Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG GIÁO HỌ THÁNH TÊRÊSA VÀ CA ĐOÀN TÊRÊSA


Rước Kiệu Thánh Nữ Têrêsa. 
Chiều Thứ Bảy, vào lúc 17g20, Giáo xứ Thuận Phát đã long trọng cử hành Thánh Lễ đồng tế, Kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh, Bổn Mạng Giáo Họ Thánh Têrêsa, ca đoàn Têrêsa và cũng là ngày Lễ Trọng Cử Hành Năm Thánh Giáo Xứ. 

Trước Thánh Lễ, Giáo Họ Thánh Têrêsa với sự trợ giúp của HĐMVGX đã tổ chức cuộc rước Tượng Thánh Nữ Têrêsa chung quanh nhà thờ, sau khi Cha Chánh Xứ làm phép Tượng Thánh. Quý Soeurs, các em thiếu nhi, các hội đoàn, cộng đoàn và Cha Đaminh Trần Văn Dũng ( Giám đốc Huynh Đoàn Thánh Thể) cùng tham dự cuộc Rước.

Kết thúc cuộc Rước, Tượng Thánh Nữ được chuyển lên Tòa, Cha Chánh Xứ xông hương và mọi người bước vào Thánh Lễ do Cha Chánh Xứ chủ tế.

Cha Đaminh công bố Lời Chúa, Cha Chánh Xứ giảng Lễ.

Sau bài giảng, giáo họ Thánh Têrêsa đã tổ chức nghi thức dâng Lễ Vật trong tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa.

Cuối Thánh Lễ là nghi thức Chầu Mình Thánh Chúa.

Kết thúc Thánh Lễ Cha Chánh Xứ chúc mừng Bổn Mạng Giáo Họ Thánh Têrêsa và Ca đoàn Têrêsa. Cha cũng đã ngỏ lời cám ơn ca đoàn Têrêsa, đã góp công giúp cộng đoàn sốt sắng hơn trong các Thánh Lễ, bằng những lời ca tiếng hát ngợi ca Thiên Chúa trong thời gian qua.

Ông Trưởng giáo họ Thánh Têrêsa mời Quý Cha, Quý Soeurs và cộng đoàn sau Thánh Lễ dùng bữa cơm thân mật chung vui cùng giáo họ nhân dịp mừng bổn mạng.

Cha Chánh Xứ chụp hình lưu niệm với Ban Điều Hành giáo họ Thánh Têrêsa và ca đoàn Têrêsa.



Trước đó vào tối 30-9-2011, Giáo Họ Thánh Têrêsa đã tổ chức buổi đọc kinh tối Kính Thánh Quan Thầy giáo họ tại nhà ông Trưởng Ban Điều Hành giáo họ. Tham dự gồm có Cha Chánh Xứ, các thành viên HĐMVGX và cộng đoàn giáo xứ cũng như giáo họ.





Mời xem thêm hình THÁNH LỄ Ở ĐÂY.

Mời xem thêm hình ĐỌC KINH TỐI TẠI ĐÂY.
Hữu Toàn.

 

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVII TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXVII thường niên năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng ).
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN A (Mt 21, 33-43)



LỜI CHÚA LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI (Lc 1, 26-38)


 
Mời xem videoclip
LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA KINH MÂN CÔI

TẠI ĐÂY

LỜI KINH TUYỆT DIỆU
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI


Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Phụng vụ bước vào tháng Mân Côi. Suốt tháng này, lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Mọi tín hữu được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu và theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm trong lòng” qua từng lời kinh chuỗi hạt Mân Côi. Tràng hạt Mân Côi là một hành trang và là phương tiện “bỏ túi”, “đeo tay” “đeo cổ” gọn nhẹ. Lời kinh kỳ diệu này giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời người vào mạng lưới sự sống thiêng liêng.

Chuỗi Mân Côi trong tiếng Latinh là “rosarium” nghĩa là “vườn hoa hồng”. Tháng 10, lần hạt Mân Côi, đoàn con cái hiếu thảo dâng biết bao hoa hồng lên Đức Mẹ. Bằng chuỗi Mân Côi, Giáo hội trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp tiến dâng Mẹ hiền.


1. Kinh Mân côi đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng

Chuỗi Mân Côi thật cao quí, ai biết siêng năng lần hạt sẽ nhận được hiệu quả phi thường.

Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.

Thế kỷ 16, ảnh hưởng của Tin Lành mạnh mẽ và đe dọa toàn cõi Âu Châu. Dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Giáo Hội. Hôm ấy toàn thể dân phố được mời tới nhà thờ để nghe giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng, một người giáo dân xướng kinh và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng cho đến lúc vị mục sư phải bước xuống tòa giảng và ra khỏi nhà thờ. Nhờ kinh Mân Côi, dân thành Luxembourg giữ vững niềm tin và trung thành với Giáo Hội.


Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân côi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công Giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công Giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi Giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo Hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức Giáo Hoàng đã thiết lập lễ Mân Côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.


Trước năm 1917, Bồ Đào Nha ở vào một tình trạng suy thoái một cách trầm trọng về phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ và những cuộc nội chiến. Giáo Hội bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm tam điểm. Nhà thờ bị phá hủy, các linh mục và tu sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Giáo Hội. Thế nhưng kể từ năm 1917, năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha đã đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mân Côi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban mọi ơn lành xuống cho đất nước. Bồ Đào Nha đã xứng đáng với tước hiệu quê hương của kinh Mân Côi.


Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân Côi. Chẳng hạn Kinh Mân Côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm 1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan... Chuỗi Mân Côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

 
Tạp chí Reader’s Digest số ra tháng 4 năm 1991 có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ Têrêxa Calcutta và một thương gia người Mỹ như sau:

Trên chuyến máy bay từ Chritiamy về Thanasity, thương gia trẻ tên là Jim Caiso ngồi kề bên Mẹ Têrêsa và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai nữ tu từ từ rút chuỗi ra khỏi áo và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người Công Giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai nữ tu. Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi:


- Anh có thường lần chuỗi không?


Anh trả lời:


- Thưa không.


Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi rồi mỉm cười nói:


- Vậy thì hãy bắt đầu lần chuỗi đi.


Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: “Anh có cảm tưởng như mình đã gặp một nữ tu đích thực của Chúa”.


Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà đã từng là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này bác sĩ cho biết bà đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta và trao cho người bạn. Anh nói như sau:


- Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị. Mặc dù không phải là người Công Giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình tràng chuỗi trong suốt năm qua và giờ đây trao lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ cho người khác. Trong thời gian đó, người chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng:


- Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu.Tràng chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy.


Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, sức mạnh tinh thần được canh tân nơi tất cả những ai mượn tràng chuỗi ấy. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh luôn đáp trả một cách vui vẻ, và lần nào anh cũng căn dặn: “Khi nào không cần nữa cho tôi xin lại. Có thể sẽ có người khác cần đến”.


Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gỡ đó với Mẹ Têrêsa Calcutta. Khi Jim nhớ lại rằng: Mẹ Têrêsa mang tất cả hành lý của Mẹ trong cái xách tay nhỏ, anh cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của anh được đơn giản hơn. Anh nói như sau:


- Tôi luôn cố gắng nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là tình yêu chúng ta dành cho người khác.


2. Kinh Mân côi, một kho tàng quý giá của Giáo hội.


Chuỗi Mân Côi 200 hạt, 150 hạt, 50 hạt hay 10 hạt được dùng để đếm số Kinh Kính mừng là “…lời ca tụng Đức Kitô không ngừng. Đức Kitô được nhắc đến trong mỗi Kinh Kính Mừng cũng là Đấng được trình bày trong chuỗi các mầu nhiệm: Người là Con Thiên Chúa và là Con Đức Trinh Nữ…” (ĐGH Phaolô VI, Rosamrum Virginis Mariae, số 18).


Chuỗi Mân côi lần lượt diễn tả:


  • Mầu Nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập Thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.
  • Mầu Nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
  • Mầu Nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.
  • Mầu Nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.
Vì thế, Chuỗi Mân Côi là kho tàng thiêng liêng quý giá của Giáo Hội.

Đức Chân Phước Gioan Phaolô II nói: “Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó...”.


Đức Thánh Cha Lêô XIII là vị Giáo Hoàng của kinh Mân Côi. Ngài đã ban hành 12 thông điệp nói về Kinh Mân Côi. Ngài đã thiết lập tháng Mân Côi và thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: Nữ Vương rất thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.


Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công Giáo: “Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”.


Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân Côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân Côi”.


Cha Stefano Gobbi viết: “Chuỗi Mân Côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân Côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân”. Và “Chuỗi Mân Côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu”.


Đức Thánh Cha Piô IX đã khuyên nhủ: hãy lần chuỗi mỗi buổi tối trong gia đình.


Đức Thánh Cha Piô X cũng nhắc bảo: Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối.

Đức Thánh Cha Piô XI viết: Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi.

Đức Thánh Cha Piô XII khuyên nhủ các bạn trẻ : Hãy yêu mến Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi. Năm 1951 ngài đã ra thông điệp về Kinh Mân Côi, và xin các tín hữu hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng Mân Côi. Trong một lần tiếp kiến, ngài nói với một vị Giám mục :


- Hãy yêu cầu các linh mục của ngài cầu nguyện và hãy nói cho họ biết : Đức Thánh Cha vẫn lần chuỗi mỗi ngày.

Khi về già, trước lúc đi ngủ, dù là nửa đêm, ngài cũng vẫn lần chuỗi.


Đức Thánh Cha Gioan XXIII, ngay trong năm đầu của triều đại cũng đã ra một thông điệp về Kinh Mân Côi.


Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”.


Các Đức Thánh Cha đều khẳng định về sự tuyệt diệu của Kinh Mân Côi và mong muốn mọi tín hữu hãy siêng năng lần chuỗi. Các tín hữu đã đáp trả lời mời gọi tha thiết ấy.


Đức Mẹ rất yêu mến những ai siêng năng đọc Kinh Kính Mừng. Qua kinh Mân Côi, chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần Kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả một trăm năm mươi lần, như một trăm năm mươi đóa hoa hồng dâng kính Mẹ, như lời Đức Giáo Hoàng Piô V đã nói: “Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi Kinh Kính Mừng, theo con số các thánh vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thơi suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.”.


3. Kinh Mân côi, lời kinh gần gũi cuộc sống.
Sau hai mươi lăm năm, tức là vào dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư “Kinh Mân Côi”, một lần nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mân Côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.

Kinh Mân Côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, lo làm ăn xuôi ngược. Chuỗi hạt Mân Côi sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Đức Mẹ.


Đức Giáo hoàng Phaolô VI khích lệ: “Bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa”.


Điều thuận lợi của chuỗi Mân Côi là đọc ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào : khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh … thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”.


Kinh Mân Côi là một vũ khí, nhưng là vũ khí hòa bình luôn đem lại hiệu quả tích cực. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.


Kinh Mân Côi là một kinh quý báu của Giáo Hội và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.


Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.


(dunglac.org) 

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

MỪNG BỔN MẠNG SOEUR BỀ TRÊN CỘNG ĐOÀN MTG THUẬN PHÁT - TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU


 
Nhân ngày Hội Thánh dành riêng Kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh 01-10-2011, sau Thánh Lễ chiều ngày 29-9-2011, HĐMVGX Thuận Phát đã đến chúc mừng Bổn Mạng Soeur Bề Trên Cộng Đoàn MTG Thuận Phát (Soeur Bề Trên nhận Thánh Têrêsa làm Quan Thầy). 

Ông Chủ Tịch đại diện HĐMV và cộng đoàn giáo xứ, chúc Soeur Bề Trên được nhiều sức khỏe, và nhờ lời chuyển cầu của Thánh Quan Thầy, xin Chúa ban nhiều Ơn Lành để Soeur tiếp tục sứ vụ phục vụ tha nhân, qua đó giúp mọi người nhận biết Thiên Chúa luôn yêu thương hết thảy mọi người.

Soeur Bề Trên cám ơn HĐMVGX mặc dù bận nhiều công việc nhưng vẫn nhớ và đến chúc mừng Soeur nhân dịp mừng Bổn Mạng, cách riêng là ông Chủ Tịch đã có những lời chúc tốt đẹp, và ân cần cầu chúc sức khỏe các thành viên trong HĐMVGX.

Sau đó ông Chủ Tịch trao quà mừng Bổn Mạng Soeur Bề Trên trong tiếng pháo tay vang giòn của các thành viên HĐMVGX.

Xem thêm vài hình ảnh Ở ĐÂY.

