Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN A (Mt 25, 1-13)


SẴN SÀNG 
  
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Bài Tin Mừng là một dụ ngôn của Chúa Giêsu. Chúa đã dùng một hình ảnh quen thuộc về cưới xin của quê hương Ngài để dạy chúng ta một bài học, là phải luôn sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến. Trong một đám cưới, nhân vật chính là cô dâu và chú rể. Nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại đặt trọng tâm về phía các cô phù dâu, bởi vì chàng rể ở đây là Chúa Giêsu, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại.

Dụ ngôn này trước hết nói đến tất cả mọi người phải sẵn sàng chờ đợi ngày tận thế, ngày Chúa tái giáng để phán xét toàn thể nhân loại, ngày nào Chúa trở lại thì không ai biết được, chỉ cần nhớ rằng ngày đó rất bất ngờ. Đàng khác, dụ ngôn này cũng muốn nhắc tới ngày chết của mỗi người, ngày ấy cũng rất bất ngờ, không ai biết trước được. Đời con người đã ngắn ngủi, lại có thể chết bất cứ lúc nào, cho nên đòi hỏi mỗi người phải cẩn thận và sẵn sàng.

Việc chờ đợi sẵn sàng có tính cách bản thân cá nhân mỗi người, không ai làm thay ai được. Sự sẵn sàng này phải có luôn, kéo dài mãi chứ không phải chỉ trong một thời gian nào thôi, vì Chúa đến bất ưng, Chúa có thể gọi chúng ta ra khỏi đời này bất cứ lúc nào. Cho nên, như 10 trinh nữ, sửa soạn có đèn mà thôi, đèn cháy mà thôi cũng chưa đủ, còn phải dự trữ dầu. Cũng vậy, có đạo, có đức tin mà thôi chưa đủ mà còn phải có sự nghiệp đức tin và công phúc nữa.

Dụ ngôn cho chúng ta thấy, trong mười cô phù dâu, có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Đó là hình ảnh tượng trưng cho hai nhóm tín hữu khác nhau : một nhóm những người khôn ngoan và một nhóm những người khờ dại. Khôn ngoan hay khờ dại là căn cứ vào cách sống của họ có biết sẵn sàng hay không ? Có sự nghiệp đức tin và công phúc hay không ? Năm cô phù dâu khờ dại không chuẩn bị đủ dầu, đến giờ chót đi vay mượn và bị từ chối, có nghĩa là ơn cứu rỗi của mỗi người là tự mình sắm sửa lấy cho mình. Mỗi người phải có sự nghiệp đức tin riêng. Sự cứu rỗi là của riêng mỗi người, không vay mượn được. Chúng ta không thể nhường lại cho ai khác và cũng không ai có thể nhường lại cho chúng ta được. Đàng khác, chúng ta cũng đừng cho rằng : chỉ cần sắm sửa một ít dầu vào phút chót là được. Trái lại, phải sắm sửa cả đời và suốt đời. Sự nghiệp đức tin phải sắm sửa hằng ngày cho đến chết, vì không ai biết mình chết khi nào, đừng bao giờ nghĩ rằng mình còn lâu mới chết, vì sự chết không kiêng nể ai và cũng chẳng báo trước cho ai cả.

Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải luôn sẵn sàng, lúc nào cũng chuẩn bị trước cho mình một sự nghiệp nước trời theo gương nhân vật trong câu chuyện sau : Bá tước Hen-ri-đơ Ba-vi-e, người sau này trở thành hoàng đế nước Đức, và Giáo Hội đã phong thánh cho ngài. Ngài thường cầu nguyện bên mộ thánh Uôn-gang. Một hôm thánh Uôn-gang hiện ra với ngài và chỉ cho ngài một dòng chữ viết trên mộ : “Sau sáu…” chỉ có hai chữ đó thôi, rồi thánh nhân biến đi. Hen-ri suy nghĩ mãi, không hiểu “Sau sáu…”nghĩa là gì ? Ngài nghĩ rằng có lẽ Chúa muốn cho ngài biết sau sáu ngày nữa mình sẽ chết chăng ? Ngài liền dọn mình chết cách nghiêm túc. Nhưng sau sáu ngày vẫn không có sự gì xảy ra. Ngài cho rằng : sau sáu tuần chăng ? Ngài lại dọn mình chết trong sáu tuần. Sáu tuần lại qua đi vô sự. Ngài lại nghĩ sau sáu tháng chăng ? Sáu tháng lại qua đi. Ngài lại nghĩ sau sáu năm chăng ? Ngài kiên trì sống tốt lành, làm thật nhiều việc đạo đức. Sáu sáu năm ngài được chọn làm hoàng đế. Dầu vậy ngài vẫn không thay đổi cách sống, luôn chuẩn bị sẵn sàng chết. Vì thế, ngài đã trở thành một hoàng đế gương mẫu và hơn nữa là một vị thánh.

Chúa Giêsu ân cần nhắn nhủ chúng ta : hãy khôn ngoan như năm cô trinh nữ đem đèn và trữ cả dầu. Chúng ta phải có đèn, đèn muốn hữu dụng phải có dầu, dầu đốt mãi cũng phải hết, do đó, chúng ta phải trữ dầu, trữ càng nhiều càng tốt. Dầu đây là đời sống thiện hảo của mình, loại dầu này nếu có trữ lượng phong phú, việc phòng ngừa và cẩn thận của chúng ta mới thành hiện thực. Dụ ngôn 10 cô trinh nữ, chúng ta thấy cả khôn cả dại đều ngủ, đâu phải chỉ có những cô dại mới ngủ, nhưng cái làm cho 10 cô trở thành khôn dại khác nhau ở chỗ biết chuẩn bị sẵn sàng. Năm cô khôn đã ngủ nhưng ngủ trong sự sẵn sàng, còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, việc đâu hay đó, nhưng đến khi “hay” được thì đã quá muộn.

Chúng ta hãy nhớ : một ngày nào đó cuộc đời chúng ta sẽ chấm dứt, chúng ta không biết ngày đó là ngày nào, nên chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, chúng ta phải lo tính cho linh hồn mình, phải luôn sẵn sàng tối đa bằng cách luôn sống tốt lành. Bởi vì chỉ có những ai biết sống như thế mới bảo đảm được hạnh phúc đời đời.
(tinmung.net)

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

THÁNG CÁC ĐẲNG

THÁNG CÁC ĐẲNG
 
Tháng các Đẳng, tháng cuối cùng trong năm Phụng Vụ
Giáo Hội nhắc chúng ta, hãy nhớ đến những người
Đã đi trước chúng ta, đã về cõi thiên thu
Là các Thánh, hay linh hồn trong lửa luyện ngục

Cũng là để nhắc nhở chúng ta, đến giờ phút
Khi mà chúng ta đến lúc, ra khỏi cõi đời này
Nhưng không biết lúc nào, là ; lúc tay chia tay
Vào cõi chết cách nào, và chốn nào ta chết

Nghĩ như vậy, không phải để bi quan cuộc sống
Nhưng vẫn vui, vì vững tin vào Chúa Phục Sinh
Ngài đã sống lại, và đã lên trời hiển vinh
Dọn đường cho chúng ta, vào Thiên Đường hạnh phúc

Trong lúc chờ đợi đến lúc, về trời vinh thắng
Ta nên biết sử dụng, thời giờ Thiên Chúa ban
Để sinh lời ơn Chúa, trong những việc trần gian
Những việc lành phúc đức, cho những người nghèo khó

Xưa Chúa Giêsu phán:
“Vì khi Ta khát các con đã cho Ta uống,
Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn,
Khi Ta bịnh hoạn, các con đã đến viếng thăm
Và như thế các con đã làm cho Ta đó”

Tháng các Đẳng, là tháng của Lòng Thương Xót Chúa
Ân sủng Ngài ban, qua Giáo Hội Chúa lập ra
Ban phát kho tàng, tình thương Chúa rất bao la
Chúa muốn mọi linh hồn, được mau về với Chúa

Tháng các Đẳng, là tháng của tấm lòng bác ái
Nhờ lời cầu của ta, linh hồn sớm về trời
Nhờ chúng ta, linh hồn sẽ vợi bớt khổ đau
Bớt tháng ngày, giam cầm đớn đau trong lửa nấu

Tháng các Đẳng, là tháng của tấm lòng báo hiếu
Để cháu con nhớ đến, các đấng bậc Sinh Thành
Để anh em huynh đệ, luôn nhớ mãi đến nhau
Những người sống, liên đới tình thân với người chết

Lạy các Đẳng, Linh Hồn còn trong lửa luyện ngục
Chúng con hiệp dâng, nhiều Thánh Lễ trong tháng này
Cùng hy sinh với việc làm và bác ái hăng say
Cầu cho các Ngài, mau được về nơi Nước Chúa

Khi nào các Ngài, đã về sum hợp cùng Chúa
Xin nhớ chúng con, còn đang lưu lạc trần gian
Cầu cho chúng con, trong những ngày tháng gian nan
Biết mến Chúa yêu người, bình an theo năm tháng.
 
