Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

CA HÁT TRONG PHỤNG VỤ

BÀN VỀ VIỆC CA HÁT NGỢI KHEN THIÊN CHÚA
 
Khánh Linh
Có lẽ ai cũng công nhận việc thờ lạy, ngợi khen Thiên Chúa qua lời ca tiếng hát là một điều cần thiết và rất đáng nên làm, nhất là trong các Thánh Lễ và nghi thức Phụng Vụ. Chúng ta vẫn thường nghe trích dẫn câu của Thánh Augustinô, “Hát là cầu nguyện hai lần.” Tuy nhiên, chúng ta cũng thường nghe than phiền về việc ca hát trong thánh đường: có khi là ca đoàn hát quá nhiều, hay quá yếu, không làm cho người ta cầm lòng cầm trí cầu nguyện, có khi thì ca đoàn than phiền không được sự hưởng ứng của cộng đoàn trong việc cùng nhau ngợi khen Thiên Chúa. Ở đây, chỉ xin đưa ra một vài nhận xét và mong các bậc thức giả, các ca trưởng, nhạc sĩ và những người thích hát ca, chúng ta chia sẻ và trình bày để có những nhận định để giúp cho việc thực hành trong lãnh vực ca hát của người Công Giáo Việt Nam càng lúc càng được nâng cao, và để việc thờ lạy Thiên Chúa của chúng ta tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

Trước hết, phải nói ngay là việc trích dẫn câu của Thánh Augustinô thường không chính xác lắm, thánh nhân có ý nhắc nhở người ca hát Chúa phải cẩn trọng, vì “Hát hay mới là cầu nguyện hai lần” (Bene cantare, bis orare). Nếu hiểu đúng như trên, không phải lúc nào hát cũng là cầu nguyện hai lần đâu. Ở đây có người sẽ thắc mắc ngay, thế nào là hát hay, có phải cứ như ca sĩ chuyên nghiệp mới được? Nếu thế thì tôi đi nhà thờ xin cứ ngậm miệng là chắc ăn, vì giọng nói của tôi còn chưa dám nói là nghe được, huống chi đòi hát hay, lọt tai người khác. Nếu đúng như thế thì chắc đa số giáo hữu nên yên lặng, vì khi mở miệng ca hát thì sẽ mang tội kiêu ngạo, dám nghĩ mình hát hay. Nghệ thuật và thẩm mỹ âm nhạc hẳn còn nhiều điều để học hỏi và bàn thêm, nhưng thiển nghĩ việc hát hay trong nhà thờ không nhất thiết đòi hỏi chúng ta có chất giọng như các ca sĩ chuyên nghiệp.


Điều cần thiết và luôn được Giáo Hội khuyến khích là việc hát cộng đồng. Việc này cần một tinh thần chung: trước hết là mọi người trong cộng đồng dân Chúa cần được ý thức việc ca hát ngợi khen Thiên Chúa là bổn phận của mỗi tín hữu và cũng là lúc cộng đoàn đồng tâm nhất trí nâng tâm hồn lên cùng Chúa trong lời ca tiếng nhạc. Việc hát cộng đồng giúp chúng ta ý thức tinh thần hiệp nhất và tôn trọng nhau. Mọi người sẽ cùng yêu thích hát và nghe người khác hát, sao cho tiếng hát của chúng ta hòa quyện chung với nhau để các giọng hát đừng quá chênh lệch, lạc điệu, chạy tông. Nếu giọng ca của ta quá to, át tiếng người khác, hoặc ngược lại, quá nhỏ chỉ để như nhấp nháy đôi môi thì rõ ràng chúng ta chưa hát cộng đồng. Hơn nữa, việc hát này nhằm mục đích thờ lạy và ca tụng Thiên Chúa, tức là cầu nguyện, thì tâm hồn chúng ta trước tiên phải có một tinh thần cầu nguyện thưa cùng Thiên Chúa. Mà muốn được như thế, để có thói quen chuẩn bị chu đáo dâng thánh lễ sốt sắng, rất nên dành ra ít phút trước thánh lễ tập dợt lại các bài ca, đáp ca sẽ hát trong thánh lễ. Một số nhà thờ có thói quen rất tốt là dành ra chừng 5-10 phút trước thánh lễ để tập cho cộng đoàn hát chung, có nơi lại còn chuẩn bị các bài hát in sẵn, có khi có cả nốt nhạc đi kèm, hoặc chiếu trên màn hình, đặt bài hát trên giá cao để cộng đoàn đều nhìn rõ và hát theo. Rõ ràng bên cạnh việc chuẩn bị ca hát cho xứng đáng, linh mục quản xứ và ban Phụng Vụ đang giúp nâng cao trình độ của người giáo dân trong việc hiểu thêm về Phụng Vụ, ý thức trách nhiệm và bổn phận của người tín hữu trong việc cùng hiệp lòng thờ lạy ngợi khen Thiên Chúa qua lời ca tiếng hát, một việc làm rất quan trọng và đáng được cổ võ.


