Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 6 MÙA PHỤC SINH 2023

 Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 16.5.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC CHO ĐỨC CHA TÂN CỬ PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG

 

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC
CHO ĐỨC CHA TÂN CỬ PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG


Bài viết: Vi Hữu
Video: Ban Truyền thông Giáo phận Phát Diệm


WHĐ (16.05.2023) “Quà tặng đức tin cần được chia sẻ”, Đức cha Phêrô Kiều Công Tùng đã nhắn nhủ với cộng đồng Giáo phận Phát Diệm như thế vào cuối Thánh lễ phong chức giám mục cho ngài vào sáng thứ Ba 16-5-2023 tại Quảng trường Phương Đình, Nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Vị Chủ phong là Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. Hai vị Phụ phong là Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn và Đức Giám mục Phêrô Huỳnh Văn Hai.

Cùng đồng tế Thánh lễ này có Đức Tổng Giám mục (TGM) Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 25 giám mục và khoảng 200 linh mục. Tham dự Thánh lễ có rất đông tu sĩ, chủng sinh và giáo dân của các giáo phận khác nhau.

Đúng 07g00, đoàn đồng tế tiến vào trước lễ đài. Sau khi mọi người an tọa, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã giới thiệu và chào mừng các vị giám mục đang hiện diện, rồi khởi sự Thánh lễ.

Sau bài Tin Mừng, Phụng vụ Truyền Chức bắt đầu với bài hát xin Ơn Chúa Thánh Thần (Veni Creator Spiritus), lời giới thiệu Tiến chức và công bố Tông sắc bổ nhiệm.

Tiếp theo là bài giảng của Đức Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang. Ngài cho thấy, qua việc thay đổi và bổ nhiệm tân Giám mục ở đây, Đức Giêsu Mục tử đã muốn Phát Diệm trở thành một cộng đoàn hiệp thông, phục vụ và loan báo Tin Mừng. Ngài cũng nhắn nhủ Phát Diệm hãy yêu thương và cầu nguyện nhiều cho vị tân Giám mục Phêrô.

Phụng vụ Truyền Chức tiếp tục với nghi thức đặt tay, lời nguyện truyền chức, xức dầu thánh, trao sách Tin Mừng, trao nhẫn giám mục, đội mũ mitra, trao gậy mục tử, mời vị tân chức ngồi vào ghế giám mục, và cái hôn bình an của các giám mục dành cho vị tân chức.

Thánh lễ được nối tiếp với vị chủ tế là Đức Tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng.

Cuối thánh lễ, vị Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam đã có lời chúc mừng Tân giám mục. Đức TGM Marek Zalewski tin tưởng rằng, nhờ ơn Chúa giúp, Đức cha Phêrô sẽ chu toàn nghĩa vụ làm đá tảng vững chắc cho Dân Chúa ở nơi này.

Tiếp theo, Đức cha Tổng thư ký Giuse Đỗ Mạnh Hùng, đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngỏ lời chúc khen Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đã thực hiện tốt đẹp 2 nghĩa vụ cùng một lúc - ở Phát Diệm và ở Sài Gòn. Ngài cho rằng Đức tân Giám mục Phêrô sẽ dễ dàng tiếp nối chương trình của vị tiền nhiệm và ngài chúc mừng cộng đoàn Phát Diệm đã có một vị chủ chăn mới đầy khả năng như thế.

Kế đến, Đại diện giáo phận Phát Diệm đã chúc mừng và bày tỏ lòng vâng phục với vị cha chung mới của mình.

Sau cùng Đức Tân giám mục ngỏ lời với cộng đoàn. Ngài cảm ơn tất cả mọi người và mời gọi cộng đoàn Phát Diệm sống hiệp hành, cùng đi trong Thần Khí, biết chia sẻ quà tặng đức tin, tức là nỗ lực loan báo Tin Mừng cho mọi người chung quanh.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g00 trong niềm vui lớn lao của Giáo hội Việt Nam khi có một vị Giám mục mới cho giáo phận Phát Diệm.
 