Tác giả Nguyễn Thanh Trúc
(dunglac.org)

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

LẼ SỐNG 31.10

31 Tháng Mười
Một Ngày Ðể Nhớ Ðến Thần Dữ 

Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.


Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.


Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày Halloween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.


Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động của thần dữ không?


Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: "Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu".


Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh Thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.


Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh Kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: "Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm". Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác... Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: "Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta". Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: "Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin".


Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: "Xin cứu chúng con khỏi ác thần". Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: "Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian".

    

    Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXI TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXXI thường niên năm A.
Cha Chánh Xứ Dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN A (Mt 23, 1-12)



ĐÓNG KỊCH

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
Tất cả chúng ta đều tỏ vẻ khó chịu và dứt khoát không chấp nhận lối sống giả hình, giả dối của người nào đó, Chúa Giêsu cũng thế thôi. Ngài thường phàn nàn và khiển trách tính cách giả hình, giả dối của những người Pha-ri-sêu và kinh sư, đồng thời Ngài cũng khuyến cáo dân chúng : hãy đề phòng và cảnh giác đối với những người ấy, cụ thể như bài Tin Mừng hôm nay.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu phân biệt quyền giáo huấn và những người thi hành quyền đó. Ngài nhìn nhận các người Pha-ri-sêu và kinh sư có quyền giáo huấn, vì họ là những người được chính thức trao phó nhiệm vụ dạy bảo dân chúng, do đó khi họ thi hành nhiệm vụ là họ nhân danh Chúa, nên phải nghe và giữ những gì họ dạy bảo. Nhưng tại sao Chúa lại nói đừng bắt chước hay noi theo những việc làm của họ ? Phải chăng họ đã làm những việc bất chính ? Không, Chúa nhìn nhận họ có làm nhiều việc thật, bình thường thì đó là những việc tốt đáng được ca tụng, nhưng đối với Chúa thì chẳng nghĩa lý gì, vì thái độ giả hình, giả dối của họ. Lòng đạo đức của họ chỉ có tính cách giả dối, một thứ đạo đức chỉ có cái vỏ bề ngoài.


Mỉa mai hơn nữa, đáng trách hơn nữa, họ là những người có thẩm quyền giải thích luật, họ nhấn mạnh luật lệ từng chữ, từng tiếng và họ khắt khe đòi hỏi mọi người phải tuân giữ, nhưng chính họ thì lại không áp dụng cho chính mình. Như thế, họ nói mà không làm, hoặc tệ hơn nữa, họ nói một đàng làm một nẻo, như thánh Phaolô nói : “Ngươi giáo dục kẻ khác mà không giáo dục mình. Ngươi hãnh diện về lề luật mà chính ngươi lại lỗi luật”, nghĩa là ngôn ngữ và hành vi của họ mâu thuẫn nhau, lý thuyết và thực hành của họ bất nhất. Họ rao truyền lời Chúa, nhưng thực ra họ lạm dụng uy tín làm thầy và địa vị làm thủ lãnh của họ. Cho nên, trong con người họ như có hai phương diện, hai nếp sống : một nếp sống giả hình trong bổn phận, còn với chính mình lại buông xuôi, buông thả. Cuộc sống đôi khi như vậy thật là phiền phức : cái đúng trở thành cái sai, và cái sai mới là đúng.


Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu có thái độ nghiêm khắc, đến nỗi Chúa khiển trách họ nặng lời. Ngài không bao giờ có thể chấp nhận được cái thói giả hình và thái độ kiêu căng tự phụ của họ. Chính lối sống đạo như vậy đã chuốc lấy cho họ những lời khiển trách, có thể nói là gay gắt nhất phát ra từ miệng Chúa Giêsu, Chúa đã vạch trần bộ mặt giả hình và cách sống như thế. Hãy sống thành thực, nói và làm đi đôi với nhau và trước sau như một.


Chúng ta hãy lặng tâm suy nghĩ : những người Pha-ri-sêu không còn, nhưng lối sống của Pha-ri-sêu chưa chết, vẫn còn nơi chúng ta. Nhìn vào xã hội, nhìn vào đời sống thực tế, chúng ta thấy : sự giả hình, giả dối đã thành ra như thông lệ, từ lãnh vực tình yêu đến lãnh vực văn hóa, kinh tế, tôn giáo, chính trị, người ta vẫn thường dùng cái bên ngoài mà lừa đảo nhau. Tính giả hình, giả dối ai mà không ghét, thế nhưng người ta thường đồng ý rằng : muốn được kẻ khác kính nể, cần phải giăng một bức màn dầy giữa tư tưởng và cái lưỡi, giữa tâm trạng bên trong và cách cư xử bên ngoài.


Thậm chí có người còn nói một cách trơ trẻn, trắng trợn rằng : ai muốn thành công thì đừng bao giờ duy trì một thái độ trước mặt cũng như sau lưng. Đừng bao giờ nên nói ra ngoài miệng như mình đang nghĩ trong bụng, dầu trong bụng có muốn tru di tam tộc người ta đi nữa, bên ngoài cũng phải làm ra vẻ ngọt ngào. Vì vậy mà trong xã hội không thiếu gì những người : “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Mà trong nham hiểm giết người không gươm”. Thành ra, để phân biệt được ai là chính trực, ai là giả hình, ai là người trung nghĩa, ai là kẻ lừa thầy phản bạn thật là khó. Chúng ta thấy có những người đóng kịch rất tài tình : bên ngoài coi lương thiện, đạo hạnh, tử tế mà thực sự bên trong là tay độc ác ghê tởm vô cùng, có những người tỏ ra đàng hoàng dưới ánh nắng, nhưng trong bóng râm tỏ ra lưu manh đáng sợ


Chúng ta hãy suy nghĩ : đời sống của chúng ta có gì là giả hình hoặc đóng kịch không ? Chúng ta hãy nhớ : chúng ta có thể sống đóng kịch, che đậy, giấu diếm người này người khác, nhưng chúng ta có thể sống mãi như thế không ? Không đâu, chắc chắn sẽ có ngày “cháy nhà ra mặt chuột”. Giả như chúng ta có sống được mãi như thế suốt đời, không ai biết chăng nữa, nhưng chúng ta có thể qua mắt được Thiên Chúa không ? Chắc chắn là không. Được lòng người đời hay được người đời ca tụng, nhưng không được lòng Chúa, không được Chúa ghi công thì cũng như không, chẳng có giá trị gì. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ và tự nhủ mình khi làm bất cứ điều gì, kể cả những việc đạo đức.
(tinmung.net)
 



CHUẨN BỊ CHO CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG NHÀ THỜ MỚI



Chuẩn bị khởi công công trình xây dựng Nhà Thờ mới, ngày 22.10.2011 Cha Chánh Xứ và ban thường vụ HĐMVGX Thuận Phát đã cho di dời 2 hàng cây xanh 2 bên đường từ cổng chính dẫn vào Nhà Thờ, tạo mặt bằng thông thoáng để dựng Nhà Thờ tạm (thay thế Nhà Thờ hiện tại khi được tháo dỡ và trong suốt thời gian xây Nhà Thờ mới), và phục vụ cho việc thi công công trình. Công việc đã hoàn tất vào tối ngày 25.10.2011.

Hữu Toàn.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM A. CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXX thường niên năm A. Chúa Nhật Truyền Giáo.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.


Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO NĂM A (Mt 28, 16-20)



TRUYỀN GIÁO BẰNG ĐỜI SỐNG
  
ĐTGM Ngô Quang Kiệt
Hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ là hai nhà truyền giáo vĩ đại. Ngay sau khi nghe bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô, 3 nghìn người đã xin được rửa tội. Thật là một kết quả ngoài sức tưởng tượng. Còn thánh Phaolô là người ra đi không biết mệt mỏi. Đã thành lập nhiều giáo đoàn. Đã đào tạo được nhiều giám mục. Đã viết nhiều thư dạy dỗ khuyên nhủ. Tuy không được chính thức ở trong nhóm 12, nhưng Ngài vẫn được gọi là Tông đồ. TÔNG ĐỒ viết hoa.

Nhờ đâu cuộc truyền giáo của các ngài có kết quả lớn lao như thế? Trước hết ta phải kể đến ơn Đức Chúa Thánh Thần. Chính Đức Chúa Thánh Thần đã ban cho công cuộc truyền giáo thành công. Tuy nhiên cũng phải có sự đóng góp của các ngài. Cuộc đời của hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, trước khi ra đi truyền giáo đã trải qua những bước chuẩn bị chu đáo.

