Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

MÙA MUỖI - NỖI LÒNG DÂN QUÊ

 

MÙA MUỖI - NỖI LÒNG DÂN QUÊ

TGPSG -- Quê tôi hai mùa mưa nắng hay quê tôi hai mùa muỗi đốt

Cứ vào khoảng tháng tư thì bắt đầu mùa muỗi đầu tiên của một năm. Khi mà bà con quê tôi cũng bắt đầu vào mùa gieo sạ lúa. Ban ngày thì bán lưng cho trời bán mặt cho đất, nào gieo nào cấy thế mà bọn ốc bưu vàng ngày đêm hỏi thăm đánh chén. Ngoài việc gieo sạ lúa còn thêm việc bắt ốc bưu vàng, nhiều cánh đồng người ta bỏ thuốc diệt ốc, ốc bưu vàng không chết mà khi bà con lội ruộng cấy lúa về thì móng chân tự động lung lay và rớt ra do nước bị nhiễm thuốc diệt ốc quá nặng. Ban ngày là thế tối về mới ngồi vào chiếu để ăn cơm thì bọn muỗi ùn ùn kéo đến đốt tay, chân, cả mặt nữa

Tiếng vỗ muỗi đôm đốp, Hậu gọi lớn tiếng:

- Má nó đâu ra ăn cơm đi muỗi rơi đầy tô canh rồi nè!

- Tiếng Mai nhỏ nhẹ: Chờ xíu, thằng cu ngủ đã!

Từ trong buồng đi ra, Mai với dáng người thấp nhưng khuôn mặt thật dễ thương, hỏi Hậu:

- Lúa mạ thế nào rồi mình?

- Lúa mất nhiều quá! Ốc bưu vàng ăn hết rồi! Thiệt tình cũng tại dân mình ham … nuôi ốc… nên bị vậy! Thôi ăn cơm, muỗi chích đau quá!

Bữa cơm tối ấm áp của đôi vợi chồng trẻ giữa mùa muỗi, thấy bình yên nhưng cũng đầy lắng lo. Phận người cũng như cây lúa ngắn ngủi, mong manh nhưng là hy vọng của Thiên Chúa đặt vào tâm hồn con người. Chẳng vì thế mà con người Tây Nam Bộ này mặc cho mưa nắng, vẫn âm thầm dệt đời mình trên mảnh ruộng trồng lúa bao đời nay. Cây lúa như cây trồng thiêng liêng không chỉ đem lại lương thực, tiền bạc để con người tồn tại mà còn là di sản của cha ông bao đời nay gửi gắm vào mảnh đất nặng phù sa, để dạy cho con người biết chăm chỉ làm việc, cậy dựa vào thiên nhiên mưa nắng. Mỗi sớm mai thức dậy, thấy cây lúa đổi thay lớn thêm lên biết tạ ơn Thiên Chúa đã cho cây lúa mọc và lớn lên mà dâng lời ca tụng công trình của Chúa, còn người nông dân bỏ công sức cộng tác trong công việc của Chúa mà thôi.

- Anh Hậu à, mai thứ tư đó nhớ đi lễ.

Tiếng Hậu ậm ừ, anh đã hứa sẽ đi lễ thứ tư hàng tuần kính Thánh Giuse Thánh, Bổn mạng của anh như một quyết tâm nhỏ bé sống cuộc đời âm thầm như Thánh Giuse:

- Ừ, có

Buổi tối dần chìm vào tiếng kinh tối của đôi vợ chồng trong tiếng râm ran của ếch nhái, tạo nên giai điệu của thiên nhiên.

Binh … boong… binh boong … Tiếng chuông nhà thờ báo giờ lễ của xóm đạo phá tan sự âm u tiếng muỗi.

Hậu thức dậy trong dáng vẻ ngái ngủ, lấy cái bàn chải răng ra sau bể nước mưa đánh răng. Vừa chải răng thì một con muỗi bay đến chích vào trán Hậu. Anh giơ tay đập con muỗi, ca nước trong tay bắn tung tóe. Anh lẩm bẩm: vì mày mà tao phải đánh tao. Cúi xuống cái vò nước rửa mặt, anh khẽ suýt soa: đúng là nước mưa mát quá!