(Cập nhật lúc 13h30 ngày 16.05.2023)
(WHĐ)

 

NGHI THỨC TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN CỦA ĐỨC GIÁM MỤC TÂN CỬ PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG

NGHI THỨC TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN 
CỦA ĐỨC GIÁM MỤC TÂN CỬ PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG

Bài viết: Vi Hữu
Hình và Video: Truyền thông Giáo phận Phát Diệm


WHĐ (15.05.2023) - “Làm Giám mục là làm dâu nghìn họ”, Đức Giám mục (ĐGM) Đaminh Đặng Văn Cầu đã nhận định như vậy khi ngài chủ sự Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của ĐGM tân cử Phêrô Kiều Công Tùng trong giờ Phụng vụ Kinh Chiều được cử hành vào chiều ngày 15-5-2023 tại Nhà nguyện Tòa Giám mục Phát Diệm.


Hiện diện trong buổi tuyên xưng đức tin này có Đức Tổng Giám mục (TGM) Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 13 giám mục, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, các thân nhân và nhiều giáo dân của các giáo phận khác nhau.

Lúc 17g30, đoàn rước Giám mục tiến lên cung thánh, sau đó ĐGM Đaminh Đặng Văn Cầu đã long trọng chủ sự Phụng vụ Giờ Kinh Chiều.

Sau các bài Thánh thi, Ca vịnh và Lời Chúa, ĐGM Đaminh đã nói lên sứ vụ chính yếu của Giám mục là cầu nguyện, hy sinh, hiến tế và phục vụ như “một nàng dâu phải phục vụ nghìn họ”, rất vất vả nhưng luôn có sự đồng hành của Chúa và cộng đoàn.

Tiếp theo, ĐGM tân cử Phêrô tuyên xưng đức tin qua Kinh Tin Kính, tuyên thệ sẽ thực thi mọi điều luật và làm hết sức để chu toàn chức vụ được giao phó cách tốt nhất.
 
Dứt lời, ĐGM tân cử tiến lên đặt tay trên Sách Thánh và đọc: “Vì vậy, xin Thiên Chúa và các sách Tin Mừng tôi đặt tay đây giúp sức cho tôi”.
Sau đó vị Chủ sự nghi thức đã làm phép phẩm phục Giám mục và các biểu chương - là mũ, gậy, nhẫn của Giám mục.

Để tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận Phát Diệm vị mục tử mới, tất cả cộng đoàn đã dâng lên Chúa lời ca “Magnificat” trong khi vị Chủ sự xông hương Thánh giá, bàn thờ và vị phó tế xông hương cộng đoàn.


Sau Kinh Lạy Cha và lời nguyện cuối cùng của Kinh Chiều, Đức Giám mục tân cử Phêrô, Đức TGM Marek Zalewski và Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã ký tên vào bản tuyên xưng Đức tin mà vị Giám mục tân cử vừa đọc.


Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin đã kết thúc lúc 18g20 sau phép lành của vị Chủ sự.

 
 TIỂU SỬ ĐỨC GIÁM MỤC TÂN CỬ PHÊRÔ KIỀU CÔNG TÙNG
  • Sinh ngày 24/8/1964 tại Thủ Đức, thuộc Giáo xứ Cao Thái, Tổng giáo phận Sài Gòn
  • 1993 - 1999: Tu học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
  • Ngày 30/06/1999: Được Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp.HCM
  • 1999 - 2003: Phụ tá Giáo xứ Bùi Phát, Tổng giáo phận Tp. HCM
  • 2003 - 2004: Phục vụ tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
  • 2004 - 2009: Du học tại Hoa Kỳ (Boston College & Boston University); tốt nghiệp Thạc sĩ các chuyên ngành Mục vụ - Thánh nhạc và Thần học
  • 2009 - 2010: Phụ tá nhà thờ Chính tòa
  • 2010 ˗ 2016: Linh mục nội trú tại Đại Chủng viện Thánh Giuse
  • 2010 - nay: Giảng dạy tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Học viện Công giáo Việt Nam và một số Học viện Dòng tu
  • 2016 ˗ nay: Chưởng ấn Tòa Tổng giám mục Tổng Giáo phận TP. HCM - 25/3/2023: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm.
 (Cập nhật lúc 23g30 ngày 15.05.2023)
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 15.5.2023


Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 6 MÙA PHỤC SINH 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 15.5.2023 
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon
 

CHUYẾN THĂM VIẾNG MỤC VỤ CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI TẠI GIÁO PHẬN THANH HÓA (Ngày thứ 2)

CHUYẾN THĂM VIẾNG MỤC VỤ 
CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI 
TẠI GIÁO PHẬN THANH HÓA  
(Ngày thứ 2)

Ban Truyền thông Giáo phận Thanh Hóa

WGPTH (14.05.2023)Tiếp nối hành trình viếng thăm giáo phận Thanh Hóa từ ngày 13-15/5/2023. Trong ngày thăm viếng thứ hai, hôm nay 14.05.2023, Đức Tổng Giám Mục MAREK ZALEWSKI sẽ đến với giáo xứ Mẹ Chính Tòa và giáo xứ Ba Làng.

1. Thánh Lễ tạ ơn tại giáo xứ Mẹ Chính Tòa

Sáng Chúa Nhật VI Phục Sinh, ngày 14.05.2023, tại nhà thờ giáo xứ Chính Tòa, Đức Tổng Giám Mục MAREK ZALEWSKI đã hiện diện dâng Thánh Lễ tạ ơn trong chuyến thăm mục vụ ngày thứ 2 của Ngài nơi giáo phận Thanh Hóa thân yêu.


Đúng 9h45, đoàn rước đồng tế từ khuôn viên Tòa Giám Mục Thanh Hóa tiến về nhà thờ giáo xứ Chính Tòa trong niềm hân hoan vì sự hiện diện đầy trân quý của Đức Khâm Sứ đại diện Tòa Thánh.

 

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Cường đã có lời chào mừng Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski nhân chuyến thăm mục vụ giáo phận của ngài. Trong Thánh Lễ tạ ơn hôm nay, cộng đoàn hiện diện rất đỗi vui mừng vì được đón mừng Sứ Thần Tòa Thánh đến thăm viếng và nhất là cử hành Thánh Lễ nơi ngôi Thánh đường đại diện cho giáo phận để hiệp thông cầu nguyện cách đặc biệt cho giáo phận Thanh Hóa.

Chia sẻ trong Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục bày tỏ sự vui mừng vì được có mặt ở đây và dâng Thánh Lễ sáng nay như là dấu chỉ của sự hiệp nhất và yêu thương. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Cường vì đã trân trọng mời ngài đến thăm Giáo phận Thanh Hóa thân yêu này. Khởi đi từ bài Tin Mừng của Chúa Nhật VI Phục Sinh, Đức Tổng chia sẻ: "Chúa Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân giữ giới răn của Người như cách mà chúng ta thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Người." Qua đó, Đức Tổng giúp mọi người hiểu được rằng tình yêu, lòng mến là trọng tâm của đức tin Kitô giáo, như tình yêu dành cho Chúa Kitô thúc đẩy và hướng dẫn tất cả hành động và quyết định của mỗi chúng ta. Như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng của Thánh Gioan rằng: "Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em.” "Và chủ đề chính của bài Tin Mừng hôm nay chính là tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Một tình yêu vĩ đại đến mức Người sẽ không bao giờ buông tay và bỏ rơi chúng ta."


 
Như một lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa và cũng là tri ân Đức Tổng Marek, đại diện cho cộng đoàn hiện diện, cha Tổng đại diện Mice Trịnh Ngọc Tứ đã bày tỏ niềm vui và cảm ơn tới Đức Tổng trong chuyến thăm viếng mục vụ này.