Trên đây nói về vai trò của cộng đoàn, bên cạnh đó chúng ta phải chú ý nhiều đến vai trò của ca đoàn, ban nhạc và người ca trưởng. Nếu ca đoàn tự phụ, nghĩ rằng chỉ có ta mới hát và phục vụ cộng đoàn (thì cũng là đúng chứ không sai), nhưng không mời gọi hoặc khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đoàn cùng ca hát thì vô hình chung, chính mình thì đang đi ngược lại hoặc thiếu sót với tinh thần phụng vụ của Giáo hội. Ban nhạc hay nhạc công chơi phong cầm, organ cũng cần chú ý vì không khéo thì việc đệm nhạc của chúng ta sẽ làm ngáng trở việc ca hát hơn là đệm để nâng cao tiếng hát. Cũng công nhận có nhiều nhạc công, ban nhạc sử dụng các nhạc khí, đệm đàn rất nhuần nhuyễn, và nếu như ca đoàn hay cộng đồng hát quá yếu thì chúng ta dễ bị cám dỗ, “thà nghe nhạc còn hơn”, nhưng nói là cám dỗ, vì nếu chiều theo ý thích cá nhân, thì vô tình chúng ta đã quên mất là mọi người chúng ta cùng đồng thanh để thờ lạy ca tụng Chúa, không chỉ nhạc công hay ban nhạc. Hiểu như thế thì chúng ta mới thấy việc thờ lạy Thiên Chúa bằng ca hát cộng đồng là quan trọng, nếu không thì cha sở chỉ cần thuê một ban nhạc hay một one-man band giúp trong thánh lễ, như là giúp vui cho tiệc cưới là được rồi. Ca trưởng cũng giữ một vai trò quan trọng. Nếu như linh mục phải chuẩn bị bài giảng, và tâm hồn dâng Thánh lễ cho xứng đáng và sốt sắng, thì người ca trưởng cũng phải chuẩn bị chu đáo để mang trong tâm hồn mình tinh thần cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa khi làm công việc của mình. Đây không phải chỉ là một việc làm thuần tuý có tính nghề nghiệp chuyên môn. Người ca trưởng cần phải là một người tín hữu chân thành, nếu không nói là còn phải ý thức sâu xa hơn những tín hữu chỉ đến nhà thờ dâng thánh lễ hàng tuần. Vì có trách nhiệm hướng dẫn và phục vụ cộng đồng dân Chúa trong lãnh vực thánh nhạc, y như là linh mục trong vai trò thiêng liêng và thay mặt Chúa Giêsu và cộng đồng dân Chúa để tế lễ. Việc ca hát hoà âm nhiều bè cũng phải chú ý sao cho đạt hiệu quả, và công việc này là của người ca trưởng. Tiếng Việt có dấu thanh, và việc đặt dấu thanh rất quan trọng trong việc giữ cho các bè được cân đối và hòa điệu. Lấy ví dụ như chữ “Thiên” trong Thiên Chúa, nếu phải hát nhiều bè, mà ca trưởng để cho một giọng nào trổi vượt không đúng chỗ thì thay vì “Thiên”, chúng ta có khi phải nghe “Thiền, Thiện, Thiển” hoặc tệ hơn là “Thiến.” Là người Việt, nghe quen nên đôi khi chúng ta không để ý, nhưng ai đã học ngoại ngữ, thường chú ý về thanh điệu, hay nghe người ngoại quốc phát âm như thế thì không thể phì cười. Mà trong tâm tình thờ lạy Thiên Chúa thì việc cười cợt như thế thật không nên có, nếu không nói là bất xứng.