Hậu dắt chiếc xe đạp ra, đến nhà thờ như một thói quen. Ngôi nhà thờ nhỏ bé nhưng sáng nào cũng có lễ. Ánh điện hắt ra sân nhà thờ.

Hậu ngồi dãy ghế gần cuối nhà thờ, hình ảnh vị linh mục trẻ đang loay hoay vớt con muỗi ra khỏi chén Thánh làm mắt anh nhòe đi về một quá khứ xa xôi lúc nhỏ anh cũng là chú giúp lễ chăm chỉ ở gần bàn thờ lắm. Anh ước làm Cha cố để dâng lễ nữa. Chợt một con muỗi chích vào chân anh kéo anh về hiện tại, mọi người đang xếp hàng lên rước lễ anh cũng vội bước vào hàng. Thánh lễ xong anh đứng thì thầm gì đó trước tượng Thánh Giuse chợt nghe có tiếng gọi:

- Hậu ơi…ới!

Quay lại, Hậu nhận ra đó là Trọng, đứa bạn nối khố của mình. Anh hỏi:

- Ủa sao bữa nay đi lễ, siêng vậy?

- Thì mày cũng đi lễ đó. Tao mới tìm được chỗ kiếm tiền tham gia không? Vò vò cái đầu Trọng trả lời.

- Vậy hả, lại kiếm được ai làm tô ruộng ấy gì?

- Không, bên kinh Z có lão Năm Rồng cho gửi tiền giá cao lắm, 10 triệu tháng lãi những 1 triệu cơ đó. Có tiền gửi lão hàng tháng lấy tiền lãi ra xài chưa đầy năm lấy lại được vốn. Nghe đâu ông ta làm ăn lớn muốn giúp nông dân mình có chút tiền ấy mà!

- Tiền đâu mà gửi?

- Thì mày cầm lô đất cho ngân hàng lấy tiền gửi. Lãi ngân hàng ít xịt à, tao mới cầm lô đất nhà tao hết năm nay tiền lãi dư mà gửi. Hì…hì…hì…

- Thôi tao về, còn ra đồng bắt ốc bưu vàng nữa mày.

- Suy nghĩ đi, có gửi mai tao dắt đi, rõ khổ vợ con sớm chi cho khổ. Tiếng Trọng với theo.

Trên đường về nhà, Hậu suy nghĩ miên man. Trong tủ mình còn ít tiền cưới hồi mới ra riêng làm vốn, gửi lão lấy tiền lời xài chứ để trong tủ mãi… Có tiền lãi, mình sẽ bảo Mai may thêm cái áo dài đi lễ, mua cho cu tí hộp sữa bột uống cho mau lớn…Bàn với Mai nữa, dù gì tiền của hai vợ chồng mà.

- Mình à thấy cũng hay đó mình, gom tiền để dành rồi em bán bầy heo con cũng được chục triệu đó chứ đừng cầm ruộng dù gì ruộng đất là của hồi môn ông bà để cho, còn ruộng còn cái làm ăn…

- Ừ, anh cũng nghĩ vậy. Mình gửi thử xem sao, chắc họ cần tiền mà cũng muốn giúp nông dân mình thoát nghèo chăng?

Mấy hôm sau, Trọng dẫn Hậu xuống nhà lão Năm Rồng. Nhìn bộ dạng lão mập bệu nhệu, đôi mắt ti hí với cái môi dày cong tớn có vẻ khinh đời lắm. Nước da bánh tiêu làm cho lão có vẻ như một người từng trải đầy bụi đời.

- Sao, muốn gửi tiền hả?

- Vâng, 10 triệu .

Hậu đặt xấp tiền lên bàn, liếc nhìn lão Năm Rồng lấy trong ngăn kéo bàn một tờ giấy, Lão ghi số tiền và ký tên một bên và đưa cho Hậu ký. Cầm tờ giấy chứng nhận chỉ vỏn vẹn có mấy chữ, Hậu cẩn thận gấp lại cho vào túi. Tiếng lão Năm Rồng ồm ồm:

- Này có lấy lãi trước không cuối tháng khỏi sang?

Hậu khẽ gật đầu. Lão Năm Rồng rút ra 1 triệu đưa cho Hậu:

- Tháng này coi như xong rồi đó.

***

- Hậu ơi, Hậu. Tiếng Trọng gọi thất thanh ngoài sân

- Chuyện gì vậy?