 
Thánh Lễ tạ ơn của Đức Tổng Marek tại ngôi thánh đường giáo xứ Mẹ Chính Tòa đã khép lại trong niềm vui mừng phấn khởi của hết thảy cộng đoàn. Sau Thánh Lễ, Đức Tổng về lại Tòa Giám Mục nghỉ trưa và tiếp tục chuẩn bị cho hành trình thăm viếng tiếp theo tại giáo xứ Ba Làng.

 
2. Chuyến thăm giáo xứ Ba Làng - nơi hạt giống Đức Tin đầu tiên được gieo mầm

Điểm dừng chân tiếp theo của Đức Tổng Giám Mục MAREK ZALEWSKI là Giáo xứ Ba Làng. Đúng 16h00 ngày 14.05.2023, đoàn xe đón Đức Tổng Giám Mục đặt chân đến tại Giáo xứ Ba Làng trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo các thành phần dân Chúa.



Một trong những cái nôi của đạo công giáo tại Miền Bắc, từ những ngày đầu cha Đắc Lộ đặt chân đến đất Cửa Bạng - gieo mầm Tin mừng tới những nhóm người đầu tiên, cho đến nay gần 400 năm tồn tại và phát triển đã trải qua nhiều thăng trầm biến cố của thời gian, như là cuộc di dân vào năm 1954 để thành lập nên 2 giáo xứ Ba Làng (Nha Trang) và Thanh Hải (Phan Thiết), và sự tàn phá của những cơn bão lớn. Để lại nơi xứ mẹ Ba Làng một sự hoang tàn khi chỉ còn một số ít những người không muốn rời bỏ quê hương mà ở lại. Để rồi họ đã gây dựng nên một xứ đạo Ba Làng như ngày nay hôm nay với hơn 10 ngàn giáo dân.

 
Chào đón phái đoàn Đức Tổng Giám Mục đại diện Tòa Thánh là vãn hoa chào đón với gần 500 con hoa của giáo xứ Ba Làng. Một vãn hoa đầy tình yêu mến dành trọn cho Đức Tổng Giám Mục. Vẫn cái danh tiếng của một xứ biển “Ăn sóng nói gió, ăn to nói lớn” không chỉ là nghĩa đen như câu ca dao vừa nhắc tới. Trở về với Ba Làng mọi người không chỉ thấy đơn giản là ăn to nói lớn hay ăn sóng nói gió nữa. Mà ở đó còn có tình người lớn lao, sự đoàn kết gắn bó của mỗi người giáo dân đã kiến tạo nên một giáo xứ Ba Làng lớn mạnh như hôm nay.


Sau vãn hoa chào đón là Thánh Lễ Tạ ơn của Đức Tổng Giám Mục tại giáo xứ Ba Làng. Cùng hiệp dâng Thánh Lễ với Ngài có Đức Cha Giu-se Nguyễn Đức Cường- Giám Mục Gp Thanh Hóa, Cha Tổng Đại diện, Quý cha trong ngoài giáo hạt, Quý thầy phó tế, Quý sơ và đông đảo thành phần dân Chúa cùng hiện diện.

 
Trong bài chia sẻ Tin mừng, Đức Tổng dẫn dắt mọi người hướng đến Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta và nhấn mạnh một điều rằng: “Niềm tin thuần tuý không chỉ là vấn đề của niềm tin, nhưng còn đòi buộc sự cam kết sống một cuộc sống đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách noi theo mẫu gương của Chúa Giêsu.” Ngài giúp cộng đoàn nhận ra một điều rằng chính chúng ta luôn tạo ra một khoảng cách đối với một Thiên Chúa đầy tình yêu và lòng trắc ẩn mà lại quên mất đi chính Chúa là người yêu thương ta trước khi mà ta muốn yêu thương Ngài. “Sợ hãi có khuynh hướng giam cầm, tình yêu trao ban tự do. Sợ hãi có khuynh hướng làm cho ta chua cay gắt gỏng, tình yêu luôn dịu ngọt. Sợ hãi làm cho con người bị tổn thương, tình yêu tìm kiếm chữa lành. Sợ hãi luôn lảng tránh, tình yêu thì mời gọi. Thánh Augustino nói, “Hãy yêu Chúa rồi làm những gì mình muốn.” “Hữu xạ tự nhiên hương.” Khi các con thực sự yêu thương, các con sẽ làm những việc tốt. Đã từ rất lâu chúng ta vẫn hát lời của bài thánh ca: “Chúng ta là một trong thần khí và trong Thiên Chúa.” Và câu cuối cùng của bài thánh ca đó là, “Họ sẽ biết chúng ta là Kitô hữu qua lòng mến của chúng ta.” Amen.

