Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 03.01

03 Tháng Giêng
Bí Quyết Hạnh Phúc

Trong một chương trình truyền hình Mỹ, người ta phỏng vấn một cụ già, tuổi hạc rất cao. Người ta đặt câu hỏi như sau: "Thưa cụ, chắc cụ có một bí quyết đặc biệt để được hạnh phúc?"


Cụ già trả lời một cách đơn sơ như sau: "Không, tôi chẳng có bí quyết nào gọi là đặc biệt cả. Trái lại, nó rất đơn giản như chiếc mũi trên mặt ông vậy!". Cụ già giải thích như sau: "Mỗi buổi sáng mai, lúc thức dậy, tôi có hai điều chọn lựa, một là sống hạnh phúc, hai là sống bất hạnh. Ông nghĩ xem, tôi sẽ chọn điều nào? Dĩ nhiên tôi phải chọn được hạnh phúc".

Câu trả lời trên đây của cụ già thật đơn giản. Abraham Lincol đã nói như sau: "Con người sở dĩ có được hạnh phúc, sung sướng hay không cũng tại lòng tưởng nghĩ như vậy". Bạn có thể hạnh phúc, nếu bạn muốn như thế. Ðó là điều dễ thực hiện nhất trên đời. Bạn hãy chọn lựa sự bất hạnh. Ði đến đâu bạn cũng than thân trách phận, chắc chắn bạn sẽ được như ý. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng tự nhủ rằng: "Mọi việc đều tốt đẹp, đời vẫn đẹp và đáng sống. Tôi chọn sống hạnh phúc", thì chắc chắn bạn sẽ được điều bạn muốn.

Trẻ con rành về nghệ thuật sống hạnh phúc hơn người lớn. Trẻ em mang vào giấc ngủ của mình vô số những mộng mơ và chúng cũng thức giấc với vô số những mộng ước, trong đó cơ bản nhất vẫn là được vui chơi.

Người lớn mà có được một tinh thần như trẻ thơ lúc tráng niên và vào tuổi già, thì quả là một thiên tài, vì họ nắm được niềm hạnh phúc thật trong tâm hồn mà Chúa đã dành để cho tuổi thanh xuân. Chúa Giêsu quả là tế nhị khi Ngài nói với chúng ta rằng cần phải có tinh thần trẻ thơ thì mới vào được Nước Trời. Nước Trời là gì nếu không phải là được sống hoan lạc trong tình yêu thương của Chúa?


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 02.01

02 Tháng Giêng
Ðóng Thuế Cho Năm Mới

"Ðóng Thuế Cho Năm Mới : 15 người thiệt mạng, khoảng 1,500 người bị thương, gần 2,500 lâm cảnh màn trời chiếu đất". Trên đây là hàng tít lớn của hầu hết các nhật báo xuất bản tại thủ đô Manila Phi Luật Tân, trong số ra ngày mùng 02 tháng Giêng mỗi năm, tức là số báo đầu tiên trong năm. Dường như đây là công thức quen thuộc mà bất cứ nhật báo nào cũng đưa ra số báo đầu năm. Ðó cũng là điều mà dân chúng chờ đợi sau một đêm đón giao thừa trong tiếng nổ liên tục của pháo và trong khói bay mịt mù.

15 người xấu số trên đây đều là nạn nhân của những vụ đâm chém, bắn giết vì say sưa quá chén trong đêm giao thừa. 1,500 người bị thương khác là nạn nhân của bất cẩn trong khi đốt pháo.

Chỉ riêng ở thủ đô Manila thôi, chưa tính số tiền được đốt đi trong tiếng pháo, số thiệt hại vì hỏa hoạn và những thiệt hại khác lên đến cả triệu Mỹ kim.

Hôm nay thì mọi người đều trở lại với sinh hoạt bình thường của mình. Ðọc bản tin về những gì đã xảy ra trong Ðêm Giao Thừa và Ðầu Năm, ai cũng bàng hoàng xót xa cho những người xấu số và có lẽ ai cũng thở ra nhẹ nhõm vì bất trắc đã không xảy đến cho mình. Người ta nghĩ rằng may mắn vẫn còn đó. Bảng tổng kết Ðầu Năm và lời kêu gọi đề phòng cho Năm Mới không mấy chốc cũng sẽ đi vào quên lãng. Bánh xe lịch sử cứ lăn và con người cũng sẽ tiếp tục lập lại những lỗi lầm của quá khứ.