- Lão Năm Rồng bỏ trốn rồi!

Như tiếng sấm bên tai, Hậu như hóa đá, miệng lắp bắp: …. s….a…o…cơ?

- Lão ôm tiền trốn mất rồi chẳng ai thấy lão ở đâu. Lên xe tao chở mày sang nhà lão.

Hậu vội leo lên xe đến nhà lão Năm Rồng. Tiếng la lối om sòm trong nhà lão… Nhiều người khóc lóc, chửi rủa… Nhà trống trơn chẳng còn gì… mấy chú công an đi lại quanh đó…

- Thiệt tình bà con bị lão lừa rồi, chứ ai đời ai cho gửi tiền lãi cao thế

Hậu bị hụt hẫng lắm, con đường về nhà sao nặng lòng quá! Số tiền của vợ chồng anh tiết kiệm, để dành mấy mùa lúa rồi giờ không cánh mà bay, cũng tại mình nhẹ dạ.

Tối nay Hậu đánh đưa trên cái chõng tre sau hè, mất số tiền không nhỏ - buồn. Trách nhiệm gia đình còn đó đè trên vai anh. Con người ta đã khó lại bó thêm cái nghèo, anh không cãi vã hay chửi rủa số phận, chỉ giận mình nhẹ dạ quá! Anh đưa mắt nhìn bầu trời đêm: những ngôi sao lấp lánh nhắc anh một niềm tin là người Công Giáo có Thiên Chúa hiểu lòng mình. Gió cuốn mùi lúa chín quyện lấy Hậu hứa hẹn một tương lai vào những hạt lúa anh sắp thu hoạch, tiếng muỗi vo ve đâu đó làm anh mỉm cười.

Maria Hồng Hà CMR (TGPSG
(WGPSG)

ĐỂ GIÚP CON CÁI TRỞ THÀNH TÍN HỮU CÔNG GIÁO TỐT LÀNH

 ĐỂ GIÚP CON CÁI TRỞ THÀNH 
TÍN HỮU CÔNG GIÁO TỐT LÀNH
 
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicfaithstore.com

WHĐ (14.02.2023) – Là cha mẹ Công giáo, chúng ta có trách nhiệm ươm trồng đức tin và khuyến khích con cái trở thành những tín hữu có lòng yêu mến Chúa, có trái tim nhân từ, và sống có trách nhiệm. Những giá trị và niềm tin Công giáo có thể giúp ích rất nhiều trẻ biết đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống hiện đại ngày càng phức tạp.

Dưới đây là một 5 cách thế giúp bậc cha mẹ nuôi dạy con cái trở thành tín hữu công giáo tốt lành.

1. Nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của trẻ

Cách tốt nhất để dạy trẻ cầu nguyện là cầu nguyện với chúng. Giờ cầu nguyện chung của gia đình là cách tuyệt vời để làm điều này.

Ngay khi còn nhỏ, trẻ nên được dạy làm Dấu Thánh giá, đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha, Kinh Kính mừng, Kinh Sáng Danh. Việc cầu nguyện này tuy đơn giản nhưng có sức mạnh củng cố đức tin của trẻ rằng Thiên Chúa sẽ luôn nghe thấy những mối quan tâm sâu sắc nhất của chúng ta.

Để khuyến khích trẻ cầu nguyện, như là một cuộc trò chuyện thân mật với Chúa. Trước hết, thiết lập một thói quen thoải mái với một vài khoảnh khắc giúp trẻ tự cầu nguyện và cảm nhận mối tương quan thực sự với Chúa. Thứ đến, tạo cơ sở cho một thói quen trò chuyện với Chúa, điều này sẽ cung cấp sức mạnh đức tin cho trẻ mai này, trong những lúc cần thiết. Thời điểm thích hợp để chọn có thể là trước khi đi ngủ, hoặc ngay sau khi thức dậy.

2. Cùng đọc và suy niệm Kinh Thánh

Kinh Thánh là nguồn mạch khôn ngoan nuôi dưỡng đời sống tâm linh của tín hữu. Chúng ta hãy giới thiệu cho trẻ điều này bằng cách cùng với trẻ đọc Kinh thánh. Vào cuối bài đọc, hãy nói về ý chính của câu chuyện và bài học có thể rút ra từ đó.