Ước mong mỗi người hiểu và thực hành được những lời Đức Tổng giám Mục đã chia sẻ để rồi tất cả được lớn mạnh bền vững trong tình yêu của Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria.

Từ biệt giáo xứ Ba Làng trong tình yêu mến Đức Ki-tô, Đức Tổng giám Mục trở về Toà Giám Mục Giáo phận cho hành trình tiếp theo của Ngài tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa.

(WHĐ)

ỨNG XỬ KHI TRẺ KHÔNG MUỐN ĐI NHÀ THỜ

ỨNG XỬ KHI TRẺ KHÔNG MUỐN ĐI NHÀ THỜ

Theresa Civantos Barber

WHĐ (14.05.2023) – Là cha mẹ, đã có bao giờ bạn nghe thấy con của mình nói rằng: “Con ghét đi nhà thờ! Vì đến nhà thờ thật là chán!”. Nếu có, thì những lúc như vậy bạn sẽ phản ứng như thế nào? Thực lòng, mấy đứa trẻ của tôi, đứa lớn nhất vừa tròn 9 tuổi, và đứa em 6 tuổi, thỉnh thoảng cũng có nói như vậy. Dưới đây là cách tôi ứng xử trong những tình huống này.

1. Việc đến nhà thờ là điều không thể nhân nhượng

Một số bậc cha mẹ để cho đứa trẻ lựa chọn có đi Lễ hay không, nhưng đối với tôi, điều đó cũng giống như để đứa trẻ chọn xem chúng có muốn đội mũ an toàn khi ngồi xe máy, có muốn đánh răng rửa mặt, hoặc là có muốn ăn rau hay không, ….

Chúng tôi đi lễ mỗi Chúa nhật. Đây là điều chúng tôi thực hiện trong gia đình, và có chủ ý xây dựng thói quen này thành một phần không thể thay đổi trong văn hóa gia đình của chúng tôi. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi phải quá nghiêm khắc hoặc cứng cỏi với lũ trẻ. Hoàn toàn ngược lại!

2. Thừa nhận và diễn tả cảm giác của trẻ

Một phần thực sự quan trọng trong việc giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và nhìn nhận là khẳng định những gì chúng đang cảm thấy. Vì vậy, tôi thường nói điều gì đó với trẻ, chẳng hạn như:

"Mẹ nghe điều con nói. Con không muốn đi nhà thờ, vì con cảm thấy đến nhà thờ rất chán. Việc con cảm thấy như vậy khi còn là một đứa trẻ là điều bình thường. Mẹ cũng từng nghĩ đến nhà thờ thật là chán khi mẹ ở độ tuổi của con”.

Tôi muốn trẻ nhận ra rằng tôi hiểu và quan tâm đến cảm giác của chúng. Nhưng tất nhiên, tôi chỉ không dừng lại ở đó.

3. Giải thích lý do tại sao chúng ta đi nhà thờ

Sau đó tôi giải thích:

“Khi bằng tuổi con, mẹ cũng nghĩ là đến nhà thờ thật là chán, nhưng bây giờ, đi lễ là điều Mẹ thích nhất trên đời. Vì vậy, mẹ biết khi con lớn hơn, con cũng sẽ thích như vậy”.

