Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: BUỔI CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC GIÁM MỤC TÂN CỬ GIUSE BÙI CÔNG TRÁC


BUỔI CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC GIÁM MỤC TÂN CỬ 
GIUSE BÙI CÔNG TRÁC

TGPSG Giám mục là người của cầu nguyện, của phục vụ Tin Mừng và của hiệp thông Thánh Thể...

Vào đúng lúc 18g ngày 1.11.2022 - khi Tòa Thánh Vatican bắt đầu công bố bổ nhiệm linh mục Giuse Bùi Công Trác làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn (TGP) - thì buổi cầu nguyện cho vị Giám mục tân cử Giuse cũng đã diễn ra tại nhà nguyện Đại Chủng viện (ĐCV) Thánh Giuse TGP.

Hiện diện trong buổi cầu nguyện có Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng (TGM); Đức Giám mục tân cử (hiện cũng là giám đốc ĐCV); các linh mục của Tòa Giám mục, của Đại chủng viện Thánh Giuse và của Trung tâm mục vụ TGP; các thân nhân của Đức Giám mục tân cử; cùng toàn thể các chủng sinh ĐCV.

Trước hết, lúc 18g, linh mục chưởng ấn Giuse Kiều Công Tùng đã bước lên cung thánh đọc thông báo của Tòa Thánh về việc bổ nhiệm Tân Giám mục Giuse.


Sau đó, Đức TGM Giuse đã diễn tả tâm tình của ngài trước tin vui này. Ngài cho thấy trong những năm gần đây, một số tòa giám mục Việt Nam bị trống tòa (thiếu vắng giám mục chính tòa hoặc phụ tá) và từ năm 2001 đến nay, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đã cung cấp cho Giáo hội Việt Nam 6 vị giám mục. Đức TGM ngỏ lời cám ơn vị giám mục tân cử Giuse đã can đảm nhận lời Tòa Thánh để sẵn sàng đảm đương một trách nhiệm thật khó khăn và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho ngài trong nhiệm vụ mới này.

 

Tiếp lời Đức TGM, vị Giám mục tân cử Giuse đã nói lên niềm tạ ơn Chúa vì bao nhiêu ơn lành Chúa ban. Ngài hứa sẽ cố gắng chu toàn nhiệm vụ và, trong tư cách phụ tá của của Đức TGM, ngài đặc biệt bày tỏ niềm tôn kính vâng phục Đức TGM.

Buổi cầu nguyện bước vào đỉnh cao khi mọi người cùng sốt sắng tham gia Chầu Thánh Thể. Linh mục Phaolô Nguyễn Đức Nguyên - chủ sự nghi thức - đã giúp mọi người suy nghĩ về Giám mục như một con người của cầu nguyện, của phục vụ Tin Mừng và của hiệp thông Thánh Thể. Linh mục Phaolô khơi dậy niềm cảm xúc thánh thiêng: Thật là hạnh phúc cho vị giám mục nào biết mang lấy "mùi chiên", biết chấp nhận khổ đau cùng với dân Chúa, sống khó nghèo, coi sứ vụ là phục vụ chứ không phải quyền bính, không quan liêu, luôn gần gũi mọi người, xa tránh những động lực mơ hồ, biết kiến tạo hòa bình, nắm tay những người có thiện chí và không sợ lội ngược dòng để luôn sống theo tinh thần Tin Mừng… Vị chủ sự Phaolô ước mong mọi người tha thiết cầu nguyện thật nhiều cho vị giám mục tân cử Giuse.


Buổi cầu nguyện đã kết thúc vào lúc 19g15 trong niềm hân hoan thiêng thánh lan tỏa dịu dàng trong khuôn viên êm đềm của Đại chủng viện.

 
Vi Hữu (TGPSG)
(WGPSG)

BỔ NHIỆM GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN TP. HỒ CHÍ MINH

 
 BỔ NHIỆM GIÁM MỤC PHỤ TÁ 
TỔNG GIÁO PHẬN TP. HỒ CHÍ MINH

WHĐ (01.11.2022) – Hôm nay, ngày 01 tháng 11 năm 2022, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Giuse Bùi Công Trác, linh mục thuộc tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, làm Giám mục phụ tá tổng giáo phận này, hiệu tòa Arsennaria.