Người Á Ðông chúng ta thường nói: "cha ăn mặn thì con khát nước". Kinh Thánh Cựu Ước cũng viết: "cha ông ăn nho xanh thì con cháu phải ê răng". Người tin ở thuyết quả báo thì cho rằng con cái phải gánh chịu những hậu quả do lầm lỗi của ông bà để lại.

Trong một cái nhìn khách quan và sâu xa hơn, chúng ta phải nói rằng lịch sử thường lặp lại. Lịch sử thường lặp lại, bởi vì nó được cấu tạo bởi những biến cố do con người chủ động. Mà bởi vì mẫu số chung của con người ở mọi thời đại vẫn là tự do, cho nên những lầm lẫn giống nhau được lập lại là chuyện bình thường, có khác chăng là khác ở mức độ và hình thức mà thôi. Ở thời đại nào mà không có chiến tranh, ở thời đại nào mà không có cảnh người bóc lột người, ở thời đại nào mà không có tham, sân, si?

Người Kitô chúng ta hãy nhìn vào bản thân và lịch sử của nhân loại với một cái nhìn thực tế và lạc quan. Thực tế để thấy rằng sống là một cuộc chiến đấu không ngừng: chiến đấu giữa thiện và ác, chiến đấu giữa tự do và nô lệ, chiến đấu giữa ân sủng và tội lỗi. Thực tế để thấy rằng cuộc chiến ấy đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng hãy có cái nhìn lạc quan, lạc quan và tin rằng, lầm lỗi thất bại là khởi đầu của những ân ban dồi dào hơn, và trong cuộc chiến từng ngày đó: Thiên Chúa vẫn luôn có mặt để nâng đỡ chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống

AUDIO THÁNH LỄ CN CHÚA HIỂN LINH NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật Chúa Hiển Linh năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Sau Thánh Lễ Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng )

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.


Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ LA VANG - BẾ MẠC NĂM THÁNH 2010







* Giáo xứ Thuận Phát - 17g20 ngày 01-01-2011.

Trong niềm vui Mừng Năm Mới 2010 và tâm tình hướng về Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, hiệp thông với những cử hành Bế Mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010, Giáo Xứ Thuận Phát đã tổ chức Rước Kiệu Đức Mẹ La Vang chung quanh khuôn viên nhà thờ. Rất đông giáo dân tham dự cuộc Rước.

Trước khi bắt đầu cuộc Rước, Cha Chánh Xứ cử hành nghi thức làm phép Tượng Đức Mẹ La Vang. Cuộc Rước thật long trọng, nghiêm trang với sự có mặt đầy đủ các hội đoàn trong giáo xứ, và cùng với ca đoàn Các Bà Mẹ Công Giáo cất cao tiếng hát Tôn Kính Mẹ La Vang, với tâm tình Tạ Ơn Tình Yêu Thương đặc biệt của Mẹ, đã đoái thương cứu giúp các con của Mẹ tại Việt Nam trong thời kỳ bị bách hại năm xưa.

Đoàn Rước tiến vào nhà thờ, sau khi Cha Chánh Xứ xông hương Thánh Tượng, Thánh Lễ được cử hành. Vì là ngày Thứ Bảy đầu tháng nên cuối Lễ, cộng đoàn cùng Cha Chánh Xứ Chầu Phép Lành Mình Thánh Chúa.


Mời xem thêm HÌNH CUỘC RƯỚC ĐỨC MẸ LA VANG 01-01-2011

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH (Mt 2, 1-12)

NGÔI SAO SÁNG (Mt 2, 1-12)

Lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, mặc khải cho họ biết: Hài Nhi Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Vua vũ trụ, là Ngôi Sao hy vọng, là Mặt Trời công chính, là Ánh Sáng đến trong thế gian, xua tan đi bóng đêm tội lỗi và sự chết, dẫn đưa muôn dân nước bước đi trong ánh sáng, để tìm về với nguồn mạch bình an và hạnh phúc, tìm về với cội nguồn Chân-Thiện-Mỹ.