Bước thứ nhất: Gặp gỡ Cha. Thánh Phêrô đã được hạnh phúc sống bên Chúa Giêsu 3 năm trời. Hơn thế nữa, ngài còn được gặp Cha sau khi Chúa Phục Sinh, được Chúa dạy dỗ, cùng ăn uống, cùng trò chuyện với Cha. Còn thánh Phaolô tuy muộn màng nhưng cũng đã gặp được Chúa trên đường đi Đa mát. Được Chúa trực tiếp dạy dỗ trong những năm tháng sống tại sa mạc. Được Chúa đưa lên tầng trời thứ ba. Việc gặp gỡ Chúa đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn các ngài. Sau này, các ngài có đi truyền giáo cũng chỉ là để kể lại những điều mắt thấy tai nghe.

Bước thứ hai: Cảm nghiệm được tình thương của Cha. Thánh Phêrô được Cha yêu thương. Điều này ngài đã cảm nghiệm sau 3 năm chung sống với Chúa. Nhưng nhất là sau khi phạm tội chối Thày. Cha vẫn yêu thương tha thứ. Sau khi Phục Sinh, Cha không một lời trách móc. Chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Phêrô, con có mến Thầy không?”. Và lạ lùng không thể ngờ, Chúa đặt Phêrô lên làm giáo hoàng, coi sóc Giáo Hội của Chúa. Còn thánh Phaolô, trước kia là một người đi bắt đạo. Nhưng Chúa đã cho ngài được ơn ăn năn trở lại. Và tuyển chọn ngài làm Tông đồ đi rao giảng cho dân ngoại.

Cảm nghiệm tình thương của Chúa, các ngài đã đem hết tình yêu đền đáp. Tình yêu đã làm thay đổi hẳn cuộc đời các ngài. 

Bước thứ ba: Thay đổi đời sống. Các ngài đã biến đổi từ những con người yếu hèn nên dũng mạnh. Từ tự tin tự phụ vào sức mình đến chỉ tin cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa. Từ hoạt động suy nghĩ theo ý riêng đến toàn tâm toàn ý theo ý Cha. Từ sống cho mình đến sống cho Chúa và chết cho Chúa. Tình yêu gắn bó với Cha đến nỗi không có gì có thể tách lìa các ngài ra khỏi Thiên Chúa.

Bước thứ bốn: Hăng hái ra đi truyền giáo. Tình yêu thôi thúc các ngài ra đi làm chứng cho Chúa. Các Ngài đã ra đi không ngừng. Các Ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả: làm việc mệt mỏi, gian truân khốn khó, bị xua đuổi, bị chống đối, bị hành hạ, bị giam cầm và sau cùng các Ngài đã hiến mạng sống làm chứng cho tình yêu Chúa.

Chúa và Hội Thánh đang mời gọi chúng ta lên đường truyền giáo. Chúng ta tha thiết muốn làm việc truyền giáo. Hãy noi gương hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở ba điểm.

Trước hết phải sống thân mật với Cha. Đây chính là nội lực. Gặp được Chúa. Tiếp xúc thân mật với Chúa. Cảm nghiệm được tình thương của Chúa. Đó là bước khởi đầu quan trọng cho việc truyền giáo.

Tiếp đến, ta phải thay đổi đời sống. Sống tin cậy phó thác. Sống công bình và nhất là sống bác ái với mọi người.

Sau cùng, hãy hăng hái bắt tay vào việc. Trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam có đề nghị với chúng ta hãy làm những việc cụ thể. Đó là phải cầu nguyện cho việc truyền giáo, sống nêu gương thánh thiện, đối thoại và nhất là hãy kết nghĩa và làm việc bác ái.

Việc kết nghĩa là học hỏi kinh nghiệm của Giáo Hội Hàn quốc. Vào năm 1983 Hàn quốc có 3 triệu rưỡi người Công giáo. Năm đó, Đức Thánh Cha đi thăm Hàn quốc và phong thánh cho 103 vị tử đạo. Đức Hồng Y Stephano Kim đã hứa với Đức Thánh Cha sẽ hăng hái làm việc truyền giáo. Ngài đưa ra một chương trình đó là mỗi gia đình Công giáo phải truyền giáo cho một gia đình ngoài Công giáo. Mỗi người Công giáo phải truyền giáo cho một người ngoài Công giáo.

Các gia đình Công giáo kết nghĩa với những gia đình ngoài Công giáo. Đi lại thăm viếng, giúp đỡ và giới thiệu Chúa cho họ. Và kết quả thật khả quan. Khoảng 10 năm sau, số giáo dân Hàn quốc đã tăng lên gấp đôi. Người Công giáo Hàn quốc đã hăng hái làm việc truyền giáo và đã có kết quả.

Tai Hà nội có một người Hàn quốc mở doanh nghiệp làm ăn. Doanh nghiệp của ông có khoảng 50 công nhân. Trong đó có mấy thanh niên Công giáo. Một hôm ông hỏi họ: Các anh là đạo gốc, thế các anh đã truyền giáo cho ai chưa? Mấy thanh niên trả lời: Chúng cháu giữ đạo còn chưa xong, làm sao dám truyền giáo. Ông chủ nói: Thế là các cậu thua tôi rồi. Tôi là đạo mới, chỉ theo đạo khi lập gia đình. Và tôi mới tới Việt Nam được 3 năm thế mà tôi đã thuyết phục được hai người vào đạo.

Lạy Cha xin vì lời bầu cử của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ban cho chúng con những nhà truyền giáo nhiệt thành. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU.

1- Hai thánh Phêrô và Phaolô đã trải qua những biến đổi nào trước khi trở thành những nhà truyền giáo lớn của Hội Thánh?

2- Bạn mong muốn trở thành nhà truyền giáo, bạn phải làm gì?

3- Bạn có những kinh nghiệm gì về truyền giáo (của bản thân hoặc của người khác)?

(tinmung.net)

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ

XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ
 
Bài chia sẻ nhân dịp Đại Hội truyền giáo Á Châu, 18-22/10-2006 tại Chang Mai, Thái Lan. Bài được cập nhật ngày 27-9-2011 cho lớp Kitô học của Học viện Mến Thánh giá. Nhân dịp lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn Mạng Các xứ Truyền giáo, bài được trình bày cho một ít tu sinh tĩnh tâm tại Đan Viện Cát Minh, 33 Tôn Đức Thắng, Q. 1, Tp.HCM, ngày Chủ Nhật, 2-10-2011. Xin chia sẻ cùng bạn đọc trong tinh thần truyền giáo.

Nhập đề

Một câu hỏi khiến lòng tôi trăn trở từ nhiều năm qua đó là: “Ta phải làm gì để có thể loan báo Tin Mừng Đức Kitô cách hiệu quả trên cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam và Á Châu?”.

Khi nêu lên nhận xét công cuộc truyền giáo tại nước tôi hình như không mấy hiệu quả từ vài chục năm nay, nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như một số anh em linh mục, nam nữ tu sĩ không bằng lòng với nhận xét này và cảm thấy hoạt động tích cực truyền giáo của họ bị xem thường. Tôi không có ý coi nhẹ hoạt động tông đồ của các vị ấy, nhưng những thống kê về số người theo đạo hay bỏ đạo Công giáo ở VN cũng như ở châu Á và toàn thế giới khiến ta phải quan tâm và đặt vấn đề cho việc truyền giáo của mình. Có người cho rằng những con số thống kê không thể nào nói lên được thực tại nhiệm mầu của đức tin Công giáo, càng không phải là thước đo lòng đạo đức hay sự thành bại của việc truyền giáo. Chúng tôi rất đồng ý về nhận định này. Quả thực, chúng ta có thể dùng những số liệu thống kê như những dấu hiệu nhắc nhở chúng ta về những vấn đề thực tế. Những vấn đề từ việc thiếu hiệu quả trong công cuộc truyền giáo hiện nay đã được thẩm quyền cao cấp nhất của Giáo hội đặt ra trong Bản Đề Cương chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục 2012 sẽ họp ở Rôma và mời gọi chúng ta tích cực quan tâm tìm hiểu để đóng góp những đề nghị đúng đắn.