Khi cuộc trò chuyện này diễn ra với đứa con 6 tuổi của tôi vào tuần trước, tôi nói với nó:

“Chúa đã ban cho chúng ta tất cả ngày, giờ, và phút trong cuộc đời. Chúng ta có hàng ngàn giờ để vui chơi và tận hưởng cuộc sống. Chúa chỉ muốn chúng ta dành cho Ngài 1, 2 giờ đồng hồ mỗi tuần để đi lễ vào Chúa nhật. Con không nghĩ là chúng ta nên làm điều đó sao?”

Con bé suy nghĩ một chút rồi nói, “Vâng, đúng rồi mẹ ạ”.

Chiều hôm đó, tôi rất ngạc nhiên khi thấy con bé đang quỳ trước tượng Đức Mẹ trong vườn sau nhà. Nhìn thấy tôi, con bé nói: “Con đang chơi, nhưng con sẽ đi nhà thờ mẹ ạ!”. Thật là một sự thay đổi hoàn toàn so với buổi sáng hôm đó!

4. Chia sẻ chứng tá của chúng ta

Sách Giáo lý dạy rằng cha mẹ được mời gọi trở thành những người rao giảng Tin Mừng trước hết là cho con cái:

Nhờ ân sủng của bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái. Cha mẹ khai tâm cho con cái về các mầu nhiệm đức tin ngay từ lúc đầu đời, chính họ là “những sứ giả đầu tiên” của đức tin đối với con cái mình. (GLCG 2225)

Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc chia sẻ tình yêu của mình dành cho Đức Kitô với con cái.

Khi lũ trẻ không muốn đi nhà thờ, tôi nói với chúng:

“Mẹ rất thích đi nhà thờ. Mẹ thích đi gặp Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, và ở đó với tất cả Các Thánh và các Thiên Thần, chúng ta thờ phượng Chúa với các bạn của chúng ta.”

Cũng có một cách khác để tôi liên kết gia đình và nhà thờ đó là tôi đặt một bàn cầu nguyện nhỏ trong phòng học, và chúng tôi thường thắp nến và đọc Kinh thánh tại phòng nguyện nhỏ này.

Tôi muốn bọn trẻ hiểu rằng chúng ta không chỉ đi lễ vì bị bắt buộc, mà còn vì chúng ta muốn làm điều đó.

5. Dạy dỗ trẻ vào những thời điểm khác

Khi chuẩn bị bước ra khỏi nhà để tham dự Thánh lễ không phải là thời điểm tốt nhất để tôi dạy các con tại sao chúng ta coi trọng Thánh lễ. Vì vậy, tôi thực sự cố gắng dạy chúng về điều đó vào những lúc khác trong ngày.

Có những lần, một trong những đứa con của tôi rất bướng và không chịu quỳ gối trong Thánh lễ. Do đó, vào cuối ngày, tôi kéo nó vào lòng và hỏi:

“Con có biết tại sao chúng ta lại quỳ gối trong Thánh lễ không? Con có biết việc chúng ta đang ở đâu và ai có mặt ở đó có nghĩa là gì không?”

Chúng tôi đã thảo luận về việc quỳ gối là một dấu hiệu của sự nghiêm trang và tôn kính, rồi tôi nói:

“Con có nghĩ rằng Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời và đất, con và tất cả những người mà con yêu thương, là Đấng mà con nên quỳ gối khi ở trước mặt Ngài không?”

Thằng bé chậm rãi gật đầu. Tôi có thể thấy nó bắt đầu hiểu tại sao chúng tôi quỳ gối, thay vì chỉ làm theo giống như mọi người. Từ đấy trở đi, thằng bé không bao giờ từ chối quỳ gối trong Thánh lễ.

