mình đi cho, nhưng là lúc thực hành những gì chúng ta đã học. Ngoài sức mạnh có được nhờ thực phẩm dinh dưỡng, chúng ta có sức mạnh của tình yêu Chúa.

“Khi mặc vào hoặc thay đồ bảo hộ, chúng ta có thể chiêm niệm hành động này: nếu sơ sẩy một chút trong việc thay đồ bảo hộ, chúng ta cũng có thể bị lây nhiễm. Trong cuộc sống cũng vậy, đôi khi sự sơ sẩy của chúng ta sẽ đưa đến sự dữ, có thể mất phần linh hồn. Vì thế, trong tình yêu Chúa, dù có mệt cũng không nản, không buông xuôi, không cẩu thả với chính mình để rồi mình trở thành một bệnh nhân và lây nhiễm cho người khác.

“Cảm ơn MTTQ đã tổ chức ngày hôm nay - rất ấn tượng đối với bên Giáo Hội Công Giáo - ngày lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chị Thánh Têrêsa sống có 24 tuổi mà được phong tiến sĩ. Chị tu dòng kín, nhưng lại là bổn mạng khắp nơi. Tình yêu của chị đã vượt qua khỏi bức tường, vượt qua sự nhỏ bé giới hạn của con người. Và hôm nay các cha, các tu sĩ cũng ra khỏi bức tường an toàn của nhà dòng để đến nơi mà Chúa đang chờ.

“Biết đâu 3 tuần nữa, bệnh viện đóng cửa là mình về rồi. Nhưng thay lời cho Đức Tổng, tôi vẫn chúc các cha, các thầy, các sơ, từng ngày, từng giây từng phút, phục vụ với tình yêu. Tình yêu sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sự. Với tình yêu đó, chúng ta cũng sẽ cảm nhận mình được các bác sĩ yêu thương chăm sóc, được các vị hữu trách tạo điều kiện thực hành những gì mình đã học hỏi. Chúc quý cha, quý thầy, quý sơ lên đường với sức nóng của con tim và sức mạnh của Thần Khí.”

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu, cũng là Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 12 - chia sẻ:

“Qua kinh nghiệm của các bệnh viện đã đón tiếp các thầy các sơ vừa rồi, phải nói rằng, các thầy các sơ đóng góp rất lớn cho hoạt động của bệnh viện, khi hỗ trợ nhân viên y tế, hỗ trợ bệnh nhân ở đây.

“Phải nói là các thầy các sơ đến đây bằng cái tâm, làm với tấm lòng, với tình thần trách nhiệm. Ban đầu bệnh viện còn những lo lắng, không biết sắp xếp như thế nào cho phù hợp. Nhưng các thầy các sơ đến đây với cả tấm lòng của mình nên mỗi người đã tự điều chỉnh sao cho hài hòa với bệnh viện.

“Bệnh viên gửi lời cảm ơn đến quý cha , quý thầy và quý sơ. Bệnh viên cũng tin rằng, Thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh, và có lẽ đây chắc chăn là đợt cuối ‘ra quân’.”

Kết thúc ‘lễ ra quân’, các linh mục và Tu sĩ nhận ba lô hành trang và hân hoan lên khu vực dành cho TNV tại Bệnh viện Dã chiến số 12, chuẩn bị cho buổi chiều tập huấn để chính thức nhận nhiệm vụ sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.


 
 
Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - trao đổi với Lm Giuse Nguyễn Ngọc Tâm.

Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC (TGPSG)
 
(WGPSG)

 

 

 

 

 

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B - KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 02.10.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 02.10.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Bảy, ngày 02.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

NƠI TUYẾN ĐẦU: CHAI DẦU VÀ NHỮNG CHUỖI MÂN CÔI BIẾT NÓI

 
NƠI TUYẾN ĐẦU: 
CHAI DẦU VÀ NHỮNG CHUỖI MÂN CÔI BIẾT NÓI

TGPSG -- “Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo” (Mt 25, 4)

Theo chu kỳ phụng vụ, ít nhất một lần trong năm, chúng ta đều được nghe dụ ngôn “mười trinh nữ”, nói về những cô khôn ngoan và những cô dại khờ đi đón chàng rể. Điểm khác biệt duy nhất giữa các cô khôn ngoan và các cô dại khờ là ở bình dầu dự trữ mang theo. Bình dầu đó đã cứu các cô khôn ngoan trong lúc ngặt nghèo nhất, cấp bách nhất, giúp các cô kịp thời đi đón chàng rể và vào dự tiệc cưới hạnh phúc muôn đời. Vậy thì chai dầu dự trữ của các cô khôn ngoan, và chuỗi Mân Côi mà chúng ta vẫn lần hằng ngày có gì liên quan đến nhau? Mời mọi người cùng tìm hiểu.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Công Giáo, nên từ nhỏ, tôi đã quá quen thuộc với lòng yêu mến Đức Maria, để “nhờ Mẹ đến với Chúa”. Lời kinh Kính Mừng, tràng chuỗi Mân Côi đã theo tôi từ nhỏ, như những món bảo bối mà bà và mẹ tôi đã trao cho tôi. Tuy nhiên, khi lớn lên, nhất là trong những năm gần đây, tuy không chống lại, nhưng tôi không tha thiết với việc đeo chuỗi Mân Côi mọi nơi, mọi lúc của những người đạo đức. Cho đến một ngày…

…Khi tôi đang làm những công việc quen thuộc của một tình nguyện viên trong bệnh viện COVID-19, có tin nhắn của một nữ tu ở khoa cấp cứu gửi đến cho tôi “Có một bà cần Cha đến thăm ở khoa cấp cứu ạ!” - “Có gấp lắm không Sơ?” - “Thưa Cha, có thể đợi được ạ”.

Thế là tôi tiếp tục hoàn thành những công việc còn dang dở tại khoa làm việc của mình. Sau khi hoàn tất các công việc, tôi đến khoa cấp cứu để gặp người muốn tôi đến thăm. Đó là một phụ nữ ngoài 60 tuổi, bà đang cố gắng hít từng hơi khó nhọc, để mong dưỡng khí từ chiếc máy oxy tầm cao có thể giúp bà giành giật sự sống với đại dịch COVID-19 này.

Gặp tôi, bà mừng ra mặt, mặc dù phần lớn khuôn mặt đã bị che bởi nhiều loại dây và mặt nạ dưỡng khí. Bà chẳng thể nói được gì ngoại trừ nói được Tên Thánh một cách khó nhọc. Sau khi sốt sắng lãnh nhận các Bí tích cần thiết, tôi cùng cầu nguyện với bà, động viên bà ít lời rồi để bà nằm nghỉ. Sau đó, tôi hỏi nữ tu đã nhắn tin cho tôi: “Làm sao Sơ biết bà theo đạo Công Giáo mà nhắn con xuống thăm bà?” - “Thưa Cha, vì con thấy bà có đeo chuỗi ở tay.”

Nhìn lại người phụ nữ tôi vừa thăm: có lẽ để thuận tiện cứu chữa, mà bà chẳng còn gì trên người, chỉ có tấm drap đắp cho ấm và che những chỗ cần che. Tuy nhiên, do vô tình hay hữu ý, mà chuỗi Mân Côi trên tay bà vẫn còn đó, không bị lấy đi cùng với quần áo, tư trang, là những thứ xem ra không cần thiết và có thể làm vướng víu cho công tác cứu chữa bà.