1. Những con số chất vấn

1.1. Tình trạng Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu

Nhìn vào Giáo hội Việt Nam (GHVN) trong suốt 50 năm qua, tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm so với dân số cả nước: vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7,17%, cuối năm 2010 vẫn là 7,18%. Chúng ta sống đạo như thế nào mà không làm tăng thêm được 1% dân số Công giáo trong suốt 50 năm qua, thậm chí 125 năm qua kể từ năm 1885 đến nay? Giáo Hội châu Á cũng không phát triển hơn trong suốt 50 năm khi mà dân số Công giáo vẫn chỉ ở mức 3% dù có biết bao nỗ lực của hàng trăm ngàn thừa sai, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đủ loại. Dân số Công giáo hiện nay ở Á Châu có khoảng 140 triệu người trong số hơn 4,024 tỷ dân. Theo thống kê của Toà Thánh, dân số Công giáo toàn cầu tăng từ 757 triệu vào năm 1978 lên 1.146 triệu người vào cuối năm 2008 (x. Catholic Almanac 2010, NXB Our Sunday Visitor, tr.335). Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người lớn và hơn 14 triệu trẻ em được rửa tội trong ít năm gần đây, tuy nhiên nếu tính theo tỷ lệ dân số, vào năm 1978, người Công giáo chiếm 17,99% dân số thế giới, đến năm 2008 chỉ còn 17,32%.

Tính đến ngày 31-12-2010, GHVN hiện có trên 4.050 linh mục, 3.946 chủng sinh, 2.281 tu sĩ nam, 15.352 tu sĩ nữ, 57.000 giáo lý viên, gần 1 triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành, khoảng 6.400.567 tín hữu giáo dân trên tổng dân số là 89.029.559 (theo thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN), trong khi số dân thật sự theo Thống kê Nhà Nước là 86.930.000 người Việt (x. Cục Thống kê TP HCM, tr.331). Số giáo dân này không chính xác do việc khai báo trùng lắp vì theo số liệu thống kê của Tổng Điều tra Dân số ngày 1-4-2009, số dân Công giáo là 5.677.086 trên tổng số dân là 85.846.997 người, chiếm tỷ lệ 6,61% (x. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở VN 2009, tr. 281). Số người lớn được rửa tội hằng năm khoảng 30.000 đến 40.000 người nhưng hầu hết là để lập gia đình với người có đạo. Vậy chúng ta tự hỏi ai là người đi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và truyền giáo có kết quả?

Một thí dụ minh hoạ: năm 2009, giáo phận Huế có 2 giám mục, 136 linh mục, 64 chủng sinh, 92 tu sĩ nam, 967 tu sĩ nữ, 786 giáo lý viên và 68.560 tín hữu, nhưng cả năm chỉ có 94 người lớn được Rửa tội, năm 2008 cũng chỉ có 106 người (x. Thống kê Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM VN).

Dù những con số không nói lên hoàn toàn sức sống năng động của người Công giáo nhưng việc giảm sút số người tin theo Đức Kitô đã nói lên phần nào công cuộc truyền giáo toàn cầu cũng như ở châu Á và ở Việt Nam không mấy thành công.

1.2. So sánh với một vài Giáo Hội khác

Trong khi đó công cuộc truyền giáo của anh em Hội thánh Tin Lành lại đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ở Việt Nam từ 400.000 tín hữu vào năm 1999 đã tăng lên 734.168 người, nghĩa là tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm (x. Tổng Điều tra Dân số 1-4-2009, tr. 281). Trong Hội nghị Hợp nhất Kitô hữu tổ chức vào tháng 7-2006, tại Seoul Hàn Quốc của Hội đồng Giáo hoàng về hợp nhất Kitô hữu do Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC) và Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc tổ chức, các tham dự viên được nghe báo cáo về sự phát triển vượt bậc của phái Ngũ Tuần. Từ một vài người cách đây 100 năm giáo hội Ngũ Tuần đã phát triển tới con số 600 triệu người hiện nay, trong đó có 165 triệu đang sống tại châu Á. Nếu so sánh hơn hai ngàn năm truyền giáo tại châu Á, Giáo hội Công giáo đang có 140 triệu người, trong khi anh em phái Ngũ Tuần chỉ mất 100 năm để có 165 triệu người, thì chúng ta phải tự hỏi về kết quả truyền giáo và động lực truyền giáo của cả đôi bên.

2. Đi tìm câu trả lời cơ bản: xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô

2.1. Đã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo nhưng kết quả chưa thu được là bao. 

Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực. Vậy chúng ta phải làm gì? Hy vọng Thượng Hội đồng Giám mục 2012 được tổ chức ở Rôma với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin Kitô giáo” có thể giới thiệu một đường hướng thiết thực và hiệu quả hơn.

Tông huấn Giáo Hội tại châu Á của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 6-11-1999 là một bản tổng kết những định hướng cơ bản cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội tại lục địa mênh mông này. Tông huấn ấy đã mở ra những chân trời bao la thuộc mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và cả đối thoại với những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau tại Á Châu sau khi nhấn mạnh đến việc kết hợp với Chúa Ba Ngôi và hợp nhất với Giáo Hội để phục vụ sự thăng tiến con người.

Tuy nhiên, điểm cơ bản mà chúng tôi muốn nhắc đến là Đức Thánh Cha mời gọi từng người chúng ta phải phát xuất lại từ Đức Giêsu Kitô vì Người là món quà quý giá nhất mà Chúa Cha gửi tặng cho châu Á (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội châu Á, số 10). Đây chính là câu trả lời và là giải pháp đúng đắn cho các vấn đề chúng ta đang quan tâm.

2.2. Thực trạng sống đạo như mời gọi ta phải trở lại với Đức Giêsu Kitô và xuất phát lại từ Người.

Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Đời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín, cảm nghiệm bên trong. Nhiều người có trách nhiệm trong cộng đồng như linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân ưu tuyển chưa được đào tạo để suy tư một cách có hệ thống về Đức Giêsu Kitô qua bộ môn Kitô học, chưa có cảm nghiệm sống động và mạnh mẽ về Đức Kitô để dấn thân làm chứng cho Ngài, chưa dám chết đi cho những tham vọng và dục vọng của chính mình để sống hoàn toàn cho Đức Kitô trong một châu Á có nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau.

Dân chúng Thái Lan và nhiều nước theo Phật giáo vẫn dành nhiều thiện cảm cho các nhà sư với chiếc đầu cạo trọc, bộ áo cà sa giản dị và chiếc bình bát mộc mạc, bình thản đón nhận những đồ cúng dường, xem họ như là biểu tượng của tinh thần xả kỷ hy sinh hơn các linh mục, tu sĩ Công giáo. Dân chúng Nam Á và Đông Nam Á với hơn 1 tỷ người theo Hồi giáo lại cảm thấy được trợ lực bởi những giờ kinh đều đặn nhiều lần mỗi ngày của cả cộng đồng dù ở bất cứ nơi nào. Rồi qua lời kinh cầu nguyện, anh em Hồi giáo càng thêm gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc sống. Đây là nét đẹp rất cuốn hút trong một xã hội châu Á đã từng bị các thế lực ngoại xâm áp dụng chính sách “chia để trị” khiến người ta luôn nghi ngờ và đóng kín với nhau, trong khi rất nhiều cộng đồng Công giáo vẫn giữ tinh thần cục bộ bè phái để chỉ biết có phe nhóm, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo miền của mình. Hơn 1 tỷ người Trung Quốc lại cảm thấy những lời dạy của Đức Giêsu chưa đủ mức khôn ngoan và sâu sắc nếu so sánh với lời dạy của đức Khổng Tử, Lão Tử và nhiều bậc thánh hiền trong văn hoá Đông Phương. Họ chưa nhận ra lời Người có giá trị tuyệt đối, là lời cứu độ của Thiên Chúa, có sức đưa họ vào cuộc sống vĩnh hằng và chia sẻ cho họ thần tính của Thiên Chúa.

Châu Á có rất nhiều người trẻ, hơn 50% dân số dưới tuổi 30. Những người trẻ này đang say mê học hỏi khoa học kỹ thuật để tìm biết sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, con người cũng như xã hội. Nhưng hình như Giáo hội Công giáo, qua trình độ học vấn của các bậc chức sắc, và thái độ ít dấn thân của họ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chưa thuyết phục được người trẻ hiểu rằng Đức Giêsu chính là con đường dẫn tới sự thật và sự sống, là nguồn của sự khôn ngoan và Người sẵn sàng khai mở tâm trí để con người hiểu biết những sự thật mầu nhiệm ẩn chứa trong con người và vạn vật. Hơn nữa, những người trẻ này cũng đang chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với những cầu thủ, diễn viên, người mẫu, văn nghệ sĩ, với thời trang, âm nhạc… Nhưng hình như Giáo hội Công giáo lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp mà lại hô hào họ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó và quên giới thiệu cho họ một Đức Giêsu hoà mình vào đám đông dân chúng, ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, khám phá ra cái đẹp trong từng nhánh cỏ, bông hoa của đồng nội cũng như giới thiệu tinh thần nghèo khó thật sự là gì.