***

Trên đây là những cách tôi ứng xử khi những đứa con bướng bỉnh của tôi không muốn đi lễ vào Chúa nhật. Trong khi nhắc nhở chúng rằng việc đi dự Thánh lễ không phải là vấn đề để tranh luận, tôi thừa nhận cảm giác của chúng, giải thích lý do tại sao chúng tôi đi nhà thờ, chia sẻ lý do tại sao tôi thích đi dự Thánh lễ và đưa ra quan điểm để dạy dỗ chúng sau đó trong ngày về những gì xứng hợp cần làm khi tham dự Thánh Lễ, và tại sao những điều ấy lại quan trọng như vậy.

Từng chút như vậy, tôi thấy rất hiệu quả.

Hy vọng các bạn cũng có những cách thế riêng của mình, để giúp con cái của chúng ta yêu mến việc đến nhà thờ, và tham dự Thánh lễ Chúa nhật cách sốt sáng và xứng hợp.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: aleteia.org (12. 5. 2023)
(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 14.5.2023


Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH NĂM A

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 13.5.2023 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

NGHĨ VỀ NGÀY CỦA MẸ

NGHĨ VỀ NGÀY CỦA MẸ

Đaminh Trường Sơn, SDB

Ngày của mẹ năm nay là ngày 14 tháng 05; quả là ý nghĩa biết bao để mỗi người sẽ dành thời gian để nghĩ về tình mẫu tử thiêng liêng, một mối tình mà có lẽ chẳng có cơn sóng nào có thể làm đổ vỡ được. Từ “mẹ” lại rung lên một lần nữa trong ngày này để ta nghiệm ra được tình mẹ thiêng liêng dành cho đứa con yêu dấu từ khi con được thành hình trong lòng dạ của mình. Cùng trở lại với những điều thật bình dị, quen thuộc và nhận ra món quà lớn lao mà chính Thiên Chúa đã gửi gắm vào trần gian để rồi chúng ta hãy cùng nhau nhen nhóm lên ngọn lửa thiêng liêng, cao quý đó cho thế giới hiện đại này.

Hình ảnh người mẹ cưu mang đứa con yêu dấu của mình trong lòng dạ suốt chín tháng mười ngày có vẻ quen thuộc đối với mỗi người; thế nhưng có quen thuộc đến mấy đi nữa thì mãi mãi người ta sẽ không bao giờ vét cạn được chân trời huyền nhiệm nơi con người mà chính Thiên Chúa đặt vào trong lòng dạ người mẹ.

Thật vậy, chính con người là một huyền nhiệm, huyền nhiệm ngay từ lúc được thụ thai trong lòng dạ của mẹ. Nhưng ai là người đầu tiên để mang lấy một huyền nhiệm đó nếu không phải là mẹ. Chính Thiên Chúa đã đặt để một huyền nhiệm con người vào trong lòng dạ của mẹ, chính tại đây mà mỗi con người đã được nuôi dưỡng, lớn lên và được sống trong cuộc đời này. Có ai đã tự hỏi, tại sao tôi lại được sinh ra? Tại sao tôi lại được đặt vào trong cung lòng của mẹ tôi? Đó là huyền nhiệm của tình yêu dành cho mỗi một con người. Đó là món quà của tình yêu Thiên Chúa đã dành cho mỗi một con người để hiện hữu trong trần gian này.

Nếu ai có lòng biết ơn đến sự hiện hữu của mình thì mới có thể hiểu ra được lòng dạ của người mẹ, mạch máu nơi người mẹ, giọt sữa của người mẹ và trái tim của người mẹ thiêng liêng và cao quý đến mức nào. Đó là sự thiêng liêng là bởi vì không ai có thể cho mình quyền được sinh ra, chọn lựa được sinh ra ở đâu và thời gian mình được sinh ra. Đó là thiêng liêng cũng bởi vì chính lúc con được thành hình trong dạ mẹ thì cũng là lúc con nhận được chính tình yêu sự sống từ mẹ; chắc hẳn đó không phải là những thứ “thuần vật chất” mà mẹ truyền sang con. Đứa con không phải là một “sản phẩm” từ người mẹ, hay một “loại vật chất” có thể được làm cho lớn lên nhờ “thứ vật chất” từ người mẹ. Không phải như thế! Nhưng chính tình yêu từ mẹ đã làm cho con được lớn lên, và tình yêu nơi mẹ là sự sống mà con được thông truyền, được kín múc. Những gì mà con được nhận lãnh đâu phải chỉ là những thứ vật chất mà đúng hơn là đón nhận chính tình yêu của người mẹ, chính những gì trong con người của mẹ dành tặng cho con, chính những gì của mẹ là của con.