Đức Giêsu Kitô chính là Ngôi Sao sáng chiếu soi cho muôn dân, muôn nước. Ba nhà chiêm tinh hân hoan vui mừng khi nhìn thấy ngôi sao xuất hiện: “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng”
(Mt 2, 10). Ngôi sao sáng đã dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ từ Phương Đông đến gặp Chúa nơi hang đá Bêlem. Theo ánh sao dẫn đường họ đã gặp được Hài Nhi Giêsu, Vua Cả Trời Đất. Họ quỳ gối thờ lạy Người, dâng lên Người vàng, mộc dược và nhũ hương là những lễ vật quý giá nhất. Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại mà ba nhà hiền sĩ là những người đại diện đến tôn thờ Chúa.

Chúa Giêsu là Ngôi Sao sáng ngời đã chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối của chúng ta, Người cũng muốn mỗi chúng ta phải trở thành những ánh sao sáng, soi chiếu cho mọi người để họ tìm gặp Chúa và dẫn đưa họ về với Chúa, như lời Chúa phán: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”
(Mt 5, 14-16). Người Kitô hữu được mời gọi trở nên sự hiển linh của Chúa trong môi trường sống. Mỗi việc tốt ta làm, mỗi lời hay ý đẹp ta nói, mỗi cử chỉ yêu thương ta dành cho tha nhân, mỗi ánh mắt trìu mến, mỗi nụ cười trao tặng cho nhau, mỗi cái bắt tay thân thiện, đó chính là ánh sao ngời sáng chiếu soi những người chung quanh, làm cho họ nhận ra Chúa, dẫn đưa họ về với Chúa.

Một cuộc tĩnh tâm vào buổi tối nọ, trong nhà thờ có hàng trăm người tham dự, linh mục giảng thuyết làm hiệu cho người giúp việc tắt hết đèn trong nhà thờ, bóng tối liền bao trùm không gian. Linh mục giảng thuyết lên tiếng. Tôi sẽ đốt lên một que diêm. Tất cả những ai thấy ánh sáng của que diêm, xin hô to “thấy”. Nhà thờ rộng lớn, chỉ có ánh sáng của một que diêm, nhưng ai cũng thấy và đồng thanh hô to “tôi thấy”, “tôi thấy”… Linh mục giảng thuyết liền giải thích “như vậy, một hành động tốt của anh chị em, dù nhỏ đến mấy cũng chiếu sáng cho mọi người, làm ngọn đèn soi sáng, dẫn đưa những ai đang lần mò trong đêm tối tội lỗi và sự chết, nhìn thấy và bước đi trong ánh sáng của sự sống, của niềm tin và chân lý.

Sau đó linh mục phát cho mỗi người một que diêm và bảo: “mỗi người hãy đốt que diêm của mình lên”. Mọi người ai nấy đốt que diêm của mình, trong chốc lát, bóng tối trong nhà thờ phải nhường chỗ cho ánh sáng, khiến cả nhà thờ trở nên lung linh, nhờ ánh sáng của những que diêm bé nhỏ.

Linh mục kết luận: “Nếu mỗi người chúng ta biết góp lại những việc tốt nho nhỏ, chúng ta có thể trở nên Ánh Sao sáng xua tan đi bóng tối lầm lạc, bóng đêm tội lỗi và dẫn đưa mọi người đến với Chúa, như ngôi sao sáng đã dẫn ba nhà hiền sĩ đến Bêlem để thờ lạy Chúa Hài Đồng.

Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, như lời Người phán: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”
(Ga 8, 12). Chúa đến để soi sáng cho thế gian, những ai đón nhận và bước đi trong ánh sáng thì được sống muôn đời. Nhưng thực tế còn biết bao người chưa nhận biết Chúa, chưa nhận ra ánh sáng của Chúa, vẫn lần mò trong bóng đêm tội lỗi. Còn biết bao người chưa nhận ra Ngôi Sao dẫn đường để tìm gặp Chúa. Tiếc thay, nhiều người đã không tiếp nhận ánh sáng, như Thánh Gioan đã nói: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3, 19). Tệ hơn nữa, có kẻ ghét Người, tìm cách giết Người như bạo chúa Hêrôđê xưa. Vì họ yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng.