Hữu Toàn.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI VINH SƠN VÀ GIÁO HỌ THÁNH VINH SƠN





18g30 ngày Thứ Ba 27.9.2011 tại Nhà Nguyện Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn, cộng đoàn Mỹ Phước (Phú Mỹ Hưng) Cha Chánh Xứ đã dâng Thánh Lễ Kính Thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục, Đấng sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, Bổn Mạng Tu Hội và Giáo Họ Thánh Vinhsơn. Ban thường vụ HĐMVGX Thuận Phát, Hội Các Bà Bác Ái Mẫu Tâm, cộng đoàn giáo họ Thánh Vinhsơn và đông đảo khách mời đã đến tham dự Thánh Lễ.

Trước Thánh Lễ Quý Soeurs Dòng cộng đoàn Mỹ Phước đã phục vụ trình chiếu, giới thiệu tiểu sử và cùng cộng đoàn ôn lại cuộc đời Thánh Vinhsơn Phaolô.

Đặc biệt trong Thánh Lễ, sau bài giảng Cha Chánh Xứ đã cử hành nghi thức trao Ủy Nhiệm Thư của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo Phận cho các vị trong Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Vinhsơn, tân thành viên HĐMVGX Thuận Phát. Sau khi nhận Ủy Nhiệm Thư, các vị đã Tuyên Hứa trước bàn thờ với sự chứng kiến của Cha Chánh Xứ và cộng đoàn. Kết thúc nghi thức trao Uỷ Nhiệm Thư là một tràng pháo tay vang rền thay cho lời chúc mừng.

Thánh lễ tiếp tục, Quý Soeurs đã tổ chức nghi thức Dâng Lễ Vật với tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa và Kính nhớ Thánh Vinhsơn.

Cuối Thánh Lễ, Soeur Bề Trên cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn Mỹ Phước  gởi lời cám ơn Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và cộng đoàn giáo xứ đã đến tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Tu Hội nói chung và cách riêng là cho quý Soeurs trong cộng đoàn, đồng thời mời Cha và mọi người sau Thánh Lễ dùng cơm gia đình với Quý Soeurs nhân ngày vui, mừng kính Cha Thánh Tổ Phụ Tu Hội. Cha Chánh Xứ cũng có lời cám ơn Quý Soeurs, vì bác ái nên đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đoàn giáo họ Thánh Vinh Sơn được tham dự Thánh Lễ tại Nhà Nguyện của Cộng Đoàn, cám ơn các vị BĐH giáo họ Thánh Vinhsơn đã quảng đại hy sinh công sức, thời gian để giúp Cha Chánh Xứ trong các công việc mục vụ giáo họ và giáo xứ.

Sau Thánh Lễ Cha Chánh Xứ chụp hình lưu niệm với BĐH giáo họ Thánh Vinhsơn và ban thường vụ HĐMVGX.

Bữa cơm gia đình được Quý Soeurs tổ chức kiểu tự chọn (buffet) rất vui, với chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn.

Sau khi Cha Chánh Xứ thánh hóa bữa ăn, ông Chủ tịch HĐMVGX đã có đôi lời chúc mừng Quý Soeurs, và cộng đoàn giáo họ Thánh Vinhsơn được nhiều sức khỏe và Tràn Đầy Ơn Chúa để tiếp tục phục vụ cho mọi người theo gương Thánh Vinhsơn Phaolô.

Mời xem thêm hình Thánh Lễ TẠI ĐÂY 

Hữu Toàn.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

TANG LỄ ĐỨC CỐ GIÁM MỤC GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC (tt)

  • Các phái đoàn kính viếng Đức Cố Giám Mục Giuse 

(gpbanmethuot.vn)

TANG LỄ ĐỨC CỐ GIÁM MỤC GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC

  • Hình ảnh Nghi thức Khâm liệm và Lễ kính viếng Đức Cố Giám Mục Giuse của Giáo hạt Daklak 1 - Sáng ngày 24.9.2011.