Như thế, chúng ta mới hiểu được rằng, con người của chúng ta đâu phải là một “tai nạn” cho bằng là một hồng ân. Ngày của mẹ nhắc cho mỗi người chúng ta món quà của sự sống, món quà của người mẹ đã dâng hiến cho ta. Đó phải là tặng phẩm của tình yêu chứ không phải là một “sản phẩm vật chất”.

Món quà ấy còn tiếp tục được trao ban cho người con yêu dấu của mình bằng sự chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, chở che… trong cả cuộc đời. Dù người ta có trưởng thành thế nào đi nữa, hình ảnh người mẹ vẫn cứ luôn gần gũi, thân thương trong trái tim con người. Không ai có thể cắt đứt được sợi dây thiêng liêng mẫu tử được bởi vì có từ chối, cắt đứt thế nào đi nữa, thì tình mẹ – con vẫn là như thế, vẫn ở đó, vẫn tồn tại trong trái tim con người. Tình mẹ – con là thiêng liêng, luôn gắn liền với trái tim, với chính con người thì làm sao có thể phá vỡ được.

Tiếc thay, vẫn có người trong thế giới hiện đại này muốn phá vỡ tình mẫu tử đó. Nhiều người đã chọn cho mình một hướng đi “không có tình yêu thiêng liêng”; một hướng đi của thứ hạnh phúc hoàn toàn nằm ở vật chất, tiền bạc mà thôi. Đời sống gia đình đổ vỡ vì người ta đã không chọn tình mẫu tử, tình yêu thiêng liêng làm nhựa sống cho gia đình; không nuôi dưỡng tình yêu trong gia đình và không vun đắp tương quan trong đời sống gia đình. Có lẽ vì người ta đã chọn vật chất nhiều hơn là tình mẫu tử, tình gia đình thiêng liêng thì phải?

Tiếc thay, nhiều người đã không nghiệm thấy được cái đẹp, cái quý nơi tình mẫu tử! Đâu đó, vẫn còn những câu chuyện thương tâm giữa mẹ và con. Đâu đó vẫn còn thấp thoáng những con người chỉ xem mẹ và con như là những “vật chất” mà thôi. Vẫn còn đó nhiều người đã không nghiệm thấy được tình mẫu tử, không nghiệm thấy được chính mỗi con người là món quà của sự thiêng liêng, cao quý như thế nào. Có người đã chọn bỏ đi đứa con yêu dấu của mình vì cho đó là “tai nạn”; có người từ chối tình mẫu tử đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã dành tặng cho mình; có người lại chọn một thứ tình mẫu tử “khác lạ” khi không bao giờ muốn con mình được thụ thai trong lòng dạ của mình.

Cần lắm một khoảng lặng để ai đó có thể hiểu được huyền nhiệm con người đến từ tình yêu.

Cần lắm một khoảng lặng để ai đó có thể hiểu được tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý như thế nào.

Cần lắm một khoảng lặng để ai đó có thể hiểu được dù thế giới có hiện đại cách mấy đi nữa thì mãi mãi tình mẹ – con vẫn luôn có một ý nghĩa và giá trị độc nhất vô nhị cho cuộc sống này.

Cần lắm một khoảng lặng để ai đó có thể hiểu được trong thế giới này, tình yêu mới có thể mang đến cho con người sự sống và hạnh phúc đích thực mà thôi.

(WHĐ)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH NĂM A (Ga 14, 15-21)


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 13.5.2023