Ước gì chúng ta biết đón nhận và bước đi theo ánh sao của Hài Nhi Giêsu soi chiếu, để tìm đến và thờ lạy Người, dâng lên Người những lễ vật quý giá là những việc lành phúc đức của ta: những manh áo ta giúp cho anh em là giúp Chúa đỡ rét trong mùa đông giá lạnh; những đồng tiền, bát gạo ta giúp cho anh em là giúp cho Chúa đỡ đói, những lời an ủi động viên, khích lệ khi anh em gặp gian nan thử thách là an ủi Chúa khi Ngài chịu cực hình... Chúng ta được ánh sáng hiển linh soi dẫn, ta cũng phải biết đem ánh sáng hiển linh của Chúa đến với anh em, nhất là những người chưa nhận biết Chúa, những người nghèo khổ đói rách, những người cô đơn tàn tật, những người đang phải lầm lạc trong bóng tối tội lỗi, những người đang phải sống trong bạo lực, hận thù, chia rẽ, những người đang phải gánh chịu nạn kỳ thị chủng tộc, giai cấp và tôn giáo cùng các tệ nạn khác của xã hội…

Lạy Chúa Giêsu, là Ngôi Sao chiếu soi cuộc đời dương thế. Xin Chúa là Ngôi Sao sáng dẫn đưa chúng con đến thờ lạy Người, như đã dẫn đưa ba nhà hiền sĩ đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu nơi hang Bêlem xưa. Xin cho chúng con cũng trở thành những Ngôi Sao sáng để dẫn đường cho mọi người tìm gặp Chúa. Amen.

Jos. Hồng Ân
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 01.01

01 Tháng Giêng
Chiếc Mốc Thời Gian

Cứ ở mỗi cuối năm, hoặc ở khởi đầu của một năm mới, một thập niên mới, một kỷ nguyên mới, tạp chí Time có thói quen chọn một người nổi bật nhất trong lịch sử nhân loại để làm một cái mốc cho thời gian.

Lần đầu tiên, năm 1927, phi công Hoa Kỳ tên là Charles Lindbergh đã được chọn làm người của năm. Viên phi công này là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã thực hiện một chuyến bay liên tục từ New York sang Paris. Người của năm không phải chỉ là một đấng mày râu, mà ngay cả phái yếu cũng được chọn vào danh dự ấy. Trước kia, có nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, và năm 1986, tổng thống Aquino của Phi Luật Tân cũng đã được chọn làm người của năm.

Có đàn ông, có đàn bà. Có những người xây dựng Hòa bình như Mahatma Gandhi, như Martin Luther King, mà cũng có những người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho nhân loại như Stalin, như Hitler, như Ðặng Tiểu Bình cũng đã từng được chọn làm người của năm.

Gần đây, thế giới nhìn vào chủ tịch Gorbachov như gương mặt nổi bật nhất của lịch sử nhân loại. Năm 1987, ông được chọn làm người của năm vì đã xuất hiện như một biểu tượng của Hy vọng cho Liên Xô. Và với những thay đổi sâu rộng trong khối Ðông Âu do chính sách đổi mới của ông mang lại, ông được chọn làm người của năm 1989. Nhưng tạp chí Time còn đi xa hơn nữa khi tặng cho ông danh hiệu "Người của thập niên 80". Trước kia, năm 1949, thủ tướng nước Anh là Winston Churchill cũng đã được chọn làm người của nửa thế kỷ.

Thời gian sẽ vô nghĩa và trống rỗng, nếu không được liên tục bằng những cái mốc của lịch sử. Con người cần có những cái mốc ấy để nhìn lại quá khứ và dự phóng cho tương lai.

