Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B (Mc 1, 40-45)



BỆNH PHONG CÙI THỜI NAY
 
Một đoạn phim ngắn chiếu trên truyền hình làm cho tôi phải chạnh lòng xót thương khi nhìn thấy một bé gái bị hai chiếc xe tải cán liên tục và một vài người thờ ơ lạnh lùng bước qua, họ nhìn đứa bé, rồi ung dung bỏ đi. Một bà nhặt rác nhìn thấy và ẵm đứa bé đi cấp cứu. Tai nạn xẩy ra tại tỉnh Phật sơn, Trung Quốc. Sáng ngày 21-10-2011, báo chí đưa tin bé Duyệt Duyệt đã ra đi vì vết thương não quá nặng. Sau đó, cộng đồng đã dấy lên nỗi căm phẩn, lên án sự lạnh lùng, vô cảm của con người. Đồng thời, nó gióng lên giá trị đạo đức con người. Cái chết của bé Duyệt Duyệt không những làm cho người Trung Quốc cần thức tỉnh mà ngay cả chính chúng ta cũng tự nhìn lại bản thân mình và tự hỏi chúng ta có bao giờ nhẫn tâm như thế với anh chị em mình?.
 
Tôi thiết nghĩ để thức tỉnh và nhận ra được hành vi của mình, chúng ta cần nhờ đến ánh sáng của Tin Mừng. Cụ thể là qua câu chuyện Chúa Giêsu chữa bệnh một người bị phong cùi. Vào thời Chúa Giêsu, bệnh cùi là bệnh nan y không có thuốc chữa, và có thể bị lây truyền. Vì vậy, người bị phong hủi phải sống cách ly. Theo luật Môsê (Lv 13,1-14), những người lãnh đạo đã cô lập họ ở một nơi nhất định, hoặc xua đuổi họ ở một nơi hoang vắng, hay cho vào rừng thú dữ ăn thịt, và họ tuyên bố những người bị bệnh cùi là người ô uế, để mọi người tránh xa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong hủi thì cũng trở thành ô uế. Khi đi ra đường hay nơi công cộng, thì người phong cùi phải đeo chuông, la lên mình là người ô uế, và có khi còn bị dân chúng ném đá cho chết. Người bị bệnh cùi phải sống một cuộc sống hết sức cô đơn, khốn khổ, và đầy mặc cảm vì bị mọi người ghê tởm, xa lánh. Nỗi đau đớn tột cùng của họ là bị kết án, bệnh tật là hình phạt của Thiên Chúa.
 
Với cái nhìn khinh bỉ, gớm ghiếc của dân chúng đối với người phong cùi, thì Chúa Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn anh được sạch!” Lập tức bệnh phong biến khỏi anh ta và anh được sạch. Đối với Chúa Giêsu, anh ta vẫn là con cái Thiên Chúa, là đồng bào ruột thịt, là anh chị em với mình. Ngài không nhìn và đánh giá con người bên ngoài với hình dáng xấu xí, ghê tởm của những người phong cùi nhưng nhìn vào chiều sâu của tâm hồn họ, họ là những con người đáng thương, đáng được tôn trọng, họ không đáng khinh tởm và xa lánh cho bằng những người cùi hủi về mặt tâm linh. Cùi hủi tâm linh là tình trạng của những con người sống không biết đến tình nghĩa, sống ích kỷ, chỉ nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình, của gia đình mình, mà không hề nghĩ đến hạnh phúc hay đau khổ của người khác, hay của những gia đình khác. Họ sẵn sàng có những hành động bỉ ổi để đè nén, thống trị, áp lực lên người khác.
 
Cách hành xử của những người Pharisiêu chứng minh cho chúng ta thấy, họ là những người trí thức, có địa vị cao trong tôn giáo và xã hội, nhưng sự cùi hủi này càng được ngụy trang một cách tinh vi, khéo léo bằng những lời nói, hành động vị tha, bằng vẻ đạo đức bên ngoài (x. Mt 23) “khẩu Phật tâm xà”, và những thứ bệnh phong cùi này cũng đang phát triển trong mỗi con người. Nhưng nó được che dấu dưới nhiều hình thức khác nhau. Mọi người có thể nhận ra bệnh tật của mình khi ta biết tỉnh thức và nhận ra chính mình.
 
Bài học Tin Mừng hôm nay, chúng ta không dừng lại ở việc Chúa Giêsu trị bệnh phong cùi mà là đi vào chính đời sống mọi người chúng ta về cách hành xử với tha nhân. Cô bé Duyệt Duyệt chết không phải là vì bác sỹ không chữa được nhưng là lòng người không có, không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Sự vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư lợi chỉ biết cho riêng mình thì chứng tỏ một tâm hồn nghèo nàn về đạo đức và tâm linh.
 
Rev.John Nguyen
(thanhlinh.net)