3. Muốn xuất phát lại từ Đức Kitô chúng ta phải làm gì?

3.1. Xuất phát lại từ Đức Kitô

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong các lời giáo huấn của mình qua những thông điệp, tông huấn, tông thư, diễn văn, bài nói chuyện… luôn mời gọi tín hữu tập trung vào Đức Kitô để xuất phát lại từ Người.

Quả thật trong 2.000 năm qua, sau một hai thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội sơ khai tập trung vào Đức Kitô và lời dạy của Người, nhất là từ năm 313 trở đi, Giáo Hội mất dần sự quan tâm để chú ý vào những điểm khác như tổ chức cộng đồng với giáo phận, giáo xứ, xây cất các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, đền thánh, rồi từ thế kỷ 11, 12 vào việc thiết lập các dòng tu và tập trung chú ý noi gương các thánh lập dòng hơn noi gương Chúa Giêsu, thế kỷ 15, 16 vào việc lo cho các công tác mục vụ, truyền giáo, thế kỷ 19, 20 lo đối phó với những học thuyết sai lạc…

Chỉ từ giữa thế kỷ 20, người ta mới bắt đầu quan tâm đến môn Kitô học nhưng cho tới ngày nay, môn học này vẫn kém phát triển, chưa đạt tới tầm vóc xứng hợp như là môn học nền tảng của Kitô giáo. Công đồng Vaticanô II với các văn kiện của mình như muốn nhắc nhở tín hữu Công giáo tập trung vào Đức Kitô như nền tảng và gương mẫu cho mọi hoạt động Kitô hữu. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ ban hành ngày 19-5-2002 nhắc nhở tu sĩ nam nữ tìm về nguồn sống là Chúa Kitô thay vì tập trung vào vị Sáng lập dòng.

Nhiều đại học Công giáo hiện nay không có giảng khoá hoàn chỉnh về môn Kitô học do những tranh cãi về quan điểm thần học liên quan tới Đức Kitô nhất là giữa các dòng tu với nhau. Nhiều đại chủng viện vẫn giảng dạy giáo trình Kitô học lỗi thời, thậm chí sai lạc, mà không cập nhật những điểm giáo lý mới mẻ và đúng đắn được trình bày trong các sách như Giáo lý Hội Thánh Công giáo (Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 11-10-1992, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2009, NXB Tôn Giáo, Hà Nội), Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (Hội Đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình công bố năm 2004, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2007, NXB Tôn Giáo, Hà Nội), Đức Giêsu Nazareth tập I và tập II của ĐGH Bênêđictô XVI (Tập I công bố ngày 30-9-2006, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2008, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tập II công bố ngày 25-4-2010 và chưa có bản dịchViệt ngữ).

Người ta thường nói:”Vô tri bất mộ” (không biết nên không tôn kính). Chính vì chưa hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về Đức Kitô nên đời sống đạo của người tín hữu không toả ánh sáng Tin Mừng để có sức thu hút người khác tìm về với Đức Kitô. Vì thế chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á 2005 ở Chiang Mai, Thái Lan là “Kể lại câu chuyện Giêsu” như các tông đồ xưa sau khi họ hiểu biết và cùng sống với Người. Chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á 2010 ở Seoul, Hàn Quốc cũng lấy lại chủ đề ấy “Công bố câu chuyện Giêsu”, nhưng nâng cao hơn một mức vì “công bố” đòi hỏi ta nói về Đức Giêsu một cách trang trọng, có nghiên cứu, có bài bản mà vẫn dựa trên kinh nghiệm sống động của người làm chứng với Chúa Giêsu Kitô.

3.2. Hiệu quả của việc trở về với Đức Kitô

Trở lại với Đức Kitô là chúng ta sẽ tìm lại được cảm nghiệm sống động của các tông đồ về Đức Giêsu Phục Sinh như là tâm điểm cho mọi hoạt động và suy tư của mình. Đức Giêsu không phải là một mớ thông tin mà ta đã thu thập được trong những giờ học giáo lý hay qua những bài giảng, bài kinh nhưng là một con người đang sống giữa chúng ta và sống trong ta để ta có mối tương quan mật thiết với Người. Để hiểu trọn vẹn về một con người đang sống, ta không phải chỉ cần thông tin mà còn phải gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và nếu cần, có thể hoà nhập thành một trong nhau “để tôi sống không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20) như thánh Phaolô cảm nghiệm…

Sống trong một đất nước mà người dân có nhiều tính cách đối nghịch vừa tìm tòi khoa học và coi trọng kỹ thuật, vừa chạy theo những bùa phép với những tác động mê tín dân gian, ta cần phải trở lại với Đức Kitô và hoà nhập thành một với Người để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng ta (x. Mc 16,16-20). Đó cũng là một trong những chìa khoá thành công của anh em Giáo hội Ngũ Tuần khi họ gắn bó với Đức Kitô và thở được Thần Khí của Người.

Sống trong một châu lục với nhiều dân tộc có các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, ta cần trở lại với Đức Kitô để thấy Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Cha trên trời muốn cứu độ tất cả con cái mình nên đã ban Người Con Một cho chúng ta và Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Đức Kitô đến với mọi người cũng như không ngừng nói trong các tôn giáo (x. Tuyên ngôn của CĐ. Vat. II, Nostra aetate, số 1; Giáo hội tại châu Á, số 15, 18). Học lại thái độ khoan dung của Đức Kitô, ta sẽ biết phân biệt những hình thức mê tín dị đoan đồng thời biết đánh giá đúng các nghi thức phụng vụ, lời kinh và cách sống của những người không cùng tôn giáo với mình, thậm chí ngay trong việc trừ ma diệt quỷ của họ (x. Mc 9,39-40).

Trở lại với Đức Kitô ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm Nhập Thể luôn gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thế để can đảm dấn thân vào xã hội trần thế hôm nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth, đã đi vào dòng lịch sử con người, đã đón nhận những yếu tố của vũ trụ vật chất qua thân xác của mình. Người đã đưa tính cách tuyệt đối, vĩnh hằng, thánh thiện, vô cùng của Thiên Chúa vào trong cái tương đối, nhất thời, tội luỵ, hữu hạn của con người và vũ trụ để từ nay tất cả đều được biến đổi và thần hoá. Từ đấy, mỗi con người đều có giá trị vô song dù họ già nua, tàn tật, xấu xa đến đâu chăng nữa. Từ đấy, mỗi công việc đều có giá trị vĩnh hằng, đem lại ơn cứu độ dù nó chỉ kéo dài một vài giây như nụ cười, dù có vẻ tầm thường như các chậu quần áo ta giặt mỗi ngày, dù có vẻ nhơ bẩn như làm vệ sinh, rửa mặt, đánh răng mỗi bữa.

Trở lại với Đức Giêsu Kitô để thấy rằng qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, thì con người trở thành con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội để tập trung mọi cố gắng lo cho hàng tỷ con người trong vùng đất châu Á, nhất là những con người nghèo khổ, yếu kém, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như Đức Giêsu đã tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ cho con người.

Trở về với Đức Giêsu cũng có thể là lời kêu gọi các người có trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất trở về với tinh thần nghèo khó thật sự của Người. Những ngôi nhà thờ đồ sộ, những tu viện to lớn với cách bày trí sang trọng, sừng sững giữa các túp lều tranh rách nát, mái tôn han rỉ, cống nước thải lộ thiên trong một số miền ở Việt nam cũng như ở châu Á có thể trở thành những pháo đài kiên cố khiến người ta ngại ngùng không dám tìm gặp Đức Kitô ở đó. Những buổi lễ phụng vụ dài lê thê, với hàng chục ngàn tín hữu tham dự, ngồi bó gối bất động hay đứng chật như nêm cối giữa trời nắng cháy da hay mưa phùn gió bấc để đón tiếp một vị chức sắc quan trọng nào đó, có thể làm cho người chưa tin đạo cảm thấy sợ hãi trong cách diễn tả lòng sùng kính, tôn thờ.

Những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người trong các đại hội Thánh Thể, hay Đại hội Thánh Mẫu ở La Vang, Lộ Đức, Tà Pao, trong đó mỗi người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng, trong khi học sinh vẫn còn thiếu lớp, thiếu trường, trong khi nhiều bệnh nhân chưa cầm được bát cháo giúp đỡ thì có khi ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của chúng ta đối với Chúa và Đức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn và thật sự bác ái hơn chăng? Nói như thế không phải là chúng tôi có ý bài bác lòng sùng đạo bình dân nhưng chỉ mời gọi để người tín hữu suy nghĩ để tình bác ái được diễn tả theo đúng sự thật của đất nước, của dân tộc và gia đình nhân loại như ĐTC Bênêđictô mời gọi trong thông điệp Caritas in veritate (ngày 29-6-2009) của ngài.