  • Hình ảnh Lễ kính viếng Đức Cố Giám Mục Giuse của Giáo hạt Daklak 2 - Chiều ngày 24.9.2011
  

  • Hình ảnh Lễ kính viếng Đức Cố Giám Mục Giuse của các Cộng đoàn, Dòng tu và Họ Đạo Cao Đài ngày 25. 9.2011

Mời xem hình 

(gpbanmethuot.vn)

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

MỪNG BỔN MẠNG TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI VINH SƠN VÀ ĐỌC KINH TỐI TẠI NHÀ BÀ TRƯỞNG GIÁO HỌ THÁNH VINH SƠN



Tối ngày 24-9-2011(18g30) HĐMVGX Thuận Phát do ông Chủ tịch HĐMVGX dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Bổn Mạng Tu Hội Nữ Bác Ái Vinh Sơn, cộng đoàn Mỹ Phước (Phú Mỹ Hưng) nhân dịp Mừng Kính Bổn Mạng Tu Hội (27-9 Thánh Vinh Sơn Phaolô). Ông Chủ tịch đại diện đoàn chúc mừng quý Soeurs và trao quà lưu niệm. Sơ Phụ Trách cộng đoàn gởi lời cám ơn Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và chúc mọi người được nhiều sức khỏe để tiếp tục tốt công việc phục vụ cộng đoàn.

19 giờ 30 cùng ngày, Cha Chánh Xứ, quý Soeurs cộng đoàn Mỹ Phước, HĐMVGX và cộng đoàn giáo xứ đã đến chúc mừng Bổn Mạng Giáo Họ Thánh Vinhsơn và dâng giờ kinh cầu nguyện cho giáo họ tại nhà bà Maira Bùi Ngọc Mỹ, Trưởng giáo họ Thánh Vinh Sơn. Trước giờ kinh ông Chủ tịch có đôi lời thăm hỏi và chúc mừng Bổn Mạng cộng đoàn giáo họ.

Kết thúc giờ kinh bà Trưởng Giáo Họ nói lời cám ơn Cha Chánh xứ, quý Soeurs, HĐMVGX và mọi người đã dành thời gian đến đọc kinh cầu nguyện cho gia đình cũng như cho giáo họ. Tiếp đến Cha Chánh xứ giới thiệu các thành viên trong HĐMVGX để mọi người được biết, trong đó có 3 thành viên mới trong Ban Chấp Hành Giáo Họ Thánh Vinhsơn. Đó là:
  1. Bà Maria Bùi Ngọc Mỹ, Trưởng BĐH Giáo Họ Thánh Vinhsơn. 
  2. Bà Têrêsa Lý Phạm Minh Bạch, Phó BĐH Giáo Họ Thánh Vinhsơn.
  3. Ông Phaolô Vũ Bảo Quốc, Phó BĐH Giáo Họ Thánh Vinhsơn. 
Sau đó bà Trưởng Giáo Họ đã mời Cha Chánh xứ, quý Soeurs, HĐMVGX và mọi người dùng nước chung vui, chia sẻ tâm tình cùng nhau.





 
XEM THÊM HÌNH Ở ĐÂY.

Hữu Toàn.

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXVI thường niên năm A.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN A (Mt 21, 28-32)




AI LÊN THIÊN ĐÀNG TRƯỚC AI ?

Cách đây đúng 3 năm, sau thánh lễ Chúa Nhật 26 Thường Niên năm A, tôi uống cà phê trước Nhà Thờ Đ.T., nghe mấy ông sồn sồn vừa uống cà phê vừa nói chuyện to: 

- Làm có môt giờ cũng lãnh một đồng ! Bực bội tuần trước chưa nguôi. Tuần này, thêm bực vì đám ăn chặn của dân, đám sống bằng vốn tự có lại có vé ưu tiên vào Thiên Đàng trước ! Bực thiệt !

- Có gì mà bực ?
 
- Ông là thánh sao mà không bực ? Hai hạng này đang thịnh. Một bên là lấy tiền của dân mà mua lạc thú, bên bán cái nghìn vàng ! Ông coi đó, ả ở đầu xóm kìa, hôm thì kẹp ông xe ôm, hôm thì kẹp chàng em-xi giọng mái, đêm thì với một chú CA Huyện, đêm khác với vài tên thuế vụ, vài cậu cầu lông, lâu lâu lại một anh CA Sàigòn bảnh tỏn đi xe con ra rước ả du hí vài ngày… không lẽ tụi nó lên thiên đàng trước tui và ông sao ?
 
- Cả nước nầy ai mà không biết, chuyện công khai mà ! Nhưng họ lên thiên đàng trước tui và ông thì mừng cho họ chớ. Còn tui và ông sợ có lên được không chớ đừng nói chuyện lên trước lên sau !”
 