Chuỗi Mân Côi đeo tay bình dân, không giá trị gì so với những tư trang thường ngày của chúng ta. Tuy nhiên, trong lúc ngặt nghèo nhất, khó khăn nhất, những thứ tư trang kia dần dần bị lột bỏ, thì chuỗi Mân Côi vẫn còn đó. Hơn thế nữa, khi người phụ nữ kia không thể nói (thở với bà còn khó khăn nữa là), không biết nhờ ai, không biết tìm linh mục ở đâu, để bà có thể lãnh nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa trong lúc ngặt nghèo (vì ai cũng mặc đồ bảo hộ trắng giống như ai). Ai có thể nhận ra bà là người Công Giáo giữa hàng trăm bệnh nhân khi bà không thể lên tiếng. Gặp được một linh mục, xin lãnh nhận các Bí tích cần thiết có lẽ là điều không thể đối với bà. Chính khi đó, thì chuỗi Mân Côi mà bà đeo ở tay đã lên tiếng. Chuỗi Mân Côi đã thu hút sự chú ý của nữ tu tình nguyện viên, cho nữ tu này biết một Kitô hữu đang cần sự trợ giúp Bí tích. Chuỗi Mân Côi bé nhỏ, dường như không giá trị gì, lại dẫn đường cho bà lãnh nhận được ân sủng vô giá của Thiên Chúa.

Như thế, chuỗi Mân Côi chính là bình dầu dự trữ mà người phụ nữ khôn ngoan này đã luôn mang bên mình. Để khi bà phải say ngủ vì dịch bệnh, không thể làm được gì, thì chuỗi Mân Côi lại giữ cho bà được tỉnh thức, lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa để được khỏe mạnh, hoặc chuẩn bị tâm hồn cho bà được vào dự tiệc cưới muôn đời với Thiên Chúa. Đó cũng là dấu chỉ cho sự che chở đầy tình mẫu tử của Mẹ Maria với con cái của Mẹ. Khi mọi thứ đều rời bỏ con của Mẹ: không người thân, không bạn bè, không tiền bạc của cải, thì Mẹ vẫn ở bên, an ủi và dẫn đưa con của Mẹ đến lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa. Bình dầu và chuỗi Mân Côi có một điểm chung là đều rất dễ mang theo. Ước chi mỗi người con của Mẹ luôn mang chuỗi Mân Côi bên mình, để ý thức được sự che chở và dẫn dắt của Mẹ đến với ân sủng của Thiên Chúa.

Nếu việc mang chuỗi Mân Côi bên mình, có thể dẫn dắt ơn Chúa xuống trên những người con của Mẹ trong lúc khó khăn, ngặt nghèo nhất, thì việc lần chuỗi Mân Côi trong đời sống hằng ngày chắc chắn còn mang lại nhiều ơn ích hơn nữa, mà chúng ta không thể lường trước được.

Trong tháng Mân Côi này, mỗi người chúng ta hãy sốt sáng chạy đến với Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi, xin Mẹ cầu cùng Chúa cho đại dịch Covid-19 mau chấm dứt, để những người con của Mẹ luôn được sống an vui.

Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Phêrô Trần Anh Tuấn (TGPSG)
(WGPSG) 

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 01.10.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 01.10.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

MÙA COVID: CHA TÔI VÀ CHUYỆN ĂN CƠM THỪA

 
 MÙA COVID: CHA TÔI VÀ CHUYỆN ĂN CƠM THỪA

TGPSG -- Tình cảm người Cha trong gia đình tôi giống như Thánh Cả Giuse, âm thầm ít nói nhưng rất mực yêu thương con cái…

Mùa dịch Covid là khoảng thời gian tôi cảm nhận được thêm rất nhiều điều về cuộc sống gia đình. Có ở nhà trong những ngày mùa dịch, tôi mới cảm nhận được tình yêu của người trong gia đình dành cho nhau, quan tâm đến nhau nhiều như thế nào.

Mỗi bữa cơm trong mùa dịch này, nhà tôi luôn sum họp quây quần, và Cha tôi luôn là người mời gọi tất cả cùng làm dấu đọc kinh tạ ơn trước mỗi bữa ăn.

Điều đặc biệt là Cha tôi luôn là người dành ăn những đồ ăn cũ còn dư lại từ bữa trước. Không thể hiểu được điều này vì vốn nghĩ rằng những đồ ăn cũ đó không tốt cho sức khỏe, chúng tôi nhiều lần đã can ngăn Cha tôi nhưng không được.