Nói đến cộng đoàn, ca đoàn, ca trưởng, nhạc công mà không nói đến nhạc sĩ sáng tác thì cũng có vẻ bất công, nên xin đóng góp vài nhận xét. Các nhạc sĩ Việt Nam chúng ta, ngoại trừ những vị có hiểu biết Thánh Kinh và được đào tạo đúng cách, phần lớn soạn nhạc theo ngẫu hứng, ít ai sử dụng Thánh Vịnh, Lời Chúa vào việc sáng tác âm nhạc. Đây là một điều đáng tiếc. Đành rằng không thiếu những bài hát ngẫu hứng không dựa vào Thánh Kinh cũng rất hay, nhưng phần lớn các bài này rơi vào những tình cảm ủy mị, ướt át hay lên gân, và thậm chí sai cả tín lý, đi ngược lại Lời Chúa. Có nhạc sĩ cho rằng lời Thánh Kinh quá quen thuộc, nhàm chán nên không có “hứng” sáng tác. Nói như vậy thật ra chỉ vì họ chưa thật sự dành thời gian để tiếp xúc với nội dung Thánh Kinh mà thôi. Ai có dịp đi nước ngoài, hay học hỏi âm nhạc của các Giáo Hội ngoại quốc, cộng đoàn như Taizé, thì đều thấy phần lớn những tác phẩm âm nhạc đều dựa vào Lời Chúa nhưng rất độc đáo, và khi hát lên thì sự rung cảm và tinh thần hiệp nhất của Giáo Hội được nâng cao rất nhiều. Bạn cứ nghĩ, câu, lời tôi đang hát đây đã được toàn Giáo Hội, dù là Công Giáo hay Tin Lành, hay Chính Thống Giáo đã, đang, và sẽ cùng tôi hát ca tụng, thờ lạy, cầu nguyện cả ngàn năm rồi, mà bây giờ tôi cũng hát, dĩ nhiên bằng ngôn ngữ nước tôi, với cung điệu rất riêng biệt. Chỉ riêng nghĩ đến điều này cũng làm cho chúng tôi xúc động và chỉ biết dâng lời tạ ơn.


Một nhận xét nữa dành cho các nhạc sĩ sáng tác. Không biết các bạn có quá Tây, Mỹ khi viết những câu nhạc như, “Này Chúa hỡi, sao Ngài không đến viếng thăm con.” Những chữ như “hỡi”, “hãy” và “viếng thăm” theo thiển ý, chúng ta không thể dùng trong ngôn ngữ Việt Nam để nói với người lớn hơn. Cứ thử thay chữ “Chúa” trong câu trên bằng chữ “Cha, Mẹ, Anh, Chị” thì đều không nghe ổn, huống chi là nói với Chúa. Rất nhiều bài hát ca tụng Chúa, Đức Mẹ đầy những chữ “hãy” thật chẳng ra làm sao cả. Tôi thích bài hát “Đây là Chiên Thiên Chúa” trong bộ lễ Vào Đời của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm, nhưng phần đông một số ca đoàn không hát đúng điệu nhạc; thêm vào đó, khi nghe “Xin Ngài hãy thương chúng con” thì không khỏi tiêng tiếc thế nào ấy. Nếu có thể bỏ toàn bộ những chữ “hãy” trong bài, giữ nguyên điệu nhạc, thấy có lẽ “hay hơn”. Riêng cá nhân người viết, mỗi lần hát đến đó, là tự động im không hát những chữ “hãy”…bài hát vẫn chuyển tải được trong cùng điệu nhạc tâm tình khiêm tốn của người tín hữu cầu nguyện cùng Thiên Chúa.


Trình bày những thao thức và suy nghĩ trên đây xin nhằm mục đích chia sẻ, mong có thêm những bài viết đóng góp về việc liên quan đến các nghi thức cử hành phụng vụ, đặc biệt là trong nghệ thuật thánh nhạc, để cùng nhau đóng góp vào ngôn ngữ và âm nhạc nhà đạo cho mỗi ngày thêm phong phú, và nâng người tín hữu chúng ta lên trong tâm tình thờ lạy, ngợi ca và cảm tạ Thiên Chúa. Mong nhận được nhiều đóng góp, chỉ giáo, chia sẻ●

(nguồn : Maranatha VN)