Linh mục Giuse Bùi Công Trác đang đảm trách chức vụ Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
* * * * *


Tiểu sử linh mục Giuse Bùi Công Trác
  • Sinh ngày 05/05/1965 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, thuộc giáo xứ Chính tòa giáo phận Đà Lạt
  • 1993 - 1999: Học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn
  • Ngày 30/06/1999: Được truyền chức linh mục tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn tổng giáo phận Tp. HCM
  • 1999 - 2003: Phụ tá giáo xứ Thủ Thiêm, tổng giáo phận Tp. HCM
  • 2003 - 2004: Phục vụ tại Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn
  • 2004 - 2010: Du học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana - Rôma (The Pontifical Gregorian University), Ý; tốt nghiệp học vị Tiến sĩ Giáo huấn xã hội Công giáo
  • 2010 - 2016: Phó Giám đốc Giáo hoàng Học viện Quốc tế Truyền giáo thánh Phaolô Tông đồ (The Pontifical International Missionary College of St. Paul the Apostle), trực thuộc Bộ Truyền Giáo – Rôma, Ý
  • 2010 - 2013: Phó Chủ tịch Hội Liên Tu sĩ Rôma
  • 2013 - 2016: Chủ tịch Hội Liên Tu sĩ Rôma
  • Từ 2016 đến nay: Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, tổng giáo phận Tp. HCM
  • Ngày 01/11/2022: Được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá, hiệu tòa Arsennaria.

(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THÔNG BÁO TÂN GIÁM MỤC PHỤ TÁ


TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

THÔNG BÁO
 



Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và Chủng sinh,
cùng anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận

Theo thông báo từ Phòng báo chí Toà Thánh và từ Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, vào ngày lễ Trọng kính Các Thánh 01/11/2022 Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Cha Giuse Bùi Công Trác, Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Tp. HCM, hiệu tòa Arsennaria.

Đây là tin vui và hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban cho Tổng giáo phận chúng ta. Sau hơn 18 tháng Đức cha Louis thường trực phục vụ tại Giáo phận Hà Tĩnh với trách nhiệm Giám quản Tông tòa, Đức Tổng Giám mục Giuse lại có thêm một vị phụ tá mới. Xin quý Cha và các thành phần dân Chúa Tổng giáo phận hiệp thông tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Đức Thánh Cha, và cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giám mục tân cử trong sứ vụ mới.

Thánh lễ tấn phong giám mục sẽ được thông báo sau.

Tòa Tổng giám mục, ngày 01 tháng 11 năm 2022
(đã ấn ký)
Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng ấn

TIỂU SỬ
ĐỨC GIÁM MỤC TÂN CỬ GIUSE BÙI CÔNG TRÁC 
  • Sinh ngày 05/05/1965 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng – thuộc Giáo xứ Chánh Tòa, Giáo phận Đà Lạt.
  • 1993-1999: Học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
  • 30/06/1999: Chịu chức linh mục tại nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn do Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn, thuộc linh mục đoàn Sài Gòn.
  • 1999-2003: Phụ tá Giáo xứ Thủ Thiêm, Tổng giáo phận Tp. HCM.
  • 2003-2004: Phục vụ tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
  • 2004-2010: Du học tại Ý. Văn bằng Tiến sĩ ngành Giáo huấn xã hội Công giáo tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana – Rôma (The Pontifical Gregorian University).
  • 2010-2016: Phó Giám Đốc Học Viện Quốc tế Truyền giáo Thánh Phaolô Tông Đồ (The Pontifical International Missionary College of St. Paul the Apostle), trực thuộc Bộ Truyền Giáo – Rôma.
  • 2010-2013: Phó chủ Tịch Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Rôma.
  • 2013-2016: Chủ Tịch Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Rôma.
  • 2016 đến nay: Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, Tổng giáo phận Tp. HCM.
  • 01/11/2022: Được bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Tp. HCM, hiệu tòa Arsennaria.

(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA NGÀY LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ, 01.11.2022


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 01.11.2022


Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 92: KHI CHÚA THƯƠNG


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 31 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 01.11.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon
 

VÒNG CHUỖI BÊN KHUNG CỬA

VÒNG CHUỖI BÊN KHUNG CỬA

TGPSG - Ngày cuối cùng của tháng, ông lại ra quét dọn ban-công và các cửa sổ…. Cây thánh giá từ vòng chuỗi Mân Côi treo trên khung cửa rơi vào tay ông vì sợi chỉ xâu chuỗi đã mục. Đã hơn một năm trôi qua rồi còn gì, kể từ ngày bà treo vòng chuỗi lên các khung cửa sổ.