Lời kết

Có lẽ còn rất nhiều điều, nhiều việc trong nếp sống đạo của người tín hữu ở Việt Nam cũng như ở châu Á cần được nhận định và sửa đổi lại dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô để biểu lộ được sự thật, sự sống và tình yêu của Người cho các dân tộc đang sống quanh mình. Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người tìm đến với Đức Kitô không phải chỉ qua những nghi lễ trang trọng, việc bác ái từ thiện của người tín hữu nhưng họ gặp được nguồn của tình yêu hạnh phúc, của chân thiện mỹ là chính Đức Kitô khi các Kitô hữu tìm về với Người và xuất phát lại từ Người.

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn nghĩ thế nào về kết quả truyền giáo tại Việt Nam? Bản thân bạn đã loan báo Tin Mừng như thế nào? Kết quả cụ thể ra sao? Bạn có kinh nghiệm truyền giáo nào muốn chia sẻ?

2. Theo bạn, muốn xuất phát lại từ Đức Kitô, người tín hữu chúng ta cần phải làm gì?

3. Bạn nghĩ mình có thể làm gì để tăng thêm sự hiểu biết đúng đắn và có hệ thống về Đức Kitô?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
(dongten.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN A (Mt 22, 34-40)



MỘT CẶP SONG SINH

Những người thuộc phái Hêrôđê đã thất bại về việc gài bẫy Chúa Giêsu là phải nộp hay không nộp thuế cho Xêda; những người thuộc phái Sađốc cũng đã thất bại khi chất vấn Ngài về sự sống lại; lần này, những người Pharisiêu lại họp nhau lại, và cử một người thông luật trong nhóm đến hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất"? Chúa Giêsu đã trả lời với người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".


Như thế giới răn thứ nhất, trọng nhất là yêu Chúa, giới răn thứ hai cũng trọng nhất giống như giới thư nhất là yêu người. Giới răn thứ hai trực tiếp và nhất thiết phải theo sau, đi liền với giới răn thứ nhất. Tách biệt ra là què quặt, thiếu sót, chưa trọn vẹn.


Yêu Chúa, yêu người giống như một cặp song sinh; có bé sinh trước , có bé sinh sau, nhưng cả hai đều sống chung trong cùng một bào thai. Cả hai giống nhau như đúc; nhìn anh, tưởng là em và nhìn em tưởng là anh.


Nhưng trong thực tế, chúng ta lại có khuynh hướng tách biệt ra làm hai.


Phần đông, chúng ta cho rằng yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn là quan trọng nhất, là thiết yếu cho phần rỗi của mình mà không cần biết đến việc yêu thương người khác.


Lại có những người tận tụy hết mình làm việc phục vụ đồng loại chỉ để có được một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng lại không nghĩ gì đến việc yêu, tôn kính Chúa và cầu nguyện với Ngài.


Cả hai, chỉ mới thực hiện được một nửa giới răn yêu thương của Thiên Chúa.


Chúa Giêsu đã hướng dẫn chúng ta sống trọn vẹn Tin Mừng: là vừa phải yêu mến Thiên Chúa và vừa phải yêu mến đồng loại như chính mình.


Trong tình yêu Thiên Chúa, có tình yêu đồng loại, có đối tượng tha nhân; và trong tình yêu đồng loại, có tình yêu Thiên Chúa, có hình ảnh Thiên Chúa.


Trong sách Cổ Học Tinh Hoa có kể lại câu chuyện: Ất, Giáp tranh luận của Âu Dưong Tử như sau:


Giáp hỏi Ất: Đúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi. Lấy dùi đánh chuông, chuông kêu boong boong, thế thì tiếng kêu ấy là do gỗ kêu hay đồng kêu?


Ất đáp: Lấy dùi gõ vào vách tường, không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu là ở nơi đồng.


Giáp hỏi: Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh, không kêu; thế thì có chắc tiếng kêu ở đồng mà ra không?


Ất đáp: Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu từ các đồ vật rỗng mà ra.


Giáp lại hỏi: Lấy gỗ, lấy bùn làm chuông, đánh không ra tiếng, thế thì có phải tiếng kêu ở vật rỗng mà ra không?...


Tình yêu Thiên Chúa tác động vào tình yêu tha nhân nơi mỗi người chúng ta giống như dùi chuông tác động vào chuông để phát ra tiếng "binh boong yêu thương trọn vẹn của Tin Mừng". Tình yêu Thiên Chúa gặp phải một tình yêu tha nhân khô cứng, lạnh nhạt thì cũng giống như lấy dùi mà gõ vào vách tường, không có gì ngân vang. Gõ vào chuông thì kêu, thế thì tiếng kêu là ở đồng, nhưng nếu Tình yêu Thiên Chúa gõ vào tình yêu đồng loại khép kín, vị kỷ, thì khác nào gõ vào một cục đồng đặc, không vang được tiếng yêu thương. Hay do rỗng mà chuông kêu? Tình yêu đồng loại khoác lác, phô trương, giả nhân giả nghiã thì cũng giống như chuông rỗng làm bằng gỗ, bằng bùn, không vang lên được tiếng ngân nga yêu thương. Chỉ khi lấy dùi gõ vào chuông làm bằng đồng, rỗng, tiếng chuông mới ngân vang. Khi tình yêu tha nhân rộng mở, vị tha, bác ái như chuông bằng đồng, rỗng, kết hợp với Tình yêu Thiên Chúa, sẽ ngân nga tiếng chuông yêu thương trọn vẹn như Chúa đã muốn.


Chỉ nói đến hai đối tượng của yêu thương là Thiên Chúa và con người mà thôi, chưa đủ. Chúng ta còn bỏ sót một đối tượng thứ ba nữa, đó là đối tượng chính mình: hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi.


Yêu Chúa, yêu mình, yêu người. Yêu nào dễ, yêu nào khó?


Có lẽ yêu chính mình dễ nhất chăng! Nhưng thế nào là yêu mình? Có phải yêu mình là muốn cho người khác khen tặng mình tài ba, là giàu sang, là đẹp người đẹp nết, là muốn mọi người chú ý đến mình!..Như thế đã phải là yêu mình chưa hay chỉ là những biểu hiện của ích kỷ, khoe khoang! Yêu mình đích thực là cố làm sao cho mình chưa tốt thì nên tốt hơn, chưa được người khác quí mến thì làm cho người khác quí mến hơn, chưa tài ba thì cố gắng thăng tiến để tài ba hơn…. Yêu mình như thế không phải là những biểu hiện ích kỷ mà là thăng tiến. Yêu mình như thế đâu phải dễ!


Yêu Chúa xem ra dễ thực hiện hơn; vì Chúa là Đấng toàn năng quyền phép đáng cho chúng ta phục tùng, tôn thờ và yêu mến. Nhưng trong tình yêu Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta đã thực sự yêu vô vị lợi chưa hay yêu Chúa vì mình? Yêu Chúa để mong được rỗi linh hồn, được lên Thiên Đàng, được Chúa đoái thương ban cho nhiều ân phúc …! Yêu như thế mà sao bảo là không vụ lợi!


Còn yêu tha nhân thì sao? Đây mới là cái khó yêu. Yêu người buộc phải thiệt thòi, phải hy sinh , bác ái…. Yêu người như một kẻ trên ban ơn, bố thí cho người yếu thế hơn để tỏ ra mình quảng đại, giàu lòng từ tâm thì dễ; nhưng yêu người như yêu chính mình mới là cái khó. Chúng ta có yêu thương tha nhân như chúng ta muốn tha nhân yêu chúng ta không? chúng ta có tha nợ cho người khác như chúng ta muốn người khác tha nợ cho chúng ta không?...


Nói tóm lại, "Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà không yêu tha nhân , đó là người nói dối"; và ai nói yêu thương tha nhân như chính mình mà không làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình, thì cũng không nói thật vậy!


Lm. Trịnh Ngọc Danh
(thanhlinh.net)

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI ĐÃ CỨU RỖI BÀ CỤ 98 TUỔI

Tràng chuỗi Mân Côi cứu rỗi bà cụ 98 tuổi

Trong tháng mười, Tháng Mân Côi, các Kitô hữu khắp nơi trên thế giới đã hằng ngày sốt sắng dâng lên Mẹ Maria Tràng Chuỗi Mân Côi, những lời Kinh mà chính Thiên Chúa Cha đã truyền cho Sứ Thần Gabriel công bố, để tỏ lòng tôn sùng và biết ơn Mẹ. Vâng, vì đức tin mạnh mẽ và lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối của Mẹ vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, Mẹ đã thưa "xin vâng", Mẹ đã hoàn toàn tự nguyện hy sinh cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Nhờ thế, Ngôi Hai Thiên Chúa mới có thể nhập thể làm người và cũng nhờ thế, toàn thể nhân loại mới được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu rỗi.