Người Kitô sống giữa thế giới không thể không dựa vào những chiếc mốc thời gian ấy. Nhưng chúng ta không nhìn vào những chiếc mốc thời gian ấy với đôi mắt bàng quan, hoặc tệ hơn nữa, bằng cái nhìn bi quan. Trong đức tin, tất cả được nhìn bằng đôi mắt lạc quan, bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa là chủ của lịch sử, Thiên Chúa luôn có mặt trong lịch sử con người. Tin vào sự hiện diện và hướng dẫn ấy của Thiên Chúa, chúng ta nhìn vào những chiếc mốc của thời gian như những dấu hiệu của Hy vọng. Ngay cả trong thất bại, rủi ro, tang tóc, thương đau, người Kitô cũng luôn nhận ra những dấu chỉ của Hy vọng. Tất cả mọi biến cố xảy đến đều phải được nhìn trong ánh sáng phục sinh của Ðức Kitô. Cái chết đau thương và nhục nhã của Ngài trên thập giá không phải là ngõ cụt, là đường cùng, là tăm tối mà là đường dẫn về Ánh Sáng.

Tin tưởng ở sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng phút giây của cuộc sống và lịch sử con người, cái mốc thời gian của chúng ta có lẽ không phải là đơn vị của năm, thập niên, mà là từng phút giây của Hiện tại. Và người được chúng ta chọn cho từng phút giây ấy phải là Thiên Chúa, chủ của thời gian, chủ của lịch sử.

Xin chọn Người làm trung tâm điểm của cuộc sống, xin chọn Người làm Sự Sống, xin chọn Người làm Lý Tưởng, xin chọn Người làm Cảm Hứng, xin chọn Người làm cho tất cả cho cuộc đời, xin chọn Người trong từng phút giây của cuộc sống.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 31.12

31 Tháng Mười Hai
Lẽ Sống

Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửa. Ông rất ân hận vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách.

Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy ban làm việc thêm một thời gian nữa. Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôi. Vị trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi chết". Nhà vua gật đầu. Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng.

Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua với không biết bao đói khổ, chiến tranh, chết chóc cho nhân loại cũng như cho chính bản thân, có lẽ cũng có nhiều người đi đến kết luận bi quan như viên trưởng ban tu sử trong câu chuyện trên đây: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".

Ði qua một đoạn đường trong cuộc lữ hành trần gian, Giáo Hội muốn chúng ta mặc lấy thái độ hân hoan và lạc quan. Bài ca trên môi miệng của chúng ta trong ngày hôm nay không phải là bài ca bi ai, tả oán, mà phải là bài ca "Te Deum", ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa. Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa bởi vì vinh quang của Ngài là con người được sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của người chết.

Không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt. Bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết, mà là Sự Sống. Bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

Còn tâm tình nào xứng hợp trong ngày cuối năm cho bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng ta. Cảm tạ và phó thác cho Chúa vì cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 30.12

30 Tháng Mười Hai
Sự Chọn Lựa Của Chúa

Vào dạo tháng 12 năm 1987, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, đương kim Tổng Giám Mục Paris, Pháp Quốc, đã cho xuất bản một quyển sách mang tựa đề "Sự chọn lựa của Thiên Chúa". Qua tựa đề này, ai cũng đoán được đây là một quyển tự thuật ghi lại cuộc hành trình Ðức Tin của ngài.

Sinh ra trong một gia đình Do Thái sùng đạo, ông ngoại là một thầy Rabbi uyên thâm, Jean Marie Lustiger đã tự ý trở lại với Ðức Tin Công Giáo vào năm 14 tuổi. Hành động này của Jean Marie dĩ nhiên đi ngược lại với xác tín của gia đình, nhất là mẹ cậu. Trước khi bị đưa lên xe chở đi qua trại tập trung Ðức Quốc Xã ở Auschwitz, bà còn nói với các con: "Các con hãy giữ mình, chớ theo đạo Công Giáo. Ðây là một cơn bệnh hiểm nghèo".

Nhưng tiếng Chúa còn mạnh hơn sự cảnh cáo của người mẹ. Cũng giống như thi sĩ Paul Claudel khi ngắm nhìn ánh nến lung linh trên bàn thờ, bỗng nhận ra tiếng gọi của Chúa, Jean Marie Lustiger cũng đã nghe được tiếng gọi thầm kín ấy vào một ngày thứ năm tuần thánh nọ khi cậu bước vào nhà thờ chính tòa Orleáns. Dân chúng đứng chen chúc đông nghẹt trong nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau, khi cậu trở lại, nhà thờ bỗng trống vắng... Nhưng chính trong nỗi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh đó mà Jean Marie Lustiger đã nhận ra tiếng gọi của Chúa.