Kinh thánh loại dành cho trẻ em thường được viết bằng ngôn ngữ đơn giản và có nhiều hình ảnh màu sắc sặc sỡ minh họa các câu chuyện trong Kinh thánh. Đây là cách thế tuyệt vời để khuyến khích trẻ ham thích đọc và hiểu biết sớm về Lời Chúa.

Khi trẻ ở độ tuổi lớn hơn, hãy khích lệ trẻ không chỉ đọc truyện Kinh thánh mà còn học hỏi về giáo lý và tìm ra những ứng dụng thực tế cho trẻ trong cuộc sống hàng ngày.

3. Tìm nguồn cảm hứng trong Hạnh các Thánh

Những cuộc đấu tranh và chiến thắng của các Thánh mang tính nhân văn sâu sắc nên liên quan đến hành trình của chính chúng ta như là Kitô hữu. Các Thánh là những tấm gương thực hành đức tin cách gần gũi, thiết thực và sống động. Khi đọc và biết thêm về Các Thánh, trẻ nhận ra rằng các Thánh không phải là những siêu nhân mà là những con người bình thường nhưng đã cố gắng mỗi ngày và trở nên phi thường.

Do đó, việc đọc Hạnh các Thánh cho trẻ lả cách rất hữu hiệu để giúp trẻ từ từ sống theo các giá trị của Kitô giáo chẳng hạn như: khiêm tốn, thật thà, bác ái, hiền lành, dũng cảm … và các nhân đức tin, cậy, mến sẽ truyền cảm hứng cho trẻ để lớn lên trong đời sống đức tin của chính mình.

4. Là thành phần trong Giáo hội

Nhà thờ là nơi thiêng liêng để thờ phượng Thiên Chúa, và bày tỏ sự hiệp thông, liên đới với cộng đoàn của những người có cùng đức tin, cùng tình yêu đối với Thiên Chúa, và cùng nhau phát triển như một gia đình thiêng liêng.

Trẻ cần có khả năng đánh giá cao ý nghĩa của việc trở thành một phần của cộng đoàn nên cần nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc này ngay từ sớm. Tham dự Thánh lễ là một khía cạnh quan trọng và thường xuyên trong đời sống gia đình. Vì thế, hãy tạo thói quen cho gia đình tham dự thánh lễ, nhất là vào Chúa nhật. Thực hành đơn giản này sẽ giúp trẻ nhận thấy rằng cả gia đình đều coi việc nuôi dưỡng thiêng liêng là ưu tiên hàng đầu.

5. Giúp trẻ trở thành tín hữu Công giáo tốt lành

Gia đình là nơi đầu tiên mỗi người được mời gọi sống trong sự thật và tình yêu thương. Việc nuôi dạy con cái theo đức tin là một tiến trình trong đó cha mẹ là những người đóng vai trò chính yếu, và quan trọng của trẻ trong cách sống. Thật thế, đừng chỉ dừng lại ở việc đọc những câu chuyện về đức tin, nhưng hãy chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân khi trung thành sống theo các mệnh lệnh của Chúa. Hơn nữa, những hành động, tư cách của cha mẹ sẽ giúp định hướng cho trẻ nên và hãy dạy con cách hữu hiệu nhất bằng tình thần đạo đức, tình yêu thương và gương sáng.

Trên tất cả, cha mẹ hãy trở thành người mà bạn muốn con mình trở thành.
 
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 15.02.2023


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 15.02.2023

Z

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023. Thánh Cyrillô, đan sĩ và Thánh Mêthôđiô, giám mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 14.02.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon
 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ & BÀI GIẢNG VỀ NĂM NGÓN TAY


ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
& BÀI GIẢNG VỀ NĂM NGÓN TAY

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

WGPMT (13.02.2023) - Đức Thánh Cha Phanxicô đã có chuyến thăm mục vụ tại nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo từ ngày 31/01 đến 04/02. Vào ngày 02/02 ngài đã có cuộc gặp gỡ 65.000 người trẻ và giáo lý viên từ khắp mọi miền đất nước đổ về sân vận động Kinshasa, thủ đô Congo. Cuộc gặp gỡ ấy được mô tả là hết sức sinh động, tràn ngập tiếng cười, tiếng hát, và những điệu múa tưng bừng.