Ngày ấy, tháng ấy, xe cứu thương chạy ngang qua nhà liên tục.

Từ ban-công và các cửa sổ, bà nhìn ra các nhà xung quanh và nhìn ra đường phố. Bà thấy những chiếc xe 16 chỗ dừng lại, rồi tiếng người khóc nấc, rồi tiếng nói lao xao của nhân viên y tế, nhân viên các ban ngành đoàn thể đang làm nhiệm vụ. Bà biết người ta chết, chết nhiều lắm!

Cứ mỗi lần nghe tiếng còi xe hú, quả tim vốn yếu ớt của bà lại đập loạn liên hồi. Bà vội vàng với tay lấy vòng chuỗi Mân Côi giữ khư khư bên mình. Vòng chuỗi trở thành người bạn của bà, thành vật bất ly thân của bà. Bà siêng năng lần chuỗi và đọc kinh hơn bao giờ hết. Bà gọi ông đọc kinh cùng bà, và ông cũng làm theo.

Ngoài các giờ làm việc online, ông cập nhật cho bà nghe tình hình dịch bệnh, giải thích vì sao chính quyền yêu cầu mọi người cách ly tại nhà. Bà lờ mờ hiểu rằng con virus Covid này lây qua đường không khí, lây qua đường tiếp xúc gần…. Chợt một sáng thức dậy, ông thấy bà lúi húi treo các vòng chuỗi Mân côi trên tất cả các khung cửa trong nhà. Bà nói với ông, bà làm vậy để Đức Mẹ bảo bọc che chở mọi người, ngăn ngừa không cho con virus này vượt qua khung cửa vào nhà. Ông hỏi bà tin thế à?… Bà nói: "Tui tin, tui tin vòng chuỗi này, tui tin phép lạ của Đức Mẹ, rồi ông xem…"

Ông vui vì đức tin của bà… Ông cùng bà quấn hết các vòng chuỗi mà bà có lên khung cửa…
………………

Tháng mười này là giáp năm của bà. Ngày này năm ngoái, trái tim yếu ớt của bà đã ngừng đập... Bà ra đi nhẹ nhàng, thanh thản với vòng chuỗi Mân Côi trên tay…

Bài & Ảnh: Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Sang (TGPSG
(WGPSG)

 

ĐÔI NÉT VỀ NGÀY LỄ CÁC THÁNH VÀ NGÀY LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI


ĐÔI NÉT VỀ NGÀY LỄ CÁC THÁNH 
VÀ NGÀY LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

WHĐ (31.10.2022) - Bước vào tháng 11, lịch Phụng vụ dành ngày mồng 1 để mừng trọng thể Lễ Các Thánh, và ngày mồng 2 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Liệu có sự liên hệ nào giữa 2 ngày lễ này chăng?

1. Lễ Các Thánh

Thực sự, nguồn gốc chính xác của ngày lễ Các Thánh không chắc chắn. Lúc đầu, chỉ có các vị Tử đạo và Thánh Gioan Tẩy Giả được dành riêng một ngày đặc biệt trong Lịch Phụng vụ. Sau đó, với lượng các thánh Tử đạo ngày càng nhiều, nhất là trong cuộc bắt đạo thảm khốc và rộng lớn của Hoàng đế Diocletian (284-305), nên không đủ các ngày trong năm để tín hữu tôn vinh từng vị.

Hơn nữa, khi Kitô giáo được hợp pháp hóa vào thế kỷ thứ IV, và khi tiến trình phong Thánh được thiết lập cách rõ ràng hơn thì danh sách Các Thánh dần dần được thêm vào. Vì thế, một ngày lễ mừng chung tất cả các vị Thánh, đặc biệt là các thánh Tử đạo, đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trong toàn Giáo hội.

Ví dụ ở Đông phương, thành phố Edessa tổ chức lễ này vào ngày 13. 5; người Syria mừng vào thứ Sáu sau lễ Phục sinh; thành phố Antioch cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Ngũ Tuần. Cả Thánh Ephrem (- 373) và Thánh Gioan Chrysostom (- 407) đều đề cập đến ngày lễ này trong các bài giảng của các Ngài. Ở phương Tây, lễ Các Thánh cũng được cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Ngũ Tuần.

Việc chỉ định ngày 1.11 là Lễ Các Thánh như hiện nay là một tiến trình theo thời gian.