Vấn đề vẫn như chưa giải quyết. Có anh ngồi bên cạnh lên tiếng:

- Mấy ông học ở đâu cái thói “cắt xén” vậy. Phải nghe cho hết nguyên câu nói của Chúa Giêsu, rồi có ý kiến gì thì ý kiến chứ. Nguyên câu nói là: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài" ( Mt 21, 31 – 32 )
 
Như thế, Chúa Giêsu không hề bảo “cứ ăn chặn của dân đi, cứ làm đĩ điếm đi, rồi sẽ được vào Thiên Đàng”, nhưng Ngài có ý nói đến việc “sám hối và tin vào Ngài” để được vào Thiên Đàng, để được cứu rỗi. Có anh thu thuế Mátthêu nghe lời Chúa kêu gọi, Dakêu biến đổi nhờ gặp Chúa, có chị Maria thành Magđala từng hành nghề buôn phấn bán hương đã dừng bước giang hồ, có anh ăn trộm bên phải Thập Giá Chúa Giêsu tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa… là những điển hình cho việc “sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Còn chúng ta, phàm ai là Kitô Hữu Công Giáo cũng đã biết tiêu chuẩn vào Thiên Đàng “sám hối và tin vào Tin Mừng” này rồi, nhưng có sám hối hay chưa và có tin hay không mới là điều quan trọng.

Dụ ngôn “hai người con” và câu nói khó nghe này Chúa Giêsu cố ý nói với các Thượng Tế và các Kỳ Mục là những người tự phụ, cố chấp, không sám hối, không chấp nhận Tin Mừng, không chấp nhận biến đổi đời sống theo Tin Mừng. 

Và hôm nay, Ngài cũng đang nói với chúng ta, những Kitô Hữu Công Giáo thích “nổi tiếng đạo đức, làm bộ đạo đức” hơn là “đạo đức”, thích “biết Lời, biết luật” hơn là “giữ luật, giữ Lời”, thích giảng giải và đòi buộc người khác giữ luật mà mình lại không giữ, thích xem thường người khác và không chấp nhận ai xem thường mình. Nói chung là, chúng ta đang sống dối trá với bản thân mình, với mọi người và đáng sợ nhất là dối trá với cả chính Thiên Chúa. 

Dối trá vì chúng ta là những người nói mà không làm, hoặc nói một đàng, làm một nẻo… Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta hãy “làm”, là hãy “sám hối và tin vào Tin Mừng”, như người con thứ nhất, “Con không muốn đi đâu”, nhưng sau đó, nó hối hận nên lại đi”.

Hối hận, hay sám hối là khiêm tốn nhận ra mình đã không vâng lời Cha, không bỏ ý riêng mình mà làm theo ý Cha, đã lỡ từ chối lời mời gọi của Cha, và nay, nhất quyết thực hành theo ý của Cha.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, là khiêm tốn tự hạ đến mức tận cùng mới có thể thực hiện được ý muốn của Thiên Chúa (x. Pl 2, 5 - 8 ).

Vâng, phải thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, mới được vào Nước Trời. Chúa Giêsu cũng đã từng nói với các người Pharisêu: “Không phải những ai nói: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời đâu, nhưng chính là thi ‎hành ý muốn của Cha tôi” ( Mt 7, 21 ).

Thực hành ý muốn của Thiên Chúa là bỏ đường gian ác mà về nẻo công chính của Thiên Chúa như tiên tri Edêkien loan tin: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết” (Ed 18, 27-28 ).
  Có những tội nhân công khai, bị lên án công khai, bị xem thường công khai, nay đã trở về công khai, trở về trong niềm hân hoan tận đáy lòng:

Đến thăm nhà dưỡng thai của Sr. T.M., tôi được nghe một em gái 21 tuổi, tâm sự: “Nhà con ở Sóc Trăng. Tía má nợ triền miên vì chỉ có một công ruộng. Con đang đi làm công ty may ở Sóng Thần, tháng gần hai triệu. Tháng nào cũng nhịn đủ thứ mà cũng chỉ gửi về cho má được có một triệu. Mấy bạn con bảo làm thêm. Ban đầu e ngại, nhưng thấy có nhiều tiền… Mỗi tháng gửi về cho má được gần chục triệu. Hai năm, con đã phá thai ba lần. Tía má đã trả hết nợ rồi, thì con cũng vừa nhận được cái bầu thứ tư nầy đây. Con không dám phá nữa. Có tội chết ! Con giữ lại cháu để sau này có mẹ có con. May mà có mấy bạn nó chỉ ra đây với Sơ T.M. xin ăn !”
 