“Cha không bỏ bứa bất kì thức ăn nào Chúa ban”- Cha tôi nói như thế. Giống như những người theo đạo Công Giáo rất hạn chế việc đổ đi những thức ăn thừa, gia đình tôi hạn chế tối đa việc đổ bỏ những thức ăn Chúa đã ban.

Việc đồ ăn vứt bỏ ở những xứ sở giàu có, và cảnh đói nghèo ở các khu ổ chuột là những câu chuyện tôi được xem và thấy hằng ngày trên mạng, trên tivi. Còn Cha tôi thì luôn dạy tôi biết quý trọng những giá trị Chúa ban, đặc biệt trong mùa dịch cúm Covid - khi mà thiếu hụt thực phẩm đã trở thành vấn đề của mọi quốc gia, mọi khu xóm và mọi gia đình.

Trong mùa dịch Covid, ánh sáng của mỗi gia đình chính yếu phát ra từ những tấm gương của Cha Mẹ. Tôi tạ ơn Chúa vì Chúa đã gìn giữ gia đình tôi, ban cho tôi và mọi người trong gia đình được sống gắn kết với nhau hơn. Dù đại dịch có hoành hành nghiêm trọng, nhưng gia đình vẫn là tấm khiên chắn hữu hiệu, là ánh sáng Chúa ban cho nhân loại mau chóng vượt qua cơn đại dịch Covid.

Jos Trung Toàn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG)

TÒA TỔNG GIÁM MỤC SAIGON: TÁI KHỞI ĐỘNG MỘT PHẦN SINH HOẠT CỘNG ĐOÀN (NGÀY 01-10-2021)


TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

THÔNG BÁO
Tái khởi động một phần sinh hoạt cộng đoàn


Kính thưa quý Cha, quý Bề trên và toàn thể cộng đồng dân Chúa Tổng giáo phận,

Theo Chỉ thị số 18/CT-UBND của chính quyền Thành phố ký ban hành ngày 30/9/2021, nhằm từng bước phục hồi kinh tế - xã hội và đưa đời sống người dân sang trạng thái bình thường mới, một vài sinh hoạt tập trung được phép hoạt động với số người tham dự hạn chế và có điều kiện.

Để tái khởi động các sinh hoạt mục vụ và các buổi cử hành phụng vụ của cộng đoàn sau hơn 4 tháng tạm ngưng vì dịch bệnh, Tòa Tổng Giám mục xin gửi đến quý cha cùng các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu mấy điểm hướng dẫn sau đây:
  1. Tổ chức sinh hoạt mục vụ và các buổi cử hành phụng vụ tập trung với số lượng được phép (tối đa 60 người nếu đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19) từ ngày 01/10/2021, nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm việc khử khuẩn, đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách.
  2. Vì số người dự lễ bị giới hạn nên xin quý cha tùy nghi sắp xếp nhiều giờ lễ vào chiều thứ Bảy và trong ngày Chúa nhật. Đức Tổng cho phép mỗi linh mục trong giáo phận có thể cử hành tối đa 4 thánh lễ vào ngày Chúa nhật.
  3. Quý ông bà trên 65 tuổi, những người có bệnh nền, trẻ em và những ai chưa được tiêm đủ liều vaccine hoặc do hoàn cảnh bị hạn chế, không buộc phải tham dự trực tiếp thánh lễ Chúa nhật trong thời gian này.
  4. Thánh lễ trực tuyến hằng ngày tại Nhà thờ Chính tòa và Nhà thờ Tân Phước vẫn tiếp tục được duy trì theo lịch trước đây, để những người chưa thể tham dự thánh lễ trực tiếp có thể hiệp thông với đời sống cầu nguyện của Hội Thánh.
  5. Các em dưới 18 tuổi chưa thể tập trung sinh hoạt (do chưa tiêm vaccine) nên xin quý cha tạm thời tổ chức các lớp giáo lý theo hình thức online để duy trì thói quen đạo đức cho các em. Các em cũng được khuyến khích tham dự thánh lễ trực tuyến dành riêng cho thiếu nhi tại Nhà thờ Tân Phước vào lúc 17g30 Chúa nhật và thứ Năm hằng tuần, và cả các thánh lễ trực tuyến khác.
Toàn thể gia đình Tổng giáo phận chúng ta hợp lời tạ ơn Thiên Chúa và tiếp tục dâng hy sinh cùng những việc lành thánh hằng ngày để cầu nguyện cho nhân loại sớm thoát khỏi hiểm họa của đại dịch Covid-19.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 01 tháng 10 năm 2021
TL. Đức Tổng Giám mục
(đã ký)
Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng ấn
 