Qua quyển tự thuật trên đây, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger tuyên xưng rằng: "ơn cứu rỗi và sự hiện diện thầm kín của Ðấng Cứu Thế trong nhân loại là một Mầu Nhiệm của lòng thương xót". Thiên Chúa yêu thương con người một cách lạ lùng. Ngài mời gọi con người trên muôn vạn nẻo đường của con người. Do đó, theo Ðức Hồng Y Lustiger, Hy Vọng, chính là tin rằng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người.

Tin Mừng được loan báo như một vết dầu loang. Chính nhờ trung gian của nhiều người khác nhau mà Thiên Chúa ngỏ lời với con người. Nói như thi sĩ Pau Claudel, Thiên Chúa viết bằng những đường cong.

Những đường cong mà Thiên Chúa không ngừng viết để ngỏ với chúng ta chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mỗi một biến cố xảy đến, mỗi một cuộc gặp gỡ là một lời ngỏ của Thiên Chúa. Chính qua trung gian của những biến cố đó mà Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta. Do đó, người Kitô sẽ không ngừng thức tỉnh để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong giấc ngủ say như cậu bé Samuel, trong một buổi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh như trường hợp của Jean Marie Lustiger, trong niềm vui của gặp gỡ, của thịnh đạt, trong đau khổ của bệnh tật, mất mát: tiếng nói của Thiên Chúa vẫn vang dội trong lòng người.

Chúng ta cũng biết rằng cuộc đời của mỗi người chúng ta là lịch sử của một ơn gọi. Mỗi người chúng ta không phải là một con số trong năm tỷ người đang sống trên mặt đất, nhưng là một lịch sử cá biệt trong Tình Thương của Chúa. Tiếng Chúa gọi chỉ ngỏ với từng người mà thôi. Tên gọi của từng người chúng ta có một âm vang đặc biệt trong tiếng gọi của Chúa. Mỗi người chúng ta chỉ có thể nói: Thiên Chúa yêu thương tôi và chỉ mình tôi mà thôi... Trong muôn nghìn đau khổ của cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy lập lại lời tuyên xưng của thánh Gioan tông đồ: "Thiên Chúa là Tình Yêu", Ngài đang yêu thương tôi.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 29.12

29 Tháng Mười Hai
Hoàng Tử Và Cậu Bé Nghèo

Văn hào Anh Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một quyển tiểu thuyết mang tựa đề "Hoàng tử và cậu bé nghèo". Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.

Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.

Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu bé cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ quần áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin... Thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.

Giữa lúc Tom, cậu bé nghèo, sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện... Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giàu lòng thương người.

Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Ngài mặc lấy thân xác nghèo hèn của chúng ta để chúng ta được mang lấy tước phẩm được làm con Chúa. Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.

Mang lấy trong thân xác Ngài khổ đau của nhân loại, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với từng người, nhất là những người khổ đau. Ðồng hóa mình với những người đau khổ, Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta con đường để gặp gỡ Ngài: Ngài hiện diện trong những đau khổ, bé mọn nhất. Tiếp rước những người đó chính là tiếp rước Ngài.

Thiên Ðàng là một gặp gỡ triền miên với Chúa, nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ được chuẩn bị bằng những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Chúng ta khước từ tha nhân, chúng ta cũng khước từ chính Chúa. Tha nhân là Bí Tích của Thiên Chúa. Chính trong tha nhân mà chúng ta phải nhận ra và yêu mến Chúa.

Nơi bàn thờ, vị linh mục đọc lại lời của Chúa Giêsu: này là Mình Ta, này là Máu Ta... Khi chỉ cho chúng ta mỗi một con người, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ nói: "Này là Mình Ta...".

Thánh lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Cuộc gặp gỡ này chỉ có ý nghĩa và giá trị nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng biết nhận ra Chúa trong từng cuộc gặp gỡ với tha nhân... Xin Chúa thêm Ðức Tin để chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu trong tha nhân, nhất là những người cùng khổ, bé mọn trong xã hội.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 28.12

28 Tháng Mười Hai
Những Vị Thánh Vô Danh

Có một vị thánh nọ thánh thiện đến độ, không hề dám có ý nghĩ rằng mình là một con người thánh thiện.