Dĩ nhiên, mục đích chính và trực tiếp của Kinh Mân Côi là nhằm tôn thờ Đức Kitô, chứ không phải Mẹ Maria. Vì khi đọc Kinh Mân Côi, các tín hữu suy ngắm 20 mầu nhiệm cuộc đời cứu thế của Đức Kitô – 5 Sự Vui, 5 Sự Sáng, 5 Sự Thương và 5 Sự Mừng – mà trong đó Mẹ Maria giữ một vai trò trọng yếu, mang tính cách quyết định, họ sẽ khám phá được tình yêu vô biên của Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Kitô, Con Một của Người. Và chính sự tôn thờ Thiên Chúa, lòng biết ơn và cảm tạ Đức Kitô qua Kinh Mân Côi của các tín hữu là chính sự tôn vinh làm đẹp lòng Mẹ Maria nhất, vì mục đích duy nhất đời Mẹ là tôn thờ và làm sáng danh Thiên Chúa. Đàng khác, Kinh Mân Côi là lời kinh được bắt nguồn trong Kinh Thánh.

Trong Tông thư Marialis Cultus thời danh của Ngài, ĐTC Phaolô VI khẳng định rằng: "Tràng chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Phúc Âm" và ĐTC Gioan Phaolô II còn cụ thể hơn: "Thực ra việc lần hạt Mân Côi không gì khác hơn là cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Thánh Nhan Đức Kitô". Bởi vậy, chính ĐTC Gioan Phaolô II đã đánh giá: "Kinh Mân Côi là một lời kinh đơn sơ, nhưng đẹp và sâu xa nhất". Còn nhà thần học Karl Rahner thì nhận định rằng: "Kinh Mân Côi là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất, dẫn chúng ta tới cùng Thiên Chúa". Nói cách khác, Kinh Mân Côi là con đường chắc chắn dẫn tới sự cứu rỗi. Suốt dòng lịch sử trên 2000 năm của Giáo Hội đã minh nhiên chứng nhận điều đó. Ở đây chúng tôi xin trích câu chuyện kể có thật của cha Gereon Goldmann OFM, một nhà truyền giáo lâu năm tại Nhật Bản như sau:

Tại khu ngoại ô "Cầu Gỗ" của thủ đô Tokyo có khoảng 500.000 dân sinh sống và trong số đó có vài ba trăm tín hữu Công Giáo thuộc giáo xứ St. Elisabeth. Khu ngoại ô "Cầu Gỗ" vốn được coi là một trong những khu phố nghèo nhất của thủ đô Tokyo rộng lớn với dân số 13 triệu người. Khắp khu ngoại ô này hầu hết các nhà đều làm bằng gỗ và thấp nhỏ. Khu ngoại ô này là cả một viện dưỡng lão khổng lồ, được chăm sóc về mặt y tế một cách khá chu đáo. Trong số các vị cao niên sống ở đây, mà đa số đã phải nằm liệt giường từ nhiều năm hay từ hằng chục năm rồi, có một số nhỏ là người Công Giáo.

Hàng tháng tôi đến thăm các ông bà cụ người Công Giáo và mang Mình Thánh Chúa cho họ hai lần. Một hôm vào khoảng 2 giờ sáng máy điện thoại nhà tôi reo. Đó là cú điện thoại của cô y tá điều dưỡng trực, cô báo cho tôi hay là tôi phải đến gấp, vì ở ngôi lều số 8 có người đang hấp hối và rất mong muốn gặp tôi.

Thế là tôi lấy xe máy và mang theo dầu thánh chạy đến viện dưỡng lão ngay lập tức. Người canh cổng quen biết tôi nên liền mở cổng cho tôi vào. Cô y tá điều dưỡng cũng đã chờ tôi sẵn ở lối vào. Tôi liền hỏi cô người hấp hối nằm ở đâu và tôi cứ đinh ninh là một ông cụ người Công Giáo mà tôi thường đến thăm viếng. Nhưng cô y tá trả lời: "Không phải ông cụ người Công Giáo muốn gặp cha, nhưng là một bà cụ khác". Nghe cô y tá nói, tôi cứ tự thắc mắc mãi, vì theo tôi biết thì tại ngôi lều số 8 đâu có bà cụ già nào là người Công Giáo. Cô y ta dẫn tôi tới giường một bà cụ mà trước đây mỗi lần tôi tới viện dưỡng lão bà đều đăm đăm nhìn tôi như muốn trao đổi với tôi điều gì đó.

Nhìn bà cụ tôi đoán biết bà không thể qua được, tuy nhiên bà cụ vẫn còn đủ sức nói chuyện rất rõ ràng, dù rằng bà chỉ nói một cách chậm rãi mà thôi. Từ trên 80 năm qua, bà cụ luôn cầu xin Chúa cho bà trước khi chết được gặp một Linh mục Công Giáo và hôm nay tôi là một Linh mục Công Giáo đang đứng trước mặt bà.

Tôi liếc nhìn tấm bảng ghi tên tuổi của bà cụ treo ở đầu giường, tôi biết được bà cụ đã 98 tuổi. Tôi liền hỏi bà là tại sao bà lại muốn gặp vị Linh mục Công Giáo. Sau một lúc lâu với những câu nói cắt quảng, bà cụ kể tiểu sử đời bà. Bà từng là một nữ học sinh của một trường Công Giáo. Tại trường bà đã được một nữ tu dạy trong suốt ba năm trời. Và khi bà 17 tuổi bà đã được chịu phép Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Bà nói: "Con đã được nhận lãnh Nước Thánh và tiếp sau đó là Bánh Thánh của Chúa".  Nhưng sau đó, bà lập gia đình, và theo truyền thống xưa kia ở Nhật thì việc lập gia đình là do gia đình dàn xếp, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Và chồng bà là một thầy Sãi coi giữ một ngôi chùa ở trên miền núi cao hẻo lánh. Thế là bà phải sống trong ngôi chùa, hằng ngày lau dọn trong chùa, chăm sóc các ngôi mộ và trong ngày cầu siêu cho các vong linh bà phải chu tất công việc hương khói. Chồng bà biết bà là người Công Giáo nên ông vẫn để bà được tự do đi nhà thờ, nhưng ở khắp miền đó không hề có ngôi nhà thờ nào cả. Và sau đó bà sinh con, nhưng chẳng bao giờ bà có thể đi nhà thờ được. Và cuộc đời bà cứ trôi qua như thế trong suốt 70 năm trời. Sau đó, lần lượt chồng bà và tất cả các con bà đều qua đời, và một vị Sư khác đến trụ trì ngôi chùa nên bà bó buộc phải rời bỏ ngôi chùa và đến ngụ tại viện dưỡng lão này.

Tôi hỏi bà là trong bao nhiêu năm dài như thế có khi nào bà nghĩ đến Thiên Chúa của các Kitô hữu không thì bà đăm đăm nhìn tôi một cách lạ thường và cố sức đưa cánh tay phải khẳng khiu ra khỏi tấm mền đang đắp trên người bà, giơ lên cho tôi xem Tràng chuỗi Mân Côi bà đang cầm trong tay. Bà nói: "Trong bao nhiêu năm trời, chưa một ngày nào mà con không mang Chuỗi tràng hạt Đức Bà trên người, hoặc con cầm trong tay hay bỏ trong túi, hằng ngày và nhiều lần trong ngày con đã lần hạt Mân Côi. Con đã hằng ngày lần hạt Mân Côi cầu Chúa cho con trước khi chết được gặp một vị Linh mục Công Giáo để ngài mang cho con Bánh Thánh của Chúa.“

Nói xong, bà cụ bắt đầu cầu nguyện. Bà đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng Maria. Trong khi bà cụ cầu nguyện như thế thì tôi liền ban Bí tích Xức Dầu cho bà, vì xem chừng sự sống của bà không còn kéo dài bao lâu nữa, chỉ còn được tính bằng phút bằng giây mà thôi. Quả thật, khi tôi chưa hoàn tất các nghi thức Xức Dầu, thì bà cụ trong khi đang lâm râm cầu nguyện Tràng chuỗi Mân Côi đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trong an bình. Chắc chắn linh hồn bà đã được Mẹ Maria sai các Thiên Thần đón về Trời để thưởng công cho lòng chung thủy gắn bó của bà với Mẹ qua Tràng chuỗi Mân Côi.