 

 

THỰC PHẨM THIẾT YẾU TRONG MÙA COVID

THỰC PHẨM THIẾT YẾU TRONG MÙA COVID

TGPSG – Mải lo sắp xếp công việc, tôi không kịp mua thực phẩm dự trữ, đành tạm ăn uống kham khổ, nghĩ là dịch sẽ qua mau...

Dịch Covid ở Sài Gòn bùng phát, chỉ thị 16 được ban hành, qui tắc 5K được áp dụng, người dân không được tập trung đông người, kể cả ngồi ăn gần nhau. Các nhà hàng, quán nhậu, tiệm ăn phải đóng cửa vì chỉ được bán mang về, khiến lượng khách mua chẳng còn bao nhiêu. Ngược lại, cửa hàng bán fastfood của tôi, vì trước giờ chỉ bán mang về nên càng đắt hàng, làm không kịp bán.

Nhưng rồi dịch càng nặng hơn, chỉ thị tăng lên 16+, phong toả giãn cách nghiêm ngặt, người dân hạn chế ra đường. Cửa hàng fastfood của tôi bán đồ ăn bình dân, chỉ bán lẻ, kham không nổi tiền shipper. Hơn nữa, lỡ một nhân viên dính Covid, là cả cơ sở phải đóng cửa. Để bảo đảm an toàn cho việc kinh doanh, hết dịch là làm lại được ngay, tôi quyết định đóng cửa, trợ cấp cho công nhân ở lại tại chỗ, cách ly chặt chẽ đề phòng lây nhiễm.

Mải lo sắp xếp công việc, tôi không kịp mua thực phẩm dự trữ, đành tạm ăn uống kham khổ, nghĩ là dịch sẽ qua mau.

Nhưng rồi giãn cách tăng thêm, giới nghiêm ban đêm, ban ngày đi chợ phải có giấy đi chợ, nhưng chợ nghỉ bán, siêu thị đóng cửa vì vướng F0, tình thế thật là nan giải.

Dân gian có thơ: “Chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa. Mai sau cha yếu mẹ già; bát cơm, đôi đũa, ly trà, ai dâng?”. Tôi gả con gái lấy chồng mãi tận Lâm Đồng, thăm nom xa xôi bất tiện, nhưng nay bỗng dựng trở nên thuận lợi, vì nơi con gái tôi ở vẫn còn họp chợ. Nó đóng hàng thực phẩm và gởi về Sài Gòn cho tôi.

Hàng gởi được vài lần thì có chỉ thị giới nghiêm 24/24, qui định shipper không đi quận khác nên không chở hàng về cho tôi được. Vậy là ‘ánh sáng’ vừa lóe lên, xem chừng đã muốn tắt ngủm rồi!

Tưởng là hết cách, nhưng khi tôi vừa kể chuyện này với người em là bác sĩ, thì cậu ấy nói: Mỗi ngày đi làm về, cậu sẽ đến điểm nhận hàng và chở hàng về cho tôi. Vậy là nhà tôi có thực phẩm dồi dào đều đặn.

Thêm một việc bất ngờ nữa, là sau đó, ngôi chợ nơi con gái tôi ở bị đóng cửa vì dịch, không mua được thực phẩm. Nhưng nông dân ở đó lại nhờ con gái tôi giải cứu hàng hóa vì không bán được nông sản. Thế là rau-củ-quả rẻ hơn và con gái tôi gửi về cho tôi nhiều hơn. Tôi bèn chia sẻ cho nhiều người khác...