Có những tội nhân “chưa công khai” vẫn đang thao thao bất tuyệt về luật Chúa, luật Giáo Hội. Trong số đó, có cả tôi, cả bạn đấy chứ ? Vâng, tôi vẫn nghĩ thời nay, Thượng Tế và Kỳ Mục không những còn, mà còn nhiều nữa là khác...

Có nhiều Hội Đoàn Công Giáo quá nghiêng về thành tích con số hội viên, nghiêng về thành tích những sinh hoạt đậm tính hình thức, mà thiếu chuẩn bị, huấn luyện cho hội viên về các đức tính nhân bản, nhân bản Kitô giáo, về đời sống nội tâm kết hiệp với Chúa và tuân hành lề luật Chúa. Từ đó, Hội Đoàn nào cũng có mục đích là giúp người ta nên thánh, bỗng, Hội Đoàn trở thành cái áo đẹp, chức vụ trong Hội thành ra cái lọng che, mối tương quan mật thiết với các cha, với Giáo Xứ, Giáo Phận  trở thành thành trì kiên cố cho một cuộc sống bê bối, giả dối, lừa đảo, không làm theo ý Cha trên Trời… Thiết tưởng tôi không nói quá, bởi vì, những điều trông thấy còn đau lòng hơn.

Thử nhìn lại, mỗi năm ít là một lần, Hội Đoàn nào cũng tổ chức ngày Đại Hội thật hoành tráng, có thuyết trình, có đố vui Giáo Lý, có Hội Thảo, có Thánh Lễ Đồng Tế, có dâng hoa, có múa, có văn nghệ, có tiệc tùng… Còn phải có một bài viết đăng trên mạng với đầy đủ hình ảnh nữa mới tốt. Ai cũng vui mừng năm nay tổ chức hoành tráng. Tổ chức hoành tráng như thế là thành công… Mỗi năm một lần, rồi thôi. Hẹn ngày nầy năm tới, hoành tráng hơn… Sinh hoạt thường kỳ hằng tháng hằng tuần thì thưa thớt. Đời sống nội tâm và nhân bản hằng ngày của Hội Viên không là quan trọng ! 

Sống chung với một xã hội gian dối, tại sao chúng ta không thể nêu gương đời sống chứng nhân cho họ về một cuộc thay đổi tận căn từ dối trá ra thật thà, từ gian ác ra công chính… mà ngược lại, mình lại bị tiêm nhiễm sự dối trá của họ, lại đưa sự dối trá ấy vào ngay trong cách sống đạo hôm nay, trong tương quan với người, và cả với Thiên Chúa. Nói mà không làm. Nói có đạo mà không có đạo. Nói Công Giáo mà không Công Giáo… đang là cuộc sống của chúng ta. Thật là vô lý, mà là điều vô lý có thật !

Tạ ơn Lời Chúa hôm nay cho chúng ta có cơ hội nhìn lại cách sống đạo thật đau lòng nhưng không phải trầm kha vô phương cứu chữa. Hãy tin vào Lời Chúa sẽ biến đổi cuộc đời ta và thế gian này, như Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với 2.000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 18 tháng 9 năm 2011 vừa qua trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo:

“Tin Mừng đã và đang biến đổi thế giới như một dòng sông tưới gội một cánh đồng mênh mông. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu đã làm người nơi Ðức Giêsu và với hiến tế của Người, Ngài đã cứu chuộc nhân loại khỏi nô lệ sự dữ bằng cách trao ban cho nó một niềm hy vọng đáng tin cậy”.
 
Lạy Chúa, chúng con là những Kitô Hữu cứng lòng, chỉ nói mà không làm, chưa chịu sám hối, chưa chịu tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Xin cho mỗi chúng con lắng nghe tiếng Lòng Thương Xót Chúa đang tha thiết: “Ước chi  hôm nay các bạn nghe tiếng Người, các bạn đừng cứng lòng nữa”, và  biết phục thiện đời sống chúng con cách sớm nhất, là sống đúng thánh ý Cha trên Trời. Amen.
 