Đức Giáo hoàng gặp gỡ người trẻ tại Congo
Đức Thánh Cha đã trò chuyện với các bạn trẻ bằng thứ ngôn ngữ dung dị, sinh động, nhưng không kém phần sâu sắc. Ngài nói với người trẻ: “Thiên Chúa đã đặt quà tặng sự sống, tương lai xã hội và tương lai đất nước vĩ đại của các con trong tay các con… Các con mơ tới một tương lai mới, tương lai ấy sẽ được sinh ra từ bàn tay các con, và hòa bình sẽ đến từ bàn tay các con”.
 
Muốn thế, người trẻ phải làm gì? Hãy nhìn vào bàn tay mình.

Ngón cái: gần trái tim nhất, tượng trưng cho lời cầu nguyện. Cầu nguyện thường bị coi như xa rời những vấn đề cụ thể của đời sống, nhưng lại là “nhân tố căn bản của tương lai”. Đức Thánh Cha thách thức các bạn trẻ: “Các con có muốn lấy việc cầu nguyện làm bí mật của các con, như nguồn nước làm tươi mát linh hồn, như vũ khí các con mang theo, như bạn đồng hành của các con mỗi ngày không?”

Ngón trỏ: tượng trưng cho đời sống cộng đồng vì nó chỉ vào những người khác. “Cộng đồng là con đường giúp chúng ta cảm thấy tốt về chính mình và trung thành với ơn gọi đích thực của mình”. Đức Thánh Cha cảnh giác người trẻ về nguy cơ sống cô lập hoặc tham gia những “cộng đồng giả hiệu”.

Ngón giữa: cao hơn các ngón khác, tượng trưng cho sự liêm chính. Kitô hữu phải là người được đánh giá cao về đời sống đạo đức, nhất là sự liêm chính. Vì thế Đức Thánh Cha cảnh giác người trẻ đừng để mình bị vướng vào mạng lưới tham nhũng, thay vào đó, hãy trở thành “những người làm biến đổi xã hội, những người biến cái ác thành cái thiện, hận thù thành tình yêu”.

Ngón đeo nhẫn: là ngón tay khó đưa lên cao, tượng trưng cho sự khiêm tốn và cần thiết phải tha thứ. Ngài nói: “Tha thứ không có nghĩa là quên đi quá khứ, nhưng là không để nó lặp lại nữa”, và ngài nhấn mạnh: “Những người biết tha thứ là những người kiến tạo tương lai”.

Ngón út: nhỏ nhất, tượng trưng cho lời mời gọi trở nên nhỏ bé và phục vụ. Dù người trẻ có thể nghĩ rằng những việc tốt tôi làm được chỉ là giọt nước rơi vào biển cả, chẳng thay đổi được gì, nhưng Đức Giáo hoàng khuyến khích người trẻ: “Chúa Giêsu nói rằng phục vụ là sức mạnh biến đổi thế giới”.

Hãy nhìn vào bàn tay, đón nhận và sống những bài học từ bàn tay: cầu nguyện, cộng đoàn, liêm chính, khiêm tốn, phục vụ. Đó sẽ là những bàn tay xây dựng tương lai mới tươi đẹp cho tất cả mọi người.

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 14.02.2023


Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 12.02.2023 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

LÀM SAO ĐỂ HÔN NHÂN BỀN VỮNG TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN?


LÀM SAO ĐỂ HÔN NHÂN BỀN VỮNG 
TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN?

Jeannie Ewing

WHĐ (11.02.2023) - Ben và tôi cùng thận trọng đặt bàn tay phải lên cây thánh giá sau khi chúng tôi tuyên đọc lời hứa trong Thánh lễ Hôn phối. Tôi ý thức được rằng lời hứa này thực sự sẽ kéo dài suốt đời, và tim tôi rung lên với một niềm vui mà tôi chưa bao giờ cảm nghiệm trước đây.

Tôi nhớ mình đã mơ mộng nói với mẹ vài năm sau đó rằng: “Con muốn quang cảnh thiên đàng giống như ngày cưới của con, xung quanh là tất cả những người chúng ta yêu thương nhất, cùng vui cười và chúc mừng nhau.” Có thể điều này nghe có vẻ ngây thơ hoặc sáo rỗng, nhưng đúng thực đó là những gì đã từng xảy ra với tôi. Chỉ có điều là tôi không ngờ được rằng hôn nhân sẽ thử thách chúng tôi theo những cách mà chính tôi không thể hình dung.