Ngày kia, một thiên thần đến nói với ngài: "Chúa sai tôi đến gặp ngài. Ngài hãy xin bất cứ điều gì ngài muốn. Chúa sẽ ban cho ngài. Vậy ngài có muốn được ơn chữa bệnh không?"

Vị thánh trả lời: "Không. Thà để cho chính Chúa chữa trị thì tốt hơn". Vị sứ thần đề nghị điều khác: "Ngài có muốn đem những người tội lỗi trở về đường công chính không?"

Vị thánh cũng lắc đầu từ chối: "Không. Cải hóa tâm hồn không phải là việc của tôi. Ðó là công việc của các thiên thần". Vị sứ giả của Chúa mới gợi ý thêm: "Ngài có muốn trở thành một mẫu gương để thiên hạ luôn đến để bắt chước không?"

Vị thánh cũng khiêm tốn trả lời: "Không. Bởi vì làm như thế tôi sẽ trở thành trung tâm thu hút sự chú ý". Thiên thần mới hỏi: "Vậy thì ngài mong muốn điều gì?". Vị thánh trả lời: "Ơn Chúa, có ơn chúa, đó là điều tôi hằng khao khát".

Vị thiên thần được Chúa sai đến vẫn chưa chịu bỏ cuộc, nên đề nghị lần cuối cùng: "Ngài phải xin một phép lạ. Nếu không tôi đành phải để phép lạ xảy ra vậy". Vị thánh của chúng ta đành phải ưng thuận: "Vậy thì tôi xin điều này: ước gì mọi việc thiện được thực thi qua tôi mà tôi không hề hay biết". Thế là để là cho lời ước của vị thánh thành sự thật, Thiên Chúa ban cho cái bóng phía sau của ngài được mọi thứ quyền năng. Nơi nào có cái bóng ngài đi qua, thì nơi đó, người bệnh được lành, đất đai trở thành phì nhiêu, nguồn suối phát sinh sự sống, niềm vui trở lại trên những khuôn mặt sầu khổ.

Nhưng vị thánh không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chú ý đến cái bóng đến độ quên hẳn con người.

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ các thánh anh hài, những vị thánh đã chết vì Ðức Kitô mà cũng không hề hay biết rằng mình phải chết vì Ngài. Các trẻ em ấy là kiểu mẫu của không biết bao nhiêu vị thánh vô danh.

Có những Mẹ Têrêxa Calcutta, những linh mục Pierre mà thế giới không ngừng nhắc đến, nhưng cũng có không biết bao nhiêu những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ ngày ngày âm thầm hy sinh trong không biết bao nhiêu công việc vô danh, phiền toái mỗi ngày. Có biết bao nhiêu người đang âm thầm đau khổ và hy sinh cầu nguyện mà không thể thấy được kết quả của lời cầu nguyện của mình. Có biết bao nhiêu người âm thầm phục vụ tha nhân cách này hay cách khác mà không hề được đền đáp hay nhắc nhớ.

Trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài Nhi Giêsu trong hang đá Bê Lem, 30 năm âm thầm của Ngài tại Nazareth: đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, độc điệu mỗi ngày của chúng ta. Hài Nhi Giêsu mời gọi chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống ấy. Thiên Chúa thi ân tùy theo cách thế Ngài muốn. Cuộc sống âm thầm và hy sinh từng ngày của chúng ta là một trong muôn nghìn cách thế thi ân của Ngài mà chúng ta không thể đo lường được. Ngoài sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta, những hy sinh từng ngày của chúng ta được Chúa dùng như cái bóng vô hình nhờ đó Ngài thông ban muôn ơn lành cho người khác.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 27.12

27 Tháng Mười Hai
Ngạc Nhiên

Tại miền Provence thuộc miền Nam nước Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng. Trong số các nhân vật trong máng cỏ, du khách thường để ý đến một con người nhỏ bé với hai bàn tay mở ra trống trơn, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế mà người ta đặt tên cho nhân vật này là "ngạc nhiên".

Người địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên trên gương mặt của nhân vật này bằng một câu chuyện như sau: Một hôm tất cả các nhân vật trong máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa, đều tỏ ra khó chịu đối với nhân vật có tên là "ngạc nhiên" này, bởi vì anh ta không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trắng của anh. Họ sỉ vả anh như sau: "Mày không biết xấu hổ sao? Mày đến chầu Hài Nhi Giêsu mà không mang theo gì cả?".