Dưới thời Đức giáo hoàng Boniface IV (608-615), Hoàng đế Đông Phương Phocas (r. 602-610) đã tặng một ngôi đền ở Rome cho Giáo hội. Ngôi đền này được gọi là đền Pantheon, vốn được xây dựng vào thế kỷ thứ I để thờ cúng và tôn vinh các vị thần Roma. Sau khi tiếp quản ngôi đền, Đức giáo hoàng Boniface đã loại bỏ tất cả các bài trí ngoại giáo, tượng của các vị thần, đồng thời di dời và chôn cất hài cốt của nhiều vị tử đạo Kitô giáo bên dưới đền này. Sau đó, vào ngày 13. 5. 609, ngài đã thánh hiến và biến đền Pantheon thành Thánh đường dâng kính Đức Mẹ và các Thánh Tử đạo (Sanctae Mariae and Martyrs). Từ đây, ngày 13. 5 đã trở thành ngày lễ các Thánh Tử Đạo hằng năm trong 125 năm tiếp theo.

Sau đó, vào ngày 1.11. 735, Đức giáo hoàng Grêgôriô III (r. 731-741) thánh hiến một nhà nguyện nhỏ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để lưu giữ Thánh tích của các Thánh Tông đồ, các Thánh Tử đạo, và các Thánh không tử đạo. Vì thế, ngày 1. 11 trở thành ngày chính thức để cử hành Lễ Các Thánh, ít nhất là đối với các nhà thờ ở Rôma, nên lễ mừng Các Thánh vào ngày 13. 5 trước đây bị bãi bỏ. Các quốc gia và thành phố khác bắt đầu cử hành lễ cùng ngày với các nhà thờ ở Rôma. Chẳng hạn như Thánh Bede (- 735) đã ghi lại lễ Các Thánh vào ngày 1. 11 ở Anh, và một lễ kỷ niệm như vậy cũng tồn tại ở Salzburg. Áo.

Đến thế kỷ thứ IX, Đức giáo hoàng Gregory IV (r. 827-844) đã ấn định ngày 1. 11 là ngày lễ Các Thánh trên toàn Giáo hội Latinh và tuyên bố đây là ngày lễ buộc.

Vào thế kỷ XV, tuần Bát nhật đã được Đức giáo hoàng Sixtus IV (r. 1471-1484) thêm vào, và tuần Bát nhật mừng lễ Các Thánh là một phần của lịch Giáo hội cho đến khi bị bãi bỏ vào năm 1954.

Ngày nay, Lễ Các Thánh là ngày lễ trọng, trong đó Giáo Hội hoàn vũ tôn kính các Thánh tử đạo và toàn thể các Thánh, có nghĩa là Giáo hội mừng kính tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc Nước trời, dù được được biết đến hay không được biết đến.

2. Ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời

Việc cầu nguyện cho những người đã chết có nguồn gốc xa xưa. Trong Sách 2 Macabe, kể lại rằng, Giuda Macabe ra lệnh cho quân đội cầu nguyện và dâng của lễ thay cho những người đồng đội của họ đã hy sinh: “Ông Giuđa quyên tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại... dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12, 43-46).

Trong những thế kỷ đầu, tên của những tín hữu qua đời được dán trong Nhà thờ để cộng đoàn tưởng nhớ họ trong lời cầu nguyện. Những ngôi mộ được tìm thấy trong các hang toại đạo Roma được khắc những lời cầu nguyện dành cho người đã khuất.

Vào thế kỷ thứ VI, các Đan viện Biển Đức đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm các thành viên đã qua đời tại Whitsuntide vào những ngày sau Lễ Ngũ Tuần. Tại Tây Ban Nha, Thánh Isidore (-636) chứng thực là có một lễ kỷ niệm vào thứ Bảy, 8 ngày trước Lễ Phục sinh. Tại Pháp, Thánh Odilo (-1048), viện phụ Đan viện Biển Đức ở Cluny, khuyến khích tất cả các đan sĩ cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời, và thiết lập ngày lễ này vào 2. 11, ngay sau Ngày lễ Các Thánh, 1. 11. Dần dần, nhiều Dòng tu và Nhà thờ khác cũng áp dụng việc cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời, là những người đang chờ đợi hưởng hạnh phúc thiên đàng, được gọi là Lễ Các Linh hồn. Từ đó, ngày 2. 11 hằng năm được dành để tưởng nhớ tất cả những tín hữu đã qua đời.