Vâng, điều quan trọng nhất, dù gặp khó khăn, tôi vẫn tín thác cầu xin Thiên Chúa trước mỗi bữa ăn: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…”, sau khi đã “vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời… Amen”.

Lê Văn Thể (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ MỪNG KÍNH THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Lễ Kính.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Sáu, ngày 01.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 01.10.2021


ÁNH BÌNH MINH ĐANG LÓ RẠNG

ÁNH BÌNH MINH ĐANG LÓ RẠNG

TGPSG -- Nếu một ngày bắt đầu với ánh ban mai óng ánh cùng những tia nắng ấm áp thì ngày đó sẽ là một ngày rất đẹp và hứa hẹn sẽ mang đến cho mỗi người chúng ta niềm vui, niềm hạnh phúc đong đầy.

Những tháng ngày qua, quê hương đất nước chúng ta đã và đang phải sống trong những ngày u tối của cơn đại dịch, nhưng những ngày đó đang bớt u ám và dần tươi sáng hơn với số ca nhiễm giảm, số bệnh nhân được chữa lành ngày càng tăng.

Hôm qua, tôi có hỏi thăm một vài anh chị em Tình nguyện viên (TNV) ở lại tháng thứ 3 để tiếp tục phục vụ bênh nhân tại bệnh viện dã chiến, thì được biết “mấy ngày nay số người xuất viện tăng nhiều lắm thầy, hơn 30 người luôn”. Đó là niềm vui lớn cho tất cả những ai đang phục vụ nơi tuyến đầu nói riêng và cho tất cả mọi người dân nói chung. Nhớ lúc trước, khi còn là TNV nơi đó, mỗi ngày tôi chỉ thấy có khoảng 7 người xuất viện mà thôi, nhưng nay con số đó đã tăng gấp nhiều lần. Đây chính là tín hiệu báo rằng cơn dịch bệnh đang suy yếu và sẽ chấm dứt vào một ngày gần đây. Chiến đấu với dịch bệnh trong những ngày tháng qua, mọi người đã thấm mệt nhưng sự hy sinh cao cả ấy đã được đền đáp vì Thiên Chúa của chúng ta vẫn trọn tình thương.

Tại tuyến đầu, có những "kỳ tích" đã xảy ra với các bệnh nhân được chữa lành. Một tình nguyện viên chia sẻ: “Trong khoa của em có ông L 92 tuổi, ông bị lãng tai nên mình nói ông không nghe được. Muốn hỏi ông cái gì là phải la lớn ông mới nghe. Ông hiền lắm, hầu như tất cả các bác sĩ, điều dưỡng và TNV rất thương ông. Do ông quá già yếu nên không nói được, vì thế chúng em phải tự chủ động đến để đút cho ông chút nước hay chút thức ăn. Có lần ông nằm khóc mà tội nghiệp lắm… Bây giờ, ông đã khỏe lại và được xuất viện, cả khoa mừng lắm. Đó chính là một kỳ tích trong khoa này...”

Từ "kì tích" này, chúng ta xác tín rằng: mọi cố gắng cứu sống bệnh nhân sẽ được Chúa thương nhậm lời, mọi đau khổ sẽ được Chúa an ủi. Chúa luôn bên ta, luôn hiện diện cùng chúng ta trong mọi biến cố và Ngài sẽ mở rộng cánh tay để đón nhận chúng ta vào lòng. Vì thế, chúng ta “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” và dâng lên Chúa những tháng ngày phía trước để cầu xin Chúa cho cơn dịch bệnh sớm qua và mọi người được trở lại những ngày bình thường. Cái bình thường cũ đã qua và chúng ta sẽ được sống những ngày bình thường mới với muôn ngàn hồng ân mới Chúa sẽ ban cho.

Antôn Chung Chí Tâm, La San
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ MỪNG KÍNH THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Lễ Kính.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Sáu, ngày 01.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.