Ben và tôi kỷ niệm 14 năm ngày cưới vào ngày 30. 6. Khi thấy những cặp đôi nhìn nhau lãng mạn, chúng tôi trao cho nhau một cái nhìn thấu cảm và nụ cười nhẹ nhàng. Có điều gì đó chúng tôi đã trải qua mà những cặp vợ chồng mới cưới trẻ trung, hạnh phúc - chưa thể hiểu được. Cũng thế, chúng tôi nhìn thấy những cặp vợ chồng đã kết hôn được vài chục năm và ánh mắt của họ toát lên sự khôn ngoan từng trải mà Ben và tôi chưa nhận biết được.

Mới đây, chúng tôi đã thảo luận về một số phương thế giúp vượt qua khó khăn trong cuộc hôn nhân của chính mình. Vẫn biết rằng, mỗi cuộc hôn nhân đều khác nhau; và chúng tôi không biết mọi thứ, nhưng những gì chúng tôi đã học được là giá trị của sự chia sẻ.

Sự nhẫn nại trong giai đoạn khó khăn

Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều đoán trước được những cuộc cãi vã, thậm chí là bạo lực gia đình có thể xảy ra trong thực tế cuộc sống hôn nhân của họ, nhưng những điều này luôn bao hàm cách làm lành và vượt qua. Thật khó để biết trước gia đình ban đầu của mỗi chúng tôi đã định hình thế giới quan của chúng tôi ra sao, cũng như cách chúng tôi giao tiếp và tương quan với nhau như thế nào - cho đến khi chúng tôi kết hôn được một thời gian và nhận ra những khuôn mẫu bắt đầu xuất hiện.

Ben và tôi đối phó một cách hoàn toàn khác nhau với chẩn đoán hội chứng Apert[1] của con gái chúng tôi, Sarah. Trong khi tôi cần phải đề cập đến mọi thứ, từ suy nghĩ, cảm xúc của tôi, và cả những giả sử một cách cởi mở. Đó là cách tôi chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này với Ben, cũng như xử lý những phức tạp có thể có. Trái lai, Ben chọn cách rút lui và tự cô lập. Anh không nhận ra nỗi đau của bản thân, cũng không biết làm sao để diễn tả những cảm xúc mãnh liệt đang dâng trào trong lòng mình.

Và rồi, chúng tôi bước vào giai đoạn mà chúng tôi gọi là “Thời kỳ khô hạn” trong cuộc hôn nhân của mình. Chúng tôi nói chuyện hàng ngày, nhưng cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh cuộc sống thường ngày. Chúng tôi không đi sâu vào vấn đề vì cả hai đều đang phải đối diện với tình trạng kiệt sức, mệt nhoài, và sự bất an chung về cảm xúc mới nảy sinh. Kể từ đó, chúng tôi đã đi qua nhiều thung lũng hơn, nhưng chúng trở nên giống những ngọn đồi thoai thoải hơn.

Một từ mà Thiên Chúa đã đặt vào trái tim của cả hai chúng tôi là: Nhẫn nại. Nhẫn nại có nghĩa là gì? Theo định nghĩa, nhẫn nại bao gồm việc chịu đựng một tiến trình khó khăn hoặc đau đớn mà không chùn bước. Một số từ đồng nghĩa với nhẫn nại là khoan dung, kiên trì, và dũng cảm.

Điều khiến cho việc chịu đựng những khó khăn trong hôn nhân trở nên đau đớn là việc chúng ta chia sẻ cuộc sống với một người mà về cơ bản họ không hiểu mình. Hình thức cô đơn và cô lập về cảm xúc này gây tổn thương tồi tệ hơn nhiều so với khi chúng ta cắt đứt một tình bạn hoặc bị đồng nghiệp phớt lờ. Làm sao để chúng ta có thể chịu đựng? Bằng cách chấp nhận đối diện những cảm xúc nặng nề, và mạo hiểm với sự tổn thương cần thiết để mở lòng với nhau, một cách chậm rãi nhưng nhất quán.