Câu chuyện bà cụ già người Nhật Bản trên đây đã hùng hồn khẳng định rằng "chưa hề có ai cầu khẩn Mẹ Maria mà Mẹ không nhận lời và để ra về tay không". Vâng, Mẹ Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên sót bất cứ ai luôn gắn bó với Mẹ bằng Tràng chuỗi Mân Côi. Mẹ sẽ cứu vớt họ khỏi bị hư mất đời đời. Lời hiệu triệu năm xưa của Mẹ tại Fatima "Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi" vẫn còn vang vọng mãi trong mọi tâm hồn.

"Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen"

( Trích trong: Die schönsten Mariengeschichten, Heft 16, Miram-Verlag Jestetten)


Lm Nguyễn Hữu Thy
(vietcatholic.net)

LẼ SỐNG 18.10

18 Tháng Mười
Lòng Ðầy Miệng Mới Nói Ra

Người ta thường bảo: "Lòng đầy miệng mới nói ra" hay "Văn tức là người". Hai câu nói này có thể áp dụng rất đúng vào vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay: thánh Luca, thánh sử.

Chúng ta không có được những sử liệu để biết về cuộc đời của thánh Luca ngoài danh hiệu thánh Phaolô nói về ngài: "Luca, vị y sĩ rất thân mến của chúng tôi...". Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu về con người của thánh Luca qua hai tác phẩm ngài biên soạn, nhất là qua sách Phúc Âm, thường được trao tặng những biệt hiệu sau đây:


1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Lòng Thương Xót: Thánh Luca đặc biệt nêu bật lòng ưu ái và sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đối với những tội nhân và những kẻ đau khổ. Ngài luôn mở rộng đôi tay để đón nhận họ: những người xứ Samaria, những kẻ bị bệnh phong hủi, những người thu thuế, những kẻ phạm tội công khai, những người nghèo cũng như các mục đồng thất học.


Ngụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình, về một con chiên lạc, một đồng tiền bị đánh mất, về đứa con hoang đàng và người trộm lành chỉ được ngòi bút của thánh Luca ghi lại rất linh động và xúc tích.


2. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Ơn Cứu Rỗi phổ quát và đại đồng: Chúa Giêsu dang rộng đôi cánh tay, chết treo trên thập giá là cho tất cả mọi người. Trong luồng tư tưởng này, thánh Luca ghi lại gia phả của Chúa Giêsu ngược lại đến nguyên tổ Ađam chứ không phải chỉ ghi lại Chúa Giêsu là con vua Ðavit, con ông Abraham như thánh sử Matthêu. Và trong lúc Chúa Giêsu hoạt động rao giảng Tin Mừng, nhiều người dân không phải là Do Thái cũng được Ngài ân cần tiếp đón và thi ân.


3. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của những người nghèo, trong đó những người đơn sơ, nhỏ bé, đóng một vai trò quan trọng, như: ông Giacaria và bà Ysave, Ðức Maria và thánh Giuse, những người mục đồng, ông Simêon và bà góa Anna.


4. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của sự cầu nguyện và của Chúa Thánh Thần: Luca thường mở đầu đoạn Phúc Âm với lời ghi nhận: "Chúa Giêsu đang cầu nguyện" và Thánh Thần mang Giáo Hội đến chỗ hoàn hảo cuối cùng.


5. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui: thánh Luca thành công trong việc phác họa hình ảnh Giáo Hội sơ khai tràn đầy niềm hân hoan vì cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ơn Cứu Rỗi.


Mừng lễ kính thánh Luca, chúng ta hãy cùng nhau đọc đoạn cuối của Phúc Âm, gồm những dòng có thể so sánh như chiếc gạch nối liên kết sách Phúc Âm với sách Tông Ðồ Công Vụ để diễn tả một sinh hoạt rất quan trọng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Kitô: "Ðoạn Chúa dẫn các môn đệ đi về phía làng Bêtania. Chúa giơ tay chúc phúc cho họ. Ðang khi Chúa phán, Chúa rời khỏi họ mà lên trời. Các môn đệ thờ lạy Chúa rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hân hoan. Họ có mặt luôn luôn trong đền thờ để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa".


Dõi theo gương của các môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn dâng lời ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

LẼ SỐNG 17.10

17 Tháng Mười
Lòng Nhân Từ Cảm Hóa

Dưới tựa đề "Lòng nhân từ cảm hóa", người ta thuật lại một câu chuyện như sau:

Một bà mẹ kia lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ nữa, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: "Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. Hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố dối diện với chúng ta. Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa".

Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mà mẹ anh ta yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.

Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: "Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu".

Chàng thanh niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.

Chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.

Chúng ta đã đi nửa đoạn đường của tháng Mân Côi, đây là khoảng thời gian chúng ta âu yếm dâng lên Mẹ Maria những tràng chuỗi Mân Côi với hàng triệu lời chào: "Kính Mừng Maria, đầy ơn phước". Nhưng, ước gì xen lẫn với những lời kinh tiếng hát, chúng ta cũng biết lắng nghe những lời Mẹ khuyên qua những mầu nhiệm thuật lại các biến cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.

Chú tâm nghe lời Mẹ khuyên nhủ, chắc chắn qua mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Vui: "Ðức bà đi viếng thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu người". Mẹ Maria, cũng như bà mẹ trong câu chuyện trên, cũng muốn nhờ chúng ta làm cho Mẹ một chuyện: đó là hãy thể hiện lòng yêu người qua những hành động cụ thể để tinh thần phục vụ Mẹ đã thể hiện qua sự giúp đỡ bà chị họ Ysave cũng được con cái Mẹ tiếp tục làm lại.

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

LẼ SỐNG 16.10

16 Tháng Mười
Xin Cho Chúng Con Lương Thức Hằng Ngày

Hôm nay là ngày quốc tế về lương thực do tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc đề xướng.

Nói đến lương thực, có lẽ tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến cái đói trên thế giới.

Ðói không chỉ là một trạng thái cần ăn uống, nhưng được các chuyên viên về thực phẩm và sức khỏe định nghĩa như là một tình trạng thường xuyên của một người không đủ ăn để có thể có một cuộc sống lành mạnh. Danh từ chuyên môn thường được dùng để chỉ tình trạng này là dưới mức dinh dưỡng. Nạn nhân dễ thấy nhất của tình trạng này là các trẻ em của những nước nghèo.

Mỗi năm người ta tính có đến 15 triệu trẻ em chết vì nhiều nguyên do có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mỗi ngày, trên khắp thế giới, có khoảng 40 ngàn trẻ em chết vì đói. Số người chết vì đói ăn cũng tương đương với số thương vong nếu cứ ba ngày có một trái bom hạt nhân được ném xuống một vùng đông dân cư.

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến nạn đói kém. Người ta cho rằng nguyên nhân chính nằm trong chính sách kinh tế, chế độ chính trị, xã hội. Nhưng tựu trung, căn rễ sâu xa nhất vẫn là sự ích kỷ của con người. Nếu một phần mười những người giàu có trên thế giới biết san sẻ cho những người nghèo, thì có lẽ thế giới này không còn có những trẻ em chết đói mỗi ngày nữa. Nếu ngay cả trong một quốc gia, người ta biết dùng tiền bạc để mua cơm bánh cho con người hơn là đầu tư vào khí giới, thì chắc chắn sẽ không còn cảnh người chết đói nữa.

Tại một vài quốc gia kỹ nghệ đang chuyển mình để bước vào cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ ba, người ta thường nói đến kỷ nguyên điện toán, thụ thai trong ống nghiệm... Thế nhưng, tại rất nhiều nơi trên thế giới, mỗi ngày vẫn có đến 40 ngàn trẻ em chết vì đói ăn... Thế giới của chúng ta quả là một nhân thể bệnh hoạn. Một nơi nào đó trong cơ thể, một số bộ phận phát triển một cách dư dật, một nơi khác, nhiều cơ phận đang chết dần chết mòn vì thiếu tiếp tế.

Có lẽ nhân loại chúng ta không chết đói cho bằng vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loại. Những người dư dật nhưng không biết san sẻ cũng là những người đang chết dần trong ích kỷ. Con người cần có cơm bánh để sống đã đành, nhưng con người cũng cần có tình thương để tồn tại. Kẻ đón nhận tình thương cũng được sống mà người san sẻ tình thương cũng được sống.

Chúng ta phải làm gì để được sống? Dĩ nhiên, chúng ta phải có đủ cơm bánh hằng ngày. Nhưng câu trả lời mà mỗi người Kitô phải tự nói với mình là: để được sống, tôi cần phải làm cho người khác được sống. Ðó là sự sống đích thực của chúng ta. Bởi vì ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.

Trích sách Lẽ Sống

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIX TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm A.
Cha Chánh Xứ dâng lễ.
Ca đoàn Cécilia hát lễ.


Hữu Toàn.