Nhưng con người có tên là "ngạc nhiên" ấy không để lộ một phản ứng nào, đôi mắt của anh vẫn mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.

Những lời rủa sả cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến độ Ðức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho anh như sau: "Quả thực anh "ngạc nhiên" đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn tay trắng. Nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của anh! Ðiều này có nghĩa là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của anh".

Và Ðức Mẹ kết luận như sau: "Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu luôn có những con người như anh "ngạc nhiên", biết ngây ngất vì ngạc nhiên".

Người ta thường nói: "ngạc nhiên" là khởi đầu của khám phá. Có biết ngạc nhiên, có biết đặt câu hỏi, người ta mới đặt ra giả thuyết rồi mới tìm tòi, khảo sát và khám phá... Sự tiến bộ của loài người bắt nguồn từ chính sự ngạc nhiên.

Trong lĩnh vực siêu nhiên cũng thế, Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng biết ngạc nhiên, biết chiêm ngắm để khám phá ra Tình Yêu bao la của Ngài. Cả vũ trụ là một quyển sách luôn được mở ra để mời gọi con người tìm đọc được Lời Ngỏ yêu thương của Chúa. Lịch sử của nhân loại, cuộc đời của mỗi người cũng là một kỳ công, qua đó Thiên Chúa không ngừng bày tỏ Tình Yêu của Ngài.

Ðức Kitô Phục Sinh mang lại cho chúng ta sức sống mới với đôi mắt mới. Với đôi mắt mới ấy, chúng ta không ngừng được mời gọi để đi vào sự ngạc nhiên và ngây ngất trước Tình Yêu của Thiên Chúa. Tình Yêu ấy nhiệm màu đến nỗi chúng phải vượt qua nhãn giới bình thường của chúng ta để nhìn thấy được và cảm nếm được những gì không nằm trong sự đo lường, tính toán của chúng ta. Do đó, người có cái nhìn ngạc nhiên và ngây ngất luôn phó thác cho Tình Yêu của Chúa... Trong lúc thịnh vượng, họ thốt lên lời ca chúc tụng tri ân đã đành, mà đứng trước thất bại, khổ đau, mất mát, họ vẫn có thể nhìn ra dấu ấn Tình Yêu của Chúa.


Trích sách Lẽ Sống

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA GIOAN CỰU CHÁNH XỨ

Cha Chánh Xứ
Hội Đồng Mục Vụ
Các Đoàn Thể, Các Nhóm Tông Đồ
và Cộng Đoàn Dân Chúa
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
Hân Hoan Chúc Mừng Bổn Mạng

Cha Gioan Lê Quang Việt

Tổng Thư Ký UBMV Giới Trẻ HĐGMVN
Trưởng Ban Mục Vụ Giới Trẻ TGP.Saigon
Chánh Xứ Giáo Xứ Mactinho-Quận 1-TP.HCM




10g00 ngày Chúa Nhật 26-12-2010 đoàn đại diện Giáo xứ Thuận Phát do ông CT HĐMVGX dẫn đầu đã đến Nhà Thờ Mạc-Ti-Nho, quận 1, để chúc mừng Bổn Mạng Cha Gioan Cựu Chánh xứ Gx.Thuận Phát hiện đang là Chánh xứ Nhà Thờ Mạc-Ti-Nho. Ông CT đã thay mặt cộng đoàn kính chúc Cha được nhiều sức khỏe và Tràn Đầy Ơn Chúa để tiếp tục sứ vụ Thiên Chúa trao ban. Cha Gioan chúc Cha Chánh xứ Gioakim, HĐMVGX và cộng đoàn GX Thuận Phát mạnh khỏe và được nhiều Hồng Ân Chúa Hài Đồng.

XEM HÌNH


Hữu Toàn.

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ ĐÊM 24-12-2010 GX THUẬN PHÁT





Hình ảnh Thánh Lễ Canh Thức Giáng Sinh đêm 24-12-2010 Giáo xứ Thuận Phát.

XEM HÌNH

Hữu Toàn.