Kiên nhẫn trong những thử thách

Cùng với sự nhẫn nại, vốn tập trung chủ yếu vào việc chịu đựng nỗi đau, sự kiên nhẫn là cách giúp chúng ta vượt qua nỗi đau. Về mặt tâm linh, sự kiên nhẫn cũng giống như sự chịu đựng lâu dài, khả năng chịu đựng các bước mà chúng ta phải thực hiện trên hành trình Canvê của chính mình. Hôn nhân phải gắn liền với Thập giá; không có cách nào khác để một đôi vợ chồng sống sót trước những thay đổi không thể hình dung xảy ra với họ.

Và con đường dài buồn tẻ dẫn đến nơi mình bị đóng đinh phải được thực hiện cùng nhau. Chính khi bản thân trở nên trống rỗng, chúng ta bắt đầu dành chỗ cho người khác, trước hết là Thiên Chúa, và sau đó là người vợ/chồng của mình. Việc trở nên trống rỗng này, việc cắt tỉa này, gây đau đớn khủng khiếp. Cảm giác rất giống cái chết, và đúng là như vậy. Nhưng chỉ từ trong sự chết, sự sống mới có thể xuất hiện.

Kỷ luật đối với cuộc sống hàng ngày

Cách đây vài năm, qua sự giới thiệu của một người bạn, tôi đã đọc cuốn A Mother’s Rule of Life (Quy tắc sống của một người mẹ). Khái niệm về việc tạo sự nhịp nhàng trong gia đình thông qua thói quen hằng ngày đã thu hút chứng u uất của tôi đối với sự sắp xếp trật tự và có tổ chức. Tuy nhiên, khi con cái còn nhỏ hoặc khi chúng có những nhu cầu đặc biệt, cuộc sống có xu hướng hỗn độn hơn là bình lặng.

Hầu hết các bà mẹ đều cảm thấy việc thiết lập một nếp sống nhịp nhàng giống như trong tu viện là điều nằm ngoài tầm tay, nhưng thực sự thì điều này có thể xảy ra. Những gì chúng ta có thể làm được, chúng ta sẽ làm rất tốt. Đó là điểm phát xuất của tôi - với những bước nhỏ hướng tới thói quen hằng ngày. Trước hết, chúng tôi có giờ ăn bình thường, mà chúng tôi chia sẻ như một gia đình mỗi khi chúng tôi ở cùng nhau. Tiếp đến, chúng tôi dành khoảng 2 tiếng đồng hồ, được chỉ định là thời gian nghỉ ngơi. Mọi người có thể ngủ trưa, có thể đọc sách, hoặc chơi với thú nhồi bông.

Thói quen hằng ngày trở nên cực nhọc khi nó không được thực hiện một cách vui vẻ và với tình yêu thương. Cuộc sống hôn nhân và gia đình không phải lúc nào cũng tràn ngập những cảm giác êm đềm, và màu hồng. Trên thực tế, những điều này hầu như rất khó xảy ra. Vấn đề là chúng ta nhận ra món quà kỷ luật, trước hết là trong việc cầu nguyện hàng ngày, sau đó là với những người trong gia đình.

Không nhất thiết phải vượt qua khó khăn trong hôn nhân, trái lại, những khó khăn này được dệt thành tấm thảm phức tạp hơn trong cuộc sống của chúng ta. Sự cám dỗ chạy trốn vào thứ hạnh phúc mơ hồ, thoái thác sẽ luôn tìm cách lôi kéo chúng ta xa rời ơn gọi đích thực của mình, đó là tình yêu. Và tình yêu không bao giờ tách ra khỏi sự chọn lựa của mỗi người để chịu đựng một cách kiên nhẫn.

Chăc chắn, vẫn có đó muôn vàn cách thế mời gọi chúng ta chết đi cho sự ích kỷ của chính mình để khám phá (hoặc tái khám phá) những sự phục sinh nho nhỏ đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (09-02-2023)


[1] Hội chứng Apert, còn được gọi là acrocephalosyndactyly, là một rối loạn di truyền đặc trưng bởi các bất thường về xương. Đặc điểm chính của hội chứng này là sự đóng sớm, ngăn cản sự phát triển bình thường, và gây biến dạng của hộp sọ, khuôn mặt, răng, và tay chân. Hội chứng Apert xảy ra với tì số 1/ 65.000 - 88.000 ca sinh.

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 104: TIẾNG CHUÔNG MÙA XUÂN


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 12.02.2023