Nhiều phong tục cũng được phát sinh trong ngày Lễ Các Linh hồn, trong đó phải kể đến việc các tu sĩ Dòng Đa Minh, vào thế kỷ XV, đã đặt ra phong tục mỗi linh mục dâng 3 thánh lễ vào ngày 2. 11. Năm 1748, Đức giáo hoàng Benedict XIV đã chấp thuận thông lệ này, và việc linh mục dâng 3 thánh lễ vào ngày Lễ Các Linh hồn nhanh chóng lan rộng khắp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Mỹ Latinh.

Trong Chiến tranh thế giới thứ I, nhận thấy số lượng đông người chết trong chiến tranh nhưng không thể cử hành nhiều Thánh lễ được vì nhiều nhà thờ bị phá hủy, Đức giáo hoàng Benedict XV đã cho phép tất cả các linh mục đặc quyền dâng 3 Thánh lễ vào Ngày Các Linh hồn với 3 ý lễ rõ ràng: một cho ý định cụ thể, một cho tất cả các tín hữu đã qua đời, và một theo ý chỉ của Đức giáo hoàng.

Ngoài ra, cũng có một số phong tục dành cho ngày Lễ Các Linh hồn như: xin Lễ cầu nguyện cho các linh hồn; đi viếng nghĩa trang để lãnh ơn toàn xá dành cho các linh hồn; cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang…; Ở một số nơi, trong suốt tháng 11, các tín hữu thắp nến và trưng bày ảnh của những người thân yêu qua đời năm đó trong nhà thờ; có nhiều giáo xứ ghi tên những người đã khuất vào một cuốn sổ được gọi là Sách hằng sống, và đặt trong nhà thờ để mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện; Cũng có những nơi, chuông nhà thờ thỉnh thoảng vang lên để nhắc nhở mọi người cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục…

***
Với đôi nét về ngày Lễ Các Thánh và ngày Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, chắc hẳn chúng ta được nhắc nhở rằng:
  • Trong mầu nhiệm Các Thánh thông công, khi mừng Lễ Các Thánh- là những tín hữu đã hoàn tất cuộc đời trần thế và đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu (Giáo hội khải hoàn)-, và cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục- là những các tín hữu đã qua đời và đang chờ đợi để được hưởng kiến Thiên Chúa (Giáo hội đau khổ)-, thì chúng ta, những tín hữu đang trên hành trình dương thế (Giáo hội chiến đấu) một lần nữa xác tín rằng: chúng ta cũng sẽ đạt tới đích điểm của mình là quê hương đích thực;
  • Hành trình dẫn về Nước Trời không phải chỉ có một lối mà là có muôn ngàn vạn nẻo, đủ để mỗi người có thể tự do chọn lựa và bước đi trên đó. Hành trình ấy cũng không phải là hành trình đơn độc, nơi mỗi người tự loay hoay để bước đi một mình, hoặc tự đắc là mình luôn đúng đường. Nhưng đó là hành trình dẫn chúng ta đi trên con đường của Tin Mừng mà chính Đức Giêsu đã đến để vạch ra, để đi trước, và để dẫn tất cả chúng ta cùng nhau đến đích;
  • Việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời gắn liền với niềm tin của chúng ta vào Mầu nhiệm Sự sống. Vẫn biết rằng, cái chết là sự thật nghiệt ngã nhất, đớn đau nhất, bấp bênh nhất. Vì chẳng ai trong chúng ta, dù già hay trẻ, dù sang hay hèn, dù khỏe hay đau, dù sướng hay khổ, dù tài hay dở… có thể tránh né được điểm cuối của cuộc đời mình là cái chết. Nhưng vì có Mầu nhiệm Sự sống, nên cái chết không phải là tận cùng, vì bên kia của cái chết là chính cuộc sống vĩnh cửu, nơi mà Đức Kitô đã trải qua, đã dọn sẵn, và đang chờ đợi từng người chúng ta.
Và, như có ai đó đã từng nói: Nếu không biết sống, thì cũng chẳng biết chết, mà không biết chết, thì cũng chẳng biết thế nào là sự sống vĩnh cửu! Xin cho chúng ta biết mở lòng để tập sống, tập chết mỗi ngày như Đức Giêsu, để có được Sự sống từ chính Cung lòng Thiên Chúa, nơi mà Con Một Ngài đã phát xuất và trở về, và đến lượt mình, chúng ta cũng vậy!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: simplycatholic.com; và catholiceducation.org
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 31.10.2022