PM. CAO HUY HOÀNG 21.9.2011
(thanhlinh.net) 

HÌNH ẢNH NHỮNG GIÂY PHÚT CUỐI ĐỜI CỦA ĐỨC CỐ GIÁM MỤC GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC


Mời xem hình TẠI ĐÂY
(gpbanmethuot.vn)

ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC QUA ĐỜI

TÒA GIÁM MỤC BANMÊTHUỘT
104 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột
ĐĂK LĂK – VIỆT NAM


CÁO PHÓ
 
Trong đức tin vào Chúa Kitô tử nạn và phục sinh
Tòa Giám mục Banmêthuột vô cùng thương tiếc kính báo:


Đức Cha Giuse TRỊNH CHÍNH TRỰC
Nguyên Giám mục Giáo phận Banmêthuột

Đã an nghỉ trong Chúa 
lúc 09g55, thứ sáu ngày 23 tháng 09 năm 2011
(Nhằm ngày 26 tháng 8 Tân Mão)
Tại Tòa Giám Mục Banmêthuột
 
Hưởng thọ  86 tuổi
57 năm linh mục (1954-2011)
30 năm Giám mục (1981-2011)

Nghi thức khâm liệm : 08g00, thứ bảy ngày 24 tháng 9 năm 2011
Tại Tòa Giám Mục Banmêthuột

Lễ viếng : Từ 08g00 đến 22g00, ngày 24 đến ngày 26 tháng 9 năm 2011
Tại Nhà Nguyện Tòa Giám Mục Banmêthuột:

- Thứ bảy, ngày 24/09 :
• Sáng từ 8g00 đến 11g00 : Giáo hạt Đăk Lăk I
• Chiều từ 13g00 đến 17g00 : Giáo hạt Đăk Lăk II

- Chúa nhật, ngày 25/09 :
• Sáng 8g00 đến 11g00 : các Cộng đoàn Dòng tu và các Giáo xứ
• Chiều 13g00 đến 17g00 : các Đoàn thể tự nguyện

- Thứ hai, ngày 26/09 :
• Sáng 8g00 đến 11g00 : Giáo hạt Quảng Đức
• Chiều 13g00 đến 17g00 : Giáo hạt Phước Long

Thánh lễ an táng : 08g00 thứ ba, ngày 27 tháng 9 năm 2011
Tại Nhà Nguyện Tòa Giám Mục Banmêthuột
Do Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự.

An táng trong khuôn viên Tòa Giám Mục Banmêthuột
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Đức Cố Giám Mục Giuse.

NB:
- Xin miễn vòng hoa và trướng
- Xin Quý Cha Giáo phận Banmêthuột dâng 03 (ba) Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cha Cố Giuse.

Văn phòng Tòa Giám Mục kính báo


TIỂU SỬ 
ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC

Sinh ngày : 25.10.1925, tại Giáo xứ Bút Đông, Hà Nội
Thuộc xã Trác Bút, huyện Duy Tiên, Hà Nam

1939 – 1945 : Học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội.
1945 – 1948 : Giúp xứ Hoàng Nguyên, Hà Nội.
1948 – 1954 : Học Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội.
Thụ phong Linh mục : 31.5.1954 tại Hà Nội
do Đức Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê
Tấn phong Giám mục : 15.8.1981 tại Banmêthuột
do Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai

Đã phục vụ :

1954 – 1955 : Phục vụ Cô nhi viện Têrêxa tại Hà Nội và Banmêthuột
1955 – 1959 : Phó xứ Thánh Tâm Banmêthuột
1960 – 1967 : Quản xứ Châu Sơn Banmêthuột
1967 – 1990 : Tổng Đại diện Giáo phận Banmêthuột
1967 – 1972 : Quản xứ Thánh Tâm (Chính tòa Banmêthuột)
1972 – 1983 : Giám đốc Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh Banmêthuột
1981 – 1990 : Giám mục phó Giáo phận Banmêthuột
1990 – 2000 : Giám mục Chính tòa Giáo phận Banmêthuột
Từ 2000 : Hưu tại Tòa Giám mục Banmêthuột. 

Được Chúa gọi về lúc 09g55, thứ sáu ngày 23 tháng 09 năm 2011
(Nhằm ngày 26 tháng 8 Tân Mão)


(nguồn : gpbanmethuot.vn)

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXV TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXV thường niên năm A.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.